Vài Dòng Cảm Nghĩ về bài thơ
Bên Kia Rặng Núi
của Nguyễn Thị Thêm
Trước hết là nhờ vào cái Tựa rất nên thơ (Bên Kia Rặng Núi) nên tôi đã nhanh chóng mở đọc bài thơ vừa mới đăng của tác giả.
Tôi bị lôi cuốn bởi những câu thơ ngọt ngào, dịu dàng, nhẹ nhàng, đầy gợi cảm ở 3 khổ thơ đầu:
"Có gì không....
Mỗi lúc Xuân về, thương nhớ ngập lòng"
với "bàng bạc chân trời", núi "xa tít mù khơi" và biển "xanh ngát mênh mông" chừng ấy đủ vẽ nên hình ảnh cố hương bên kia bờ đại dương với nỗi nhớ chập chùng trong tâm tưởng.
Có gì không bên kia rặng núi
Trời mờ sương, mây thấp thật buồn
Bàng bạc chân trời, đỉnh cao vời vợi
Che khuất tầm nhìn, sao thấy vấn vương.
Mỗi khi mùa đông nhìn lên đỉnh núi
Tuyết lẫn mây trời, hòa quyện tuyệt vời
Tôi đứng ở đây, xung quanh là núi
Nhìn về quê hương xa tít mù khơi
Chỉ có núi cao, núi cao lồng lộng
Chỉ có biển xanh, xanh ngát mênh mông
Đất nước thân yêu, chân trời diệu vợi
Mỗi lúc xuân về, thương nhớ ngập lòng.
Đến đây, việc "chuẩn bị tinh thần và cảm xúc" cho người đọc dường như đã đủ, tác giả tiếp tục dùng 3 khổ thơ kế tiếp để kể lại từng địa danh của quê hương
Biên Hòa từ những tên tuổi danh tiếng như Sông Đồng Nai, Núi Bửu long...đến Trường Mỹ Nghệ, Tiểu Học Nguyễn Du, Trung Học Ngô Quyền,...đến những Xã Quận xa xôi như Long Thành, Phú Hội, Nhơn Trạch, Phước Thiền...
làm cho những ai là người con của đất Biên Hòa sẽ thấy hiện ra dần dần trong ký ức những hình ảnh, những kỷ niệm, những hình bóng xưa cũ hiện về.
Tôi, đang viết những dòng này, cũng đang bị mê hoặc, lênh đênh về một thời tắm sông, tắm suối, rong chơi nhởn nhơ trong rừng mai hái trái chuối khỉ, hay len lỏi trong các vườn cây, rặng mía, bắn chim bằng ná thun quên cả giờ về.
Mời các bạn trở về với Biên Hòa cùng tác giả và cùng tôi đi thăm lại các nơi:
Quê hương của tôi, cũng sông cũng núi
Có sông Đồng Nai, có núi Bửu Long
Có Đình Tân Lân, có trường Mỹ Nghệ
Có cả Thành Kèn, xưa cổ rêu phong
Có Trường Nguyễn Du một thời Tiểu Học
Nhớ thuở Ngô Quyền, áo trắng mộng mơ
Đi về Long Thành, Phước long, Phước Kiểng
Khi ghé Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên
Mùa hè thật vui, đi chơi Phú hội
Ghé ăn dưa gang, mận, bưởi, sầu riêng
Phước Tân Tam An hay vào Nhơn Trạch
Bình Lâm, Bình Sơn hoặc ghé Phước Thiền.
Chúng ta đang miên man hồi tưởng và hoài niệm về quê cũ Biên Hoà bởi những giòng thơ của tác giả dẫn dắt chúng ta đi. Dù chuyến đi chưa qua hết các nơi chúng ta thèm đến để gặp lại những con người chúng ta thèm gặp, nhưng chúng ta đang bùi ngùi, đưa dòng tâm tưởng xa hơn, xa hơn...
Đến đây, tôi tôi thấy tác giả đã rất khéo léo, giữ chúng ta lại với câu thơ:
Xa lắm rồi, những ngày đoàn tụ.
Đã xa lắm rồi, không còn là hiện thực nữa nên nỗi nhớ lại mênh mông hơn. Tác giả dùng 2 khổ thơ cuối cùng để chuẩn bị kết luận và kết luận bài thơ.
Thật là tuyệt diệu về bài thơ này về ngôn từ và về bố cục:
Đã xa lắm rồi, những ngày đoàn tụ
Qua đò Hóa An, ghé đến thăm anh
Bây giờ mẹ, Cha, các anh đều mất
Mồ đã bạc màu, cỏ chẳng còn xanh
Xuân đã về rồi, mùa xuân xa xứ
Tóc đã ngã màu theo tháng ngày trôi
Quê hương trong tim, trong từng nỗi nhớ
Bên kia núi xanh, chẳng có ai chờ.
Ở 2 khổ thơ cuối cùng này, tác giả lại khắc họa bức tranh "Bên Kia Rặng Núi" thêm một "điểm nhấn" đậm nét, hay một "nhát dao ân huệ" đâm xuyên vào trái tim ta bằng sự tiết lộ "thăm anh bên đò Hóa An" và các từ ngữ đảo điên trùng điệp "mẹ cha, các anh đều mất" "mồ đã bạc" "cỏ chẳng còn xanh", bên này thì tóc em ngã màu theo thời gian, nhưng quê hương và tình anh vẫn còn dày vò trong "từng nỗi nhớ" với lời than thở tuyệt vọng:
Bên kia núi xanh, chẳng có ai chờ.
Cái nghệ thuật dùng một, hai câu kết, để kết thúc một bài thơ là một tuyệt kỹ làm cho bài thơ "bay lên", làm cho tâm hồn người đọc lâng lâng rung động như Xuân Diệu từng diễn tả tâm trạng sau khi đọc xong một bài thơ thì:
"Lòng hãy còn rung như chiếc lá
Sau khi trận gió đã im lìm. XD"
Cám ơn tác giả Nguyễn Thị Thêm đã cho tôi và những đồng hương độc giả BH thưởng thức một bài thơ hay, đầy ý nghĩa và chứa chan tình tự quê hương.
Mong rằng tác giả NTT sẽ còn những bài thơ giá trị nữa. Khi nào tôi khỏe và có thì giờ, sẽ trao đổi thêm với các bạn.
Dương Quân
01.2015
Và từ đâu anh Dương Quân có được cảm xúc nầy, chúng ta hãy thưởng thức bài thơ