Một Thoáng THƠ TỨ TUYỆT
Như tên gọi, thơ Tứ Tuyệt (poème de quatre vers, quadrain), là thể thơ bốn câu, tập trung vào một chủ đề, một cảm xúc hay một suy nghĩ. Đó là một bài thơ ngắn, rất riêng, với đặc trưng là không đổi ý và thương kết thúc bằng một ý bất ngờ. Người đời vẫn cho Thơ Tứ Tuyệt phát xuất từ Thơ Đường bên Trung Hoa, từ Thất Ngôn Đường Luật rồi chuyển dần qua Tứ Ngôn hay Ngũ Ngôn. Riêng ở Việt Nam ta, Thơ Tứ Tuyệt được thể hiện luôn qua Thơ Song Thất Lục Bát, Lục Bát, Thơ Năm Chữ, Bốn Chữ hay thậm chí Ba Chữ!
Các Thi Hào, Thi Bá thơ Đường Trung Hoa có nhiều thơ Tứ Tuyệt như là một trong những điểm đặc sắc của Thơ Đường được truyền tụng từ đời nầy qua đời khác trong không gian văn nghệ.
Tôi rất thích thơ Tứ Tuyệt bởi lẽ thơ được trình bày một cách ngắn gọn, nhưng cũng vì ngắn gọn, việc làm thơ Tứ Tuyệt cũng gặp không ít khó khăn vì không dễ dàng diễn tả tập trung vào một ý, một cảnh, một tình, một tâm trạng chỉ qua bốn câu thơ. Không có bố cục mẫu nên nhiều khi Thơ Tứ Tuyệt mở đề tài bằng hai câu đầu, rồi đi đến kết luận bằng hai câu cuối hoặc là câu cuối được dùng để bày tỏ cảm xúc hay mở ra một cảm xúc về hướng khác với đề tài để gây lý thú cho người đọc.
Nghĩ cho cùng, trong thời đại kỹ nghệ tân tiến, người người chạy đua với thời gian thì việc làm và thưởng thức thơ Tứ Tuyệt là một ưu điểm nhờ sự nói ít mà gợi nhiều suy ngẫm cho người đọc. Lắm khi sự ngắn gọn lại chứa nhiều triết lý sâu xa và mới lạ. Thât không quá đáng khi người Trung Hoa vẫn gọi thơ Tứ Tuyệt là “TUYỆT CÚ” (câu tuyệt diệu). Cần nói là khi thưởng thức loại thơ nầy, người nghe, người đọc thường lặng im, như nín thở để cuối cùng, khi câu chót được lướt qua thì thở dài nhẹ nhõm như vừa tìm thấy một điều mới mẻ thú vị.
Xin dẫn vài bài Tứ Tuyệt sau đây của vài nhà thơ nổi tiếng về Thơ Đường , Trung Hoa và vài bài của nhà thơ Việt Nam đã thành danh qua nhiều thế hệ:
PHONG KIỀU DẠ BẠC ( TRƯƠNG KẾ)
( Phiên âm Hán Việt)
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
BẢN DỊCH ( TẢN ĐÀ)
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
LƯƠNG CHÂU TỪ (VƯƠNG HÀN)
( Phiên âm Hán Việt)
Bồ đào mỹ tữu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
BẢN PHỎNG DỊCH (TRẦN KIÊU BẠC)
Rượu quý Bồ đào chén lưu ly
Chưa uống mà đàn đã giục đi
Đừng cười kẻ say nơi chiến trận
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?
HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ (HẠ TRI CHƯƠNG)
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
. |
. |
|
|
BẢN DỊCH (TRẦN TRỌNG KIM)
Bé đi, già mới về nhà
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười ồ, hỏi khách lạ từ phương nao?
NAM QUỐC SƠN HÀ (LÝ THƯƠNG KIỆT/ 1019-1105)
Nguyên bản tiếng Hán: 南國山河 南 國 山 河 南 帝 居 截 然 定 分 在 天 書 如 何 逆 虜 來 侵 犯 汝 等 行 看 取 敗 虛 |
Bản phiên âm Hán-Việt: Nam quốc sơn hà Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. |
Dịch thơ: Sông núi nước Nam Sông núi nước Nam, vua Nam ở Rành rành định phận tại sách trời Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm? Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. |
MIẾNG TRẦU (HỒ XUÂN HƯƠNG)
Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi
Nầy của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
ÔNG PHỖNG ĐÁ (NGUYỄN KHUYẾN)
Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?
BA CÁI LĂNG NHĂNG (TRẦN TẾ XƯƠNG)
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chưà được thứ nào hay thứ nấy
Có chăng chưa rượu với chừa trà!
RÉT ĐẦU MÙA NHỚ NGƯỜI ĐI PHÍA BỂ (CHẾ LAN VIÊN)
Cái rét đầu mùa, anh rét xa em
Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em!
TÙ (HOÀNG CẦM)
Em khép hồn anh quanh sợi tóc
Anh khóa vòng không số ngực em trần
Lạ chưa, hai đứa cùng ao ước
Kết lứa ngồi chịu án chung thân
NÀNG THƠ LẠNH (THẾ LỮ)
Gió bấc giục về, Nương Tử rét
Bạn nghèo không sắm áo nhung tơ
Sương thu gội mãi trên vai giá
Ta lấy gì đây đắp dáng Thơ?
ĐAN ÁO (PHẠM THIÊN THƯ)
Em ngồi đan chiếc áo len xanh
Hẹn gió thu về gởi tặng anh
Rồi em bỏ đó vào thiên cổ
Anh một đời ngóng áo thiên thanh
NẰM ĐÊM ANH CỨ THƯƠNG EM (XUÂN DIỆU)
Nằm đêm anh cứ thương em
Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
Thế nầy cho hết trăm năm
Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em
ĐỢI (LƯ TRỌNG LƯ)
Yêu với không yêu, nói lúc đầu
Làm chi như thể phỉnh phờ nhau
Hôm ni hôm nớ mong rồi đợi
Trăng nở đầy buồng, người ở đâu?
THƠ BỐN CÂU TRẦN KIÊU BẠC
Giai thoại Thơ Đường Trung Quốc có kể chuyện “ Bốn Câu Là Đủ Ý” : Có một chàng thư sinh trẻ tên Tố Vịnh quê ở Lạc Dương đến Tràng An dự kỳ thi Hội.
Đề thi được ra là “Chung Nam vọng dư tuyết” (dịch nghĩa: Núi Chung Nam ngắm tuyết còn sót lại) . Thí sinh phải làm bài thơ năm chữ tả cảnh gồm sáu vần trong mươì hai câu.
Tố Vịnh suy nghĩ và trầm ngâm, sau cùng chỉ viết ra bốn câu như sau:
(phiên âm Hán Việt)
Chung Nam âm lĩnh tú
Tích tuyết phù vân đoan
Lâm biểu minh tễ sắc
Thành trung tăng mộ hàn
(dịch nghĩa)
Đĩnh phía Bắc núi Chung trơ trụi
Mây và tuyết thường đọng lại
Phía ngoài rừng ngày sáng rỡ
Trong thành thì giá buốt hơn
Viết xong, Tố Vịnh đứng lên nộp bài. Quan chủ khảo xem, ngạc nhiên hỏi: Sao không làm trọn trọn mười hai câu? Tố Vịnh cười nói: “ Khi làm thơ viết văn, đáng đi thì đi, đáng dừng thì dừng. Ý tôi đã hết, há có thể lải nhải viết bừa cho đủ số câu?”
Theo trường qui, với bài thơ thiếu tám câu, Tố Vịnh sẽ bị đánh rớt. Nhưng quan chủ khảo sau khi thấy lạ, đọc kỹ bài thơ thì thấy dù chỉ bốn câu, thí sinh đã tả cảnh rất hay, từ ngọn núi đến rừng cây, từ ngày sáng đến chiều tà qua cái lạnh khi tuyết xuống. Ý thơ toàn vẹn, quả là thơ hay!
Ông cảm kích bèn tâu Vua, đề nghị phá lệ, cho Tố Vịnh đỗ
Tiến Sĩ. Việc đó thành một giai thoại trong thi cử ở Trung Hoa. Sau nầy bài thơ
của Tố Vịnh được tuyển vào Đường Thi Tam Bách Thủ, thành một kiệc tác được lưu
truyền dài lâu.
“Bốn Câu Là Đủ Ý”, tôi suy nghĩ hoài! Vâng, thì không cần nhiều, chỉ cần bốn câu thôi!
Tôi sẽ đưa ra vài bài bốn câu, không dám bảo là Tứ Tuyệt vì dù muốn tạo ngạc nhiên hay gây ra cái mới ở câu cuối vẫn thấy đâu đó ý thơ còn vụng về, luật thơ chưa thể chỉnh như thơ cổ, và việc gây thỏa mãn cho người đọc chắc không thể chu toàn, nên chỉ dám mạo muội gởi đi như sau:
NHÌN LẠI
Cuối mùa còn một chút mưa rơi
Hạt nhớ, hạt thương, hạt ngậm ngùi
Mai sau có trầm mình trong nắng
Vẫn nhớ mưa buồn rớt lẻ loi!
TẠ
Tạ ơn đời rót máu về tim
Tạ tình em khóc ướt vai mềm
Tạ từ đêm thức cho trời sáng
Tạ lòng nguyệt quế tỏa hương quen!
KHÔNG ĐỀ
Không giờ, không thấy số không
Đồng hồ đã vẽ hai vòng mười hai
Đêm không em để đêm dài
Không giờ, không cả lòng ai đợi chờ!
GỞI VỀ SÀIGÒN
Mừng nghe nguyệt quế trổ hoa
Chắc là rụng trắng hiên nhà, ngoài sân
Gởi Sàigòn chút bâng khuâng
Người chăm nguyệt quế còn không nụ cười?
XA MẸ
Cầm theo ve Nhị Thiên Đường
Dầu còn phân nửa, tình thương Mẹ đầy
Xa quê đếm chuổi ngày dài
Ve dầu nhỏ xíu giữ hoài bên lưng!
CÚC NỞ HOA
Trồng ở đầu hiên đơn độc Cúc
Mơ hoài Cúc chẳng nở cho ta
Bụt bảo: Con làm thơ Tứ Tuyệt
Cúc Vàng cảm động sẽ ra hoa!
TÓC PHAI MÀU
Chắc buồn nên tóc đẩy xô nhau
Đường rẽ chia hai nửa mái đầu
Một bên quê cũ bên quê mới
Tóc cũng vì quê sớm bạc màu!
LÃNG MẠN ƠI, CON MUỖI
Nằm nghiêng em dáng nhỏ vai mềm
Muỗi đến vo ve trắng cả đêm
Một chút ngực phơi ngoài áo mỏng
Nhìn hoài muỗi chẳng muốn bay lên!
NƯỚC MẮT TRONG CƠM
Bưng chén cơm chiên nhìn thấy Mẹ
Dỗ dành từng muỗng đút cho con
Sao thấy trong cơm dòng nước mắt
Con không ăn được để Mẹ buồn!
TRÊN VẠT ÁO DÀI
Ước chi trên vạt áo dài
Có ghi tất cả những bài thơ tôi
Để khi vén áo em ngồi
Thơ rung từng chữ từng lời mộng du!
THEO CÙNG NGUYỄN BÍNH
Cầm câu sáu tám ngại ngần
Hình như Nguyễn Bính đứng gần đâu đây
Thôi thì mạnh dạn buông tay
Cho thơ lục bát bay đầy vườn thơ!
MỘT GIÂY XAO ĐỘNG
Đìu hiu gió đìu hiu mây
Đìu hiu đến cả bàn tay người tình
Một giây suy nghĩ quẩn quanh
Thì ra mới biết một mình đìu hiu!
THƯƠNG TÓC NGẮN
Lỡ thương tóc ngắn ai rồi
Dẫu trăm mái tóc dài thôi cũng đành
Ngắn vừa đủ động lòng anh
Ngắn vừa đủ buộc mình thành nợ duyên.
SÔNG NƯỚC ĐỒNG NAI
Vẫn là sông nước còn đầy
Mà khô khát cả hàng cây hai bờ
Bên nầy tả ngạn tương tư
Bên kia hữu ngạn dật dờ hồn quê!
NGÃ BA SÔNG
Thuyền xuôi về ngã ba sông
Ai theo nhánh rẽ cho lòng xa nhau
Mình còn hai nhánh sông sâu
Băn khoăn không biết ngã nào mà bơi.
HỌC TOÁN
(kính tặng quý Thầy Trần Phiên và Hà Tường Cát trường TH Ngô Quyền, Biên Hoà)
Thầy ra đề Toán khó trần ai
Tìm hoài lời giải mãi loay hoay
Thật tình em ráng vào trong lớp
Bởi không mê Toán chỉ mê Thầy!
TẶNG CÔ HÀNG MỸ PHẨM
Dọn hàng về sớm chi em
Người ta còn đợi mua thêm chút quà
Trăm con mắt ngó từ xa
Chắc chờ mua cái thật thà của em!
NGƯỢC DÒNG
Đêm vừa hết, giọt cà phê còn nặng
Đời đã vơi nhưng đáy cốc chưa vơi
Nước mắt cạn mà khổ đau chưa cạn
Tình còn đây sao người vội xa người?
NGÃ BA ĐƯỜNG
Thôi rồi người đã xa xôi
Sao nghe lòng đắng như đời khổ qua
Đời chia chi những ngã ba
Không chừa một lối cho ta chung đường?
THƠ NGÂY
Đi hoài chưa hết
Một tấc thơ ngây
Đời còn trăm thước
Nên vẫn ngu hoài!
SINH NHẬT
Dù cho sinh nhật đến mấy mươi
Cũng là con trẻ của Mẹ thôi
Mấy mươi cũng vẫn là con trẻ
Cần Mẹ hoài như thuở nằm nôi.
ĐÓN TẾT
Đêm xa quê đón Tết
Một lời ước đơn sơ
Phải chi lòng bánh tét
Nhuộm xanh đêm giao thừa!
PHÚT ĐẦU TIÊN
Sinh con Mẹ đã mừng vui
Cả nhà vang những tiếng cười thân quen
Mình con khóc phút đầu tiên
Phải chăng biết nỗi truân chuyên cuộc đời?
LƯỢM GẠO
Lời Mẹ dặn con hồi thơ trẻ
Hạt gạo như vàng quý biết bao
Lượm hạt gạo rơi lòng nhớ Mẹ
Lời dạy còn ghi, Mẹ chốn nào?
TƯƠNG TƯ
Tôi lại nhìn tôi trong bóng đêm
Tắt đèn nên thấy bóng lạ thêm
Hình như ai núp đàng sau bóng
Là bóng tôi buồn hay bóng em?
TRONG MƠ THẤY MẸ
Nằm mơ thấy Mẹ dắt con đi
Sau trống trường tan dẫn con về
Sương sớm phủ vây màu nắng đục
Tỉnh ra mới biết nắng Cali.
LÒNG CA KỶ
Màn khép rồi, anh có trọn vui?
Chờ cho khán giả bỏ đi rồi
Em lau son phấn ngoài sân khấu
Vãn tuồng, em chỉ có anh thôi!
CƠM TRẮNG
Chiều xuống Mẹ đem nồi vo gạo
Xả hết cám đen, gạo sạch trơn
Quê người cơm tối ngồi thương Mẹ
Nhìn cơm trắng muốt nhớ Mẹ buồn!
CHỈ MỘT NGƯỜI
Những dòng thơ tôi viết
Tưởng gởi cho nhiều người
Nhưng chắc không ai biết
Dành riêng một người thôi!
THĂM MỒ MẸ
Về thăm mồ Mẹ gió đong đưa
Mưa rớt lâm râm khoảng cuối mùa
Áo mỏng đơn sơ còn chưa ướt
Mà sao hai mắt dột đầy mưa?
GIAO THỪA NHỚ QUÊ XA
Giao thừa đón Tết xa quê
Tết quê xa, nhớ Tết quê nắng đầy
Nắng đầy, hồn lại mưa bay
Ước chi mọc cánh mà bay về nhà!
TỈNH TỌA
Âm u bóng tối
Đơn độc cuộc đời
Sát na tỉnh tọa
Thấy đời lên ngôi
ƠN THẦY CÔ
Qua bờ xa, thấy đò còn đưa khách
Tim học trò đập vội tiếng ngân rung
Công người đưa đò dày hơn trái đất
Nhớ ơn hoài NGƯỜI đã chở qua sông!
TRẦN KIÊU BẠC
(Tham khảo từ Internet và Giai Thoai THƠ ĐƯỜNG & TÁC GIẢ của Hà Anh, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ 2002)