4:21 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Ngày xưa: Tôi về Tân Uyên - Nguyên Thảo

30 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 18090)

CỒN GÁO

Nhìn tấm hình Cồn Gáo năm xưa

Thơ thẩn lẩm nhẩm một mình

Cồn Gáo, Cồn Gáo

Chiếc cồn đơn côi giữa dòng sông Đồng êm ả

Lơ thơ mấy cội cây trơ gầy

Năm ba mái nhà nhỏ tiêu sơ

Các gia đình làm nghề hạ bạc

Mấy năm sau nơi quán La Plage

Nhìn ra Cồn Gáo

Chỉ còn trơ một mái nhà

Dưới bến sông một con thuyền nhỏ

Tiêu điều như bức tranh thủy mạc

Ngày cận 30 tháng tư đen tối

Buổi chiều tà nhìn ra Cồn Gáo

Cồn năm xưa tìm đâu thấy

Chỉ thấy lơ thơ mấy cụm lau già

Lá vàng úa phất phơ theo gió

Ánh nắng vàng hiu hắt hoang sơ

Thủy triều dâng cuốn mất cồn xưa

Thương hải biến vi tang điền là như thế

Nguyễn Nhơn



Ngày xưa: Tôi v Tân Uyên

Nguyên Thảo


(Kính tặng: Quý Thầy, Cô và bạn bè
Cùng tất cả những ai có quê hương là Tân-Uyên)

 

tanuyen1-large-content

 Người ta nói: Người già thường hay sống về những hoài niệm trong dĩ vãng. Tôi cũng vậy, bây giờ đã không còn sức lực bươn chải cho cuộc sống như ngày xưa, nên tôi có được nhiều thì giờ để ôn lại vài giai đoạn mình đã đi. Trước là để thỏa mãn với ký ức của chính mình; sau là vui cùng với vài người bạn. Những kỷ niệm ấy là những kỷ niệm của một thời khó quên!

tanuyen2-large-content

Có lần tôi đã kể: Tôi có dịp đến Tân-Uyên là tại vì tôi học dở. Điều ấy không phải sai đâu! Nếu tôi đậu vào được trường Trung-học Trịnh-Hoài-Đức để học, thì chưa chắc sau này tôi có dịp đến Tân-Uyên dù Tân-Uyên cũng chẳng là xa với làng quê tôi là bao, chỉ có mười mấy cây số thôi!

tanuyen3-large-content

An aerial view of the Tan Uyen Leper Colony on bright sunshine day immediately
N. across the Song Dong Nai river. (Oct 66)
(Photo courtesy Tommy Thornton)
 Tôi cũng như bao nhiêu đứa bé trong làng quê thuở ấy, mình được đi học chỉ mong vào học ở những trường công để khỏi phải đóng tiền, mà cha mẹ mình có thể cáng đáng nổi. Chính vì thế mà khi thi rớt xong, tôi chỉ mong ngồi học lớp Nhứt trở lại để năm sau thi tiếp. Tôi cùng với nhiều bạn bè đã phải xin chuyển ra Búng học ở trường Cộng-đồng Dẫn-Đạo mong kỳ thi vào Đệ-Thất năm sau được lọt vào học ở trường Trịnh-Hoài-Đức là trường công lập đầu tiên, cũng là trường duy nhất của Tỉnh Bình-Dương lúc bấy giờ. Đạp xe đạp đi xa mỗi ngày được khoảng hơn tháng trời để theo học lớp Tiếp-Liên tức là lớp cho những học sinh đã từng thi rớt, trong một chương trình cao hơn đối với một lớp bình thường, để kỳ thi tới hi vọng có được nhiều học sinh đạt được kết quả tốt.
tanuyen4-large-content
Nhưng bỗng một trưa ngày nọ, bạn bè không biết tụi nó bắt tin từ đâu cho hay có tin rằng: Ông Luật sư Trần-Văn-Trai, dân biểu Quốc-Hội của tỉnh muốn xin mở chi nhánh của trường Trung Học Trịnh-Hoài-Đức ở tại xã An-Mỹ và trường trung học tư của ông sẽ biến thành chi nhánh đó. Thế là tụi nó bàn đến cách bỏ học ở lớp tiếp liên nầy để về trường tư thục An-Mỹ học để cầu may! Nay nghỉ đứa nầy, mai nghỉ thêm vài đứa. Tôi cũng thấy bồn chồn nôn nao, một ngày tôi nói với ba tôi để xin ý kiến. Vì thương con ông cũng ráng cho tôi chuyển về trường An-Mỹ học lớp Đệ Thất, tất nhiên là phải đóng học phí mỗi tháng! Học trong niềm hi vọng của cầu may! Nhưng chưa! Cách vài tháng sau, tụi nó lại báo một tin khác: Trên Tân-Uyên mở một trường Trung học mới của tỉnh Phước-Thành mới thành lập, đang nhận đơn xin thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Tôi nghe nói vậy thì về nói với ba như vậy, chứ không thiết tha lắm và mình cũng còn chờ hi vọng trường tư thục của ông Trai biến thành trường công. Một ngày đi học về ba tôi cho hay là đã đi lên Tân-Uyên với tụi thằng Huệ, thằng Năm nộp đơn cho tôi rồi! Thế là tôi cũng chuẩn bị cho ngày đi thi.
tanuyen5-large-content
Ngày đi thi, bạn bè trường Tân-Khánh của chúng tôi cũng được khoảng mười mấy đứa. Hôm ấy, tôi theo chị Thay ở trọ nhà người quen của chị ở ngã ba Bình-Hóa trên trục quốc lộ 16. Nửa đêm nước sông lên cao tràn vô nền nhà, chúng tôi phải lội nước để đi ra bên ngoài. Sáng hôm sau, tôi và chị Thay, chị Mướp cùng cưỡi xe đạp qua cầu Rạch Tre lên trường Tiểu-học Uyên-Hưng dự khóa thi cùng với khoảng hơn trăm rưỡi thí sinh, đa số thuộc tỉnh Biên-Hòa. Họ cũng là những thí sinh đã bị rớt khi thi vào lớp Đệ-Thất của trường Trung-học Công-lập Ngô-Quyền ở Biên-Hòa.
tanuyen6-large-content
Trong khóa thi có nhiều người Bắc từ Hố-Nai, Tam-Hiệp cũng đến dự. Có hai trường hợp đặc biệt mà khiến tôi không thể quên trong kỳ thi đó là có chị nàng chắc người xứ Huế có tên thật dài của người hoàng tộc: “Công-Tằng Tôn-Nữ Mai-Hoa”; và một anh chàng đực rựa có tên thật là con gái “Ngô-Hạnh-Thi”, cho nên anh chàng được xếp ngồi thi chung với đám con gái. Chúng tôi nhìn thấy mà cứ tức cười. Anh chàng nầy cũng đậu và học trong vài tháng thì chuyển trường, không biết có được về trường Công-lập không, hay là bỏ học để về học trường tư cho thuận tiện hơn!
tanuyen7-large-content
Ngày nhập học, chúng tôi thuộc trường Tiểu-học Tân-Khánh cũ cũng được trên mười người của sĩ số lớp là sáu mươi lăm học sinh. Theo những danh sách trên sổ thì lớp nầy có nhiều nhân vật thuộc về “chúa sơn lâm”: Hổ, Beo, Cọp, Báo đều có đủ. Lớp được khai giảng tại trường Tiểu-học Uyên-Hưng, nằm bên hông trụ sở Quận Tân-Uyên và trên nổng cao bên kia là Chi Công-An. Quận Tân-Uyên lúc đó không lớn lắm. Dân chúng thường tập trung gần khu chợ và theo trục quốc lộ 16 tính từ cầu Rạch Tre cho lên gần đến dốc Bà Nghĩa.
tanuyen8-large-content
Khu chợ là khu đông dân, có nhiều nhà. Chợ Tân-Uyên đầu ngoài ngó ra quốc lộ là đầu chợ chính, nơi có bến xe, khu lồng chợ và khu chợ cá ở phía sau gần bờ sông. Ở bờ sông có bến đò mà người dân từ bên cù lao 6 xã qua sông đi chợ mua sắm, bờ bên kia là khu vực của một cái đình làng. Khu vực nầy được nhà văn Bình-Nguyên-Lộc diễn tả ở đoạn văn trong một tác phẩm nào đó của ông, mà tôi đã có dịp được xem qua đoạn văn ấy. Khu tập trung nhiều dân nhất của Quận Tân-Uyên là hai bên chợ có hai dãy phố buôn bán vật dụng, hàng hóa. Phía trong sau hai dãy phố đó là nhà dân; nhưng khu phía Đông Bắc từ chợ cho đến Quận là nhà cửa và người là nhiều hơn cả. Còn đối diện khu chợ, phía bên kia đường ngoài dọc đường là phố xá buôn bán, bên trong nhà cửa không nhiều nhưng rải rác trải ra cho đến bìa ruộng. Còn khu từ chợ về hướng cầu Rạch Tre hay từ trường học Uyên-Hưng về dốc Bà Nghĩa thì nhà cửa cũng chỉ lẻ tẻ ở hai bên đường xen lẫn với những vườn hay ruộng của cư dân.
tanuyen9-large-content

Ngày đến Tân-Uyên, ba chúng tôi có ý xin chùa cho chúng tôi ở tạm đi học, nhưng sau đó vì thấy chùa không có chỗ và khá bất tiện, đồng thời cũng nhờ vào dịp may gặp được bà út Nghệ đi chợ về ngang trú mưa khi mưa lớn. Sau khi biết, bà Út cho chúng tôi về ở trọ nhà của bà mà không lấy tiền, tất cả là 5 đứa gồm thằng Thạch, tôi, Son và hai anh em Long, Phụng. Nhưng vài ngày sau Son không ở trọ mà cưỡi xe đạp đi học và về với Huệ, Năm, Tộ, Lực và mấy người nữa mà tôi không nhớ rõ. Từ đó chúng tôi ở thường xuyên là 4 đứa và gắn liền với khu vực sân banh của xã Uyên-Hưng.
tanuyen10-large-content
Trường Trung-học Công-lập Phước-Thành ở Tân-Uyên là trường trung học đầu tiên, duy nhất của tỉnh mới thành lập bao gồm ba quận Tân-Uyên, Phú-Giáo và Hiếu-Liêm bao quanh khu vực chiến khu D lừng danh trong kháng chiến. Lớp Đệ-Thất mà chúng tôi đang theo học là lớp đầu tiên của trường mà Hiệu-Trưởng là người ở dưới Bộ Giáo-Dục đứng tên. Chúng tôi không nhớ rõ là (Đặng-Duy) Chiểu hay “cái gì Chiểu” đó! Thực ra trường được đặt tên của Hưng-Đạo Đại-Vương là “Trần-Quốc-Tuấn” với huy hiệu là ba cây, có ý nghĩa theo tục ngữ “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói lên ý nghĩa đoàn kết trong hoạt động cũng như học tập. Nhưng về sau người ta thường hay nói đến trường Trung-học Phước-Thành hơn là Trường Trung-học Trần-Quốc-Tuấn. Suốt mấy năm chúng tôi chỉ được thấy ông Hiệu-Trưởng một đôi lần. Người trực tiếp điều hành trường thuở đó là Ông Tổng-Giám-Thị Mã-Sấm (gốc Hiệu-Trưởng trường Tiểu-học Tân-Ba ở xã Tân-Ba) và hai vị Giáo-sư kiêm nhiều bộ môn là Thầy Trần-Văn-Khánh người Nam và Tạ-Kim-Anh người Bắc. Sang niên học sau (1960-1961) trường được 2 lớp Đệ-Thất và một lớp Đệ-Lục. Lúc nầy có vài học sinh từ Phú-Giáo phải xuống Tân-Uyên học vì trường Trung-học Công-lập của tỉnh ở Tân-Uyên chứ không là Phú-Giáo mặc dù Tỉnh lỵ Phước-Vĩnh ở ngay Quận lỵ Phú-Giáo.
Trong năm nầy tôi nhớ có vài sự kiện lớn mà chúng tôi đã tham dự hay chứng kiến. Sự kiện ông Quận-Trưởng Nguyễn-Văn-Lời bị giựt mìn tử nạn ở Cầu Đúc Hố Khởi thuộc xã Tân-Hóa-Khánh. Thi hài đưa về trụ sở quận, làm xôn xao, thương tiếc của người dân. Sự kiện thứ hai là đoàn công-voa chở học sinh, nhân viên, công chức, quân đội từ Tân-Uyên đi theo quốc lộ 16 qua các khu vực được coi là vùng chiến khu D (Bình-Cơ, Bình-Mỹ, Bố-Mua, Bố-Lá, Nhà Đỏ gì đó) cho đến Phước-Hòa rồi Phước-Vĩnh để dự lễ khánh thành Tỉnh-lỵ Phước-Vĩnh. Dọc đường tôi mới biết có các sở cao su của ông Nguyễn-Đình-Quát (sau nầy ông có ra ứng cử Tổng-Thống). Sự kiện thứ ba là về khu vực Khánh-Vân của xã Tân-Hóa-Khánh để tham dự lễ khánh thành Khu-Trù-Mật Khánh-Vân mà Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm đến dự lễ cắt băng khánh thành. Những sự kiện ấy tôi không nhớ theo thứ tự được vì lúc ấy còn nhỏ mà cũng không hề để ý đến chúng, nay chỉ ghi lại các sự kiện ấy cũng như là những kỷ niệm ôn lại của ký ức thời nhỏ mà thôi!
Chiến sự cứ tăng dần, đêm đêm nằm nghe đại bác từ những ụ pháo 105 của quận bắn đi, sau có pháo lớn hơn là 155 li. Những đoàn hành quân đến rồi đi; đi rồi lại về. Những người lính Nùng kho thịt hay cá rất mặn, họ nói đùa ăn như vậy chắc da chắc thịt đạn trúng không lủng; nói thế, chứ trước khi đi hành quân họ đốt từng bó nhang lớn trên đầu ngọn súng, khói bay mù mịt. Qua những tháng ác liệt số người Nùng giảm dần, đến trước 75 chỉ có vài người nổi bật mà tôi biết có ông Lý-Xìu-Cón hình như ra ứng cử Hội-Đồng Tỉnh Bình-Dương hay quốc hội gì đó thì phải? Thỉnh thoảng, bên kia sân banh Uyên-Hưng những vụ đốt xác, hỏa thiêu của lính bốc mùi khét lẹt, chúng tôi cũng đã quen với mùi ấy rồi!
tanuyen11-large-content
Tôi ở trọ nhà bà Út Nghệ được hơn hai năm, khi bắt đầu trưởng thành thì tôi đủ sức đạp xe đạp theo bạn bè, sáng đi trưa hay chiều về tùy theo buổi học. Trong khoảng hơn hai năm đó, khi thì sáng thứ hai tôi đón xe đò Bửu-Ánh hay xe đò của ông Tư Chon để lên Tân-Uyên, rồi khi về thì cưỡi xe đạp đi về với bạn. Vào những năm, các cầu bị đốt hay đường sá bị đào, đắp mô thì tôi phải cưỡi xe đạp vào trong Tân-Hội để đi với thằng Lực. Có nhiều hôm có trăng, tôi không biết giờ giấc, sợ trễ nên vào tới nhà thằng Lực lại rất sớm. Có khi tôi vào ngủ ở trong nhà của Ông Năm nằm trong khu vực công nhân của sở 49 từ hôm Chủ Nhật , rồi sáng hôm sau mới đi Tân-Uyên. Đường sá lúc ấy còn có nhiều vắng vẻ. Từ chợ Tân-Khánh qua dốc dài Hố Khởi thì có nhiều nhà, nhưng đến đường gò Cây Trắc thì vắng. Vào Tân-Hội, Tân Long thì nhà cửa rải rác, rồi qua ruộng, hai cầu vũng, cầu suối cái đến Tân-Long trong thưa thớt người. Sau đó đến những đoạn đường rừng và cao su, qua cầu Hố Cao lên dốc khá cao thì bên phía tay phải có sở cao su số 10, trong đó có trại cùi Bến-Sắn; bên trái có sở 49; nối tiếp là đoạn đường rừng vắng vẻ mà có những buổi sáng tôi phải đạp xe đạp chạy nhanh vì những con chim “bồ chao” hót inh ỏi như để hù cho tôi sợ. Ra đến cua (khúc quanh) Bình-Chánh tôi mới hoàn hồn vì đã có nhà dân. Tôi đạp tà tà để thả theo dốc dài và vào khu nhà Bình-Hóa để rồi ra tới ngã ba Bình-Hóa, qua cầu Rạch Tre lên Tân-Uyên.
tanuyen12-large-content
Nhưng trong thời chiến tranh cho nên đoạn đường cũng không đơn giản như vậy. Các cầu bị đốt, phá hư chúng tôi phải đi bộ qua những đà sắt lật ngang, vai vác xe đạp một cách khéo léo, nếu không sẽ bị rơi xuống hố, hay vũng nước. Và khi đoạn đường bộ từ sở 49 đến cua Bình-Chánh bị chắn bởi những cây sao cưa ngã chúng tôi phải len lỏi đạp xe băng qua sở cao su Bác-Vật rồi ra bìa sở 49 để đi về. Đối với tôi thuở ấy chỉ thỉnh thoảng đạp xe theo bạn vào đầu hay cuối tuần vì thời gian ấy tôi còn trọ ở nhà bà Út Nghệ để đi học.
Khi ở Tân-Uyên chúng tôi có khi được Bác Sáu con Bà Út dẫn đi theo vào sở Kẹc-Bay ở đầu trên dốc Bà Nghĩa để xem cạo mủ và những tiến trình chế biến mủ. Tôi cũng thử làm được đôi ba lần ở sở 49 lẫn Kẹc-Bay. Có một buổi chiều gần cuối năm, lúc đó, cao su bắt đầu rụng lá sở và công nhân nghỉ, Bác Sáu lại dẫn tôi và Long đi về hướng Tân-Hòa, Tân Tịch rồi đi vào một ngã ba. Tôi không nhớ là đi khoảng bao xa thì đến nhà quản lý của sở. Chúng tôi ngủ đêm ở đó. Bác Sáu đưa tôi và Long đi dạo quanh khu vực. Chiều dần xuống, hương rừng lành lạnh, bên kia bờ xóm, những chiếc xe bò vẫn còn chất vật liệu nhà cửa lên xe vì lúc ấy đang là thời kỳ dồn nhà dân vào ấp “dồn dân lập ấp” để mở đầu cho kế hoạch “ấp chiến lược”. Mãi sau nầy, vào năm 1999 khi tôi theo ông anh bạn dì lên điểm để thăm vườn cao su, nhãn của anh thì mới biết đó là khu vực được gọi là “Thường-Lang, Đất-Cuốc”. Nơi mà tiếng tăm của nó đã có trong lịch sử kháng chiến của vùng chiến khu D.
Tân Uyên là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên trong những năm đầu bậc trung học của tôi. Nó cũng là nơi mang lại bao nhiêu nỗi cảm hoài. Đó là cảm giác mát lạnh khi tôi bì bõm tập bơi, hay đắm mình giữa dòng nước sạch trong ở bến Ông Quận, bến Vườn Xoài, bến Cây Dầu, bến Cây Xanh, bến Cây Sung. Tại bến Cây Sung nầy chúng tôi đã chứng kiến xác Thầy Khuê và vài người khác trong lần đi công tác đã bị đơn vị thiết giáp bắn lầm. Ở đây tôi mới biết đến cây giá tỵ, cây bàng để cụ thể cho bài giảng văn “Nhặt lá bàng”.
Đi học xa, nhất là trong lứa tuổi nhỏ như tôi thuở ấy thường có những cảm xúc, chiều ngồi phía sau vườn nhà của bà Út, nhìn ra cánh đồng mông lung, sóng lúa nhấp nhô, mặt trời lần xuống bên kia ngọn đồi Bình-Hóa; những tia nắng cuối cùng vàng ửng phóng lên không trung, và tiếng ếch nhái cũng bắt đầu vang vọng, những ngọn đèn thấp thoáng đó đây, lòng trở nên buồn, nhớ nhà khôn tả. Thuở chúng tôi được học bài Kim văn “Nhớ Cố Hương” trích từ cuốn “Mây Ngàn” của ViTa, cái cảnh bên ngoài sao có nét diễn tả trong bài làm sao ấy khiến tôi cũng cảm thấy buồn và nhớ cố hương lây. Hay ngồi ở bến Cây Sung, nhìn khói bốc trên mặt nước của sông Đồng-Nai mà tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Thôi-Hiệu đã học: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu” mà Tản-Đà đã dịch “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sông cho buồn lòng ai”.
tanuyen13-large-content
Ở tại trường Trung-học Tân-Uyên có thể nói Thầy Trần-Văn-Khánh đã trang bị cho chúng tôi rất nhiều khả năng về văn. Xuyên suốt mấy năm chúng tôi được thường xuyên học dựa trên căn bản: “Những Lỗi Thông Thường Trong Thuật Viết Văn” của Nguyễn-Văn-Hầu và “Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu” của Dương-Quảng-Hàm. Có lẽ nhờ đó mà mặc dù tôi không có khiếu về văn chương, nhưng khi có cơ hội để viết lách, tôi đã không thấy vướng vấp hay khó khăn trong sự viết của mình. Về các bài hát tôi còn nhớ được bài “Hoài Thu” của Văn-Trí mà Thầy Ân đã dạy; Thầy Nguyễn-Thanh-Tuyền dạy Pháp-Văn, Sử-Địa với bài “Đón Xuân” của Phạm-Đình-Chương, Alouette và giọng harmonica của Thầy. Đến những năm sau tôi còn có Thầy Nguyễn-Văn-Thại dạy Pháp-Văn cũng là Hiệu-Trưởng của trường. Thầy Mai-Văn-Phú, Cô Mai-Thị-Hồng, Cô Trần-Kim-Vân, Thầy Xuân, Thầy Lịch, Thầy Thạc, Cô Hoan và một số Thầy dạy ở những lớp khác mà tôi không biết tên.
Từ cuối năm Đệ-Ngũ (lớp 8 sau nầy) số bạn bè đi học đạp xe đạp đi về khá nhiều, nên tôi không ở trọ ở trên Tân-Uyên nữa, mà theo tụi nó đạp xe đạp đi học mỗi ngày. Thủ-Đồng-Sứ (tên cũ của Tân-Uyên) bây giờ không gắn bó với tôi nhiều nữa, nhưng tôi thường đi ngang cánh đồng lúa trĩu bông, hay mênh mông sóng lúa của vùng Tân-Uyên mà thằng Huệ hay nói: Nghe nói: Ngày xưa cánh đồng nầy hoang vu có nhiều nai ra ăn, cho nên nhà văn Tô-Văn-Tuấn mới lấy bút hiệu cánh đồng (Bình-nguyên) nai (Lộc) thành ra Bình-Nguyên-Lộc. Sự việc ấy chưa có cơ hội để kiểm chứng, nhưng sự thực nhà văn Bình-Nguyên-Lộc đã có sinh quán là Tân-Uyên.
Chiến tranh càng ngày càng ác liệt hơn, làng xóm trong Tân-Long, Tân-Hội phải tản cư, dồn ấp và đường sá bị đứt, lẫn chiến trận dễ xảy ra ở các nơi đó, chúng tôi phải chuyển đường đi học. Bây giờ chúng tôi phải đi đường từ Tân-Khánh ra Cầu Xéo, Phước-Lộc, băng cánh đồng qua Khánh-Vân, rồi ra ngã ba Bình-Chánh, đi lên dốc đồi nhà cao cẳng (gọi như vậy vì nhà có gác cao, hai tầng cất cheo leo gần khoảng đỉnh đồi) qua Bình-Hóa mới tới cầu Rạch Tre và tới Tân-Uyên. Đường đi xa hơn nhưng tương đối an ninh. Chúng tôi phải vác xe qua những cầu khỉ, hay bằng một thân cây dầu xẻ đôi, có khi muốn thử tài cứ cưỡi xe thử xem sao, đương nhiên là trong tư thế chuẩn bị “bị té”. Nhưng cũng may trong chúng tôi chưa đứa nào “được té” như vậy. Trên đường đó, chúng tôi sợ nhứt là đoạn đường từ nhà cao cẳng cho đến ngã ba Bình-Hóa vì đoạn đường nầy thường hay bị “giựt mìn” và đụng độ hai bên ở đó. Nếu không may phải lọt giữa vòng thì cũng phải đành chịu thôi! Đi học mà cưỡi xe đạp trên đường bờ ruộng cũng có khá nhiều khéo léo và lanh mắt; tuy nhiên đi vào những mùa sương mù, hay lành lạnh, hoặc vào mùa gặt có những thích thú riêng của nó. Riêng tôi thích nhất vào khoảng tháng chín, tháng mười ta tức vào khoảng tháng 11 tây, tức là tháng có nhiều sương mù, lúa ngậm sương. Cảnh người đi chợ đi làm mờ mờ trong sương. Sương mù làm ướt mi, mặt mình nghe lành lạnh, ươn ướt mà gió thì hây hây. Mặt nước trong vũng gợn sóng lăn tăn. Cảm giác thật kỳ thú, khi mình đang đẩy xe qua cầu mà chiếc cầu dường như cũng đang trôi đi. 
Tôi đi xe đạp để đi học cùng với bạn bè suốt trong thời gian năm Đệ-Tứ (lớp 9 sau nầy). Có những lúc chúng tôi phải đi khác đường tùy theo tình hình an ninh và chiến sự. Có khi phải theo lộ mới qua Khánh-Vân; có khi phải ra Bình-Chuẩn về Nhà Thơ, ra Tân-Ba rồi mới lên Tân-Uyên. Cuối cùng rồi thì năm học cũng trôi qua. Mùa phượng vĩ năm ấy chúng tôi về Biên-Hòa để thi lấy bằng Trung-học Đệ-Nhất-Cấp, rồi với tấm bằng ấy chúng tôi lại chuyển đi những trường khác. Người thì về trường Ngô-Quyền (Biên-Hòa); Thạch, Lực về trường Trịnh-Hoài-Đức; còn tôi, Son, Huệ thì về trường An-Mỹ để rồi hai năm sau tôi và Huệ lại gặp Thạch, Lực ở trường Trịnh-Hoài-Đức, cùng nhau kết thúc bậc Trung-học để rồi mỗi đứa một đường, đi kiếm một cái nghề cho cuộc đời của chính mình. Tân-Uyên đã xa dần cũng như bạn bè hợp rồi lại tan! Cho đến giờ nầy không mấy đứa cùng trường cùng lớp lại có dịp gặp nhau!
tanuyen14-large-content

Riêng trường Phước-Thành bây giờ được mang tên H.V.N, hình như quê của ông ở Tân-Hòa hay Tân-Tịch gì đó; ông cũng là nhà thơ tác giả của hai câu thơ:
 
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”
Không biết là tôi có nhớ đúng nó hay không? Nhưng chắc chắn tác giả chính là H-V-N .Trường mang tên của ông ấy cũng là một điều hợp lý thôi!
Tân-Uyên quả là một thời của ký ức và kỷ niệm trong tôi! Mà kỷ niệm thời thơ ấu cũng thật khó mà phai, có phải vậy không cùng các vị?

(6/11/2011)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5748)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6805)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7226)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6276)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 5990)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6516)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5342)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5213)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5518)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5442)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5479)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 5953)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6734)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6740)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6082)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6029)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6179)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6374)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6819)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6494)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6893)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 6914)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6706)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6326)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47075)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66892)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24869)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5898)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5903)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6204)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 6952)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5469)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5691)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6316)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5564)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5371)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5843)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6317)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5416)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5900)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6122)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6128)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8063)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7013)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6253)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8640)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7725)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7329)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7310)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu
10 Tháng Tám 2019(Xem: 6522)
Tuy mỗi người đi mỗi đường nhưng sau gần năm mươi năm xa cách chúng tôi lại tìm đến nhau, mọi nghi ngờ đều được làm sáng tỏ