Tôi muốn nói đến ngôi làng là một cù lao được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai hiền hòa quanh năm nước ngọt, nơi đây có những căn phố cổ, có bến sông gọi là Cầu Chợ..., đã ghi dấu nên một thương cảng xa xưa... Chính nhờ vậy làng có tên Cù Lao Phố. Một ngôi làng bình dị, nhỏ nhắn như bao nhiêu ngôi làng quê khác trên đất nước Việt Nam. Đây chính là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cùng với những người thân. Chung quanh tôi là bạn bè lối xóm, bạn học trường làng, bạn tắm sông, bạn đi câu cá... Tôi thích gọi lên tiếng "làng tôi" đầy mộc mạc hiền hòa, dù rằng thời tôi mới lớn làng tôi đã được gọi là xã, xã Hiệp Hòa rồi...
Làng tôi có nhiều đình chùa lắm. Lớn lên một chút, qua sách báo đã đọc, tôi được biết sở dĩ như vậy vì đó là do nguồn gốc di dân xa xưa từ miền Trung, miền Bắc vào nơi này. Những di dân chấp nhận đi khai hoang mở nước bằng tình yêu dạt dào cùng nỗi nhớ thương da diết quê xưa đã cố công xây dựng cho riêng họ một ngôi đình cũ nơi miền đất mới!
Gia đình tôi lúc ấy thuộc hạng...nghèo! Người ta thường nói nghèo-khổ, nghèo đi đôi với...khổ, tuy vậy gia đình tôi cũng không đến nỗi khổ và hạng gọi là nhà nghèo này chiếm số không ít trong làng. (Cũng không có chi lạ, thời đó Hàn Quốc, Thái Lan...cũng..."nghèo" như vậy thôi!). Ba tôi làm công nhân thường thường, thuộc một nơi mà nhiều người gọi là... sở Trường Tiền, sau này lớn lên một chút tôi biết còn có một cái tên có vẻ công sở hơn, gọi là: Ty Công chánh .
Mẹ tôi cũng phải phụ với Ba tôi bằng cách buôn bán nho nhỏ trong cái chợ làng nho nhỏ, nhờ vậy hai người mới nuôi nổi sáu anh chị em chúng tôi... Gia đình tôi dạo đó sắm được hai chiếc xe đạp, một chiếc Ba tôi đi làm, một chiếc để anh em chúng tôi đi công việc loanh quanh cho mẹ tôi khi cần, vì người vốn không biết đi xe đạp... Có thể có người nghĩ rằng chiếc xe đạp này còn để anh em chúng tôi đi học? Sự thật không phải như vậy, chiếc xe giá trị lắm, đâu ai giao "tài sản" như thế vào tay mấy đứa... con nít?! Chiếc xe đạp do Ba-Mẹ tôi dành dụm tiền cả năm trời, rồi đích thân Ba tôi xuống Sài Gòn mua và gói ghém kín mít, cẩn thận đem về bằng xe đò Liên Hiệp.
Chiếc xe đạp giá trị lắm!!!
Tôi nhớ năm đó là năm 61 hay 62 gì đó... và tôi lúc đó cũng còn nhỏ để mà nhớ đến ông Tổng Thống của nền đệ nhất Cộng Hòa là ông nào. Chỉ nhớ vào một ngày Chủ Nhật cuối năm, được nghỉ học. Mẹ tôi sai tôi đi xuống chợ làng mua đâu một ký than củi để về nhúm lên, cho vào cái bàn ủi bằng gang, có cái chốt gài hình con gà... trống. Mẹ tôi chuẩn bị ủi cho Ba tôi bộ bà ba trắng, để ông mặc bên trong bộ áo dài khăn đóng đi cúng đình.
Hôm đó, may mắn sao chiếc xe đạp đang có sẵn ở nhà. Tôi đâu bỏ lỡ cơ hội bằng vàng này. Dù ngôi chợ làng cách nhà chỉ mấy trăm mét, thường thì chúng tôi hay đi bộ để xuống chợ, nhưng hôm nay tôi sung sướng lấy xe đạp để được dịp... vi vu (!?).
Sau khi mua xong ký than, lúc sửa soạn đạp xe về trong nỗi tiếc rẻ vì thời gian đi xe quá.. ngắn! Thế rồi... bên đường có đám trẻ xóm chợ đang chơi trò đánh đáo.Trong túi còn tiền mua than được thối lại, tôi nghĩ thầm: Mình lấy một đồng ra chơi, có gì xem như ứng trước tiền quà sáng ngày mai. Vì số than này cũng đâu gấp gáp phải đem về, mai hoặc chiều mẹ tôi mới ủi đồ.
Tôi dựng xe vào một gốc cây gòn to và xông vào...
Về trò chơi này tôi khó mà thua tụi nhỏ xóm chợ vì tôi ... cao hơn tụi nó. Nếu ai biết trò chơi này sẽ hiểu lý do. Người cao có ưu thế chân dài và tay cũng dài, do đó tuy cùng đứng một "mức" như nhau, khi cố chồm tới, cộng thêm cánh tay dài và với chút khéo léo tôi có thể dùng "đồng chọi" chọi trúng các đồng tiền cắc để giành thắng lợi.
Mà lần đó tôi... thắng đậm. Với số "vốn" ban đầu bỏ ra chỉ một đồng, sau gần một giờ, tôi đã ăn được gần mười đồng. Nên nhớ hồi đó một hộp sữa đặc có đường hiệu "con chim" (Đúng ra là hiệu tổ chim-một thương hiệu sữa Nestle) chỉ có giá mười đồng! Khỏi nói cũng biết tôi mừng như thế nào. Tôi tìm cách...chạy làng. Nói rằng phải đem than về để ở nhà...nấu cơm. Trong đám trẻ ở chợ, có đứa nhận ra ưu thế của tôi, tôi lại đang... hên nên nó và cả đám đồng ý để tôi về... Ai cũng biết chơi "chạy gạo" như vậy nếu mà không đồng ý bọn nó đâu có để cho tôi đem tiền đi về một cách êm thắm !?
Đem than về nhà đúng ngay bữa cơm trưa, tôi sà ngay vào ăn. Cơm nước xong để tránh bị rầy la về chuyện đi mua than về trễ, tôi xung phong nhúm lửa than cho cái bàn ủi. Chuyện rửa chén bát đã có người chị, mẹ tôi chiều còn công việc gì đó nên người bắt tay ngay vào việc ủi đồ....
Mọi việc êm xuôi, tôi lâng lâng vui sướng trước số tiền kiếm được...
Đến chiều, mẹ tôi đang lo cơm nước trong chái bếp, tôi đang ngụp lặn tắm sông trước nhà với mấy đứa nhỏ cùng xóm...
Thế rồi có anh Hân, một trong mấy người miền Trung vào đây sinh sống ước chừng đã được cả năm nay. Vai đang quẩy đôi thùng - anh làm công việc gánh nước mướn - anh nói lớn tiếng bằng chất giọng của người miền ngoài. Anh nói: "... có mấy người xóm chợ hỏi mầy có bỏ quên... xe đạp ở dưới đó không?"
Không nhớ tôi có trả lời anh không và cũng không biết bằng cách nào tôi lên được bờ sông, mặc luôn cái quần ướt, ở trần chạy như... bay xuống chợ!
Tài sản quý giá của cả nhà tôi, chiếc xe đạp thân thương vẫn hiền lành điềm nhiên dựa vào gốc cây gòn như lúc tôi dắt nó để đó hồi gần trưa. Suốt hơn nửa ngày trời như vậy mà chiếc xe vẫn không bị lấy mất! Bà con xóm chợ đã nhắn chuyền qua không biết mấy người rồi thông tin mới đến đúng ngay chủ nhân thật sự của chiếc xe đạp.
Đem xe về, khi biết được sự việc mẹ tôi chỉ cảnh cáo tôi nghiêm khắc bằng... lời thôi. Vì chiếc xe không mất và vì người biết, giờ đó Ba tôi từ sở làm - là nơi khai thác đá ở chân núi Bửu Long - cũng về gần đến nhà. Và với Ba tôi không có chuyện chỉ cảnh cáo bằng lời. Riêng anh Hân được mẹ tôi biếu một... nãi chuối vườn nhà ăn lấy thảo.
Thế đó, ngôi làng bình dị, mộc mạc của tôi hiền hòa như thế đó... Những người dân làng tôi phần đông đều...nghèo như gia đình tôi, hoặc nghèo hơn nữa kìa. Còn những người gọi là... "nhập cư" thời nào lại không có, kể cả thời... chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp! Và nếu nhắc đến ảnh hưởng bề trái của việc phát triển đô thị thì làng tôi chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng chỉ hơn hai cây số... Thế mà chiếc xe đạp quý giá bỏ quên cả nửa ngày trời vẫn còn y nguyên!...
Bây giờ, qua đánh đổi biết bao nhiêu tài nguyên của đất nước, đánh đổi biết bao nhiêu đóng góp của gần chín mươi triệu dân... Rồi đón nhận biết bao nhiêu tỉ đô-la hàng năm từ Việt kiều. Thêm vào số nợ nước ngoài cũng được tính lên đến hàng tỉ đô-la.. .
Đất nước sau gần 40 năm trở về cảnh thanh bình... nhờ ngần ấy nguồn lực vừa kể ở trên... Đô thị, làng quê đâu đâu đều phát triển, cho dù không biết có tương xứng với những gì đã đóng góp nên không !?
Giờ đây, chiếc xe đạp không còn giá trị như xưa, nhưng tôi tin rằng nếu bỏ quên chiếc xe đạp giống như vậy nửa ngày nơi chốn đông người thì không thể nào tìm lại được !.../.
HUỲNH VĂN HUÊ ( 11-2014 )