‘Vượt Tù, Vượt Biển' cùng Huỳnh Công Ánh
Điều ông mong muốn, với vai trò là một nhân chứng kể lại một khúc quanh của lịch sử, người đọc, và thế hệ sau sẽ tự biết cái nào đúng, cái nào sai, cái nào cần thiết cho giống nòi Việt Nam.
* Cát Linh, phóng viên RFA
* 2017-04-24
Cuốn hồi ký “Vượt tù Vượt biển” của tác giả Huỳnh Công Ánh được giới thiệu đến với mọi người sau 42 năm kể từ tháng 4 năm 1975.
Trong đó, những sự kiện, hình ảnh của miền Nam kể từ buổi sáng 30 tháng 4-75, cuộc sống của người lính Việt Nam Cộng hoà trong trại cải tạo, hay những chuyến vượt biển kinh hoàng được tác giả kể lại trong cuốn hồi ký với vai trò là một nhân chứng lịch sử.
Nhân vật Tôi
Nhân vật “tôi” xuyên suốt trong 21 chương của “Vượt tù, vượt biển” là Đại uý Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hoà, người tù vượt ngục trại Long Giao, người lái tàu vượt biển hai lần, chủ tịch Hội Cựu Quân nhân tại đảo Pulau Bidong năm 1981; người sáng lập Phong trào Hưng ca Việt Nam: nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.
Tất cả những vai trò từng tồn tại trong 70 năm cuộc đời được ông gói ghém trong 21 chương của “Vượt tù, vượt biển”, cuốn hồi ký ông ấp ủ 38 năm. Khi thực hiện được, thì đã bước sang năm thứ 42 kể từ buổi sáng 30 tháng 4 năm 1975.
“Cho tới bây giờ, những hình ảnh suốt từ năm 75 ra tới miền Bắc, rồi trốn tù, nó nằm mãi trong đầu. Mặc dù tuổi đã lớn nhưng những hình ảnh không bao giờ quên. Vì tuổi lớn, có những sự kiện có thể mất đi nhưng không có gì thêm bớt. Và những nhân vật vẫn còn nằm yên đó..”
Thật sự là như thế. Sài Gòn buổi sáng 30 tháng 4 năm 75 hiển hiện ra dưới ngòi bút của ông với đầy đủ âm thanh, sắc thái, mùi vị. Ông gọi những chương đó là “Tan hàng, Bỏ súng”.
Tan hàng; Bỏ súng
“30.4. Hình như suốt đêm qua Sài Gòn chập chờn không ai tròn giấc ngủ. Tôi không thể nằm yên ở nhà chịu trận mà không biết những gì đang xảy ra bên ngoài đường phố. Tôi rời nhà với đôi mắt cay xè. Sài Gòn vẫn nắng chói chang…
Sáng sớm hôm nay một chiếc trực thăng HU.1D bên kia đường, đỗ trên nóc nhà đón thân nhân, đã vướng dây điện, nằm chúi đầu như sắp rơi xuống đất. Ngoài đường cả một cảnh tượng hỗn loạn đang xảy ra, xe cộ xuôi ngược, và chưa lúc nào đường phố thấy người đi bộ nhiều như sáng nay, nhiều người chạy trên đường với thái độ hốt hoảng…”
Cho tới bây giờ, những hình ảnh suốt từ năm 75 ra tới miền Bắc, rồi trốn tù, nó nằm mãi trong đầu.
- Huỳnh Công Ánh
“Cảm giác trưa ngày 30 tháng 4 là cảm giác không biết mình sẽ đi về đâu sau cái ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, sau ngày buông súng. Lúc đó cứ nghĩ là bây giờ họ thắng rồi, họ lấy hết đất nước rồi, cảm giác như đờ đẫn, không biết đứng ở đâu, không biết làm gì. Cho tới khi có thông cáo đi tù cải tạo 10 ngày thì cũng vui mừng, giỡn đùa…ôi 10 ngày nhằm nhò gì, 3 tháng cũng nhằm nhò gì. Ở tù 10 ngày, 3 tháng hay 1 năm rồi ra có cơ hội đi làm ăn hoặc đi học lại, vì tôi tổng động viên năm 68, hai mươi mấy tuổi thôi, tôi cũng ước mơ đi học lại.”
Qua những tình tiết tác giả kể lại trong “Bỏ súng”, người đọc sẽ thấy và hiểu những lớp xi măng đầu tiên xây dựng nên một thành trì xã hội chủ nghĩa ngày nay.
“…Thời gian của tháng 5-75 là thời gian của xôn xao họp hành, thành lập khu phố, kê khai giấy tờ và học tập cái gọi là “chính sách của cách mạng”. Chị giúp việc nhà hàng xóm kế cận căn nhà tôi ở, nghe đâu cũng là Việt Cộng nằm vùng, bây giờ là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường.”
Về Long Giao
Những tháng ngày sau đó của Huỳnh Công Ánh và đồng đội của ông được lột tả thật đến từng tiếng thở, tiếng ngáy, tiếng máy xe nổ ầm ì trong đêm khuya. Cách ông tường thuật đoạn đường về Long Giao mà bần bật lên đó là niềm tin, niềm hy vọng, rồi tiếp nối là sự hoang mang, để rồi cuối cùng là thất vọng.
“Giờ này trong bóng tối, chen chúc trong chiếc xe, tôi mới thấy ân hận. Vợ con tôi chắc đã ngủ rồi mà không biết cảnh chồng và cha đang ngồi trên chiếc xe bít bùng này và đi về đâu? Hoàn cảnh này không thể có chuyện đi “học tập 10 ngày” được rồi. Cũng có thể chúng chở ra biển, rồi nhận chìm tàu, hay đem lên núi xử bắn rồi lấp xuống hố.”
7 năm trong trại tù Long Giao trong hồi ký của Huỳnh Công Ánh không thiếu những câu chuyện bi hài. Những mẫu chuyện ngắn, được kể lại gọn gàng qua những lời đối thoại không văn vẻ, nhưng rất “trịnh trọng” bởi cách xưng hô “thưa gửi các bộ”, đủ để người đọc phải vỡ oà cái cảm xúc vừa buồn cười, vừa cay đắng.
Một bức ảnh chụp ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho thấy lính Việt Nam Cộng Hòa bị hộ tống bởi bộ đội Bắc Việt. AFP photo
“…Những tuần lễ đầu ở Long Giao, khi đi ngang qua các vọng gác của các bộ đội, thấy nhiều viên đá cục chất đống dưới chân vọng gác. Sau mới biết, bộ đội sau khi đi đại tiện, họ dùng đá để lau chùi. Bộ đội mà thế thì huống gì là tù, lấy giấy ở đâu? chỉ dùng lá, cục đá hoặc chà dưới cỏ. Man rợ như thế đấy.
Cũng có những câu chuyện nực cười khác
Khi mới vào Long Giao, có anh tên là Lê Thông, mang kính cận dày cộm. Một hôm đi ngược chiều với bộ đội, tên bộ đội gọi giật lại:
- Anh kia, ai cho phép anh đeo kiếng?
- Báo cáo cán bộ, tôi bị cận thị. Anh Thông trả lời
- Cận thị là cái gì? Lấy xuống, lấy xuống mau!
- Báo cáo cán bộ lấy kiếng xuống thì tôi quờ quạng lắm, làm sao thấy đường đi?
- Tôi không đùa với anh đâu nhé. Lấy xuống mau!”
Vượt tù, vượt biển
Từ những chương này trở về sau, là những mốc thời gian tác giả gọi là tàn khốc nhất. Chính vì vậy mà trong suốt 38 năm, dù trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, ông vẫn không quên một chi tiết nào. Từ cuộc vượt ngục lịch sử thoát khỏi những ngày học tập cải tạo trong trang phục của bộ đội Bắc Việt cho đến hai lần lái tàu vượt biển.
“Khi ở tù, phải có 1 thời gian suy nghĩ rất là lâu, bao nhiêu năm liền về ý định trốn tù. Vượt biển thì khốc liệt lắm, trong vòng có mấy ngày thôi. Tôi đã từng bị mảnh đạn bị thương, rồi bỗng nhiên trở thành người chỉ huy cứu 29 người trên tàu sống sót trong 17 ngày trôi trên biển. Chính mình cũng bị hải tặc Thái Lan khoét lưỡi lê trong hậu môn chảy máu đi không được, bị kẹp tay tra khảo. Nó khốc liệt sợ hãi hơn đường trốn tù. Cái hãi hùng của chuyến vượt biên thứ hai nếu xảy ra giống như chuyến thứ nhất thì liệu vợ, con và cháu và em của mình sẽ ra sao? vì mình mà họ chết. Nếu mình chết 1 mình không sao. Nhưng liên luỵ đến con nhỏ, cháu mình thì cảm giác nó sợ sệt, không ăn không ngủ được nhiều hơn là trong tù.
Cho đến giờ này, thỉnh thoảng, cái gọi là hãi hùng nó vẫn còn. Có nhiều đêm ngủ phải đá lung tung, hoặc nhiều đêm ngủ giật mình ôm mền ôm gối chạy.
- Huỳnh Công Ánh
Vượt biên là mình phải làm sao cho tàu đi không chìm dưới biển, làm sao để tránh hải tặc vô cướp, hiếp dâm…Khi đi rồi không biết sẽ đi về đâu? Tấp vô bến nào hay được tàu vớt hay bị chìm tàu?”
Những ký ức tưởng như sẽ dần nguôi ngoai, nhưng không phải thế. Ông nhớ lại cuộc đời của một người tỵ nạn đến Mỹ ba mươi mấy năm, và thấy rằng nó cay đắng thâm trầm nghiệt ngã hơn thời gian 7 năm học tập cải tạo rất nhiều.
“Cho đến giờ này, thỉnh thoảng, cái gọi là hãi hùng nó vẫn còn. Có nhiều đêm ngủ phải đá lung tung, hoặc nhiều đêm ngủ giật mình ôm mền ôm gối chạy. Nhiều khi trong giấc chiêm bao mình thấy họ bắt mình, kéo mình, mình vẫy vùng, đá vào người vợ nằm kế mình. Nhiều lần như thế, nghĩa là nó ám ảnh mình suốt đời.
Thành ra cái chuyện ám ảnh, lo âu, dĩ vãng trong tù là nhớ vanh vách, chỉ có đọc ra, ghi ra, chứ không thêm thắt, hư cấu, văn chương gì cả.”
Nhân chứng lịch sử
Khó mà tìm được một mỹ từ hay một chi tiết bắt người đọc phải suy nghĩ trong hồi ký của Huỳnh Công Ánh. Thay vào đó, từng câu từng chữ hiện ra gãy gọn, thật thà, có cả cái tiếng chửi thề không lẫn vào đâu được của người miền Nam, đưa người đọc của nhiều thế hệ quay về sống với từng giây phút của năm tháng đó, chứng kiến những câu chuyện đó.
Ông nói rằng để thoát được những chuyến đi ấy, ông đã chịu ơn tình của nhiều người. Những ân tình đó là nguyên nhân đến 38 năm sau cuốn hồi ký mới ra đời. Niềm vui của ông được diễn tả bởi hai chữ “bàng hoàng” vì ông cho rằng ông đã thực hiện được sứ mệnh của cuộc đời mình.
Ước mơ và khát vọng lớn nhất là tôi làm tròn vai trò người chứng nhân của lịch sử, khúc quanh lịch sử cay nghiệt nhất mình là chứng nhân.
- Huỳnh Công Ánh
“Ước mơ và khát vọng lớn nhất là tôi làm tròn vai trò người chứng nhân của lịch sử, khúc quanh lịch sử cay nghiệt nhất mình là chứng nhân. Và mình đứng cửa giữa, tức là lòng mình đã chùng xuống rồi. Ba mươi mấy năm tôi mới viết, thì sự hận thù ra ngòi bút, ra trong tư tưởng không còn nữa. Nó đã bình tâm rồi. Mình muốn mình là người Việt Nam yêu nước, mình muốn mình là nhân chứng thật sự giữa hai chế độ miền Bắc và miền Nam. Và nhân chứng đó chỉ đưa ra hình ảnh thôi, không phê phán, không chửi rủa, không đả đảo, không hận thù.”
Điều ông mong muốn, với vai trò là một nhân chứng kể lại một khúc quanh của lịch sử, người đọc, và thế hệ sau sẽ tự biết cái nào đúng, cái nào sai, cái nào cần thiết cho giống nòi Việt Nam.
Khi chương cuối cùng của hồi ký “Vượt tù, vượt biển” khép lại, người đọc vẫn còn thấy đâu đó buổi sáng hỗn loạn của ngày 30 tháng 4 lịch sử. Với nhiều người khác, biến cố ấy không chỉ dẫn đến một cuộc vượt tù cải tạo và hai chuyến vượt biển của Huỳnh Công Ánh, mà còn dẫn đến một câu chuyện dài chưa có hồi kết của đất nước, dù đã bước sang năm thứ 42.
Gửi ý kiến của bạn