“Khi
rời đất nước ra đi, chúng tôi không còn tuổi trẻ để mang theo mà chỉ đem được rất nhiều kỷ niệm, ngổn ngang trong trí nhớ với những niềm luyến tiếc khôn nguôi. Ở quê hương chúng ta, mặc dù miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng tháng Tám dường như chúng ta nghe mùa Thu có con nai vàng đạp trên lá vàng khô trong thơ Lưu Trọng Lư. Và tôi tưởng tượng như
có mùa Thu trở mình trên gót nhỏ dìu em đến người bằng vòng tay nâng niu hạnh phúc như trong bản Như Ngọn Buồn Rơi.
Nhưng sao ở đây, quê người, mảnh đất tạm dung thân, tháng Chín, nhân dáng mùa Thu trở về đẹp quá trong chiếc áo xanh vàng đỏ đâu đó mà sao lòng mình không xúc cảm là mấy. Có phải quê người không có một chỗ đứng trong tâm hồn kẻ lưu vong như chúng ta, không có một kỷ niệm nào trong ký ức để nhớ để thương”.
Ngồi ngắm mưa thu, nghe Lá đổ muôn chiều của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Lòng tôi chợt miên man nghĩ về thu, về những bài hát mùa thu đã coi như ký ức
trong lòng, không thể không vang lên trong tôi mỗi khi lá bắt đầu rơi.
Hạ đẹp vì hạ đỏ chói chang, xuân đẹp vì xuân hồng sắc thắm, đông đẹp vì đông trắng giá băng, thu đẹp vì thu vàng nỗi nhớ.
Con người yêu mùa thu bởi người ta cũng cần được buồn biết mấy. Người ta cần buồn để hòa mình với sự tuần hoàn của thiên nhiên đổi áo bốn mùa … người ta cần buồn để quý trọng từng khoảnh khắc vui tươi … người ta cần buồn để thương, cần buồn để nhớ.
Tôi vẫn tưởng không cần cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ mới là thu sang. Mùa thu đã sẵn trong tâm tưởng con người, như kỷ niệm vĩnh viễn còn ở lại, như màu nắng có bao giờ phai.
Hoài niệm cũ chẳng cách nào rũ bỏ hoàn toàn, chỉ là ru nó tạm ngủ yên. Rồi nó sẽ trở mình thức giấc vào lúc ta ít ngờ đến nhất … khi khung trời
mùa đông xám nhạt áp hơi thở lạnh buốt lên khung cửa sổ … khi thu nhuộm
ố một vừng quan san, chợt gợi lên niềm hoài cổ hiu hiu buồn, lá rơi ngập trời hay rụng úa lòng ta.
Nhớ nhung, lưu luyến, hối tiếc, ngậm ngùi. Ta không còn phân định rạch ròi được nữa. Và ta mong ngóng, ta chờ đợi một điều gì mơ hồ đến bản thân cũng chẳng thể nào hiểu nổi. Dường như sau cái chát đặc của nỗi buồn se sắt vẫn đọng lại chút dư vị ngọt ngào kỳ dị. Dù hạnh phúc có ra đi nhưng tình ta còn đó, như ngàn năm ngàn năm sóng vỗ vẫn ôm một bờ cát
mà thôi.
Nhắc đến thu, người ta nghĩ ngay đến sắc tơ vàng vương vương, và lá vàng
rơi khi tình thu vừa khơi, nghe chừng như đây màu tê tái.
Nhưng đâu chỉ có thế …
Thu là màu tím chiếc áo ôm tim lẻ loi khóc anh chiều tiễn đưa, màu tím sầu thương của những chuỗi ngày vắng nhau tháng năm còn lướt mau biết bao giờ thấy nhau. Thu là màu hoa thạch thảo chết lịm mong chờ bởi trên cõi đời mộng trùng lai không dễ.
Thu là sắc lông vũ hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ, là không gian thăm thẳm diệu vợi của đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió, là ánh sáng huyền ảo lung linh của sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
Thu là màu xanh: xanh nuột nà trinh nguyên tà áo người mơ không đến bao giờ, xanh lơi lả lá thư nhuộm tình ân ái, xanh thơ ngây gót hài chênh vênh người em gái một sớm mai giữa chân trời lồng lộng, xanh óng gió bay
cùng mây ngàn, xanh ngát trăng non gửi về với thu trần gian.
Bởi sự lãng đãng của mối tình nghệ sĩ hào hoa, nỗi buồn thu của Đoàn Chuẩn thanh thoát quá, êm đềm như đôi mắt hồ thu huyền hoặc đến mênh mang.
Một hòn đá ném xuống mặt hồ, cho ngàn sóng lan ra xa, khơi lên niềm nhức
nhối khôn nguôi. Sắc xanh chợt mất, nhường cho lá vàng đổ muôn chiều … Rượu nồng, pháo đỏ, vu quy, cố nhân biền biệt còn không quay về? Hoa xưa đã tàn, tình ta đã tan. (Lá Đổ Muôn Chiều)
Hòa trong nỗi sầu vào thu, suối mơ cũng buồn vì suối lưu luyến tình nhân
thế. Nỗi buồn tưởng không thể nào trong sáng hơn thế, tình yêu tưởng không thể nào trong sáng hơn thế, chẳng bợn chút dục vọng, sầu thương, mà dường ru con tim nguôi ngoa lắng dịu. (Suối Mơ)
Mỗi khi thưởng thức nhạc phẩm Văn Cao, nghe hơi thở Đường thi lẩn khuất trong từng lời ca, tôi lại có cảm giác như ngắm một vị mỹ nhân biết rõ là tuyệt sắc nhưng không cách nào nhìn rõ dung nhan … những dáng hồng thơm hương, mắt huyền lưu xuân, gót hài khai hoa được bao bọc trong màn sương khói hư ảo. Như đi tìm Thiên Thai, vùng đất hứa chan chứa những giai điệu thần tiên mãi mãi không tồn tại trên trần gian.
Mùa thu của Văn Cao giữ trọn cái mơ màng huyền diệu đó. Và cái Thu Cô Liêu là cái Thu buồn bã của một cái ngày xa vắng và cái nhớ đi tìm người
yêu trong cái Thu thôi. (Thu Cô Liêu)
Mùa thu chết theo lá vàng, chết trong chiếc áo đan trên tay thiếu phụ lòng buồn vương vấn. Chàng bận lòng nhớ xa khơi, chàng còn mải theo lời gió nước, còn em đan áo mà dệt trọn nỗi nhớ thương. (Buồn tàn thu)
Trong những ngày thu thảm đạm, tê tái với nỗi niềm khát khao sự sống mãnh liệt nhưng đành bất lực, có người nhạc sĩ đem trọn anh hoa một đời dựng nên thu ca tam tuyệt. Đặng Thế Phong vẽ từng bức tranh thu bằng ca từ và nhạc điệu … không
có dáng ngọc mà chỉ có trăng lan dịu dàng nhưng thấm đẫm nỗi buồn, chỉ có hoa vương sầu thu muôn đời chất ngất, chỉ có lá cây đọng lại lệ đêm trường, và kẻ cô đơn vạn kiếp thao thức nhớ thương ai. (Đêm thu)
Hồn người dường cũng đã tan theo trăng rồi. Mưa thu thánh thót rơi, u buồn lắng ngập bầu trời, có ai khóc đời người hữu hạn, có ai than kiếp mệnh bạc tài hoa. Làm sao níu lại gió, giữ lại mưa để cõi lòng đừng lâm ly khi hồn thu tới? Vợ chồng Ngâu còn khóc mãi vì thu … cho một đêm hội ngộ thỏa mộng tình si, và dương thế bao la buồn sẽ đời đời khóc cho nhất
phiến tài tình thiên cổ lụy. (Giọt mưa thu)
Sương lam đã mờ chân mây mà thuyền không bến đỗ. Thuyền ơi, còn lờ lững trôi xuôi nặng nỗi đa mang. Giữa dòng ai biết nông sâu, vơ vẩn một hồn cựu mộng, mối sầu day dứt sao chặt cho đứt, khối sầu nặng trĩu sao đập cho tan … Hơi thu theo heo mây, thông ngàn vi vu lời gió vang từ miền xa
lăng lắc, thuyền nhớ bến mơ trong giấc mộng phai tàn.
Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong Chú thích:
Dưới đây là những tác phẩm Thu được nhắc đến trong bài viết.
Tiếng Thu, Như Ngọn Buồn Rơi, Lá Đổ Muôn Chiều; Nhớ Mùa Thu Hà Nội;
Mùa Thu Cho Em; Ngàn Thu Áo Tím; Mùa Thu Chết; Thu, Hát Cho Người; Tà Áo Xanh; Lá Thư; Gửi Người Em Gái; Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay; Suối Mơ; Thiên Thai; Thu Cô Liêu; Buồn Tàn Thu; Đêm Thu; Giọt Mưa Thu; Con Thuyền
Không Bến...
Hôm nay, nhân tiết Thu về trên Bắc bán cầu, NNS xin chia sẻ cùng Thân Hữu Nhạc phẩm bất hủ: Con Thuyền Không Bến, của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong.
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.