Khi cái se lạnh của những ngày cuối năm nhè nhẹ phà hơi thở tỏa khắp muôn nơi, đủ cho các bà các cô khoe sắc muôn màu với đủ kiểu dạng áo len, áo khoác, là lúc tôi cảm thấy đầm ấm, nhớ lại hương vị của ngày Tết thời còn đi học. Cái hương vị ngày ấy rất xa xôi mà gần gũi, rất mênh mông mà lại rất nồng nàn, khiến tôi nhớ hoài, nhớ không nguôi, nhớ ngút ngàn, nhớ sao là nhớ!
Tôi làm sao quên được cái mùi thơm ngan ngát của lá dứa trong nồi bánh tét mà Mẹ và chị đã gói vào buổi chiều, cái mùi ngọt ngào của nhân dừa trong những cái bánh ít đang reo vui trong xửng hấp, mùi béo ngậy của thịt kho tàu đang rộn rã dưới lửa liu riu và cả cái mùi ngai ngái của dưa giá, dưa chua vàng ươm trong chậu. Ôi! Tất cả những hương vị ấy quyến rũ biết dường nào! Và làm cho tôi cảm thấy yêu thương hơn thêm bàn tay khéo léo của Mẹ, bàn tay dịu dàng của chị và cảm thấy rằng, cuộc đời sẽ trống vắng biết bao, nếu không có những bàn tay chịu thương, chịu khó đó.
Bước lên nhà trên, bộ lư đồng sáng rực trên bàn thờ, cành mai vàng với những nụ còn e ấp trong bình chờ giao thừa nở cánh, dĩa trái cây tươi tắn đủ loại, đủ màu, nào cam, quít, bưởi, xoài, dưa hấu cạnh bên những hộp bánh mứt sắc màu bắt mắt. Đủ thứ, đủ loại hòa quyện tạo nên một sắc thái đoàn tụ, ấm no trong ngày Tết, làm cho lòng người như quên đi những ưu tư, phiền muộn lo toan trong cuộc sống bình thường…
Chiều 30 Tết, là chiều cúng rước Tổ Tiên, Ông Bà, Mẹ và chị tôi chuẩn bị các món rất chu đáo. Cái món mà Mẹ tôi thường làm để cúng mà tôi nhớ mãi, nhớ hoài cái mùi vị thân quen, đặc biệt không bao giờ quên được—Cháo Cá Ám.
Để nấu được món ăn đặc biệt này, mẹ tôi đã khó công đi chợ từ hai ba bữa trước, chọn mua thứ cá lóc con thật to khoảng chừng 1 kg trở lên. Rồi với bàn tay khéo léo của Mẹ và chị, những con cá lóc béo mập tròn được làm sạch sẽ, cắt làm 3 khúc, bỏ vào nồi cháo đang sôi ục reo vui. Quan trọng là những món phụ tùng kèm theo rất đầy đủ cho món cháo mà không thể thiếu được món nào, bởi vì, nếu thiếu một món thì hương vị của món "Cháo Cá Ám" sẽ giảm đi mùi vị đáng kể.
Nào là đậu phọng rang vàng giã nhỏ, món rau ghém đủ mùi với những cọng giá trắng muốt, thêm vào đĩa thịt ba rọi luộc được xắt sợi đan xen những sợi vàng óng của trứng chiên, rồi đĩa bún trắng mịn với những sợi bún mềm mềm, một chén nước mắm ngon nguyên chất với những lát ớt đỏ tươi, kế bên lại thêm chén tương hột giã nhuyễn xào mỡ và còn một món rất đặc biệt, nếu không có nó thì không thể nào là món “Cháo Cá Ám” được, đó là nước me chua chua, dìu dịu, sền sệt, càng tăng thêm mùi vị cho món ăn…
Khi mọi thứ đã đầy đủ rồi, cỗ được bày ra, trước cúng Tổ Tiên, Ông Bà, sau cả nhà cùng quây quần thưởng thức. Trước hết, mọi người múc vào chén vài muỗng cháo rồi để một ít bún, rau ghém, trứng, thịt, đậu phọng rang, tương hột rồi cho một tý nước mắm, nước me trộn lại và gắp thêm cá vào. Thế là cứ hết chén này đến chén khác, nuốt đến đâu, nghe ngọt bùi đến đó. Ngậm mà nghe: Món “Cháo Cá Ám” ngon ơi!
Cho đến bây giờ, đã hơn năm chục năm rồi, khi nhắc đến món cháo đó, lòng tôi vẫn nghe đầy mùi vị quê hương, nồng nàn không thể tưởng. Tôi cũng còn nhớ những ngày giỗ Tết, Mẹ tôi thường nấu món ăn đó. Nhỏ Oanh, bạn tôi, thuở còn đi học thường ghé nhà tôi, được Mẹ tôi cho ăn món “Cháo Cá Ám”. Nhỏ Bắc Kỳ, không biết là món gì, nhưng ăn hết chén này đến chén khác, bảo sao, ngon quá là ngon! Oanh về nhà, đi chợ, mua cá lóc và đủ thứ gia vị như Mẹ tôi, rồi Oanh nấu cho cả nhà cùng ăn. Ăn xong, ai cũng cười lắc đầu bảo là: “Thôi, lần sau, Oanh đừng nấu món này nữa nha?” Không biết Oanh đã nấu thế nào? Trình bày giới thiệu ra sao mà món Nam Kỳ đặc biệt đó lại bị điểm dưới Trung Bình, Oanh còn nhớ không Oanh? Sau này còn có gan dám trổ tài nấu món "Cháo Cá Ám" Nam Kỳ của mình không? Và không biết ông chồng Nam Kỳ của Oanh cùng quê với mình có biết ăn món này không nhỉ?
Sau này, mấy chục năm trời không gặp lại, tôi được biết Oanh bây giờ, nấu ăn khá lắm, làm đủ món cho cả nhà thưởng thức. Ai nấy đều mê tài nấu nướng của Oanh… Nào phở, xôi vò, bún măng vịt, chả lụa, bánh cuốn.
Oanh nấu rất khéo, nhưng rất tiếc, tôi chưa có dịp được thưởng thức món nào của Oanh cả, và tôi ao ước rằng: Nếu được gặp lại Oanh, chắc chắn tôi sẽ được Oanh đãi cho các thức ăn Oanh nấu và ngược lại, tôi sẽ trổ tài nội trợ, đãi Oanh món “Cháo Cá Ám” theo công thức Mẹ dạy ngày xưa.
Xa rồi, Oanh có biết đâu, chính món “Cháo Cá Ám” đó đã đi vào lòng “Ông Xã” mình và bắt đầu cho tình yêu thời con gái đó Oanh…
Dù năm tháng đã phủ bụi lên miền ký ức của tôi, có cả niềm vui, lẫn nỗi buồn, yêu thương, mất mát, nhưng mỗi lần nhắc đến món ăn ngày Tết, trong lòng tôi vẫn thấy rộn ràng, háo hức. Kể sao cho xiết, nói biết bao cho vừa? Bởi trong mọi hương vị của món ăn, còn có cả mùi yêu thương, hương kỷ niệm, vị nhớ nhung và tất cả những hương vị, màu sắc đó làm cho tâm hồn người ta phong phú hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tôi nhớ giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Mẹ, lom khom chụm lửa cho nồi bánh, dù Trời đang se lạnh. Tôi thương cái dịu dàng nhẫn nại của chị, ngồi nắn nót từng hũ dưa hành, dưa kiệu ngọt dịu trắng tinh. Tôi yêu cái màu sáng choang dịu mát của căn nhà trên bởi bàn tay tháo vát của Ba và anh chăm chút. Tôi say màu nắng hanh vàng tưới trên những cây mai, khóm cúc, cụm kim đồng đang e ấp nở.
Ôi! Tôi yêu biết bao, tôi quý biết bao hình ảnh thân thương ngày ấy, và biết bao giờ mới tìm lại được đây!