12:51 CH
Thứ Sáu
19
Tháng Tư
2024

BÁT TƯƠNG QUẢ CÀ - NGUYÊN NHUNG

12 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 20504)

BÁT TƯƠNG QUẢ CÀ

 

ngnhung-large-contentNăm tôi lên sáu tuổi thì thầy tôi mất, cái tuổi lên sáu quá bé bỏng chưa biết thế nào là buồn là vui, chỉ biết là năm ấy, theo chuyến tàu cuối năm năm một chín năm tư, mẹ tôi đầu đội khăn trắng, lếch thếch dẫn ba đứa con dại, đứa lớn mới hơn mười tuổi, dắt díu nhau theo đoàn người di cư lên chiếc tàu há mồm của Mỹ, tiến vào miền Nam xa xôi.

Năm ấy mẹ tôi mới ba mươi tám tuổi, vừa mất chồng lại mất luôn cả một cơ nghiệp khá vững vàng mà thầy mẹ tôi đã gầy dựng gần hai mươi năm, thế mà có một ngày đã mất hết, xem ra mọi thứ trên đời này chẳng có gì bền vững cả. Bây giờ thì chỉ có mình mẹ tôi gánh vác, mà giữa nơi đất lạ quê người, lúc lớn lên, tôi mới thấy rằng mẹ tôi quả là một người đàn bà có nhiều nghị lực.

Tôi cũng không nhớ được khuôn mặt của thầy tôi, hình ảnh của ông chỉ là những phần rời rạc, chắp vá theo những câu chuyện do mẹ tôi kể lại, từ các anh chị lớn trong nhà, tùy theo ký ức của từng người, tôi có một cái nhìn rất mơ hồ về người cha của mình, vậy mà không hiểu sao lòng vẫn ngậm ngùi mỗi khi nhắc lại.

Lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ mường tượng ngôi nhà gạch hai gian ở phố Cửa Tiền, có một cửa hàng bán thuốc lào và tạp hóa khá đông khách của thầy mẹ tôi. Về mùa đông khi cây bàng trước cửa nhà đã trơ trụi lá, tôi vẫn được mẹ ủ ấm trong mấy lớp chăn bông. Buổi sáng khi cả nhà cùng thức dậy, tôi vẫn nghe tiếng ho của thầy tôi và mùi cháo đậu xanh từ dưới bếp phả lên nhà trên, bữa cháo điểm tâm thường chỉ ăn với đường hoặc cà bát ngâm tương. Bên cạnh nhà là một quán phở, theo cái lạnh của gió đông, mùi phở cùng với hương hành ngò tỏa lên thơm phức làm cồn cào những cái bụng đói. Vì là con út nên thầy tôi cưng tôi lắm, hôm nào phần ăn sáng cũng là một bát phở nhỏ và ly sữa nóng.

Thích nhất là những sáng chủ nhật được theo mẹ đi nhà thờ, từ phố Cửa Tiền phải đi vòng qua phố Cửa Hậu. Thuở nhỏ, mắt tôi bé lắm nên nhìn cái gì cũng to cả, bởi vậy mà ngôi nhà thờ lúc ấy đối với tôi quả là vĩ đại, một chiếc cột đến mấy vòng tay ôm, mấy chục năm sau trở lại quê nhà, tôi thấy nó nhỏ bé và cũ kỹ, chỉ còn dăm cụ già rỗi rãi ngồi rì rầm đọc kinh, với những con chim sẻ nhảy nhót trên chiếc sân xi măng loang lổ. Mỗi buổi sáng chủ nhật của những ngày ấu thơ, tôi được mẹ dẫn xuống khoảng sân rộng trước cửa nhà thờ, ở đấy có một hàng bánh chưng rán. Mùa Đông, giữa một trời đầy giá rét, co ro trong chiếc áo ấm, được một tấm bánh chưng nóng hổi, mùi nhân đậu xanh lẫn trong chút thịt mỡ, chắc chẳng có gì hơn.ngnhung1-large-content

Vào mùa hè, khi rặng bàng trước cửa đã xòe ra những chiếc lá to hơn bàn tay người lớn xanh ngăn ngắt, chị em tôi hay chạy chơi trên hè đường để tránh cái ngột ngạt trong căn nhà hầm hập nóng. Dưới bóng cây bàng trước cửa nhà, chúng tôi đã sung sướng thưởng thức bát chè thạch thơm mát lan dần đến tận cuống họng, sau này khi lớn lên ở miền Nam, tôi có cảm tưởng chưa bao giờ được ăn bát chè nào ngon bằng bát chè của quê hương.

Mẹ tôi kể lại rằng, quê thầy tôi ở làng Linh, nơi có những ruộng rau muống nổi tiếng, ít lá, cọng to và mềm, luộc xong nước rau có một màu hồng phơn phớt, dân làng là những người làm ăn, tính toán giỏi. Mẹ tôi ở một làng khác gần tỉnh hơn, con một ông đồ nho, đất văn học, sau này vì thầy tôi chết sớm, đám con cái ảnh hưởng bên ngoại, thích văn chương, cho nên không thấy ai giàu cả, nhưng đời sống vẫn rất dồi dào nhờ cái phong phú của tâm hồn.

Mùa hè cho chí mùa đông, trên mâm cơm nhà tôi dù có cá có thịt, nhưng vẫn không thể thiếu bát tương quả cà. Đĩa đậu phụ chiên vàng nóng hổi chấm đẫm tương, con cá rô rán tới thơm phức mà không có tí tương sẽ trở nên vô vị, ngay cả đĩa rau muống luộc xanh ngắt, nếu không có bát tương và mấy khoanh ớt đỏ xem chừng đã nhạt nhẽo lắm. Chưa kể món tương chưng với thịt mỡ, cà chua, thìa là, ăn kèm với rau diếp thái sợi, một tô nước rau muống luộc, giầm thêm mấy quả sấu chua, cùng tí tỏi và muối, ăn với cà bát ngâm tương của mẹ tôi vào những ngày hè, kỳ diệu thay, nó như làm dịu đi cái nóng bức của mùa hè miền Bắc.

Ngay sau những ngày chia cắt đất nước năm ấy, thầy tôi ốm nặng rồi qua đời. Anh tôi bỏ nhà theo người bác vào Nam từ chuyến tàu trước, mãi cho đến cuối cùng khi mẹ tôi quyết định ra đi thì tình thế có vẻ khó khăn lắm rồi. Qua bao nhiêu trạm kiểm soát, mẹ con dắt díu nhau ra đi, lúc ấy hẳn mẹ tôi đã phải có một phấn đấu nội tâm dữ dội lắm, chồng chết, con dại, cơ ngơi, nhà cửa, để rồi chỉ còn hai bàn tay trắng, đi đâu, với một viễn ảnh đen tối. Có lẽ chuyến tàu cuối năm năm tư là chuyến tàu buồn thảm nhất trong đời mẹ tôi, những giọt nước mắt ngắn dài khi bỏ lại quê hương, bỏ lại ngôi mộ người chồng chưa xanh cỏ, bên nách ba đứa con nhỏ với những đôi tay non nớt chưa bám nổi cuộc đời. Chúng tôi chẳng biết gì, với đôi mắt trẻ thơ thì đây là chuyến đi xa đầy thú vị, đứa nào cũng thích thú với những viên kẹo được phân phát từ tay những người thủy thủ Hoa Kỳ. Buổi chiều, khi con tàu lênh đênh trên đại dương bao la, biển đã ngả sang màu tím, từng đợt sóng to bằng những cái nhà đuổi nhau trên mặt biển, đám người trên tàu bỗng như sợ hãi vì thân phận bé nhỏ của con người trước cảnh hùng vĩ của biển khơi.

ngnhung5-large-contentVào đến miền Nam, đoàn người di cư được đưa về một khu ngoại ô cách Sài Gòn khoảng hai chục cây số. Chỉ có ngần ấy đường mà dường như đã có một sự khác biệt, Sài gòn với những ánh đèn giăng giăng, xe cộ tấp nập, người đi lại dập dìu như mắc cửi thì ở đây, chỉ là những mái nhà tranh vách đất, những con đường gập ghềnh lỗ chân trâu, những ngọn đèn lù mù, lay lắt trong cảnh nghèo của đám người di cư. Vui nhất có lẽ là những buổi chợ sớm, người ta phải dùng cả đèn dầu khi trời chưa sáng tỏ, nơi ấy là nơi người dân hai miền Nam Bắc gặp nhau, tuy cùng một ngôn ngữ mà cách phát âm lại khác biệt, nên vẫn có cảnh người mua, kẻ bán cười ngặt nghẽo với nhau, khi người này không hiểu người kia muốn gì. Chợ quê tuy nghèo nhưng cũng đủ thứ thịt thà, cá mắm, cùng những rau cỏ rau trái miền Nam, sau một đôi năm, không hiểu sao không khí hòa bình ấy bỗng mất đi, thỉnh thoảng người ta hốt hoảng bỏ chạy tán loạn vì một loạt súng vang lên giữa buổi chợ đông, một thây người ngã gục, chiến tranh như đã bò dần vào đời sống êm đềm của đồng bào miền Nam.

Mẹ tôi, người đàn bà nhỏ bé và can đảm ấy, đâu có chịu đầu hàng số mệnh, dù giờ đây gần như trắng tay. Anh tôi đi làm xa, chẳng mấy khi về nhà, có lẽ anh ấy không muốn chôn chặt cuộc đời trai trẻ trong cái tăm tối của làng quê. Khi cuộc sống ở đô thị cho ta nhiều cơ hội để tiến lên thì ở chốn quê mùa này, người ta như sống giật lùi hằng thế kỷ, mảnh vườn, ao cá, lũy tre xanh muôn đời vẫn như một hàng rào để người ta dựa dẫm nhau mà sống, nhưng đồng thời nó cũng lôi kéo con người vào những thứ phiền toái, lẩm cẩm, khe khắt khi con người không cùng một trình độ, sống với nhau quả rất là khó chịu.

Cuộc sống nhàn hạ của những ngày thành phố đã qua, mẹ tôi bắt tay vào cuộc sống mới với rất nhiều cực nhọc. Khi những luống sắn, luống khoai đã vồng xanh, những luống cải non đã đủ để nấu những bát canh suông, mẹ tôi bắt tay qua làm cà, làm tương để bán cho những người quanh vùng. Mẹ tôi làm tương rất ngon, không mặn không nhạt, tôi vẫn nhớ mãi mùi âm ẩm của mốc tương và đậu nành rang xay nhuyễn, hòa với nước muối để ủ tương chờ đến ngày ăn được. Những vại tương, vại cà vàng nâu thẫm lại, nhai ròn tan với bát cháo đậu mùa hè, nghe cái mát mẻ đã luồn sâu vào tì vị. Chúng tôi lớn lên sởn sơ như cây cỏ, nhờ bát tương quả cà của mẹ tôi, miếng đậu phụ và con cá chiên ròn, bát muối vừng cùng những rau cỏ mọc quanh nhà. Thỉnh thoảng vào những chiều nắng xiên khoai, tôi lẽo đẽo theo mẹ gánh đôi thùng tương đi bỏ mối cho mấy cửa hàng quanh chợ. Trên con đường đất gồ ghề, lồi lõm dấu chân trâu, mẹ tôi đi trước, đôi vai bé nhỏ như oằn xuống dưới sức nặng của đôi thùng tương, kĩu kịt, kĩu kịt đi trên con đường vắng. Tôi đi chân đất chạy theo mẹ, hồn nhiên như một con bướm trắng, hai má hồng xinh với đôi mắt ngây thơ. Mỗi khi giao hàng xong, thế nào mẹ tôi cũng mua cho tôi vài chiếc kẹo, ly nước đá nhận của người đàn bà miền Nam bán bên hông chợ.

Sau những lúc bận rộn và làm việc mệt nhọc như thế, mẹ con tôi vẫn có những buổi tối ngồi trông trăng ở mảnh sân vuông trước nhà. Dưới ánh trăng suông, gió vẫn xào xạc trên rặng chuối sau hè, tiếng côn trùng rỉ rả âm âm trong bụi cỏ, mấy mẹ con và vài bà hàng xóm quây quần trên chiếc chiếu trải giữa sân, nghe mẹ tôi kể chuyện. Không biết tại sao mẹ tôi thuộc truyện Kiều lắm thế, những bà hàng xóm nhà quê cứ ngẩn người ra nghe mẹ tôi đọc thơ, rồi truyện làng, truyện nước, truyện ma đường rừng Việt Bắc, truyện nào cũng ly kỳ, rùng rợn và ý vị đến nỗi tôi lơ mơ ngủ đi lúc nào không biết.

Tôi vẫn nhớ mơ hồ về những ngày còn thơ ấu, khi chỉ có mấy mẹ con sống quạnh quẽ với nhau trong những ngày mới di cư vào Nam, chứng kiến cái thay đổi của lòng người sau cơn hoạn nạn, tôi mới thấy mình là người bất hạnh khi thầy tôi chết đi quá sớm. Giá thầy tôi còn sống. Đã bao nhiêu lần tôi nghĩ như thế khi thèm thuồng nhìn những đứa nhỏ như mình, chúng nó có đủ cha đủ mẹ, để mẹ tôi không phải tần tảo một mình nuôi lũ con thơ, có khi đi vắng nhà vài hôm, phải gửi con cho người hàng xóm.

Những buổi tối mẹ vắng nhà, khi trời nhập nhoạng lên đèn là tôi bắt đầu khóc. Chị tôi hơn tôi hai tuổi, đã tỏ ra là đứa trẻ biết lo lắng, tính chị hiền như mẹ, hay tủi thân. Mới đầu tôi chỉ khóc dấm dứt, sau không chịu nổi nữa tôi gào to hơn, chị tôi nước mắt đoanh tròng, thay mẹ dỗ em bằng những lời hứa hẹn rất trẻ con, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, dỗ mãi em cũng không nín còn gào to hơn, chị cũng tủi thân òa lên khóc. Sau này, lúc không còn gần nhau nữa, chị em mỗi lần nhắc lại chuyện cũ trên đường dây điện thoại, hai đứa cứ vừa cười vừa khóc vì những chuyện ngày thơ.

Nhớ làm sao ngày đầu tiên mẹ tôi dẫn tôi đi học. Trường học là căn nhà lá hai gian có giàn hoa thiên lý, thỉnh thoảng lại có tiếng điếu cày rít lên sòng sọc, ông thầy già say thuốc ngồi mơ màng gõ nhịp chiếc roi mây trên mặt bàn gỗ, như đệm theo tiếng ê a của đám học trò nhỏ. Tôi vừa ngồi học vừa nhớ mẹ, con đường quê ngoằn nghoèo, bụi tre gai rào rào tiếng gió, một con bướm trắng vờn vờn trên giậu mùng tơi, tôi lớn lên với những câu truyện cổ tích và những áng văn chương từ bà mẹ quê vất vả, cũng như những vần thơ tả về quê hương trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của ông thầy trường quê mái tranh vách đất. Sau buổi học, tôi hay chạy sang nhà bác tôi để được bác cho vài quả táo tầu hay nhúm cam thảo, vì ông là một thầy thuốc Bắc. Giữa trưa hè oi ả, bác tôi ngồi gật gù với mấy hũ thuỷ tinh đựng thuốc, con dao cầu nằm hờ hững ở một góc quầy vì chẳng mấy khi được đụng đến. Chẳng mấy khi có người đến chữa bệnh, nhưng bác tôi cứ ngồi đấy ngủ gà, ngủ gật trong cái yên lặng của ban trưa. Ngoài kia, giữa nắng trưa tiếng gà eo óc gáy, màu nắng như đã chói chang trên những giây phơi quần áo, tiếng chó sủa vu vơ, gió vẫn rì rào qua khóm trúc, tất cả như chìm vào một nỗi buồn mông lung, khó tả.

Tôi lớn lên ở miền Nam, ăn bát cơm miền Nam, uống nước từ những cái giếng trong vắt sâu hun hút dưới lòng đá ong, những hình ảnh ấy đã gắn bó với tôi tự những ngày thơ ấu.

Mãi hơn hai mươi năm sau tôi mới có dịp trở lại quê nhà. Tôi đã đi qua miền Đông đất đỏ với những vườn cao su thẳng tắp, qua miền Trung với những bờ biển xanh, bãi cát trắng, rặng thùy dương trải ngút ngàn phô bày một giải giang sơn cẩm tú. Những núi đồi trùng trùng ẩn hiện trong màn sương, những căn nhà vắt vẻo lưng chừng núi, hình ảnh người dân quê lam lũ, chất phác, cam chịu một đời nghèo khổ dọc theo những dải đường của đất nước. Đêm trên đỉnh Hải Vân, gió lồng lộng như giao hòa giữa trời và đất, biển Thuận An với những chiếc thuyền câu giăng giăng ánh đèn như một hội hoa đăng.

ngnhung3-large-contentTôi đã vô vàn xúc động khi nhìn thấy những xóm làng của miền Bắc. Lũy tre xanh, chiếc cổng làng cũ kỹ, con đường lát gạch dẫn vào những nếp nhà ngói đỏ, con trâu nằm nhai thong thả bên đụn rơm khô, bếp nhà ai toả lên trời bàng bạc khói sương. Quê hương tôi đó, tuy nghèo khổ nhưng với tôi vẫn là những hình ảnh đậm đà trong tâm tưởng. Một ngày chớm thu, tôi đã trở về thăm ngôi mộ của thầy tôi nằm trong một nghĩa trang cạnh ven đê, trên đường về quê ngoại. Tôi nhớ đến thầy tôi mà ngậm ngùi cho một kiếp người, tro bụi lại trở về tro bụi, để thương cho mẹ tôi cả một đời vất vả, chật vật với những đứa con thơ. Nắm hương trên mộ đã tàn, chắc thầy tôi biết tôi trở về, một con bướm trắng cứ chập chờn bay trên vai tôi, rồi lại vờn vờn trên những bông cỏ may trong một chiều thu úa. Không ai có thể biết rằng, từ thế giới bên kia, thầy tôi lại không một lần trở về với tôi trong giấc chiêm bao, dù rất mù mờ và không rõ nét, nhưng qua đấy tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt của đấng sinh thành.

Mẹ tôi chết ở miền Nam, thầy tôi chết ở miền Bắc, không biết hai người có trùng phùng ở một miền nào đó nơi thế giới bên kia? Nơi mà tôi tin rằng, không có hận thù, đau khổ, thầy mẹ tôi sẽ có một bữa cơm hội ngộ, bát tương, quả cà, bát thịt kho đông trong những ngày giá lạnh.

Năm ấy, tôi đã có một thời gian được sống trong căn nhà thân yêu của thầy mẹ tôi. Vào mùa thu, những cơn mưa ngâu dầm dề như để chuyển tiếp một mùa hè nóng bỏng sang một mùa thu dịu dàng hơn. Tuy vậy, khi nhìn những cơn mưa đổ xuống ngày đêm, ai cũng lo có lụt lớn. Mà lụt thật, nước mênh mông khắp các ngả đường như sông rạch miền Nam, tràn vào nhà đến hơn nửa thước, mọi người phải đi lại trên bàn hay những tấm ván.

Chưa bao giờ tôi chán đến thế, suốt ngày quanh quẩn trên căn gác nhỏ, nghe những giọt mưa rào rào trên mái ngói cũ kỹ, khoảng sân xi măng lộ thiên trên gác ướt sũng. Bầu trời lúc nào cũng ảm đạm, tiếng mưa rơi, tiếng gió rít, tiếng rì rào của rặng sấu Tây sau vườn tạo nên một âm thanh áo não lòng người. Trên đường phố, người ta bơi thuyền như đi trên sông, người ta í ới gọi nhau chạy lụt, tạo nên một quang cảnh hoảng loạn và bi đát. Buổi chiều nhuốm một nỗi thê lương, nằm trong căn gác nhỏ tù túng, chưa bao giờ tôi nhớ miền Nam đến thế. Trong bóng tối nhập nhoạng của buổi hoàng hôn, đứa cháu tôi vừa hát bài "Giọt mưa thu", vừa gõ nhịp lên chiếc thùng sắt tây, trong nhà đã lên đèn, điện cúp, gió đã giựt đứt đường giây điện của nhà máy thủy điện Sơn Tây. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi hoàng hôn, thì lạ thay, một con bướm, tôi cứ ngỡ đấy là linh hồn của thầy tôi đang nương theo cánh bướm về thăm nhà. Tôi nhìn con bướm đậu gần chiếc ảnh gia đình treo trên vách, lòng bình yên một cách lạ lùng. Suốt đêm hôm ấy mọi người hầu như đều thắc thỏm chờ cơn bão tới, nhưng chỉ nghe tiếng mưa rơi rích rắc trên mái ngói và tiếng cành lá rì rào từ khoảng sân sau.

Đêm qua đi thật nặng nề trong sự chờ đợi của mọi người, sáng hôm sau nắng lên, trời quang mây tạnh, nước không lên mà có vẻ muốn rút, mọi người đều mừng rỡ. Mấy ngày sau nước rút, tôi lóp ngóp lội nước ra bến xe mua vé về Hà Nội, sau đó mua vé tàu về Nam. Đêm giã từ Hà Nội, cả nhà người anh tiễn ra ga Hàng Cỏ, chúng tôi lên tàu xuôi Nam, lòng ngậm ngùi vì biết khó có lần trở về thăm quê, khó có lần được nhìn thấy nấm mộ của thầy tôi. Khi hai chị em đã lên tàu, con tàu sắp sửa chuyển mình ra ngoài vùng ngoại ô, chị tôi chỉ lên bức vách của toa tầu, giọng thảng thốt: "Kìa, trời ơi, con bướm."

* * *

Không biết thầy mẹ tôi có nợ nần oan khiên gì với đất nước của tôi, dân vốn đã nghèo lại hay chia rẽ. Cha tôi qua đời vào thời kỳ đất nước chia hai, gia đình tan tác. Đến khi mẹ tôi chết, lại cũng là những năm "gạo châu củi quế", con cái đều nghèo, không đến nỗi bữa đói bữa no, nhưng đời sống thật là đạm bạc, lúc mẹ nằm xuống, không có gì để mang về bên kia thế giới.

Trước khi mẹ tôi qua đời độ một tháng, chị em tôi có về thăm mẹ. Mẹ tôi gầy lắm, không đi được nữa, căn bệnh già và mấy thứ thuốc bổ dưỡng Dân Tộc không làm bà khoẻ hơn, cứ từ từ xụm xuống rồi lưng cong lại, không đứng dậy được. Bây giờ tôi mới biết đó là chứng loãng xương của tuổi già, do lao lực nhiều năm tháng chồng chất lên trong đời mẹ tôi. Thời buổi ấy chỉ nghĩ đến cơm ngày hai bữa, đâu có ai chú ý đến sự săn sóc , bồi dưỡng cơ thể để sống lâu, sống khỏe như bây giờ.

Mẹ tôi tỉnh cho tới lúc chết, nằm trên giường nhưng vẫn nhắc cho heo ăn, gà ăn, thấy ngả bóng chiều lại nhắc cho gà lên chuồng, đem quần áo ngoài sân vào nhà vì sợ sương đêm, trời mưa nhắc hứng nước đầy lu hũ để dành uống. Không biết mẹ tôi lo chuyện đời làm chi cho cực thân, chẳng qua cái lòng của người mẹ lúc nào cũng băn khoăn lo cho con cháu từng ly, từng tý cho tới chết.

Những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh, mẹ tôi bảo chị em tôi khuân chiếc rương gỗ cũ kỹ, trong ấy có một số quần áo của mẹ tôi ít khi xỏ tay tới, và những đồ vật cùng hình ảnh mẹ tôi đã nhặt nhạnh được trong nhà rồi đem cất vào đấy. Trong số nhữnng đồ vật lặt vặt ấy, có chiếc khăn voan màu đen tôi mua cho mẹ đã lâu, mẹ tôi dùng nó để gói những món nho nhỏ khác, có cây thánh giá mạ vàng .ngnhung7-large-content Nhắc tới cây thập giá này tôi lại nhớ tới chị tôi, đó là món quà Giáng Sinh chị đi học xa, không về nhà được, nhưng vẫn gửi quà cho cô em bé bỏng, út a út ít của mình. Những món quà thời thơ ấu chỉ có một cái quạt nhựa xoè ra bằng bàn tay, một con búp bê rẻ tiền cũng chỉ độ gang tay, và cây thánh giá mạ vàng khoảng một tấc. Tôi dạo ấy còn bé, nên chỉ thích con búp bê bà chiếc quạt nhựa, không thiết gì đến cây thập giá mạ vàng kia, nhờ vậy mà nó mới còn đó, trong cái rương cũ kỹ của mẹ tôi.

Khi nhìn thấy cây thánh giá mạ vàng, trong tôi như sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, tình chị em khắn khít với nhau qua cây thánh giá mạ vàng vẫn còn kia. Mẹ tôi bảo tôi đưa cho bà cây thánh giá , kỷ niệm từ hồi tôi lên mười. Chúng tôi lớn dần lên, ra khỏi nhà, vứt lại cho mẹ tôi những món kỷ niệm nho nhỏ, mấy tấm ảnh cũ, mẹ tôi như "ông từ giữ đền", ngồi gom góp nhặt nhạnh những kỷ niệm của các con, thậm chí có khi là những lá thư của bạn bè gửi cho nhau thời đi học. Chúng tôi cứ phủi tay mà đi, hờ hững với tất cả kỷ niệm của dĩ vãng.

Thề rồi mẹ tôi nhắm mắt lìa đời vào đầu một mùa hè tháng Năm hoa phượng trổ. Khi chôn cất mẹ xong, chị em tôi ở lại vài ngày, vẫn hay hụt hẫng khi nhìn vào chiếc giường nhỏ của mẹ, chỗ mẹ nằm và tưởng như mẹ vẫn còn đó. Thế là hết một kiếp người. Đêm đầu tiên ngồi cầu kinh cho mẹ, có con bướm đêm bay vào nhà đậu trên bàn thờ, quấn quýt dưới ngọn đèn dầu leo lét. Tôi nói với chị tôi cầu nguyện cho mẹ đi bình yên, đừng quấn quýt cõi đời khổ đau tạm bợ này. Biết mẹ tôi thích nghe tôi hát, lúc ấy trong căn nhà miền quê giữa khu vườn đầy bóng cây âm u, thỉnh thoảng nghe tiếng chim kêu dưới mảnh trăng khuya vừa nhô lên trên nền trời đen thẫm, tôi đã nghẹn ngào hát bài "Lòng Mẹ" mà nước mắt tuôn ướt đầm mặt gối.

Tình cờ chị em tôi lục lọi trên chiếc kệ gỗ, mới mò ra hai chiếc áo cũ của mẹ tôi còn sót lại. Một chiếc áo cánh nâu bằng vải ngắn tay và chiếc áo dài soa Thái Lan màu cánh dán đã cũ, có khi chưa kịp giặt rồi mẹ tôi ốm nặng, xếp vào đấy rồi quên bẵng đi. Nhìn thấy hai chiếc áo cũ của mẹ còn bỏ lại, hai đứa con gái như bắt được vàng, khi mẹ tôi chết rồi tôi mới biết trân quý những gì của mẹ để lại dù nó rất tầm thường. Chị tôi lấy chiếc áo cánh nâu đã bạc cả hai vai, nhường cho tôi chiếc áo dài soa Thái Lan, lưng áo đầy chấm thâm kim vì có lẽ đã ướt mồ hôi của mẹ tôi, khi đi nhà thờ về bà cởi ra rồi treo lên đó.

Chiếc áo cánh màu nâu đã bạc hai bên vai, tấm thân gầy gò của mẹ như còn in lên lằn vải những nếp nhăn ở hai bên nách, túi áo còn đầy dấu kim băng mẹ tôi hay cẩn thận gài vì sợ rơi mấy đồng bạc lẻ, và xâu tràng hạt bằng đá. Chiếc áo dài cũng đã cũ, những đường chỉ luồn trên vạt áo cũng bạc màu thời gian. Theo năm tháng cuộc đời cái gì cũng tàn phai cả, chẳng giữ lại được gì. Hai chị em vùi mặt vào hai tấm áo cũ của mẹ, thút thít khóc.

Mẹ tôi về với cha tôi ở thế giới bên kia lâu rồi, lâu lắm rồi, chỉ còn để lại trần gian hai tấm áo cũ cho hai đứa con gái, mà mỗi đứa lại ở một phương trời cách biệt xa nhau nửa vòng trái đất. Tôi quên hỏi chị tôi về tấm áo cánh nâu của mẹ có còn không? Riêng tôi đi đâu cũng đem theo chiếc áo dài màu cánh dán đã thâm kim vì những giọt mồ hôi của mẹ trên lưng áo. Tôi có cắt cho người chị lớn một mảnh nhỏ, chị em chia nhau gia tài của mẹ, lòng vẫn bồi hồi thương nhớ.

* * *

 Vâng, chỉ thế thôi, bát tương, quả cà của mẹ tôi đã nuôi nổi lũ con thành người, người đàn bà quê mùa nhưng rất nhiều nghị lực đã cam chịu một đời vất vả để cho các con được vươn lên, thoát cảnh bần cùng và tối tăm của đời sống. Anh em tôi trôi nổi mỗi người một phương, dĩ vãng chỉ còn là những hình ảnh mịt mờ, nhưng dễ ai đã quên. Chỉ biết là mỗi lần nhớ đến cha mẹ, thì bát tương, quả cà vẫn là nỗi nhớ không nguôi trong lòng những đứa con lưu lạc. 

NGUYÊN NHUNG

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6699)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5866)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6925)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7332)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6345)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6062)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6621)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5424)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5284)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5583)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5523)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5565)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6020)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6814)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6827)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6168)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6098)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6264)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6450)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6905)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6569)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6950)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7020)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6809)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6429)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47141)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66978)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24941)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5981)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5978)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6292)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7011)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5520)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5765)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6378)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5649)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5462)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5924)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6407)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5472)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 6008)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6200)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6210)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8162)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7095)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6343)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8745)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7792)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7422)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7351)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu