Ái ngữ là chìa khoá của sự an lạc
Ts. Lê Thiện Phúc
Bài nầy được viết một phần dựa theo kết quả cuộc nghiên cứu về ngôn ngữ xã hội học (sociolinguistics) kéo dài 7 năm, kết hợp với chút ít kiến thức Phật giáo vay mượn và học hỏi được từ nhiều người.
Mục đích của bài viết nầy là nhằm chuyển dịch một số nét căn bản lý thuyết ngôn ngữ học áp dụng trong đời sống thực tế hàng ngày, với trọng tâm được nhấn mạnh về vai trò của ngôn ngữ hay cách dùng ngôn ngữ trong tương quan giao tiếp giữa người nầy với người khác trong mỗi tình huống áp dụng khác nhau, liên quan tới cá nhân, gia đình hay tổ chức. Cho dù là ở cấp độ hay tình huống áp dụng nào đi nữa thì mục tiêu của bài viết nầy vẫn là sự bình an và hạnh phúc mà ngôn ngữ đóng một vai trò trọng yếu. Do đó ta có thể nói rằng ái ngữ là chìa khoá đem đến sự an lạc cá nhân, trong gia đình, tổ chức và xã hội, bởi vì trong cuộc sống hàng ngày có biết bao tình huống đau thương, tức giận xảy ra trong tương quan giao tiếp ngôn ngữ giữa người nầy với người khác, mà đặc biệt nhất lại là giữa những người "đầu ấp tay gối" với nhau; từng chia xẻ với nhau những riêng tư thầm kín nhất trong đời; hoặc từng hết lòng hy sinh phục vụ cho nhau, từng chia xẻ ngọt bùi với nhau qua năm tháng thăng trầm trong cuộc sống! Thế nhưng, cũng có lúc họ lại lâm vào những cuộc chiếc khốc liệt trong gia đình mà vũ khí chỉ là lời nói, nhưng mức độ "sát thương" của nó vô cùng nghiêm trọng cho tinh thần lẫn thể xác! Khi tức giận thì tinh thần không cảm thấy an lạc lại không thèm ăn uống gì. Đó là hậu quả của những cuộc "khẩu chiến" tương tàn khốc liệt!
Đọc tới đây, bạn thử tạm dừng lại để suy gẫm về diễn biến trong mối quan hệ tình cảm của mình với một người mình yêu thương quí mến nhất - trong quan hệ vợ chồng hay tình nhân cũng được. Trong quan hệ nầy, có những lúc bạn nghĩ là có thể hy sinh, làm hết những gì mình có thể làm được cho người mình yêu thương đó. Vậy mà tại sao lại cũng không tránh được các cuộc "khẩu chiến" tương tàn lẫn nhau? Lúc đó bạn quên hết những điểm tích cực, những cử chỉ và hành động thật dễ thương tưởng chừng như không thể tìm được ở đâu ra ngoài ở người mà bạn từng yêu thương, trân quí của mình!
Thứ nhất, khi nóng giận thì người ta luôn luôn tự cho mình là đúng nhất và người kia đang xâm lăng cái đúng của mình! Ôi chao! Bạn ơi, cái gì đúng, cái gì sai không bao giờ có thật đâu! Nó chỉ là dục vọng, là ảo giác, là chủ quan trong suy nghĩ của bạn mà thôi! Chính cái suy nghĩ nông nổi đó là ngòi thuốc súng độc ác sẵn sàng nổ ra qua những lời nói không kiểm soát được của bạn nhắm vào người mình từng yêu thương nhất đó! Bạn thật đành lòng sao? Hãy dừng lại, quay súng trở lại mà tiêu diệt cái tư tưởng tự vệ không cần thiết của chính mình đi! Hãy nhìn ra những điều tích cực đáng yêu, đáng quí của người bạn đời do chính mình đã chọn! Hãy bình tỉnh, khách quan nhận ra cái tư duy tiêu cực, một chiều của mình để loại trừ nó bởi vì chính nó màu đen che lấp hết những gì đáng yêu, đáng quí của người bạn đời mình đấy bạn ạ!
Thứ hai, người mình yêu thương chính là ân nhân chớ không phải là kẻ thù của bạn; vì vậy đối với họ bạn không cần và không nên có tư tưởng tự vệ mà phát ra những lời nói thiếu kiểm soát, gây tổn thương cho người bạn đời của mình - nếu tiếp tục cố chấp thì bạn sẽ không bao giờ là người thắng cuộc đâu! Trong quan hệ tình cảm giữa những người "đầu ấp tay gối" với nhau, điều cần được bảo vệ là hạnh phúc chung chớ không phải bất cứ cái gì của một cá nhân, nhất là trong tư tưởng chủ quan, bởi vì nó thường không có thật. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp hàng ngày giữa người nầy và người khác, nó có thể mang theo chất liệu vun bồi hạnh phúc hay nếu không khéo lực chọn, nó sẽ là chất nổ tiêu diệt hạnh phúc của bạn. Chất liệu vun bồi hạnh phúc chính là ái ngữ vậy!
Theo đạo Phật thì ái ngữ là phúc đức lớn nhất thứ 10 được liệt kê trong kinh Mahamangala, tức là Kinh Đại Phước Đức. Theo đó ai nói được lời ái ngữ thì "đi đâu cũng an lành, tới đâu cũng hạnh phúc, thật phúc đức vô biên!". Vậy ái ngữ là gì? - Là lời nói đáng yêu quí, là những lời nói từ bi, hòa ái, có nghĩa, có tình. Khi ở gần những người ăn nói dịu dàng, lễ phép ai mà chẳng thấy dễ chịu. Ngược lại, khi phải tiếp xúc với những người thô lỗ, cục cằn, lời nói đầy trách móc, chua chát, đắng cay thì đáng sợ biết mấy. Lời nói nhu hòa có tính chất xây dựng, nó giúp ta dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, góp phần tạo dựng nền tảng cho sự thành công trong cuộc sống.
Theo định nghĩa trong ngôn ngữ học thì ái ngữ có thể được hiểu là lời nói lịch sự hay lễ phép và có thể được dịch tóm gọn trong tiềng Anh là linguistic politeness, theo đó ái ngữ được chia làm hai loại khác nhau: ái ngữ tích cực và ái ngữ tiêu cực. Ái ngữ tích cực bao gồm những lời nói làm cho người nghe được hài lòng theo nhu cầu tâm lý của họ. Nhu cầu tâm lý của người nghe bao gồm nhiều thứ như: sở thích, sự cần thiết cá nhân, sự thân thiện và sự đồng tình. Ái ngữ tiêu cực là lời nói không gây tác động trái ngược lại nhu cầu tâm lý cá nhân của người nghe, và nếu vi phạm thì phải xin lỗi.
Ái ngữ tích cực (positive politeness) có công năng giúp người khác có được hạnh phúc hay vơi đi phiền muộn; còn ái ngữ tiêu cực (negative politeness) là lời nói không gây ra buồn phiền, hay tức giận cho người khác. Cả hai loại ái ngữ đều tàng ẩn trong câu ca dao phản ảnh trong nho giáo như hai nhà ngôn ngữ học mới đây đã xác nhận (Vũ Thị Thanh Hương, 1997:58; Phạm, Thị Hồng Nhung, 2008:83):
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lựa lời để nói là một quá trình nhận thức sống được đúc kết rất sâu sắc tuỳ theo mỗi tình huống giao tiếp ngôn ngữ khác nhau, qua đó người nói và người nghe là hai nhân tố can dự chính yếu. Nói thông thường diễn ra sau khi nghe với mục đích đáp ứng những gì người ta tiếp nhận được khi nghe người khác nói. Như vậy, muốn chọn được lời nói thích hợp để đem lại sự an lạc thì người nghe phải vận dụng trí tuệ để thấu hiểu trọn vẹn cái ý mà người nói muốn diễn tả. Nếu không thận trọng và không thấu hiểu trọn vẹn những gì người nói muốn diẽn tả thì lời nói được chọn bởi người nói sẽ không phù hợp và hậu quả sẽ không đem lại sự an lạc cho người nghe lẫn người nói.
Các cụ ta có câu “họa tùng khẩu xuất”, tức là lời nói không khéo có thể mang đến tai hoạ, đó là trường hợp thiếu quan tâm đến ái ngữ, cho dù là ái ngữ tích cực và ái ngữ tiêu cực vậy.
Có biết bao lần người ta không được an lạc trong giao tiếp ngôn ngữ với nhau cũng chỉ vì không thấu rõ ý tưởng của nhau qua lời nói. Thấu rõ ý tưởng qua lời nói không phải là chuyện đơn giản, bởi vì nó đòi hỏi kỹ năng phân tích ngôn ngữ trong tình huống liên hệ.
Ái ngữ được thể hiện bằng nhiều phương cách khác nhau nhưng nó tuỳ thuộc vào nền tảng văn hoá trong một xã hội. Do đó ái ngữ trong xã hội nầy không nhất thiết giống như ái ngữ trong một xã hội khác. Thí dụ ái ngữ trong xã hội Á Đông khác với ái ngữ trong xã hội Tây Âu và cụ thể, ái ngữ trong xã hội Việt Nam khác với ái ngữ trong xã hội Úc chẳng hạn. Sự khác biệt nầy bắt nguồn từ sự khác biệt của nền tảng văn hoá, như văn hoá Á Đông một cách tổng quát chịu ảnh hưởng Khổng học đề cao giá trị tập thể hay gia đình, còn văn hoá Tây phương thì đề cao giá trị cá nhân. Ngay trong cùng một nền tảng văn hoá như nhau, sự chọn lựa ái ngữ cũng tuỳ theo tình huống, hoàn cảnh và đối tượng mà người nói cần phải sang suốt vận dụng khả năng và kinh nghiệm của mình để nhận biết hầu giúp cho sự chọn lựa ái ngữ của có ý nghĩa đích thực là ái ngữ , để làm sao đem lại sự an vui cho người nghe.
Trong môi trường sinh hoạt Phật giáo, người ta thường áp dụng pháp môn "Ái ngữ và lắng nghe” để hành xử với nhau và giao tiếp với nhau; và chính vì vậy mà tránh được phiền não, sân si. Theo đạo Phật, Ái ngữ là những lời nói từ bi, hòa ái, có nghĩa, có tình. Còn lắng nghe là khả năng lắng nghe sâu sắc để có thể hiểu được gốc nguồn từ những điều người kia nói ra. Khi cần phải nói với nhau chúng ta cần phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, với tâm niệm rằng khi trong tâm mình đang có sự bực bội thì không nên thốt ra một lời nào, bởi vì khi giận, ta thường khó kiểm soát được lời nói của mình cho nên khó thốt ra bằng ái ngữ được; do vậy ta chỉ nên nói khi nào thực sự cần thiết cảm thấy trong tâm thực sự bình an. Bởi vì không kiểm soát được lời mình nói ra cho nên hễ nói càng nhiều thì sát suất nói sai càng cao! Do vậy mà ta nên giữ càng ít nói càng tốt trong mọi tình huống. Trong đạo Phật, sự sai sót trong lời nói được gọi là khẩu nghiệp. Có người giải quyết vấn đề khẩu nghiệp bằng phương pháp tu tịnh khẩu; nhưng trong cuộc sống đời thường chúng ta không tịnh khẩu, tức là không nói, được; cho nên cần giữ càng ít nói càng tốt trong mọi tình huống là như vậy.
Trong cuộc sống hàng ngày, ai chẳng mắc phải lầm lỗi. Nếu người phạm lỗi, nhận được sự bao dung, cảm thông từ những người xung quanh thì khả năng tiếp nhận và chuyển hoá trong họ diễn ra rất nhanh. Hiểu được như vậy chúng ta không trách móc, buộc tội hay đay nghiến người khác. Bởi vì hành xử như vậy chẳng những không mang lại lợi ích gì cho mình và cho người phạm lỗi mà còn tạo thêm nhiều oán giận, khổ đau và chia ly. Chỉ có lời nói bao dung, nhân ái mới chuyển hoá được lỗi lầm của người khác, mang lại không khí hoà thuận giữa ta với những người xung quanh.
Lại nữa, lắng nghe là một phương pháp thực tập ái ngữ với lòng Từ, tức là ban tặng niềm vui, thực tập Lắng Nghe là Bi, tức là làm vơi nỗi khổ. Mục đích của việc lắng nghe là giúp người kia có cơ hội nói ra hết những khổ đau trong lòng họ. Nếu lắng nghe một cách hết lòng thì dù bạn chưa cần làm gì, nói gì nhưng người kia đã thấy vơi nhẹ đi rất nhiều những gì cần thoát ra từ tâm tư của họ. Vì vậy, khi nghe bạn phải thực sự có mặt với người nói, bằng thể xác lẫn tinh thần; chú ý chân thành tới lời nói của người ấy; không nên nghe một cách hời hợt, thờ ơ; vì thái độ nầy còn tệ hơn là không nghe. Khi chăm chú lắng nghe có thể ta phải tiếp nhận lời nói chất đầy năng lượng tiêu cực bởi vì người đang nói có thể đang mang trong lòng quá nhiều khổ đau, tức giận. Bạn luôn tâm niệm rằng người kia có thể đang có tri giác sai lầm về bạn và những người xung quanh, cho nên bạn lắng nghe đây là để giúp cho người ấy vơi bớt khổ đau trong lòng. Nghe như vậy bạn mới không cảm thấy bực bội, khó chịu. Đó là phép lạ của Từ Bi tâm. Nghe chính là đang thực tập hạnh từ Bi. Tất nhiên, trong khi lắng nghe bạn thấy người ấy có nhiều hiểu lầm, cố chấp nhưng bạn không nên nóng nảy ngắt lời người ấy, nói rằng người ấy đã sai lầm, vì bạn biết rằng nếu làm như vậy người ấy sẽ tức giận, sẽ khựng lại và cả hai sẽ rơi vào một trận cãi vã, khẩu chiến. Trong tình huống nghe như vậy bạn phải tự nhủ rằng, người kia đang có tri giác sai lầm, chính những tri giác sai lầm này đã làm cho người ấy khổ đau. Bây giờ công việc của bạn là lắng nghe với tâm Từ Bi, rồi từ từ, khi tâm người ấy bình an trở lại mình mới đưa ra những dữ kiện để điều chỉnh nhận thức sai lầm của người ấy bằng ái ngữ, tức là bằng lời nói diệu ngọt, ôn hòa.
Trong môi trường chung đụng với người khác, thực tập ái ngữ là cả một quá trình rèn luyện tu dưỡng bản thân không phải chỉ trong một sớm một chiều mà thành tựu được. Mỗi người đều mang theo thói quen, tập quán riêng. Với những ý kiến khác nhau của từng người, nếu không khéo lời, không chú ý cách ứng xử với nhau sẽ dễ dàng dẫn đến sự hiểu lầm. Lúc đó, ái ngữ là phương pháp hay nhất để giảm bớt tình thế căng thẳng giữa đôi bên. Ái ngữ mang đậm tính chân thành, cởi mở yêu thương, hướng dẫn con người bước vào cửa ngõ an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, chúng ta cần nên buông bỏ hết những gì tưởng là "của ta", nhất là những thứ trừu tượng như danh dự và kiến thức, bởi vì những thứ ấy toàn là giả tướng, kết tập từ ảo giác của chính mình bởi vì tất cả những gì mà ta tự cho là của ta đó thực chất của nó chỉ là kết quả vay mượn của người khác mà thôi. Muốn hiểu rõ điều nầy, ta chỉ cần mường tượng khả năng, kiến, thức, kinh nghiệm của mình khi mới chào đời; lúc đó ta có được những gì mà ngày nay cho là của ta! Tất cả đều là những thứ vay mượn, tạm bợ, rồi một ngày kia, ở cuối cuộc đời ta sẽ không còn gì hết; có còn chăng, chỉ là hình ảnh mù mờ trong ký ức của những người mình yêu quí thân thương nhất mà thôi!
Nếu mọi người không quá coi trọng cái "tôi" vay mượn của mình thì sự xung đột ý thức hệ giữa cá nhân sẽ vơi bớt đi để nhường chỗ cho an lạc và hạnh phúc trong đời sống hằng ngày vậy.
Tài liệu tham khảo:
- Thầy Huyền Diệu, tức là Dr. Lâm Trung Quốc, Mahamagala Sutta. Việt
- Phạm, Thị Hồng Nhung (2008) Vietnamese politeness in Vietnamese - Anglo-cultural intactions: A Confucian perspective. A thesis submitted for the degree of Doctor of Philosophy at The University of Quensland in Ausgust, 2008.
- Vũ, Thị Thanh Hương (1997) Politeness in Modern Vietnamese: A Sociolinquistic Study of a
- Lê Thiện Phúc (2009) Variation in Politeness in Vietnamese across national contexts: