Chai Dầu Gió Xanh
Võ Quách Thị Tường Vi
Tôi
là người hành khách cuối cùng bước vào cửa của chuyến máy bay Singapore
Airline #1490 với hành trình sẽ đi về Việt Nam qua ngã Moscow, Singapore, rồi Tân Sơn Nhất. Cánh cửa phi cơ đóng ngay sau khi tôi đi vào. Cả một ngày mệt mõi, chạy đôn chạy đáo, sau khi quyết định sẽ về Việt Nam lo cho một chương trình y tế và văn hoá giữa các trường đaị học
bên Việt Nam và trường đại học nơi tôi giảng dạy, tôi đã đi tìm mua những món quà mà tôi nghĩ là những người bà con hay bạn bè bên nhà sẽ ưa
chuộng và thích thú. Khi vào đến ghế của mình, tôi lã người mệt muốn ngất đi được. Thò tay vào giỏ xách tôi lấy ra chai dầu gió xanh. Tôi nhón ngón tay trỏ vào đầu chai, chấm một tí dầu và xoa vào hai đầu thái dương của mình. Trong chốc lát, tôi đã thấy khoẻ lại. Thật cảm ơn chai dầu xanh này, nó đã theo tôi từ không biết bao nhiêu năm nay rồi, như một người bạn chân thành, nó lúc nào cũng có ở bên cạnh tôi. Mùi dầu xanh quen thuộc làm tôi chợt nhớ đến những chuyện cũ năm xưa…
ooOoo
Mẹ
tôi mất khi tôi vừa 16 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Tôi
nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hoà, đêm đêm tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và
trốn dưới ...gầm giường và làm mồi cho những con muổi đói mà không biết
rằng với những tấm ván vạc giường mỏng manh đó sẽ không có hiệu quả gì nếu mà bom đạn vô tình rớt xuống nhà tôi. Riết rồi cũng quen, mỗi lần pháo kích thì tôi đã không nhảy xuống gầm giường nữa mà vẫn tỉnh bơ nằm ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng
chết ... Tôi thầm biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế. Rồi một buổi sáng kia tôi giật mình thức dậy vì một tiếng động thật to. Mở mắt ra thì thấy trời rất sáng và lổ tai đã ù lên, không nghe gì được hết. Ngước thẳng lên thì trời ơi ... hình như bầu trời trong xanh đang ngó xuống nhìn ngay tôi và nhà tôi với những bức tường hình như đã bay đi đâu mất rồi. Có tiếng người la khóc và ồn ào chung quanh tôi. Tôi ngồi dậy thì thấy ba tôi đang ôm mẹ tôi máu chảy đầy người ở nhà bếp, mà mới ngó qua thì không biết là ở đâu nếu tôi không nhận ra cái tủ đựng đồ ăn nay chỉ còn 2 chân bị gảy. Ngay giữa nhà bếp thì có một cái hố thật sâu, khói vẫn còn bốc bụi hơi nghi ngút. Bên cạnh cái hố này thì con chó Tô Tô của tôi cũng đang rên rỉ với máu chảy đầy người nó. Còn con chó Ki Ki thì đứng lẩn quẩn kế bên, miệng nó kêu lên những tiếng gầm gừ rên rỉ nghe cũng thảm thiết lắm. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi. Có cái gì ươn ướt trên mặt tôi. Thò tay lên vuốt mặt thì bàn tay toàn là máu. Thì ra tôi cũng bị thương trên trán và nhà của tôi cũng đã bị pháo kích rồi...
Sau đó, ba tôi đưa mẹ tôi vào nhà thương Biên Hòa rồi lại chuyển lên nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận Sài Gòn vì bệnh không thuyên giảm sau khi 2 tuần ở nhà thương Biên Hoà. Tôi ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với mẹ tôi sau đó, có dịp tiếp xúc với các y tá điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ tôi. Và tôi đã bắt đầu có cảm tình với ngành y ngay từ dạo đó. Bệnh mẹ tôi cũng bớt dần nhưng mẹ không còn khoẻ mạnh như xưa. Mẹ tôi hay đau lưng, nhức mỏi, người hay mệt và không làm được nhiều việc như lúc chưa bị thương. Hình như mẹ tôi càng lúc càng yếu dần mà trong đầu óc non nớt của tôi cũng bắt đầu nhận thức được. Trong túi áo bà ba của mẹ tôi lúc nào cũng có một chai dầu gió xanh mà mỗi khi đau hay mệt trong người mẹ thường lấy ra để xoa hay ngửi.
Tôi thường hay tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không vì nói cho đúng ra, tôi cũng “sợ” bị bôi dầu này lắm. Mỗi lần chúng tôi bị sổ mũi nhức đầu, mẹ tôi hay đè mấy chị em tôi ra mà bôi lên người chúng tôi hay là cạo gió. Trời ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu “mắc dịch” này chúng tôi đã chạy trốn mặc cho mẹ tôi kêu tên từng đứa dỗ dành.
Đến một hôm mà tôi không bao giờ quên được là ngày đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt mẹ tôi sai tôi đi chợ, dặn dò mua thức ăn rau cải và nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ một chai dầu xanh, vì chai ở nhà đã sắp hết rồi. Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời mẹ dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên một chuyện gì rất quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm, rau muống xào, chuối tráng miệng ... đâu còn quên gì nữa đâu. Khi đến gần nhà, băng qua cầu Đúc thì tôi đứng khựng lại vì chợt nhớ ra việc mình đã quên. Tôi đã quên mua chai dầu xanh cho mẹ tôi rồi. Tôi lật đật chạy vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài không tới ... Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại đông người như vậy? Các người láng giềng đang bu chung quanh ba tôi. Khi thấy tôi vào, các em tôi chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi vào lòng và nói với tôi trong tiếng nất, má con đã chết rồi ...Tôi sững sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn rồi ...Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi mà thôi. Và cũng vài ngày sau đó, em tôi vào mách với tôi rằng con chó Tô Tô cũng đã chết rồi. Em tôi tìm thấy nó bỏ ăn và cứ mãi nằm bên gốc cây măng cụt mà mẹ tôi đã trồng mấy năm về trước .
Rồi từ đó, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” của mình tôi đã phải đối đầu với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ việc nhà, nấu cơm giặt giũ đến việc chăm sóc các em, tự lo cho thân mình, và vất vả ngược xuôi lo việc chi tiêu trong nhà với đồng tiền công chức giới hạn và bấp bênh của ba tôi. Tôi phải làm rất nhiều việc mà khi còn có mẹ tôi đã không bao giờ phải bận tâm lo lắng. Và chai dầu này đã theo tôi khắp nơi ...dù qua nhiều dâu bể của cuộc đời, nó vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy chục năm qua.
ooOoo
Nghe
có tiếng thầm thì tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên học trò của chúng tôi. Thấy tôi mở mắt ra cả đám cùng vỗ tay và la lớn:
- Chào mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Thật là vui quá. Như vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn rồi đó.
Donna, một cô học trò của tôi, gốc người Mễ và rất linh hoạt dễ thương hỏi.
- Cô ơi, khi tới Việt Nam, cô có hồi hộp không cô?
Một em khác hỏi…rồi chúng nó thay phiên mà ôm tôi để chia niềm thương cảm.
Số là cách đây 1 tuần tôi có một tai biến rất to lớn trong đời đến nổi tôi không biết chắc là có hoàn thành chuyến đi về Việt Nam này hay không. Chuyến đi này đã có sự chuẩn bị từ lâu rồi. Từ các giáo sư đến các em sinh viên ai nấy cũng nao nức đợi ngày đi. Còn tôi thì muốn về Việt Nam để có dịp thăm lại quê hương bạn hữu và cùng đem lại một chương trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của quê nhà. Mọi sự xếp đặt cũng đã xong, nhưng nếu tôi không đi thì cũng chắc buồn lắm vì kể như bước đầu đã không trọn vẹn. Vào giờ phút cuối tôi đã quyết định đi nhưng vì vào trể, nên không còn chổ để ngồi chung với phái đoàn của mình.
Cả đám lăn xăn nói cười ríu rít. Có đứa thì nghe nhạc, coi TV, có đứa thì bắt đầu ngủ gà ngủ gật, còn mấy đứa thì rất là kích động, ghi chép trong nhật ký những chi tiết về chuyến đi này hay chụp hình lưu niệm.
Nói “mấy đứa” cho thân tình chứ thật ra phái đoàn chỉ có 12 em sinh viên là trẻ, đang học chương trình cử nhân và phần lớn là dưới 30 tuổi. Trong nhóm này thì có 3 em là gốc Việt Nam. Còn bao nhiêu em khác là thuộc thành phần lớn tuổi hơn với kinh nghiệm sống già giặn hơn nhiều . Có một em sắp xong y sĩ và 17 các sinh viên khác trong nhóm này đang học chương trình tiến sĩ. Và có 5 em sẽ ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa Hè này. Trong nhóm này thì có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Dallas và Houston. Dù thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lể phép và rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người cũng có vẻ rất hùng hậu. Hy vọng là chuyến đi này sẽ thành công và không có gì không hay sẽ xảy ra.
Từ khi không làm bên bệnh viện nữa, tôi đã nhận làm giảng sư cho trường đại học này đã được 5 năm rồi. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học cũng vui vẻ, nhất là tiếp xúc được nhiều các em sinh viên Việt Nam gồm có các em sinh bên này hay là du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em. Các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu hay thường tìm đến tôi để hỏi ý kiến hay chỉ để than thở về việc học hành hay những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Và không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một giáo sư hướng dẩn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà thầy “gỏ đầu trẻ” mà khi còn trẻ tôi không bao giờ mơ ước để trở thành. Năm ngoái tôi có khai giãng một lớp học mà tôi phụ trách dạy về văn hoá, y học và người Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông: Mỹ có Việt có. Các em gốc Việt Nam sau đó lại đến để cảm ơn tôi vì các em đó đã có cơ hội để tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.
ooOoo
Trạm
đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng thì chúng tôi lại sắp hàng vào lại máy bay. Cả đám sinh viên vẫn còn hăng hái, tay cầm nhiều túi quà kỷ niệm và nhộn nhịp bước vào máy bay. Máy bay lại cất cánh lần nữa. Qua khỏi chuyến này thì tôi lại gần hơn với Việt Nam. Trong lòng tôi hình dung những bạn bè, trường ốc và những chuyện mà tôi phải làm. Một cảm giác vừa vui mừng vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Tôi từ
từ thiếp đi với những lo nghĩ chập chờn trong đầu óc. Sáng mai là tôi sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng và gặp gở những
nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới. Bỗng lờ mờ qua cái loa trên trần mui của phi cơ, tôi nghe có lời của cô chiêu đãi viên hàng không kêu gọi bằng tiếng Anh qua giọng Tàu lơ lớ:
- Trường hợp cấp cứu!! Trường hợp cấp cứu!! Chúng tôi đang cần một bác sĩ đang ở trên máy bay gấp. Nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng tôi một tay ...
Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi bóp nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô chiêu đãi viên hàng không gần nhất:
-Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là y sĩ V, tôi sẽ giúp cô.
- Dạ xin y sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất phía trên.
Tôi đi theo cô này qua mấy dãy ghế dài đến khu hạng nhất của phi cơ. Những cái ghế ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.
Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, khoảng chừng 28 -30 tuổi, đang nằm sóng sượt trên nền của phi cơ, cả người co quắp lại như hình con tôm, hai mắt nhăm nghiền và trên mặt thì có những giọt mồ hôi đã bắt đầu đọng lại. .
- Hello. Tôi là Dr. V và tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Dạ em đang đau bụng quá, không chịu nổi. Chỉ nằm xuống như vầy mới bớt một chút. Em bị cách đây gần một tiếng đồng hồ, tưởng là bị sình hơi ai dè càng lâu càng nặng .
- Em tên gì vậy? Tôi hỏi.
- Dạ em tên John. Em là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay này và thông thường em làm ở khu hạng nhất này.
Lúc này thì hai học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti thì cặp thuỷ đo nhiệt độ còn Mai thì đo áp xuất máu và hỏi về lượng đau của John.
Tôi hỏi mấy người bạn đồng nghiệp của John:
- Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu để đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi coi có gì dùng được không. Và cũng đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.
Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:
- Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.
- Dạ, nhiệt độ người của John là 99.8 F. Áp xuất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. Mai báo cáo.
- Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp xuất như vậy cứ mỗi 10 phút nhé hay nếu có sự thay đổi thì cho tôi biết.
Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu mà cô chiêu đãi viên hàng không vừa mới đem đến. Ngoài những giấy tờ lặt vặt, thì có những thuốc cấp cứu về tim như Digoxin, Lasix nhưng không còn gì khác. Trong một túi khác cũng nằm trong cái túi lớn này thì tôi thấy có mấy bịch nước biển se-rum và những kim cùng dây để chuyền dung dịch này vào cơ thể.
- Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dịch nếu cần nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. Tôi nói.
Tôi khám cho John thì bộ phận nào cũng bình thường nhưng chỉ có đau phía dưới bụng chổ tay mặt. Tôi chỉ nhấn hơi mạnh một chút thì John đã nhăn mặt và cố gở tay tôi ra và than là quá đau. Đây có thể là trường hợp đau ruột dư mà ở trên 50000 mét trên không gian mình làm được gì, làm sao bây giờ ?? Tôi suy nghĩ thật nhanh trong đầu mình.
Tôi nói với Tim, xếp của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn là John bị đau ruột dư và phải cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị gấp. Tim đi một lát rồi trở lại.
- Thưa y sỹ, phi công trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y sỹ thông cảm.
- Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?
- Dạ, để tôi đi hỏi lại phi công trưởng.
Tim trở lại lần nữa và nói.
- Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta phải bay 3 tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo chuyện cấp cứu thì cũng rất phiền hà và không biết bao giờ thì mình mới bay lên trở lại được.
Lúc ấy thì Patti gọi tôi lại:
- Dr. V, áp xuất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10 trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó giáo sư. Tôi trở lại chổ John nằm thì đúng như lời Patti nói, John đang ở trong tình trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì rất là nguy hiểm cho tính mạng. Mồ hôi John đang ra nhể nhải, dù rằng Mai đang lau mồ hôi cho anh ta và tay chân thì rất lạnh. Chung quanh John là những đồng nghiệp của anh ta đang quay quần. Ai nấy khuôn mặt cũng rất là lo lắng. Có mấy người hành khách cũng tò mò hỏi nhau coi thử có chuyện gì đã xảy ra.
Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại chổ ngồi để chúng tôi có chổ thở và làm việc.
- Bắt đầu chuyền nước biển vào đi, mở wide open rộng ra, và giữ cho John ấm. Tôi nói với Patti. Quay qua John tôi bắt chuyện
- Hi John, em sao rồi, có đau nhiều không? Bây giờ chúng tôi chuyền nước biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu tiểu đường gì không ?
- Dạ em đau quá Dr. V ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.
- John có gia đình vợ con gì chưa?
John gượng cười
- Dạ chưa Dr V. Nhưng em có bồ rồi và cô ấy đang ở Singapore đó.
- A như vậy thì em phải khoẻ lại cho mau để về gặp bạn đó nha.
Tôi nói đùa với John. Mục đích của tôi là làm John quên bớt cái đau và việc cấp cứu bây giờ để có thể duy trì được tình trạng để John không bị nặng thêm. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ một việc.
- John à, tôi có một vị thuốc mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó giúp tôi rất nhiều, rất là hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ với em nhé?
John gật đầu lia lịa.
- Dạ bây giờ y sỹ có gì thì xin đưa ra cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường bay này thường lắm nên biết là mình sẽ không đáp xuống đây đuợc đâu. Em lo quá, không hiễu có qua nổi cơn bệnh này không.
Tôi mở cái xách tay nhỏ và lấy chai dầu gió xanh của mình ra và đưa cho John ngữi .
- Đây là chai dầu mà tôi hay dùng. Tôi đi dâu cũng có nó cả và nó rất là hiệu nghiệm. John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút của nó.
Tôi đưa chai dầu lên mũi của John. John hít một hơi nhẹ và nói.
- Mùi này cũng dể chịu lắm mà. Em cũng thích lắm.
- OK, như vậy thì tôi xức cho John nhé.
Tôi xoa dầu này vào bụng ở chổ đau của John, vừa làm tôi vừa nói chuyện. Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống ở Singapore hay Mỹ như thế nào ... Trong lúc tôi nói chuyện thì Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy áp xuất và nhiệt độ. John vẫn thích thú kể chuyện về đời mình cho chúng tôi nghe.
Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau thì Patti báo cáo là áp xuất của John đã lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp trong một phút và độ đau thì vẫn không thay đổi, vẫn ở khoảng 8 cho tới 10.
- Như vậy thì tốt quá, em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. Tôi nói chuyện với Patti.
Trong thời gian này thì John có vẻ không thay đổi mấy, sắc diện có vẻ hồng hào hơn và tỉnh táo hơn một chút. Tôi khám lại John thì thấy không có gì thay đổi lắm về phần ruột dư của John.
Tim, người xếp của John, trở lại.
- Thưa y sỹ, bây giờ chúng ta đang bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Chúng tôi phải làm gì, ngừng lại hay đi thẳng? Nếu ngừng lại thì cũng phải xin phép và cũng sẽ lâu lắm mà chưa biết chừng nào thì máy bay sẽ được cất cánh trở lại.
- Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? Tôi hỏi.
- Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.
- Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.
Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:
- Y sỹ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?
-Thật sự ra thì rất khó mà đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế nào nhưng tôi nghĩ là sẽ được trong vòng vài tiếng nữa, ít ra thì mình cũng có thể đến Thái Lan và việc chửa trị ở đó cũng tốt nhất nếu so với những nơi khác. Tôi trả lời cho John.
- Như vậy thì Y sỹ cứ quyết định cho em đi.
Tôi quay lại nói với Tim.
- Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.
Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau, và tôi vẫn xoa dầu xanh cho John đều đều. Nhiệt độ và áp xuất máu của John vẫn không thay đổi. Chai nuớc biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm trên giường trong phòng dành cho phi công. Jonh thấy có vẻ khoẻ hơn lúc ban đầu một chút.
Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định là không dừng lại nữa vì từ nước này về Singapore thì chỉ còn một tiếng đồng hồ mà thôi và tình trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, 3 thầy trò chúng tôi đã không chợp mắt một chút nào nhưng vẫn không thấy mệt. Rốt cuộc thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương đến phi cơ để đưa John đi vào bệnh viện cấp cứu, cậu ấy đã nắm tay tôi và ngập ngừng hỏi:
- Em cảm ơn Doctor V và phái đoàn của doctor nhiều lắm vì đã giúp em rất nhiều. Em sẽ không bao giờ quên y sỹ V đâu. Chúc y sỹ và phái đoàn thành công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sỹ cho em xin luôn chai dầu gió xanh đó, có được không?
John muốn xin chai dầu gió xanh của tôi? Tôi cảm động đến sững sờ và tự nhiên tôi muốn khóc.
ooOoo
Ở
trên đời ai cũng có một chai dầu gió xanh để đem theo bên mình làm hành
trang cho cuộc đời. Chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ, một mối tình đơn phương, những mối tình trọn vẹn hay không trọn vẹn, một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi,
một tà áo, một giọng nói, một câu dỗ dành, một bài hát hay một lời thơ... Đôi khi bất chợt ngửi lại mùi hương thoang thoảng của những chai dầu gió xanh này làm ta có thể sống lại những kỷ niệm thời xa xưa,
mơ về dĩ vảng trong giây phút
để tâm hồn có thể dịu bớt đi một chút nào đó giữa cuộc sống xô bồ. Những chai dầu gió xanh này, theo ngày tháng, cũng có thể chữa lành cho những vết thương trong lòng của mỗi người.Trong suốt hành trình dài của mỗi đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, mà mình vẫn còn giữ được chai dầu gió xanh để làm bạn đồng hành thì âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc vậy.
Võ Quách Thị Tường Vi Lập đông 2012
Dr Vi