Sáng qua, ngày 11/12/2012, tôi ngỡ ngàng khi thấy lá cờ tang màu trắng treo ở đầu ngõ. Tôi ngẩm nghĩ, tối qua gần 22 giờ, tôi về đến nhà thì chưa thấy nó kia mà. Nhìn xuống hướng bờ sông Chợ Đồn cũ thì thấy có nhà rạp bằng sắt đã được dựng lên. Tôi hỏi cháu gái gần nhà.
- Xóm mình, dưới bờ sông, có đám tang ai mà mới treo cờ vậy cháu?
- Nếu ở hướng bờ sông, vậy chắc là chú Hiền, rể của dì ba? Chú ấy bị bệnh đã mười năm nay.
Tôi giật mình. Nếu đúng vậy, người chết là Nguyễn Văn Hiền, bạn học chung lớp thất 3 NQ với tôi.
Tôi nhớ lại. Trong kỳ thi tuyển sinh vào trường NQ năm 1963, bạn được phân chia vào lớp thất 3 với tôi, lớp học gồm toàn là các bạn nam, đến từ các trường tiểu học, Tô Minh Quang làm trưởng lớp. Nhà Hiền ở xóm Gò Cát, cù lao Hiệp Hòa, gần nhà Huỳnh Văn Huê. Tánh tình bạn hiền như cái tên, trầm lắng, ít nói. Năm sau, tôi chuyển sang lục 1, rồi bạn bè gặp lại nhau ở lớp tam B3. Đầu năm 1968, chiến cuộc Mậu Thân bùng nổ, học sinh nào sinh năm 1950 trở về trước không đủ điều kiện hoản dịch học vấn phải nhập ngũ. Bạn đăng ký vào quân đội trước khi bị động viên, cũng như số bạn bè khác phải lên đường làm trai thời loạn. Đến khoảng sau năm 1990, khi tôi giao hàng cho một cửa hiệu tạp hóa ở Chợ Đồn cũ, nhìn sang nhà bên cạnh, thấy ai giống Nguyễn Văn Hiền quá ? Tôi bước sang hỏi thăm.
-Tao có vợ ở đây, làm rể Chợ Đồn.
Rồi mấy năm sau, căn nhà đó được bán đi, tôi không gặp bạn. Vì áp lực công việc, tôi cũng không để ý đến bạn bè.
Tôi xuống đám tang hỏi thăm, lại bất ngờ nữa. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Hưng, CHS trường Minh Tân, những ngày Tết Nhâm Thìn, có gặp gở thầy Huỳnh Bá Hạnh ở cà-phê Lộc Vừng.
- Anh thứ tư, Hiền thứ năm. 9 ngày trước, ba anh đã mất ở Cù Lao. Hồi trước chị Bé Nhỏ của em có học chung với anh.
Rồi bạn Trần Văn Tốt, Tốt già, cách nhà Hiền mấy căn, bước sang.
- Nó là bạn nhậu của tao lúc trước.
Rồi bạn Ngô Phước Thiện đến, tay cầm bóng đèn, gắn vào ổ điện của nhà rạp. Như vậy là Thiện và đám "đệ tử" đã dựng nhà rạp cho đám tang từ sáng sớm. Thế là bạn bè đã biết sự việc, tôi hỏi thăm chương trình tang lễ để báo tin buồn cho bạn bè và tổ chức viếng tang. Từ danh bạ có trong máy, tôi lần lượt thông tin cho bè bạn. Lê Xuân Sang ở Lái Thiêu hứa cũng sẽ cố gắng. Nguyễn Tấn Lực ở quận 2 thì rên rỉ.- Tao lúc nầy hay bị lên máu, đi xa không được.
Ừ, có gì thì nhắn nhủ với bạn bè, tại mầy ở xa.
Rồi bạn bè đồng ý với nhau, sẽ đến viếng tang sau chầu cà-phê sáng 8 giờ của ngày hôm sau, 12/12/2012, ở quán cà-phê gần chân cầu Thủ Huồng. Mục đích để anh em tâm sự và tập họp đông đủ.
Sáng nay, 12/12/2012 ngày đẹp trong năm, tôi đang lo công việc thường ngày của gia đình, có điện thoại của Tâm khỉ gọi cho tôi.
- Sáng nay tao bị lên máu, giờ đang nhức đầu, không đi uống cà-phê được. Nếu bớt, tao sẽ đến đám tang.
- Ừ, thì mầy cố gắng. Nghe tin mầy, Tốt già muốn gặp mầy lắm.
Nhờ chiếc điện thoại cầm tay đã kết nối bạn bè lại. Sau 1975, bạn Tốt vẫn ở Chợ Đồn, có tay nghề về gốm sứ, lúc đi học đã biết kiếm tiền, nhưng thời vận còn long đong nên ít liên lạc bạn học. Hôm đám tang ba tôi, bạn bè chung lớp đi viếng tang, có gặp Tốt, anh em sơ ngộ vài "xị". Chào đón bạn Tốt về với gia đình thất 3 NK 1963-1970. Anh em hẹn nhau đông đủ ở quán cà-phê, tôi nối máy cho Tốt nói chuyện với Huỳnh Hữu Thọ.
- A-lô, mày có nhớ ra ai không ? Anh em chờ mày qua để đi đám tang...
Ừ, mày chờ Thọ mua vé máy bay để bay về với mầy cái đã. Từ lâu, Tốt không có liên lạc bạn bè nên không nắm thông tin. Bạn bè đến đầy đủ, có vài bạn bận việc riêng không đi được nhưng gửi lời chia buồn, gửi hiện kim phúng viếng. Có bạn hứa sẽ đến viếng sau.
Tiếp đón chúng tôi là anh Hưng, anh thứ tư của Hiền, và chị Ngọc, vợ Hiền. Chủ khách chào nhau và hàn uyên.
- Vậy hồi đó hoàn cảnh nào, chị và Hiền gặp nhau?
- Lúc còn đi học, tôi qua nhà chơi với em gái ảnh...
- Vậy chị yêu "sắc áo hoa rừng" của bạn tôi?
- Năm 1972, tôi và ảnh cưới nhau. Nhưng đám cưới không có chú rể, vì ảnh còn đang "oánh" ở Quảng Trị.
Anh Hưng đở lời em dâu.
- Nó không xin về phép được, anh phải làm "hình nhơn thế mạng".
Đúng là đám cưới thời ly loạn. Tất cả cùng cười. Rồi chúng tôi, Tâm nhủi, Thiện, Tốt, Chiếu và tôi, xin phép gia đình vào viếng tang. Một vòng hoa tươi với hàng chữ chân tình" Nhóm thân hữu CHS.NQ.K8 KÍNH VIẾNG ", mấy bó nhang đèn và những tấm lòng, một phong bì thơ, xin thay mặt bạn bè lớp thất 3 viếng thăm bạn Hiền lần cuối.
Rồi chúng tôi xin phép ra về, hứa sáng ngày thứ sáu, 14/12, sẽ đến đưa tiển bạn học lần sau cùng.
Tối nay, về đến nhà, hòa mình bên máy tính, trong căn phòng vắng lặng, hơi se se lạnh của những ngày Đông, tôi chợt nhớ đến bạn bè của ngày nào mới vào lớp đệ thất 3 trung học Ngô Quyền. Sau Tết Mậu Thân, lần tổng động viên thứ nhất, gần 1/3 bạn bè lớp chúng tôi phải vào quân ngũ. Tốt già, Hùng mát,.. thích đời sống sông nước. Phát Cù Lao, Thiện...đăng ký không quân. Phát Tân Hạnh, đi địa phương quân cho gần nhà. Lê văn Mẻ, ở xóm Bình Trị, đi Hải quân...
Riêng Phạm Ngọc Hạnh, có lẽ cuối năm nó đứng nhất lớp, là một trong 14 anh tài được thầy Đặng Ngọc Thiềm ưu ái chuyển qua học chung với các bạn nữ ở lớp đệ lục. Nhưng vì cũng sanh năm 1950, nên nó vẫn bị động viên. Nhỏ con, học giỏi, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng nó lại yêu " rừng núi, sình lầy ". Khi vượt dây tử thần ở Dục Mỹ, nó bị tử nạn.
Võ Văn Nghiệp thì tình nguyện vào trường HSQ/Đồng Đế. Ra đơn vị, nó về tiểu khu Bình Tuy. Mùa hè đỏ lửa, tôi đang ở quân trường Thủ Đức, có lẽ yêu màu " áo đỏ hoa rừng ", nó tình nguyện qua binh chủng Dù. Khi đơn vị tiến quân giải tỏa Cổ thành Quảng Trị, nó bị pháo dập nát một tay, một chân. Khi tôi ở chiến trường Vĩnh Bình, đêm tiền đồn cô quạnh, tôi có bài thơ viết cho bạn bè ở BH, trong đó có 4 câu nhắc về Nghiệp.
Bạn bè chung lớp giờ còn dăm đứa.
Áo chinh nhân bên gươm súng miệt mài.
Đứa trở lại nửa hình hài tàn phế.
Trắng cuộc đời, trắng cả tương lai.
Áo chinh nhân bên gươm súng miệt mài.
Đứa trở lại nửa hình hài tàn phế.
Trắng cuộc đời, trắng cả tương lai.
Sau những lần về phép ỡ BH, bạn bè có gặp nhau. Sau 1975, nó không còn hưởng trợ cấp thương binh. Khoảng sau 1980, với một chiếc nạng gỗ, chiếc chân giả, nó lộc cộc từ BH, qua 2 cây cầu sắt, đến cửa hàng của tôi ở Chợ Đồn thở hào hển. Một ly nước, bạn bè nói chuyện, nó xin tôi một gói thuốc lá đen, một ít tiền , rồi lên xưởng gốm của Tốt già. Nó lại vòng xuống Tân Vạn, tìm đến lò gạch Tâm nhủi. Sau nầy Tâm nhủi kể.
- Tao phải lấy xe Honda chở nó về BH, vì từ Tân Vạn đến BH là 5 cây số.
Sau 1990, bệnh thần kinh nó tái phát vì ảnh hưởng sức nổ của đạn pháo, nó chết cô đơn trong nhà, mấy hôm sau hàng xóm mới phát hiện. Sau đó, bạn bè hay tin đã muộn.
Nguyễn Trương Hoàng, những ngày cuối cùng của chiến tranh, nó vùi thây nơi nào đó của vùng đất cát xứ dừa Bình Định trong lúc đơn vị di tản.
Nguyễn Khắc Lưu, theo lời kể của Hoàng Minh Chiếu, những ngày đầu năm 1975, nó có đến thăm Chiếu, rồi về đơn vị ở Bình Dương-Hậu Nghĩa. Sau chiến tranh, gia đình không thấy nó về nhà. Như vậy bạn đã mất tích, vùi thây đâu đó.
Đó là bốn đứa bạn, trong 13 bạn bè đứng đầu lớp qua lục 1 cùng tôi.
Nguyễn Xuân Quang, Quang nhốp, nói lắp, nhà ở xóm đình Thành Hưng, Cù Lao Hiệp Hòa. Học hết lớp đệ nhị, lấy tú tài 1 xong, nó vào Thủ Đức. Sau là đại đội trưởng một đơn vị BĐQ/BP ở Tống Lê Chân. Đơn vị bị tràn ngập, nó bị bắt làm tù binh. Sau 1975 về với gia đình, cuộc sống khó khăn, có vợ và hai con. Bạn bị chết vì tai nạn nghề nghiệp khi đi bốc xếp củi, có lẽ vì mệt mỏi, từ trên xe té xuống đường và bị tử vong khi xe vào bãi ở Bến Gỗ.
Võ Việt Hùng, Hùng mát, nhà Tân Vạn, không vợ con, tự làm, tự sống. Buồn đời, hận tình, hay nhậu nhẹt. Khoảng sau 1990, sau chầu nhậu, nó ngủ lại, trúng gió chết mà không ai hay biết, ở hầm thủy sản gần lò gạch Tâm nhủi.
Hoàng Thế Ưu, khoảng sau 1980, tôi gặp nó lần chót ở con hẽm từ Mã Tù đổ ra ngã ba Thành. Sau đó bạn vượt biên. Sang nước bạn, bị chết vì tai nạn khi thay vỏ xe trên xa lộ. Lúc trước, nó đã nhiều lần nhảy toán, đối mặt hiểm nguy, giờ lại mất mạng nơi xứ người.
Trần Văn Phước, cùng khóa Thủ Đức với tôi. Ra đơn vị, nó về tiểu khu Biên Hòa. Đóng quân ở Long Thành, cưới được cô vợ xinh đẹp. Sau khi ra trại tập trung, nó hành nghề rang cà-phê lậu và phất lên. Khi có chính sách định cư nước ngoài, dù không đủ điều kiện theo luật định, nó vẫn cố luồn lách cho thỏa ước mơ. Khoảng năm 2000, nó bị đột tử, mộng ước không thành. Dự đám tang nó, có Huê, Tâm nhủi và tôi.
Nguyễn Văn Về, cuối năm đệ tứ, nó thoát ly theo du kích, vì nhà ở xóm Bình Hòa, Bình Quang của cù lao Hiệp Hòa. Sau đó nó bị chết khi giao chiến.
Nguyễn Hiền Nhi, cách đây vài ba năm bị mất vì bệnh tật, Hoàng Minh Chiếu có báo tin cho bạn bè, nhưng chỉ có Chiếu, Tâm nhủi và tôi đến viếng tang và chia buồn cùng gia đình, vợ con.
Và gần đây nhất là Nguyễn Văn Hiền.
Các bạn bè của lớp thất 3 NK 1963-1970 của tôi ơi ! Tôi xin phép thay mặt trưởng lớp Tô Minh Quang, Quang mập, của chúng ta để ĐIỂM DANH BẠN BÈ chung lớp, vì trưởng lớp có vấn đề về sức khỏe, lại phải đang chăm sóc mẹ già bị tai biến. Đã có 11 cái tên đã bị gạt ra danh sách điểm danh của lớp. 11 chỗ ngồi đã bị bỏ trống mà mấy năm qua chúng ta không quan tâm, để ý. Những lần họp mặt, vui vẻ với bạn bè sau nầy, hãy có chung rượu đầy tràn để bạn bè đã khuất chung vui với chúng ta và ngậm cười nơi chín suối. Có bạn như Huỳnh Văn Giỏi, năm 1995, khi họp phụ huynh lớp cho con gái, tôi có gặp lại bạn. Nhưng lúc đó làm gì có số điện thoại để xin liên lạc. Bạn vẫn ở xóm Nhà Máy Cưa. Hi vọng bạn bè sẽ gặp lại, vì trái đất tròn. Như Trần Quốc Bảo, Bảo rỗ, đã dẹp cái sạp giấy số đặt trước cửa hiệu ảnh Phạm Lung để về miền Tây sông nước. Bây giờ không biết thực hư thế nào?
Hởi trên dưới 20 bằng hữu còn lại ở BH và vùng phụ cận, hãy đến với nhau khi quan, hôn, tang tế, chia buồn sẽ ngọt. Những năm gần đây, bạn bè tìm về với nhau càng đông là điều đáng mừng. Có những bạn vì công việc gia đình, đôi khi làm nhiệm vụ " tài xế xe ôm ", đưa rước cháu nội, ngoại đi học. Nhưng khi có người bạn vắng số trước ta, dường như ta cũng mất chút niềm vui trong cuộc sống.
Hởi trên dưới 10 bạn bè thân của lớp chúng ta đang sống ở hải ngoại, trên cả 3 châu lục, hãy kết nối nhau cùng bạn bè ở lại khi khoa học đã tiến bộ. Chúng ta cũng biết Tô Anh Dũng, Dũng nhà thương điên, đang ở Cali, nhưng bạn bè chưa hề tiếp xúc. Khoảng sau 1980, lần cuối cùng tôi gặp Dũng khi cả hai gò lưng trên xe đạp, hướng về Hàng Xanh để về BH. Cũng như chúng ta đã tìm lại được Dũng cục xương, qua cái tên Hoàng Duy Liệu. Điều kỳ diệu hay sự sắp bài của tạo hóa.
Chuông đồng hồ nhà ai ngân nga gõ 12 tiếng, một ngày mới lại bắt đầu. Khi chúng mình rời ghế tiểu học trường làng để vào bục giảng trung học, điểm đầu là lớp thất 3 NQ, để thành người lớn, thời gian nay đã 49 năm. Bây giờ những cụ ông đeo kiếng ngồi lại gần nhau mà vẫn cười vui hô hố, mầy tao inh ỏi. 18 tờ lịch cuối sẽ rơi, 50 năm sau, nửa thế kỷ dài sẽ đi qua, cũng là 50 năm chúng ta hoài niệm và hối tiếc. Trái đất vẫn lăn theo chu kỳ cố định, ai sẽ là người nối tiếp, bạn hay tôi? Câu trả lời là của thời gian và tạo hóa. Hãy xích lại gần nhau và vui cùng năm tháng cuối cùng. Hy vọng sẽ có bạn bè chung lớp tìm về nửa. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy đứng yên, mặc niệm, để vĩnh biệt người bạn vừa mới ra đi, sau mười năm chống chọi với bệnh tật, bằng hữu NGUYỄN VĂN HIỀN.
Biên Hòa, ngày 12/12/2012.
Đỗ Công Luận..
Gửi ý kiến của bạn