1:56 CH
Thứ Ba
8
Tháng Mười
2024

BẠCH NGA - NGUYỄN KHẮP NƠI

22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 19916)

BẠCH NGA- NGUYỄN KHẮP NƠI

(Viết theo lời kể của một cựu học sinh trường trung học bán công Dĩ An. Thân tặng các bạn bè cùng lớp cùng trường, và nhất là để tưởng nhớ tới Bạch Nga, người bạn thân cùng chung lớp từ năm Đệ Thất 1965).

bachnga-large-content


Tôi quen Bạch Nga từ hồi 1965, khi cả hai đứa cùng học lớp Đệ Thất trường Trung Học Bán Công Dĩ An.

Dĩ An chỉ là một quận nhỏ của Biên Hòa, dân cư sống bằng nghề trồng lúa, trái cây và cung cấp nhân lực cho xưởng khai thác đá ở Núi Châu Thới, cho hãng dệt Vinatexco, cho lính Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Sóng Thần, cho căn cứ Không Quân Biên Hòa...

Dân của Quận Dĩ An thì đa số sống ở đó từ hồi cha sanh mẹ đẻ, nhưng học sinh của trường Bán Công Dĩ An (xin gọi tắt là trường Dĩ An) thì lại ở tứ xứ đổ về. Một phần là vì các bậc cha mẹ thường là lính, được thuyên chuyển nay đây mai đó, ở nơi nào thì cho con học trường gần nhà nơi đó, phần nữa là trường Dĩ An tuy là trường công lập, nhưng chỉ là một trường nhỏ ở nơi hẻo lánh, nên thi cử dễ đậu hơn. Học sinh đậu vào lớp Đệ Thất, chỉ cần học một thời gian ngắn rồi xin đổi về các trường công lập lớn ở Biên Hòa hoặc Sàigon dễ như không.

Trường Dĩ An nhận cả con trai lẫn con gái, gồm cả Đệ Nhất Cấp (từ lớp Đệ Thất tới Đệ Tứ, học vào buổi chiều) và Đệ Nhị Cấp (từ lớp Đệ Tam đến Đệ Nhất, học vào buổi sáng). Ngày đầu tiên nhận lớp nhận trường, bọn học trò chúng tôi đứng xếp thành hai hàng (con trai con gái đứng riêng) trước cửa lớp, con gái chúng tôi được cho vào lớp chọn chỗ trước, chúng tôi xí chỗ ngồi ngay dẫy bàn kế bên cửa ra vào (để dễ chạy ra ngoài mua quà vặt), bọn con trai đành phải chọn dãy bàn bên trong, vừa chật lại vừa tối.

Bàn học sinh là một cái bàn dài có ghế ngồi dính liền với bàn, mỗi bàn ngồi năm đứa. Sau khi an tọa ở bàn đầu, tôi mới nhìn quanh để cười làm quen với bốn cô bạn gái mới. Đứa con gái ngồi cạnh tôi cũng nhe răng ra cười trả lại tôi, hai má nó lúm hai cái đồng tiền, nhìn thật là giầu có (?), nó tự giới thiệu tên là Thụy Ái. Đứa ngồi kế nữa trông trắng trẻo xinh xắn có tên là Bạch Nga. Thúy Nga thì có vẻ tiểu thơ trong chiếc áo dài trắng, và Hồng Vũ thì cắt tóc ngắn giống như ca sĩ Phương Hoài Tâm.

Những ngày giờ học đầu tiên, chúng tôi chẳng học được gì nhiều, chỉ lo nói chuyện làm quen với nhau mà thôi, nhưng độ một tuần sau, khi đã quen biết với nhau rồi, chúng tôi mới trổ mòi nghịch ngợm, phá đám. Nếu những ai cho rằng bọn con gái chúng tôi mặc áo dài đi học thì chỉ đi qua đi lại thướt tha chứ đâu có chơi giỡn như bọn con trai mặc quần dài áo sơ mi là sai lầm lớn. Chúng tôi cũng có lúc đóng vai con gái đi tới đi lui vậy, nhưng đó chỉ là những lúc trước mặt thầy cô giáo và ông Hiệu trưởng mà thôi, còn thì chúng tôi cũng phá làng phá xóm lắm, nhất là trong giờ ra chơi. Giữa hai giờ học, trường nào cũng nghỉ từ mười lăm phút tới nửa tiếng rồi mới học tiếp. Những ngày đầu tiên, chúng tôi còn chơi những trò chơi của con gái, như là nhẩy dây, chơi cò cò. . . nhưng sau đó, chúng tôi chơi rượt bắt cứu bồ vui lắm. Áo dài có hai cái tà áo vướng víu không chịu được, chạy cứ bị té hoài, tụi tôi bực mình lấy hai vạt áo cột lại với nhau thành một nùi ở bên hông rồi bỏ guốc dép ở trong lớp mà đi chân đất chơi rượt bắt. Lúc đầu thì mạnh đám nào chơi với đám đó, con trai chơi riêng với nhau, con gái chơi riêng với nhau. Nhưng có một bữa trời mưa, tụi con gái sợ ướt áo, nên chỉ đứng nhìn đám con trai với nhau ngoài mưa. Thấy tụi nó chạy chậm rì hà, tụi tôi vọt miệng chê liền.

“Con gái tụi bay ốm nhom ốm nhách, chạy ba bước là hụt hơi rồi, sức mấy mà đòi bắt tụi tao”

Đám con gái tụi tôi bèn thách thức:

“Có ngon thì lát nữa giờ ra chơi, tụi bay chạy thử với tụi tao, coi đứa nào bị bắt cho biết. ”

Thế là buổi ra chơi hôm đó, tụi tôi chơi chung với nhau. Lúc đầu thì còn chia phe con gái với con trai so tài với nhau, sau đó, không biết đứa nào bầy đầu mà chúng tôi nhập lại mỗi phe đều có trai có gái để cùng chơi cho vui. Từ đó, chúng tôi có một nhóm chơi chung với nhau, gồm năm đứa con gái tụi tôi và năm đứa con trai nhập vô nữa, là Trung, Long, Khôi, Duyến và Hiền. Chơi với nhau buổi ra chơi chưa thỏa chí, tụi tôi còn rủ nhau đi học sớm đặng chơi cho vui, tới khi chuông reo tới giờ học mới chịu ngưng, đứa nào đứa nấy mồ hôi đổ ra đầy người, hôi rình chân tay dính đầy bụi, vừa đi vào lớp vừa đưa tay mở cái đống bùi nhùi ra, hai vạt áo dài nhăn nhó coi thiệt là thảm hại.

Một bữa, Trung bị bắt, phải ráng rượt theo một đứa mới nhập vào chơi chung, tên là Lỳ (thực ra, tên nó là Ly, nhưng khi làm khai sanh, không biết vì lý do nào mà người đánh máy lại thêm dấu huyền vào mà cả nhà không ai để ý. Tới khi ghi tên đi học, tên của nó thành ra Lỳ). Lỳ vừa chạy vừa quay đầu lại coi Trung đã tới đâu? Nhè một đứa khác nữa đang ở đằng trước chạy lại, đụng ngay vào Lỳ, làm con nhỏ xiểng niểng, té lọt luôn vào cái lu hứng nước mưa dưới mái trường, bể luôn cả lu nước, ướt hết cả quần áo. Lỳ tức quá, vừa khóc vừa quay lại cự nự Trung:

“Rược thì cũng rược từ từ, để người ta... còn có đường chạy chứ, làm cái gì mà rược tui quá trời vậy!”

Thầy Trần Anh, Hiệu trưởng, chạy tới, hỏi chuyện, phạt cho Trung hai cái thước vào bàn tay, cả hai đứa tiu nghỉu đi về lớp, làm cả bọn cũng kéo về theo, chấm dứt cuộc chơi.

Qua màn chơi rượt bắt, tụi tôi đổi qua chơi bắn dây thun. Đứa nào cũng thủ trong túi mấy sợi dây thun xé giấy làm đạn bắn nhau lia chia. Giờ Việt Văn, cô giáo đi tới từng bàn trả bài luận cho tụi tôi rồi lên bảng viết đề tài mới. Ai cũng biết là khi thầy cô quay mặt lên bảng là giờ khắc mà bọn con nít giở trò phá phách nhiều nhât. Tôi cũng nhân dip này mà cúi người xuống núp sau Thụy Ái, đưa dây thun nhắm Trung mà bắn. Trung cũng chẳng vừa, quỳ gối bắn trả lại tôi. Tôi vừa buông tay bắn viên đạn giấy ra thì cũng cùng lúc cô giáo bước thụt lui lại để cuốn sách xuống bàn, viên đạn giấy trúng ngay vào người (mông) cô. Cô giáo tức quá, nhìn chung quanh hỏi cả lớp xem ai là đứa bắn vào cô. Xui xẻo cho Trung, lúc đó nó vừa mới bắn đạn giấy qua bên tôi, chưa kịp ngồi xuống.

Trung hoảng hồn thưa cô giáo:

“Dạ... hổng phải em bắn cô đâu... tụi nó bắn cô đó”.

Cô giáo hỏi:

“Tụi nó... là tụi nào?”

Sức mấy mà Trung dám chỉ tôi. Còn đám con gái tụi tôi thì lớn họng đổ tội cho Trung:

“Nó đó cô! Nãy giờ nó bắn tụi em hoài hà”

Thế là Trung nhà ta bị cô giáo la mắng quá chừng, rồi còn đuổi ra khỏi lớp nữa. Giờ ra chơi, nó cự nự tụi tôi:

“Mấy bà bắn trúng cô mà hổng dám nhận, đổ thừa cho tui, làm tui bị đòn”

Đám con gái nhao nhao lên:

“Thì làm con trai, phải anh hùng một chút chớ, không lẽ Trung để tụi tui bị phạt mà coi được sao!”

Qua tới năm Đệ Ngũ, tụi tôi bắt đầu lớn rồi, không còn chơi rược bắt cứu bồ nữa, đứa nào cũng có chiếc xe đạp đi học. Tôi mặc dù nhà ở gần trường, cũng được má cho tôi một chiếc để chạy chơi. Có xe đạp rồi, cứ giờ nào được nghỉ là tụi tôi họp nhau đạp xe đi chơi chỗ này chỗ nọ.

Nhân dịp có giờ trống, Nhàn rủ cả đám chúng tôi về nhà nó chơi, chỉ cần đạp xe khoảng mười phút là tới. Cả bọn hăm hở rủ nhau kéo nhau đi, tới nơi, rủ nhau xăn quần xăn áo ra ruộng nhổ khoai mì, dem vào nhà lột vỏ bỏ lên chào hấp, xong rồi quết hành mỡ lên ăn ngon thật là ngon. Đang nói chuyện vui vẻ thì có một toán khoảng bốn thanh niên mặc quần áo đen quấn khăn rằn đi tới, khi họ tới gần, chúng tôi mới thấy là họ... có mang súng sau lưng. Cả đám chúng tôi hoảng hồn ngồi co lại với nhau... gặp thứ thiệt rồi... Dĩ An là vùng xôi đậu, phía ngoài thành phố là vùng Quốc Gia, nhung đi xích vô trong là vùng của Việt cộng. Tôi có nghe là ban đêm, đám Việt cộng vào nhà dân thâu thuế và bắt thanh niên thiếu nữ vô bưng đi lính cho chúng. May quá, Nhàn đã lên tiếng chào bọn họ và giới thiệu với chúng tôi, đó là những anh Xây Dựng Nông Thôn. Một người trong đám, có vẻ quen biết nhiều với Nhàn đã lên tiếng chào chúng tôi:

"Chào em Nhàn, má khỏe không? Bộ hôm nay không đi học sao mà cả đám lại tụ họp ở đây ăn khoai mì ngon quá vậy! Chào các em, anh tên là Tươi và các anh em đây cùng là trong toán Xây Dựng Nông Thôn, được điều về đây sinh sống giúp đỡ bà con lối xóm ở Dĩ An này. Các em có cần bọn của anh giúp đỡ chuyện gì hông? Có đủ khoai mì ăn chưa, để bọn anh nhổ thêm giùm?”

Nhàn trả lời anh Tươi giùm tụi tôi:

“Cám ơn anh Tươi, tụi em dư khoai mì ăn rồi, chỉ cần mấy anh ăn phụ thôi hà”

Rồi Nhàn quay lại phía tụi tôi giải thích thêm:

“Từ hồi những toán Xây Dựng Nông Thôn về đây sống chung với dân vùng Dĩ An này, giữ gìn an ninh trật tự, bọn nằm vùng sợ mấy anh Xây Dựng này lắm, ít có dám về đây làm phiền bà con. Gia đình tao và bà con chòm xóm ăn ngon ngủ yên lắm, tụi tao cám ơn mấy ảnh lắm. ”

Lần nữa, đi học về sớm, Bạch Nga rủ cả đám chúng tôi về nhà nó chơi. Nhà nó ở gần núi Châu Thới, nguyên cả một khu vườn trồng ổi, bưởi, mẵng cầu, mận... chúng tôi leo hết cây này tới cây khác vừa hái vừa ăn thật là đã đời. Má của Bạch Nga đi công chuyện về, lại bắt gà nấu một nồi cháo thật là bự cho chúng tôi ăn. Ba của Bạch Nga chết sớm, để lại cả khu đất lẫn cây xăng cho hai mẹ con, bà thích tụi tôi lắm, dặn ghé chơi thường cho Bạch Nga có bạn, cho căn nhà có hơi ấm. Đám con nít chúng tôi, hễ cứ nơi nào vui có bạn có bè, lại có ăn nữa, thì dù có không mời, tụi tôi cũng tìm cách chạy tới, huống chi lại được mời nữa, đương nhiên là tụi tôi sẽ tới nữa rồi.

Qua tới năm học Đệ Tứ, bọn chúng tôi có vẻ người lớn hơn một chút, biết viết văn, làm thơ nữa. Có một anh lớn vừa ở trường khác đổi vể, anh tên Đan, học lớp Đệ Nhất. Đan có dáng người cao ráo, lại đẹp trai và có chút văn thơ ở trong người nữa, anh nhận chức Trưởng ban báo chí và rủ đám chúng tôi viết báo cuối năm đem đi trao đổi với các trường khác trong tỉnh Biên Hòa. Đây là một trò chơi mới lạ của đám con nít mới lớn, nên chúng tôi hưởng ứng tối đa, lập luôn cái gọi là ban biên tập, ban phá phách, ban ăn vặt... ngay tại vườn nhà Bạch Nga.

Báo in xong, cả đám rủ nhau đi qua trường Ngô Quyền, trường Khiết Tâm bán báo, vui thật là vui. Thầy Hiệu trưởng đồng ý là chúng tôi có quyền trích ra một ít trong tiền bán báo để nghỉ ngơi uống nước, chúng tôi được thể kéo nhau đi ăn kem ngon hết biết.

Gần tới hè, cả bọn lại bầy trò viết... Lưu Bút Ngày Xanh. Mỗi đứa ráng để dành tiên mua một cuốn tập, vẽ hình cho đẹp, viết lời tựa cho thật hay, kiếm tấm hình của mình cho thật đẹp để dán vào đó, cuối cùng là chọn những đứa bạn thân để nhờ nó viết vài dòng lưu bút.

Đương nhiên là mười đứa bạn thân của tôi đều được nằm trong danh sách đầu tiên tôi nhờ viết lưu bút, sau đó, tôi mới đưa cho những đứa bạn khác. Tới phiên Đường viết cho tôi, nó để lâu cả hai tuần mới trả lại cho tôi với lý do:

“Anh Đan đòi viết cho mày, nhưng tao không chịu, nói là mày chỉ nhờ tao viết thôi, chứ không có nói là viết xong rồi đưa cho ảnh viết tiếp. Ảnh xin hoài không được, nên ảnh có viết cho mày một lá thư kẹp ở trong này nè.

(Gia đình anh Đan ở Sàigòn, ba của ảnh làm lính, được đổi về Biên Hòa làm việc, ảnh xin học ở trường Ngô Quyền nhưng không được, vì trường đó đông học sinh quá rồi, nên ảnh mới phải xin học ở đây. Để khỏi phải đi đi về về mỗi ngày, ba má ảnh mới mướn nhà cho ảnh ở, ảnh ở trọ nhà của tao, ba má tao cho ảnh mướn phòng trên lầu. Mỗi buổi tối ngồi học là tụi tao ngồi chung, nên ảnh mới thấy tao viết nhật ký cho mày. )

Tôi đem cuốn nhật ký về nhà, vừa mở ra đã thấy lá thư anh Đan viết cho tôi, ngoài phong bì có ghi:

“Gởi Kim Anh thân mến.”

Tôi cầm lá thơ xanh chưa kịp mở ra đọc thì má tôi đi ngang, thấy tôi cầm cái thơ, bà ngạc nhiên hỏi:

“Thơ... ai viết cho con vậy?”

Tôi hoảng hồn... đưa luôn lá thơ cho má coi. Má tôi đọc xong thì nổi trận lôi đình:

“Thằng này là thằng nào mà không lo học, lo đi viết thư tình gởi cho con gái. Bộ ở trong trường, mày lo trai gái đàn đúm, hổng lo học gì hết hả? “

“Đâu có... má... anh này học trên lớp con, con... đâu có quen ảnh đâu... “

“Vậy thì mày làm cái gì mà nó lại viết thư cho mày?”

Thế là má tôi kêu chị tôi lại, đọc cho chị những câu cự nự anh Đan không phải là người đường hoàng, tối ngày không lo học mà chỉ lo đi cua gái, bắt chị tôi viết vào giấy, bỏ lại trong phong bì, kêu tôi ngày mai phải đưa lại cho anh Đan.

Tôi đâu biết làm sao, cũng đem phong thư đưa lại cho Đường, nói trước mặt đám bạn:

“Nè... thơ của... má tao viết trả lời cho anh Đan đó... mày đưa lại cho ảnh đi. ”

Đường nghe thấy tôi nói... thơ của má tôi gởi, thì biết là có chuyện lớn rồi, nó đẩy ra liền:

“Thơ ảnh viết cho mày, rồi... má mày trả lời... thì mày đem tới mà đưa cho ảnh, chớ mắc mớ gì tới tao!”

Qua năm Đệ Tam, lúc này cả bọn chúng tôi đều có dáng... nữ sinh rồi, chúng tôi lại có việc mới để mà làm. Lúc này tình hình chiến sự đã bắt đầu sôi động, lính mình đi đánh trận nhiều, có người bị thương, có người tử trận. Trường chúng tôi ở gần căn cứ Sóng Thần của Thủy Quân Lục Chiến, nên được mời đưa học sinh tới bệnh viện để ủy lạo chiến sĩ.

Ngũ Long Công Chúa (miệt vườn) chúng tôi được mời đi cùng với các nữ sinh của các lớp khác (đám con trai hổng có được mời). Quà tặng và bông đã có sẵn, chúng tôi chỉ việc đi đến từng giường của các thương binh, cười cho thật tươi mà trao tặng quà cho các anh. Mặc dù đã học tới Đệ Tam rồi, nhưng chúng tôi vẫn chỉ là đám con gái cù lần nghịch ngợm của tuổi học sinh, chứ không biết gì hơn, nên chúng tôi chẳng biết nói gì thêm ngoài những câu thăm hỏi thông thường (thật tình mà nói, tới bây giờ tôi cũng không thể nào nhớ là tôi đã trao quà cho ai? Và nói với anh lính này những câu gì?)

Nhưng mà Bạch Nga thì lại khác. Khi về nhà, nó có một chuyện kể riêng cho mình tôi nghe:

“Có một ông lính, ổng nói tên ổng cho tao nghe, khen tao... xinh... rồi còn hỏi tên tao là gì nữa. ”

“Rồi mày có cho ổng biết tên mày hông?”

“Tao đâu dám nói... nhưng mà tao có mang bảng tên, nên ổng nhìn ra, rồi ổng nói khi nào lành bệnh, ổng sẽ đến trường... thăm tao... ổng tên là... . Trung úy... ”

(Tuy học cùng lớp, nhưng Bạch Nga lớn hơn tôi tới ba tuổi, lúc đó nó đã mười chín tuổi rồi. Hồi đầu, tôi có nhớ tên ông Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến này. Ổng học Võ Bị Đà Lạt, đánh trận bị thương, vừa được vinh thăng Trung úy. Nhưng đến nay, tôi thật tình đã quên tên ổng rồi, ráng nhớ mà không làm sao nhớ nổi. )

Ông Trung úy đến đón Bạch Nga ra hồi nào? Hai người quen nhau ra sao? Thì Bạch Nga giữ kín như bưng, không kể cho ai nghe và cũng chẳng tâm sự gì với tôi cả. Chỉ biết một thời gian sau đó, bachnga1-large-contentBạch Nga có mời nguyên đám con gái chúng tôi lại nhà nó ăn tiệc. Trong buổi tiệc đó, có cả mẹ của Bạch Nga, mấy người chú bác và đặc biệt có cả ông Trung úy và vài người bạn của ông nữa. Ông lính này to con trắng trẻo, có tướng lính và ăn nói có duyên lắm, nguyên đám đàn ông mặc đồ Thủy Quân Lục Chiến trông oai hùng và đẹp lắm. Chúng tôi nói chuyện thật là vui cho đến khuya mới về.

Từ đó, Bạch Nga có nhiều chuyện tình để tâm sự với tôi lắm, có hôm chúng tôi ngồi ngoài vườn nói chuyện với nhau cả một buổi tối, tôi còn ngủ lại ở nhà nó nữa. Tôi nhớ hoài một buổi sáng tan học, Bạch Nga nhất định rủ tôi về nhà nó... có chuyện muốn nói riêng với tôi. Tôi từ chối, vì còn phải về phụ bán hàng với má tôi nữa (má tôi mở quán ăn ở ngay chợ Dĩ An, mỗi ngày đi học về, tôi phải phụ má bán hàng), nhưng nó nhất định nói tôi phải về với nó, hai đứa ghé về nhà xin phép má tôi rồi cùng chạy Honda về nhà nó.

Câu đầu tiên nó nói với tôi:

“Anh Thành... nói... ảnh... yêu tao... muốn cưới tao làm vợ. Ảnh nói, nếu tao… cũng thương ảnh, thì cho ảnh sẽ xin với ba má của ảnh ở Quảng Trị (hoặc Đà Nẵng gì đó, tôi không nhớ) làm đám hỏi với tao trước, rồi sau đó sẽ làm đám cưới.

(Ông Trung úy của Bạch Nga lúc này đã được thăng cấp lên Đại úy rồi. Tôi xin tạm gọi tên của ông như vậy cho dễ viết, vì tôi không thể nào nhớ tên thật của ông)

“Rồi... mày có... đồng ý hông?”

“Tao cũng... hổng biết nữa!”

“Thương người ta thì nói đại đi, còn làm bộ làm khó nữa. Mày hổng thương ổng thì mắc mớ gì cứ viết thơ cho ổng hoài? Rồi mỗi lần ổng về phép là đi chơi múc chỉ với ổng? Lại còn đưa ổng về nhà giới thiệu với má mày, với cả họ hàng bà con của mày nữa?”

“Thì tao. . . cũng. . . có. . . có thương ảnh thiệt. . . “

Đám hỏi của Bạch Nga và anh Đại úy được tổ chức khoảng một tháng sau đó, ở ngay tại nhà của cô dâu. Bên phía nhà gái có đủ má của Bạch Nga và họ hàng thân thuộc và bà con lối xóm. Bên phía nhà trai có ông Thiếu Tá (hoặc Trung Tá gì đó, tôi không biết rõ và cũng không thể nhớ cấp bậc) Tiểu đoàn trưởng của anh làm đại diện, và đa số những sĩ quan trong Tiểu đoàn của anh tham dự. Ba má của anh vì đường xá xa xôi, không mua vé máy bay kịp, xin hẹn tới ngày cưới sẽ ráng về Sàigon tham dự.

Đây là đám hỏi đầu tiên mà đám con gái chúng tôi được tham dự. Đứa nào cũng lo mua sắm áo dài, làm đầu tóc cho đẹp để dự lễ và tiệc đám hỏi của Bạch Nga. Khỏi nói thì ai cũng biết cô dâu hôm đó đẹp và đẹp tới cỡ nào. Ai cũng chúc cho đôi tân lang tân giai nhân được sống với nhau trọn đời trọn kiếp, còn tôi, tôi ráng suy nghĩ, dùng hết cả cái tài viết và phá phách của tôi ra mà tặng cho Bạch Nga những lời chúc mà tôi cho là đẹp nhất của đời người.

bachnga2-large-content 

Buổi tiệc đám hỏi kéo dài tới khuya, thật là vui, thật là đáng nhó, nhớ đời cho đám học sinh chúng tôi. Bạch Nga nói riêng với tôi, năm sau cả hai sẽ làm đám cưới. Chúng tôi hứa là vài bữa nữa sẽ ghé dọn dẹp nhà cửa lại cho Bạch Nga.

Hai bữa sau, chỉ hai bữa sau thôi, vào buổi chiều, khi tôi đang ngồi phụ bán hàng thì má của Bạch Nga hớt hơ hớt hải chạy lại báo tin:

“Con ơi... chồng của Bạch Nga nó... tử trận rồi. Đơn vị vừa cho người lại báo cho bác... con Bạch Nga nó xỉu rồi, bà con lối xóm đang cạo gió cho nó. Bác chạy lại đây cho con hay, con tới với nó liền đi... “

Má tôi chào má của Bạch Nga, hối tôi đi cho lẹ. Tôi xách Honda chở má Bạch Nga về. Vào tới nhà, đồ đám hỏi còn xếp đầy nhà chưa dọn dẹp gì hết, Bạch Nga nằm thiếp trên đi văng. Khi tỉnh dậy, nó chỉ nói được với tôi một câu:

“Ảnh chêt rồi... chết ở bên bờ sông Thạch Hãn. Ngày mai tao đi nhận xác ảnh.... ”

Rồi nó lại ngất xỉu đi...

Ngày đi nhận xác chồng, má nó mướn một chiếc xe nhỏ chở cả đám tụi tôi cùng đi.

Bạch Nga chít khăn tang trắng trên đầu, mặc chiếc áo dài mầu trắng. Nhìn nó ngồi bất động trên xe, tôi chợt nhớ tới bài thơ:

“Ngày mai đi nhận xác chồng...

say đi để thấy mình không là mình... ”

(Thương Ca 1, thơ Lê Thị Ý)

Bạch Nga ngồi cũng như say, và chắc chắn nó không phải là nó của những ngày thường. Tôi nghiệp cho Bạch Nga, tội nghiệp cho nhũng người vợ lính. Đâu có ai muốn ở trong hoàn cảnh này. Bạch Nga mới làm đám hỏi thôi, nhưng cũng được coi là vợ lính rồi, mới làm đám hỏi có hai ngày, đồ đạc của đám hỏi chưa kịp dẹp, đã nghe tin chồng chết. Bi thảm làm sao! Có đời người con gái nào bi thảm tới cỡ này hay không? Hay là còn bi thảm hơn nữa?

Xe tới Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, chúng tôi được đưa tới khu nhà xác ngồi chờ. Nước rửa xác chết từ trong chảy ra thật là khó thở, chúng tôi phải lấy khăn thấm dầu cù là để lên mũi.

Một xe cam nhông GMC bít bùng chạy tới, người tài xế nhẩy xuống mở bửng sau ra:

Xác người... Xác Lính Chết Trận... nhiều lắm... đầy một xe.

Những người lính của đội chung sự từ trong nhà xác chạy ra, leo lên xe nắm từng cái túi đen thẩy xuống sàn xi măng rồi mới đem vào nhà xác.

Người lính kêu tên Bạch Nga vào nhận xác chồng. Bạch Nga nắm chặt tay tôi, tôi không nỡ bỏ nó một mình. Người lính hỏi Bạch Nga:

“Bà có muốn mở túi ra nhìn lại Cố Đại Úy một lần chót không?”

Có tiếng mở phéc ma tua... Bạch Nga lại xỉu một lần nữa. Tôi hoảng hốt kéo nó lên, mấy người lính cũng phụ tôi kéo Bạch Nga lên. Có tiếng ai đâu đó:

“Tội nghiệp cho bà Đại Úy... bả coi còn trẻ quá!

Nghe đâu mới mười chín hai mươi gì đó.

Mới cưới hả?

Mới đám hỏi, mới bữa trước hà... “

Hai hôm sau, Bạch Nga lại kêu chúng tôi đi dự lễ tang, ba má của anh cũng vẫn chưa về kịp, Bạch Nga đứng chủ lễ cho gia đình.

Chúng tôi được đưa tới nơi Nghĩa Dũng Đài... (tôi không nhớ rõ tên, nhưng đó là nói làm lễ). Quan tài của anh đã sẵn ở đó chung quanh có bốn người lính đứng nghiêm bồng súng chào, hai đầu quan tài có hai người bạn của anh đứng gác. Bạch Nga khóc lên những tiêng khóc thật là thê thảm, tiếng khóc của người vợ trẻ mất chồng, của một người đàn bà Miền Nam Việt Nam than thở cho thân phận mình:

“Anh ơi... sao anh lại bỏ em một mình... ”

“Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?”

(Thương Ca 1, thơ Lê Thị Ý)

Mấy bữa sau, ba má của anh mới từ Đà Nẵng tới, chúng tôi lại được đưa lên Nghìa Trang Quân Đội Gò Vấp để làm lễ một lần nữa. Lần này, hai người Sĩ Quan đứng hai bên mới xếp lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lại, trang nghiêm trao lại cho ba má anh. Chiếc thẻ bài được trao cho Bạch Nga. Ngày đầu tiên Bạch Nga được gặp ba má chồng, cũng là ngày nó tiễn hài cốt chồng về quê nội.

Vào năm 2005, khi má tôi mất, tôi có về Dĩ An làm đám tang cho má. Gặp lại đa số bạn bè thời xa xưa ấy. Tôi có hỏi Bạch Nga:

“Mày hồi này ra sao?”

“Tao... vẫn như cũ... vẫn thờ ảnh... ”

“Sao vậy?”

“Tại vì trong tai tao, lúc nào cũng nghe lời ảnh nói:

Anh đã nói với ba má rồi, kỳ phép tới, ba má sẽ vào Saìgòn làm đám cưới cho hai đứa mình.

Tao không quên được lời ảnh nói, tao không quên được những lúc ảnh ở bên cạnh tao... ôm tao... hôn tao...

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai. ” 

Bạch Nga mất năm 2006, tôi không được tin này.

Nhân ngày giỗ đầu của má tôi, tôi lại về Việt Nam làm lễ. Gặp lại bạn bè, Trung có cho tôi hay:

Má của Bạch Nga bị bệnh lãng trí từ lâu. Ngày Bạch Nga mất, hai đứa con nuôi âm thầm chôn mẹ, không cho ai hay cả.

Khi tôi nghe tin, có đến hỏi, nhưng hai đứa đó không biết tôi là ai, nên không chỉ chỗ chôn cất mẹ nó.

NHÂN NGÀY TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN

VIẾT CHO HƯƠNG HỒN BẠCH NGA – CHO NGƯỜI CHỒNG MỚI ĐÁM HỎI CỦA BẠCH NGA – NGƯỜI CHIẾN BINH THỦY QUÂN LỤC CHIẾN OAI HÙNG ĐÃ HY SINH THÂN MÌNH ĐỂ BẢO VỆ CHO SỰ TỰ DO CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM – CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA.

KÍNH TẶNG NHỮNG NGƯỜI VỢ LÍNH CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

VIỆT LUẬN

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 736)
Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ
26 Tháng Sáu 2024(Xem: 995)
Người con kiêu hùng của quê hương cuối cùng đã về với đất Mẹ. Về để nghe tiếng gió lộng giữa đèo cao hay bềnh bồng trong tiếng sóng biển vỗ bờ
11 Tháng Sáu 2024(Xem: 916)
cuộc đời vốn vô thường nên làm được gì cứ làm hôm nay đừng nên để ngày mai khi ông nhận ra được điều đó thì đã quá muộn màng
23 Tháng Năm 2024(Xem: 929)
Cho dù cả thiên hà này sụp xuống thì trong suốt cuộc đời này bố, mẹ sẽ luôn ở bên cạnh các con.
20 Tháng Tư 2024(Xem: 683)
Hai tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa – vô thức!
25 Tháng Ba 2024(Xem: 1544)
để bước lên xe tang đi về hướng nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đưa ông bà Thiếu Tá Trần Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng!
07 Tháng Ba 2024(Xem: 1692)
Căn nhà xưa vẫn đứng đó như một bức tượng bám đầy rêu phong; còn con hẻm không tên kia đến nay tôi không hề nghe ai nhắc tới,
04 Tháng Ba 2024(Xem: 1790)
Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu
04 Tháng Ba 2024(Xem: 1446)
"Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, quan trọng đối xử sao để vợ trở thành một thiên thần hay thành mụ phù thủy"
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1393)
Nhưng em không hề biết mấy giọt nước mắt của tôi đã rớt trên mái tóc dài của em ... thương lắm
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1401)
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1457)
Hãy động viên con cố gắng hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là được.
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1463)
nên viết lại kỷ niệm của tôi , để chia xẻ một vài cảm xúc của một thời còn khỏe mạnh, còn hăng say
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 1346)
Đời người bao nỗi vân vi Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1701)
người Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn là bộ đội, cán ngố, và người Hà Nội vào cướp đất, chiếm nhà của người Saigon …
04 Tháng Mười 2023(Xem: 2321)
Nữ danh ca KIM ANH. Cô Kim Anh đã một thời lừng danh trên sân khấu Thanh Minh đóng cặp chung với anh Út Trà Ôn.
18 Tháng Chín 2023(Xem: 2293)
đã không cho phép ngoại trưởng Blinken và tôi cùng chạy đến quán Liên Hương, để thưởng thức món bún chả nổi tiếng mà ông Barack Obama
28 Tháng Tám 2023(Xem: 2567)
Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.
27 Tháng Tám 2023(Xem: 1986)
Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về. Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
18 Tháng Tám 2023(Xem: 2159)
Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào
05 Tháng Tám 2023(Xem: 2284)
Bão tố từ trong em, trong chị, trong con ngựa đá chỉ có do sự tưởng tượng thi vị của dân làng ven sông.
31 Tháng Ba 2023(Xem: 2501)
Với sứ mệnh chăm sóc đời sống tinh thần Quý khán thính giả gần xa. Nội dung xuyên suốt là những câu chuyện, những bài học từ cổ chí kim, Lúa Vàng mong muốn chia sẻ với Quý vị
21 Tháng Ba 2023(Xem: 2783)
Ngày mất nước, Miền Nam có 17 triệu rưỡi người. Tất cả mọi người đều chịu thảm cảnh, thảm hình. Truyện về kiếp của từng ấy người, gom cả lại, chẳng đã thành một truyện dài ư?
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3095)
Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường. Nhớ nụ hôn ngọt mềm: "Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng..."
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3669)
Cái kỳ cục của người Sài-Gòn, sao mà nghe nó rất dễ thương cũng như đặc trưng cái giọng điệu quá mộc mạc
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3316)
Không có ai trong số họ được thần thánh hóa, kể cả lãnh đạo. Nãy giờ tao nói vậy mày đã hiểu ra chưa?
31 Tháng Mười 2022(Xem: 3160)
Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu.
17 Tháng Năm 2022(Xem: 4966)
Vì vậy, khi đã biết sử, ta không thể sống tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công, vì cha ông ta, cách đây mấy trăm năm đã sống có nhân cách, sống tử tế, sống lương thiện.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 4984)
câu vọng cổ của đào hoặc kép đã làm nãy sanh ra cái nét riêng của ngôn ngữ cải lương mà người yêu mến phải chấp nhận để thấy cái hay của cải lương.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 4649)
Bấy nhiêu đó cũng khẳng định được rằng bài Tình Anh Bán Chiếu xứng đáng là "bài vọng cổ vua" của làng cổ nhạc miền Nam Việt Nam thời ấy và tận đến bây giờ.
12 Tháng Tư 2022(Xem: 4963)
Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
08 Tháng Tư 2022(Xem: 4544)
Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?
02 Tháng Tư 2022(Xem: 4778)
Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
15 Tháng Hai 2022(Xem: 4859)
Không lẽ những con người bình thường như con trai lại không có đất tồn tại hay sao.
11 Tháng Hai 2022(Xem: 5517)
Chuyện ma tại trường trunghọc Gia-Hội hiện nay vẫn còn ăn sâu trong óc tôi, không bao giờ quên được!
06 Tháng Hai 2022(Xem: 6066)
nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.
20 Tháng Giêng 2022(Xem: 4753)
Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất.
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 5901)
Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 5634)
Chỉ biết rằng họ là những Anh Hùng Mũ Xanh QLVNCH cùng những cái chết thầm lặng nhưng vô cùng can đảm và oai hùng. Những ai đã chết vì Sông Núi
22 Tháng Tám 2021(Xem: 5987)
Ký ức của chúng ta rồi có quên đi những ngày tháng này? Lịch sử dịch bệnh có ghi lại nỗi sợ, nỗi lo của chúng ta hay chỉ để lại những con số thống kê?
24 Tháng Bảy 2021(Xem: 6550)
Bên tách cà phê vớ ở cà phê lá me, gã thất tình bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia sẻ nỗi buồn riêng
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 7097)
cũng vì chủ rạp bán vé quá tải. Ở Mỹ bây giờ mua vé online không phải sắp hàng, tới nơi chỉ đưa smartphone ra là xong.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5608)
Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 6044)
tưởng nhớ Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến với lời tri ân “ Các anh hùng đã chết để chúng ta được sống “
09 Tháng Sáu 2021(Xem: 6478)
. Lâu lâu nhớ đến ông, nước mắm thắm duyên nhau mà ông Sáu, tôi vẫn hình dung ra được ông bận đồ ta trắng, tóc búi tó, như một ông tiên mà không cần thi ca đánh bóng.
27 Tháng Tư 2021(Xem: 8193)
Hơn nữa Tướng Trà phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của Tổng Tham Mưu
27 Tháng Tư 2021(Xem: 7247)
nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tướng Đảo, tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp đánh bại được những cuộc tấn công của quân CSBV trong những ngày đầu tiên.
22 Tháng Ba 2021(Xem: 7252)
nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa
23 Tháng Hai 2021(Xem: 6650)
Những mảnh đời méo mó qua những mẩu đối thoại thô tục (thượng dẫn) của những kẻ may mắn sống sót đến được bến bờ, cùng với oan hồn của hàng triệu sinh linh