Vừa cay đắng khóc ...
Trích
"Bên Thắng Cuộc" - Huy Đức
... Cũng có không ít quan chức Cách mạng thay vì bảo lãnh, đã vận động ngay chính những người trong gia đình mình đi “học tập”. Có người muốn chứng minh với Đảng sự “chí công vô tư”. Có người tin là cần thiết đối với người thân của họ.
Thiếu úy Việt Nam Cộng Hòa Lưu Đình Triều có ba mẹ là cán bộ cao cấp của Cách mạng. Năm 1954, lúc Lưu Đình Triều một tuổi, chị gái Triều ba tuổi, anh đã được ba mẹ để lại cho bà ngoại để đi tập kết. Trong suốt hơn hai mươi năm, hai chị em Lưu Đình Triều đã lớn lên như những đứa trẻ mồ côi trong khi ba mẹ mình sống ở Hà Nội trong một phần căn biệt thự trên đường Điện Biên Phủ với sổ mua hàng “Tôn Đản”. Ba anh là ông Lưu Quý Kỳ, vụ trưởng Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo. Còn anh, năm 1972, khi Chính quyền Sài Gòn tạm đóng cửa các trường đại học và hạ bớt tuổi hoãn quân dịch của sinh viên, như nhiều sinh viên khác, Lưu Đình Triều bị động viên vào lính.
Năm 1975, ông Lưu Quý Kỳ
trở về, Lưu Đình Triều nhớ lại: “Bao lần tôi đã nằm tưởng tượng ra cảnh hội ngộ
này và nghĩ rằng lúc ấy tôi sẽ hét vang cái tiếng gọi mà tôi đã thèm khát hàng
chục năm trời: Ba ơi! Má ơi!”. Nhưng, ngay trong ngày gặp lại, Lưu Đình Triều đã
cảm nhận được một “hố sâu thực sự”.
Lúc đó, do tình hình đi
lại khó khăn, ông Lưu Quý Kỳ về Nam trước, vợ và con ông, những người sinh ra ở
Hà Nội, đã gửi gắm tình cảm vào chiếc máy ghi âm mà ông Kỳ mang theo. Cô em gái
Triều sau khi thăm hỏi anh chị, hồn nhiên hỏi: “Từ hôm giải phóng tới giờ
anh chị biết bài hát nào mới chưa. Em và con Thảo, con chú Tân, hay hát lắm. Để
bọn em hát cho anh chị nghe nhé”. Rồi hai cô gái Hà Nội cất giọng lanh lảnh hát
trong máy ghi âm: Sài Gòn đó, quê ta ơi / Trong biển lửa vẫn ngời ngời / Ta đi
như sóng căm hờn dâng trào / Xô lên trên xác quân thù hung bạo / Giành một mùa
xuân tươi sáng khắp miền Nam…
Lưu Đình Triều viết:
“Khi nghe tới đó, tim tôi như thắt lại. Một ‘quân thù’ đang đứng cạnh ba đây.
Ba có biết không?
Có căm hờn nó không? Từ giờ phút đó, niềm vui hội ngộ trong tôi giảm hẳn. Chỉ
có nỗi lo âu, thắc thỏm là mới dâng trào”.
Vài tháng sau, Lưu Đình Triều vẫn phải đi cải tạo. Trong thời gian ở trại, Lưu Đình Triều kể: “Ban ngày chúng tôi phải học lý luận, ban đêm học hát những bài như Bão Nổi Lên Rồi, Rầm Rập bước Chân Ta Đi Trên Đường Phố Sài Gòn… Sau khi được “lên lớp” về Truyền thống Chống Ngoại xâm, Đường lối Sáng suốt của Đảng Ta, Cuộc Chiến tranh Chính nghĩa, Chính sách Khoan hồng của Chính phủ Cách mạng…, các trại viên phải tập trung thảo luận, theo hướng: phải phân tích được âm mưu của Mỹ - Ngụy; phải nhận ra Ngụy quyền không chính nghĩa, chỉ có Cách mạng mới chính nghĩa. Học xong lại phải “soi rọi bản thân”, kể ra những tội lỗi của mình, mỗi người phải nghĩ cho ra một điều phi nghĩa của Quân đội Việt Nam Cộng hòa”.
Lưu Đình Triều nói: “Tôi
dẫn chuyện lính Sư 7 hành quân bắt gà, bắt heo của dân. Có người là lính tài
vụ, cả đời chỉ đi phát lương, với mong muốn được Chính phủ khoan hồng, đã nhận
phát lương cũng coi như tạo điều kiện cho lính đi càn quấy. Có người than, tao
nghĩ không ra tội, chúng mày ạ”.
Từ tháng thứ ba, Triều
kể: “Mỗi tháng, trại viên được thăm nuôi một lần. Trong số những người thăm
nuôi có người quê Biên Hòa, tôi nhắn chị tôi đi thăm. Hóa ra, khi ấy chị tôi đang đi Hà Nội.
Khi chị tôi về, lên trại đúng lúc trại cấm thăm nuôi vì một sự cố do trại viên gây ra. Tôi nhìn thấy chị tôi, khoát tay
bảo về nhưng chị tôi cứ đứng bên kia đường không chịu. Một người quản giáo tốt
bụng tới vỗ vai, nói: ‘Đi theo tôi’. Đi ra, vệ binh chặn lại; nhưng người quản
giáo can thiệp. Hai chị em nhìn nhau khóc, khiến người quản giáo cũng khóc”.
Chỉ huy trại khi ấy cũng
biết Lưu Đình Triều là con cán bộ cao cấp nên chủ động gửi thư cho ông Lưu Quý
Kỳ, nói:
“Chúng tôi biết anh,
nếu được, anh lên trại chúng ta nói chuyện về cháu”. Ông Lưu Quý Kỳ có lên nhưng thay vì gặp con
và bảo lãnh, ông chỉ viết thư khuyên “con cố gắng học tập tốt”. Lưu Đình Triều nhớ lại: “Tôi vừa đọc thư ba tôi vừa xé và vừa cay đắng khóc”. ...
HUY ĐỨC
BBT: Những điều cần biết thêm: Thiếu úy Lưu Đình Triều cũng được về sớm ( không đầy một năm) tại trại 8 Phú Lợi Bình Dương, viết cho báo Tuổi Trẻ vẫn giữ tình cảm tốt đẹp với những bạn bè xưa cũ. Những năm sau đó Ông Lưu Quý Kỳ tìm cách bỏ miền Bắc để vô Nam vì lo sợ thanh trừng với lý do " biết quá nhiều" về thâm cung bí sử. Trong một chuyến đi công tác ở Thái Lan ông Lưu Quý Kỳ đi cùng với ông Trần Lâm, trước khi đi ông còn rất khỏe mạnh, sang Thái Lan mấy ngày thì chết không rõ nguyên nhân, gia đình chỉ được báo tin, sau đó được xem hình đám ma và lễ hỏa táng của ông tại Thái Lan " MỘT CÁI CHẾT ĐẦY BÍ ẨN"