ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG GIÁO SƯ SỬ HỌC CỦA MỸ
Đến Mỹ theo diện tị nạn chính trị, vào tháng 3/1984, vừa kịp ghi danh vào khóa học SUMMER-1, đại học cộng đồng Philadelphia. Sau đó, tôi chọn lấy một lớp về Sử học .
Đó là dịp mà tôi và ông giáo sư Sử học có chuyện căng thẳng ngay trong lớp học. Bởi thấy trong lớp có bốn (4) sinh viên gốc Việt, ông ta muốn tỏ ra hiểu biết về Việt Nam, nên phát biểu ca tụng Hồ chí Minh. Tôi đưa tay, xin phát biểu. Tất nhiên, ông ta phải để tôi phát biểu. Tôi không phê bình ông ta, mà chỉ đặt ra những câu hỏi đơn giản:
- Ông có bao giờ sống dưới chế độ cộng sản ? – Tất nhiên là chưa !
- Là một giáo sư Sử học, ông có biết về Hiệp Ước Geneve 1954 ? – Ông biết.
Nếu vậy, chắc ông biết hàng triệu người miền Bắc Việt Nam, dưới chế độ của ông Hồ chí Mình, lại ùn ùn lên tàu, bỏ cả quê cha, đất tổ, tài sản.ruộng nương, chạy vào sinh sống tại miền Nam Việt Nam ? Theo ông, lý do tại sao họ bỏ chạy như vậy ?
– Dĩ nhiên, họ có lý do của họ ! Một cách tránh câu trả lời trực tiếp.
-Theo như ông nói, ông có nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi chắc ông biết về cái gọi là Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc dưới triều đại của ông Hồ chí Minh. Và qua đó, có ít nhất gần hai trăm ngàn người đã bị giết một cách man rợ nhất để đảng cộng sản VN cướp sạch tài sản của họ. Giáo sư có thể kiểm chứng qua tài liệu, sách vở. Ông nghĩ gì về cuộc thảm sát này ?
Ông Thầy : – Tôi không quan tâm lắm về vấn đề này. Đó là chuyện nội bộ của VN trong thời điểm đó.
-Thưa vâng , Bởi vì ông không hề quan tâm đến những khổ đau cùng cực của người dân VN dưới chế độ cộng sản của ông Hồ chí Minh, nên ông mới khen ngợi ông ta. Chỉ cần nhìn vào con số thống kê của cao ủy tị nạn hiện nay ( thời điểm 4/1984) , ông có thể biết hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đã chết trên biển đông, để trốn chạy khỏi chế độ cộng sản . Có bao giờ giáo sự đặt câu hỏi tại sao?
Hình như tìm thấy cơ hội để phản biện, ông giáo sư quay hỏi ngược tôi về việc tại sao Miền Nam lại thua trong cuộc chiến tại VN?
- Thưa giáo sư, chắc giáo sư thừa biết, Tổng Thống Ngô Đình Diệm của chúng tôi đã từng yêu cầu Mỹ chỉ viện trợ quân sự, và không đưa lính Mỹ vào Việt Nam, xin hãy để cho người dân Việt Nam lo liệu việc bảo vệ đất nước. Và tiếc thay, Tổng Thống Diệm đã bị thảm sát ! Sau đó, Mỹ đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Thưa giáo sư, chắc giáo sư hiểu hơn ai hết, lý do vì sao chính quyền Mỹ thời đó làm như thế?
Có phải nhu cầu của thời cuộc, của những cuộc bầu cử giữa các đảng phái tại Mỹ . . . Và cũng chính vì những nhu cầu như thế, năm 1972 chính quyền Nixon đã bắt tay với Trung cộng, và thúc đẩy tổ chức hòa đàm Ba Lê, tìm cách rút chân khỏi Việt Nam, bỏ rơi VNCH một cách không thương tiếc.
Thưa giáo sư, đến đây, giáo sư có thể hình dung cán cân lực lượng giữa hai phía trong chiến cuộc Việt Nam : - Một bên là VNCH, chỉ có 20 triệu dân, phải đơn độc chiến đấu, không có một sự viện trợ, giúp đỡ nào từ bên ngoài, kể cả từ người bạn đồng minh thân cận nhất. Một viên đạn, cũng không!
- Trong lúc đó, miền Bắc cộng sản, có cả hai nước lớn là Trung cộng và Liên Xô, cộng thêm nhiều nước trong khối cộng sản đông Âu . . . ồ ạt đổ viện trợ, vũ khí, đạn dược vào cho họ.
Làm sao miền Nam VN có thể kéo dài cuộc chiến trong hoàn cảnh đó?
Thấy ông giáo sư yên lặng, lắng nghe, tôi quyết định kết thúc trong “hòa bình” :
- Tôi cám ơn giáo sư đã cho tôi cơ hội để nói lên niềm đau của người dân miền Nam VN. Tôi cũng hiểu rằng, mỗi người có một chỗ đứng, và từ đó, có những góc nhìn khác nhau. Và tôi cũng không thể đòi hỏi mọi người cũng phải nhìn về cuộc chiền Việt Nam với cái nhìn giống tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng, mỗi khi có thể, như trong cơ hội hôm nay, để nói lên quan điểm của tôi về những khốn khổ của người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản, do ông Hồ chí Minh sáng lập. Xin cám ơn.
Tôi nghe tiếng vỗ tay của cả lớp học. Và tiếng nói ngắn gọn của ông giáo sư Sử học :“Oh my God ! “
Từ đó cho đến cuối khóa, ông giáo sư vẫn thích đưa tôi vào những cuộc tranh luận về chính trị trong những đề tài khác. Dù ông vẫn lạnh lùng đối với tôi, nhưng rất ngạc nhiên, sau bài thi cuối khóa, ông cho tôi điểm A+ !
Sau này, khi về Houston, tôi cũng được ban tổ chức của hai trường đại học RICE, và Houston University Downtown mời trình bày về chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng vào đề bằng cách chỉ nói lên quan điểm của tôi, một người lính của Việt Nam Cộng Hòa, và sẵn sàng trả lời những câu hỏi. Tôi tin, tôi có chính nghĩa nên không ngần ngại trả lời những câu hỏi của cử tọa.
Đặc biệt, trong buổi thuyết trình tại Houston University Downtown, tôi lại chạm mặt với một giáo sư Sử học của trường này, và lúc ấy, đang là một giáo sư giảng dạy tại một trường tư của Mỹ tại Việt Nam!
Tôi tự nghĩ, Ít ra, tôi cũng đã nói lên được những điều mà tôi cho là hữu ích. Bây giờ, già yếu nhiều rồi, yếu đi trong từng hơi thở, trong từng bước đi. Bỗng có hôm đọc được bài của chiến hữu Vương Mộng Long, cũng có một kinh nghiệm tương tự, nên viết lại kỷ niệm của tôi , để chia xẻ một vài cảm xúc của một thời còn khỏe mạnh, còn hăng say . . ./-
Fb Le Phu Nhuan
Gửi ý kiến của bạn