12:28 CH
Thứ Tư
24
Tháng Tư
2024

Cơn Bão Rớt - Nguyên Nhung

16 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 21050)
 

Tôi tên Uyên, tên của một loài chim cô đơn, đứa trẻ mồ côi lớn lên bằng sự thương yêu cuả các nữ tu trong một Nữ Tu Viện tại Đà Lạt. Tu Viện có khu nội trú dành cho những nữ sinh con nhà giàu, nhưng đấy chỉ là phương tiện để nhà Dòng lấy lợi tức sinh sống và làm việc bác ái. Suốt một thời ấu thơ, tôi và một số những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, đã nhận được sự chăm sóc trìu mến cuả những tấm lòng nhân hậu của các bà sơ áo trắng. Nếu không rời bỏ khu nội trú của nhà Dòng, thích tự lập đi làm để nuôi thân, chưa chắc tôi đã gặp Vĩnh, để đâu biết rằng từ đấy tôi đã theo chàng đi vào vùng phong ba, bão táp của tình yêu.

Năm đã khôn lớn, tôi có hỏi về cha mẹ mình, tôi được Soeur Jacqueline kể lại cho nghe đôi chút về cha mẹ tôi, vì Soeur là người đầu tiên đón nhận, săn sóc tôi như một người mẹ hiền. Một người đàn bà giúp việc cho gia đình cuả ông bà ngoại tôi, bồng đến tu viện một đưá bé gái chưa đầy tháng vào một ngày cuối Thu Đà Lạt. Theo lời Soeur Jacqueline, cha tôi là một người trí thức yêu nước, trước khi theo kháng chiến đi hoạt động bí mật, đã để lại tôi trong bụng một cô gái con nhà giàu, có tiếng tăm. Mối tình lãng mạn mà kết quả là sau khi sinh tôi ra, mẹ tôi đã bị ông bà ngoại bắt kết hôn với một người Pháp rồi theo chồng về nước. . .


Tôi chẳng trách gì cha mẹ, cha tôi vì lý tưởng mà dấn thân vào con đường nguy hiểm, trước cảnh "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Mẹ tôi trẻ người non dạ, bị áp lực gia đình mà đành đoạn lià con để rồi cũng bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Soeur Jacqueline nói với tôi như vậy, để an ủi tôi rằng dù sao tôi là kết hợp dòng máu của một người đàn ông quả cảm, với một người đàn bà xinh đẹp, con nhà danh giá. Nếu có trách chăng thì chỉ trách ông bà ngoại tôi đã áp lực quá lớn để mẹ con tôi tách lià nhau, không biết cha tôi có biết đến sự có mặt cuả tôi trong cuộc đời, và mẹ tôi có bao giờ ân hận đã bỏ một đứa con. Cha tôi không bao giờ trở về, nhưng chút ngạo mạn, can trường từ dòng máu của cha tôi còn luân lưu trong huyết quản, tôi cho rằng mình sẽ khuất phục tất cả để vươn lên trong mọi hoàn cảnh.


Khi tốt nghiệp xong Trung Học, lúc ấy tôi vừa mười chín tuổi. Tôi đã có chí tự lập, muốn ra ngoài làm việc như mọi ngưòi bình thường chứ không thể ở mãi trong tu viện, dù nơi này là chỗ trú ẩn an toàn nhất cho một người con gái. Tôi là con của cha tôi mà, dù không biết mặt mũi ông ra sao, nhưng tôi vẫn hình dung ra một khuôn mặt đàn ông rắn rỏi, nghị lực, xem thường tất cả những khó khăn, nguy hiểm. Tôi cũng biết tôi đẹp, di sản của mẹ tôi để lại, dáng người mảnh mai, yếu ớt nhưng nét mặt lại đầy nghị lực, sự pha trộn của cha và mẹ khiến mỗi khi im lặng suy nghĩ, nét mặt tôi chìm đắm xa xôi với đôi mắt trông đắm đuối rất mê hồn. Tôi khổ vì đôi mắt ấy, để khi gặp Vĩnh, đời tôi như con thuyền lao đao trong cơn sóng lớn, tôi mới cảm nhận được nỗi buồn trong đôi mắt mình, hình như là dấu hiệu báo trước sẽ gặp mối tình đầu đầy đau khổ.


Lúc ở trong Tu Viện, chúng tôi được xếp làm hai khu riêng biệt. Những cô nữ sinh con nhà giàu được cha mẹ gửi tới nội trú, họ có một thế giới riêng, được người khác phục vụ. Chúng tôi, những đứa trẻ mồ côi ở một khu riêng, có một thế giới riêng dù khi đi học, chúng tôi vẫn được sinh hoạt chung với nhau. Thật sự với lưá tuổi thiếu nữ vô tư lự, tôi không cảm thấy bao nhiêu sự chênh lệch giàu nghèo giữa con người với nhau. Nhưng mỗi lần xuân đến hay hè về, khi các bạn được gia đình đưa đón về nhà, còn chúng tôi cứ lủi thủi trong mấy bức tường cuả khu Tu Viện quạnh vắng, nhìn ra bên ngoài chỉ nhấp nhô những đồi thông bao xung quanh, tôi thấy đời ảm đạm quá.

Chính điều này đã làm tôi muốn thoát ra khỏi nơi đó, bằng cách ra ngoài xin một việc làm cho cơ quan thiện nguyện, tôi đã trải qua những ngày ấu thơ buồn rầu trong cô nhi viện, nên cũng mang ước nguyện làm được một điều gì đó cho những người bất hạnh như tôi. Cùng với một cô bạn gái làm chung sở, gia đình ở Nha Trang, hai đưá tôi thuê một căn nhà nhỏ, ngoài giờ đi làm, tôi và Linh còn nhận đan áo ấm cho những tiệm đan len ở Đà Lạt.

Thời gian ấy, Linh có một anh bạn cùng quê đang thụ huấn ở Trường Võ Bị, ngày chủ nhật nào anh cũng ghé thăm Linh và dẫn theo một anh bạn cùng khoá. Mới gặp nhau lần đầu, tôi đã bị cuốn hút ngay vào Vĩnh bởi nét chững chạc, khôi ngô, đằm thắm toát ra trong từng cử chỉ,lời nói. Từ đấy quen lệ, hầu như mỗi ngày chủ nhật ra phố, hai chàng SVSQ xa nhà vẫn ghé vào thăm, tôi và Linh lại trổ tài nấu nướng để đãi hai người hùng Võ Bị. Chiếc khăn phu la màu tím Vĩnh quấn trên cổ những hôm trời Đà Lạt thật lạnh, cũng là món quà đầu tiên tôi tặng chàng, với tất cả nỗi nhớ nhung của mối tình đầu đời rất thơ mộng. Buổi tối ngồi trong căn phòng tí tách tiếng than hồng, đôi mũi kim thoăn thoắt đưa từng sợi len mềm mại, tình yêu tôi đã gửi hết vào đấy, kết thành chiếc khăn phu-la ấm áp gửi cho chàng trong những phiên gác đêm. . .


Có lẽ hai năm cuối của Vĩnh ở Đà Lạt, là những tháng ngày thơ mộng nhất trong đời tôi. Đà Lạt loanh quanh những lối đi quen, đồi thông nối tiếp đồi thông, rừng hoa vàng đan nhau nở ven lối đi, không gian như được ướp mùi nhựa thông thơm hăng hắc. Buổi chiều, tôi thích nhất những buổi chiều Đà Lạt, ngồi với Vĩnh ở một quán kem bên bờ hồ, nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả ngân nga, từng giọt cà phê thơm nồng quyện lẫn với khói thuốc khiến không gian càng thêm ấm cúng. Đà Lạt đẹp óng ả như cô thiếu nữ khoác chiếc áo măng tô màu vàng sẫm, tôi hay trốn vào vai chàng để tìm chút ấm áp chở che. Buổi chiều khi Vĩnh phải trở về Trường, tôi đứng tần ngần dưới gốc thông bên lề đường, nhìn theo bóng chàng khuất dần trên con dốc nhỏ.


Thế rồi tháng 12 năm đó, Vĩnh chuẩn bị rời Trường ra đơn vị. Những ngày cuối ở Đà Lạt, có lẽ là những ngày thơ mộng xen lẫn nỗi ngậm ngùi vì chúng tôi sắp sửa xa nhau, dù Vĩnh đã hưá với tôi chàng sẽ trở về Đà Lạt. Ngày ra trường cuả Vĩnh không có mặt tôi vì sự hiện diện cuả mẹ chàng và cô em gái, tôi chưa đủ tư cách để xuất hiện với những người thân trong gia đình chàng.


Nhưng, tôi có nguyên một buổi tối dự Đêm Truy Điệu với Vĩnh trước ngày Lễ Ra Trường của chàng, một đêm cuối cùng quấn quýt trong tay chàng, buổi Dạ Vũ "cây nhà lá vườn" kéo dài đến nửa đêm về sáng. Khi hai đưá dìu nhau trong điệu "Tango" thật lả lướt, tôi gần như muốn lả trong vòng tay rắn chắc và ấm áp của Vĩnh. Nỗi buồn len lỏi vào tâm tư khi nghĩ đến ngày chia tay sắp tới, tôi vẫn bình yên ở thành phố này, nhưng chắc chắn Vĩnh của tôi sẽ "giầm mình trong gió sương" với gian khổ chiến trường. Tôi chỉ sợ mình mất Vĩnh, tôi đã âm thầm khóc lặng lẽ trên vai chàng, nghe Vĩnh thì thầm bên tai tôi những lời êm đềm cho một hạnh phúc thật gần trong tầm tay.


Tôi cứ nhớ mãi đêm tuyệt vời đó vì nó là kỷ niệm có một không hai trong đời tôi. Đà Lạt đêm ấy lạnh và đẹp, thoang thoảng mùi nhựa thông trong ánh đuốc bập bùng, đêm Truy Điệu các niên trưởng đã hy sinh đền nợ nước của Vĩnh được cử hành thật trang trọng và cảm động. Khuôn mặt Vĩnh lúc ấy khi đứng trước hàng quân, trông rắn rỏi và kiêu hùng như hứa hẹn chàng cũng sẽ sống một đời dũng cảm và oai hùng như những bậc đàn anh đã hy sinh vì Tổ Quốc. Trong bóng đêm bừng lên ánh lửa bập bùng, tiếng ai đó rền rền trong màn sương lạnh:

" Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến
Đám sương mù tàn tạ mảnh chinh y..."

Tiếng vọng của hồi kèn truy điệu não nùng như hằng trăm hương linh anh hùng tử sĩ đang trở về chứng giám. Không biết giây phút ấy Vĩnh có cảm động không, riêng tôi mắt đã ướt từ lúc nào. Tôi nghĩ đến Vĩnh và bạn bè chàng trong những ngày gian khổ của đời lính sắp tới, đời sinh viên thơ mộng sắp chấm dứt. Sẽ hết những ngày chủ nhật Đà Lạt nắng ấm lang thang bên nhau trên đồi thông, sẽ hết những buổi sớm mùa Giáng Sinh, chàng quỳ bên tôi trong ngôi Thánh Đường ngày chủ nhật, tay nắm lấy bàn tay để chuyền cho nhau hơi ấm, Vĩnh sẽ rời Đà Lạt và tôi còn lại một mình đợi chờ, nhung nhớ. . .


* * *


Vĩnh nhận đơn vị ở Long Khánh, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, không xa Sài Gòn bao nhiêu lại phảng phất chút buồn Đà Lạt những buổi sáng mù sương. Tôi ở lại Đà Lạt một mình, ngóng từng cánh thư và lâu lâu một kỳ nghỉ phép, Vĩnh trở về thăm tôi. Đơn vị của Vĩnh nằm ngay cửa ngõ miền Đông, từ đây về Đà Lạt không xa lắm, nhưng những khu rừng cao su bạt ngàn chập chùng đầy bất trắc. Tôi một nơi chàng một nẻo, con đường Đà Lạt - Sài Gòn với ba trăm cây số, đầy những hiểm nguy rình rập, nào ai biết được chuyện gì sẽ xảy tới.


Ở lại Đà Lạt một mình với nỗi nhớ và hình ảnh chàng bàng bạc đó đây. Những đêm Đà Lạt gió hú đầy trời, nhìn hàng thông sau nhà quằn quại dưới trăng, tôi quấn mình trong chăn để chìm đắm trong niềm thương nhớ bất tận, đi theo hình ảnh chàng vào vùng giông bão của những chiến trường khét mùi thuốc súng. Tôi đã khóc nhiều đêm cô đơn như thế, để rồi khi vắng tin nhau, tôi cũng liều lĩnh đi tìm chàng nơi vùng đóng quân, bạt ngàn những thân cao su thẳng tắp, những vườn chuối và rẫy vườn đan nhau bằng những con đường đất đỏ. Buổi chiều nhìn cây Thánh Giá vươn lên nền trời buồn bã, ảm đạm chiến tranh, đôi mắt tôi rưng rưng khi gặp lại Vĩnh da xạm nắng, trong bộ chinh y vương bụi đỏ miền Đông, ngửi được mùi mồ hôi khét nắng chói chang muà hè.


Đêm đầu tiên chỉ còn hai đứa với nhau, hình như trong tôi lại sống dậy cái lãng mạn cuả mẹ tôi ngày nào, tôi đã dâng hết cho chàng đời con gái mà không ngậm ngùi nuối tiếc. Đứng trước tình yêu lòng tôi mềm như liễu rủ, bao nhiêu năm gìn giữ, bao nhiêu lời dặn dò cuả các Soeur trong Tu Viện tôi quên sạch, không hề ân hận nếu chẳng may, một ngày nào đó. . . Làm sao giữ được những giờ phút hiếm hoi cuả hạnh phúc, Vĩnh cuả tôi đang chênh vênh giữa hai bờ sinh tử, như ngày xưa ba tôi đã bỏ mẹ tôi để ra đi mãi mãi.... Chỉ biết giây phút đó tôi được sống bên chàng, hoà vào hơi thở của chàng, nghe con tim rộn ràng trong lồng ngực. Bên ngoài là ánh sáng hoả châu vừa bừng lên trong đêm tối, tiếng di động cuả bước chân người lính đổi phiên gác trong đêm sương dưới ánh trăng mờ. . .


Ân tình càng ngày càng nồng nàn, khắn khít. Thấm thoát hơn một năm kể từ ngày Vĩnh ra trường, sau khi đến thăm Vĩnh ở lại với chàng đôi ngày, tôi lủi thủi trở về Đà Lạt một mình, Vĩnh lại lao đầu vào cuộc chiến đầy gian khổ, mãi tới khi mẹ chàng quyết định đi hỏi vợ cho con, Vĩnh mới giật mình nghĩ tới chuyện đưa tôi về ra mắt mẹ. Vĩnh hay cười trêu tôi , dù chưa đám cưới nhưng từ lâu chàng xem tôi đã là vợ chàng, chàng chỉ lo tôi trở thành goá phụ đôi mươi , và ý nghĩ đó làm chàng cứ buồn vơ vẩn.


Cuối cùng, tôi cũng được Vĩnh đưa về nhà vào một kỳ nghỉ phép, để không thể ngờ mình khó bước chân được vào một gia đình bảo thủ, lắm thành kiến. Dù biết thừa rằng chàng đưa tôi về nhà với mục đích gì, mẹ Vĩnh vẫn rất ngọt ngào, bình tĩnh bảo cho chàng biết gia đình đã thu xếp để định ngày đám hỏi. Khi thấy tôi ngồi yên lặng, đôi chân đôi tay thừa thãi như không biết để đâu, bà xoay qua hỏi tôi về thân thế gia đình , bằng đôi mắt vừa soi mói , vưà nghiêm khắc, vẻ lạnh lùng ấy làm cho tôi cuống quýt sợ hãi. Một phần vì không quen nói dối, một phần ảnh hưởng tính quật cường lì lợm cuả ba tôi, tôi kể thật hết cho mẹ chàng biết cuộc đời của tôi. Kể một hơi rồi oà lên khóc cho nỗi tức tối, buồn phiền thoát đi theo dòng nước mắt, trong khi Vĩnh ngồi bên cạnh, mặt mũi nhăn nhó khổ sở.

Tôi nhớ mãi ánh mắt và câu nói đầy vẻ miệt thị của mẹ Vĩnh:

" À, ra thế!"

Rồi bà lại bình tĩnh vui vẻ quay qua con trai tiếp tục câu chuyện chuẩn bị đám hỏi, đám cưới, hình như bà cố bắt tôi nghe để tìm cách mà rút lui, không đếm xỉa gì đến tôi đang co người lại để ôm lấy nỗi đau khổ, nhục nhã một mình. Trong đầu tôi vang vang hoài câu nói:"À ra thế!" của mẹ Vĩnh. Chỉ một câu ngắn thôi mà đầy vẻ miệt thị, tiểu sử của một đứa con gái không cha không mẹ, sống nương nhờ vào lòng nhân ái của các bà sơ áo trắng, đâu có xứng đáng để được bước chân vào nhà bà, huống gì nghĩ đến chuyện làm dâu. Những người mẹ có thể hiền lành với con mình, nhưng đứng trước một người đàn bà khác mà họ không ưa, họ cũng tàn nhẫn, ác độc biết chừng nào. Tôi ù cả tai khi nghe bà kể cho Vĩnh nghe về người vợ tương lai của chàng, cô sinh viên tốt nghiệp sư phạm nào đó, đẹp mặn mà lại là con nhà tử tế, hai gia đình đã hưá hẹn với nhau . Ba cô ấy là một người có thế lực, có thể chuyển Vĩnh về thành phố dễ dàng, không phải lặn lội hành quân . . .


Tôi ngồi đấy để nghe những lời nói bình thản cuả mẹ chàng, như không hề đếm xỉa đến sự có mặt buồn rầu của đứa con gái lẻ loi, tội nghiệp trong căn nhà ấy, mà mỗi lời nói ra lại như một mũi dao nhọn xoáy sâu vào nỗi đau khổ của tôi. Để đến lúc đứng lên chào mẹ Vĩnh, bước ra khỏi căn nhà lạnh lẽo ấy, tôi lảo đảo đi không vững, sau này tôi mới biết lúc ấy đưá con cuả tôi và chàng cũng đã tượng hình trong lòng mẹ. Không, không thể nào bước chân vào căn nhà này để xin xỏ chút tình thương thừa thãi của ai hết, kể cả người đó là mẹ chàng. Lúc đưa tôi về, Vĩnh cằn nhằn tôi quá thực thà đem hết chuyện mình ra kể cho mẹ chàng nghe, mà theo chàng chưa phải lúc để kể. Đang buồn khổ, mặc cảm, những câu nói của Vĩnh lúc ấy như dầu đổ vào lửa, đây là lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau, chưa lấy được nhau mà đã có quá nhiều rắc rối, giờ này tôi mới thấm thía thân phận một đưá con gái mồ côi, mới hiểu được những dặn dò của các Soeur khi lo lắng, chuẩn bị cho tôi bước vào đời.


Chiều hôm đó, sau khi đưa tôi về khách sạn, Vĩnh phải về nhà với mẹ. Tôi không biết chàng có đủ sức thuyết phục mẹ mình để cưới tôi làm vợ hay không, nhớ lại đôi mắt đầy vẻ miệt thị của mẹ Vĩnh lòng tôi lại quặn lên nỗi buồn tủi, tôi lặng lẽ rời khách sạn, tìm đến một chị bạn quen học cùng lớp ngày xưa ở Đà Lạt. Tôi kể hết cho bạn tôi nghe nỗi đắng cay đó, nhờ bạn tôi giúp đỡ để rời Đà Lạt sớm chừng nào hay chừng nấy. Vài hôm sau, có lẽ Vĩnh cũng đã trở ra đơn vị, tôi một mình trở về Đà Lạt xin thôi việc, thu xếp hành lý về Sài Gòn sinh sống. Tôi quyết định xa Vĩnh từ lúc ấy. . .


* * *


Ngày hôm ấy là ngày buồn thảm nhất trong đời tôi, nó ghi đậm vào tận tâm khảm đến suốt cuộc đời, đôi khi tôi giật mình cho sự cao ngạo của mình khi dứt khoát trả Vĩnh về cho mẹ chàng,vì lúc nào tôi cũng bị ám ảnh và quay quắt vì ánh mắt của bà. Tôi khóc vùi đến sưng cả mắt, có lẽ hôm ấy lòng Vĩnh cũng rối nùi lên vì không biết làm sao đẩy được cái thành kiến khắt khe nơi bà mẹ để quyết lấy tôi làm vợ. Một bên hiếu, một bên tình, mẹ Vĩnh quyết liệt đẩy tôi ra khỏi đời con bà, tôi lẻ loi làm sao chống lại được. .


Tôi được chị bạn giúp tìm ngay một công việc mới ở Sài Gòn, vì thế chỉ vài hôm sau là tôi đã mau chóng thu xếp về Đà Lạt, xin phép thôi việc rồi từ giã Linh về Sài Gòn, không để lại địa chỉ. . .


Tôi xa Đà Lạt như thế đó, dù đã sống hơn hai mươi năm ở thành phố êm ả, tĩnh lặng xinh đẹp này. Tôi cũng xa Vĩnh như thế đó, dù đã gắn bó với chàng thân liền thân, yêu đến mê man chết một đời con gái. Phải đến khi cơ thể bị hành hạ bởi những cơn chóng mặt, ói khan từng hồi tôi mới biết là tôi đang mang trong lòng giọt máu cuả chàng. Cứ nghĩ đến chuyện đi tìm Vĩnh để "bắt đền" chàng như đưá trẻ con khóc lóc để được một cục kẹo, để nhìn lại cặp mắt cuả mẹ chàng một lần nữa quét lên người tôi tia nhìn khinh bỉ, "À ra thế!", con bé mồ côi thì ai dạy dỗ mà chẳng hư thân, mất nết. Tôi có thể đi làm để nuôi con, tôi thưà can đảm để không giống mẹ tôi ngày xưa, tôi sẽ giữ được đứa con cho mình, vì tôi là một người mẹ, dù cho thế nào đi nưã tôi cũng giữ được hình ảnh chàng mãi mãi qua đứa con đang hình thành để được làm người. . .


Không phải tôi đã dễ dàng để thích nghi được với nỗi buồn ấy đâu, nhưng thôi cứ để Vĩnh xem đó chỉ là sự lầm lỡ rất lãng mạn làm kỷ niệm một đời. Chắc chắn là chàng chưa hề hay biết gì về đứa con sẽ có mặt trong cuộc đời, đưá con của tình yêu và đau khổ, của bão tố và chia ly mãi mãi. Tôi đã phải vật vã nhiều ngày với nỗi bầm dập của thể xác, chống trả với nỗi đau tinh thần, những lúc đó tôi có nghĩ đến cái chết, nếu không có bạn tôi an ủi và nâng đỡ. Không,tôi không bao giờ mất chàng, vì tôi vẫn giữ được đứa con mang máu thịt chàng trong lòng tôi, giá nào thì tôi cũng giữ lại cho mình cái gì đó của chàng,dù mẹ chàng có cố tình chia uyên rẽ thuý, dù mai sau lớn lên con tôi không có cha, nhưng vẫn có một người mẹ.


Cuộc chiến bỗng trở nên khốc liệt, những buổi tối ngồi xem truyền hình, tôi vẫn bâng khuâng đau xót nghĩ tới chàng và cầu mong sự bình an chở che chàng ngoài mặt trận. Mẹ con tôi được bảo bọc bởi những người bạn tốt, thằng bé giống bố y hệt từ khuôn mặt cho tới nụ cười, tôi ôm con mà tan nát cõi lòng. Không biết Vĩnh giờ này đang ở đâu, vẫn còn nơi vùng đóng quân đầy bất trắc với đạn bom, hay là chàng đã vâng lời mẹ, kết hôn với người con gái có người cha nhiều thế lực để được thuyên chuyển về nơi bình yên ở thành phố? Dù sao tôi cũng không thể quay lại tìm chàng, để chạm vào tia mắt đầy ác cảm, khinh bỉ của mẹ chàng chiếu vào đời tôi. Đúng lúc ấy, thời thế càng lúc càng hỗn độn, tôi nghĩ đến chuyện ra đi để chôn vùi cái dĩ vãng quá đau buồn không lối thoát. Như định mệnh đã an bài, tôi lìa xa quê hương vào một ngày cuối tháng Tư năm ấy. . . .


* * *


Sau bao nhiêu khổ nạn của đời mình và biến cố đau thương của đất nước, tôi bồng con theo đoàn người tỵ nạn trôi nổi trên xứ lạ quê người. Muốn vùi chôn nấm mồ dĩ vãng, tôi sợ chen chân vào chỗ đông người Việt, tôi sợ đâu đó gặp lại bạn bè Vĩnh hay của tôi, để rồi lại bị đặt những câu hỏi về đứa bé vừa biết lững chững chạy theo mẹ. Tôi được một người Mỹ ở cơ quan từ thiện đón về một tiểu bang xa tuốt miền Đông Bắc, thị trấn nhỏ chỉ loanh quanh có mấy khu phố buồn hiu, không khí phảng phất chút buồn Đà lạt ngày nào. Hai năm sau, tôi kết hôn với một mục sư người Mỹ di chuyển về trông coi một ngôi nhà thờ ở vùng quê, ngôi nhà thờ sơn xám cũng ảm đạm như cái quận lỵ vắng vẻ. Đối với tôi lúc đó, sau cuộc tình năm xưa với rất nhiều khác biệt về gia cảnh và tôn giáo, tôi chấp nhận lấy một người chồng tốt để nương tựa hơn là những khiá cạnh phức tạp khác của xã hội.


Ngày còn ở quê nhà, cô bạn thân bảo tôi nếu phải lập gia đình , chỉ nên lấy một người Mỹ, vì nếu lấy một người Việt Nam, sau này khi cơm không lành canh không ngọt, người ta dễ tra tấn tinh thần nhau bởi hay ám ảnh dĩ vãng. Dù không còn cái rung động đằm thắm của mối tình đầu năm xưa, nhưng tôi cảm thấy mình được bình yên, tôi sợ những đôi mắt lạnh lùng soi mói như đôi mắt của mẹ Vĩnh năm xưa, đã ám ảnh tôi suốt cả đời. Dù sao ở quận lỵ nhỏ bé này, đi lên đi xuống là những rừng thông đan kín, sống trong ngôi nhà bé nhỏ gần giống như cái viện mồ côi ngày xưa tôi đã trải hết một thời thơ ấu, lòng tôi dần êm ả với một gia đình hạnh phúc, có đưá con của Vĩnh đang lớn dần lên trong sự bảo bọc cuả người đàn ông rộng lượng và hiền hoà. Thỉnh thoảng tôi hay tìm vào khu nghĩa trang nhỏ bé nằm trên ngọn đồi cạnh nhà thờ, đi lang thang đọc tên những người chết , tất cả những ngôi mộ đều bằng phẳng trên mặt cỏ, tôi bỗng nhìn ra cái vô thường cuả kiếp người khi hai tay buông xuôi, lòng lại gợn lên một chút ngậm ngùi.


Mãi tới gần hai mươi năm sau, tình cờ gặp lại vợ chồng Linh trong một chuyến du ngoạn ở Florida. Bao nhiêu năm không gặp lại, kể từ lúc tôi vội vã rời Đà Lạt để chạy trốn cuộc tình đầy đau khổ. Hai đứa tâm sự thật nhiều, nhưng tôi nhất định dấu Linh về đứa con của Vĩnh, tôi muốn chấm dứt tất cả những gì buồn đau trong dĩ vãng, không hỏi gì về Vĩnh chỉ trừ những điều Linh kể tôi nghe sau ngày tôi rời Đà lạt.


Vài năm sau, đứa con gái đầu lòng của Linh lập gia đình, Linh khẩn khoản mời tôi đến dự ngày vui của gia đình bạn, tôi mới quyết định một mình đi thăm bạn. Đã lâu rồi, tôi không được sống lại không khí thân thương với bạn bè như những ngày ở Đà Lạt, căn nhà nhỏ hồi tôi và Linh vừa bước vào tình yêu, đời còn nhiều mơ mộng. Đến với bạn cũ đôi ngày, thay đổi một chút cho đời sống đỡ đơn điệu, đó cũng là cách để lấy lại sự quân bình nội tâm.


Thành phố Columbus nơi Linh ở, thuộc tiểu bang Georgia, nằm ở phiá Nam nước Mỹ, không lớn lắm nhưng rất nhiều đồi thông, trời cuối thu nên không khí lành lạnh mang mang nỗi buồn Đà Lạt. Cũng những con đường đi lên đi xuống, cũng chút mưa bụi bay bay, cũng rừng thông ba lá vươn lên trên nền trời xám nhạt. Gặp lại Linh, tôi cứ tưởng mình đang trở về Đà Lạt năm nào, dường như vợ chồng Linh muốn dành cho tôi những bất ngờ sau hai mươi mấy năm xa Đà Lạt, và … tôi gần như chới với khi thấy Vĩnh đi với vợ chồng Linh ra đón tôi tại phi trường . . .


Hơn hai mươi năm kể từ buổi chiều năm xưa tôi lảo đảo bước ra khỏi căn nhà của Vĩnh và bước luôn ra khỏi đời chàng, chiều hôm ấy Sài Gòn mưa tầm tã, như buổi chiều gặp lại nhau trên xứ người cũng lất phất mưa, trời cuối thu ảm đạm và những giọt mưa lấm tấm đậu trên những ngọn thông xanh. Màu xanh và núi đồi của Đà Lạt năm xưa bỗng trở về, chỉ Vĩnh và tôi là đã quá nhiều thay đổi. Thay đổi của hình dáng và thay đổi vì những hệ luỵ ngang trái của đời đã cột chặt chân tôi lại, không cho tôi chạy lại với chàng như ngày xưa hai đứa đuổi bắt nhau trong khu rừng Ái Ân, cột chặt tay tôi lại để không nhào tới ôm chàng trong bộ chinh y còn khét mùi nắng gió.


Hai đứa nhìn nhau bỡ ngỡ. Hai mươi mấy năm sau gặp lại nhau chỉ là hai dòng nước mắt hờn tủi rưng rưng, tay rã rời, chân chựng lại như sắp bước vào vực thẳm. Tôi đã thay đổi như chàng đã thay đổi. Mái tóc Vĩnh đã ngả bạc, ánh mắt chàng buồn xa xăm như một chiếc lá héo, và nụ cười, trời ơi vẫn là nụ cười ngày xưa ấy nhưng sao chất ngất đau khổ. Linh ôm chầm lấy tôi để dấu nỗi xúc động khi phải làm chứng nhân cho một cuộc tình đau khổ. Riêng Vĩnh, khi chàng đưa bàn tay để nắm lấy tay tôi, bàn tay chàng lạnh ngắt còn tôi thì run rẩy. Gần ba mươi năm cầm lấy tay nhau để biết rằng chẳng còn mấy lúc nữa, đời sẽ hết và tình cũng chết.


Buổi tối hôm ấy, trong căn phòng đọc sách ở nhà Linh, tôi và Vĩnh ngồi nhìn ra khung cửa kính, ngó ra thung lũng mù sương chập chùng những ngọn thông Đà Lạt . Tôi mím môi che dấu nỗi xúc động, nghe chàng kể lại chuyện ba mươi năm trước. Sự biến mất của tôi đã làm chàng xốn xang, Vĩnh đi tìm tôi khắp nơi ở Đà Lạt, nhưng biền biệt không một tin tức. Trở về đơn vị, tình hình càng ngày càng căng thẳng, mặt trận miền Đông là cửa ngõ để địch tấn công vào Sài Gòn, Vĩnh không có thì giờ để đi tìm tôi nữa, nhưng nỗi ray rứt cứ bám chặt lấy chàng không rời ra được. Trong một cuộc hành quân, Vĩnh bị thương nặng và phải chở về Bịnh Viện Cộng Hoà, thời gian này gần như Vĩnh được ở nhà với gia đình, và cũng chính vì thế mà người con gái do mẹ chàng chọn lựa đã xuất hiện đúng lúc, nó cũng là động lực để sau khi bình phục, Vĩnh không thể không vâng lời mẹ để kết hôn với người con gái ấy. Chưa được bao lâu thì cơn gió tháng Tư nghiệt ngã thổi tới, Vĩnh lại khăn gói đi tù ở ngoài Bắc. Sáu năm sau chàng trở về, mẹ chàng qua đời sau một cơn bạo bệnh, Vĩnh an phận sống nốt đời mình bên vợ con, và cho đến khi gia đình được định cư tại Mỹ theo diện H.O.


Đó là chuyện cuả Vĩnh, tuy buồn và đau khổ nhưng chắc không tủi hờn bất hạnh như hoàn cảnh của tôi, một cô gái mồ côi không cha không mẹ, lại ôm trong tay một đứa con thơ không cha. Ngồi bên nhau buổi tối hôm ấy, Vĩnh thì thầm kể lại những đớn đau của mối tình xưa, xin lỗi tôi những chuyện cũ mà mẹ chàng đã gây cho tôi sự đau khổ, vì chàng không ngờ tôi đã liều lĩnh bỏ đi không một lời từ biệt. Tôi im lặng lắng nghe, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào bóng đêm bên ngoài khung cửa kính trong suốt, những giọt mưa còn đọng trên những ô cửa kính nhoè nhoẹt như những dòng nước mắt. Chàng nói rằng suốt đời chàng vẫn giữ mãi hình ảnh tôi và nỗi đau ấy không bao giờ phai nhạt, dù giờ đây định mệnh an bài mỗi người một cảnh.


Làm sao chàng biết được sau những chia biệt đớn đau đó, tôi đã giữ lại được nguyên vẹn hình ảnh chàng qua đưá con trai nay đã trưởng thành. Bây giờ con chàng cũng là một người lính như cha nó ngày xưa, bởi vì tôi luôn luôn giữ cho con hình ảnh tuyệt vời của người cha, nên tôi đã bảo với con rằng "cha con đã hy sinh cho tổ quốc". Tôi không ngờ rằng những tấm ảnh thời quân trường, nơi đơn vị của Vĩnh mà tôi giữ được, lại là niềm hãnh diện của con, đã thúc đẩy cháu gia nhập quân đội với ước ao được làm người lính như cha của nó. Mỗi lần đi thăm con ở quân trường, hay mỗi lần con về phép, tôi gần như hụt hẫng khi cứ ngỡ rằng Vĩnh đã trở về với tôi qua hình ảnh đưá con khôi ngô, khoẻ mạnh, chững chạc trong bộ quân phục thẳng nếp.


Buổi tối hôm ấy, bao nhiêu lần thở dài, cố đè nén để đừng thổ lộ với chàng điều bí mật đó, dù giờ đây mẹ chàng đã không còn nữa, tôi đã dứt được đôi mắt khinh bỉ của bà quét lên thân phận tôi. Nhưng . . . trớ trêu thay, Vĩnh bây giờ không phải là Vĩnh ngày xưa, tôi bây giờ cũng không phải là tôi ngày ấy, dù hai đứa đang ngồi gần bên nhau trong căn phòng ấm áp này, dù ngoài trời kia những cây thông mang bóng dáng Đà Lạt vẫn reo vi vu trong đêm vắng, và Vĩnh đang nắm lấy tay tôi để nói những lời tự tình đau khổ.


Tôi đã có một gia đình và thêm những đứa con, Vĩnh cũng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Ngày xưa xa Vĩnh chỉ vì đôi mắt của mẹ chàng, bây giờ lại là những đôi mắt của vợ chàng, của con chàng, của chồng tôi và các con tôi, của cuộc đời sẽ không buông tha nếu chúng tôi trở lại với nhau, để vá víu một mảnh tình đã cũ. Thà rằng tôi im lặng. Vâng, tôi sẽ im lặng cho đến chết, để xa chàng mà vẫn mang theo đời mình trọn vẹn hình ảnh người yêu đầu đời năm xưa, để con tôi vẫn giữ nguyên trong lòng sự ngưỡng mộ suốt đời nó, khi luôn luôn nghĩ rằng có một người cha đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.


Nguyên Nhung

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Năm 2012(Xem: 22400)
Nói chung, chuyện của xóm Bắc dốc Tòa không sao kể hết, chỉ kể lại phần đời của tôi lồng trong xóm này khi tuổi đã xế chiều. Mong con cháu ở xóm biết qua phần nào cái hồn của xóm ngày xưa
24 Tháng Năm 2012(Xem: 19142)
Tư Thâu khập khễnh len mình giữa dòng người xuôi ngược hối hả mua bán tấp nập của phiên chợ chiều cuối năm, cũng như rồi đây phải lê tấm thân tàn lăn lóc mưu tìm chén cơm manh áo giữa chợ đời đầy nghiệt ngã đau thương!
23 Tháng Năm 2012(Xem: 22550)
tôi vẫn còn đó một chân tình…Xin cảm ơn đời vẫn còn giữ được cho tôi những người bạn chiến đấu oai hùng. Xin cảm ơn em, người con gái Việt Nam với mối tình thủy chung đỏ thắm…Vô cùng cảm ơn em, người tình của em trai tôi
23 Tháng Năm 2012(Xem: 22048)
Trong ký ức của tôi, dù đã phai nhạt theo năm tháng, nhưng kỷ niệm của những ngày xưa thân ái với gia đình, Thầy Cô và bạn bè chốn quê nhà vẫn còn được lưu giữ để nghe ấm lòng mỗi lúc nghĩ về...
23 Tháng Năm 2012(Xem: 21623)
Cù Lao Phố từ lâu đã được quy hoạch làm khu du lịch, nhưng đến nay vẫn không hề phát triển. Vẫn những con đường đất đá thô sơ, vẫn những cánh đồng hiu quạnh chờ bàn tay tạo tác của con người. Cù Lao Phố vùng đất địa linh nhân kiệt thuở nào, giờ im lìm đứng nhìn thế sự đổi thay.
18 Tháng Năm 2012(Xem: 29195)
Đêm nay thu sang cùng heo mây Đêm nay sương lam mờ chân mây Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng Như nhớ thương ai chùng tơ lòng
17 Tháng Năm 2012(Xem: 21241)
Lúc tôi vượt cạn. Cơn đau oà vỡ và con tôi ra đời. Tôi bồng chúng trong tư thế trần truồng và xăm soi toàn thân, đếm từng ngón tay ,ngón chân để biết con mình nguyên vẹn. Và niềm vui đó là niềm vui to lớn nhất trong cuộc đời làm mẹ của tôi
13 Tháng Năm 2012(Xem: 21673)
Mãi lo thả hồn miên man nhớ về những ngày phải mặc cái áo này dắt con cố đi tìm một chốn dung thân làm bà Tư không hay ông Mười đã đến đứng kế bên bà tự hồi nào. Xếp lại cái áo bỏ vô tủ ông thì thầm: - Bà cứ giữ lấy, biết đâu. Thẩn thờ quay qua bà Tư buồn rầu : - Kỳ này tui chạy đi đâu hả ông? Ôm chặc lấy vai bà ông Mười cố ngăn cơn nấc nghẹn: - Mình chạy lên trời.
13 Tháng Năm 2012(Xem: 21070)
Biết đủ là đủ phải không em? Cuộc sống em đã có nhiều nụ cười hơn nước mắt, biển đời luôn trao tặng bình lặng cho em hơn là nổi phong ba. Hãy cám ơn đời đã xoa dịu được nỗi đau làm lành được những vụn vỡ trong trái tim em.
12 Tháng Năm 2012(Xem: 20524)
Mẹ tôi chết ở miền Nam, thầy tôi chết ở miền Bắc, không biết hai người có trùng phùng ở một miền nào đó nơi thế giới bên kia? Nơi mà tôi tin rằng, không có hận thù, đau khổ, thầy mẹ tôi sẽ có một bữa cơm hội ngộ, bát tương, quả cà, bát thịt kho đông trong những ngày giá lạnh.
07 Tháng Năm 2012(Xem: 23027)
hôm nay, nơi khuôn viên đại học với những lời chúc tụng của bạn bè làm tôi nao nao nhung nhớ nhừng kỷ niệm thân thương vùng quê ngoại, có đồng ruộng mênh mông, có hình ảnh mẹ tôi dãi dầu mưa nắng hòa mình vào cuộc sống người dân quê chân chất thật thà để nuôi tôi khôn lớn bằng tấm gương hy sinh cao cả.
05 Tháng Năm 2012(Xem: 21312)
Trong số khách ruột của quán có người còn quả quyết thấy con “Củ Kiệu” có lần bay về thăm… quán(?). Nó đậu trên giàn hoa giấy trước hiên quán, nhìn nó tươi tốt hơn trước nhiều và khi thoáng có chút khói thuốc lá bay về phía nó, con chim cất lên mấy tiếng kêu kỳ lạ rồi vỗ cánh bay đi …
04 Tháng Năm 2012(Xem: 21390)
Người viết xin cảm phục những ai có thể phụng dưỡng cha mẹ già yếu ở nhà vì họ đã cố gắng khắc phục được những khó khăn trong cuộc sống hiện tại để báo hiếu cha mẹ , giữ gìn truyền thống đạo đức Việt Nam nơi xứ người.
01 Tháng Năm 2012(Xem: 24337)
Cái số của họ dường như đã được định sẳn, họ ra đi theo chương trình nhân đạo H.O cũng quá muộn màng và nơi đất tạm dung này, chưa bao giờ được nghe nhắc đến tên người Cán Bộ XDNT.
29 Tháng Tư 2012(Xem: 27749)
Nhân ngày 30 tháng Tư năm nay, xin nhìn lại hình ảnh nầy, để nhớ ngày quốc hận đau buồn, ba mươi bảy năm về trước, ngày 30 tháng Tư năm 1975, ngày Việt Cộng-Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, cưỡng chiếm và Cộng Sản Hóa miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, và xin nhìn lại, nhìn lại mãi mãi, đừng quên!
27 Tháng Tư 2012(Xem: 28586)
Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao? Ba mươi tháng Tư - xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.
25 Tháng Tư 2012(Xem: 21431)
Chúng tôi đã chiến đấu cho chính nghĩa như thế đấy, chúng tôi đã hy sinh như thế đấy, và chúng tôi đã bị bỏ rơi như thế đấy. Tôi cũng không hiểu vì sao người Mỹ phản chiến, trong đó có thầy, lại xuống đường tranh đấu, cổ vũ cho kẻ thù của chúng tôi, và ngược đãi chiến binh của chính nước Hoa-Kỳ?
25 Tháng Tư 2012(Xem: 29871)
Đứng trên đầu dốc Châu Thới, nhìn về phía phi trường Biên Hòa, pháo vc nỗ ùng oằn, khói lửa tuôn cuồn cuộn! Nhín về phía tỉnh lỵ, ánh nắng chiều tà thoi thóp trên thành phố thân yêu bên kia sông Đồng Nai đang trong cơn hấp hối, thật não lòng!
22 Tháng Tư 2012(Xem: 47576)
Tôi còn nhớ, cuộc đời Thúy Kiều ba chìm bảy nổi. Cuộc sống không may mắn đã vùi dập Kiều xuống tận đáy xã hội, thế nhưng khi gặp lại Kim Trọng nàng còn tự tin bảo với chàng :- "chữ trinh còn một chút nầy ..." thật cảm phục lắm thay!
17 Tháng Tư 2012(Xem: 24978)
Cám ơn Chị, lời nói đẹp của chị trong giờ phút tuyệt vọng của tôi, khiến nhịp đập trái tim tôi dịu lại, khi ngồi chờ đêm qua, bình minh ló dạng, để thấy lại được những đồng đội thân thương của mình !
10 Tháng Tư 2012(Xem: 29943)
Cám ơn cuộc đời đã cho chúng tôi tìm lại nhau, và trên hết cám ơn aihuubienhoa đã là nhịp cầu nối những cánh chim tìm về với quê hương, cội nguồn...
10 Tháng Tư 2012(Xem: 35061)
Tuy nhiên sự kiện quan trọng nhất trong hành trình nầy là chuyến thầy trò về thăm trường trung học Công Thanh và những ưu ái mà học trò cũ đã dành cho thầy cô dù là đã xa cánh gần 40 năm. Tấm chân tình ấy tôi rất hân hạnh đón nhận và xin xem như là một kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời dạy học của tôi.
05 Tháng Tư 2012(Xem: 26660)
Ba không đủ can đảm , không đủ sức đổ máu mình để trả ơn cho họ. Nhưng Ba không hèn để phản bội họ. Ba nói thật rõ là Ba rất kính trọng những người con hiếu thảo
02 Tháng Tư 2012(Xem: 25657)
Vì ba không đủ tiền mua loại xe Nhật cho hợp với "văn minh"nên ba phải đi "con ngựa sắt" đến sở làm. Vì ba không đủ khả năng cho đàn con trai ba đi hớt tóc ở tiệm nên ba phải tập làm thợ hớt tóc, nhưng ba vẫn vui, ba vẫn cười. Ba mãn nguyện sống vui hằng ngày khi ba thấy đoàn tàu chưa đứt !
01 Tháng Tư 2012(Xem: 21834)
Thử nghĩ nếu mà những người lảnh tụ đang cai trị những xứ sở nghèo nàn chậm tiến nào đó chịu bỏ ra một ngày trong một năm tham dự cái trò chơi này một cách thành tâm thì không bao lâu thế giới sẽ có thêm biết bao là tiếng cười rộn rả hàng ngày trên khắp quả địa cầu.
01 Tháng Tư 2012(Xem: 29121)
Rồi đây mấy ai còn nhớ tới Tân Phú, Bình Long, Bến Cá, chợ Võ Sa, cầu bà Bướm nữa? Nó thuộc về một thời của quá khứ. Một quá khứ dễ thương trong lòng một người hoài cỗ.
01 Tháng Tư 2012(Xem: 20536)
Ngủ say đi con rồng nhỏ của nội. Mùa xuân đã về rồi đó. Hoa lá đang đâm chồi nẫy lộc. Cháu của bà sẽ là một mầm non tươi tốt, đem đầy mật ngọt yêu thương đến với mọi người.
28 Tháng Ba 2012(Xem: 21615)
Tiệc nào cũng phải tàn. Tình nào cũng phải tan nhưng để dành mà nhớ và có thể năm sau làm tiếp! Tôi bắt tay anh Hạnh và nhận lời cám ơn. Gật đầu tạm biệt tất cả, tôi ra về trước mà lòng cảm thấy phấn chấn!
25 Tháng Ba 2012(Xem: 29441)
riêng tao đang gậm nhấm nỗi buồn cho thế hệ bất hạnh của tụi mình, chỉ vì ba cái lý tưởng vu vơ ai đó mang về tận phương trời xa lạ nào mà cả bao thế hệ phải chết hay là sống nghèo cho mải đến hôm nay
22 Tháng Ba 2012(Xem: 29109)
Ký ức của tôi về những người bạn thời thơ ấu vẫn lưu giữ trong quyển tập Lưu Bút Ngày Xanh mà tôi luôn mang theo hành trang vào đời, đến bây giờ giấy mực đã phai màu nhưng những tấm ảnh chân dung bạn tôi vẫn còn đậm nét
20 Tháng Ba 2012(Xem: 28250)
Mấy chị em khóa 9, 10, 11...14 Ngô Quyến ơi nhào vô mà giúp tui một tay chỉ dạy cho Cụ Liệu ( Có bỏ dấu đàng hoàng đó nha ) này biết cái câu " Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ " chút nha. Xí ! Già rồi mà vẫn cứ nghênh ngang thấy Ghét !
19 Tháng Ba 2012(Xem: 22101)
Tình cảm với nhau phải nói là tràn trề như vậy, nhưng có những lúc bà thấy ray rức. Rằng về mặt pháp lý, dù bà đã ly hôn, nhưng khi đến với ông như thế này là… không phải. Hiểu tâm sự của người yêu, ông chỉ biết an ũi cho bà
19 Tháng Ba 2012(Xem: 20703)
Tôi tiếp tục bước đi trên đường phố Biên Hòa với nhiều thay đổi, nhà hàng tụ điểm ăn chơi mọc lên như nấm, mọi người đều “ hối hả vui chơi” trong cuộc sống hằng ngày, không biết có ai còn nhớ đến tháng ba với những mảnh đời bất hạnh.
19 Tháng Ba 2012(Xem: 21189)
Thế là sau 42 năm, từ năm 1970, bạn bè rời trung học Ngô Quyền, tôi mới gặp lại Hạnh. Rồi sau 2 năm đại học, mùa hè đỏ lửa, chúng tôi vào quân đội, vào Thủ Đức. Thằng khóa 3, đứa khóa 5. Ra đơn vị, cùng về Miền Tây, đứa Trà Vinh, đứa U Minh Chương Thiện.
16 Tháng Ba 2012(Xem: 28590)
Vàng trên thế giới được thể hiện qua nhiều dạng thức con nên mở rộng tầm nhìn. Một cô con gái đẹp hiền lành, nết na, thông minh có học thức và biết chăm sóc gia đình là một hủ vàng biết đi. Con có hiểu không?
12 Tháng Ba 2012(Xem: 23227)
Và cô một lần nữa lại mềm lòng trước gió! cô xiêu lòng, thoát khỏi nỗi ăn năn: Sao Không Nhốt Gió! Cô cay đắng với gió, nhưng cô TỊNH TÂM-cô THA THỨ cho gió. Cô mong từ chiều nay, có ghế đá công viên làm chứng, gió sẽ giữ lời hứa với cô. Gió mãi mãi là làn gió mát, trong lành ,dịu dàng. Gió hứa sẽ đi cùng cô nốt đoạn đời còn lai của cô trong AN BÌNH-HOAN LẠC.
11 Tháng Ba 2012(Xem: 26016)
Ới Thị Bằng ơi! đã mất rồi! Ôi tình, ôi nghĩa, ới duyên ôi! Mưa hè, nắng cháy, oanh ăn nói, Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
08 Tháng Ba 2012(Xem: 20457)
Những người trẻ tuổi hiện nay - các em, các cháu hình như đã thấy được, đã nghe được, đã thấu hiểu hiện tình đất nước. Vì thế những người trẻ này đang là niềm tin, niềm kỳ vọng của những người đi trước
06 Tháng Ba 2012(Xem: 23388)
mà cô nàng đưa chân bên phải ra ngoài chiếc váy đen Versace một cách điệu bộ cong cớn khiến “ nhiều bà ” nóng mặt nhưng cũng khiến “ một số ông”…trố mắt trầm trồ!
06 Tháng Ba 2012(Xem: 29440)
Mày còn nhớ không hả Dũng? Những cái vụn vặt của cả một thời tuổi nhỏ đáng yêu ấy đã theo chiếc xe ngựa lẫn tiếng còi mà đi xa rồi, còn chăng là tiếng thở dài tiếc nhớ trong đêm nay.
03 Tháng Ba 2012(Xem: 29629)
Nhờ danh thơm, tiếng tốt của Ông Đốc Vỉnh, như hương bưởi Biên Hòa, không cần quảng cáo, đã bay xa tận đến Kông-Pông-Rô, Svây-Riêng, Campuchia, mà chúng tôi nên vợ, nên chồng.
02 Tháng Ba 2012(Xem: 31179)
“Tôi là người đàn bà sống để yêu thương và viết. Trong loạt bài Người Tình Trong Tình Khúc do tôi sưu tập và viết lại không với ý nghĩa là một công việc “ thóc mách” mà viết với tâm cảm chia sẻ để chúng ta cùng chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng những cuộc tình đẹp, mãi đẹp… dù phải chia lìa, hay vẫn có nhau bên đời này”
01 Tháng Ba 2012(Xem: 79108)
Chúng ta đã qua những trãi nghiệm dài của cuộc đời, chúng ta càng phải biết hài hòa và thương yêu mọi người hơn nữa bằng cách biết chia sẻ. Biết tha thứ. Biết quan tâm và bớt cố chấp, bớt quan trọng hoá và thực hiện những hoài bảo để trở thành một con người còn có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội và thể hiện được giá trị nội tâm của chúng ta.
01 Tháng Ba 2012(Xem: 26020)
Cầu chúc cho Hắn và gia đình thành đạt trong việc kinh doanh để Hắn có nhiều cơ hội về lại quê hương, để bạn bè có nhiều dịp hội ngộ trên mảnh đất địa linh nhân kiệt núi Bửu sông Đồng. Để trang mạng aihuubienhoa có thêm nhiều bài viết mới, để Café Cầu Mát luôn mãi đông vui….
01 Tháng Ba 2012(Xem: 27760)
Thôi, bà hiểu ra rồi! Cám ơn BỒ TÁT của bà! Mong có kiếp lai sinh, bà hẹn ông sẽ tái duyên lần nữa! để bà lại có dịp hành xử Hạnh Bồ Tát của bà. Mong lắm thay !!!
29 Tháng Hai 2012(Xem: 20458)
Tôi đã ý thức và tĩnh táo đi qua những ngày tháng như thế và hiện giờ đang chờ sinh đứa con đầu lòng. Chồng tôi là chàng sinh viên người miền Nam học cùng lớp, cùng ra dạy chung trường. Tình yêu của chúng tôi đến với nhau không là ảo tưởng mà là một thực tế dâng hiến vị tha.
26 Tháng Hai 2012(Xem: 26084)
Bài viết nầy tôi xin mạn phép đi sâu về phần gặp gở bạn bè, nhất là đàn em tuyển thủ Đinh công Hoàng.Về phần đề cập góc cạnh của hướng đạo sinh, có thể sẽ có bài đóng góp của các bạn Diệp Hoàng Mai, Bùi thị Lợi...Hy vọng bài viết nầy là phần kết nối với bạn bè phương xa. Trân quý.
25 Tháng Hai 2012(Xem: 25792)
Hôm trước nghe cô cháu ngoại của bác Tám tường trình rằng tiền quỷ của Hội đồng hương Biên Hòa còn có bảy tám ngàn chi đó làm tui ngẫm nghĩ sao mà ít vậy? Mấy trăm đồng hương mỗi người chỉ một trăm thì sẽ có ba trăm ngàn ngay phải không.
22 Tháng Hai 2012(Xem: 20708)
Tôi làm sao quên được giọng nói Bắc Kỳ nhỏ nhẹ, dễ thương, tính tình hiền lành đáng mến của bạn tôi ngày ấy. Bạn thường nhường nhịn và chiều chuộng tôi, với bạn điều gì tôi nói ra cũng có lý và đúng cả
21 Tháng Hai 2012(Xem: 26055)
Đối với nhiều người khác đó là điều đáng mừng-nhưng với bà-đó là NỖI ĐAU thấu tâm can. Ngôi trường thân yêu,đã in sâu vào tâm trí bà trong nhiều chục năm qua,sẽ bị xóa hết dấu tích,sẽ thay đổi hoàn toàn...