GIÂY PHÚT TƯƠNG PHÙNG.
HẠNH-PHÚC
Cám Ơn Thượng Đế đã cho con có một giấc mơ thật hạnh phúc đêm qua,một giấc mơ đẹp mà con hằng ao ước mấy chục năm và con đã chờ đợi giây phút hạnh ngộ ngắn ngủi này từ lâu lắm …gần như suốt quảng đời thanh xuân của con . CON ĐÃ MƠ GẶP LẠI PHÚC –người con đã yêu,là con, chồng, cha trong gia đình bé nhỏ của con.
Phúc về bên tôi ,trong đêm qua, đứng cạnh đầu giường, vẫn gương mặt thân thương đó, dáng dấp như xưa –của những ngày đầu chúng tôi yêu nhau. Nhưng sao ánh mắt anh buồn và hình như ngấn lệ…Anh chẳng nói với tôi lời nào, chỉ nhìn tôi trong trìu mến, xót xa. Tôi cố vùng dậy, định ôm chầm lấy anh, tôi sẽ giữ chặt anh lại, xiết chặt anh trong vòng tay,tôi sẽ không để mất anh lần nữa…
Khoảng cách giữa vợ chồng mình lúc này sao rất gần, mà lại xa vậy Phúc? em đã bất lực… Phúc của em không hiện hữu trong thế giới này, có lẽ nơi anh ở là thế giới vô tận nào đó!
Tôi liếng thoắng kể mọi nỗi niềm chất chứa trong lòng tôi, mọi diễn biến trong gia đình bé nhỏ nhưng đầy bất hạnh của chúng tôi kể từ ngày anh từ giã bà mẹ già, người vợ trẻ và hai đứa con thơ để lên đường đi “Cải Tạo”.
Lúc ấy đôi vợ chồng trẻ chúng tôi còn chưa kịp nhận biết được hương vị tình yêu nó nồng nàn đến thế nào? chưa kịp thích ứng với một đời sống mới –đời sống vợ chồng-sự thích ứng với vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm chồng.Chúng mình chỉ thật sự là của nhau vỏn vẹn chỉ hai năm (1973-1975)
Những tưởng cuộc chia tay chỉ trong giai đoạn, nào ngờ chúng tôi mãi mãi mất nhau …
Mẹ anh, một góa phụ, nguyện thờ chồng, vui sống với đứa con trai độc nhất. Bà đã đặt biết bao kỳ vọng vào thằng con duy nhất của bà …vậy mà vì số phận nghiệt ngã, anh chẳng bao giờ về với Mẹ, chẳng có dịp trả hiếu cho Mẹ …anh đành lỗi đạo làm con .
Tôi, một cô giáo chỉ thích hợp với công việc gõ đầu trẻ, nhưng vì lý lịch tôi tận hàng thứ mười sáu! Nên tôi đành chia tay bục giảng,chia tay môi trường sư phạm trong ngỡ ngàng nuối tiếc …
Thất nghiệp, chồng vắng nhà, trên vai gánh nặng mẹ chồng, hai con nhỏ dại. Trong căn nhà nhỏ,nơi xóm nghèo lao động, hai người đàn bà một già, một trẻ, cố gắng chèo chống để tồn tại chờ ngày sum họp !
Khoảng tháng bảy năm 1977…
Tin dữ đưa về, anh chẳng bao giờ có dịp về lại nơi xóm nghèo, căn nhà nhỏ nơi có hai người đàn bà yêu thương đang mòn mỏi đợi chờ.
Gia đình tôi, một mái ấm xiêu vẹo thiếu nóc, hai góa phụ -một già,một trẻ-Tôi và mẹ cố xoay sở, học cách làm giá để có phương tiện mưu sinh, hằng ngày với những thùng nước tưới giá hai tay, biết bao gánh nặng thời gian đã làm oằn lưng người thiếu phụ trẻ -giờ tôi là một” bà lão” lưng còng, tóc bạc ,chỉ còn lại đôi mắt, vẫn giữ được tròng mắt màu nâu, mà ngày xưa bạn tôi hay khen là mắt nai.
Các con anh, hình ảnh người cha chưa đủ thời gian để in sâu trong tâm trí chúng, sẽ phai mờ theo thời gian.Tôi sợ điều này ...,khi chúng còn nhỏ ,tôi thường đem hình đám cưới của ba mẹ để chỉ cho con tôi –Ba các con _mong những hình ảnh về người cha xấu số sẽ khắc sâu tâm trí các con …không bao giờ phai.
Thấm thoát vậy mà đã gần bốn mươi năm chia ly-Bà Mẹ già đã chia tay tôi cách nay hai năm, khi mất bà vẫn mang theo nỗi lòng cô độc sang thế giới bên kia.Trước lúc đi xa, bà vẫn mong sẽ gặp lại đứa con trai duy nhất của bà nơi cõi Vĩnh Hằng.
Đêm qua là đêm Hạnh Phúc nhất của tôi từ ngày tôi xa Phúc-Cũng là lần đầu tiên tôi mơ thấy anh về…Giấc mơ tuy chưa trọn vẹn vì tôi chưa được nghe những lời yêu thương từ anh, tôi chưa được ôm anh để nghe những lời an ủi. Nhưng cảm giác hạnh phúc này sẽ theo tôi suốt những ngày còn lại của tuổi già .
Tôi vẫn sống trong đợi chờ,Thượng Đế sẽ ban ân –để Hạnh và Phúc lại được tương phùng, tuy chỉ là trong giấc chiêm bao!
Thương tặng bạn đồng môn Ngô –Quyền khóa 9 :LÊ THỊ HẠNH của tôi.
Xin gởi đến bạn đóa hồng đỏ thắm để tôn vinh tình yêu bất diệt của hai bạn Lê thị Hạnh –Lê hữu Phúc.
Khi nhận bài viết" GIÂY PHÚT TƯƠNG PHÙNG" của Chu Thúy Loan, Loan đã viết thay cho người bạn Lê thị Hạnh được tao ngộ trong giấc mơ với người chồng Lê Hữu Phúc người lính Việt Nam Cộng Hòa. Lòng tôi bồi hồi tưởng chừng như có giọt nước mắt. Thắm thoát đã 35 năm rồi tưởng chừng như mới ngày hôm qua. Sau 30 tháng 4, Lê Hữu Phúc và chúng tôi trình diện tại lò gốm Tam Hiệp, cùng lên trại 8 Phú Lợi và cùng chung đội 4, năm 1976 chúng tôi được chuyển về thành Ông Năm Hốc Môn, cùng đội 2 , T2, năm 1977 chúng tôi được đưa lên Kà Tum Tây Ninh và cùng T 4. Nơi đây những người lính, người con của Biên Hòa đã bỏ mạng không tung tích giữa rừng già Kà Tum trên đường trốn trại , có Lê Hữu Phúc, Nguyễn Nhứt Trác, Nguyễn văn Minh, Nguyễn văn Toàn, Nguyễn văn Kháp, Vũ Công Bình, Vũ Đình Ta...
Xin cho chúng tôi thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến các bạn, những người lính VNCH.
Xin cho chúng
tôi bằng sự trân trọng được ngưởng mộ người em đồng môn Ngô Quyền - Lê Thị Hạnh - một dạ
trung trinh thân gái một mình, hơn 35 năm chăm sóc mẹ chồng và nuôi
nấng hai con; trong đau thương và nghiệt ngả
Người Biên Hòa của tôi thế đó...
Anh Hát Bình Phương