Tôi là người Việt Nam |
Nguyễn Hưng Quốc |
Câu “Tôi là người Việt Nam”, có nghĩa là tôi thuộc về Việt Nam...
Đầu năm 2010, Trịnh Hội về Úc, mang máy móc đến văn phòng của tôi ở
đại học để phỏng vấn vài câu cho cuộn băng ca nhạc về chủ đề “Tôi là người Việt Nam”. Thời gian giới hạn, tôi không nói hết được ý nghĩ của mình. Cảm thấy đó là một đề tài hay nên xin viết thêm một ít. Vả lại, cuốn băng ra đã khá lâu, có viết về điều này thì cũng không bị mang tiếng là quảng cáo cho một cơ sở thương mại, điều tôi chẳng muốn chút nào.
Trước hết, cần ghi nhận là câu nói “Tôi là người Việt Nam” từ miệng
một người Việt đang sống ở hải ngoại khác với câu nói “Tôi là người Việt Nam” từ miệng một người Việt trong nước. Với người Việt trong nước,
đó là chuyện bình thường, tự nhiên và đương nhiên. Với người Việt ở hải
ngoại, đó là một sự khẳng định đầy ý thức, một sự lựa chọn đầy tâm huyết.
Bởi trên thực tế và trên nguyên tắc, phần lớn người Việt ở hải ngoại không còn hoàn toàn là người Việt nữa. Về phương diện địa lý, chúng ta sống rất xa Việt Nam, không phải ai cũng có cơ hội về thăm Việt
Nam; về phương diện xã hội, hầu hết các quan hệ của chúng ta đều ở ngoài Việt Nam; đặc biệt, về phương diện pháp lý, chúng ta không còn mang quốc tịch Việt Nam, nghĩa là chúng ta không còn là công dân Việt Nam nữa.
Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta không đương nhiên là người Việt Nam. Nhiều người, nhất là những người thuộc thế hệ thứ 2 hoặc thế hệ một
rưỡi, tức những người hoặc sinh ra ở hải ngoại hoặc ra ngoại quốc từ lúc nhỏ, từ chối làm người Việt Nam. Họ hội nhập hẳn vào xã hội mới, không còn quan hệ gì với đất nước và con người Việt Nam.
Tuy nhiên, đại đa số người Việt ở hải ngoại, đặc biệt những người thuộc thế hệ thứ nhất, đều chọn lựa làm người Việt Nam, đều tự định nghĩa mình, trước hết, là người Việt Nam; đều xem cái gọi là Việt Nam là
bản sắc chính của mình.
Có điều, cái gọi là người Việt Nam ấy không phải là cái gì cố định hay bất biến. Ở Việt Nam thì nó khá ổn định từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ở hải ngoại thì nó thường xuyên thay đổi.
Ví dụ, thoạt đầu, những năm đầu tiên sau 1975, chúng ta tự định nghĩa mình như những người Việt Nam tị nạn - không phải là Việt Nam mà là Việt-Nam-tị-nạn, tức là rất nặng về chính trị. Sau, sống lâu ở nước ngoài, tư cách tị nạn càng ngày càng nhạt dần. Chúng ta lại tự định nghĩa tính cách Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn cội rễ văn hoá.
Trong cái gọi là cội rễ văn hoá ấy thì có ba yếu tố nổi bật nhất.
Thứ nhất là địa lý, nơi chúng ta sinh ra. Xin lưu ý
là, nói chuyện với tập thể, ở Việt Nam, chúng ta gọi nhau là đồng bào; ở
hải ngoại, chúng ta gọi nhau là đồng hương. Chữ đồng bao gắn liền với yếu tố chủng tộc; chữ đồng hương gắn liền với yếu tố địa lý. Có thể nói ám ảnh về địa lý, về không gian, là một trong những ám ảnh lớn nhất trong ý niệm về bản sắc của các cộng đồng di dân và lưu vong.
Thứ hai là truyền thống, lịch sử hay ký ức tập thể, điều làm chúng ta cảm thấy gần gũi nhau, gần như là bà con của nhau.
Và cuối cùng, thứ ba, là ngôn ngữ, điều làm chúng ta có thể giao tiếp và thông cảm với nhau.
Trong ba yếu tố ấy, yếu tố ngôn ngữ có lẽ là quan trọng nhất. Bởi ngôn ngữ không phải chỉ là một phương tiện giao tiếp mà còn là một nơi chất chứa những ký ức tập thể và ký ức văn hoá của một dân tộc. Nói tiếng mẹ đẻ là làm thức dậy cả một quá khứ của bản thân và gia đình, hơn
nữa, cả một lịch sử của dân tộc. Chứ không phải sao? Chỉ một tiếng “chú”, tiếng “bác”, tiếng “cô”, tiếng “dì”, v.v… trong cách xưng hô, chúng ta đã nghe vang dậy dư âm của một nền văn hóa làng xã dựa trên tinh thần gia tộc ngày xưa.
Bởi vậy, có thể nói một cách tóm tắt thế này: là một người Việt Nam, theo tôi, là kẻ, trước hết, có thể sử dụng tiếng Việt để liên thông
không những với những người khác trong cộng đồng mà còn với quá khứ, với truyền thống, với lịch sử của dân tộc; và qua sự liên thông ấy, trở thành một thành phần gắn bó mật thiết với cả cái khối cộng đồng và cái khối dân tộc vĩ đại chung quanh mình.
Chính sự gắn bó ấy mới là yếu tố chính.
Câu “Tôi là người Việt Nam”, do đó, có nghĩa là tôi thuộc về Việt Nam, tôi vui nỗi vui của Việt Nam, buồn nỗi buồn của Việt Nam, tôi còn lưu luyến với quá khứ của Việt Nam và còn khắc khoải về tương lai của Việt Nam.
Nói cách khác, nếu một lúc nào đó, chúng ta hoàn toàn hờ hững với Việt Nam, mặc kệ Việt Nam, không cảm thấy có bất cứ sợi dây liên kết nào
giữa chúng ta và Việt Nam nữa thì chúng ta cũng không còn là người Việt
Nam nữa.
|
Gửi ý kiến của bạn