5:35 CH
Thứ Sáu
19
Tháng Tư
2024

XÓM NHỎ -Nguyễn Thị Thêm

30 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 10270)

 Ai cũng có một thời tuổi nhỏ. Khi bước vào tuổi xế chiều, nhìn con cháu ngây thơ vui đùa ta như thấy lại hình bóng mình trong đó. Tôi cũng vậy, mùa Xuân đã lấp ló bên những cụm hoa bắt đầu khoe sắc, tôi lại bâng khuâng nhớ thời mình còn bé. Biên Hòa quê hương tôi trái ngọt cây lành, những vườn trái cây đậm đà hương vị quê hương. Những vườn cao su Nam bộ dài mút tầm mắt. Kỷ niệm ngày nào về đầy ắp trong tôi.

Xóm Nhà Th.

 Tôi sinh ra và lớn lên trong một đồn điền Cao Su. Tên của nó là Sở Cao Su Bình Sơn (Plantation de terre rouge Bình Sơn), giáp ranh với Sở Ship và An Viễn. Ba tôi làm tài xế lái xe cho chủ sở. Căn nhà tôi ở chung dãy với những người cai, đội của đồn điền. Chủ sở gồm hai người Chủ Chánh và Chủ Phó ở hai căn biệt thự riêng rất đẹp trên đồi. Có bồi nấu ăn, có tài xế đưa đón, thỉnh thoảng thấy có bà đầm và mấy đứa con tây mắt xanh da trắng ra vào. Những người sếp (chef) Việt Nam, trưởng phòng, thư ký hay sếp máy tức là những người trực tiếp giúp chủ tây điều hành đồn điền thì ở riêng một khu vực. Nhà đẹp hơn, tiện nghi hơn và sang hơn gọi là xóm “Nhà Máy” hay xóm “Mấy Thầy”. Còn những người dân cạo mủ hay làm việc linh tinh thì ở những dãy nhà cách xóm tôi ở một con đường ngang. Nói chung những dãy nhà Tây xây dựng rất kiên cố, cứ hai nhà dính lại với nhau, có sân riêng cách nhau bởi một hàng rào. Hai dãy nhà đối diện ngăn cách nhau một con đường, xe vận tải có thể đi vào. Mỗi nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách và nhà bếp tương đối rộng rãi. Những căn nhà ấy trải qua hơn 70 năm, tới bây giờ người dân vẫn còn ở. Ở đầu mỗi dãy nhà là một phông tên nước được tráng xi măng một bờ bao đủ cho người dân lấy nước dùng hay đến giặt đồ, đôi khi tắm rửa. Đường mương bằng đá xanh xây kiên cố khá sâu và rộng để thoát nước và có những nhà cầu công cộng ở trên. Nước ở trên nhà máy mủ chảy xuống tống đi những dơ bẩn trên mương và chảy ra chân con suối cuối làng. Đầu con suối là một bể lọc nước thật lớn đem nước tiêu dùng cho dân chúng. Đầu làng, cách nhà tôi vài trăm mét là ngôi trường tiểu học xây kiên cố với một dãy 5 lớp học từ lớp vỡ lòng đến lớp nhì. Hàng năm đều có quan đốc học Tây đến kiểm tra. Mỗi độ hè, đều có phát thưởng và gửi học sinh ưu tú ra quận Long Thành lãnh thưởng. Mỗi ngày đều có xe đưa rước học sinh từ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) trở lên được chuyển ra học tại trường quận. Sát khu văn phòng chủ sở là khu vận tải với nhiều loại xe và thành phần thợ máy tay nghề cao. Đối diện văn phòng là nhà máy sơ chế mủ lấy từ lô cao su về. Con đường tráng nhựa dốc cao cho xe mủ chạy lên bốc dở, có văn phòng với máy đo chất lượng và số lượng mủ cao su mỗi xe. Dưới kia, đối diện nhà mấy thầy là nhà thương của sở, có phòng khám bệnh và những dãy giường nằm khá sạch sẽ. Định kỳ 3 hay 6 tháng có một bác sĩ người Pháp đến khám bệnh. Điều hành nhà thương là một y sĩ người Việt và một số y tá đã qua trường lớp. Những người dân bị bệnh nặng được chuyển về nhà thương Saint Paul ở Sài Gòn điều trị. Mọi phí tổn đều do chủ Tây thanh toán.

 Trở về cái xóm nhỏ của tôi. Nó có tên là Xóm Nhà Thờ. Nhà Nhờ nằm ở đầu xóm, chễm chệ trên một khu đất khá rộng. Có hang đá xây kiên cố, có chúa Hài đồng đẹp như thiên thần ngủ yên trong máng cỏ, bên cạnh những chú cừu con dễ thương bằng thạch cao. Nhà cha và nhà thầy Sáu ở cách nhà thờ một đoạn đường. Nhà Ông Trùm cách nhà tôi vài căn và con ông trùm là bạn thân của tôi. Đa số dân đồn điền là dân di cư và theo đạo Thiên Chúa mà xóm tôi lại là xóm Nhà Thờ, nên tụi tôi đứa nào cũng mặc nhiên theo đạo. Hàng ngày tôi theo nhóm bạn cùng lứa tuổi tới nhà ông trùm đọc kinh hay lên nhà thờ tập hát. Cha sở là một vị linh mục trẻ, đẹp trai và rất hiền. Tuổi thơ qua rất lâu mà tôi còn nhớ cha hay dẫn tụi tôi tới nhà cho ăn những bánh bích quy rất ngon. Còn mấy thầy Sáu thì vui lắm, rất cưng chiều tụi tôi, dạy hát và múa trắc. Trắc là hai thanh tre đánh vào nhau theo nhịp đi hay nhảy.

 Cùng dãy với nhà tôi là nhà Cậu Uẩn. Cậu dạy thêm chúng tôi học chữ, dạy múa trắc hay tập diễn hành rước kiệu. Cậu có rất nhiều tạp chí "Thế Giới Tự Do”. Mỗi khi đứa nào học giỏi Cậu phát cho một quyễn hay một cuốn truyện bằng tranh. Mỗi khi đến ngày Lễ Giáng Sinh tôi và con ông Trùm và thêm mấy đứa nữa được thay phiên nhau làm Thiên Thần hầu bên cạnh Chúa Hài Đồng. Bộ đầm trắng với đôi cánh xoè ra, thêm một vòng hoa trên đầu làm chúng tôi đẹp hẵn ra. Mỗi khi có người đến hôn chân Chúa chúng tôi lại bốc một bụm cốm trao tặng. Cốm được trang trí quanh máng cỏ biểu tượng cho tuyết đêm đông. Còn chúng tôi thì mặc sức ăn cốm. Niềm vui không phải vì yêu Chúa hay được theo đạo mà vì được ăn cốm thoả thuê và được làm Thiên Thần thật đẹp. Ông Trùm họ đạo nỗi tiếng là dữ và khó, hôm nào lên nhà thờ mà không nghiêm chỉnh, không thuộc kinh hoặc hát sai giọng là bị ông đánh đòn thật đau. Cả họ Đạo đều sợ ông Trùm há gì tụi tôi.

 Mỗi năm đều có những ngày lễ lớn tổ chức rất nghiêm chỉnh. Lễ Phục Sinh được tổ chức ba ngày. Ngày đầu tiên, ngoài đi lễ nhà Thờ thì còn có những con chiên mặc đồ giả dạng quân dữ đến từng nhà người dân theo đạo truy tìm tông tích Chúa. Có chiêng và phèng la đánh theo những bước chân. Quân Dữ đằng đằng sát khí vào từng nhà, làm bộ đi lục lọi khắp nơi rồi đi qua nhà khác. Ngày thứ nhì là ngày Chúa bị đóng đinh và chết trên thập tự giá. Từ nhà thờ tỏa ra hai đoàn rước kiệu chia hai hướng ngược nhau đi khắp ngả đường trong làng. Một đoàn rước hình tượng Chúa bị đóng đinh. Máu từ hai bàn tay tuôn ra ràn rụa. Một người giả làm Chúa vai vác Thập Tự đi từng bước khó khăn theo sau. Giáo dân một số giả làm quân dữ hò hét, mặc mày hung hăng, gươm giáo tua tủa. Một số đi cuối khóc cho sự thương khó của Đức Chúa. Đoàn thứ hai là rước tượng Đức Mẹ. Kiệu được trang trí bông hoa rất đẹp. Đi theo đoàn là các con chiên bộ mặt sầu thảm, ủ rũ, vừa đi vừa đọc kinh thỉnh thoảng lại hát những bài thánh ca. Hai đoàn rước kiệu gặp nhau ngay ngả tư đi về hướng nhà thờ. Sau một hồi chiêng trống, kiệu dừng lại và được đặt xuống. Người chủ Tế bên kiệu Đức Mẹ đọc lên bài văn tế thống thiết, ngân nga. Bài Tế nói lên nỗi lòng bi ai của Mẹ Maria thương con đang chịu cực hình. Sau đó là ông Trùm đọc bài tế nói về sự thương khó của Chúa và lời Chúa nhắn gữi cho Đức Mẹ và các con chiên. Buổi lễ diễn rất trang trọng, thống thiết, hòa đồng với lời cầu kinh của mọi người. Sau đó hai đoàn nhập lại một, tượng Đức Mẹ đi trước, tượng Đức Chúa đi sau, cùng đi về nhà thờ. Ngày thứ ba là ngày Chúa phục sinh. Đoàn rước kiệu khiêng tượng Đức Mẹ và Đức Chúa đi vòng trong làng trong nỗi mừng vui và hân hoan. Đoàn rước với cờ phướng ngợp trời, Con chiên kéo một đoàn dài với áo quần đủ màu sặc sỡ. Nhiều đoàn thể với đồng phục đẹp mắt. Mỗi đội hình biểu diễn hay cầm một biểu tượng riêng. Chúng tôi mặc đồng phục trắng, cổ mang khăn quàng, đánh trắc đi sau kiệu. Trắc đánh nhịp nhàng, đánh bên trái, đánh bên phải, giở một chân lên đánh ở dưới, rồi chân kia, rồi xoay một vòng xong đánh ba nhịp ở trên đầu. Tiếng trắc đồng loạt, điệu nhảy nhịp nhàng vui mắt. Ai cũng vui, cũng mừng Chúa đã sống lại. Buổi tối chúng tôi lại kéo nhau ra sân điểm để xem chiếu bóng do Sở mướn để phục vụ đồng bào. Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của họ đạo ở đây.

Xóm Chùa.

 Nếu cái xóm nhà thờ của tôi huyên náo nhất làng thì Xóm Chùa lại vắng vẻ, buồn hiu. Nó buồn vì nằm ở cuối làng, giáp ranh với những vùng đất hoang không khai phá. Nó lặng lẽ, hoang vu mà lại còn nhận những âm điệu cốc… cốc… cốc… boong! và tiếng tụng kinh trầm trầm của sư cô vang lên mỗi tối.

 Sở dĩ được gọi là Xóm Chùa vì ngôi chùa độc nhất nằm ở đây. Chùa không nằm trong phạm vi đồn điền mà nằm sát ranh với những ngôi nhà công nhân. Chùa ban đầu chỉ là một mái nhà tranh đơn sơ của một sư cô từ miền Tây về trụ trì để tuyên dương Phật Pháp. Tôi nhớ hôm ấy là một ngày thứ năm. Ngày thứ năm là ngày học sinh nghỉ học, nhưng phải lên trường làm ''cỏ ve''. Thật tình tôi cũng không biết viết thế nào cho đúng theo tiếng Pháp. Tôi chỉ nhớ từ cỏ ve là dùng để diễn tả học sinh đến trường làm vệ sinh. Dẫy cỏ xung quanh, quét dọn trường lớp và cứ làm theo lời thầy là được rồi. Ngày đó, chỉ có ông thầy giáo già dạy lớp nhì kiêm Hiệu trưởng là có mặt. Đôi khi thầy sai toán lớp Nhì lên nhà thầy làm cỏ hay quét dọn xung quanh nhà dưới sự sai khiến của bà thầy. Có khi thầy phân công một vài đứa dẫn con chó cưng của thầy đi dạo, lau chùi chiếc xe đạp láng coóng cho thầy. Cũng có lúc thầy sai đi mua đồ lặt vặt khi bà thầy không có ở nhà. Nghĩa là dưới sự điều động của thầy ngày thứ năm là ngày lao động công ích. Hôm đó thứ năm, thầy bảo: ''Mấy trò bên Giáo thì quét dọn chỗ này xong rồi về, mấy trò bên Lương theo thầy”. Thầy dẫn chúng tôi đi tới cuối làng và chỉ ngôi nhà tranh mới cất sơ sài nói đó là cái Chùa, rồi điều động chúng tôi làm cỏ, gom cây, lượm rác. Làm một hồi mệt thì có một sư cô bưng nước ra mời, buổi trưa được ăn cơm với tàu hủ và canh rau. Được 2 lần thứ năm đến chùa làm thì thầy ngưng không dẫn đi nữa. Dường như sau đó chế độ làm cỏ ve được bãi bỏ. Chỉ có những học sinh có lỗi mới lên trường ngày thứ năm để chấp hành lệnh phạt mà thôi. Tuy thầy không dẫn đi nữa, nhưng chị em tôi vẫn đến Chùa làm “công quả” như theo lời thầy dặn dò. Dần dần cuối tuần, thứ bảy chủ nhật chúng tôi cũng lên Chùa để giúp sư cô, để nghe sư cô thuyết pháp, để học kinh và để biết thế nào là quy y. Đương nhiên là má tôi mừng lắm khi tôi không còn vào nhà thờ học giáo lý mà chạy tuốt xuống cuối làng để tập ăn chay và niệm Phật. Từ Chùa về nhà tôi hơi xa, nhưng hôm nào cũng tụng kinh tối xong thì mẹ con mới đốt đèn bão lò mò dẫn nhau về. Mới đầu Sư Cô cũng tội lắm. Bị những người có Đạo quá khích không thích. Buổi sáng sớm hay chiều tối thường bị quăng những rác hay đồ dơ bẩn vào chùa. Có hôm họ quăng cả phân vào trong Chánh Điện. Sư Cô chỉ biết dọn dẹp và niệm Phật. Phá hoài không thấy động tỉnh, họ cũng thôi. Thật ra tuổi còn nhỏ tôi cũng không biết gì về Phật Pháp. Điểm chính là vui, có bạn mới, có em trai đi chung, có sư cô thiệt là hiền thương yêu và có một nếp sống khác hơn hồi trước tới giờ. Chúng tôi được Sư Cô dạy học chữ, tập tụng kinh. Mỗi đứa được Sư Cô cho một bộ đồ lam rộng thùng thình, một cái áo tràng vàng mỗi khi làm lễ. Chúng tôi học kinh như học bài thuộc lòng ở trường. Kinh thiệt là khó vì không hiểu gì hết, đọc lộn xộn câu trước câu sau tùm lum. Cuối cùng mỗi ngày học một đoạn và đứa này truy bài đứa kia. Sau khi kiểm tra thấy chúng tôi đã thuộc kinh Đại Bi Chú thì sư cô cho chúng tôi quy y. Tôi có pháp danh Kim Ngộ. Em tôi- Thông- pháp danh Kim Ngô, và bạn em tôi –Cu Tí- con Dì Sáu gần nhà pháp danh Kim Thạnh. Không biết Sư cô theo tông phái nào. Chỉ biết khoảng 15 tuổi trở xuống pháp danh bắt đầu bằng Kim (thí dụ Kim Ngô, Kim Thạnh, Kim Đô…), lớn hơn bắt đầu bằng Mỹ. (thí dụ Mỹ Hiền, Mỹ Châu…) Già cở 40 trở lên, Nữ bắt đầu bằng Diệu( Thí dụ Diệu Quý, Diệu Hiền…). Nam bắt đầu bằng Thiện ( Thí dụ Thiện Thọ, Thiện Khải…). Sư cô đẹp và giỏi lắm. Biết đánh máy chữ, biết chích thuốc, biết thêu, may và đương nhiên rất giỏi về kinh sách Phật. Sau này má tôi cúng dường một Đại hồng Chung. Cho nên trên xóm nhà thờ có chuông rung Đính Đoong, Đính Đoong, thì Xóm Chùa cũng vang lên Tùng Tùng Tùng. Boong, Boong, Boong… làm vui làng vui xóm. Chuông nhà thờ thường rung lên buổi chiều để công nhân đi lễ nhà thờ sau một ngày làm việc. Chủ nhật hay những ngày có lễ thì chuông mới rung buổi sáng. Riêng Chùa thì trái lại. Sáng sớm Sư Cô dậy công quả, hồi chuông đánh thức công nhân dậy nấu cơm, trước tiếng kẻng của dượng Bảy gát dan độ chừng 10 phút. Buổi tối, tiếng chuông Chùa lại vang lên báo hiệu giờ Sư Cô công phu khuya. Đều đặn không chểnh mãng như tánh tình điềm đạm từ ái của người khoác áo nâu sòng. Lúc đầu, tới Chùa mà chưa quy y, tôi cũng phá lắm. Mấy đứa bạn có Đạo xúi gì tôi cũng làm. Ngày rằm hay lễ lớn, tôi là người lén canh Sư Cô để tụi nó lẽn vào bàn cúng ngoài trời rinh hết trái cây đem đi. Mấy nhà bên lương cúng cô hồn vào rằm tháng giêng, tháng 7 hay tháng 10 thì xóm nhà thờ chúng tôi là nhóm giựt đồ cúng giỏi nhất. Sau khi đứng quan sát mọi phía, mấy anh phân công: ''Con Chín hể mà người ta la Giựt thì chạy lại bưng liền dĩa trái cây. Con Thành chụp liền mấy khúc mía, thằng Mười nhỏ đứng ngoài giữ đồ, còn lại để mấy anh”. Đôi khi giựt xong đi về nhà, mấy anh tôi mình mẫy chèm nhẹp vì cháo, chè cúng cô hồn đổ đầy người. Người mình có quan niệm cúng cô hồn mà có nhiều người giựt và lấy hết thì năm đó làm ăn khấm khá, cô hồn đã ăn rồi sẽ không khuấy phá mình. Tuy nhiên sau khi quy y và bị quỳ hương vài ba bận tánh tôi thuần lại, ra vẽ con gái hơn và biết cản không cho tụi nó làm ''quỷ phá nhà chay” ở chùa nữa.

 Chùa nghèo, mái tranh, phên tre nền đất, lại là khu vực mới khai hoang nên rất nhiều kiến, mối và đủ thứ côn trùng. Buổi tối cúng Phật, đốt đèn măng xông thì mối cánh bay vào tìm ánh sáng. Dù có đóng cửa chúng cũng vào.Mối bay vào đèn vởn vơ một hồi thì té xuống, cánh rụng đầy chiếu, còn thân mối trụi lũi bò lổm nhổm. Mùa An cư kiết hạ, Sư cô vào tịnh thất 1 tháng không ra ngoài. Kiến đen kéo từng đàn và phòng. Sư cô tịnh khẩu, chỉ liên lạc bên ngoài bằng viết giấy. Phật tử muốn rải thuốc chận đường kiến đi. Sư cô không cho bảo “Không được sát sanh”. Khi sư cô ra Hạ người gầy nhom, thân thể nổi u nổi nần vì kiến cắn và không tắm rửa, thấy thật thương. Tôi và em Thông thường khi tan học về nhà, ăn cơm xong là ôm vở lên chùa. Tôi thích lên Chánh Điện, chui dưới bàn thờ Phật để học bài và để ngủ. Nơi đó tương đối rộng, giống như một cái hầm nhỏ thật yên tịnh. Lúc đó trong đầu óc non nớt cứ đinh ninh mình chui dưới chân Phật để học thì sẽ thông minh, mau thuộc bài hơn. Cu Tí cùng trang lứa với Thông, từ nhỏ đã không ăn thịt. Lỡ ăn trứng thịt cá là bị ói. Từ ngày Sư Cô về lập Chùa Cu Tí quy y, sau đó xuất gia và trở thành chú Tiểu với pháp danh Kim Thạnh. Chú Kim Thạnh được sư cô cạo đầu chừa 3 vá rất tức cười. Chú lùn và hơi mập, bụ bẫm như trong tranh vẽ. Dù đã xuất gia, nhưng tính con nít vẫn còn, chú theo tụi tôi phá cũng khỏi chê. Mặc dù Sư cô rất thương yêu chú. Coi như con ruột nhưng chú vẫn bị quản lý nghiêm nhặt và bị phạt quỳ hương thường xuyên. Một lần Sư Cô nhập Hạ, chú nói cười lớn tiếng, chạy lên trên Chánh Điện để chơi ú tìm với tụi tôi. Sư Cô viết giấy ra. Bắt tụi tôi quỳ một cây nhang, chú Kim Thạnh hai cây. Thế là cả bọn đành quỳ hương chịu tội. Vốn tin Phật, nhất là có hai ông Hộ Pháp mặt mày dễ sợ đứng trước Chùa, nên không đứa nào dám ăn gian. Đến cây thứ nhì của chú Kim Thạnh, hai chị em tôi làm bộ nóng nực dùng quạt tre quạt cho nhang cháy nhanh, mau hết. Vậy đó tuổi thơ như tấm giấy trắng dễ thương nguệch ngoạc chữ viết học trò. Tôi và em tôi lớn lên với niềm vui Phật Pháp. Trong làng, mỗi khi có người chết hay đau ốm bệnh hoạn là Sư cô dẫn Phật Tử đi đến tận nhà tụng kinh, cầu nguyện. Càng ngày ngôi Chùa càng có nhiều Phật Tử đến quy y. Những người bên Lương có nơi gửi gấm tâm linh nên cũng hòa nhã với nhau hơn. Ngôi Chùa cũng được sửa sang tươm tất, ấm cúng và trồng nhiều cây trái xum xuê. Ổi Xá Lị đã cho những trái to mọng, ngon lành, Mấy cây mãng cầu dai, mãng cầu xiêm trĩu nặng những quả. Chùa có thêm hai chú Tiểu xuất gia và Phật Tử càng ngày càng đông. Chúng tôi và chú Kim Thạnh cũng lớn lên theo ngày tháng. Tôi như con chim được chắp cánh bay xa. Bỏ lại khu vườn tâm linh một bên để vùi đầu vào đèn sách. Chú Kim Thạnh không còn bị cạo đầu 3 vá, chú được Sư Cô nhận làm con và đích thân nuôi dưỡng. Chú được đi học những lớp Phật học trên Thành Phố. Trong tình trạng chiến tranh, mọi thứ đều thay đổi, đều diễn biến ngoài sự tưởng tượng của tôi. Ngôi chùa bỏ hoang phế, Sư cô lên Thủ Đức cất một ngôi chùa khác trên một mãnh đất Phật Tử cúng dường. Khi má tôi bệnh nặng, lời dặn dò cuối cùng là khi bà nằm xuống mọi thứ đều phải làm đơn sơ. Hãy mua một áo quan rẻ tiền để má đi thanh thản không vác nặng quan tài. Hãy thiêu má và không được giết bất cứ con vật nào để làm đám ma. Hãy cúng cơm chay và nhất là phải mời cho được thầy Kim Thạnh về tụng kinh siêu độ cho má. Má không muốn nghe mấy ông thầy tụng gõ lốc cốc tụng kinh kiếm tiền để nhậu. Khi má tôi mất, chúng tôi đã làm đúng những gì má tôi trăn trối. Thầy Kim Thạnh lúc đó đã là một Đại đức. Thầy cùng chư tăng về lo cho má tôi chu đáo. Sau khi tôi xuất ngoại, thầy đã nhận ba tôi làm Bá phụ. Thầy rước ba tôi về chùa, ông đã xuống tóc quy y sống cuối cuộc đời với câu kinh tiếng kệ. Khi ông nằm xuống được chôn trong một cái tháp nhỏ nằm trong khuôn viên chùa, gần cái tháp của Sư Cô bổn sư của tôi. Bây giờ ngồi đây, những kỷ niệm thời thơ ấu tràn về đầy ắp. Tôi như thấy lại cái xóm Chùa ngày xưa với tiếng trống, tiếng Đại hồng Chung vang lên rộn rã. Và tôi con bé cắt tóc bum bê nắm tay em tung tăng chạy nhảy trong khuôn viên chùa. Ngôi chùa đầu đời đã gieo cho tôi những hạt giống từ ái, vị tha và niềm tin Phật pháp.

Xóm Đình.

 Tôi thật yêu Xóm Nhà Thờ, thích về Xóm Chùa nhưng Xóm Đình thì tôi sợ. Bà cô Bảy tôi ở Xóm Đình, nhà có thật nhiều ổi và bưởi mà tôi ít dám về thăm. Má tôi lâu lâu lại dẫn tôi xuống xóm đình để: ''Chích lễ”. Chẳng là kế nhà Bà Bảy tôi là nhà bà Hai Mão, bà chuyên môn chích lễ con nít. Nếu bị nóng sốt, ho hay khó ở là má tôi lại đem xuống chích lễ rồi mua thuốc Tiêu Ban Thối Nhiệt Tán cho uống. Bà dùng kim may chích ở đầu ngón tay nghe rõ tiếng “tách” rồi nặn máu ra. Hết 10 ngón, bà lật áo chích ở lưng, rồi tới đầu và cuối chân mày. Bà dùng một miếng giẻ đã cũ chùi máu xong bôi dầu cù là lên chỗ chích. Người lớn bệnh thì bà lấy ra một miếng miểng chén, dùng dao đập cho mẻ ra. Lựa miếng thật sắc bà cắt trên da rồi hút máu bằng mấy cái hủ bầu bầu. Bà đốt giấy thả vào hủ cho cháy một chút rồi úp lên chổ cắt. Hủ bị đốt hết không khí hút chặt vào da, máu từ vết cắt chảy ra, đôi khi đặc lại trong hủ. Má tôi gọi đó là bầu giác. Bà bán thuốc tán cho đủ thứ bệnh. Em Thông và tôi sợ thuốc tán lắm vì nó làm bằng bột, hôi và rất khó uống. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, nằm trùm mền ngủ một giấc. Thức dậy, mồ hôi ra đầm đìa. Má nấu cho tô cháo hột gà có bỏ ít hành, tiêu. Má ngồi một bên vừa thổi vừa đút, uống chừng hai gói thì căn bệnh lại lui. Hôm sau có thể chân sáo chạy nhảy rồi. Tôi nhớ em Thông tôi một lần nọ bị bệnh. Má cho uống thuốc tán. Em cầm ly nước có hòa tan thuốc lên. Em nhìn một lượt hết cả nhà rồi nói:

“Con uống giỏi, má thương con nghen má”

“Ừa! má thương, uống đi con.” Em cầm ly lên định uống rồi lại bỏ xuống

“Anh Ba! Em uống giỏi anh Ba thương em nghen”

“Ừa! Giỏi Anh Ba thương, hết bệnh anh Ba cho đi coi đá banh”. Em cầm ly lên rồi lại để xuống

“Chị Chín…” Và cứ vậy đi vòng hết cả nhà mà ly thuốc vẫn còn nguyên. Má tôi nổi sùng la lên:

“Không có hỏi nữa, Có uống không?”. Em hết hồn, vừa khóc vừa nói:

“Con lạy má! từ rày sắp tới con chừa, con không dám bệnh nữa”.

Rồi em cầm ly thuốc uống một hơi.

“Xóm Đình” là khu vực nhóm nhỏ tụi tôi không dám phá. Đình làng nằm giữa trung tâm. Các nhà dân được Tây cất thành một vòng cung và cái đình nằm ở giữa. Trước

sân đình là một bức bình phong rất lớn xây kiên cố, tô hình một con cọp rất hung dữ nhe nanh ra như bảo vệ đình làng. Vòng đai đình cũng xây một tường bao chắc chắn.

Trong sân có trồng mấy cây Ngọc Lan rất lớn. Hương thơm bát ngát. Chúng tôi mê lắm, thích dùng cánh hoa ép vào vỡ cho mau thuộc bài mà không dám vào trong hái.

Ngoài đình có hai cây đa thật to gốc xù xì, tạo thành một nơi linh thiêng bất khả xâm phạm. Mỗi lần má tôi sai xuống bà Bảy có việc, ngang qua đình là tôi cắm cổ chạy.Ra tới đường mới đứng lại thở, rồi ngoái đầu nhìn lại xem có thấy ông thần nào rượt theo sau không. Đình làng thờ Đức Thánh Trần mà dân chúng thường gọi một cách tôn kính là Đức Ông. Mỗi năm đều có hai lần cúng Kỳ Yên và rước Đức Ông đi thị sát dân tình. Hôm ấy là một ngày thật sôi nổi và rộn ràng. Tiếng trống, tiếng phèn la, tiếng đàn nhị, đàn bầu và tiếng hát “Chầu Văn” vang lên trong đình. Lễ rước Đức Ông khởi đầu bằng giàn chiêng trống, cờ phướng bay ngợp trời. Đàn ông mặc áo dài vận khăn đóng, Mấy người đi theo hầu ông mặc áo quần sặc sỡ, mang hia, đội mão như các quan văn võ trong triều Một số mặc đồ quân sĩ tay cầm thương, đao,kiếm (Những vật để trong đình) vừa đi vừa quơ quơ như múa. Các bà mặc đồ loè loẹt, son phấn, trang sức như trong tuồng cãi lương. Họ hóa trang thành những người nữ tì hay phu nhân các quan ngày xưa. Các bà đó thường rất già, ăn trầu xĩa thuốc. Thế mà đến ngày này mấy bà thoát xác trang điểm diêm dúa thấy rất lạ mắt. Cái đáng sợ nhất là số người đi theo hộ vệ kiệu. Họ dùng những chĩa sắt đâm từ má này xuyên qua má kia hay đâm qua mũi. Có người dùng hai cây đâm hai bên má chỉa ra như hình tam giác. Tuyệt đối không hề chảy một giọt máu. Họ vừa đi vừa nhảy theo điệu kèn và chiêng trống Người ta gọi đó là họ đã “Nhập đồng”, họ không biết đau vì ông đã làm phép. Sau khi tế lễ hoàn tất, họ chỉ rút cây sắt ra, bôi ít tàn nhang của ông là xong, không để lại vết sẹo nào. Kiệu của Ông đi ra đường lớn, vòng qua “Xóm Chợ” rồi về lại đình làng. Gần tới đình, bỗng nhiên kiệu xoay mòng mòng, mấy người khiêng kiệu không giữ nổi, nhóm quan văn võ xúm lại nắm lấy kiệu. Nhóm đàn bà vừa xá, vừa xuýt xoa:

''Con lạy Đức Ông, Con lạy Đức Ông”. Đó là Đức Ông mừng vì sắp được về nhà sau khi đi tuần tra. Người ta nói, có mấy lần níu không lại, kiệu bay lên, kéo theo mấy người khiêng kiệu. Tôi chưa từng thấy kiệu bay bao giờ, tuy nhiên cũng rất sợ. Kiệu rước về tới đình thì chiêng trống phèng la càng dồn dập. Người ta bắt đầu tế lễ. Các Bác trong ban hội đình hàng ngày cũng bình thường, ngày hôm nay họ thành một người khác, tài hoa hơn, lỳ kỳ và bí hiểm hơn. Họ đọc văn tế, hát chầu văn, nhảy múa và lên đồng. Bác Hai Chấn trùm cái khăn đỏ trên đầu và lắc lư. Một hồi cô nhập, bác đứng lên nhảy múa đem tiền quăng cho mấy cô cậu, các bà đang ngồi hầu đồng. Có cô hầu bóng ra múa đèn rất đẹp, đội đèn, đội nước, đội dĩa trái cây trên đầu mà múa không đổ. Người ta vào đình xem rất đông, vừa xem múa hát, thỉnh thoảng được cô quăng cho vài đồng tiền thánh. Cuộc vui kéo dài đến khuya. Các bác trong hội đình hát chầu văn, hát quan họ và ăn uống. Phẩm vật cúng đình rất phong phú, heo quay nguyên con, heo luộc, xôi, gà và rượu. Người ta ăn uống, nhảy múa, hát hò và đắm chìm trong thế giới thiêng liêng có thần, thánh, cô, cậu và quyền lực bí ẩn.Kỷ niệm của tôi về Xóm đình là ngập tràn nỗi sợ. Ai trong làng mỗi khi có việc gì oan ức thì thường là thề. Mà muốn đối phương tin mình không nói dối thì dẫn nhau lên đình thề trước mặt Đức Ông. Biết bao nhiêu cây chuyện truyền miệng về sự linh thiêng ở đây càng làm cho đình làng trở nên hiển hách. Khi chiến tranh lan tràn về tới làng tôi, một số các bác thuộc hội đình đã bỏ đi xứ khác làm ăn hay chạy lên thành phố tìm sự an ổn. Vì đa số những thành viên hội đình là người Bắc di cư. Ngôi đình trở nên vắng vẻ, hoang phế. Các bác còn lại không còn tổ chức rước kiệu long trọng như trước. Họ gom thành một nhóm người cũng cúng bái, lên đồng, hát chầu để nhớ những thời hoàng kim ngày trước.

Phn kết.

 Câu chuyện về cái xóm nhỏ của tôi còn dài, nó như một khúc phim quay hoài không hết. Những chuỗi kỷ niệm cứ theo nhau về trải dài trong ký ức tôi. Tôi là cô bé lớn lên trong một làng quê nhỏ nghèo nàn không có gì đặc biệt. Thế nhưng mỗi việc, mỗi nơi đều là một câu chuyện trong cuộc đời tôi. Tôi yêu và gắn bó với nó. Những người bạn quê nghèo thời thơ ấu bây giờ đã trôi dạt mỗi người mỗi nơi. Một số đã nằm xuống thảm thương trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Tự Do và Cộng Sản. Một số đã vượt vũ môn hóa thành rồng nhởn nhơ trong xã hội mới hiện tại. Một số cũng như tôi bị đánh bật ra khỏi quê hương làm người tha hương nơi đất nước tạm dung. Quê tôi là một đồn điền cao su. Dòng nhựa trắng như sửa mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Những người công nhân vất vả ôm gốc cao su lấy mủ là những hình ảnh thân thương trong ký ức tôi. Những hàng cao su đều đặn thẳng tắp là những bức tranh tuyệt vời khó quên. Mỗi độ xuân về, khi bên này rộn ràng chợ hoa ngày Tết, tôi lại nao nao nhớ đến mùa cạo mủ gia tăng cuối năm. Nhớ những hàng cao su thay lá, trơ trụi khẳng khiu. Nhớ những lần tôi chạy lên đám lá cao su ngập vàng, hốt một nắm, tung lên cao cho nó bay lên không trung rồi xoay tròn bay xuống thật đẹp, thật vui. Nhớ những mùa hè cùng nhau đi vào lô lượm hột cao su về bán. Nhớ những mùa tháng năm khi gió đổi chiều, mưa lất phất rũ nhau đi nhổ nấm mối. Một loại nấm dân dã đặc biệt rất ngon chỉ mọc vài lần trong năm. Nấm ẩn dưới những lớp lá cao su mục ẩm ướt, có khi trải dài rộng bằng một chiếc chiếu. Người hái nấm gọi là ''trúng ổ”. Nấm nhổ xong được đựng trong thùng, trong giỏ, trong áo mưa, đùm trong áo đi làm hay cột hai ống quần lại, bỏ nấm vào rồi quảy trên vai. Nhớ máy bay, bay rà rà thả bao tiền vào mỗi kỳ lãnh lương công nhân. Nhớ ông giáo già với cây roi mây và đôi kiếng trắng. Nhớ nhiều lắm, nhiều lắm, càng về già càng nhớ nhiều. Thôi thì trả cái xóm nhỏ thân yêu về cho kỷ niệm. Tôi ngừng lại nơi đây và sẽ mời các bạn đến thăm một vùng ký ức khác trong tôi. Cám ơn các bạn.

Nguyn th Thêm 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Chín 2011(Xem: 19343)
Mẹ VN ơi ! Chúng con đã có một lực lượng trẻ đầy tinh nhuệ, đầy mưu trí và khôn ngoan , họ biết cách để đoàn kết thành một lực lượng lớn mạnh, biết dùng chiến thuật hữu hiệu đấu tranh chống lại giặc trong thù ngoài
10 Tháng Chín 2011(Xem: 20300)
Buồn bả nghẹn ngào nhưng tui không khóc, chỉ từ chối không ăn cơm thịt gà hôm đó. Mặc cho chị Gấm chọc ghẹo tới cở nào tui chỉ ăn cơm với xì dầu. Nhìn cái đùi gà nằm trên dĩa với những lằn dao chặt ngọt qua lớp da vàng óng đầy mở tui thù chị Gấm chi lạ.
03 Tháng Chín 2011(Xem: 21320)
Ra đường nhìn gái còn khen là đầu óc còn sáng suốt.(khi nào nhìn đàn ông thành đàn bà thì tôi mới run). Sự sống trên trái đất này sẽ không tồn tại nếu không có những người như chồng tôi và bạn bè của anh.
30 Tháng Tám 2011(Xem: 20284)
Gió mưa sấm sét đùng đùng, Dãi thây trăm họ nên công một người. Khi thất thế tên rơi đạn lạc, Bãi sa trường thịt nát máu rơi,Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết. Mong các anh yên nghỉ, siêu thoát và xin hãy tha lỗi cho sự chậm trễ của chúng tôi, những người còn sống!
26 Tháng Tám 2011(Xem: 20181)
Má tui tuổi con chó, năm nay chắc cỡ 77 hay 78 gì đó, tui hỏng nhớ rõ. Người ta thường hay bảo người già hay thay đổi tính tình nhưng má tui thì có khác chi đâu? Bả vẫn thế! Như xưa. Vẫn hà tiện và tính toán chi li từ đồng bạc nhỏ
19 Tháng Tám 2011(Xem: 20845)
- Cu Lửa biết không ! Thỉnh thoảng tao nhớ đến mày ! ......Lúc nào vậy chị? Tui xin báo cho chị một tin mừng là lời nguyền ngày đó của chị rất là linh thiêng, tui đã...đã Xèo!
11 Tháng Tám 2011(Xem: 20016)
Phải về hỏi thằng Định thôi, hình như bây giờ nó đang nối nghiệp ông già ngồi may cái gì ở đó với con vợ to như cái mền. Chắc là của ai đặt rồi không đến lấy nên nó phải lấy? Định ơi, sao mày không kêu ông thầy cúng?
08 Tháng Tám 2011(Xem: 20096)
Em ra nấu cơm đi trong lúc anh tắm rửa thay quần áo. Hôm qua món cà pháo om với bì lợn, với đậu phụ rắc tía tô, anh thích lắm, ăn được mấy bát cơm. Hôm nay em làm món cá rán và món nộm rau muống trộn với thịt ba chỉ, tôm, khế, rau răm và vừng em nhé. Việc gì đi ăn nhà hàng cho tốn tiền và làm sao có món Bắc Kỳ ngon như của em cơ chứ
06 Tháng Tám 2011(Xem: 20507)
Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.
05 Tháng Tám 2011(Xem: 20092)
Khổ cho các nhà thơ, các chàng nhạc sĩ dù có nhoi nhói thất tình, cũng chẳng còn tìm đâu ra tà áo cưới để than để thở, vả lại các cô dâu bây giờ biết rõ họ đi đến đâu và sẽ làm gì, chẳng ai cần bánh quế - bánh cốm – bánh phu thê (xu xê)...
31 Tháng Bảy 2011(Xem: 21582)
Biết nói chi đây, tui chỉ là thằng nhóc con ngày đó, mà bây giờ thì Mỹ, Cộng hài hoà xúng xính trong cái áo dài cổ truyền phong kiến có in chữ THỌ cùng nhau đi lễ chùa Hương hôi rình, còn thằng tui thì âm thầm nhang đèn cúng vái cho nhỏ Mai với anh Ba Khả trong lòng. ..
28 Tháng Bảy 2011(Xem: 21061)
Đó cũng là lần cuối cùng tui gặp con Mai. Nghe nói ông Ba Râu bị bắt đánh xe bò vô rừng chở cái gì cho ai đó một tối rồi không bao giờ trở lại. Mai ơi ! cho tao xin lỗi mày, bây giờ mày ở nơi đâu? Mấy con dế mày cho đã chết từ lâu nhưng hình như tao vẫn còn nghe tiếng gáy đâu đây.
27 Tháng Bảy 2011(Xem: 21841)
Ngày mai,28/7/2011,ngày tưởng niệm lần thứ 38 năm đơn vị tôi bị phục đánh.Xin vọng tưởng đến anh linh cố thiếu tá Thạch ngọc Nhường,đơn vị trưởng của tôi,và các đồng đội đã anh dũng hy sinh.Nếu cùng chung số phận,ngày nầy 28/7/2011,là lần giỗ thứ 38 của tôi rồi. Kỷ niệm đau buồn mãi mãi không bao giờ quên.Xin thân chuyển đến quý vị bài bút ký nầy.
26 Tháng Bảy 2011(Xem: 20869)
Tui đã có về thăm lại chốn xưa trường cũ đó một lần, ông thầy Chín đã mất từ lâu, cái trường cũ của tui giờ là một căn phố cao như cái hộp quẹt dựng đứng trông quê không chịu nổi, nhưng cái sân gạch tàu đỏ vẫn còn đó.
20 Tháng Bảy 2011(Xem: 21831)
Chẳng còn dấu vết gì của chiến tranh để lại.Còn chăng là những địa danh:Bình long,An lộc,Tân khai,Suối Tàu ô,Xa cát,Xa cam,Xa trạch,Đồi Gió...trong lòng mỗi con người chúng ta,còn sống sót sau chiến tranh.Xin chiến tranh hãy ngủ yên trong tâm tư con cháu thế hệ mai sau của chúng ta.
19 Tháng Bảy 2011(Xem: 21050)
Anh thong thả uống hụm sinh tố và dõi mắt sang hàng cơm tấm bên cạnh. Đang tầm sáng, giờ cao điểm đông khách, anh chẳng thấy Ngọc Diệp đâu, chỉ thấy một bà to mập đang ngồi giữa nồi cơm to tướng không kém gì bà ta, và một cái bàn thấp trên bày la liệt những món ăn, những hũ đồ chua và hũ nước mắm, mấy ống đựng thìa, đựng nỉa
18 Tháng Bảy 2011(Xem: 20356)
Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm
19 Tháng Sáu 2011(Xem: 20957)
“ Đời buồn như chiếc lá, lặng rơi bên hiên nhà. Mưa vô tình ngập lối Cuốn trôi mảnh hồn ta! “
15 Tháng Sáu 2011(Xem: 20011)
Tôi không thích khoe khoang về ông “Bố” của nhà đâu, vì chả lẽ lại “mèo khen mèo dài đuôi”, những điều tầm thường trong cuộc sống gia đình chắc nhà nào cũng giống nhau. Ngày lễ Cha ai cũng nhắc đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Bố,
14 Tháng Sáu 2011(Xem: 19140)
Đã bốn mươi lăm năm trôi qua, tiếng gọi thân thương “Bố ơi!” đã vĩnh viễn lìa xa chị em tôi khi tôi vừa qua mười sáu tuổi. Mãi đến bây giờ mỗi lần nhớ về Người lòng tôi vẫn luôn mang tâm trạng bồi hồi thương kính.
01 Tháng Sáu 2011(Xem: 20233)
Ông may mắn nhiều lần thoát chết và cuối cùng đến được bến bờ tự do qua con đường vượt biên bằng đường biển. Ông định cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình. Hồi ký “ Cuộc đời đổi thay” được tác giả ghi lại hành trình của một đời người thăng trầm suốt hơn 50 năm theo vận nước .
27 Tháng Năm 2011(Xem: 19536)
Tôi bốc ra những sợi tóc bạc ngày xưa của má để lên bàn tay. Tôi đưa bàn tay với nhúm tóc lên mủi. Tôi nhấm nghiền đôi mắt. Mùi hương thoảng nhẹ mơ hồ trong ảo giác. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ trong căn nhà cũ quạnh vắng buồn hiu!
26 Tháng Năm 2011(Xem: 20419)
Ngày hôm nay viết những dòng này tôi muốn nói với các bạn rằng trong bao chia ly cuộc đời có gì hạnh phúc hơn những hạnh ngộ bằng hữu. Làm bạn với anh Tô hòa Dương ngày nọ là một trong những hạnh ngộ bằng hữu ấy
18 Tháng Năm 2011(Xem: 21601)
Tôi ở đội kỹ luật một năm rưởi được đưa ra đội nông nghiệp và được thả về nhà, tôi dùng chữ thả rất đúng nghĩa của nó, chúng ta không thể ngộ nhận chữ thả và chữ tha được vì chúng ta có tội với ai đâu mà được tha
10 Tháng Năm 2011(Xem: 20354)
em là một người mẹ chồng tuyệt vời chưa đủ, mà là một phụ nữ miền Nam tuyệt với nữa đấy, vì lúc nào cũng nhân hậu, hào phóng, dễ tính và dễ thương vô cùng.
04 Tháng Năm 2011(Xem: 19776)
Cám ơn mẹ đã cho ba con, đã cho con một ngọn lửa tình yêu không bao giờ tắt, một dòng đại dương tình yêu không bao giờ khô cằn, một bầu trời tình yêu luôn chói lòa rực sáng, ngát hương ...
04 Tháng Năm 2011(Xem: 19743)
Tôi sinh ra ở miền Bắc VN sống và trưởng thành tại Sài Gòn. 1970 gia đình rời về Biên Hòa là lúc tôi lên đường nhập ngũ làm tròn bổn phận người trai thời binh lửa.sau 1975 khi đất nước rơi vào tay CS tất cả những hoài bão tương lai của tôi biến theo thời gian
27 Tháng Tư 2011(Xem: 20525)
Em Sài Gòn diễm ảo của anh xưa Mình mất nhau mười hai mùa nắng mưa Anh cứ ngỡ đã mười hai thế kỷ…
26 Tháng Tư 2011(Xem: 19684)
Độ 7 giờ, tiếng xích của chiếc PT76 nghiến mặt đường từ từ tiến lên từ hướng chợ, khi đến gần cổng của BCH/CSQG/Quận Long-Thành dừng lại vì lựu đạn và M79 bắn xối xả của anh em phòng thủ, tôi đang ở trong bunker, nằm ngay góc Chi-khu và văn phòng ban ANQĐ/Quận, xuyên qua lỗ châu mai nhìn thấy những bóng đen lốp ngốp phía trên mui xe
24 Tháng Tư 2011(Xem: 19980)
Chất xám đã chảy rakhỏi nước rất nhiều từ cuộc di tản vĩ đại của tháng 4 năm 75, chất xám bị thui chột trong các "trại cải tạo", rồi tiếp tục rò rỉ theo những chiếc ghe vượt biên nhỏ nhoi, đầy tội nghiệp. Chưa dừng ở đó, chất xám Việt Nam tiếp tục thất thoát cho tới bây giờ,
16 Tháng Tư 2011(Xem: 21027)
Vâng, tôi sẽ im lặng cho đến chết, để xa chàng mà vẫn mang theo đời mình trọn vẹn hình ảnh người yêu đầu đời năm xưa, để con tôi vẫn giữ nguyên trong lòng sự ngưỡng mộ suốt đời nó, khi luôn luôn nghĩ rằng có một người cha đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.
03 Tháng Tư 2011(Xem: 21005)
Không biết mọi người ra sao, riêng tôi càng lớn tuổi càng thích lục lọi tìm những tấm ảnh cũ, mà mỗi tấm ảnh dù đẹp hay xấu, đã ố vàng với thời gian đều chất chứa ít nhiều kỷ niệm và nơi chốn.
03 Tháng Tư 2011(Xem: 21689)
Hôm nay, ngồi đọc và viết bài “Hương Vị Ngày Xưa”, món ăn hai miền của quê Mẹ mà lòng tôi bùi ngùi không tả. Đã mấy chục năm rồi, nơi đất nước phồn hoa này, đầy đủ các món ngon vật lạ.
03 Tháng Tư 2011(Xem: 20570)
Tôi nhớ giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Mẹ, lom khom chụm lửa cho nồi bánh, dù Trời đang se lạnh. Tôi thương cái dịu dàng nhẫn nại của chị, ngồi nắn nót từng hũ dưa hành, dưa kiệu ngọt dịu trắng tinh
12 Tháng Ba 2011(Xem: 21024)
Vì vậy, sáng nay khi bà Tâm gọi sang để nhắc Duyên lát trưa qua chở bà đi chợ Việt Nam mua thức ăn, tiện thể xin quyển lịch “Tam Tông Miếu” (loại lịch bóc từng tờ) để bà coi ngày giờ, kiêng cữ cho cả năm, Duyên đã cười vang trong phone và nói với mẹ rằng: ”Má ơi, cái duyên “Tam Hạp”
08 Tháng Ba 2011(Xem: 20765)
Bố mẹ tôi người Bắc, di cư vào Nam lại sống trong khu xóm toàn người Bắc, nên tôi vẫn nguyên vẹn là con gái Bắc cả từ ăn nói đến cách sống ở đời.
03 Tháng Ba 2011(Xem: 19486)
Mùng Hai Tết năm đó, cô Hai Lựa dẫn thằng Cu Tí về quê ăn Tết. Bất ngờ hay tin ông Cả Mẹo vừa mới qua đời. Tin như sét đánh ngang mày, mẹ con cô vội vàng chạy u về nhà ông Cả. Vừa bước chân vào nhà thì nắp quan tài cũng vừa đóng đinh khóa chặt lại
03 Tháng Ba 2011(Xem: 20748)
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà các nhà địa lý Tàu cho là có long mạch, mà long huyệt nằm ngay tại cái dốc cao vút ngay tại núi Châu Thới, vì vậy nhà triệu phú người Tàu tên Hỏa chôn nơi đây, cái tên dốc chú Hỏa có từ lúc đó
03 Tháng Ba 2011(Xem: 20469)
tôi rất vinh dự đã từng là cựu học sinh trường Tiểu Học NGUYỄN DU, Biên Hòa, có truyền thống tốt đẹp lâu đời và là một trong những ngôi trường đầu tiên của quê hương chúng ta, có lịch sử gắn bó với trường Trung Học NGÔ QUYỀN.
03 Tháng Ba 2011(Xem: 18937)
Bao nhiêu năm trôi qua, không còn được ăn Tết Việt Nam đúng nghĩa, mỗi độ Tết Nguyên đán , tôi vẫn ăn Tết bằng ký ức. Trong một khoảnh khắc sống bằng trí tưởng, ngày Tết vẫn còn nguyên vị ngọt ngào của bánh mứt, vẻ êm đềm của thời thơ dại.
10 Tháng Hai 2011(Xem: 19325)
Búp ơi! Em biết không chỉ cần ba mươi giây thôi vị Nguyên thủ Quốc gia tuyên bố đầu hàng đã làm thay đổi vận mệnh của một đất nước, chôn vùi cả một dân tộc trong đau thương tủi nhục, huống hồ chi từ đây cho đến giờ xổ số, em còn cả bốn năm tiếng đồng hồ thì sự hy vọng thay đổi cuộc đời em đâu phải là không thể xảy ra phải không Búp?!
10 Tháng Hai 2011(Xem: 18703)
Anh cố tìm giấc ngủ, mấy đêm trước anh còn đi vào giấc ngủ với bao nhiêu là hình ảnh vui tươi, tuyệt vời của ngày Tết Việt Nam. Vậy mà đêm nay những hình ảnh đẹp đẽ ấy biến đi đâu hết? Anh mong sao sáng mai thức dậy, đọc báo thấy tin chính quyền Việt Nam vừa… ra lệnh cấm không cho Việt Kiều về quê ăn Tết nữa. Chắc lòng anh sẽ…vui như Tết. Khỏi phải đi đâu cả.
10 Tháng Hai 2011(Xem: 19635)
Tôi đã xa Tổ Quốc nhiều năm. Thời gian không dài nhưng cũng đủ để nhớ, quên nhưng không thể xóa mùi hương có được từ những năm tháng cũ. Làm sao quên được mùi sữa Mẹ tinh khôi những ngày chưa lớn, mùi bùn trong đầm sen cuối làng thân thiết, mùi hương hoa cỏ lẫn trong sương sớm vào mùa Hạ ấm nồng
30 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 21299)
"Cô ấy đã cho tôi sự sống, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành cuối đời tôi để chăm sóc cô ấy" Anh dắt tay chị đi, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười toại nguyện, một mối tình đẹp như những áng mây chiều êm ả trôi lờ lững ở cuối lưng trời…
29 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20471)
Sau một đêm khó ngủ, tôi nghĩ đến lời hứa con cuả tử sĩ Huỳnh Tự Trọng,sẽ kể về câu chuyện có thật này. Một bí ẩn cuả Tâm Linh, đối với tôi thật vô cùng khó giải thích. Trân trọng mời quý vị cùng xem. Và gọi là chút tình với hương linh người tử sĩ.
08 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 18979)
Khi gió muà Đông Bắc phả hơi giá lạnh lùng vào mảnh vườn hiu hắt, đầu tháng Mười Hai của mỗi năm, là tôi lại chạnh nhớ đến những mùa Giáng Sinh ngày thơ ấu. Lạ một điều là trong đáy lòng tôi bỗng ấm lại,
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20555)
Một câu chuyện gần gũi với đời sống hiện tại, dù biết phải “ an cư mới lạc nghiệp”, nhưng vẫn phải “liệu cơm gắp mắm” mới khỏi cảnh dở khóc dở cười khi mua một cái nhà vượt quá tầm tay.
11 Tháng Mười 2010(Xem: 19299)
Chị rất đau khổ, lặng lẽ trở về nhà. Chị nhất định không kể câu chuyện cho mẹ chồng biết, cũng như bất cứ ai.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 18479)
Tôi không có đập đìa gì hết. Tôi chỉ là một người trở về từ trại tù cải tạo với tài sản duy nhất và quý giá nhất là một cô vợ chung thủy và ba đứa con ngoan. Tôi gốc gác Biên Hòa, ngày xưa làm việc ở chi khu Long Toàn này, bị một cô nữ sinh tên là Bé Năm, nhà ở gần đó, trói cổ nên đã nhận nơi nầy làm quê hương!
04 Tháng Mười 2010(Xem: 18957)
Cái nhớ của tôi lập lại nhiều lần vào những thời điểm khác nhau. Nhớ Biên Hòa là điều có thật, hay nói cách khác là không giả dối chút nào.Không biết đêm nay tôi còn thao thức và trăn trở với nỗi nhớ Biên Hòa hay không?