7:16 CH
Thứ Năm
18
Tháng Tư
2024

Những Tấm Ảnh Cũ- Nguyên Nhung

03 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 20997)

anh_cuKhông biết mọi người ra sao, riêng tôi càng lớn tuổi càng thích lục lọi tìm những tấm ảnh cũ, mà mỗi tấm ảnh dù đẹp hay xấu, đã ố vàng với thời gian đều chất chứa ít nhiều kỷ niệm và nơi chốn.

Tháng Bảy vừa qua, người bạn thân thời thơ ấu từ Đan Mạch, viết thư cho tôi khoe vô tình xem lại những tấm ảnh ngày cưới của bạn, đã nhìn thấy hình hai bà cụ (mẹ tôi và mẹ bạn). Năm ấy là năm 1974, hôm đó tôi bận đi xa nên không đến tham dự được ngày vui của bạn.

Lòng bồi hồi vô tả, tôi viết thư bảo bạn gửi ngay cho tôi tấm hình ấy qua email là tiện nhất. Nôn nao quá, bởi vì ngày xưa mẹ tôi ít khi chụp ảnh cho nên tìm được một tấm ảnh cũ của mẹ không dễ gì kiếm được. Tôi muốn biết khuôn mặt mẹ tôi thời gian ấy ra sao, so với hình ảnh gầy còm của một bà cụ già những ngày cuối đời khác nhau như thế nào, vì mốc thời gian thường nhận rõ trong những tấm ảnh.

Hôm nhận tấm ảnh cũ có hình bóng của mẹ tôi, tôi cứ tưởng như mẹ tôi vừa từ cõi bên kia trở lại với tôi trong một tích tắc của thời gian, khiến tôi ràn rụa nước mắt. Tấm hình tuy không rõ lắm, nhưng cũng đủ cho tôi nhìn ra khuôn mặt mẹ mình, vẫn vẻ chịu đựng cố hữu của người đàn bà mà gần như cả đời chịu quá nhiều vất vả lo cho con cái ăn học, chống chỏi đơn độc với bao nhiêu nỗi buồn vây bủa.

Mẹ tôi không cười, chẳng có tấm hình nào còn giữ lại tôi nhìn thấy nụ cười của mẹ, chắc không phải vì nghiêm trang mà không nở được nụ cười, phảng phất trong tấm ảnh nào tôi cũng nhìn ra được nỗi buồn của mẹ. Chưa đầy bốn mươi tuổi mẹ tôi đã goá chồng, hoàn cảnh bi đát ngổn ngang vì thời gian ấy đất nước chia hai, lạc mất con cái trong thời ly loạn. Cuối năm 54 khi cha tôi chết rồi mẹ tôi mới tất tả dắt ba đứa con dại vào Nam, thân phận đàn bà yếu đuối như chiếc lá phải dựa dẫm vào họ hàng làng nước để sống còn, trong lúc gần như trắng hai bàn tay với cảnh đời đơn độc… 

Mẹ tôi vất vả xoay sở và rất tằn tiện để có tiền gửi các chị tôi đi học xa, công việc của mẹ tôi nếu đem so với những người phụ nữ có nhiều điều kiện trong xã hội thời điểm đó chắc không có gì để hãnh diện vì nó rất tầm thường. Những điều đó dần dần đã chứng minh qua thời gian, mở to đôi mắt nhìn cuộc đời qua nhiều lăng kính khác nhau, anh chị em tôi mới nhìn ra điều cao quý đó chính là trái tim người mẹ.

Tôi nhìn mãi khuôn mặt buồn buồn của mẹ trong tấm ảnh nhận được, mỗi lần nhìn tôi lại thấy lòng rưng rưng. Hình như tôi đã có quá nhiều thiếu sót và lầm lỗi, khi không trả được cho mẹ những gì mình đã nhận, đó là lý do làm tôi bứt rứt. Rồi nhớ lại quãng ngày tôi được sống gần mẹ, được mẹ che chở ủi an mà lại hững hờ xem đó chỉ là điều tự nhiên mình được hưởng. Chắc mẹ tôi không đòi hỏi gì nơi tôi ngoài điều mong mỏi tôi sống cho ra một người tử tế.

Khi gia đình khấm khá nhà cửa bề thế hơn, cả nhà thường khó chịu và xấu hổ vì mẹ tôi hay nhặt nhạnh, đi xin những quần áo cũ, vật dụng phế thải của những gia đình giàu có dư thừa quen biết, đem về gom vào một chỗ. Các con trong nhà ai cũng phàn nàn cái tính dở người của bà cụ, có người lại phân tích tâm lý cho rằng cuộc đời mẹ tôi vì trải qua những lúc ghê gớm nhất như trận đói năm Ất Dậu, vàng bạc mang theo bị lột sạch trước khi xuống cảng Hải Phòng ngày di cư vào Nam, đã ám ảnh mẹ tôi đến nỗi phát sinh cái tính lo xa, chắt bóp, tằn tiện của bà. Mãi sau này khi hiểu được việc làm của mẹ, lúc lâm vào cảnh đời tăm tối, tôi mới cảm kích được tấm lòng nhân ái của mẹ tôi đã bị các con hiểu lầm.

Những món mẹ nhặt nhạnh được lần hồi cũng vợi đi, đổi lại là ánh mắt, nụ cười của những gia đình nghèo khổ từ trong quê chạy ra thành phố trong thời kỳ chiến tranh, sống trong những mái lá lụp xụp vách được chèn bằng vài tấm thiếc mỏng nhặt nhạnh ngoài bãi rác. Trong đống đồ đạc của họ thế nào cũng lôi ra được vài bộ quần áo cũ, cái nồi sứt quai, đôi dép cũ, con búp bê gãy tay cho một đứa bé mà mẹ tôi đã lượm lại từ những nhà dư ăn dư mặc. Nỗi sung sướng của họ sau này tôi đã cảm nhận rõ đến chảy nước mắt, khi nhớ lại một mùa Xuân khốn khó nhất trong đời mình sau năm 1975, ngày cuối năm vẫn còn phải chạy ăn. Buổi chiều về nhà thấy con mình đang tíu tít mừng rỡ ôm gói quà của một người bạn ghé thăm chiều 30, những quả chuối khô, thèo lèo, mứt dừa, mứt bí nằm lẫn lộn với nhau trong cái bọc ny lông, kèm theo mấy chữ của người bạn cũ khiến tôi xúc động đến lặng người...

Nhờ phương tiện vi tính, tôi làm lại tấm ảnh của mẹ cho sáng đẹp hơn rồi cất vào một chỗ riêng để lâu lâu lại lôi ra nhìn lại. Mỗi lần nhìn là mỗi lần cảm thấy nỗi rung cảm sâu xa tận đáy tâm hồn.Trong những tấm ảnh cũ thời thơ ấu, mẹ tôi còn giữ hộ cho tôi hai tấm ảnh nữa. Một tấm tôi đứng trên đống củi trước nhà, cô bé lên sáu tuổi diện cái váy đầm viện trợ Mỹ rất dễ thương, nghiêng đầu cười chúm chím khi được ông anh ở xa về bế phổng lên đặt trên đống củi. Còn một tấm nữa chụp chung với con bạn hàng xóm, hai đưá trạc tuổi nhau nhưng nó cao, gầy, nước da ngăm đen, vì thế trông có vẻ khôn hơn con bạn láng giềng mũm mĩm. .

Các anh chị lớn lên rồi đi xa, chỉ có hai đứa bé ở nhà với mẹ. Chị tôi lên mười, tôi lên tám, hai đứa bé mồ côi cha quấn lấy mẹ, gia cảnh rất là thanh bạch trông nhờ vào sự đảm đang của mẹ. Hai chị em thương nhau lắm, chỉ chênh nhau hai tuổi nên lúc nào cũng quấn quýt bên nhau không rời nửa bước. Tôi tròn trĩnh mập mạp, chị lại bé quắt như quả trám. Mẹ tôi bảo chị tuổi Hợi, đáng lẽ lợn nằm chuồng an nhàn sung sướng, nhưng số chị lại vất vả, ra đời đúng năm loạn lạc, chạy tản cư nên vì thế khi sinh chị tôi, mẹ không có gì ăn, bị thiếu sữa chị phải uống nước cháo. Ngày hồi cư nhà lại chưa khấm khá, chị ốm đau luôn, quặt quẹo buồn rầu như một con chó ốm. Không hiểu có phải vì thế mà ảnh hưởng đến cuộc đời chị sau này, từ tâm hồn cho đến thể chất, chị hay buồn mà cũng dễ tủi thân…

Tôi không bao giờ quên được căn nhà thời thơ ấu ở miền Nam, bắt đầu một cuộc đời mới của bà mẹ hiền góa bụa. Chỉ có hai chị em chơi với nhau quanh quẩn trong khu vườn rộng, bao quanh là những bụi tre, cùng những cây ổi, cây mít, cây na và bao nhiêu thứ rau dại mọc tràn lan khắp vườn. Sáng ra trên mặt đất ẩm, lũ giun đất đã ùn lên những ụ đất xinh xinh. Trong khu vườn ấy mẹ tôi mùa nào thức nấy, rau cỏ hai bữa cơm cứ theo đó mà thay đổi. Khi trồng khoai, lúc trồng đậu, củ khoai nóng thơm lừng lùi trong bếp lửa là những món quà nhà quê rất thú vị. Những đọt đậu đen bùi bùi cho bữa cơm chiều, thêm bát tương quả cà của mẹ tôi, cuộc sống cứ vậy trôi đi êm ả theo tiếng gà eo óc lúc ban trưa, tiếng chó sủa vu vơ trong xóm vắng, tôi vẫn cho là những kỷ niệm đẹp nhất trong thời niên thiếu…

Những khi mẹ vắng nhà, lâu lâu mẹ tôi lại phải lên vùng cao nguyên để mua xương cọp, xương nai về nấu cao làm thuốc. Đó là nghề gia truyền của bên ngoại tôi hồi mẹ tôi chưa đi lấy chồng, bấy giờ khi cần đến mẹ tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Mỗi lần đi vắng mẹ tôi phải gửi con cho người hàng xóm dăm bữa, ở nhà chỉ còn có hai chị em, lúc ấy chị tôi còn bé tẻo teo mà đã phải đóng vai người mẹ lo cho em ăn khi đói, dỗ em khi em khóc, và lúc trời ngả bóng chiều nhập nhoạng tối là tôi bắt đầu làm khổ chị.

Ban ngày, củ khoai cái bánh cục kẹo, rồi loanh quanh trong khu vườn hoa, mải chơi nên tôi ít nhớ mẹ, nhưng cứ trời về chiều, mấy con gà gọi nhau về ổ, những bóng đen của cây cỏ nhảy múa trong khu vườn tối, tôi bắt đầu buồn và nhớ mẹ lắm. Bữa cơm chiều chỉ có hai đứa trẻ con với nhau, dưới ngọn đèn hoa kỳ vừa đủ sáng. Sau bữa cơm là chị tôi học bài, học như cuốc kêu mùa, hè, cố đọc to như để trấn áp nỗi sợ vu vơ của đủ thứ hình bóng ma quỷ ngoài cửa sổ. Tôi bắt đầu sụt sịt, mũi và hai vầng chân mày đỏ ửng lên, rồi như một cơn lũ ùng ục dâng lên tận họng, tôi bắt đầu gào to trong nỗi cuống quýt của chị. Chị bé quắt như con gà con, vừa học bài vừa dỗ em, em cứ gào lên khóc, khiến chị tủi thân cũng òa khóc theo, hai con chim non liếp chiếp trong một cái tổ khi mẹ đi kiếm ăn, chắc cũng tội nghiệp như thế!

Cho đến ngày chị tôi đi học xa, mẹ tôi vốn quê mùa nên dành dụm tiền bạc gửi các chị tôi vào nội trú, một nơi thật bảo đảm để các chị tôi được ăn học nên người. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con quạnh quẽ sống qua ngày, nhưng đấy là thời gian vui nhất vì thỉnh thoảng tôi được mẹ dắt theo đi thăm chị, rồi nhân tiện tạt qua Biên Hòa thăm vài người quen sống ở đó. Thành phố Biên Hòa lúc ấy trong đôi mắt của đứa trẻ lên mười như tôi rất nhộn nhịp, cả nhịp cầu Gành trên sông Đồng Nai cũng mang cho tôi bao điều kỳ diệu về một dòng sông. Sau này trong trí nhớ của tôi vẫn in đậm nỗi mơ ước nhịp cầu dài mãi ra, khi chuyến xe dập dình đi qua những thanh gỗ lót dưới lòng cầu, gió sông Đồng Nai mát rượi phả vào lòng xe chật chội.

Mỗi lần đến Biên Hòa mặt mẹ tôi như tươi trở lại vì gặp lại người cùng quê hương xứ sở. Hai bà mẹ ngồi bên nhau bõm bẽm nhai trầu, kể chuyện ngày xưa ở ngoài Bắc hai nhà sống cùng một phố, uống chung giếng nước Tiền Hùng, những ngày phiên chợ người trong các làng quê kĩu kịt gánh hàng ra chợ tỉnh. Riêng tôi thì nhớ đến những bát chè thạch mát rượi của cô hàng quà dưới gốc bàng trước cửa, nhân quả bàng lấy từ những quả bàng vàng ối, chiếc bánh chưng rán bé bằng bàn tay trước cửa nhà thờ là những món ngon mà trẻ con rất ưa thích.

Nhắc đến những mùa Xuân thời thơ ấu ở miền Nam, sống trong căn nhà đơn sơ, đón những cái Tết nghèo nàn trong sự lo toan vất vả của mẹ, tôi lại nhớ đến những bức tranh Gà tranh Lợn, được in trên những tấm giấy dài ngoẵng để treo trên vách đón Xuân sang cho xôm nhà xôm cửa. Hai chị em dành dụm được ít tiền rủ nhau đi chợ Tết, vì đó là những phiên chợ vui nhất trong năm. Chúng tôi sà vào gian hàng của người bán tranh dạo bày la liệt trên mảnh ni lông trên nền đất. Con gà mẹ dẫn đàn con đi ăn, trông líu ríu rất dễ thương, còn anh gà trống mào đỏ như son, đứng oai vệ trên cành cây đang rướn cổ lên gáy. Mấy con lợn con ủn ỉn quây quanh bà mẹ nái xề lòng thòng vú mớm, xục mõm vào những ụ đất trong vườn, đều gợi lên trong lòng đám trẻ nhỏ màu sắc tươi vui của một đời sống bình dị và êm ả vẫn thường thấy ở nhà quê.

Nhưng có lẽ màu sắc từ những bức tranh lợn, tranh gà mới bắt mắt với lũ trẻ nhiều hơn, khi lớn lên óc mỹ thuật cho chúng tôi nhìn những bức tranh cuộc đời với màu ảm đạm là đẹp và nghệ thuật, thế nhưng những tấm tranh giấy dài thượt có con gà, con lợn đầy màu sắc vẫn để lại trong ký ức của chị em tôi những nỗi vui thầm kín rất dễ thương. Mùa Xuân năm đó hai chị em khuân về nhà những bức tranh gà tranh lợn, hí hửng với mùa Xuân trẻ thơ làm căn nhà nghèo nàn rực rỡ hơn, thì anh tôi đi làm xa về ăn Tết.

Cảm giác của hai đứa trẻ con thật ngỡ ngàng khi anh tôi cau mày xé toạc những tấm tranh Gà tranh Lợn mà hai đứa đã dành tiền để mua, đang vui vẻ vì tưởng đã đem được mùa Xuân về trong căn nhà nhỏ. Chúng tôi còn ngây thơ nên không hiểu sao anh tôi lại xé đi những bức tranh Lợn, Gà đẹp như vậy, hóa ra cái nhìn của người lớn không bao giờ giống trẻ con. Người lớn đối với chúng tôi hẹp hòi, khe khắt và kỳ cục, bắt trẻ con theo ý thích của họ. Mặc dù thất vọng vì bị đánh mất niềm vui, chúng tôi vì sợ anh nên chỉ im lặng nhìn nhau, rồi dẫn nhau ra mảnh vườn hoa của mình khóc thút thít.

 

Chị tôi lớn dần lên và mẹ cho chị đi học xa, mỗi năm chỉ về nhà chơi với em vào dịp hè, dịp Tết, những bức tranh gà tranh lợn đã chìm vào quá khứ. Đời chị hình như cứ hay buồn vì hai chữ định mệnh đặt để lên mỗi con người. Bên bờ giếng có cây hoàng lan tỏa mùi thơm ngọt ngào, con chim khuyên vẫn nhảy nhót tìm mồi, đời đã buồn gì đâu mà sao trên khuôn mặt chị tôi lại nhìn được nét u uẩn dấu trong ánh mắt. Tự nhiên tôi nghĩ đến cây thập giá mạ vàng chị tặng tôi hồi nhỏ, linh cảm rằng cuộc đời chị sẽ là một chuỗi buồn khổ triền miên.

 Năm sắp lên Đại Học chị đã có người yêu. Chị cũng biết làm thơ, bài thơ đầu đời của chị tôi vẫn nhớ:.

"Anh thổi sáo cho hồn em ngất ngây

Hồn chơi vơi với tiếng sáo dâng đầy

Và kề môi em tập làm nghệ sĩ

Em chợt buồn trong tiếng sáo thơ ngây"

Nỗi rung cảm với nụ hôn đầu của đời thiếu nữ, chỉ một lần duy nhất chị làm thơ. Sau đó mối tình học trò vỡ tan khi người yêu của chị lên đường nhập ngũ rồi xa nhau bất ngờ như khi gặp, cứ hẹn hoài rồi biền biệt đến thiên thu. Chị hay rủ tôi đi tản bộ những đêm trăng, trên con đường tráng xi măng dẫn vào một ngôi chùa nhỏ, thủ thỉ kể tôi nghe nhiều chuyện, có lẽ con đường này chị và người yêu của chị đã nhiều lần từng chung bước, nghe như bao niềm yêu còn vướng vít trên từng bụi hoa cỏ mọc ven đường.

Khi gia đình vì thời cuộc phải chuyển về thành phố ở miền Tây, thời Trung Học tôi hay chở chị đến trường bằng chiếc xe đạp của mình, không hiểu sao những người bạn học của chị cũng nằm trong trí nhớ của tôi, trở nên thân thiết để biết rõ tâm tư, hoàn cảnh của từng người. Ngồ ngộ nhất là những khuôn mặt trẻ đang tập làm người lớn, tâm hồn bị giao động khi một đêm nào đó nghe tiếng đại bác dội về thành phố, ánh hỏa châu lơ lửng giữa đêm đen, người bạn cùng lớp lên đường nhập ngũ, người cha nằm xuống sau trận đánh kinh hoàng, tất cả đều để lại nỗi suy tư trong lòng đám trẻ chúng tôi dạo ấy…

Chiến tranh. Là một điều gì buồn bã, cộng thêm những nỗi chia xa trong cuộc đời nặng trĩu tâm tư tuổi thanh xuân của chị em tôi. Là một cái gì lạnh lẽo, sắc nhọn như miểng đạn dội vào thành phố lúc nửa đêm, buổi sáng hôm sau đạp xe đi học, gặp ông thầy Việt Văn mặt mũi bơ phờ, thầy trò nhìn nhau cười, nụ cười chết chóc, kinh hoàng của chiến tranh còn đọng lại trên những đôi môi người sống.

Chị em tôi học hành giữa những biến động của thời thế, hoang mang, ngờ vực, mất mát cứ theo nhau diễn biến từng ngày, từng giờ. Sợ nhất là những tối thức khuya học bài, nghe ngóng một âm thanh quái đản vút lên ngang bầu trời, cuống quýt chui vào chiếc hầm ngột ngạt bằng bao cát. Lắm khi chỉ kịp chui có cái đầu và nửa phần trên ở trong hầm, như để chạy trốn âm thanh dữ dội của ma quỷ, những khi ấy ngồi bên chị, tôi lại nhớ đến những buổi tối ngày thơ ấu, khi mẹ tôi vắng nhà chỉ có hai đứa bé thơ. Giá như đêm ấy quả đạn cướp đi nửa phần người, thì cần gì đến một chiếc quan tài đủ thước tấc.

Cuộc đời chị em tôi còn trải qua một quãng ngày dài vật lộn với cơm ăn áo mặc, với đủ thứ nghi kỵ tư tưởng sau ngày chiến tranh chấm dứt. Mỗi đứa mỗi cảnh, người ta không dễ gì rũ nỗi định mệnh ra khỏi đời mình, như chị tôi vẫn cam chịu vác cây Thập giá mạ vàng trên vai chị mấy chục năm ròng. Trong khoảnh khắc của đời sống, tôi vẫn nhớ chị tôi, mỗi khi xuân về tôi lại nhớ như in mảnh vườn nho nhỏ trồng hoa thời thơ ấu, nhớ vách tường đất sét quét vôi trắng mà ở đó có những bức tranh gà, tranh lợn nhà quê, rẻ tiền nhưng chất chứa tình đầm ấm của một tuổi thơ dại khờ êm ả. Chị tôi sống an phận với đời một nhà giáo nghèo, hằng ngày thức ăn có khi chỉ là vài con cá tanh tưởi, được đổ vào đó đủ thứ gia vị để nuốt trôi một bữa cơm, là những ngọn rau cần nước mọc dưới vũng nước sâm sấp sau nhà. Đứa con gái đầu lòng của chị nhem nhếch như một cô bé lọ lem, ngồi buồn so trong căn bếp tối khi chị quần thảo với bài học chính trị trong trường học, chưa về kịp để lo cơm nước cho con…

Trước khi đi xa, chị em tôi có dịp thức với nhau một đêm dài, bao nhiêu câu chuyện thời thơ ấu được đem ra kể lại, vừa vui vừa buồn, vừa cười mà mắt lại rướm lệ. Khi nhắc đến mùa Xuân xưa, chị em tôi lại nhắc đến những bức tranh Gà tranh Lợn, tôi bảo chị đừng bao giờ làm mất niềm vui của trẻ thơ, vì người lớn không thể hiểu và không thể đồng cảm với thế giới của tuổi thơ trong sáng như một trang giấy trắng. Lại nhớ đến mảnh vườn hoa nho nhỏ thời thơ ấu, có bao nhiêu thứ hoa tầm thường đã nở hoa trong tuổi thơ của chị em tôi, theo năm tháng cuộc đời đã trở thành những đóa hoa tư tưởng trong tâm hồn. Sau này khi lớn khôn, tôi có dịp trải dài trong những bài văn, bài luận trên ghế nhà trường, và đã thành câu chuyện dông dài làm kỷ niệm cho một đời khó quên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6670)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5855)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6922)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7324)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6341)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6052)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6611)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5420)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5282)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5579)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5517)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5563)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6017)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6811)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6825)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6164)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6095)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6261)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6442)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6902)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6566)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6945)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7019)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6807)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6426)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47137)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66974)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24940)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5980)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5974)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6289)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7010)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5518)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5764)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6372)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5647)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5461)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5923)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6405)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5472)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 6005)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6198)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6207)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8159)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7095)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6336)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8732)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7790)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7419)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7347)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu