KHÍ PHÁCH NGƯỜI MIỀN NAM
Thân trong tù mà vẫn dõng dạc lớn tiếng vì Tự Do - Nhân đạo - Nhân quyền
Mồng 4 Tất năm Đinh Tị 77, trại tù số 1 Lào Cai họp khẩn cấp. Viện trưởng trại giận dữ tuyên bố: “Đêm qua có hai người toan trốn trại, hiện đang bị nhốt trong phòng “kỷ luật”. Ở đây các anh đừng hòng tính chuyện ấy, chỉ thiệt thân mà thôi .Rừng núi ở đây không thể dung dưỡng các anh. Dân quân du kích chung quanh không để các anh trốn thoát. Đó là chưa kể hệ thống an ninh trại không dễ gì vượt qua”.
Trở về phòng giam, nghe tiếng chó sủa rộ, nhìn lên sườn đồi sát trại, bầy chó săn hung dữ đang thao diễn rượt đuổi tù trốn trại: Một cảnh đe dọa, trần áp đây “khí thế”.
Người hùng Thủy quân Lục chiến: Thiếu Tá Tôn Thất Thiện Nhơn
Một tháng sau, người hùng vượt ngục đầu tiên trên đất Bắc, được đưa về đội xẻ “tăm mành” tức là chẻ que nứa xuất khẩu sang Nhật Bản để đan mành cửa. Người hùng tóc râu phủ đầy mặt, lắc lê bước thấp bước cao, vì gót chân bị cùm cứa đứt. Vậy mà chỉ hơn tháng sau anh lại cho “nổ”” một màn đầy hùng tráng và ngoạn mục. Một buổi sáng mùa hè, bỗng dưng cai tù cho ngưng công việc, mở cuộc học tập đột xuất ngay tại phòng giam. Mở đầu, sau cái láy mắt của viên cai ngục, tên Q., một tên chỉ điểm hèn mạt và đáng khinh ghét nhất trong đội, liền đứng lên phát biểu ý kiến: “Nhờ ơn Bác, Đảng nuôi cho “ăn học” tử tế, nhà cao cửa rộng, ăn mặc no đủ mà đây lại có người phát ngôn bừa bãi, phản động”.
Lập tức anh T3 Nhơn đứng xô dậy, dang tay chỉ thẳng vào mặt tên Q. này (xin đọc là Cu cho đáng bỏ ghét) la lớn: “Đồ bợ đít, ngồi xuống câm miệng lại, không thôi tao đấm vỡ mồm. Ơn Bác Đảng hả? Không! Tao không ơn mà tao thù, tao oán. Cũng chỉ Bác Đảng mà thân tao thì tù tội, nhà tan cửa nát, vợ con ruồng bỏ. Còn nhà cao cửa rộng hả? Xem kìa, phòng giam chật hẹp nóng bức như hoả lò địa ngục. No đủ hả? Xem đây, thân hình tiều tụy, rách rưới tả tơi. Không! Đồ bợ đít láo xược!”
Viên cai tù liền đứng bật lên…gấp bước “dong” thẳng một đường, chuồn ra khỏi khu phòng giam vì lúc này y không có võ trang. Mà cho dù có đeo khẩu súng lục nho nhỏ đi nữa cũng không dám ngồi lại, trước khí thế bừng bừng do người hùng TQLC thổi bùng lên.
Tôi cũng có một kỷ niệm “lên ruột” với người hùng này. Chẳng là tôi có “vinh dự” trùng tên với anh, mà mấy “cọng antenne” vì làm việc hèn mạt nên lấp lém không phân biệt. Một buổi sáng, khi cả trại đang tập trung chờ ra cổng đi lao động, thì “lưỡng Nhơn” được lệnh ra ngồi riêng, chờ lệnh .Lát sau, cả hai “quan Nhơn” được cai tù, có lính võ trang tiền hô hậu ủng trở về phòng giam, lục tung đồ đạc tra xét: Nhơn này thì cất giấu một bọc khoai lang sấy khô. Nhơn kia có một gói muối bằng nắm tay. Vậy là rõ nhé, hai Nhơn ta cấu kết toan trốn trại đấy nhé! Nhưng rồi tiền hung, hậu kiết, chúng tôi được một ngày nghỉ khỏe, vì Nhơn kia bị cùm đã nhiều mà vẫn trơ trơ, nên không cùm nữa mà làm chi. Còn Nhơn nầy thì yếu đuối quá chắc không trốn nỗi.
Về sau, trước khi Trung Cộng đánh vào sập trại số 1 thì anh Nhơn đã được di chuyển về trại Hà Nam Ninh. Ở đây, nghe nói anh cũng đã vượt ngục nhiều lần đều bị bắt lại. Cuối cùng được một nữ công nhân địa phương cảm thương, cứu cho trốn thoát. Cầu mong cho anh Nhơn đã đến được bến bờ Tự Do.
Chiến sĩ Nhân quyền: Đại Uý Bình, Cảnh Sát Quốc Gia
Tôi lúc ấy đau yếu hầu như liệt nhược nên rất tiếc không nghe rõ đầy đủ tên họ anh. Dẫu sao, chỉ ghi như trên để xem anh như là “người tiêu biểu xứng đáng” cho tập thể quân chính miền Nam, tưởng cũng đủ nghĩa.
Một buổi chặp tối, đội 12 “Rau xanh” ở trại Tân Lập được tiếp đón một hội viên mới . Anh Bình bước thấp bước cao, cà nhắc bước vào phòng giam. Anh đến đây từ phòng biệt giam sau 1 tháng bị cùm chân, nên như thường lệ nhượng chân bị cùm ăn khuyết. Được biết, anh Bình đã gan dạ phi thường, không chịu để tên công an coi tù nhục mạ, đã dơ cao cây cuốc toan thử xem “gáo dừa” của CA/VC có cứng bằng đất đá Trường sơn không. Chừng hơn tháng sau, anh lại cho nổ bung màn đấu tranh Nhân quyền đầy bi tráng.
Lúc nầy ở bên ngoài VC đang phát động chiến dịch gọi là “Chống tiêu cực trong sản xuất” tức là chống lại nông dân, vì đói khát làm việc thì ít mà ăn cắp thì nhiều. Ở đây bọn cai tù dốt nát cũng rập khuôn y chang, bắt tù nhân học tập. Buổi tối mùa đông năm 80, trong lúc anh em đang trùm kín chăn chiếu toan đi ngủ thì viên đội trưởng gọi dậy ngồi nghiêm chỉnh để học tập. Anh nầy tuyên bố đề tài học tập là “Chống tiêu cực trong sản xuất” theo lệnh cán bộ. Lập tức, anh Bình giơ tay xin phát biểu ý kiến. Tên đội trưởng có vẻ hý hửng, chắc đinh ninh là anh Bình mới từ phòng biệt giam ra muốn “lập công đái tội” nên liền cho anh Bình nói. Anh Bình dõng dạc tuyên bố: “Ở đây là tù tội! Tội lập lại, ở đây là tù tội, hơn nữa là tù khổ sai. Tất cả đều bị cưỡng bức lao dịch khổ sở. Là tù nên không một ai có ý chí tự do. Vậy đâu có tự nguyện, tự giác mà nói cái chuyện tiêu cực hay tích cực được. Ở đây nếu cần nói là nói chuyện nầy: Vấn đề Nhân quyền, Nhân đạo. Chế độ lao tù này có tôn trọng nhân phẩm con người hay không? Hay chỉ đày đọa, đói khát, bệnh tật và chết chóc nhằm mục đích trả thù?” Viên đội trưởng hoảng quá, vội cắt đứt không cho anh Bình nói nữa.
Ngày nay, ở Hoa Kỳ nầy nói chuyện Nhân quyền là bình thường, có khi còn nhàm nữa. Thế nhưng đối với chúng tôi lúc ấy, giữa chốn địa ngục đầy đe dọa, hai tiếng thiêng liêng đó “nổ to” như sấm động giữa mùa đông.
Một ít lửa dành cho mai sau
Ngày nay lớp người kể trên phần lớn đã già yếu lại thêm nhiều tật bệnh sau bao năm tù đầy gian khổ. Tuy nhiên hầu hết đều giữ được trong lòng “chút lửa thiêng sông núi Việt” dành chuyển lại cho thế hệ mai sau. Mong rằng được thế hệ sau gom góp lại, thổi bùng lên ngọn lửa Tự do, Dân chủ cho quê nhà.
Và như trên Đại Dương, “sóng sau đè sóng trước”, lớp trẻ ngày nay hãy mạnh dạn nương vào lớp sóng trước, vươn lên đập tan chế độ bạo tàn VC.
Nguyễn Nhơn
( Kỷ niệm Tháng Tư buồn)