9:11 SA
Thứ Ba
16
Tháng Tư
2024

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY KỲ 41-45 - Nguyễn Xuân Hoàng

15 Tháng Tám 201411:12 CH(Xem: 10302)

Kỳ 41

Tôi lặng người trên ghế, bẻ gập từng ngón tay, nghe tiếng kêu của các khớp xương, buốt rợn. Ông Phan đã cho tôi rõ tất cả những gì mà lâu nay tôi không biết, mà tôi cũng không thể tưởng tượng nổi. Ông Lý như vậy đã giăng trước mặt và sau lưng tôi những hầm chông không cách nào thoát được. 

Ông Lý, người mà mấy phút trước tôi coi như một nhân vật thẳng thắn nhất, giờ đây đã không còn như thế nữa. Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tượng lần đầu gặp ông. Bữa cơm thường chào đón tôi trong biệt thự ở đường Lê Quí Đôn, với tôi như một đại yến. Cuối bữa, khi uống cà phê, ông nói với tôi thẳng thắn:

-Cậu là hình ảnh hoàn toàn đối nghịch với tôi thời mới lớn. Ở vào tuổi cậu, tôi đã biết đạp chân dưới đất, còn cậu bây giờ như người đi trên mây. Tôi biết tôi mê tiền và tôi đã hiểu cái giá để có nó, còn cậu, cậu dám coi thường đồng tiền, cho nên cậu chưa hiểu cái giá của nó. Cậu cả nể, hỏa hoãn, tôi thì khác, lịch sự nhưng quyết liệt, ai chơi tới đâu, tôi chơi tới đó... Nhưng tôi chấp nhận cậu. Trong nhà này có một người như tôi đủ rồi. Nếu cậu giống tôi quá thì có lẽ dư một người.

-Thưa bác -tôi nói với ông Phan - thật tình cháu không hiểu nổi ông Lý. Giữa ông ta và cháu đã có quy ước và như vậy là ông là người phá bỏ quy ước trước.

-Đúng là cháu không hiểu ông Lý, và cháu sẽ không bao giờ hiểu được ông Lý. Bởi vì người có ảnh hưởng đến ông Lý nhất hiện nay là vợ cháu chứ không ai khác. Mọi cố gắng tìm cách bôi lọ cháu trước dư luận và mọi nỗ lực nhằm chấm dứt đời cháu là người đàn bà ấy chứ không phải ông Lý. Nhưng để làm được chuyện ấy vợ cháu không có phương tiện nào tối tân hơn là qua trung gian ông Lý...

-...

-Nhưng thôi, điều cháu cần biết tôi đã cho biết. Vấn đề còn lại là cháu phải đối phó như thế nào khi tôi không có mặt ở đây!

Ông Phan đặt tẩu thuốc xuống bàn, nhấc chiếc kính lão ra, nắm hai chân gọng chà xát lên mặt vải áo. Tôi thấy đôi mắt ông có vẻ húp lên và dại ra. Trông ông lúc này giống như một công chức già về hưu đang răn dạy đứa con ngỗ nghịch là tôi.

-Như đã nói với cháu lúc nãy, tôi sắp phải đi xa ít lâu. Sự vắng mặt của tôi có thể mang đến phiền lụy cho cháu. Mặc dù tôi đã gửi gắm cháu cho những người có trách nhiệm, tôi vẫn không an tâm.

Ngừng một phút, đeo kính vào mắt, ông Phan tiếp:

-Tôi sẽ không hỏi cháu lý do vì sao phải ly dị, nhưng tôi có thể biết được vụ tòa án của cháu tới đâu rồi chứ?

-Thưa bác, cám ơn bác, theo luật sư của cháu thì đầu tháng tới sẽ hoàn tất. Cháu sẽ nhận một Bản Đại Tự của tòa.

-Còn vấn đề con cái?

-Trong tờ Thuận Tình Ly Hôn, người mẹ đồng ý để cháu giữ bé trai và mẹ nó giữ bé gái. Nhưng theo luật sư của cháu thì vì bé trai còn quá nhỏ nên có thể tòa sẽ quyết định để mẹ nó trông coi một thời gian.

-Không. Ý tôi muốn hỏi là con cái sẽ ra sao nếu cha mẹ chúng ly dị?

-Thưa bác, cháu hiểu rằng sự chia rẽ của cha mẹ sẽ để lại trong tâm hồn con cái một vết thương khó cứu chữa. Nhưng biết làm sao! Ở giữa hai điều xấu mà con người phải chọn, cháu đành chọn điều ít xấu hơn.

-Nghĩa là làm sao?

-Thưa bác, vấn đề con cái là mối bận tâm của cháu trong suốt thời gian qua. Cháu nghĩ thà con cái chỉ sống với cha hoặc chỉ với mẹ, còn hơn là sống đầy đủ mà mỗi ngày phải chứng kiến cái thảm kịch đổ vỡ tồi tệ của cha mẹ chúng.

-Không còn cách nào khác sao?

-Thưa bác, thật tình là cháu thấy không còn cách nào khác!

Ông Phan chống tay lên trán, ngón giữa miết lấy những đường nhăn của thời gian. Mãi một lúc sau, ông ngẩng mặt lên:

-Tôi không biết làm sao! Mỗi người trong hoàn cảnh mình có nỗi khổ riêng, bởi vì không ai có thể sống thay cho cuộc sống của người khác. Nhưng tôi hy vọng là cháu sáng suốt trong quyết định của mình. Trên đời này có những việc mà khi đã làm hỏng một lần rất khó mà bắt đầu lại được... À, mà năm nay cháu bao nhiêu tuổi nhỉ?

-Thưa bác, cháu đã ba mươi ba.

Kỳ 42

Ông Phan đặt tẩu thuốc xuống bàn, uống một ngụm nước trà, rồi bấm đốt ngón tay, lẩm bẩm:

-Ba mươi ba! Tuổi Thìn. Canh Thìn. Canh cô mồ quả. Bị sao La Hầu chiếu. Suốt năm còn nhiều vất vả. Tai nạn. Tù tội. Và tai tiếng. Năm đại hạn! Xấu lắm! Xấu lắm!

-Bác tin vào số mệnh?- Tôi hỏi, ngạc nhiên.

-Tôi tin tử vi. Tôi tin con người ta ai cũng có số cả. Hồi còn trẻ như cháu, tôi có coi trời đất ra gì đâu. Nhưng bây giờ trải qua bao cuộc bể dâu, tôi nghiệm ra cái lẽ biến dịch của thiên địa...

Tôi xếp hai tay, dựa cùi chỏ lên đùi, mắt ngó xuống mũi giầy lắng nghe. Bỗng nhiên tôi cảm thấy ông Phan ngừng giữa câu nói. Tôi đưa mắt nhìn ông. Ông Phan đang ngó chăm vào bức Tự Họa của Van Gogh.

-Thưa bác! Tôi rụt rè gọi ông.

-Sao? Cháu nói gì? Ông quay lại hỏi.

-Thưa bác, cháu vẫn nghĩ số mệnh của mỗi người là do chính người ấy tạo nên hơn là do một quyền lực thần bí chi phối.

-Thế tình trạng của cháu bây giờ, nếu không phải do định mệnh an bài thì là do cháu gây ra à?

-Thưa bác, cháu nghĩ mọi sự đối với cháu cũng là do cháu thôi. Chính cái quyết định lấy con gái ông Lý của cháu đã dẫn cháu đến ngày hôm nay. Có ai bắt cháu phải lấy người đàn bà này đâu?

Ông Phan cười, chậm rãi:

-Chính cái quyết định của cháu là một quyết định có tính cách định mệnh. Nhưng tôi, chúng ta sẽ trở lại câu chuyện này vào một dịp khác. Tôi muốn dặn cháu đôi điều trước khi ra đi.

-Nhưng thưa bác, chẳng lẽ bác ra đi trong tình trạng hãy còn hỗn loạn như thế này sao?

-Không có tình trạng hỗn loạn nào mà đằng sau nó không có những động cơ thúc đẩy. Nắm được những động cơ ấy thì muốn chấm dứt lúc nào mà chả được! Vả lại, đôi khi cũng cần phải biết nuôi dưỡng sự hỗn loạn ấy. Chỉ sợ, như cách nói của Paul Valery người phù thủy tạo ra âm binh có khi lại bị chính cái đám âm binh ấy quật lại thôi!

-Thế bác có sợ đám âm binh ấy không?

-Chỉ những tay không bản lĩnh mới có thứ tâm lý sợ hãi kiểu đó!

-Thưa bác, nói bác tha lỗi cho, bác lo sợ điều gì?

-Hội nghị Saint Cloud đang có những bất lợi cho ta.

-Bác tìm kiếm gì trong chuyến đi này?

-Tôi muốn xem bài toán cộng giữa Mỹ và Tàu. Tôi muốn cân lượng lại tầm mức trách nhiệm lương tâm Hoa Kỳ ở Việt Nam theo cách của tôi.

-...

-Tôi sẽ cho Hoa Thịnh Đốn biết Sài Gòn cần gì và không cần gì. Một quân lực mạnh. Một nền kinh tế không què quặt. Một guồng máy hành chánh hữu hiệu. Tôi muốn dân chúng có mức sinh hoạt cao. Hàng rào y tế và điện lực sẽ đến được những làng mạc xa xôi và hẻo lánh nhất. Tôi muốn tiếng nói của Sài gòn phải vang lên tại tòa nhà Quốc Hội ở thủ đô Hoa Kỳ. Tóm lại, tôi muốn biết Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục viện trợ cho ta đến mức nào và trong bao lâu...

-Nghĩa là...

Ông Phan không tiếp lời tôi. Ông đứng dậy đến tủ rượu lấy chai Hennessy và hai cái cốc.

-Trà nhạt rồi. Mình uống chút này cho ấm bụng, cháu!

Tôi nâng cốc. Mùi rượu bay lên mũi, tôi nhớ đến cha tôi. Tôi vẫn không hiểu tại sao cha tôi lại tự giết mình bằng thứ nước cay độc này. Ông không nói gì với con cái chuyện đời ông, ngay cả với người anh lớn tôi, người mà tôi hết lòng quí trọng và thương mến. Ở binh chủng Biệt Động Quân, anh được coi là một trong những sĩ quan ưu tú và gan lì nhất. Với bạn bè anh luôn là một người tình nghĩa. Có lần hy sinh hai ngày phép hiếm hoi, anh cùng một trung sĩ, trên chiếc Jeep, đã dám rời thành phố Nha Trang trong đêm, qua đèo Rù Rì rồi đèo Rọ Tượng, không dừng chân ở trạm Ninh Hòa, đi một mạch qua M'Rak, thẳng đến Buôn Mê Thuột, chỉ để thăm một người bạn thân vừa bị thương nặng trong một trận đụng độ với bộ đội Bắc Việt. Anh là người thừa hưởng được tính gan lì của cha tôi, nhưng rượu chè thì anh nhất định không đụng tới. 

Còn tôi, không có chút gì giống anh và cha. Chỉ uống được vài hớp rượu nhưng dư thừa sự hèn nhát. Có lẽ chúng tôi không ai hội đủ những đặc tính của cha nên cha tôi không buồn gần gũi chúng tôi.

Kỳ 43


Tôi thấy ông Phan nhấp một ngụm rượu:

“Cháu Thăng!” Ông hắng giọng: “Tôi có một đề nghị. Chuyến đi của tôi, trong trực giác mà tôi có, lẫn trong những phân tích mà tôi có thể suy được, là một chuyến đi vào xứ Thục. Tôi sẽ không yên tâm khi thấy cháu vẫn cứ loanh quanh ở cái phòng 
trọ chật chội hôi hám trong cư xá Đô Thành. Ờ đó không an ninh đâu. Nội nhật ngày mai, ngay sau khi tôi lên đường, cháu nên dọn về đây. Cháu thử tự nhốt mình một thời gian trong nhà này cho đến ngày tôi về xem sao. Tôi mong là cháu hiểu nhiều hơn những gì tôi nói!”

“...”

Ông Phan đứng dậy, đưa tay cho tôi bắt. Vẫn những ngón tròn và mập. Vẫn lòng bàn tay ướt rịn mồ hôi. Tôi cầm tay ông mà vẫn không hiểu gì cả.

Ra khỏi tiểu thư viện, tôi quay lại nhìn ông lần cuối, tôi thấy ông đang lặng yên, tay chắp sau lưng nhìn bức Tự Họa của Van Gogh.

Ngoài đường nhựa, nắng Sài gòn dữ dội, nhưng tôi có cảm tưởng như cái nắng ấy là không có thật.

Tôi sẽ dọn nhà chớ?

9

“Thế nào, lạ chỗ cháu có ngủ được không?”

Bà Phan ngồi đúng vào cái ghế bà đã ngồi hôm trước. Bên trái là Uyên đang loay hoay với cái lọc cà phê phin chưa chịu nhỏ một giọt nào.

“Cám ơn bác. Cháu ngủ không biết trời trăng gì hết!”

Uyên đẩy ly cà phê về phía tôi, cười:

“Hôm qua anh về đến nhà đã say khướt thì làm sao còn biết trời trăng gì?”

Tôi say ư? Tôi thật tình không rõ lắm. Sau khi dọn về nhà ông Phan tôi ngồi suốt buổi với Ký, Nghĩa, và Lộc ở Chợ Đũi? Tôi uống khá nhiều. Lần đầu tiên tôi làm được một lúc tám chai 33. Tuy vậy còn lâu tôi mới theo kịp Ký. Anh ấy uống thoải mái, từ tốn, thong thả. Hết chai này rót chai khác, không nhanh hơn, không chậm hơn. Đối với anh, thơ và tình yêu mới là đời sống. Rượu chẳng qua chỉ là men cay để cuộc đời còn chút ý nghĩa. Anh nói vậy nhưng không có rượu anh rất khổ sở. Tôi không nhớ mình đã nói gì trong bữa nhậu, tôi chỉ biết rượu và là tôi buồn ngủ. Tôi đã ngủ ở quán hồi nào và ai là người đưa tôi về, tôi không nhớ.

Tôi thấy bà Phan nhìn chăm vào mắt tôi.

“Cháu không nên uống nhiều. Rượu không tốt đâu!” Và bà đưa cho tôi mấy tờ báo phát hành chiều qua.

“Cháu đọc tin trang nhất này. Ông nhà tôi vừa mới đi buổi sáng, âm thầm và bí mật như vậy mà buổi chiều báo chí đã loan tin và có ảnh ngay. Khiếp thật!”

Tôi nhấc riêng từng tờ, liếc qua những bài tám cột. Quả thật là tin ông Phan đi Mỹ chiếm hàng đầu trên các trang nhất. Tờ nào cũng đưa bản tin và bình luận na ná như nhau? Tại sao ông Phan ra đi? Sự vắng mặt của ông trong tình thế này có nghĩa gì? 
Thông điệp nào ông mang theo trong chuyến đi đầy khó khăn kia? Trên tờ Sóng Thần, ngoài bản tin là bức ảnh chụp ông Phan đang nâng ly nói chuyện với viên Tổng Lãnh Sự người Pháp trong một buổi tiếp tân của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Tôi thấy đôi mắt nhỏ của ông Phan dưới lớp kính trắng nhíu lại, gò mà hóp nhô xương. Tôi nhận ra đúng cái vẻ mặt ông mà tôi đã thấy trong buổi nói chuyện sáng ngày hôm kia. Đó là một khuôn mặt ưu tư, trầm ngâm và hoài nghi.

“Thưa bác, chuyến đi của bác trai sẽ kéo dài trong bao lâu?”

“Ông nhà tôi dự trù hai tuần. Trên đường về sẽ ghé Paris đôi ngày thăm một vài bạn chiến đấu cũ của ông hiện là nghị sĩ trong Quốc Hội Pháp.”

“Bác có thể cho cháu hỏi một câu tò mò?”

“Cháu tự nhiên!”

Bà Phan ngừng khuấy ly nước cam, nhìn tôi chờ đợi.

“Cháu không hiểu bác có cảm tưởng gì khi làm vợ một chính khách như bác trai?”

“Cảm tưởng à?” Bà không nhìn tôi, mắt ngó vào khoảng không, bàn tay cầm thìa bất động. “Một người đàn ông nhiều tham vọng chính trị sẽ rất ít tình yêu cho gia đình!” Ngưng lại một giây, bà nhìn mắt tôi, tiếp “Không, ý bác muốn nói thế này, người đàn ông có tham vọng, bất luận là loại tham vọng nào, đều dành cho vợ con một chỗ rất nhỏ trong trái tim họ. Cháu thấy sao?”

Kỳ 44



Tôi hỏi bà, nhưng chính bà đặt ngược lại tôi. Tôi có phải là người đàn ông nhiều tham vọng không? Không, tôi chỉ là một người đi trên mây. Trái tim tôi bao giờ cũng có thừa chỗ cho tình yêu gia đình, nhưng gia đình thì hình như không có chỗ nào dành cho tình yêu tôi.


Thấy tôi ngần ngừ, Uyên vừa đưa kem tươi cho vào cà phê tôi vừa nói:

“Thưa me, con nghĩ anh Thăng phải là một người tham vọng”, và quay sang tôi, cô nói “anh uống xem có phải cà phê Uyên pha ngon hơn cà phê của mấy cái quán anh vẫn đến không?”

“Sao cô biết tôi là một người tham vọng? Tôi hỏi.

“Còn sao nữa! Chính anh nói mà!” Đôi mắt Uyên tinh nghịch.

“Khó hiểu! Thật là khó hiểu!” Tôi bẻ một miếng bánh có bôi bơ lạt cho vào miệng.

“Cháu đừng quan tâm cách nói năng của Uyên. Nó là chúa bốc đồng đấy!” Bà Phan cầm chiếc khăn ăn thấm thấm môi.

“Thưa me, me đừng bênh anh Thăng. Chính anh ấy nói thật mà!”

“Hồi nào, ở đâu?” Tôi đùa.

“Anh có thể quên, nhưng Uyên có trí nhớ rất tốt. Cuộc đời một thiếu nữ khởi đầu bằng tình yêu và chấm dứt bằng hôn nhân. Còn cuộc đời của một thanh niên khởi đầu bằng tình yêu nhưng chấm dứt bằng một tham vọng.” Nếu Uyên không lầm, chính anh đã nói câu này trong một lớp tối, cách đây chừng bốn tháng!”

Đúng là Uyên có một trí nhớ rất tốt. Nhưng đó không phải là câu nói của tôi. May sao bà Phan cắt ngang:

“Uống cà phê đi cháu. Cháu còn thiếu thứ gì cho bác biết nhé!”

“Cám ơn bác, cháu đã đủ”.

Bà quay sang con gái:

“Uyên nhớ lo cho anh Thăng những gì anh ấy cần! Con có để ý mấy cái cúc áo anh ấy không? Gớm dạy học gì mà áo nào cũng đứt một nút ở cổ!”

“Mẹ không phải đơm cúc áo cho anh ấy, con thấy lúc nào anh ấy cũng để áo hở cổ mà?” Bà Phan phì cười.

“Còn sách báo? Cháu đọc gì mà lắm thế?”

Quả là như vậy, đồ đạc tôi đâu có gì ngoài mấy cuốn sách. Quần áo không quá bộ thứ ba. Giầy một đôi. Dép một cặp. Hình như thời còn đi học tôi khá hơn bây giờ nhiều. Uyên kêu than vì đống báo tôi cứ phải bê xuống bê lên cầu thang không biết bao nhiêu bận. Khi đã cho tất cả vào thùng xe, Uyên nói.

“Thế mà cũng gọi là dọn nhà đấy! Nhà có gì đâu mà dọn. Chỉ là dọn sách báo thôi. Để Uyên mở một hàng sách nhé!”

Chú Tư tài xế nhắc:

“Còn bức tranh vẽ cô Uyên trên tường?”

Suýt nữa tôi quên. Bức tranh ấy Quỳnh dặn tôi nhớ mang theo. Sáng hôm sau ở nhà ông Phan ra, tôi đã đến gặp Quỳnh ở sở làm. Tôi kể lại cho cô nghe những gì ông Phan đã cho tôi biết. Quỳnh hơi mỉm cười không mấy tin một câu chuyện như thế. 

Cô nói:

“Tiểu thuyết quá! Nhưng - Quỳnh tiếp - anh cũng không nên coi thường. Ông Phan là cây dù của anh trong lúc mưa to gió lớn thế này. Đến ở hẳn trong nhà ông, theo em, không phải là một giải pháp toàn hảo, nhưng cứ nghĩ đến sự an toàn của anh, em xin anh cứ tạm thời là như thế!”

Quỳnh không hề nhắc đến Uyên, người mà cô biết chắc là tôi sẽ phải giáp mặt hằng ngày dưới một mái nhà. Quỳnh nói lần này cô sẽ không dọn nhà giúp như mấy lần trước, nhưng “đừng quên mang theo bức tranh của em, có nó anh sẽ nhớ em!”

Căn phòng bà Phan dọn cho tôi khá rộng, thoáng. Cửa kính trong suốt, màn vải dầy màu kem, máy điều hòa không khí mát lạnh. Một kệ sách bằng gỗ cẩm lai đẹp và nhã. Bàn viết lớn, ghế xoay. Giường trải ra trắng tinh, nệm, gối chăn đều mới. Một dàn máy nghe nhạc tối tân, một chồng dĩa mới nhất. Một ngọn đèn đọc sách trên bàn ngủ cạnh đầu giường. Cửa sổ chỗ đầu nằm mở ra một lối đi trải sỏi và cây mận lớn chùi nhánh lá qua mấy chấn song.

Kỳ 45

-Một con mọt sách đáng ghét! Uyên kêu lên.

-Uyên! Để im cho me nói chuyện với anh Thăng. Rồi quay sang tôi, bà tiếp:

-Có cháu ở đây tự nhiên tôi cảm thấy nhà cửa khác hẳn ra. Tôi có cảm tưởng như mình vừa có thêm một đứa con trai!

-Cám ơn bác! Bà Phan làm tôi cảm động thật sự.

-Này nghe tôi dặn, có đi chơi đâu nhớ trưa về ăn cơm nhé!

-Thưa bác, có lẽ cháu sẽ về muộn. Xin bác cho phép cháu tự nhiên!

-Cẩn thận nhé, ông nhà tôi trước khi đi có nhắc là đừng để cháu ra ngoài nhiều!

-Cám ơn bác, nhất định cháu sẽ không về khuya!

Tôi đứng dậy sau khi đã uống hớp cà phê cuối cùng.

-Xin phép bác!

-Kìa, anh Thăng! Anh đi đâu vậy? Uyên kêu lên, mắt nhìn tôi dò hỏi.

-Tôi có chút chuyện.

-Uyên đi theo được không? Cô hỏi tôi nhưng mặt quay về phía bà Phan.

-Uyên! Bà Phan nghiêm khắc. Nhưng khi thấy con gái xịu mặt, bà tiếp giọng dịu lại.

- Con gọi chú Tư đánh xe đưa anh Thăng ra phố, nhân tiện con ghé bác Phán trả hộ me chiếc vòng cẩm thạch nhé!

-Vâng, thưa me! Giọng Uyên vui hẳn lên

-Đi, anh! Cô nắm tay tôi lắc lắc thúc giục. Tôi chần chừ.

-Thưa bác, xin cám ơn bác. Nhưng cháu lung tung lắm. Để cháu đi cái Lambretta của cháu cho tiện!

-Cháu ngại à? Ừ, thì tùy cháu!

Bà Phan đẩy ly nước cam qua một bên, mở trang trong của tờ báo, cúi xuống đọc chăm chú.

Uyên theo tôi xuống sân. Khi tôi vừa cho máy nổ, cô đã ngồi sau yên, tay đặt lên vai tôi:

-Sao anh hấp tấp vậy? Sợ trễ hẹn hả?

-Hẹn ai?

-Làm sao Uyên biết được. Nhưng Uyên theo được không?

-Sao không? Nhưng cô muốn đi đâu?

-Anh đi đâu Uyên theo đó.

Tôi cho xe chạy qua Phan Đình Phùng, đường mát dưới bóng cây. Một chiếc xe nhà binh vút qua bay lên những tiếng hát trầm hùng. Tôi vòng xuống Nhà Thờ Đức Bà, dừng xe trước cửa Bưu Điện mua một gói thuốc lá. Tôi phóng nhanh, Uyên ôm chặt tôi cười khúc khích nhột ở cổ.

-Cười gì vậy?

-Đừng dọa Uyên. Uyên không sợ tốc độ đâu!

Tôi cho xe chạy nhanh hơn, bỏ đường Duy Tân, phóng như bay trên những con lộ vắng. Đường Gia Long với vòm me lá xanh mướt chạy dài đến cuối là nhà thờ Saint Paul gợi ta cái cảm giác đang đi trên một hành lang. Đường Nguyễn Du có trường Quốc Gia Âm Nhạc tắm nắng dưới những hàng cây cao ngó xéo bên phải là tòa đại sứ Nam Hàn. Đường Lê Quý Đôn với những ngôi biệt thự xinh xắn, mái ngói đỏ, vườn cây xanh, sân trải sỏi.

Ở một ngã tư, đang chạy tôi chợt giật mình, đèn đỏ bất ngờ, tôi đạp chân thắng gấp. Uyên ôm chầm lấy tôi.

-Chết khiếp! Anh chạy ẩu quá trời!

-Sợ hả?

-Không bao giờ!

Uyên ôm chầm tôi, những ngón tay cô bấu trên vai tôi.

Đèn xanh. Tôi lượn lại một vòng Nhà Thờ Đức Bà. Nắng lóa mặt đồng hồ trên cao. Đường Tự Do mát, hẹp và nắng. Đến quán Cái Chùa, tôi chậm chậm, Uyên thúc hông kêu chạy tiếp. Tới Givral tôi rề rề.

-Thôi anh, Uyên không vào đâu, bạn anh ông nào ông nấy dễ sợ thấy mồ!

-Vậy muốn đi đâu?

-Hoàng Gia!

-Cô ghiền trà Hoàng Cúc à? Không sợ lựu đạn cay sao?

-Sao? Chứ anh không thích trà Hoàng Cúc sao?

-Thôi. Hay là mình đi về đi?

-Về làm chi?

Uyên nhổm người lên nói sát vào tai tôi.

-Ông mát rồi, ông ơi!

Đến đầu đường Nguyễn Huệ, tôi tấp vào một quán bán hoa.

-Một chục bông hồng cho người tên Uyên!

-Cho Uyên? Cô ngạc nhiên.

-Chưa bao giờ nhận hoa của đàn ông tặng à?

-Chưa bao giờ!

-Thật không?

-Thật một trăm phần trăm!

-Vậy tập nhận một lần cho quen!

-Cám ơn anh. Rồi sao nữa anh?

Uyên hỏi khi tôi đã cho xe chạy.

-Về nhà!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6641)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5818)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6908)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7313)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6331)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6044)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6605)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5415)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5277)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5565)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5509)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5555)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6006)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6782)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6812)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6148)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6065)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6240)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6432)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6889)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6552)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6932)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 6997)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6780)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6412)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47124)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66958)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24927)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5948)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5953)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6277)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7000)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5504)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5734)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6351)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5621)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5433)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5901)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6395)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5461)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5991)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6192)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6180)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8128)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7073)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6303)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8702)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7770)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7414)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7342)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu