Ngay sau khi Bạc Hy Lai – ngôi sao đang lên của phe Tân Tả và “thái tử Đảng” – bị quản thúc cùng lúc với lệnh bắt giam bà vợ Bạc là Cốc Khai Lai, những phần tử trung thành nhất của phe này đã lên tiếng kêu gọi đấu tranh vũ trang.
Bạc Hy Lai và vợ
Tin trên tờ The Washington Post ngày 14.4.2012 cho hay trang web Tiến bộ Xã hội (Progress Society) của thành phần Tân Tả hiếu chiến nhất đã vừa kêu gọi đấu tranh, vừa ca ngợi Bạc Hy Lai là đấng anh hùng, vừa ca ngợi “Mô hình Trùng Khánh” là mẫu mực cho xã hội Trung Quốc, vừa tố cáo rằng những kẻ “cộng sản giả hiệu đã tóm thu quyền lực tại Trung Quốc”.
Ai là người đứng sau trang web này thì vẫn còn là điều bí mật, chỉ biết trang web được mở lần đầu tiên tại một địa chỉ tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) thuộc tỉnh Hà Nam, trong khi đó những nhà tân tả to mồm nhất hiện đang ngậm miệng, chưa dám hó hé.
Trong khi đó thì phe Đoàn của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thừa thắng xông lên, vừa tung ra bảy cáo buộc “chết người” với Bạc Hy Lai, vừa chặt đứt vây cánh của phe này trong quân đội.
Hiện Bạc Hy Lai đã bị Ban kiểm tra và kỷ luật trung ương đảng cáo buộc bảy tội danh:
- Dung túng người nhà tham nhũng và cá nhân Bạc Hy Lai cũng dính vào chuyện tham nhũng, đồng lõa trong án mạng Neil Heywood.
- Buông nhẹ quản lý và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tự ý bãi nhiệm chức Giám đốc Sở công an của Vương Lập Quân mà không thông qua Bộ Công An, tự ý rời Bắc Kinh bỏ về Trùng Khánh trong lúc dự họp Đại hội Chính hiệp ngày 8.3.2012.
- Là nhà lãnh đạo chủ chốt nhưng Bạc Hy Lai có mối quan hệ phức tạp với Heywood, một người có quan hệ với tổ chức tình báo Anh MI-6, do đó gây nguy hại đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân.
- Lạm dụng và thao túng truyền thông trong và ngoài nước để công kích sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Nghe lén các cuộc nói chuyện riêng tư của lãnh đạo nhà nước, can dự vào công tác của Cục cảnh vệ Trung ương.
- Xem thường pháp luật, vu oan giá họa những công dân và doanh nhân vô tội, gây rối loạn hệ thống chính trị và pháp luật, phá hoại trật tự kinh tế thị trường.
- Mưu đồ xây dựng tập đoàn chính trị tại Trùng Khánh, lợi dụng quần chúng để kích động những hành động theo kiểu Cách mạng Văn hóa, đi ngược phương châm, đường lối của Trung ương.
Trong khi đó, theo tờ The South China Morning Post phát hành tại Hồng Công ngày 14.4.2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phái năm nhóm điều tra riêng đến Trùng Khánh để xem xét liên hệ giữa các sĩ quan cao cấp với ông Bạc Hy Lai.
Tờ báo dẫn lời một nguồn tin dấu tên cho biết năm nhóm đã được phái tới Quân khu Thành Đô để điều tra việc các sĩ quan cao cấp và quân đội có dính líu với họ Bạc hay không, và nếu có thì dính đến mức nào.
Nguồn tin trên không nói rõ cụ thể ai đang bị điều tra mà chỉ cho biết đa số nhiều tướng lãnh ở đây là bạn thân của Bạc Hy Lai.
Phe cánh trong quân đội
Quân khu Thành Đô cai quản khu vực tây nam, gồm thành phố Trùng Khánh, các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và Khu Tự trị Tây Tạng.
Quan hệ giữa ông Bạc Hy Lai với phe quân đội là điều có thật. Khi mở màn chiến dịch “Đả Hắc” đánh vào giới tội phạm năm 2009, Bạc Hy Lai đã trú ngụ trong doanh trại quân đội, điều này cho thấy ông ta chỉ tin vào quân đội, và chọn quân đội làm chỗ dựa cho mình để đánh giới tội phạm và đánh vào vây cánh của Uông Dương thuộc phe Hồ- Ôn (sẽ đề cập sâu hơn trong bài tới).
Tin này còn cho biết Hồ - Ôn còn cho điều tra Quân đoàn 14 có bản doanh ở Côn Minh (Kun Ming), thủ phủ tỉnh Vân Nam. Họ có cơ sở để nghi ngờ đơn vị này vì chính Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, là người có công thành lập Quân đoàn này.
Đây được xem là thêm biện pháp triệt hạ vây cánh của ông Bạc Hy Lai, người có mối quan hệ gần gũi với lực lượng quân đội khi còn nắm quyền ở Trùng Khánh. Đồng thời cũng là chiêu thức để bẻ gãy nguồn hậu thuẫn của phe tân tả để dọn đường cho một đại hội đảng thông suốt vào cuối năm nay.
Trên thực tế, trước khi triệt hạ Bạc Hy Lai, phe Hồ - Ôn đã được chính đồng minh chính trị của Bạc Hy Lai dâng cho mâm cơm dọn sẵn: Thiếu tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan), anh trai của Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai.
Thiếu tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan), nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, một chức vụ rất béo bở trong bối cảnh Trung Quốc chi hàng chục tỷ Mỹ kim để hiện đại hoá quân đội, đã bị cách chức.
San và Lai là con trai của Cốc Cảnh Sơn (Gu Jingsheng ), một “khai quốc công thần”, nghĩa là có xuất thân thái tử Đảng. Cốc Cảnh Sơn là một trong những chỉ huy chủ chốt của Hồng quân Trung Quốc trong phong trào kháng Nhật bùng nổ từ ngày 9.12.1935. Cốc Cảnh Sơn từng bị giam đến 12 năm trong Cách mạng văn hoá, và năm 1978, khi được phục hồi chức tước, đã được cử làm phó chính ủy quân khu Quảng Châu, trực tiếp góp tay vào cuộc chiến Trung-Việt 1979.
Người trực tiếp hạ bệ “Thái tử Đảng” này lại là một “Thái tử Đảng” khác, tầm cỡ hơn nhiều; là Trung tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), 61 tuổi, con trai của cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng Lưu Nguyên lại có giọng điệu diều hâu và bảo thủ của nhóm Tân Tả, tức cùng phe với Bạc Hy Lai.
Lưu Thiếu Kỳ (1898 – 1969) từng là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, từng được Mao chọn làm người kế vị nhưng sau bị chính Mao hạ bệ, để chết rục trong nhà tù giữa cảnh đói lạnh và bệnh tật, thi thể được hoả táng và tro cốt được giữ trong bô đựng nước tiểu.
Sau khi đập tan Tứ Nhân Bang vào cuối thập niên 80, Đặng Tiểu Bình đã chú ý cất nhắc con cái những nạn nhân của Cách Mạng Văn Hoá và năm 1985, lúc mới có 34 tuổi, Lưu Nguyên được cử làm phó thị trưởng Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Ba năm sau, Lưu Nguyên trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam và là phó tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất Trung Quốc lúc đó.
Năm 1992, họ Lưu được biệt phái từ dân sự để “cơ cấu” vào quân đội và lên rất nhanh, năm 2007 được cơ cấu vào “Trung ương đảng” và năm 2009 được gắn lon tướng.
Tháng 7 năm 2009 Lưu Nguyên được phong hàm thiếu tướng, trao chức Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự.
Sau đó Lưu Nguyên lên rất nhanh, đến tháng Tư năm 2011 được bổ làm Chính ủy Tổng cục hậu cần.
Trong vai trò này Lưu Nguyên đã điều tra, thu thập bằng chứng để truy tố Cốc Tuấn San về tội tham nhũng và mua bán chức tước: lương thiếu tướng lấy tiền đâu thuê máy bay riêng để đi lại trong nước và ngoài nước, tiền đâu để xây mộ bố giống một dinh thự, một lâu đài?
Tháng 1.2012 Lưu Nguyên đứng ra tố cáo và chỉ đến tháng Hai thì San bị cách chức. Tuy nhiên nhà nước chỉ đăng tải một dòng tin nhỏ: Tướng Cốc Tuấn San thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần. Chỉ có chừng đó thôi nên giới bình luận cho rằng nội bộ đảng vẫn còn suy tính và bàn cãi nhau về số phận cuối cùng của San.
Phải chăng đây là đòn “dĩ độc trị độc” của phe Hồ - Ôn: dùng Thái tử đảng trị Thái tử đảng?
Phải chăng phe Hồ - Ôn đã áp dụng đòn độc như đã thấy trong các chiến dịch trấn áp và khủng bố của Mao Trạch Đông trong Cách Mạng Văn Hoá là từ từ, chậm rãi từng bước như tằm ăn dâu: chặt tay chân và vây cánh trước, chặt con chủ bài sau; vạch tội nhỏ, khuyết điểm linh tinh trước, đánh đòn kết thúc mang tính quyết định sau.
Phải chăng Hồ - Ông Làm thế, họ có thể vừa làm đối thủ hoang mang, vừa “chuẩn bị tinh thần” cho công chúng và đảng viên vì sự thể diễn ra không quá đột ngột?
Tuy nhiên có vẻ như sự thể còn phức tạp hơn thế vì, như đã nói ở trên, Lưu Nguyên là đồng minh chính trị của Bạc Hy Lai.
Con diều hâu Tân Tả
Với giới quan sát nhìn từ ngoài nước thì Lưu Nguyên là con diều hâu đang lên và là điều đáng lo vì đây sẽ là một trong những tướng lãnh có quyền thế nhất tại Bắc Kinh nhờ vào lý lịch gia đình và quan hệ thâm tình với lãnh tụ tương lai Tập Cận Bình.
Lưu Nguyên và Tập Cận Bình là bạn bè từ thuở học sinh vì cũng xuất thân là thái tử đảng và duy trì tốt quan hệ này sau nhiều năm ròng.
Nhưng đây là một mối quan hệ phức tạp. Về chính trị, nếu Tập Cần Bình thuộc về phe Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thì Lưu Nguyên lại là đồng minh chính trị của Bạc Hy Lai.
Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, đã từng giữ chức phó thủ tướng nhưng lại là người ủng hộ Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, là hai người đỡ đầu của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Chính vì phản đối vụ đấu tố Hồ Diệu Bang do bố của Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba khởi xướng và phản đối vụ đàn áp Thiên An Môn nên Tập Trọng Huân bị đẩy vào bóng tối từ sau năm 1989.
Chính kinh nghiệm cay đắng của gia đình trong thời “hậu cách mạng văn hoá” đã khiến Tập Cận Bình xa rời phe bảo thủ. Đều đặn, họ Tập đều thể hiện ân nghĩa với Hồ Diệu Bang và hàng năm cứ đến ngày Tết là Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (phó thủ tướng) đều đến nhà bà vợ goá của họ Hồ để thăm hỏi, chúc tết.
Trong khi đó thì Lưu Nguyên lại là đồng minh chính trị của Bạc Hy Lai, thuộc phe kẻ bảo thủ. Nếu Bạc Hy Lai chủ trương “phục hồi tinh thần Mao Trạch Đông” thì thỉnh thoảng Lưu lại đưa ra những lời phát biểu kích động sặc mùi Maoist để đả kích những nhà lãnh đạo đã “phản bội lại di sản cách mạng”.
Từ năm ngoái, trong bài báo “Chinese urged to put war on pedestal” (Người Trung Quốc bị hối thúc phải chuẩn bị chiến tranh) đăng trên tờ The Sydney Morning Herald ngaỳ 23.5.2011, ký giả John Garnaut, thông tín viên của hãng tin Fairfax tại Beijing, cũng đã báo động điều này.
Chỉ một tuần sau chuyến công du Mỹ của Tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Quốc (Chen Bingde) Lưu Nguyên đã đăng tải một tiểu luận về chiến tranh như là lời nói đầu trong cuốn sách của một người bạn với giọng điệu diều hâu.
Trong bài Lưu Nguyên kêu gọi người Trung Quốc phải “tái khám phá văn hoá quân sự của Trung Hoa”, cho rằng lịch sử “được viết bằng máu và những cuộc chém giết” còn “quốc gia - nhà nước” chỉ là “bộ máy quyền lực hình thành từ bạo lực” trong khi chiến tranh chỉ là sự “nới rộng tự nhiên của kinh tế và chính trị”.
Cũng trong bài viết trên Lưu Nguyên công khai bày tỏ sự thông cảm với trùm khủng bố Osama bin Laden và thách thức những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “phản bội lại di sản cách mạng”.
Trong suốt những năm qua, trong vai trò Chính ủy Hậu Cần, Lưu Nguyên đã đi đây đi đó với lá bài “chống tham nhũng” để cứu quân đội, cứu đảng, cứu chế độ y hệt những điều mà Bạc Hy Lai cùng làm tại Trùng Khánh.
Trong bài diễn văn đọc trước các sĩ quan tháng 12 năm ngoái, Lưu Nguyên cho rằng đi đến đâu, trong hay ngoài nước, quân đội Trung Quốc đều không để ai đánh bại, tuy nhiên nó có thể bị đánh bại bởi chính nó khi nạn tham nhũng đang lan tràn với nạn mua quan bán tước.
Trên thực tế thì đó là khúc dạo đầu cho cú đòn trực tiếp của mình, nhắm vào thuộc cấp của mình trong Tổng cục hậu cần. Chỉ một tháng sau bài diễn văn này thì Lưu Nguyên tố cáo anh vợ Bạc Hy Lai là Cốc Tuấn San, chỉ một tháng sau thì Cốc Tuấn San bị cách chức, thế nhưng chỉ là cách chức, hoàn toàn không nhắc đến chuyện điều tra, ra toà.
Đó chính là điều mà Lưu Nguyên đã nhấn mạnh: quân đội Trung Quốc chỉ yếu kém vì đã bị thối nát từ bên trong.
Thế nhưng sau khi Bạc Hy Lai chính thức bị rơi đài vào ngày 15.3.2012 thì Lưu Nguyên im lặng, giữ mồm giữ miệng hơn, nhất là khi họ Bạc bị buộc tội “mưu đồ xây dựng tập đoàn chính trị” và “lợi dụng quần chúng để kích động những hành động theo kiểu Cách mạng Văn hóa, đi ngược phương châm, đường lối của Trung ương.”
Và đây cũng là một điểm yếu kém do nạn phe phái, do đó chúng ta cũng phải tìm hiểu đầu não của bộ máy quân sự Trung Quốc: Quân ủy trung ương.
Quân ủy Trung ương
Đây là tổ chức lãnh đạo cao nhất trong quân đội Trung Quốc với ghế chủ tịch do Tổng Bí thư đảng kiêm nhiệm. Quân ủy Trung ương Trung Quốc bàn bạc và quyết định tất cả các vấn đề về quân sự và quốc phòng của đất nước mà không cần phải tham vấn ý kiến của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội hoặc Chính hiệp (Tương tự Mặt trận Tổ Quốc của VN).
Vì vậy, chức vụ cao cấp quan trọng nhất của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng (hoặc Tổng bí thư Đảng), Thủ tướng Quốc vụ viện mà là Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc có một văn phòng thường trực riêng giúp cho việc hoạt động thường xuyên, định kỳ, là cơ quan đầu mối ngang bộ.
Dưới chủ tịch là tổng bí thư có ba phó chủ tịch và trong số này phải có 2 người là quân nhân chuyên nghiệp. Hai quân nhân chuyên nghiệp này gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và một trong bốn chủ nhiệm của bốn tổng cục của quân đội như Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị - vũ khí, 3 vị Tư lệnh của 3 quân chủng Hải quân, Không quân và Tập đoàn quân pháo binh số Hai. Như vậy trong 12 thành viên Quân uỷ có 10 người là quân nhân chuyên nghiệp, hiện nay đều có cấp bậc Thượng tướng.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc hiện có 11 thành viên thường trực, 9 thành viên không thường trực, trong đó có 18 thành viên là quân nhân và 2 thành viên dân sự. Các thành viên dự thính gồm 7 tư lệnh của 7 Đại quân khu, Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng và Viện trưởng Viện Khoa học quân sự. Trong nghị sự, chỉ có các thành viên thường trực mới có quyền biểu quyết.
Việc bổ nhiệm thành viên Quân ủy Trung ương được thực hiện theo nguyên tắc "7 lên, 8 xuống". Nghĩa là tuổi bổ nhiệm tối đa là 67 tuổi, tuổi mãn nhiệm là 68 tuổi.
Ngày 18.10.2012 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khai mạc đại hội đảng thứ 18, và bầu ra Ban Chấp hành trung ương mới, với Bộ chính trị mới và do đó sẽ có Quân ủy trung ương mới.
Do quy định "7 lên, 8 xuống", giới thạo tin tại Trung Quốc đang chú ý đến những tên tuổi như:
- Thường Vạn Toàn, 63 tuổi, (Chang Wan-quan), hiện là Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị- Vũ khí.
- Hứa Kỳ Lượng (62), Xu Qi-liang, hiện là Tư lệnh Không quân.
Nếu hai nhân vật trên có thể trở thành phó chủ tịch quân ủy thì Ngô Thắng Lợi (67) (Wu Sheng-li), hiện là Tư lệnh Hải quân, nếu không phải nghỉ hưu thì có thể sẽ được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng nếu Ngô phải nghỉ hưu thì người thay thế sẽ là Chương Tấm Sinh (Zhang Qin-sheng, 64 tuổi) Phó Tổng tham mưu trưởng thường trực.
Tân Tổng Tham mưu trưởng có thể là Thượng tướng Phòng Phong Huy (Fang Feng-hui), 61 tuổi, đương nhiệm Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh, là kẻ rất giỏi về chiến tranh tin học, được Hồ Cẩm Đào tin tưởng cử làm Tổng chỉ huy cuộc duyệt binh đại lễ Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60 (2009).
Thế nhưng thay người mới người cũ gì cũng vậy, hệ thống chỉ huy và tham mưu của đầu nào này vẫn không đổi và do đó có phù hợp với khẩu hiệu hiện đại hoá và “tác chiến xa bờ” trong thời buổi bành trướng trên biển này không?
Đó chính là một điểm yếu của quân đội Trung Quốc, một tổ chức mù mờ, không những với người ngoài mà với cả chính nó.
Thời gian qua, chỉ trong vòng 10 năm thôi, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên gấp bốn lần, tập trung tiền vốn để phát triển các loại hoả tiễn diệt mẫu hạm tầm xa, máy bay tàng hình, phát triển khả năng chiến tranh tin học để có thể “hạ thủ” cả những vệ tinh viễn thông trên quỹ đạo.
“Phần cứng” thì như vậy, thế giới vẫn chưa biết về “phần mềm” của nó: liệu Trung Quốc đã đào tạo được một đội ngũ sĩ quan và chuyên viên lành nghề, có thể làm chủ những phương tiện kỹ thuật phức tạp ấy và phối hợp nhau một cách nhuần nhuyễn trong những tình thế khẩn cấp nhất của chiến tranh.
Nếu lời tố cáo của Lưu Nguyên về tình trạng mua quan bán tước trong quân đội là có thật thì chắc chắn là quân đội Trung Quốc vẫn chưa thực sự là một đội quân chuyên nghiệp trong ý nghĩ chiến tranh hiện đại.
Một đội quân hùng mạnh phải có một hệ thống chỉ huy thông suốt thế nhưng tình trạng phân cấp, tình trạng chính trị hoá, tình trạng phe đảng, tình trạng quan liêu và tham nhũng sẽ làm hệ thống ấy kém hữu hiệu.
Nhưng phe phái trong quân đội chỉ là một phần của phe phái chính trị, là đề tài chúng ta sẽ bàn trong bài tới.
Phạm Đức Đồng Hùng
VIỆT LUẬN