Hôm thứ hai tuần qua, cũng như các lần trước, thỉnh thoảng, mỗi tuần một lần, tôi thường đến tiệm primeurs ở Villetaneuse, nơi có bán nhiều loại trái cây ở vùng Viễn Đông, nào là: trái thơm (khóm, dứa) đậu bắp, bưởi, khế, gừng, khoai lang, khoai môn, khoai sọ v.v… với giá thật phải chăng. Những loại trái cây này, thường khơi động trong ký ức tôi hình ảnh trìu mến của các chợ bán rau cải cây trái ở quê nhà, từ chợ làng, chợ huyện cho đến các chợ vùng ven đô của thành phô SàiGòn tôi yêu: nào là chợ Bến Thành, Vườn Chuối, Bàn Cờ, Thái Bình, An Đông, Nguyễn Tri Phương,Tân Định, Đa Kao, Phú Nhuận, Bà Chiểu, Cây Quéo, Tân Bình, Gò Vắp…và xa hơn chút nữa là An Sương, Hốc Môn, Thủ Đức v.v… Ôi! những tên chợ nghe sao mà thân thương quá, giống như một cặp tình nhân, vì hoàn cảnh phải xa nhau, cách trở quan san, nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến tên người yêu thì lòng không tránh khỏi bồi hồi xúc động, tình cảm của tôi với các danh xưng của các xóm làng, chợ búa ở quê nhà cũng như thế...
Sau khi mua xong vài cây trái đến từ vùng Viễn Đông, tôi ra lấy xe để về nhà thì nhặt được một cái bóp của ai làm rớt cạnh kề xe tôi, mở bóp ra thì thấy có 5 tờ giấy bạc 200, 5 tờ giấy bạc 50 và 5 tờ giấy bạc 20, tổng cộng là 1.350 euros, thêm một số tiền lẻ và những giấy tờ linh tinh khác, có lẽ của một cặp vợ chồng khách du lịch đến Pháp. Lòng tham không đáy và không tính toán, tôi cất ngay cái bóp vào hộc xe và lái xe về nhà. Bây giờ là đến lúc trong con người tôi có sự giằn co mãnh liệt giữa cái « thiện » và cái « ác »; từ ý muốn giữ lại số tiền lượm được, để xây xài cho thỏa thích, và với số tiền này mình có thể mua vé máy bay đi một tour du lịch sang ViệtNam, Thailand? nhưng mà nội tâm lại cảm thấy lương tâm bị cắn rứt, tôi tự tra vấn lương tâm?: Mình đã nhiều lần mất bóp, mất tiền cùng các giấy tờ quan trọng mà còn có được những người « tốt » giao trả lại. Tại sao bây giờ mình lại bị « của » che mắt, có ý bất lương và tham lam cùng cực đến như thế này? Lòng bỗng dưng nhớ đến những câu triết lý của Phật Pháp: «Trong cuộc đời phù du và mộng ảo này, dù ta được mọi sự ưu đải của đời cũng chỉ là đưa tay bắt bóng, rốt cuộc lại chỉ là tay không » vậy thì mình quá tham lam, ích kỷ mà làm chi? trong lúc mà mình vui sướng ăn xài hoang phí vì số tiền lượm được, thì có những kẻ vì sự bất lương của mình mà phải buồn rầu đau khổ tột cùng?
Lòng bỗng hoang mang xao động, lo lắng trăm chiều, lương tâm thúc đẩy, nên tôi lấy hết can đảm lái xe trở lại gian hàng bán trái cây, thì gặp được một cặp vợ chồng người mất bóp tiền, với hai đứa con thơ (có lẽ người đến từ Bồ Đào Nha) đang đi tìm cái bóp trong trạng thái hốt hoảng, vô vọng, lo lắng; tôi đến chận người chồng lại và hỏi:
-Phải đây là cái bóp của ông? tôi
vừa nhặt được khi nãy, không biết của ai? tôi dự định đem gởi lại cho ông
chủ cửa hàng bán trái cây để nhờ trao lại cho khổ chủ, nhưng nếu đây thật
là cái bóp mà ông bà đang tìm thì xin hãy nhận lại, và kiểm soát coi
tiền còn đủ? Vợ chồng người mất bóp này nói không rành tiếng Pháp, nhưng
cũng hiểu được ý tôi, nên họ mừng rạng rỡ, thiếu điều muốn quỳ xá tôi, miệng
thì lắp bắp: -merci beaucoup, merci beaucoup, lại còn nói thêm :
-« tố chìa, nỉ hảo »
Có lẽ họ lầm tưởng tôi là người Tàu, nhưng tôi nói ngay với họ bằng câu tiếng Pháp rằng:
-tôi không phải là người Tàu, mà
tôi là người Việt Nam, ông bà có biết nước Việt Nam ? chớ riêng tôi thì
biết rõ xứ Bồ Đào Nha, nằm ở hướng nào theo địa đồ Âu Châu và vị thế của Bồ Đào
Nha trong cộng đồng Âu Châu.
Sau đó, hai vợ chồng rất cảm động, cứ lặp đi, lặp lại hoài hai tiếng:
- «Việt Nam, ViệtNam »
khiến tôi nghe mà lòng rất xúc động, muốn rơi lệ! sau đó họ lại trân trọng mời tôi dùng cơm trưa với họ, nhưng tôi từ chối.
Đây là một hành động hoàn toàn theo bản năng lương thiện và theo sự suy luận của lương tri. Tôi rất vui mừng vì đã làm được một sự việc mà có sự dằn co dữ dằn trong nội tâm và kết quả là cái « phải, cái thiện » đã thắng. Nếu Bà Ngoại tôi còn ở thế gian vô thường này; Bà sẽ không tiếc vài giọt nước mắt vui mừng cho đứa cháu ngoại đã biết nghe lời khuyên dạy của Bà, những lời giáo huấn nghiêm túc của Bà dạy tôi trong suốt khoảng thời gian ở cạnh Bà vào tuổi ấu thơ…
Trọng Lễ Âu Dương
Kính tặng Bác Sĩ Trần Thị Mỹ