8:21 CH
Thứ Năm
18
Tháng Tư
2024

Chai Dầu Gió Xanh - Võ Quách Thị Tường Vi (New)

13 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 14247)

Chai Dầu Gió Xanh
Võ Quách Thị Tường Vi 2013/08/11

 quachvothituongvibs-large-content

Tác giả tự sơ lược tiểu sử :
Sinh ở Bình Định, lớn lên ở Biên Hoà, học Trung Học Ngô Quyền 1965-1972. Học Đại Học Khoa Học Sài Gòn rồi qua Mỹ Tháng Tư 1975. Hiện làm Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Tường Vi kể chuyện trên một chuyến bay khi tác giả hướng dẫn phái đoàn gồm 33 giáo sư, sinh viên đi Việt Nam thực hiện một chương trình y tế của đại học TWU. Hệ thống TWU gồm Học viện và Texas Medical Center được coi là Trung Tâm Y Tế lớn rộng nhất thế giới. Vài con số tiêu biểu: 280 building, diện tích 45,5 triệu bộ vuông, toạ lạc trên 1 300 mẫu đất; Ngân sách hàng năm 14 tỷ; 92 500 chuyên gia và nhân viên, TWU có 21 bệnh viện – 6 500 giường - hàng năm đón 7,1 triệu bệnh nhân; Số trẻ vào đời: 28 000. Số sinh viên học toàn thời: 34 000 .

 

* * *

Chai Dầu Gió Xanh

Tôi là người hành khách phút cuối của chuyến máy bay Singapore Airline #1490 với hành trình qua ngả Moscow, Singapore, rồi Tân Sơn Nhất. Cửa phi cơ đóng lại ngay sau khi tôi vào.
Đây là chuyến bay đưa phái đoàn của trường đại học nơi tôi giảng dạy đi Sài Gòn. Đoàn gồm 33 giáo sư và sinh viên do tôi hướng dẫn, có nhiệm vụ thực hiện một chương trình y tế và văn hoá giữa trường chúng tôi và một số đại học bên Việt Nam.
Sau cả tuần căng thẳng vì lo liệu đủ thứ, đã tưởng không thể bay, ngày chót khi cố thu xếp mọi việc để tiếp tục chuyến đi, vào được ghế của mình, tôi lả người mệt muốn ngất đi được. Thò tay vào giỏ xách tôi lấy ra chai dầu gió xanh, nhón ngón tay trỏ vào đầu chai, chấm chút dầu xoa vào hai bên thái dương.
Chỉ trong chốc lát, dường như cơn mệt mỏi dịu dần. Thật cảm ơn chai dầu gió xanh này. Nó và tôi, như « đôi bạn » thân thiết, bao năm qua luôn ở bên cạnh nhau. Lần này, chúng tôi cùng bay về quê xưa, mùi dầu xanh quen thuộc nhắc nhớ bao chuyện cũ.
Mẹ tôi mất khi tôi vừa 16 tuổi, tuổi đẹp nhất của thời con gái. Tôi nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hoà, đêm đêm tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và trốn dưới ... gầm giường, tự làm mồi cho muỗi đói mà không hiểu là mấy tấm vạt giường mỏng manh đó làm sao mà đỡ nổi bom đạn. Riết rồi cũng quen, mỗi lần nghe pháo kích, tôi không núp gầm giường nữa mà tỉnh bơ nằm ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng chết ... Thời ấy, tôi đã thầm biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế.
Một đêm kia, đang ngủ mê, tôi thình lình bật dậy vì một thứ âm thanh khủng khiếp. Tai ù đặc không thể phân biệt được. Mắt vừa mở thì trời ơi, thấy cả bầu trời xanh lè đang chụp xuống. Mái nhà, những bức tường đã bay đâu cả rồi.
Dần dà, tôi nhận ra tiếng la khóc chung quanh. Nghe thì mơ hồ như từ cõi nào, nhưng nhìn thì hiện ngay trước mắt: Ba tôi đang ôm mẹ tôi, máu tuôn xối xả từ người mẹ. Tôi không biết mình đang ở đâu. Mãi lát sau mới nhận ra cái tủ đựng đồ ăn gãy hết hai chân đứng chỏng chơ. Thì ra chúng tôi đang trên nền cũ của nhà bếp, chính giữa là một cái hố sâu, khói bụi đang bốc hơi. Bên miệng hố, con chó Tô Tô của tôi, mình mẩy đẫm máu, đang rên rỉ. Con chó Ki Ki thì lẩn quẩn kế bên, miệng gầm gừ thảm thiết. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi.
Có cái gì ướt trên mặt tôi. Đưa tay lên vuốt mặt, thấy bàn tay toàn là máu. Thì ra tôi cũng đã bị thương trên trán và cả ngôi nhà gia đình đã trúng đạn pháo kích.
Sau đó, mẹ tôi được đưa khẩn cấp vào nhà thương Biên Hoà. Hai tuần sau, vết thương biến chứng sao đó, phải chuyển gấp lên nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Tôi ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với Mẹ nhiều ngày. Tại đây, tôi có dịp tiếp xúc với các y tá điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ, và bắt đầu cảm tình với ngành y từ đó.
Nhờ sự chạy chữa tận tậm của bệnh viện, thương thế mẹ tôi rồi cũng ổn định dần, nhưng từ khi rời bệnh viên về nhà, bà không còn khoẻ mạnh như xưa. Bà hay đau lưng, nhức mỏi, không còn sức làm việc như lúc chưa bị thương. Rõ ràng là mẹ ngày một suy yếu hơn. Dù đầu óc còn non nớt, tự tôi cũng thấy được điều này.
Thời ấy, trong túi áo bà ba của mẹ tôi lúc nào cũng có một chai dầu gió xanh mà bà thường lấy ra để xoa hay ngửi. Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không, vì chị em tôi ai nấy đều « sợ » bị bôi thứ dầu này. Khi chúng tôi bị sổ mũi nhức đầu, mẹ đều bắt chị em tôi phải bôi dầu hay cạo gió. Trời ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu « mắc dịch » này chị em tôi đều chạy trốn, mặc cho bà phải kêu tên từng đứa dỗ dành.
Rồi đến một ngày không bao giờ tôi quên. Hôm đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt, mẹ sai tôi đi chợ, mua thức ăn rau cải và dặn thêm: nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ chai dầu xanh, vì chai dầu mẹ đang dùng gần cạn.
Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời Mẹ dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên một chuyện gì quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm, rau muống xào, chuối tráng miệng ... Đủ hết. Đâu còn thiếu món gì. Mãi tới khi về đến gần nhà, băng qua cầu Đúc, tôi mới đứng khựng lại vì chợt nhớ ra lời mẹ dặn thêm là mua chai dầu xanh cho mẹ. Tôi lật đật vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài không tới ...
Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại đông người như vậy? Các cô bác láng giềng đang bu quanh ba tôi. Thấy tôi vào nhà, các em chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi, nói trong tiếng nấc: má con đã chết rồi ... Tôi sững sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn rồi. Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi.
Ít ngày sau khi Mẹ qua đời, con chó Tô Tô vốn thường luẩn quẩn bên chân Mẹ, cùng bị thương trong trận pháo kích, cũng chết theo. Em tôi tìm thấy nó bỏ ăn, mãi nằm bên gốc cây măng cụt mà mẹ tôi đã trồng mấy năm về trước.
Từ đó, ở cái tuổi « ăn chưa no lo chưa tới » của mình tôi đã phải đối đầu với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc nhà, nấu cơm giặt giũ, chăm sóc các em, tôi còn phải ngược xuôi lo việc chi tiêu trong nhà với đồng lương công chức giới hạn và bấp bênh của ba tôi, những việc mà khi còn mẹ, tôi không bao giờ phải bận tâm lo lắng.
Cũng từ đó, tôi bắt đầu thân quen với chai dầu mua về cho Mẹ . Dù qua nhiều dâu bể của đời, chai dầu gió xanh vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy chục năm qua.
Nghe có tiếng thầm thì chung quanh, tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên của chúng tôi. Thấy tôi tỉnh dậy, cả đám cùng vỗ tay vui vẻ:
- Chào mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn.
Donna, một cô sinh viên gốc người Mễ rất linh hoạt dễ thương của tôi hỏi.
- Cô ơi, mình sắp tới Việt Nam, cô hồi hộp không cô?
Nhiều em khác cùng hỏi rồi thay phiên ôm tôi để chia niềm thương cảm.
Số là mới cách đây mấy ngày, tôi gặp một tai biến rất lớn trong đời, đã tưởng không thể tiếp tục công việc với phái đoàn. Ngày cuối, khi quyết định cùng bay thì tới vào phút chót, phi cơ không còn chỗ để ngồi chung với phái đoàn của mình.
Chuyến đi đã chuẩn bị từ lâu. Các giáo sư và sinh viên tham dự ai nấy đều nao nức đợi ngày đi. Riêng tôi thì mong muốn đem lại một chương trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của Việt Nam, nhân tiện được thăm lại quê hương, bè bạn cũ. Mọi sự xếp đặt cũng đã xong, nhưng nếu thiếu người hướng dẫn như dự tính từ bước đầu thì cũng không trọn vẹn. Vì vậy khi thấy tôi trong chuyến bay, cả đám cùng vui lăng xăng nói cười.
Nói « cả đám ? » cho thân tình chứ thật ra trong phái đoàn 33 người, lớp trẻ dưới tuổi ba mươi chỉ có 12 em sinh viên, trong số này có 3 em gốc Việt, đang học chương trình cử nhân. Phần còn lại, đều lớn tuổi và già giặn hơn nhiều. Trong nhóm này có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Houston và Dallas; một em sắp xong y sĩ; 5 em sắp ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa Hè này và 12 em khác đang học chương trình tiến sĩ. Dù thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lễ phép và rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người cũng có vẻ thuận thảo, hùng hậu. Hy vọng chuyến đi sẽ vui vẻ thành công.
Sau khi rời khỏi công việc bên bệnh viện, đã hơn 5 năm rồi, tôi nhận làm giảng sư chính thức cho trường đại học này. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học vui vẻ, nhất là tiếp xúc được với nhiều em sinh viên Việt Nam, gồm cả các em sinh tại Mỹ lẫn các du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em.
Trong trường, các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu thường tìm đến tôi để hỏi ý kiến về việc học hành, hay chỉ để than thở những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một giáo sư hướng dẫn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà « gõ đầu trẻ », loại công việc mà khi còn trẻ tôi không bao giờ mơ ước để trở thành. Năm ngoái tôi có khai giảng một khoá học mà tôi phụ trách dạy về y học và văn hoá Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông, Mỹ có Việt có. Các em gốc Việt sau đó có đến cảm ơn tôi vì khoá học đã cho các em có cơ hội tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.
Trạm đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng. Cả đám sinh viên đã hăng hái mua sắm. Khi trở lại máy bay, cô cậu nào tay cũng mang theo những túi quà kỷ niệm.
Sau trạm ghé này biết mình đang từng phút gần hơn với Việt Nam, tôi như hình dung thấy bạn bè, trường ốc và những chuyện phải làm. Một cảm giác vừa vui mừng vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Phi cơ đang bay trong đêm nhưng ngay sáng mai là tôi sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng, gặp gỡ những nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Vừa chập chờn muốn ngủ thì bị đánh thức bởi giọng nói vang lớn từ cái loa trên trần phi cơ. Tiếng cô tiếp viên hàng không lập đi lập lại bằng tiếng Anh giọng Tàu lơ lớ:
- Trường hợp cấp cứu!!! Trường hợp cấp cứu!!! Chúng tôi cần gấp một bác sĩ. Trên máy bay, nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng tôi một tay ... Cấp cứu! Cấp cứu!
Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô tiếp viên hàng không gần nhất:
- Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là y sĩ Vi, tôi sẽ giúp cô.
- Dạ xin y sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất.
Tôi đi theo cô này đến khu hạng nhất của phi cơ. Ghế ngồi ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.
Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, đang nằm sóng sượt ngay trên sàn phi cơ. Cả người anh ta co quắp lại như hình con tôm, hai mắt nhắm nghiền, mặt đẫm những giọt mồ hôi còn đọng lại.
- Hello. Tôi là Dr V. Tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì xảy ra vậy?
- Dạ em đau bụng quá, không chịu nổi. Phải nằm xuống như vầy mới bớt một chút. Em bị cách đây gần một tiếng đồng hồ, tưởng là chỉ sình hơi, ai dè càng lúc càng nặng hơn.
- Em tên gì ? Tôi hỏi.
- Dạ em tên John. Em là tiếp viên hàng không cho hãng máy bay, em làm ở khu hạng nhất này.
Lúc này thì hai học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti lo cặp thuỷ đo nhiệt độ còn Mai thì giúp đo áp suất máu và hỏi về lượng đau của John. 
Tôi bảo mấy người bạn đồng nghiệp của John:
- Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi có gì dùng được không. Nhớ đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.
Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:
- Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.
- Dạ, nhiệt độ người của John là 99,8 F. Áp suất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. Mai thông báo.
- Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp suất như vậy mỗi 10 phút. Nếu thấy thay đổi, cho tôi biết.
Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu lớn mà cô tiếp viên hàng không vừa đem đến. Ngoài giấy tờ lặt vặ , chỉ thấy mấy thứ thuốc cấp cứu về tim như Digoxin, Lasix. Trong túi lớn còn một túi nhỏ chứa mấy bịch nước biển se-rum và kim, dây dùng để chuyền dung dịch này vào cơ thể.
- Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dịch nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. Tôi nói.
Tôi khám cho John. Mọi nơi bình thường. Chỗ đau duy nhất là vị trí dưới bụng phía tay mặt. Chỉ nhấn hơi mạnh một chút là John đã nhăn mặt kêu đau, cố đẩy tay tôi ra. Đây là trường hợp đau ruột dư mà phi cơ thì đang bay 50 000 mét (độ cao hơi lớn với phi cơ dân sự) trên không gian, đâu thể làm gì. Tôi suy nghĩ thật nhanh rồi bảo Tim, xếp của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn. John bị đau ruột dư. Cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị gấp để bảo vệ sinh mạng.
Tim đi một lát rồi trở lại.
- Thưa y sỹ, Phi Trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y sỹ thông cảm.
- Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?
- Dạ, để tôi đi hỏi lại Phi Công Trưởng.
Tim trở lại lần nữa và nói.
- Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta còn phải bay 3 tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo chuyện cấp cứu thì cũng rất phiền hà và không biết bao giờ mình mới bay lên trở lại được.
Đúng lúc ấy, Patti gọi tôi lại:
- Dr V , áp suất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10 trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó Giáo Sư.
Tôi trở lại chỗ John nằm. Tay chân John lạnh toá , mà mặt mũi thì luôn toát mồ hôi, dù Mai đang liên tục lau mặt cho anh ta. Đúng như Patti nói, John đang trong tình trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cho tính mạng.
Vây quanh John là những đồng nghiệp của anh ta, ai nấy đều lo lắng. Có mấy hành khách cũng tìm đến tò mò coi chuyện gì xảy ra. Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại ghế ngồi để chúng tôi có chỗ xoay trở làm việc.
- Bắt đầu chuyền nước biển đi. Mở wide open rộng ra và giữ cho John ấm. Tôi bảo Patti. Quay qua John, tôi bắt chuyện:
- Hi John, em sao rồi, đau nhiều không? Bây giờ chúng tôi chuyền nước biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu tiểu đường không?
- Em đau quá Dr Vi ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.
- John có gia đình vợ con gì chưa?
John gượng cười:
- Dạ chưa, Dr Vi. Nhưng em có bồ rồi. Cô ấy đang chờ em ở Singapore.
- A, vậy là em phải khoẻ lại cho mau để về gặp cô bạn.
Tôi nói chuyện đùa với John để giúp em quên bớt cái đau. Phải cố giúp John không bị nặng thêm, đủ sức chịu đựng trong khi chờ cấp cứu . Bỗng tôi chợt nhớ một việc.
- John à, tôi có một loại thuốc riêng mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó giúp tôi rất hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ với em?
John gật đầu lia lịa.
- Dạ bây giờ y sỹ có gì thì xin cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường bay này thường lắm nên biết là mình không thể đáp xuống đây đuợc đâu. Em lo quá, không hiểu có qua nổi cơn bệnh này không?
Tôi mở cái xách tay nhỏ, lấy chai dầu gió xanh của mình ra mở nắp cho John nhìn.
- Đây là chai dầu mà tôi hay dùng và nó rất hiệu nghiệm. Tôi đi dâu cũng có nó. John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút của nó.
Tôi đưa chai dầu lên mũi John. Em hít một hơi nhẹ và nói.
- Mùi này cũng dễ chịu mà. Em thích lắm.
- OK, vậy thì tôi xức cho John nhé. 
Tôi xoa dầu vào chỗ đau của John ở bụng, vừa làm vừa nói chuyện. Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống của John ở Singapore hay ở Mỹ. Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy áp suất và nhiệt độ trong khi John dần dà có vẻ thích thú khi kể chuyện về đời mình cho chúng tôi nghe.
Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau, Patti thông báo là tuy độ đau không thay đổi, vẫn ở khoảng từ 8 cho tới 10, nhưng áp suất của John đã lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp trong một phút.
- Vậy là tốt. Em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. Tôi bảo Patti.
Dần dà, John có vẻ tỉnh táo hơn một chút, sắc diện cũng khá hơn. Tôi khám lại John thì thấy tình trạng ruột dư của em không thay đổi gì lắm.
Tim, xếp của John, trở lại.
- Thưa y sỹ, chúng ta bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Phi Trưởng của chúng tôi xin ý kiến y sĩ. Nếu cần ngừng lại thì phải xin phép đáp xuống, thủ tục sẽ lâu lắm mà rồi chưa biết chừng nào máy bay mới có thể cất cánh trở lại.
- Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? Tôi hỏi.
- Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.
- Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.
Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:
- Y sỹ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?
- Thật sự thì rất khó đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế nào nhưng tôi nghĩ là sẽ còn sức chịu được vài tiếng nữa, ít ra thì mình cũng có thể đến Thái Lan. Việc chữa trị ở đó cũng tốt hơn nếu so với những nơi khác. Tôi trả lời cho John.
- Xin y sỹ quyết định cho em vậy đi.
Tôi quay lại bảo Tim.
- Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.
Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục trò chuyện, dầu gió xanh vẫn được thoa cho John đều đều. Nhiệt độ và áp suất máu của John khá bình ổn. Bịch nuớc biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm trên giường trong phòng dành cho phi công. John cho biết em thấy có vẻ khá hơn lúc ban đầu một chút.
Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định không dừng lại nữa vì từ nước này về Singapore thì chỉ còn một tiếng đồng hồ mà thôi và tình trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, ba thầy trò chúng tôi không chợp mắt chút nào nhưng vẫn không thấy mệt.
Rốt cuộc thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương đến phi cơ để đưa John vào bệnh viện cấp cứu, cậu ấy đã nắm tay tôi và ngập ngừng hỏi:
- Em cảm ơn Doctor Vi và phái đoàn của doctor đã giúp em rất nhiều. Em sẽ không bao giờ quên y sỹ V đâu. Chúc y sỹ và phái đoàn thành công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sỹ cho em xin luôn chai dầu gió xanh đó, có được không?
John muốn xin chai dầu gió xanh của tôi? Tôi cảm động đến sững sờ khi trao cho John chai dầu xanh trước khi từ biệt.
Phi cơ tiếp tục bay. Sắp thấy lại Sài Gòn. Trong túi xách không còn chai dầu xanh. Vậy là chai dầu không cùng tôi trở lại quê Mẹ. Nhưng hơn bao giờ, tôi thấy chai dầu xanh đang ở trong tim mình.
Và thấy mình muốn khóc.
Tôi biết các bạn trẻ ngày nay, như tôi thuở nào, có thể coi chai dầu xanh là thứ « mắc dịch ». Vậy mà với người Việt mình, hình như ai ai trong đời ít nhiều cũng đều biết đến nó.
Chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ với người thân yêu, một lần gặp gỡ hay chia lìa, một mối tình, một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi, một tà áo, một giọng nói, một câu dỗ dành, một bài hát hay một lời thơ ... Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
Trong hành trình dài của đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, tôi thấy mình vẫn có chai dầu xanh làm bạn đồng hành và được nó trợ giúp. Âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc. Tôi cảm ơn nó.
Võ Quách Thị Tường Vi , Lập Đông 2012
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Sáu 2016(Xem: 11604)
Hãy đếm cuộc đời của bạn bằng nụ cười chứ không phải những giọt nước mắt
12 Tháng Sáu 2016(Xem: 10942)
Hãy dạy cho người Tàu viết lại chữ Việt đúng nghĩa có bộ Nhân với 2 âm Búa và Tấn.
12 Tháng Sáu 2016(Xem: 17553)
Con sông Đồng Nai đã đưa ta đến tỉnh Biên Hòa (hòa bình ở biên cương), một trấn đã được sáp nhập vào nước ta năm 1653. Khoảng đất này xưa được gọi là Đông Phố
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9940)
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một, như đường mía lau.
09 Tháng Năm 2016(Xem: 12068)
Bao lần khó ngủ trong đêm.Lời ru của mẹ biết tìm nơi đâu?
05 Tháng Năm 2016(Xem: 10413)
Ngày nào còn con người với những buồn vui mất mát, đau khổ lẫn ước mơ, ngày đó tiếng thơ Trần Kiêu Bạc còn mãi ngân vang.
02 Tháng Năm 2016(Xem: 8756)
Băng Tâm xin thắp nén nhang tưởng nhớ đến các SV Đại Hoc Kinh Thương Minh Đức đã phải giã từ giảng đường
30 Tháng Tư 2016(Xem: 8088)
Sẽ mãi mãi theo chân của tất cả cô chú bác, sẽ sống cho thật xứng đáng là đứa con Việt Nam
30 Tháng Tư 2016(Xem: 10026)
Cầu Gành ơi, Biên Hoà ơi. Bối rối… khi tôi về thăm lại quê nhà.
25 Tháng Tư 2016(Xem: 9614)
Xin chân thành gởi nén hương lòng “Tưởng Niệm” đến những Anh Hùng QLVNCH. Những người nằm xuống trong cuộc chiến, những người tuẫn tiết vì Quốc nạn 30/04/1975
23 Tháng Tư 2016(Xem: 7970)
Du lịch là một thú vui mà nhiều người thực hiện để thỏa mãn mơ ước đi khắp thế giới trước khi không thể nào còn sức để đi xa.
09 Tháng Tư 2016(Xem: 9014)
anh không có tiền tài không mang danh vọng. Nhưng anh đã để lại cho đời một tấm lòng nhân hậu, với bạn bè và cho cả tha nhân. Anh đã có một cuộc đời đáng sống.
06 Tháng Tư 2016(Xem: 12593)
Cảm xúc tình cảm giao động của mọi người có mặt hôm đó vượt chỉ số! Một số đã không cầm được nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo!
03 Tháng Tư 2016(Xem: 8626)
Anh Viện đã sống một cuộc đời như thế. Một đời sống có nghĩa có nhân, sẽ mỉm cười mãn nguyện khi lúc ta về…
26 Tháng Ba 2016(Xem: 9476)
Xin cho Tôi chia xẻ nỗi đau, nỗi buồn với Đồng Hương Biên Hòa, trong đó có mấy người em của gia đình, và đông đảo bạn đồng môn Ngô Quyền trong nước hay may mắn sống lưu lạc trên toàn thế giới tự do!
23 Tháng Ba 2016(Xem: 9426)
tương lai đất nước đang chờ các em. Hãy ngẩng cao đầu hướng về hồn thiêng sống núi, như chúng tôi trong đêm “ Tưởng Niệm Đồng Đội”
22 Tháng Ba 2016(Xem: 8727)
Như vậy cầu Gành đã có tuổi thọ 113 năm. Chúng ta đã gìn giữ như báu vật, vì đó là biểu tượng của vùng đất Biên Hòa, xứ Đồng Nai
12 Tháng Ba 2016(Xem: 7818)
Tôi sẽ thật vui và cùng bạn bè chia sẻ niềm vui đó. Hạnh phúc không ở đâu xa, ở ngay hiện tại khi mình biết chấp nhận và hưởng thụ nó.
28 Tháng Hai 2016(Xem: 10714)
“Khiết Tâm gọi ta về” ôm lấy những kỷ niệm đẹp, chan hòa tình cảm bạn bè trong đêm Khiết Tâm Không Nước Mắt.
28 Tháng Hai 2016(Xem: 8982)
Năm anh em tôi xúng xính trong những bộ đồ mới đón Tết. Trên bàn thờ hương đèn rực rỡ. Mùi hăng hăng của hoa vạn thọ lan tỏa mênh mông.
08 Tháng Hai 2016(Xem: 7642)
Có điều trong số những người khách đến bệnh viện và đến nhà thăm nườm nợp, chỉ có một người bị cấm cửa: đó chính là ông chủ của... "thần tài kiêu binh" !
08 Tháng Hai 2016(Xem: 7656)
Có điều quái lạ là theo thời gian, con khỉ càng tốt tươi kiêu binh bao nhiêu thì ông ta lại càng... "may mắn" bấy nhiêu.
07 Tháng Hai 2016(Xem: 7606)
Kính gửi đến quý Thầy Cô, quý anh chị đồng môn, quý đồng hương và thân hữu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 8333)
Mùa Xuân Bính Thân sẽ đem niềm tin đến mọi nơi, mọi người trong ly rượu mừng và tiếng hát đón mùa Xuân mới.
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 9358)
Mái chòi nhà ta nửa thiếc, nửa tôn. Vách xọc xệch, nửa ván nửa cà tăng. Nhưng dẫu vậy vẫn là nhà của ta.
17 Tháng Giêng 2016(Xem: 9413)
Gì thì gì, được che lọng cho chồng cũng là một niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một người vợ lính . Một con chuột nhắt nhỏ nhắn dễ thương.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 12749)
Cố Giáo Sư Dương Hồng Duyệt một nhạcsỉ cựu giáo sư trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 9100)
Xóm Gò còn đâu nữa, nó chỉ còn lại trong tâm khảm của những ai còn sống cho tới bây giờ sau bao đổi thay của thời cuộc.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7751)
Đúng là chị Liên và Dung đã có một mùa Xuân trên đất mới vào dịp Tết đầu tiên trên nước Mỹ bốn mươi năm về trước.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 8735)
Cây Cầy giờ đây không còn nữa, xóm Bửu An cũng không còn, tất cả đã đi vào quên lãng, chỉ còn lại trong tôi một thời trẻ dại
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7833)
gia đình con dân Biên Hòa. Vận nước nổi trôi đã phân tán các thành viên của gia đình chúng tôi, kẻ nơi góc biển - người ngoài chân mây...
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7594)
nhưng tôi tin rằng nếu bỏ quên chiếc xe đạp giống như vậy nửa ngày nơi chốn đông người thì không thể nào tìm lại được
27 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8385)
Xin cám ơn máu xương, cám ơn công lao những tấm lòng dũng cảm, những người đã chết trong quên lãng
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7483)
Và khi mình có được hạnh phúc, cũng còn bao người đang chịu đựng và cố vượt qua bao nỗi đớn đau…
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7947)
Tôi cũng vậy, cũng cảm thấy lòng vui hơn, ấm áp hơn khi mỗi chiều tan, có bóng trăng tròn treo lững lơ, trôi cùng tôi trên đường về.
24 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7697)
Chúc mọi người, mọi nhà, các bạn gần xa đều có những ngày lễ Giáng Sinh thật tốt đẹp. Một năm mới vạn sự như ý.
12 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9273)
Như đang nghiêng cả cõi lòng theo con gió dạt trôi. Nhớ gì mà mắt nghe ầng ậng. Chảy dần…
12 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9935)
và cũng để soi sáng cho những người yêu thương tìm đến để cùng nhau sống muôn đời bên nhau.
05 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9918)
cây “đại thụ” duy nhất hiện còn tồn tại, trong ban giảng huấn đầu tiên trung học Ngô Quyền Biên Hòa: Thầy giáo Trần Văn Lộc…
05 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8963)
Con nói láo để má dùng khi đau yếu. Của một thuở nhà mình túng thiếu.
27 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8118)
Cám ơn, cám ơn nhiều lắm những tình cảm yêu thương mà đất nước, gia đình, bạn bè và mọi người đã dành cho bà Chín.
26 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8600)
chúng ta cùng giữ vững màu cờ như người cựu chiến binh Hoa Kỳ ấp ủ và khôi phục lại vinh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8353)
Ước gì không có ai chém giết ai, không có ai gây đau khổ cho người khác, thế giới con người cũng giản dị hiền hòa như những câu chuyện cổ tích
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8066)
Chúc sức khỏe và bình an. Chúc những bất hạnh, tai ương đi xa và biến mất khỏi những người tôi yêu thương, quý mến.
13 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8811)
Vĩnh biệt Ba Má dấu yêu của chúng con, cầu mong Ba Má sớm lên Thiên Đàng và phù trợ cho tất cả các ace và các cháu chắt được bình an, mạnh khỏe.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8347)
vòng tay ôm lẻ loi cho mình còn mãi thương nhau.
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8807)
Mẹ sẽ mỉm cươi nhìn xuống các con, cháu của Mẹ nơi đây đang tưởng nhớ về Mẹ với tất cả lòng thành kính thương yêu, gửi đến Mẹ hiền từ của chúng con.
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8721)
Một người làm việc nơi bệnh viện, chứng kiến nhiều trường hợp chết chóc đáng sợ và những cuộc phân ly tử biệt đau lòng.
24 Tháng Mười 2015(Xem: 13467)
em ước mơ mỗi ngày được gặp anh, nói với anh những lời nồng nàn yêu thương nhất.
24 Tháng Mười 2015(Xem: 9032)
chiến tranh bùng nổ tâm thâm độc.lịch sử ngàn năm lưu dấu thơ