3:01 CH
Thứ Hai
9
Tháng Mười Hai
2024

Cuồng phong trên Đất nước - Trần Ngươn Phiêu

07 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 14953)
Cuồng phong trên Đất nước

 Trở về đời sống dân sự, không bị ràng buộc trong sự giao tế như khi còn đảm nhận chức vụ trong chánh phủ, Triệu đã có được dịp gặp nhiều bạn cũ trong đó có Hồ Thái Bạch. Vì Bạch đã có một thời gian dài cư ngụ ở Nam Vang, có nhiều tiếp xúc với các nhân vật đến từ Bắc Việt hoặc các yếu nhân của Mặt trận Giải phóng miền Nam nên khi về Việt Nam, Bạch đã được giới an ninh theo dõi khiến Triệu ít khi tìm dịp tiếp xúc. Đã từng có dịp tham gia kháng chiến trong nhiều năm và đã chứng kiến những thành công cũng như những thất bại khi cuộc tranh đấu cho độc lập đất nước đã được giới lãnh đạo Hà Nội đưa vào chủ trương tranh đấu giai cấp của Cộng sản, Hồ Thái Bạch đã có nhiều ưu tư về tương lai đất nước.
 Bạch thích đưa Triệu cùng đi ăn ở những quán bình dân trong Đô thành, nhất là quán cơm gà Siu-Siu ở chợ An Đông vì món ăn ở đây hợp với khẩu vị của hai đứa. Là người từng sống ở Sài Gòn vào thời Pháp trở lại nên Triệu là một trong một số ít người biết lịch sử thành hình của cái quán cơm nhỏ nhưng có tiếng này. Khi quân đội Pháp tháp tùng theo chân quân đội Anh-Ấn trở lại tái chiếm Nam Bộ, việc tiếp tế cho dân chúng Sài Gòn là việc vô cùng khó khăn. Quân kháng chiến chủ trương phong tỏa Sài Gòn nên phần lớn thực phẩm chở đến Đô thành được thực hiện qua ngả Tây Ninh, Trảng Bàng. Hàng hóa, heo bò, gà vịt... được thu mua ở vùng biên giới Soai Riêng trên đất Cam Bốt. Các xe chuyên chở thường ghé đổ hàng xuống chợ An Đông. Những gà vịt yếu ớt không đủ sức chịu đựng việc chuyên chở để có thể bán trong các ngày sau thường được bán rẻ cho các bạn hàng quanh chợ. Trong số bạn hàng này có một người Tàu giỏi nghề nấu ăn có sáng kiến luộc hấp gà với gia vị đặc biệt, dùng nước luộc để nấu cơm và xào cơm với dầu mè. Món ăn bình dân và rẻ tiền này dùng với nước chấm xì dầu, mè và gừng đã giúp chủ nhân gầy dựng được sự nghiệp. Sau thời hiệp định Genève 1954 chợ An Đông đã được xây cất khang trang. Nhiều gia đình trong cuộc di cư từ Bắc vào đã góp công phát triển khu thị tứ này. Ông chủ quán người Tàu vẫn duy trì cái quán nhỏ của ông với nhãn hiệu Siu Siu. Để có ánh sáng ban đêm, ông điều đình để câu điện từ cửa hiệu Cẩm Lợi chuyên bán sỉ cau khô của vợ nhà chánh khách và văn hào danh tiếng Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam.
 Trong những lần gặp gỡ ở cái quán cơm bình dân này, nhắc đến những bước thăng trầm của Nguyễn Tường Tam và sau cùng là cái quyết định của nhà văn, lấy cái chết để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, Bạch đã cùng Triệu luận bàn về tương lai đất nước. Là người đã tích cực tham gia vào cuộc chiến trong một thời gian dài, kể từ những ngày đầu trong thời son trẻ, Bạch đã cho là đảng Cộng sản Việt Nam khi lấy quyết định đi theo con đường cách mạng độc tài vô sản đã đưa tương lai đất nước vào một ngõ cụt. Thời khởi đầu chống Pháp trở lại Việt Nam sau Đệ nhị Thế chiến, Hồ Chí Minh đã cố tình che dấu chủ trương Cộng sản và hô hào toàn dân đoàn kết chiến đấu trong một thể chế dân chủ cộng hòa. Cái khí thế sôi sục, bừng bừng cùng nhau đứng lên chống ngoại xâm đã làm nức lòng bao nhiêu thế hệ thanh niên. Dân quân miền Nam trong thời “thuốc súng kém, chân đi không mà giàu lòng vì nước...” đã vừa chiến đấu vừa náo nức theo dõi các diễn biến chánh trị của chánh phủ Hồ Chí Minh. Hình ảnh phái đoàn chánh phủ tham dự hội đàm Dalat do ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam hướng dẫn với các thành phần chuyên viên trí thức như Hoàng Xuân Hãn, luật gia Nguyễn Mạnh Tường... đã làm dân chúng miền Nam hãnh diện được những nhân vật thuộc nhiều xu hướng đại diện cho chánh phủ kháng chiến.
 Sau thời đất nước tạm thời chia đôi sau hiệp định Genève, đảng Cộng sản đã rập khuôn theo Trung Cộng, phát động chánh sách phá bỏ hoạt động Công thương, thực thi một cách mù quáng Cải cách Điền địa làm đảo lộn luân thường đạo lý của xã hội Việt, đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm làm thui chột phát triển văn hóa trong bao nhiêu thập niên. Cái khí thế toàn dân góp sức đấu tranh và xây dựng đất nước đã được đảng Cộng sản phá tan để chỉ còn họ được độc quyền thao túng. Hồ Thái Bạch qua nhiều năm tháng suy tư đã quyết định nên tìm cơ hội gây lại được một đồng thuận xây dựng đất nước theo chủ trương xã hội nhân bản. Bạch đã vô cùng phấn khởi cho biết khi còn sống ở Cam Bốt anh đã đọc được một bài viết của luật sư Trần Văn Tuyên đăng trên một tập san Bắc Phi. Bài viết bằng Pháp ngữ có tên “Vers un Socialism Humanitaire”, phát triển chủ trương xã hội nhân bản, xây dựng đất nước trên công bằng xã hội, khác với chủ trương độc tài vô sản sắt máu của Cộng sản. Hồ Thái Bạch tha thiết muốn Triệu tìm cách để cả hai cùng gặp luật sư Trần Văn Tuyên.
 Sau ngày Hiệp định Paris được công bố, Bạch rất bi quan, lo lắng cho những gì có thể xảy đến cho miền Nam. Những điều khoản bất lợi cho chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa là những điều hiển nhiên dễ trông thấy. Riêng đối với Triệu, theo những gì đã thâu thập được nhân cuộc viếng thăm Hoa Kỳ, việc quan trọng để Mỹ có thể chấm dứt liên hệ của họ đối với cuộc chiến Việt Nam là lấy được toàn bộ tù binh Mỹ đã bị Bắc Việt bắt. Hiệp định Paris đã giải quyết việc đó. Kissenger hầu như đã làm ngơ về việc chấp thuận để 160,000 quân chủ lực Bắc Việt đã xâm nhập lưu lại để đánh đổi việc tù binh?
 Chỉ vài tháng sau Hiệp ước Paris, vào tháng Sáu 1973, quốc hội Mỹ lại thông qua tu chính Fulbright-Aiken cấm Hoa Kỳ tài trợ trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động chiến đấu của quân Mỹ ở khắp Đông Dương. Như vậy là Mỹ sẽ không thể giúp gì về quân sự cho Việt Nam trong trường hợp Bắc Việt không còn tôn trọng hiệp ước Paris. Ngày 4 tháng Sáu, tu chính Case- Church lại thêm đòn ngăn chặn các việc tăng ngân khoản quân sự cho Đông Dương bắt đầu từ ngày 15 tháng Tám 1973! Các lời hứa hẹn trong các mật thư của Tổng thống Nixon gởi Tổng thống Thiệu để ép ký thỏa ước Paris như thế kể như không còn giá trị gì nữa!
 Trong hồi ký “No More Vietnams” (Arbor House, New York, 1985), Nixon đã thú nhận việc ông biết rõ: Ngay từ đầu tháng Hai, vài tuần sau ngày ngưng chiến 27-1-1973 theo Hiệp ước Paris, phi cơ thám sát Mỹ đã phát hiện một đoàn 175 quân xa Bắc Việt vượt qua vùng giới tuyến và 223 xe tăng đã tiến vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh! Ngoài ra viện trợ quân sự của Nga cho Bắc Việt đã gia tăng gấp bội sau chuyến thăm Bắc Việt của Victor Kulop, Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào dịp lễ Giáng sinh 1974.
 Trong khi đó, viện trợ cho quân lực miền Nam từ 2, 5 tỷ đô la trong năm 1973 bị giảm xuống còn 1, 4 trong tài khóa 1974. Năm 1975, viện trợ dự trù lại bị cắt xuống còn 700 triệu! Với việc tiền viện trợ bị cắt giảm, lại còn thêm việc OPEC gây nạn khủng hoảng tăng giá dầu lửa lên 400% khiến Không quân, Hải quân Việt Nam không còn đủ nhiên liệu để hoạt động như trước vì ngân khoản viện trợ không đáp ứng nổi để mua xăng dầu cho hoạt động quân sự như trước kia.
 Trong “Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam”, của Viện Lịch Sử Quân Đội Việt Nam, có đoạn: Từ tháng Giêng đến tháng Chín 1973, vật liệu tiếp viện vào Nam lên đến 140,000 tấn, gấp bốn lần năm 1972. Trên 100,000 binh sĩ và cán bộ... từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam!
Do vụ nghe lén do thám trụ sở đảng Dân Chủ ở Watergate, Tổng thống Nixon bắt buộc phải từ chức ngày 9 tháng Tám 1973. Bao nhiêu chuyện dồn dập không may kể trên đã báo trước nguy cơ sẽ xảy đến cho tiền đồ miền Nam.
Bộ chánh trị Hà Nội đã hồ hởi vì các diễn biến có lợi cho họ. Vào tháng Mười, họ đã lấy Nghị quyết 21 chủ yếu duy trì các cuộc tấn công không quy mô lớn để thử phản ứng của Mỹ. Ngày 6 tháng Mười Một, lực lượng Cộng sản lối một sư đoàn đã chiếm tỉnh Quảng Đức. Phía Hoa kỳ không có một phản ứng nào.
Trong mùa khô giữa 1973-1974, Bắc Việt tăng cường đưa gấp rút các dự trữ tiếp liệu, đạn được vào miền Nam. Đường ống dẫn dầu Bắc Nam từ Quảng Trị đến Lộc Ninh đã gần như hoàn thành.
 Tuy không còn vai trò gì trong chánh phủ nhưng Triệu vẫn còn nhiều tiếp xúc mật thiết với một số bạn bè còn giữ nhiều trách nhiệm. Theo dõi tình hình chiến sự ở Việt Nam và các diễn biến chánh trị ở Mỹ, Triệu đã vô cùng lo âu. Bỗng nhiên một hôm được Châu Kim Nhân, một bạn học từ Trung học Petrus Ký nay phụ trách bộ Tài Chánh cùng anh em thân tín đem ra bàn về một việc quan trọng: trong khi duyệt xét toàn bộ ngân sách Quốc phòng, Châu Kim Nhân nhận thấy tất cả phần lương bổng quân nhân đều do quỹ viện trợ đài thọ.
Ngân sách quốc gia không thể có khả năng gánh vác lương bổng cho một quân đội trên nửa triệu người. Với những biến chuyển trong dư luận Mỹ sau khi hiệp định Paris được ký kết mùa xuân 1973, quốc hội Mỹ đã có chiều hướng cắt giảm ngân sách yểm trợ Việt Nam. Nếu vì một lý do nào đó ngân sách bị đình trệ, lương bổng quân nhân không được trả thì hậu quả sẽ là một rối loạn khó giải quyết. Châu Kim Nhân thấy đã đến lúc phải dự trù một hình thức tổ chức quân lực để đối phó với tình huống có thể xảy ra. Giải pháp có được một quân lực tranh đấu lối “nhà nghèo” phải là một hình thức quân đội nhân dân. Theo kinh nghiệm quá khứ, ở miền Nam các bộ đội Hòa Hảo, Cao Đài đã chứng tỏ là những tổ chức tự túc, đã từng đương đầu hữu hiệu với bộ đội Cộng sản.
 Châu Kim Nhân đã kín đáo đi về Hậu Giang tiếp xúc, bàn luận với ông Lương Trọng Tường nhân sĩ lãnh đạo chánh trị Hào Hảo. Trong giới Hòa Hảo các điều khoản bất lợi của Hiệp định Paris cũng đã được những nhân vật có trách nhiệm đem ra thảo luận từ lâu để tìm cách đối phó nên các ý kiến của Châu Kim Nhân đã được bên Hòa Hảo hưởng ứng. Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh vùng IV cũng tán thành chủ trương của Châu Kim Nhân nên đã bắt đầu yểm trợ vũ khí cho tổ chức Hòa Hảo. Việc phối hợp giúp các cơ sở quân sự Hòa Hảo của tướng Nguyễn Khoa Nam đã được cơ quan quân sự Mỹ địa phương nhiệt liệt tán thành.
 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong thời gian này lại đang ở trong giai đoạn lo sợ bị đảo chánh vì các nguồn tin được loan truyền từ nhiều phía, nhất là của Cộng sản để tìm cách gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Khi được tin lực lượng Bảo An của Hòa Hảo nay được yểm trợ trang bị với cả sự tán thành của phía Mỹ, ông Thiệu đã ra lịnh cho bộ Tổng trưởng bộ Nội vụ ban hành quyết định ngày 12-12-1974, giải giới 50,000 dân vệ Hòa Hảo vùng châu thổ sông Cửu Long. Thỏa ước giữa tướng Nguyễn Khoa Nam và Hòa Hảo dĩ nhiên bị hủy bỏ.
 Ngày 29-1-1975, cuộc họp ở tư gia của Dân biểu Dương Minh Quang ở Long Xuyên cùng với các nhân vật Bảo An Hòa Hảo đã bị Cảnh sát giải tán. Tất cả đã bị Đại tá Nhan Văn Thiệt bắt giam ngoại trừ Dân biểu Quang!
 Hiệp định Paris cũng đã được các bạn tâm huyết trong nhóm của Hồ Thái Bạch và Triệu đem ra bàn luận ráo riết. Tất cả đều đồng ý là sau cuộc thất bại quân sự Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng như chánh phủ Cách mạng Lâm thời của Huỳnh Tấn Phát nay chỉ là những bóng mờ phụ thuộc. Quyền lực nay do Bắc Việt nắm giữ với sự hiện diện của hơn mười sư đoàn xâm nhập từ Bắc. Tuy nhiên có một điều khoản của Hiệp định có thể được khai thác để vớt vát tình hình: “Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc”. Tổng thống Thiệu đã tranh đấu để Kissenger thuyết phục Lê Đức Thọ chấp nhận danh xưng này thay thế cho “Chánh phủ Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc”.
 Một tập hợp như vậy hoặc một chánh phủ dưới hình thức ba thành phần nếu có cơ hội sớm được thành hình ở miền Nam, sẽ có nhiều triển vọng được Trung Cộng và các cường quốc Tây phương cùng các nước trong Thế giới Thứ Ba tán thành và hỗ trợ. Trên đất nước nay không còn sự hiện diện của một quân đội ngoại quốc nào. Bắc Việt sẽ không còn lý do để chống lại một thể chế có đường lối trung lập ở miền Nam. Đây là một cơ hội để hai miền có thể phát triển thi đua theo hai chủ trương: chủ trương Cộng sản và chủ trương Tự do Kinh tế Thị trường. Đây cũng là cơ hội để miền Nam có một thể chế để cân bằng với thể chế miền Bắc.
Hà Nội tuy đã đặt bút ký vào văn kiện thỏa ước nhưng họ vẫn biết trong thành phần Mặt trận Giải phóng vẫn có một số nhà ái quốc không tán thành chủ trương Cộng sản. Vì vậy Hà Nội không mặn mà về việc sớm thành hình điều khoản này của Hòa ước. Họ e sợ sẽ gặp những khó khăn chánh trị trong tương lai.
 Về phần chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, cũng có thành phần thấy đây cũng là một giải pháp đem lại hòa bình, tuy có thể tạm thời và không bền vững, cho miền Nam. Khi còn tham gia chánh phủ, Triệu đã có dịp luận bàn về giải pháp chánh trị này với nhân sĩ Trần Văn Ân và bác sĩ Phan Quang Đáng... Hình như Bác sĩ N. L.V. là người đã lãnh trách nhiệm thăm dò Tổng thống Thiệu về việc này nhưng ông Thiệu đã không tán thành? Tổng thống Thiệu vẫn khăng khăng với giải pháp “Bốn Không” vì ông tin tưởng ở việc có thể đương đầu với Bắc Việt nếu vẫn được Mỹ tiếp tục yểm trợ quân sự. Là người đang say mê quyền lực, ông Thiệu không chủ trương đến việc tìm kiếm một giải pháp chánh trị. Ông không nhận thức được việc dư luận Mỹ đang đến lúc nhất quyết chấm dứt các tốn kém ngân khoản cho cuộc chiến Việt Nam. Ông không ý thức được là kể từ 1972, khi Nixon đã được Châu Ân Lai và Mao Trạch Đông tiếp đón ở Bắc Kinh thì chánh sách toàn cầu của Mỹ đã chuẩn bị thay đổi. Từ chủ trương “Đối đầu và Bao vây Cộng sản” họ đã đổi sang “Thỏa hiệp để Cạnh tranh Kinh tế”. Trong hơn mười năm Mỹ hỗ trợ chiến tranh Việt Nam, các nước vùng Đông Nam Á đã mua được thời gian để phát triển thành những xứ có được nền kinh tế phồn thịnh và những thể chế dân chủ vững bền. Chủ thuyết “Domino” lo ngại cho các nước này có thể rơi vào vòng tay Cộng sản nay đã thành lỗi thời.
 Trong khi Bắc Việt tiếp tục đưa vũ khí, đạn dược, tiếp liệu vào dự trữ thêm ở miền Nam, họ cũng đã nắm bắt được tin tức các khó khăn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa về tiếp vận do ngân khoản viện trợ bị cắt giảm. Hà Nội dự trù sẽ phát động một cuộc tổng tấn công vào năm 1976. Thừa cơ hội tình hình chánh trị Hoa Kỳ đang bối rối vì ngày 9-8-1973 Nixon phải từ chức Tổng thống vì vụ Watergate, Hà Nội muốn thận trọng thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ bằng những cuộc tấn công không quy mô. Tướng Việt Cộng Trần Văn Trà đã ra Bắc, đề nghị chiến dịch tấn chiếm Phước Long. Trong năm 1973 Việt Cộng đã thành công đánh chiếm Quảng Đức nhưng đây chỉ là một tỉnh hẻo lánh, gần biên giới. Trái lại, nếu chiếm được Phước Long, đây sẽ là việc mở một hành lang chiến lược để đưa quân tiếp cận Sài Gòn cho các chiến dịch trù định trong tương lai. Hơn 8000 quân với chiến xa tham dự đã khởi sự tấn công Phước Long vào ngày 13-12-1974 và thị xã Phước Bình cũng như vùng Đồng Xoài. Các nơi này kể như đã bị thất thủ ngày 6 tháng Giêng 1975. Hà Nội hân hoan vì không thấy Hoa Kỳ có một phản ứng nào trong thời gian tiếp diễn chiến dịch.
 Bắc Việt thấy đã đến lúc có thể khởi sự lấn chiếm miền Nam vì về tương quan lực lượng, nay họ có nhiều ưu thế hơn. Tướng Văn Tiến Dũng được chỉ định thi hành kế hoạch này. Những cuộc điều động nghi binh của địch đã làm bộ Tham Mưu miền Nam tưởng lầm là Cộng sản sẽ tấn công vùng Tây Ninh nhưng ngày 9 tháng Ba, Ban Mê Thuột đã bị ba sư đoàn chủ lực Bắc Việt với chiến xa tấn công. Sau gần một tuần kháng cự, với một quân số chỉ hơn một trung đoàn, Ban Mê Thuột đã hoàn toàn bị chiếm đóng. Trong một cuộc họp tại Cam Ranh ngày 14 tháng Ba, Tổng thống Thiệu lấy quyết định rút bỏ Cao Nguyên để dồn quân về phòng thủ vùng duyên hải. Đây là một quyết định quá bất ngờ cho tất cả các đơn vị của Quân đoàn II ở Cao Nguyên.
 Nguyên là một quân nhân tốt nghiệp từ trường Vỏ bị Đà Lạt, không biết ông Thiệu có được cơ hội hay có thì giờ học hỏi, trao dồi thêm kiến thức quân sự khi các sách vở quân sử thế giới đều cho biết việc triệt thoái quân là một chiến dịch khó khăn nhất, một việc cần được chuẩn bị thật chu đáo mới mong được thành công? Lẽ tất nhiên khi ước lượng cán cân lực lượng quân sự, các đơn vị Cộng sản vùng Cao nguyên đã được xem là hơn gấp bội quân số miền Nam. Tuy nhiên nhu cầu tiếp liệu của Cộng sản nếu tạm thời lúc ấy đã được dự trữ đầy đủ nhưng tiếp liệu phải được vận chuyển từ Bắc vào. Theo sách lược quân sự cổ điển, việc phòng thủ khi sắp bị tấn công tốt nhất phải là tấn công để phòng ngự. Quân đoàn II có khả năng đối đầu để nếu có thất bại đi nữa, cũng sẽ bẻ gãy làm tiêu hao lực lượng địch. Sau đó địch sẽ phải cần có thời gian để bổ sung quân số và tiếp liệu mới có thể bố trí lại lực lượng. Không hiểu vì sao ông Thiệu lại ra lịnh đột ngột triệt thoái một số lớn quân nhân trên 60,000 người trên một khoản đường dài, eo hẹp, theo một lộ trình đã không được sử dụng trong nhiều năm nên đã được xem là bất khiển dụng, nhất là khi phải vận chuyển cơ giới? Đó là chưa kể thêm đến việc phải thiết lập cầu để vượt qua sông Ba!
 Cuộc chiến Ban Mê Thuột khởi diễn ngày 10-3-1975. Thị xã Pleiku đã bị pháo Cộng quân gây áp lực và các đơn vị đã bắt đấu chuẩn bị đối phó nếu bị địch tấn công. Ngày 14 tháng Ba, quyết định triệt thoái bỏ Cao nguyên của Tổng thống Thiệu trong buổi họp ở Cam Ranh đã được loan truyền nhanh chóng và làm náo động cả dân lẫn quân ở Pleiku. Con đường triệt thoái phải theo Liên Tỉnh lộ 7B qua ngả thị xã Hậu Bổn tỉnh Phú Bổn để về Phú Yên. Đây là một con lộ hẹp không được sử dụng và tu bổ từ lâu và phải vượt qua sông Ba. Công binh đã được lịnh gấp rút bắc cầu để cơ giới có thể vượt sông. Các tấm sắt được gỡ ở phi trường Phú Yên phải được trực thăng đưa đến đến thiết lập cầu.
 Chiều ngày 15-3 nhiều đơn vị ở Pleiku đã chuẩn bị và sáng 16-3 đã bắt đầu di chuyển. Đây là những toán khởi hành sớm nên đã đến được Hậu Bổn khá an toàn vì lúc này chiến cuộc Ban Mê Thuột còn đang tiếp diễn. Các sư đoàn 10, 316, 320 của Bắc Việt còn bị Trung đoàn 53 Bộ binh cầm chân ở Ban Mê Thuột nên chưa có thể chia quân truy đuổi. Nhưng các toán rời Pleiku này vẫn phải bị ùn tắc ở bờ Bắc sông Ba trong năm ngày vì đến 24-3 cầu mới được Công binh hoàn tất. Bao nhiêu dân chúng và quân nhân đã bỏ thây vì bị quân Cộng sản chận đánh, phục kích. Cả đến vị chỉ huy cuộc triệt thoái là Chuẩn tướng Phạm Duy Tất và binh sĩ cũng bị bắt, không qua được Hậu Bổn vì các đơn vị tiền quân của sư đoàn 320 Bắc Việt nay đã bắt đầu huy động đến chận dọc Liên tỉnh lộ 7B.
 Trong Mùa Hè Đỏ Lửa, “Đại lộ Kinh hoàng” đã được bao nhiêu lần nhắc đến vì đây là một đoạn của Quốc lộ 1, con đường huyết mạch, thời nào cũng được sử dụng hằng ngày. Việc thường dân và quân nhân bị sát hại trên khoản đường dài Liên Tỉnh lộ 7B nếu đem so sánh có thể còn hơn số người đã bỏ mạng trên Đại lộ Kinh hoàng. Con đường nhỏ hẹp nối liền Pleiku - Tuy Hòa này thường chỉ được người địa phương sử dụng nên ít được nhắc đến sau này. Nếu kể luôn các thiệt hại vì bị Cộng quân pháo kích hay tấn công khi phải rút lui từ Kontum về Pleiku và từ Pleiku đến bờ biển Tuy Hòa qua Liên tỉnh lộ 7B, hơn 15,000 binh sĩ và khoảng 100,000 thường dân đã bị thiệt hại. Con đường gian truân này đáng được nhớ như một “Con Đường Đầy Nước Mắt”, đánh dấu sự khởi đầu sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa!
 Quyết định vội vã, bất ngờ, thiếu chuẩn bị, đưa cả gần một quân đoàn rút bỏ khỏi Cao nguyên của Tổng thống Thiệu đã gây hoang mang cho thường dân và các đơn vị quân đội. Trong lúc đó Cộng sản lại phát động thêm nhiều tin tuyên truyền về một thỏa thuận mật giữa Mỹ, Bắc Việt, Mặt trận Giải phóng và Tổng thống Thiệu về việc phân chia phía Bắc vĩ tuyến 13 dành cho Chánh phủ cách mạng Lâm thời của Huỳnh Tấn Phát. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, Bắc Việt mở thêm cuộc tấn công vào các tỉnh miền Bắc Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Các chỉ thị tiền hậu bất nhất của ông Thiệu: lúc phải tử thủ Huế, lúc lại phải rút bỏ để giữ Đà Nẵng đã khiến Tướng Ngô Quang Trưởng và Lâm Quang Thi phải vô cùng bối rối trong các kế hoạch phối trí lực lượng. Các lịnh này lại đều được ông Thiệu chuyển thẳng đến Quân khu I, không qua các bàn thảo với bộ Tổng Tham Mưu của Đại tướng Cao Văn Viên!
Kết quả đau thương là trong vòng mười ngày, ba nơi này và cả các tỉnh Quân khu I đã lọt vào tay quân Bắc Việt. Cuối tháng 3 năm 1975, lãnh thổ miền Nam chỉ vỏn vẹn còn từ Nha Trang trở xuống!
 Nơi làm việc của Triệu, viện bào chế Roussel nằm ở đường Nguyễn Huệ. Trên con đường chánh giữa thủ đô Sài Gòn này còn có nhiều cơ sở doanh nghiệp quan trọng của ngoại quốc. Một trong những cơ sở này là Đồn điền Cao su Michelin. Đồn điền này có một diện tích rất rộng, nằm một phần trên đất Việt và phần kia trên đất Miên. Vùng này cũng là nơi Mặt trận Giải phóng và Cục R đặt cơ sở. Ở các doanh nghiệp này, mỗi chiều sau giờ làm việc nhân viên các văn phòng cũng như một vài phóng viên danh tiếng của giới truyền thông ngoại quốc thường có thông lệ gặp nhau trong các buổi tiệc nhỏ trước buổi ăn chiều. Những đồn đãi được loan truyền trong thành phố, những tin tức về Việt Cộng bên kia biên giới thường được trao đổi trong buổi trà dư tửu hậu này. Nhân viên trung cấp của các sứ quán cũng đến góp mặt ở nơi đây có lẽ để thâu lượm thêm tin tức. Có thể nơi đây cũng là nơi Việt Cộng lợi dụng để đưa ra những gì họ muốn nhắn gởi một cách bán chánh thức? Có một chiều, khi Triệu đến đây tham dự bỗng thấy không khí phòng họp sôi động khác thường vì sự hiện diện đông đủ các giới truyền thông ngoại quốc. Hỏi ra mới biết có tin giữa các ký giả Tây phương là họ được mời vào khu để dự một cuộc họp báo của Mặt Trận về việc “Mặt trận Giải phóng tuyên bố ly khai với miền Bắc”. Họ đến đây để biết hư thực vì thấy giới báo chí Mỹ và phóng viên Phạm Xuân Ẩn lại không biết gì về việc này. Những người Pháp ở đồn điền Michelin quả quyết là họ không được tin gì về việc sắp có cuộc “họp báo động trời” này. Lúc ấy mọi người đều nghĩ: tin này có thể chỉ là một tin vịt của CIA hay ai đó định thả ra một quả bóng thăm dò? (1)
 Chính ở nơi đây Triệu đã được tin Ban Mê Thuột bị ba sư đoàn Bắc Việt ồ ạt tấn công trước khi tin này được báo chí loan tải. Trong khi quân Bắc Việt đưa quân triển khai xâm chiếm miền Nam trước việc quân đội miền Nam hầu như tan rã vì hoang mang mất tinh thần chiến đấu, Triệu biết được tin tướng Văn Tiến Dũng đã đưa bộ bộ chỉ huy từ vùng B3 Cao nguyên về Lộc Ninh để chuẩn bị đánh Sài Gòn. Cả Lê Đức Thọ cũng sẽ từ Bắc vào Lộc Ninh để theo dõi điều động chiến dịch quyết liệt mới.
 Triệu đã gặp Hồ Thái Bạch và luật sư Trần Văn Tuyên để chia xẻ các tin tức này trong một buổi ăn tối ở nhà hàng Thanh Thế đường Tạ Thu Thâu. Hồ Thái Bạch là người rất ngưỡng mộ luật sư Tuyên vì có nhiều tương đồng quan điểm nên thường nhờ Triệu tổ chức các cuộc gặp gỡ. Luật sư Tuyên là người rất bận rộn vì các thảo luận đang sôi nổi ở Quốc Hội. Nhận đến ăn chiều ở một quán công cộng là một biệt lệ mà ông đã dành cho Triệu nhờ vị trí nhà hàng Thanh Thế rất gần Hạ viện. Luật sư Tuyên cũng như Bạch đều tỏ ra vô cùng bi quan trước các biến chuyển thời cuộc. Khi bàn đến việc bà Nguyễn Thị Bình đã phóng tin đồng ý thành lập một “Chánh phủ Liên Hiệp nhưng không có Thiệu” như một giải pháp cho tương lai chánh trị miền Nam, luật sư Trần Văn Tuyên đã đồng ý với Hồ Thái Bạch là bà Bình chỉ tung một tin hỏa mù cho giới truyền thông. Hà Nội đang chiến thắng quân sự và họ sẽ nhất định đưa cuộc chiến đến thắng lợi cuối cùng. Hồ Thái Bạch khuyên Triệu nên tìm cách ra ngoại quốc càng sớm càng tốt vì thời gian không còn nhiều để xoay trở. Trong ngoài cùng nhau hỗ trợ sẽ là chuyện nên dự tính cho tương lai.
 Bạch đã chọn món miền Nam cho buổi ăn chiều thân mật, chỉ có cá khô tộ và canh sún Bà Rịa. Luật sư Tuyên cho biết đây là lần đầu tiên được thưởng thức loại canh chua đặc biệt này. Ông cho biết có lẽ miền Nam chịu nhiều ảnh hưởng người Cao Miên nên rất thích món canh chua. Ông đã được nếm nhiều loại canh chua nhưng canh sún Bà Rịa quả thật có hương vị khác. Triệu đã cho luật sư Tuyên biết loại canh này còn được gọi là canh sún Vũng Tàu. Tiếng gọi là canh sún nhưng không nhất quyết phải nấu bằng sún. Khác biệt là do canh phải có tương bầm với đậu phộng rang mới có hương vị đặc biệt canh sún Bà Rịa. Khi buổi ăn gần tàn, ông chủ tiệm Thanh Thế đem thêm cho luật sư Tuyên một tô canh nóng bỏng. Chủ tiệm cho biết đã từng tiếp luật sư Tuyên nên biết luật sư có cái sở thích chấm dứt bữa ăn với một tô canh thật nóng.
 Trước khi từ giã, luật sư Tuyên mở cập da lấy ra quyển “How the steel was tempered” của tác giả Nga Nicolai Ostrovsky đưa trả cho Triệu. Ông nói: “Vì quá bận việc nên tôi mượn quyển này của anh Triệu khá lâu. Nay xin trả lại anh kẻo lại cứ quên như bấy lâu nay. Tôi đã có lần đọc sách này bằng tiếng Pháp. Tựa hình như là “Et l’acier fut trempé”. Bấy lâu nay nghe anh Bạch chủ trương là cuộc cách mạng Việt Nam đã bị đảng ông Hồ đưa trật đường rầy. Anh Bạch chủ trương phải làm lại cuộc cách mạng theo chiều hướng cách mạng xã hội nhân bản. Tôi đề nghị nếu anh Triệu có thì giờ nên viết lại sách với tựa “Và Thép đã được tôi luyện lại” hoặc tựa Pháp “Et l’acier fut retrempé”.
Đó là lần cuối cùng Triệu gặp mặt Hồ Thái Bạch và luật sư Trần Văn Tuyên.
Duy Thảo có lẽ còn lo lắng nhiều hơn Triệu khi theo dõi tình hình thời sự biến chuyển nhanh chóng. Duy Thảo cho biết trong những ngày gần đây, có một đồng nghiệp trẻ từ Pháp về đã đến gặp Duy Thảo mời nên cộng tác với “cách mạng” vì sẽ có những cuộc đổi thay trong nay mai. Duy Thảo đã khéo lựa lời từ chối. Vì vậy Duy Thảo hối thúc Triệu nên tìm cơ hội để xuất ngoại càng sớm càng tốt.
 Triệu cũng đã có những tiếp xúc về việc này và đã có được hứa hẹn sẽ được ghi vào danh sách chuẩn bị nếu cần phải di tản. Khi còn ở Pháp, trước khi tốt nghiệp Triệu được một quân y sĩ cao cấp đàn anh căn dặn: “Khi được chỉ định đáo nhậm một đơn vị, nhất là một chiến hạm, việc đầu tiên phải đến trình diện đơn vị trưởng là chuyện hiển nhiên. Sau đó đừng quên phải làm thân với anh sĩ quan hành chánh và anh đầu bếp chánh hoặc anh chiêu đãi viên phòng ăn sĩ quan. Anh sĩ quan hành chánh là người lo phát lương cho anh mỗi tháng và sếp nhà bếp cũng như chiêu đãi viên là những người lo thức ăn hằng ngày cho anh”. Nghe theo lời khuyên của đàn anh nhiều kinh nghiệm, Triệu lúc nào cũng tìm cơ hội giao hảo tiếp xúc với các nhân viên cấp thấp ở các đơn vị.
 Trong những ngày lui tới tiếp xúc lo việc xuất ngoại, một hôm Triệu gặp R.F. một công chức trung cấp ở tòa Đại sứ Mỹ đã có thời phụ giúp công việc với Triệu. R.F. cho Triệu biết: “Các ông lớn đang họp liên miên mỗi ngày về kế hoạch di tản. Tôi đề nghị bác sĩ nên tìm cơ hội đi ngay khi có dịp, không nên chần chờ đợi đến lúc họ bật đèn xanh vì biết đâu sẽ lại bị kẹt”.
 Vào một chiều thứ Sáu, R.F. gọi điện thoại cho Triệu. Anh cho hay: “8 giờ sáng hôm sau sẽ có xe đến đón gia đình Triệu ra phi trường. Nhân dịp có một phái đoàn y tế từ Mỹ sang để điều nghiên tình hình và họ đồng ý ghép gia đình Triệu vô danh sách phái đoàn để cùng xuất cảnh về Mỹ”. Duy Thảo vô cùng bối rối trước tin đột ngột này vì Duy Thảo phải chủ trì cuộc thi cuối năm cho sinh viên Đại học theo môn của Duy Thảo vào sáng thứ Hai. Duy Thảo đã tìm cách gặp đồng nghiệp cùng lo về cuộc thi nhưng không thể tiếp xúc được. Các sinh viên đã tốn công trong một năm học, không thể nào lại không có cuộc thi kết thúc kết quả năm học của các em. Duy Thảo lấy quyết định để Triệu đi trước vì còn phải chu toàn trách nhiệm đối với các đàn em sinh viên.
Triệu đưa Duy Thảo đến gặp R. ở một cao ốc đường Gia Long. R. là người đã cộng tác lâu năm với Triệu ở bộ Xã Hội. R. cho biết nếu có các biến chuyển cần phải di tản, anh đã được chỉ định sẽ ra đi vào đợt chót. Nếu không sắp xếp cho Duy Thảo được đi sớm, R. sẽ báo tin để Duy Thảo đến cao ốc của R. để có phương tiện rời Sài Gòn.
Sau một đêm dài không ngủ để sắp xếp, bàn luận với Duy Thảo về các tình huống có thể xảy ra trong tương lai theo các kinh nghiệm được đọc về những chuyện đã xảy ra khi Cộng sản chiếm đóng các nước Đông Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến, Duy Thảo đau buồn chuẩn bị một túi hành trang nhỏ chứa các vật dụng cần ích dành cho con gái năm tuổi sẽ ra đi với Triệu.
 Đúng 8 giờ sáng sớm, chiếc xe đón Triệu đã ngừng chờ trước ngõ. Triệu đốt nhang lên bàn thờ gia tiên và trên bàn thờ Phật, cung kính khấn lời từ giã. Do một sự tình cờ ngẫu nhiên, quyển kinh Kim Cang đặt trước bàn Phật đang mở đúng vào trang chót của Kinh với bài kệ cuối cùng của Đức Phật dạy:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Triệu và con ôm hôn quyến luyến từ giã Duy Thảo. Chiếc máy thâu thanh đặt ở phòng khách khởi đầu phát tin thời tiết trong ngày:

“Tin tức cho tàu chạy ven biển: Hôm nay gió mùa Đông Bắc thổi khá mạnh trên biển Nam Hải. Trời không nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rác. Biển động mạnh...”
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười 2015(Xem: 183702)
Quan trọng là luôn được sự yểm trợ và thương mến của quý Niên Trưởng, quý Huynh Trưởng và các hội đoàn người Việt hải ngoại
15 Tháng Mười 2024(Xem: 255)
Dòng văn nghệ vàng son của miền Nam lại phải ngả mũ chào thêm một cái tên lớn của âm nhạc ra đi, để lại một di sản vẫn vang lên từng ngày ở mọi nơi.
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 1268)
Chính âm thanh của cuộc sống sinh động ấy đã lắng đọng mãi trong ký ức của tôi, và đã cho tôi những hoài niệm đẹp của ngày xa xưa trên con đường THĐ - nơi tôi sinh ra và lớn lên.
23 Tháng Bảy 2024(Xem: 1278)
phải mang nỗi nhớ nhung ra kể với bạn về một phần đời của Sài Gòn năm cũ. Còn bạn, ký ức nào vẫn còn lưu giữ về một thành phố ngày xưa?
30 Tháng Năm 2024(Xem: 1560)
nhiệt tình của một ông thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt thầy với chân thành thương tiếc!
14 Tháng Tư 2024(Xem: 1304)
Nhưng tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc cuối tháng tư đau thương ấy. Tôi không bao giờ quên một khoảng đời đen tối ấy.
30 Tháng Ba 2024(Xem: 2018)
Dòng sông có tiếng hát đấy, tiếng hát trong im lặng, chỉ mình tôi nghe, và nó rất buồn.
11 Tháng Ba 2024(Xem: 2096)
Đôi khi trong cuộc đời làm thơ có những ngẫu hứng bất ngờ , thích thú như vậy. Câu chuyện trên với tôi là một kỷ niệm nho nhỏ
07 Tháng Ba 2024(Xem: 1861)
Chính vì những cảm nhận như thế nên mới có bài viết này để trân trọng tác giả đã nói lên được điều ấy.
04 Tháng Ba 2024(Xem: 1800)
Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ
02 Tháng Ba 2024(Xem: 1591)
Tất cả không vì một lợi nhuận nhỏ nhoi nào chỉ vì trái tim nồng nàn của người nhạc sỹ.
19 Tháng Hai 2024(Xem: 2208)
Tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam như thế. Có thể bạn sẽ hỏi: “Vì sao? Để làm gì?
03 Tháng Giêng 2024(Xem: 2359)
Cố thắp cho nhau một ngọn đèn. Để dù trong tăm tối ta còn được cháy trong lòng nhau
30 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2249)
So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2106)
Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và luôn cả Trần Bích Tiên nữa bình an
04 Tháng Mười 2023(Xem: 2411)
Thôi .. giờ bên nhau đã hết. Bầu trời vần vũ kêu mưa. Tạm biệt mầy..Hẹn ngày tái ngộ ...gần thôi.
05 Tháng Bảy 2023(Xem: 3004)
Throughout the day, we danced and sang songs that transported us back to those high school days
30 Tháng Sáu 2023(Xem: 4582)
Tôi cũng sẽ kể lại cho con tôi là tôi đã từng sống trong một nước Việt Nam Cộng Hòa văn minh và nhân bản như thế
14 Tháng Năm 2023(Xem: 3350)
chuyện của má tui. Những chuyện bình thường, lặt vặt mà sao với tui nó quý quá chừng
13 Tháng Năm 2023(Xem: 3187)
Lau xong nhìn rõ mình trong đó Thấy lại Mẹ hiền trong phút giây!
03 Tháng Năm 2023(Xem: 3003)
Cầu nguyện linh hồn anh An Bình nơi nước Chúa Nguyện ơn trên cho chị đủ sức mạnh để vượt qua tất cả
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2768)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ
03 Tháng Năm 2023(Xem: 2738)
Nếu người dân miền Nam hiểu biết về cộng sản Bắc Việt như người dân Ukraine hiểu biết về cộng sản Nga, lịch sử Việt Nam ngày nay (có thể) đã khác
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3102)
Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
19 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 3647)
Anh và những êm ái của tình yêu, dù cho tôi đã đáp lại một cách tệ hại thì cũng là mối tình rất đẹp.
02 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3924)
Anh nằm xuống ở một nghĩa trang buồn, xa xôi. Chỉ có loài chim thôi !! Hôm nay, ngày 2/11. Ngày lễ các linh hồn. Tôi cầu xin linh hồn anh được hưởng nhan Chúa Trời ! Đời Đời !
14 Tháng Chín 2022(Xem: 4303)
Nhân ngày sinh nhật, chúc Hạnh thật nhiều sức khỏe và hoạt động hăng say. Cám ơn Dậu và các cháu lúc nào cũng ủng hộ và tạo điều kiện cho Hạnh đến với các sinh hoạt của Biên Hòa.
14 Tháng Tám 2022(Xem: 4240)
Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khuớc từ,
04 Tháng Bảy 2022(Xem: 3762)
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn. Xin cảm ơn Nebraska, quê hương thứ hai yêu dấu
10 Tháng Sáu 2022(Xem: 4562)
đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả. Năm tháng đã qua ấy, tôi gọi tên là thanh xuân.
30 Tháng Năm 2022(Xem: 4903)
âm ỷ thốn vào đời sống, dai dẳng đeo theo mỗi khi trở mùa / viên đạn mang nỗi đau mất quê hương mất nguồn cội.
23 Tháng Tư 2022(Xem: 5170)
Và thấy ai đó đang khóc thầm nhớ tiếc những ngày vàng son, những ngày con người dù đau khổ, chết chóc những vẫn còn biết tử tế với nhau
03 Tháng Ba 2022(Xem: 5583)
tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
14 Tháng Hai 2022(Xem: 5274)
Nam không trách gì anh ta, cũng vì quá thương em gái, nếu như em gái của Nam gặp trường hợp này thì chắc Nam cũng sẽ làm như vậy.
09 Tháng Hai 2022(Xem: 5152)
Gửi đến Biên Hòa quê hương lời Chúc Mừng Năm Mới. Chúc các bà chị dâu vượt bao bệnh tật để vui cùng con cháu.
01 Tháng Hai 2022(Xem: 5002)
Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh
27 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5948)
Cám ơn Thầy Cô bạn bè đồng trường đồng lớp. Cám ơn những người bạn ở khắp thế giới đã chia sẻ vui buồn và trao đổi văn thơ.
13 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5701)
Bốn năm anh đã nằm xuống, 4 năm tôi để anh tại chùa nghe kinh. Bây giờ tôi phải để anh nhẹ nhàng thân xác.
08 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5760)
Thương quá ai ơi tôi không đủ chữ Giảng nghĩa dùm tôi cái chữ ân tình!
29 Tháng Tám 2021(Xem: 6733)
Hỡi các bạn đang còn sống, đừng bao giờ nghĩ mình có thể sống chung với bệnh dịch khi ta chưa có thể khắc chế được nó!
25 Tháng Bảy 2021(Xem: 6821)
Mong một ngày gần nhất mọi chiến sĩ chống giặc được về nhà. Người người sẽ trở lại với saigon còn tôi được về thăm quê hương
19 Tháng Bảy 2021(Xem: 6891)
lòng tôi rộn ràng vui như ngày tựu trường năm cũ, sắp được gặp lại các người thân yêu....
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6562)
Hôm nay nghe Mạnh đứng ra làm lại chiếc nhẫn khoá 25. Có lẽ là người sung sướng và hạnh phúc nhất là chính mình.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6103)
Người yêu ấy có phải là tôi không? Chỉ có anh trả lời được. Tiếc thay anh đã chết không thể trả lời.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 5974)
tôi phân vân quá, vì bạn tôi hôm qua gọi điện cho tôi nói "Mày có phước lắm, được ở gần chùa."
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6055)
Các bạn Muối men cho đời ơi! Các bạn đã thực hành lời Chúa thật dễ dàng và đẹp đẽ! Tôi xin thay mặt cho những người nhận quà hôm nay Cám ơn các bạn!.
03 Tháng Bảy 2021(Xem: 6172)
vì đã chịu lấy tôi, một người thua cuộc mất hết tất cả để rồi phải khổ, trong khi bao nhiêu người khác muốn cung phụng em.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 6712)
Chiếu đời mâm cỗ vinh nhục có phúc có phần, thời trẻ trai hay khi trai chẳng còn trẻ thì cũng thế thôi
29 Tháng Năm 2021(Xem: 6197)
“Ngày của Cha” sắp đến nơi rồi. Các bác trai hãy cùng tôi “nối vòng tay nhỏ” và làm ngày này là một ngày thiêng liêng không thua kém gì ngày “Mother’s Day.”