Lê Nhật Thăng đọc
NỤ HÔN LOÀI LAN TÍM DẠi
của Thái Thụy Vy
Nhìn sơ và nói chung, thơ còn gọi là thi ca - đang giảm số lượng độc giả. Các tập thơ đang lâm vào tình trạng ế ẩm trong các cửa hàng sách. Các nhà xuất bản rất đắn đo khi muốn ấn hành thi phẩm. Những buổi giới thiệu tập thơ cũng thưa thớt người đến mua. Trên thế giới, trong nước và ngay cả ở hải ngoại đang có hiện tượng không vui nầy.
Nhưng đây là cái nhìn tổng quát theo chủ nghĩa bi quan. Nếu chịu tìm hiểu rõ ràng và công bằng hơn thì sự ghi nhận trên quả là phiến diện, hời hợt. Sự thực, thì thi ca là nhu cầu tinh thần của loài người từ thuở sơ khai như các hình thức truyền thông, giao cảm khác.
Cho tới lúc này, thơ đã có địa vị trong tâm thức và tâm hồn của con người, kể cả các dân tộc bán khai, và lại có nhiều người coi thi ca vượt hẳn sự diễn cảm đối với các bộ môn văn học nghệ thuật khác.
Tạm gọi là cuộc khủng hoảng của thơ ca trong thời kỳ gần đây và bây giờ, nói nghiêm chỉnh, chỉ là một hiện tượng nhất thời. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng thi ca và từng có thời kỳ dài, chính quyền còn trọng dụng các thi sĩ một cách đặc biệt nữa.
Trước hết cần xác định một sự thật: Thơ không được hoan nghênh chính là thơ (do tác giả) không hay hoặc chưa làm tròn sứ mệnh của mình. Nói một cách khác là thơ dở, thơ phi nghệ thuật, thơ sa đọa, mất hướng, thiếu sự chia sẻ, cảm thông thì làm sao tìm được người đọc hân hoan đón nhận? Bằng cớ trong thập kỷ 80 và hai năm qua, có một số tập thơ đã đánh dấu được sự tiến triển của thi ca VN ở nước ngoài, đã bán hết trong thời gian rất ngắn. Lại có vài thi sĩ được mến chuộng đã góp phần tăng số độc giả của tờ báo.
Có một số nhà thơ cho ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên của mình tuy chưa toàn bích, nhưng chứa dựng những dấu hiệu của một thi tài xứng đáng để các bạn tìm nhận tâm tư và cảm xúc có nhiều mới lạ. THÁi THỤY VY với Nụ Hôn Loài Lan Tím Dại là một trong những trường hợp hiếm hoi ấy.
Tôi đọc thơ Thái Thụy Vy khoảng một năm nay trên vài tạp chí, nguyệt san và tác giả đã mau chóng chinh phục tôi, để lại ấn tượng khá đậm đặc trong tâm tưởng tôi.
Hôm nay tôi nhận được thi tập Nụ Hôn Loài Lan Tím Dại - cái tên hơi dài và kiểu cách - do nhà xuất bản Phù Viên phát hành vào mùa thu năm 1992 (trình bày và ấn loát tại Kim Ấn Quán) với hình bìa của Đinh Cường, phụ bản của Thanh Nhàn, Võ Đình, Đinh Cường và Nguyễn Trọng Khôi. Bìa sau là chân dung tác giả do Duy Lam vẽ.
Mời các bạn hãy đọc sự so sánh của nhà xuất bản Phù Viên trong lời nói đầu:"...Và toàn bộ thi phẩm Nụ Hôn Loài Lan Tím Dại của nhà thơ Thái Thụy Vy như những vệt nắng đầu ngày rọi xuyên vào khu rừng thu còn sương sớm và lá vàng phủ kín ..."
Cũng xin trích đoạn cảm nghĩ của nhà văn Duy Lam: "...một số bài, một số câu thơ đã rõ ràng là những khai phá mới mẻ, mang đến cho ngôn ngữ thơ những sắc thái độc đáo..." ...Thái Thụy Vy đã mang đến cho ta nhiều phần thưởng đẹp và trau chuốt như thế, kể ra cũng là nhiều..."
Phần tôi, tôi đã bị quyến rũ ngay lập tức về hình thức của tác phẩm. Tôi cứ bâng khuâng ngắm mãi tờ bìa và đẩy mạnh trí tưởng tượng bay vút cao bởi uy lực dịu dàng của bức tranh, đến nỗi tôi có cảm giác một thoáng hương của một loài lan tuy ở rừng thẳm nhưng lại là thứ "vương giả chi hoa " . Có lẽ là một loài hoa lan của Nhất Linh trong thời gian ẩn dật ở Đà Lạt chăng ? Hoặc là thứ hoa man dại mà Đinh Hùng thèm ăn chăng ? (Ta thèm ăn một chút hoa man dại).
Còn màu tím nhạt, phơn phớt như một gợn mây chiều - khác với tím Huế - như cánh hoa sim, hoa mua trên những đồi quạnh vắng, của hơn một trăm trang giấy, chao ơi sao mà gợi cảm và lãng mạn chi lạ! Giống như màu tím của Hữu Loan chẳng hạn.
Tôi xin trích những câu thơ đặc sắc, xuất thần của anh để như những chứng minh và xác nhận:
...Hạ
đã đi qua nắng giật mình...
(Nắng Mười Sáu)
...Mang
tên nỗi nhớ mù khơi,
Mắt em trầm bổng gọi mời thiên thu ...
(Hồn Hoa Pensée)
...Lá
nằm trên cỏ, mồ thơm nắng ...
(Mặt Trời, Lá và Em)
...Nghe
nắng hôn hoang đường mông lung
Mây phiêu linh vào cõi vô cùng...
...Nghe
yêu đương vọng từ xa xôi
Trăng bỏ tôi sang ngủ bên đồi...
(Chiều Tim Tím)
...Ngước
lên chỉ thấy hành tinh cúí đầu...
(Nguyện Cầu)
...Khi
đi lấm tấm sương khuya
Trở về sương thấm đầm đìa mái đông...
(Nhân Ảnh)
...Chữ
nghĩa nào mang yêu dấu chân thành
Sao thư viện chứa toàn trang giấy trắng ?...
(Chiều Giảng Đường)
...Quanh
tôi thế kỷ buồn tàn tạ
Sách vở hoe vàng chữ héo hon...
(Tâm Sự Cô Hàng Sách)
...Đường
về hồn lát một lời thơ...
(Tiếng Lòng Tôi)
...Chúm
môi nàng thổi nụ hôn
Hoa thiên di trắng thoát hồn bay cao...
(Hồn Hoa Thiên Di)
...Đường
chiều gíó trẩy tình ca
Em qua bên ấy sao sa vệt buồn...
(Đường Chiều)
...Anh
xin góp ráng mây chiều ủ nắng
Ngày sau buồn hoang nhớ suối tóc xanh ...
(Còn Nhớ Mãi)
Chúng ta thấy tác giả cố gắng để có sự khám phá về ý tưởng, cho cảm xúc thăng hoa và tạo dựng ngôn ngữ vừa phóng khoáng lại nghiêm chỉnh. Quả thực, Thái Thụy Vy đã ít nhiều mang lại vóc dáng mới mẻ, nguồn gốc tràn đầy sinh lực trong từng trang chữ. Tác phẩm đầu tay này là một báo hiệu rực rỡ, một tìm tòi với nổ lực vượt chính mình.
Cái lãng mạn dễ thương chấp nhận được giữa đời thường, tâm sự có chắt lọc của một cây bút viết bằng máu hoa niên và mặc dầu sáng tạo là một điều hiển nhiên, song ở đôi chỗ, chúng ta cũng còn bắt gặp "chất tiền chiến" bàng bạc trong một số đoạn thơ. Người đọc hẵn cũng thông cảm vì không dễ mấy ai có thể gột bỏ hết ảnh hưởng của lớp tiên phong của phong trào thơ mới ? Chắc chắn Nụ Hôn Loài Lan Tím Dại chẵng phải là một con đường nối dài của lộ trình 30 - 40 mà tác phẩm đã biểu hiện một cách đáng yêu quý được tâm hồn thời đại hơn là việc sao chép tình cảm xưa cũ; cho tới nay cũng thỉnh thoảng có người đang tự hào lặp lại dù vô thức.
Có mấy bài tôi rất ưa thích như Sầu Đại Dương, Lẻ Bạn, Chân Dung Phấn Bướm, Về Đâu. Tôi nghĩ đây là những bài tiêu biểu nhất của thi sĩ Thái Thụy Vy.
Các bạn chắc dể dàng nhận thấy là Thái Thụy Vy làm thơ theo thể lục bát thành công tương đối hơn các thể khác. Tuy có vài chỗ anh viết lạc vần mà tôi nghĩ là anh cố ý (với mục đích thầm kín nào đấy?) và anh thường chú trọng tới câu kết. Nhạc tính trong thơ Thái Thụy Vy thật dồi dào, có lẽ rồi đây chúng ta sẽ không lấy làm lạ có nhiều bài thơ anh sẽ được cho phổ nhạc.
Một điểm nữa tôi không thể đồng ý với Đỗ Quân (tên thật của anh là ĐỖ KHOA LUẬT) là anh làm những bài ấn định chữ trước trong mỗi đầu câu, giống y lối thơ khoán thủ. Chẳng hạn bài Cõi Tình có những chữ cõi, bài Trái Đắng Cho Ngàn Sau có những chữ tặng , bài Trả Lại Người có những chữ trả... Như thế làm cho tính chất bay bổng của thơ bị hạn chế, đem cắt cụt đôi cánh mầu nhiệm của thi ca. Nó thuần là kỹ thuật, có thể hạ thấp mình xuống người thợ thơ và là một sự khoe khoang không cần thiết, rất lộ liễu.
Trong vài tháng nay, tôi đã nhận được trên 10 bài thơ mới viết của Thái Thụy Vy. Vẫn duy trì được phong cách và gìn giữ được hơi thơ độc đáo của mình, những bài thơ chứa chan hoài cảm ấy đủ sức làm cho những trái tim của các lớp tuổi rung động, bồi hồi, xao xuyến...
Và như thế trong cuộc sống khắc nghiệt, đầy thử thách bây giờ, thơ của Thái Thụy Vy đã làm gai lửa đó bớt đi những gay gắt, nóng bỏng...tâm hồn chúng ta được hài hòa và trang điểm. Dịu dàng và đằm thắm xiết bao!
Với đà sáng tác mạnh mẽ như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ đón nhận thi phẩm thứ hai của anh không lâu lắm đâu! Bằng kinh nghiệm và suy gẩm, soi ngắm khách quan, Thái Thụy Vy sẽ có những thành công tốt đẹp hơn nữa. Chúc mừng và chờ đợi từ anh !
SaVân thành, mạnh hạ QuýDậu, 1993
LÊ NHẬT THĂNG
(Hà Trung Yên)