5:21 SA
Thứ Năm
18
Tháng Tư
2024

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY - KỲ 23&24&25 - NGUYỄN XUÂN HOÀNG

18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 10936)

Kỳ 23

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường. Chiếu chăn thẳng thớm. Chiếc gối dưới đầu thơm mùi xà phòng mới giặt. Căn phòng gọn và sạch đến nỗi tôi có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên tôi tới chốn này. Và trên chiếc ghế đặt sát đầu giường tôi là một ly nước cam vắt và một lá thư.

Thư của Quỳnh.

Cô cho biết cô đã đến thăm tôi đúng vào cái lúc tôi nằm ngáng ngay cửa phòng. Và cô đã khó khăn lắm mới đưa được tôi lên giường, thay quần áo, xoa dầu nóng, gọi bác sĩ thăm bệnh tôi. Nàng đã lau sạch sàn nhà, sắp xếp báo chí sách vở, thu dọn quần áo bẩn đem đi tiệm giặt, thay cả màn cửa, và mền gối mới cho tôi. “Suốt đêm, Quỳnh viết, anh sốt mê man, miệng không ngớt lảm nhảm những lời vô nghĩa. Nếu anh cứ tiếp tục cái kiểu này có ngày anh sẽ chết mà không ai hay. Đời sống anh làm em ứa nước mắt.”

Thật sao? Có thật là còn có một người nào đó trên đời này ứa nước mắt cho tôi? Cuộc sống tôi bi thảm đến thế sao?
Trống trơn và lạnh lẽo. Đó là căn phòng tôi đang ở. Đó cũng là đời sống tôi. Sự bừa bãi của sách báo, và quần áo có thể làm đầy căn phòng, nhưng không thể làm đầy được sự trống rỗng trong tôi. Lửa làm ấm bàn tay nhưng ngọn lửa nào ấm được trái tim nguội lạnh tôi?

Và tôi thấy lại Quỳnh. Hình dung cô đứng ở cửa phòng khi tôi đang nằm ngáng nơi cánh cửa kia. Hình dung cô thu dọn, lau chùi căn phòng. Hình dung một người phụ nữ xinh đẹp ngoài phố và giỏi dắn như một bà nội trợ đảm đang trong gia đình.
Tôi đã yêu Quỳnh chăng? Tôi, kẻ không còn tuổi trẻ, không địa vị cũng chẳng phải là một tên biết hái ra tiền. Nhưng cái gì khiến người thiếu nữ xinh đẹp là Quỳnh yêu người đàn ông là tôi kia? Tôi không biết!
Hơn ai hết, Quỳnh hiểu tôi là kẻ không có gì trước mặt, cũng chẳng có gì sau lưng. Vậy mà Quỳnh không gìn giữ cho mình, nàng gửi hết cho tôi trái tim trẻ trung và nóng bỏng của cô. Quỳnh làn thức dậy trong tôi những tế bào tưởng sẽ chỉ mãi mãi ngủ quên do sức ép của những biến cố dồn dập lên đời tôi.
Giọt nước mắt của Quỳnh đã làm tôi hồi sinh thật chưa? Hay cũng chỉ là một sự đứng dậy nhất thời?
Nghĩ lẩn quẩn mãi tôi vẫn không hiểu tại sao tôi cứ bị căn gác trọ này ám ảnh thần trí tôi?! Tại sao tôi không tìm đến một chỗ trọ khác, khang trang hơn, ấm áp hơn? Phải chăng trong sự bi thảm có cái sức quyến rũ riêng của nó? Những hôm mưa lớn đứng trên cửa sổ nhìn xuống phía dưới tôi có cảm tưởng như mình đang đi thuyền trên một con sông lớn nước đục ngầu. Gặp những trận mưa to, cửa sổ không rèm che, không “ô-văng”, nước tạt vào ướt cả chăn nệm, thấm những cuốn sách trên bàn viết& Hôm nào trời nắng gắt, phòng giống như cái hỏa lò làm rơi mồ hôi hột, mặc dù trên trần nhà những cánh quạt máy vẫn quay ở tốc độ cao nhất. Cái máy thu thanh mới lắp pin hai ngày đã chỉ phát ra những tiếng rè rè vì quên tắt núm điều chỉnh. Tấm lịch quên xé ngày. Cái gạt tàn đầy nhóc tàn tro và đuôi thuốc. Phin cà phê còn đầy xác mấy ngày chưa rửa. Những viên kẹo ngọt chảy nước trên mặt bàn vì để quá lâu...

Nhưng nếu tất cả những luộm thuộm, bẩn thỉu này làm cho đời sống tôi bi thảm thì phải chăng giờ đây khi mọi sự đã sạch sẽ, đã ngăn nắp sự bi thảm ấy đã chấm dứt?

Và nữa, kỳ lạ chưa, cái gì vậy? Trên vách, sau lưng tôi, ngay chỗ đầu giường ngủ tôi là một bức tranh sơn dầu vẽ chân dung một thiếu nữ. Ánh sáng, bố cục khuôn mặt và màu xanh kỳ lạ của bức họa - từ khi tôi nhìn thấy nó - làm cho căn phòng như trở nên sáng hơn, rộng hơn và dễ ưa hơn.

Dù sao điều tôi nhận ra ngay tức khắc khi nhìn chân dung người thiếu nữ trong tranh là sự pha trộn kỳ lạ giữa hai khuôn mặt trong một khuôn mặt. Cái trán bướng bỉnh, nốt ruồi tham lam, chiếc cổ cao của Uyên với đôi mắt mở to màu nâu mã não và cái miệng hơi rộng với chiếc răng khểnh của Quỳnh làm tôi giật mình.

Tranh không ký tên người vẽ, nhưng màu sắc và đường nét gợi nhớ đến Trịnh Nam, một trong những họa sĩ trẻ mà tài năng đang được xác nhận như là một trong số họa sĩ có khả năng vượt khỏi biên giới của quốc gia.

Kỳ 24

Gió thổi qua cửa sổ. Bầu trời đen như mực không một ánh sao. Tuy vậy tôi có thể nhìn thấy trong trí nhớ phía dưới kia là những mái nhà, những lớp ngói mốc rêu xanh, một sân nước bẩn thỉu, một con hẻm hẹp với hình ảnh một người đàn bà có bầu đang đùa với đứa bé bụng ỏng.

Cơn mưa sẽ đến! Tôi nghĩ vậy và nhìn đồng hồ. Còn mười lăm phút nữa mới đến tám giờ. Thế mà tôi cứ tưởng là khuya lắm.

Tôi đứng lên đóng cửa sổ, nằm xuống giường mở trang sách, đọc lại quyển “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân.

Có tiếng giày khua trên những bậc thang gỗ dẫn lên căn gác tôi. Rồi tiếng gõ cửa. Tôi vẫn nằm im. Tôi nghĩ là Quỳnh.

Hình như trong thư cô đã viết cho tôi như vậy. Cái tay nắm cửa được xoay một vòng. Tôi nằm yên và nhắm mắt. Tôi nghĩ là Quỳnh sẽ hôn tôi. Nhưng lập tức tôi biết là tôi đã đoán sai. Mùi hương phấn rất đàn bà đang phớt qua mũi tôi. Ai? Tôi tự hỏi nhưng vẫn tiếp tục nhắm nghiền mắt. Tiếng giày ngừng lại ở đầu giường tôi. Tiếng xắc tay mở ra. Tiếng thở dài. Và mùi nước hoa lạ đang gần thấp xuống tôi. Rất gần!

Tôi không thể đoán được và cũng không thể kềm chế nổi cơn tò mò của mình. Và tôi mở mắt ra.

-Uyên! Tôi kêu lên.

Khuôn mặt trắng xanh, trán bướng, mắt to, nốt ruồi. Cằm nhọn, cổ cao, tóc dài, ngực nở nang kiêu hãnh. Phải, đó là Uyên, con gái ông Phan, người tạo thời cuộc.

Uyên đang đứng trên đầu giường tôi, hai tay khoanh lại, nhìn tôi đăm đăm. Thấy tôi mở mắt, cô bỏ tay ra, một tay đặt trên trán tôi:

-Anh làm sao vậy? Uyên lo cho anh quá!

Tôi chống tay ngồi hẳn dậy.

-Đừng. Anh cứ nằm yên nghỉ cho khỏe. Uyên đến thăm anh mà!

Tôi nhất định ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, kéo chăn lên ngực, trong tay vẫn cầm quyển Chùa Đàn.

-Sao cô biết tôi bị bệnh?

Uyên ngồi xuống ghế. Cô mở túi đựng cam, xếp lên bàn. Cầm một trái, vừa bóc vỏ Uyên vừa nói:

-Cách đây nửa giờ có người gọi dây nói cho Uyên biết là anh bị ốm.

-Ai vậy?

-Làm sao Uyên biết được!

-Đàn ông hay đàn bà? Tôi không kềm nổi sự ngạc nhiên.

-Theo Uyên thì đó là giọng của một cô gái. Vâng, là của một cô gái.

-Một cô gái? Mà cô ta nói gì vậy?

-Cô nói là ông Thăng không thể nào gọi dây nói cho Uyên được vì ông ấy ốm, khi nào khỏi bệnh ông ấy sẽ gọi lại ngay!

-Thế thôi? Cô ta không xưng tên à?

-Thế thôi! Cô ta báo tin xong là “cúp” ngay. Chẳng kịp hỏi han gì hết!

-Không kịp hỏi han gì hết, sao cô lại biết chỗ ở của tôi?

Uyên đưa cho tôi mấy múi cam đã bóc vỏ, rồi giơ một ngón tay lên đặt ngay sống mũi:

-Bí mật nghề nghiệp!

Tôi vẫn tựa lưng vào thành giường, nhìn Uyên. Vẫn xinh đẹp, vẫn trẻ trung. Rất phụ nữ, rất con gái. Uyên ngồi đó, bên cạnh tôi, trong căn phòng của một người đàn ông độc thân. Ánh sáng của ngọn đèn néon làm khuôn mặt cô trắng bệch xanh mướt, lót nền cho hai con mắt to đen trở nên quyến rũ hơn. Tôi nghĩ đến cái mà cô gọi là bí mật nghề nghiệp. Có gì bí mật? Ông Phan có thừa tai mắt để biết nơi ăn và chốn ở và cả hành tung của hằng vạn con người, ngay cả những người khó hiểu nhất, ăn thua gì một người như tôi. Vả lại, đâu cần thông minh lắm mới biết được cô gái gọi dây nói cho Uyên là ai. Có lẽ trong lúc dọn dẹp căn phòng Quỳnh đã đọc được cái “message” của Uyên gởi tôi? Và có lẽ Quỳnh muốn thử giải một bài toán mà cô là người đi tìm đáp số. Cô là người chia bài và chính cô là người đánh lá đầu tiên. Thôi được, cứ cho là Quỳnh chơi bài và Uyên cũng đang chơi bài đi. Nhưng tôi là cái “thá” gì mới được chớ?

Uyên vẫn ngồi yên. Cô có vẻ suy nghĩ lung lắm. Sau cùng Uyên đứng dậy đưa tay:

-Thôi, xin phép anh, Uyên phải về đây!

Kỳ 25

Tôi nắm bàn tay Uyên. Tôi nhìn vào mắt cô. Uyên không phản ứng. Cô để yên tay mình trong tay tôi. Mắt tôi gặp mắt Uyên. Chúng tôi nhìn nhau như thể mới thấy nhau lần đầu. Tôi đọc được sự thách thức trong đôi mắt cô. Nếu tôi bỏ tay cô ra trước có lẽ tôi là người thua cuộc. Nhưng nếu cứ giữ tay Uyên trong tay tôi, tôi sẽ là cái gì? Vì vậy tôi kéo Uyên. Và cô ngã lên tôi.

-Đừng anh! Đừng anh!

Tôi nghe tiếng Uyên kêu yếu ớt khi tay tôi vòng qua thân thể cô. Tôi hôn nhẹ nhàng trên trán cô, gò má cô, tai cô, cổ cô và sau cùng rất tàn bạo môi Uyên. Mùi hương phấn rất đàn bà của Uyên tràn ngập trong tôi.

-Đừng anh! Đừng anh!

Uyên kêu khẽ. Cô không hôn tôi. Tôi thấy đôi mắt Uyên ráo hoảnh nhìn tôi. Và cô đứng dậy, vén lại mái tóc rũ xòa trước trán:

-Thôi Uyên về! Bác tài đang chờ Uyên dưới đường!

Tôi nhìn Uyên không nói.

-Anh ráng tịnh dưỡng nhé!

Và cô nhẹ nhàng hôn lên trán tôi, rồi quày quả bước ra cửa. Tôi nghe tiếng giày khua rất chậm ở dốc cầu thang. Và tiếng động cơ xe nổ giòn, lăn bánh.

6

Tất cả những con đường đưa vào trung tâm thành phố bị chận. Cảnh sát dã chiến và quân đội phối hợp đóng trụ ở các yếu điểm. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Biểu tình lớn ở trước thềm Quốc Hội. Chợ Bến Thành là một biển người. Trong hơi gió phảng phất mùi lựu đạn cay.

Bầu trời nặng và oi.

Cơn cúm chưa ra khỏi hẳn người tôi. Nhưng tôi không chịu nổi cảnh nằm nhà nghe nhạc và đọc sách như một tu sĩ. Tôi muốn gặp lại bạn bè ở không khí của một quán nước quen.

Với chiếc Lambretta, tôi chạy len qua khắp nẻo, nhưng không làm sao đến được chốn mà tôi vẫn thường đến. Đường vắng, nhưng những quán ăn ngoài lề đường vẫn đông khách. Dọc phố rải rác dưới các gốc cây, những mái hiên, góc lộ... là những người lính nai nịt gọn gàng, súng ống cầm tay trong một khí thế căng thẳng. Ở đường Đoàn Thị Điểm, một chiếc xe jeep Mỹ bốn bánh chổng vó lên trời cháy sém. Đối diện với sân quần vợt Bà Huyện Thanh Quan là khu cư xá của kiều dân Pháp, cổng đã đóng, và một cây cờ tam tài tổ bố trương lên cao.

-Đi đâu bây giờ?

Tôi tự hỏi và không tìm thấy câu trả lời. Tôi cứ thế cho xe chạy. Ngang qua căn nhà có cây trứng cá ở đường Kỳ Đồng tôi thấy Đăng và Mai đang đùa vui với lũ trẻ trong xóm. Tôi không muốn gặp Lan. Tôi chắc giờ này chị ta đang ở nhà. Tôi chạy xuống nhà Quỳnh trước rạp Rex. Nhưng kẽm gai đã kéo qua Lê Lợi, rào chắn đã chặn ngõ Lê Thánh Tôn. Nguyễn Huệ hay Tự Do đều cô lập. Tôi như con chuột chạy quanh trong một chiếc lồng lớn bằng lưới.

Sau cùng tôi thấy mình ngừng xe trước cổng một ngôi biệt thự. Tôi bấm chuông. Và không đầy một giây, một người đàn ông, chẳng biết đã chờ chực ở đó từ bao giờ, hiện ra ở cửa:

-Ông hỏi ai?

-Cô Uyên.

-Cậu là bạn cô Uyên?

-Phải.

-Xin lỗi. Mời cậu vào trong.

Tôi theo chân người nhà của Uyên, băng qua khu vườn mà hôm trước tôi đã đi. Đến phòng khách, hắn mời tôi ngồi, lấy nước trà cho tôi và xin phép đi gọi Uyên.

Phòng khách rộng. Tường màu xanh nhạt. Ghế trường kỷ, bàn và cả một tứ bình đều cẩn xà cừ. Một bức tranh sơn mài lớn vẽ hình bốn con ngựa trong bốn tư thế phi nước đại khác nhau. Hoa hồng cắm trong một chiếc độc bình màu huyết dụ. Thảm trải dưới chân có hoa văn Ba Tư.

Tôi không ngồi. Tôi đứng say mê nhìn bức sơn mài. Ngựa bao giờ cũng là con vật ưa thích nhất của tôi. Ngay khi đó bà Phan bước vào.

-Thưa bác.

-Chà, cậu Thăng. Lâu dữ. Ông nhà tôi nhắc cậu hoài.

-Thưa bác, mấy hôm nay tôi cũng có ý định đến hầu bác, nhưng... Tôi lúng túng.

-Tôi biết, tôi biết! Cậu bị ốm phải không? Bà chận lời tôi và chỉ chiếc ghế bành.

-Cậu ngồi xuống đây đi!

-Cám ơn bác. Đúng vậy! Tôi bị cúm.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6667)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5847)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6921)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7318)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6340)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6050)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6608)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5418)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5280)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5575)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5516)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5559)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6017)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6810)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6825)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6159)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6093)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6254)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6441)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6900)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6564)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6944)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7015)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6804)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6423)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47136)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66973)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24940)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5972)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5973)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6288)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7009)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5516)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5763)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6371)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5639)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5460)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5921)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6401)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5463)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5996)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6198)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6205)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8153)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7095)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6335)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8731)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7790)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7418)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7345)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu