Năm 1966 tôi học lớp đệ Thất 4, trưởng lớp là anh Lê Văn Tình. Anh này lớn tuổi
hơn tụi tôi (hình như sinh năm 1950 hay 51). Ngoài ra số bạn còn lại và tôi thì
sinh năm 1953, 54 và 55, lúc đó ai sinh năm 55 là đúng độ tuổi. Thành ra anh
Tình chỉ học chung với tụi tôi đến hết lớp đệ Ngũ thì nghỉ, có lẽ để đi lính ?!
Qua năm sau lớp tôi được đổi từ đệ Tứ 4 sang Chín 4 theo chương trình mới,
trưởng lớp là bạn Nguyễn Văn Sấm, ai cũng nễ phục vì anh "đô" con
nhứt lớp! Đến năm lớp 12B1, khi học chung với các bạn từ lớp 11B1 của hai bạn
Ngọc Dung và Minh Thủy thì mọi người bầu tôi là... trưởng lớp!
Từ lớp đệ Ngũ 4, bạn của tôi bỏ học từ từ, có người thì chuyển trường lên Sài
Gòn học, có người học nhảy nên đến lớp 11B4 chỉ còn 47 mạng. Lúc đó tụi tôi
giống như "47 dũng sĩ Samourai'' trong phim Nhật nên rất đoàn kết, làm
chuyện gì cũng đồng lòng nên quậy phá cũng hết biết! Sau khi thi Tú tài 1 năm
1971 thì những bạn nào sinh năm 1954 đều kẹt tuổi lính. Trong số này có vài
người thi vào trường Quốc gia Sư phạm, một số đăng lính Không quân, hai bạn vào
trường Sĩ quan Thủ Đức và vài tên đi lính Hạ sĩ quan. Tôi và mấy người bạn sinh
năm 1955 thì được hoản dịch vì lý do học vấn nên học tiếp lên lớp 12.
Hai người bạn học ở Thủ Đức là Trần Văn Chim và Bùi Đức Chung ra trường với cấp
bậc Chuẩn úy. Chỉ trong vòng 3 tháng sau thì Chim đạp mìn bị banh xác! Năm
1973, tụi tôi đang học lớp 12 đi dự đám tang, tôi và 5 người bạn khác vừa sụt
sùi vừa khiêng quan tài tiễn bạn đến nghĩa trang gần núi Bửu Long. Còn Chung
trong lúc hành quân giơ cánh tay trái ra lịnh cho lính mình tiến lên thì bị bắn
đứt lìa đến tận vai! Bạn ấy kể lúc đó đau quá, khi nhìn xuống chỉ thấy sợi gân
treo cánh tay tòn teng! Sau đó thì Chung ngất xỉu, may nhờ người lính thân cận
(mang cấp bực Thượng sĩ) ôm nhảy xuống đường mương nên mới sống sót, tuy nhiên
bạn phải chịu mất một cánh tay! Nghe đến đây bạn thấy chiến tranh tàn khốc quá
phải không?
Hồi đó trong lớp tôi có bạn Vũ Mạnh Tiến rất giỏi về nhạc. Năm học lớp đệ Ngũ,
mới 13 tuổi bạn ấy đã sáng tác nhạc rồi nhờ Ba là lính Không quân quay
"roneo" để đem vào lớp tặng cho tụi tôi mỗi đứa một bản! Năm 1972,
Tiến đi lính Sư đoàn 5 với cấp bậc Hạ sĩ quan, bạn đã từng dợt nhạc với các
nhạc sĩ đàn anh như Trường Kỳ (đã mất) và Nam Lộc. Sau năm 1975, mỗi lần lớp
tôi họp mặt thì Tiến ngồi kế và bấm hợp âm cho Chung dùng tay mặt gảy đàn
guitar. Tuy chỉ có một tay nhưng Chung cũng chơi trống cho ban nhạc trong
phường khóm, sau này bạn ấy bị bịnh nên mất sớm! Còn Tiến có một thời gian đi
làm củi rồi đập đá trên núi Bửu Long, có lẽ vì thấy tương lai mù mịt nên bạn đã
tự tử! Ngoài hai bạn này có bạn Hồ Hoàng Cương, dáng cao lớn nhưng tánh tình
rất hiền lành cũng mất vì đột quỵ tim!
Đầu năm 2003, tôi có dự buổi họp mặt với bạn bè học từ lớp đệ Thất 4 ở khu du
lịch Bình Quới (gần cầu Bình Triệu). Lần đó anh em trong lớp đến dự khá đông
(khoảng 25 người) và tôi có gặp lại anh Tình. Qua vài năm sau, lớp tôi mất hai
bạn Nguyễn Hồng Phúc và Dương Ngọc Mai. Năm 2009 anh Tình qua đời vì bịnh phổi
và năm sau thêm bạn Nguyễn Hồng Thanh ra đi. Mới đây thì có bạn Bùi Hoàng Tuấn
mất vì bị tai biến. Tính ra thì trong lứa tuổi của tôi, bạn bè rơi rụng khá
nhiều!
Ngày xưa tôi ở trong hẻm 54 gần rạp hát Khánh Hưng, trên đường Trịnh Hoài Đức.
Từ nhà tôi nếu đi bộ chừng 12 phút sẽ tới rạp hát Biên Hùng, còn muốn vô Phúc
Hải và Dưỡng Trí Viện (DTV) thì phải đi xe "lam" (lambretta), nếu đi
bộ thì khoảng hơn 1 giờ. Hồi nhỏ tôi hay vô nhà của một người chị bà con ở gần
DTV chơi và tắm suối. Ngang con suối người ta có bắc một cây cầu để đi qua
Viện. Tôi còn nhớ có thấy mấy người bịnh đã bớt và có vẻ hiền lành trần truồng
xuống suối tắm tỉnh bơ!
Cảnh trí ở trong DTV rất đẹp và nên thơ, người ta chia ra mấy con đường nho nhỏ
và trồng nhiều cây điệp, phượng nên có nhiều bóng mát. Tôi có người bạn học
chung lớp ở trong dãy cư xá. Sau năm 1971, anh này đi lính Không quân, hiện giờ
đang định cư ở Canada.
Hôm trước bạn về Biên Hòa dù có bản đồ nhưng vẫn lóng ngóng phải không? Bây giờ
bạn giở bản đồ ra tôi nói sơ cho bạn nghe nha!
Nếu nhìn từ Toà hành chánh Tỉnh ngược lên, tôi chia làm 3 điểm chính (theo một
trục thẳng đứng) để bạn dễ thấy: bùng binh Công trường Sông Phố, Ngã Năm gần
rạp hát Biên Hùng và Ngã Ba Vườn Mít. Từ bùng binh quẹo trái, bạn sẽ theo đường
Nguyễn Hữu Cảnh đi ngang chợ Biên Hòa. Qua khỏi chợ có một con đường dẫn xuống
bờ sông (tôi không nhớ tên), hồi đó ở đây có bến xe lô (traction) và xe đò. Gần
đó có rạp hát Vạn Khánh Hưng thường chiếu phim Ấn Độ, hồi nhỏ tôi hay theo Má
đi coi mấy phim này vì thích mấy Hoàng tử bắn cung rồi mủi tên hóa thành con
rắn! Từ con đường này đi ngược lên bạn sẽ đến một trại lính gọi là thành Kèn.
Khi đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ngang chợ Biên Hòa, nếu quẹo phải bạn sẽ gặp
đường Phan Đình Phùng. Đi dọc đường này có một con đường nhỏ phía bên trái để
đi qua thành Kèn, còn đi thẳng bạn sẽ qua Ngã Ba Thành rồi lên dốc Sỏi, sau đó
thì ra đường Phạm Phú Quốc. Đường Phạm Phú Quốc kéo dài từ Ngã Ba Vườn Mít
ngang qua cổng Không quân số 2, Ngã tư Bửu Long đến Cầu Mới. Từ đây đi thêm một
đoạn nếu quẹo phải bạn sẽ qua Tân Hạnh rồi Tân Ba (ở bên kia sông Đồng Nai),
quẹo trái thì đi Tân Vạn. Nếu đi thẳng thì qua núi Châu Thới ở bên trái và Hóa
An ở bên phải, sau đó sẽ đi về hướng Ngã ba Đại Hàn để đi Sài Gòn.
Từ chợ Biên Hòa, nếu đi thẳng bạn sẽ gặp Tòa Án trên dốc đường Lê Văn Duyệt. Từ
con đường này đi xuống hướng bờ sông chừng vài trăm thước thì tới sân vận động
Biên Hòa, nếu đi thẳng tới bờ sông rồi quẹo trái sẽ gặp trường Tiểu học Nguyễn
Khắc Hiếu và xóm Lò Heo.
Từ Tòa Án đi dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ tới trường Nữ Tiểu học, xóm Cây
Chàm, Sở Cải (vì người ta lên luống trồng rất nhiều cải ở đây) rồi Ngã tư Bửu
Long. Từ đây đi lên sẽ qua núi Bửu Long, Bến Cát, Tân Phú, Thiện Tân rồi tới
Đại An và thác Trị An.
Nếu mình đi từ bùng binh Công trường Sông Phố ngược lên hết đường Trịnh hoài
Đức thì tới Ngã Năm gần rạp hát Biên Hùng. Từ đây có đường Hưng Đạo Vương, quẹo
trái sẽ lên gặp Ngã Ba Thành (đường Phan Đình Phùng), nếu quẹo phải sẽ vô ga xe
lửa Biên Hòa. Từ Biên Hùng đi lên trường Ngô Quyền là đường Quốc Lộ 1 sẽ qua
trường tư thục Khiết Tâm, trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, Đài Kỷ Niệm ở gần bồn
nước thật cao (chateau d'eau) rồi tới Ngã Ba Vườn Mít.
Từ đây sẽ chẻ ra làm hai hướng: bên trái đi Phúc Hải, Trung tâm Cải huấn, Dưỡng
Trí Viện, Hố Nai rồi đi Long Khánh; bên phải đi Máy Cưa, Tân Mai, Tam Hiệp rồi
ra ngã ba Xa lộ Biên Hòa. Ở ngã ba này, nếu quẹo trái mình sẽ qua Hố Nai, quẹo
phải sẽ đi ngang Ngã Ba Long Thành (để đi Long Thành và Vũng Tàu) rồi đi thẳng
thì về Sài gòn.
Đường Quốc Lộ 1 chạy trước mặt rạp hát Biên Hùng ngược về cầu Rạch Cát còn gọi
là đường Đắp Mới. Bạn đi một chút sẽ gặp đường Công Lý, đường này vắt ngang
đường Đắp Mới và đường Hàm Nghi. Từ ngã ba giữa hai đường Công Lý và Hàm Nghi,
nếu quẹo trái bạn sẽ gặp rạp hát "Lido" rồi đi xuống Hảng Dầu. Nếu đi
hết đường Đắp Mới thì bạn sẽ thấy trường Tiểu học Đồ Chiểu, chỗ tiếp giáp giữa
đường Đắp Mới và đường Hàm Nghi. Như vậy 3 đường Đắp Mới, Hàm Nghi và Công Lý
hợp thành một hình tam giác (triangle) với đỉnh là trường Đồ Chiểu.
Từ đây bạn đến Hảng Dầu, qua cầu Rạch Cát đi một đoạn nếu quẹo trái thì đi Cù
lao, đi thẳng thì tới Cầu Gành rồi qua Tân Vạn. Từ Tân Vạn, quẹo trái bạn sẽ
tới xa lộ Biên hòa, nếu đi thẳng sẽ qua Dĩ An rồi tới Thủ Đức, Bình Triệu và
Sài Gòn.
Sau năm 1975, tôi có dịp đi bộ từ Thủ Đức về Biên Hòa. Hôm đó tôi đi xe từ Sài
Gòn về đến Thủ Đức thì mọi người bị bắt xuống xe. Tới đây khoảng 4 giờ chiều
nhưng đứng chờ xe khác quá lâu (hơn nửa tiếng) nên tôi đi bộ luôn theo bước
Hướng đạo (đi 50 thước thì chạy 50 thước rồi đi và chạy tiếp), khi tôi về đến
nhà thì gần 9 giờ tối!
Sau lần đó, có một lần tôi cũng đi bộ từ Tân Vạn qua Sài Gòn. Chiều thứ Bảy tôi
mượn xe đạp của một người bạn rồi thảy lên xe lửa ở ga Hòa Hưng để về Biên Hoà.
Qua ngày Chủ nhật tôi định đạp xe trở qua Sài Gòn, Má cứ nhắc hoài nhưng tôi cứ
lần khân nên đến hơn 3 giờ chiều mới đi. Khi qua khỏi Tân Vạn tôi đạp thêm một
đoạn thì xe bị xẹp bánh. Lúc đó gần 5 giờ chiều, tôi kiếm chỗ để vá rồi đi tiếp
chừng nửa tiếng thì xe bị xẹp bánh lần nữa! Xui cho tôi là lúc đó mưa lâm râm
nên trời sụp tối rất mau, tôi nhìn quanh quất chỉ thấy đồng trống, xa xa mới có
một cái nhà nên đành...dắt xe đi bộ! Bạn biết không, tôi đã đi lầm lũi trong
khi trời mưa tầm tả nên mình mẩy ướt loi ngoi. Khổ một cái là phải dắt theo
chiếc xe đạp nên đâu có vừa đi vừa chạy được! Hơn nữa, tôi mượn chiếc xe đạp
của người bạn, dù rầu rỉ nhưng tôi đâu dám vụt nó ở chỗ nào!
Tôi cứ đếm từng bước, hết vài chục tới mấy trăm rồi đến cả ngàn bước. Hai bên
đường từ Thủ Đức tới Bình Triệu người ta trồng rất nhiều rau muống, ếch nhái ở
dưới ruộng kêu uềnh oang và ánh sáng đom đóm chớp tắt, chớp tắt làm tôi buồn
nẫu ruột! Sau khi qua khỏi Bình Triệu tôi thấy hơi khỏe hơn chút xíu vì biết
mình sắp về tới Sài Gòn. Từ đây tôi đi qua Cầu Sơn, Hàng Xanh rồi đến cầu Phan
Thanh Giản. Tôi rán dắt xe đạp qua khỏi cầu rồi quẹo trái đến cửa cổng của Viện
Kỹ thuật Nông nghiệp ở góc đường Nguyễn Bĩnh Khiêm và Phan Thanh Giản.
Hồi đó tôi và vài người bạn ở xa như Tây Ninh, Mỹ Tho được cho tạm trú ở trong
Viện, thường thì cuối tuần tôi về thăm Má một lần. Trong chỗ làm có ông Tám Số
là gác dan. Ông có Má là người Việt, Ba là người Mã Lai nên theo đạo Hồi, từ
chập tối đến nửa khuya ông trải khăn vái lạy ít nhứt 2 lần. Khi tôi gọi ông Tám
Số ra mở cửa thì ông rất ngạc nhiên: "Mày đi đâu mà ướt mem vậy
Hoàng?". Tôi trả lời trong khi run lập cập vì lạnh: "Con mới từ Biên
Hòa đi bộ qua". Ông Tám hỏi tiếp: "Úy trời, mày nói thiệt hông
đó?". Tôi mắc cười quá mới chỉ chiếc xe đạp rồi nói: "Thiệt mà, tại
chiếc xe đạp... mắc dịch này mà con đi bộ suốt đêm dưới trời mưa, đã vậy còn
phải dắt "nó" theo nữa chứ!". Sau khi vô phòng thay đồ cho ấm
rồi ra uống cà phê với ông Tám, tôi nhìn đồng hồ trên tường thì đã hơn 12 giờ
khuya!
Tôi kể vài kỷ niệm xưa để bạn nghe cho vui. Bạn nói rất đúng, có lẽ khi càng
lớn tuổi người ta thường nhớ và nhắc đến những chuyện xa lắc xa lơ như nuối
tiếc một thời đã mất!
Trương Đức Hoàng
ngo-quyen.org