Một sự phản bội
Mời đọc bài viết của LÊ PHAN, con gái của Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát.
Bà đang là biên tập viên cho đài phát thanh BBC London.
Bài viết cô đọng thấm thía, không chỉ cho người dân Miền Nam mà là cho người dân Bắc VĂN GIANG đang mất đất, viết cho
những bộ đội Việt Cộng đã chết dưới tay giặc Tàu năm 1979, bài viết cho các nhà trí thức Miền Bắc như Trần đức Thảo, Trần Độ, Nguyễn Hộ
những kẻ bị lừa cả một đời hy sinh ...
Viết cho kẻ dự phần chiến thắng nhưng đã không được dự phần chia của cướp được.
Bà đang là biên tập viên cho đài phát thanh BBC London.
Bài viết cô đọng thấm thía, không chỉ cho người dân Miền Nam mà là cho người dân Bắc VĂN GIANG đang mất đất, viết cho
những bộ đội Việt Cộng đã chết dưới tay giặc Tàu năm 1979, bài viết cho các nhà trí thức Miền Bắc như Trần đức Thảo, Trần Độ, Nguyễn Hộ
những kẻ bị lừa cả một đời hy sinh ...
Viết cho kẻ dự phần chiến thắng nhưng đã không được dự phần chia của cướp được.
Nếu Võ văn Kiệt còn sống chắc sẽ nói lại là :" 30 tháng 4, có 3 triệu người vui, có 84 triệu người buồn"'
****************************** ****************************** ******************
Đã
mấy năm nay rồi tôi không muốn viết và không viết về ngày 30 tháng 4. Không viết bởi sau bao nhiêu năm, những điều mình muốn nói đã nói rồi. Không viết bởi càng viết chỉ càng thấm thía với lời của ông Võ Văn Kiệt, vì mình nằm trong số cả triệu người buồn.
Vả lại, ba mươi mấy năm sau, bây giờ, ở một khía cạnh nào đó, tôi không còn có cảm tưởng mình là người Việt nữa. Việt Nam của tôi là Việt Nam của quá khứ. Việt Nam đó không còn nữa.
Nhưng khổ một nỗi, ở một góc cạnh nào đó Việt Nam vẫn nằm trong tim tôi. Làm sao có thể quên được khi ngày
ngày vẫn còn cầm bút viết tiếng Việt, đọc tin tức về Việt Nam và dầu muốn dầu không, vẫn bâng khuâng về đất cũ.
Hôm nọ, ngồi xem những đoạn video được đưa lên Internet về cuộc biểu tình phản đối của người dân ba xã của
huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, rồi sau đó, cũng trong lúc làm tin, chợt được xem một đoạn về phản ứng của miền Nam Việt Nam, cả dân chúng lẫn chính quyền trước việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, tôi bỗng cảm thấy mừng mình là dân miền Nam chứ không phải là dân miền Bắc. Tôi có thể mất nước, phải bỏ xứ mà đi sống tha phương cầu thực và ngày nay nhận đất lạ làm quê hương, nhưng ít nhất tôi không phải sống trong một quốc gia, dưới một chế độ, đã đòi sự hy sinh tột đỉnh của dân mình rồi phản bội.
Đoạn video mà tôi thấy về Văn Giang là lúc đoàn dân chúng của các xã bị cưỡng chiếm tụ tập về để bảo vệ mảnh
vườn của mình. Họ từng đoàn từng lớp kéo nhau đi, tay cầm gậy, cuốc, xẻng. Đoạn clip khá dài, người quay đứng yên một chỗ, quay đoàn người đi
qua. Họ đủ cả, già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà cũng có. Có khá nhiều
người đội nón an toàn, một số khá đông phụ nữ khoác thêm một cái khăn ở
dưới nón an toàn, trông ra có lẽ cũng có lý vì ít nhất nón an toàn bảo vệ không bị công an đánh bể đầu. Giữa đám nón an toàn hay nón baseball có lác đác một số đội nón cối. Trong số người đội nón cối, có vài người đứng tuổi. Họ đội nón cối, mặc quần áo bộ đội. Có lẽ có thiếu là họ không mang
quân hàm và huy chương đeo lên ngực. Một vài cái nón cối còn cả lá cờ, rõ ràng là nón của một cựu quân nhân.
Một số trông họ có lẽ là những chiến
sĩ đã bị chính quyền gọi nhập ngũ để chống lại xâm lăng của đoàn quân phương Bắc, một số già hơn, có thể đã bị chính quyền gọi nhập ngũ, không
phải để bảo vệ tổ quốc, mà để tham gia vào một cuộc chiến tương tàn, một cuộc nội chiến mà trong đó anh em gặp nhau trên bãi chiến trường.
Cuộc chiến tranh Bắc Nam mà ngày 30 tháng 4 là ngày kết thúc, mặc cho chính quyền có khoác cho nó cái áo tuyên truyền gì chăng nữa cũng vẫn là một cuộc nội chiến, người Việt giết người Việt. Như lời ca phản chiến
hồi nào có thể “kẻ thù tôi mang áo màu chủ nghĩa” nhưng họ vẫn là người
Việt. Và cũng xin đừng bảo tôi sai. Tôi có hai ông chú, một ông là sĩ quan quân đội miền Bắc, một ông là sĩ quan quân đội miền Nam. Cũng may là hai chú tôi chưa từng tham chiến trên cùng một chiến trường nào cả, chuyện đó hẳn đã xảy ra cho nhiều gia đình trên đất Việt trong những năm
chiến tranh.
Đã ba mươi mấy năm rồi, tôi không còn muốn tranh cãi cho chính nghĩa của miền Nam nữa bởi chuyện đó đã qua
rồi, nhưng ngồi nhìn những cựu quân nhân miền Bắc lầm lũi vác gậy đi tranh đấu để bảo vệ mảnh đất, mảnh vườn, kế sinh nhai của mình, tôi bỗng
cảm thấy tuy mất nước, xa nhà nhưng vẫn còn không xấu số bằng họ. Họ là
những người đã đem hết cả tuổi thơ dâng cho chế độ. Chế độ và đảng cầm quyền đã khởi xướng cuộc chiến tranh Bắc Nam dẫn đến việc cả triệu người
ở hai bên chiến tuyến cũng như dân lành gục ngã. Nếu miền Bắc không nhất quyết đòi chiếm miền Nam thì làm gì có chiến tranh.
Nhưng sau khi đòi hỏi sự hy sinh tối
thượng đó của người dân dưới quyền cai trị của mình, đảng Cộng sản Việt
Nam và những người lãnh đạo chính quyền ở miền Bắc đã thất hứa với nhân
dân. Tôi còn nhớ một lần về Việt Nam, một bà thím sau ngày đổi mới, lương công chức không đủ sống, mở một quán bán tạp hóa bên cửa ngách của
nhà mình, đã mỉa mai, “Hồi đó các ông ấy bảo ‘Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng mười ngày nay’! Bây giờ đã ‘Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy
nhào’, vậy mà vẫn không đủ ăn!”
Khác với những năm đó, Việt Nam trong những năm cho đến gần đây quả đã phát triển bằng năm bằng mười lúc
trước. Cứ đi về thành phố Hà Nội ngày nay so với Hà Nội của những năm đầu thập niên 1990, khi lần đầu tiên tôi trở về Hà Nội thì cũng thấy rõ sự thay đổi. Có điều những phát triển to lớn đẹp đẽ đó người dân không được chia hưởng. Trong khi ruộng vườn của họ bị chiếm đoạt để xây khu “đô thị mới” EcoPark, một khu hẳn là rất sang trọng vì partner của họ là
công ty địa ốc Savills ở Luân Đôn, một trong những công ty mà nhìn quảng cáo của họ ở Luân Đôn toàn là nhà cỡ trên một triệu bảng Anh.
Ecopark quảng cáo là “thành phố xanh
tươi, cuộc đời trọn vẹn.” Họ quảng cáo “không gian phố trong vườn” và những khu như “Rừng cọ: luxury apartment; Phố Trúc là shopping mall, Vườn Tùng và Vườn Mai: biệt thự detached or semi-detached villas.” Trang
quảng cáo của Ecopark mở đầu với một đoạn nhạc thật êm tai. Tiếc thay tiếng nhạc đó không làm át nổi tiếng than khóc của người dân Văn Giang.
Bây giờ tôi mới hiểu cái uất ức và thấm thía cái nỗi đau của những người như ông Trần Độ hay Nguyễn Hộ. Họ là những nhà trí thức, mang tuổi trẻ và lý tưởng đi để cứu nước khỏi họa
ngoại xâm, rồi để thống nhất đất nước vì đảng cộng sản bảo với họ là không thể để đất nước chia đôi, là miền Nam đang quằn quại trong áp bức của Mỹ Ngụy.
Tôi cũng chưa quên những bà con vào Nam sau 30-4-1975, gom góp một ký đường, vài lon sữa làm quà, tưởng là quý hóa lắm, ai dè miền Nam đâu có thiếu thốn và khổ cực như họ bị đánh lừa. Đã có những người, thẹn quá, giấu luôn quà, không dám đem ra cho bà
con trong Nam nữa.
Tôi cũng vẫn còn chưa quên người anh
họ của ông xã tôi, một cán bộ trung kiên, làm việc cho ban tuyên giáo trung ương, ban tuyên truyền của đảng cộng sản, hỏi nhỏ chú em, “Vậy chú
có bao nhiêu nợ máu với nhân dân. Nhà cửa này là do Mỹ nó cho đấy à?”
Nhưng cái vỡ mộng khi vào Nam sau năm 1975 có lẽ cũng một phần nào được xoa dịu vì dầu sao cũng là kẻ thắng. Cái vỡ mộng sau đó, khi vào năm 1979, người anh em “môi hở răng lạnh” dạy cho một bài học kinh hồn. Cho đến bây giờ chính quyền Hà Nội vẫn chưa công nhận số tử vong của trận chiến biên giới, cả về quân nhân lẫn thường dân.
Và sau cùng, giọt nước làm đầy ly là
khi chính quyền bỏ rơi chủ thuyết, chạy theo “định hướng thị trường” và
chỉ còn muốn làm giàu. Thật là đau đớn vì sau cùng họ mới thấy là những
gì họ hy sinh cả cuộc đời đã chỉ là những cái bánh vẽ.
Lê Phan
Gửi ý kiến của bạn