ĐÊM KHIẾT TÂM KHÔNG NƯỚC MẮT
Biên Hòa của chúng ta ngày xưa, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ly loạn nhưng chính quyền của miền Nam tự do lúc bấy giờ, luôn đặt nặng nền giáo dục lên hàng đầu. Tỉnh lỵ Biên Hòa ngoài trường trung học công lập Ngô Quyền, còn có các trường trung học tư thục, đã tạo điều kiện cho tất cả học sinh những người con của xứ Bưởi, tiếp tục hoàn tất bậc Trung học.
Khiết Tâm là tên một ngôi trường ngày nay đã mất tên, nhưng những người học trò Khiết Tâm luôn nặng lòng với trường xưa, nhất là những cựu học sinh xa xứ, như một sự hoài niệm họ đã đến với nhau bằng tất cả những tấm lòng trong đêm Khiết Tâm không nước mắt.
Nơi gặp gỡ là căn nhà trong một thành phố vắng vẻ tọa lạc tại Nam California, một sự tình cờ không định trước, căn nhà ngoại ô của người viết được chọn làm nơi tiếp đón các cựu học sinh Khiết Tâm. Tôi nghĩ là tôi trúng số vì sáng hôm sau thứ bảy, là họp Tân niên đồng hương Biên Hòa, nhưng may mắn được Lam và Mai trấn an,” đừng lo tụi em Khiết Tâm sẽ mang thức ăn và bàn ghế đến, cũng là dịp cho ca sĩ Biên Hòa tỗng dượt cho chương trình văn nghệ Tân Niên”. Vì không chuẩn bị trước nên bước đầu tưởng gặp nhiều khó khăn, hơn nữa vào phút cuối lại hụt hẳng về phần âm thanh và ban nhạc, với lý do ông rể Khiết Tâm Võ Hà Thông, phụ trách ban nhạc chắc đã đi lạc qua tiểu bang Nevada, gia chủ lại không có giàn âm thanh, không có Karaoké, chỉ lo họp mặt bạn bè chỉ ăn uống không đờn ca xướng hát, không khác nào ăn phở không có ngò gai húng quế. Nhưng may nhờ vào nỗ lực sau cùng của Lam và tiếp tay của Trí, nên khi vội vàng về đến nhà, tôi đã thấy anh chị Hùng Trang đến từ Long Beach, đang khệ nệ mang nhạc cụ vào nhà. Còn được tăng cường với ban nhạc hùng hậu, anh Thái one man band và nhiều ca sĩ sẵn lòng. Đặc biệt là nhạc sĩ Biên Hòa Lương Minh Lý có dịp trổ tài, đưa những ngón tay nắn nót lại trên phím đàn.
Không giống như lần gặp mặt trong ” Đêm Khiết Tâm Mắt Đỏ Rưng Rưng”, các cô Khiết Tâm thay gì tay bắt mặt mừng và nhìn nhau trong ngấn lệ, đêm nay các cô đến với nhau qua vóc dáng tươi trẻ và những nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.
Ôi! đẹp biết bao với những con người ấy, đã làm sống lại những kỹ niệm ngày nào, giữa sân trường, những tà áo trắng tung bay.Trường xưa bạn cũ như lời réo gọi sâu thâm thẩm trong óc trong tim “ Khiết Tâm gọi ta về”.
Đôi uyên ương Thanh Lam &Mai vẫn là nỗ lực chính của đêm Tân Niên Khiết Tâm, hai bạn đến từ San Diego, Lê Thu Thủy từ Texas, Lôi Kiều Hạnh từ San Jose. Rồi còn Hòa, Dậu, Dung, Phụng, Lý con trai bác Tư Lựu Cây Chàm và Thúy cô em xóm đạo Tân Mai. Một khuôn mặt trẻ lần đầu tiên đến với gia đình Khiết Tâm, Nga cùng chồng là Minh còn có đứa con trai xuống từ Lawndale. Phạm Quyến khuôn mặt quen thuộc” Viết Về Nước Mỹ “của Việt Báo. Anh phó nhòm Đạt, rể Khiết Tâm không biết ở nơi nào, đành lòng bỏ Huệ với thân gái dặm trương, trên quảng đường xa khi trên xe đầy ấp thức ăn và bàn ghế…
Từ tình bạn đồng môn đến tình đồng hương xóm chợ Biên Hòa và Phúc Hải ngày nào. Tên những con đường, những bảng hiệu, những con người Biên Hòa của những năm xưa cũ, với tiệm vàng Phước Thọ, tiệm bánh Phước Hương, phòng ngủ Diên Hồng, cà phê Lam Thư, nhà thờ Biên Hòa cái nôi đầu tiên của trường trung học Khiết Tâm, cũng như không quên công lao của thầy Hiệu trưởng Linh mục Lê Hoàng Yến.
Những người em Khiết Tâm có dịp gặp anh Nguyễn Thy Ân và chị Bích Hà về từ Utah để tham dự Tân Niên Biên Hòa.
Cũng không thiếu những khuôn mặt văn nghệ của Ngô Quyền Biên Hòa và thân hữu, anh Lữ Công Tâm, chị Mia Mỹ , chị Dạ Thảo và anh Võ Hà Khanh
Những tâm tình của những cựu học sinh Khiết Tâm được quyện trong bài hợp ca.Tiếng hát của anh Thy Ân quá hay và điêu luyện với những điều giãn dị, Lam Mai luôn có chổ đứng cho riêng mình, Dạ Thảo và Võ Hà Khanh cũng không kém, tiếng hát đục khàn của ca sĩ thân hữu đưa ta về thời hoa mộng cũ.
Tiếng hát của anh Lữ Công Tâm nhẹ nhàng và ấm áp hơn bao giờ hết, quyện cùng tiếng hát của Mia Mỹ như nhắc nhở mọi người hãy vui đi vì thời gian còn lại có là bao, hãy cùng quên đi những gì lo lắng, thả lỏng qua những tâm tư hòa nhập trong những câu chuyện tình rất đẹp.
Bất ngờ hơn dí don hơn với màn biểu diễn cũa Nga Minh và các cô nữ sinh Khiết Tâm cùng hòa chung tiếng hát tưởng chừng như bất tận “ Rồi mai đây mình xa nhau cố nhớ nhau hoài…”
Chưa có một buổi họp mặt và văn nghệ hay và vui như đêm nay. Hay là nhờ có đàn anh Biên Hòa về từ Utah. Đêm văn nghệ Khiết Tâm tuyệt vời, hình như mọi người đều mong muốn thời gian dừng lại. Nhưng cũng đã đến lúc chiếc bánh tân niên được cắt, qua tâm tình rất thật của cô chủ nhỏ Kiều Hạnh (của Phước Hương ngày xưa, của Van bây giờ) “ Em làm bánh hơi nhỏ vì không ngờ quý anh chị đến tham dự đông quá…”
Đây cũng là niềm vui và hạnh phúc cho riêng tôi, vì có nhiều người có nhà cao cửa rộng, đầy đủ mọi thứ, nhưng chưa chắc có được những gì tôi có trong đêm nay…
Vui trong đêm Tân niên Khiết Tâm, qua ánh mắt và nụ cười của các cô nữ sinh Khiết Tâm, tôi đã tìm được cho tôi chút dư hương ngày nào, cô em hàng xóm cũng học trường Khiết Tâm, nhớ cái e ấp rụt rè của một thời thơ dại. Cám ơn những người bạn, người em Khiết Tâm. Hầu như không phải là sự hoài niệm, vì theo Lam người bạn trẻ cho biết Lam muốn làm sống lại qua sự nối kết những người bạn chung trường khắp nơi. “Khiết Tâm gọi ta về” ôm lấy những kỷ niệm đẹp, chan hòa tình cảm bạn bè trong đêm Khiết Tâm Không Nước Mắt.
Nguyễn Hữu Hạnh
Tôi Đỗ Văn Cường rời khỏi trường Khiết Tâm từ 1966. Mong gặp các bạn cũ