Bà Cụ
Viết để tưởng niệm ngày cụ bà Apoline Lê Quang Chiếu về nước Chúa.
Bà cụ thở những hơi thở yếu dần.Ba người con gái đọc kinh lớn: “Lạy Chúa!...Cầu cho linh hồn Apoline…” Còn một cô con gái nữa chưa kịp về. Đứa cháu ngoại gái làm bác sĩ đứng bên cạnh giường lâu lâu cầm tay gọi: “ngoại ,ngoại” như muốn biết ngoại ra đi chưa, khuôn mặt cô bình thản như biết trước những cuộc tử sinh đời người.Chồng cô cũng là bác sĩ lâu lâu nắm tay bà cụ cũng gọi “Ngoại! ngoại” bằng tiếng Việt như dò xét, khuôn mặt anh cũng bình thản, hai tròng mắt màu xanh của anh ánh lên dưới ánh đèn mờ và màu mái tóc vàng khác biệt với những đầu tóc màu đen xung quanh.
Chúng tôi đang ở trong một phòng không phải bịnh viện mà nhà cô cháu của bà cụ. Người cháu gái bằng lòng hứa với bà cụ là: khi nào bà ra đi về với Chúa là tại nhà cô chứ không ở bịnh viện. Bà sợ bịnh viện.Và người cháu giữ lời như vậy. Bà cụ yên lành tắt thở khi cô con gái thứ Ba vừa vào tới cửa. Tôi nhìn cánh cửa sống và chết cùng gần như nhau, những hơi thở tàn úa thoi thóp chóng qua nhanh của một đời người. Ai cũng sẽ như vậy. Bông hoa nở rộ khoe thắm xuân thì rồi héo úa tàn như một lần hiện hữu chợt biến, tan nhanh vào hư vô.
Ngoại!...ngoại! Người cháu rễ Mỹ cuối xuống nghe mạch lần cuối.
Vâng! Tôi biết chắc là tôi không còn nghe tiếng reo nhỏ khi bà cụ gặp tôi tới thăm như giã lơ không nhìn thấy cụ.
“Đình! Đình!...”Cặp mắt cụ sáng lên khi tôi bước lại gần hôn vào trán cụ. Bà cụ đã bước qua một cõi khác. Một cõi không ai biết đi về đâu? Nếu nghĩ có thiên đường? cụ bà cứ việc đi lên theo tiếng cầu kinh vọng vang cùng tiếng khóc các cô con gái của cụ.
Những hiện hữu, biến tan chốc thành chớp mắt. Cụ bà hiền hòa của giòng Đồng Nai trong một buổi sáng tinh sương và hoàng hôn gợn gió đang nằm yên như bay về phía phương trời xa.
Cánh Đồng Nón 2005.
VÕ ĐÌNH TUYẾT