TIỄN BIỆT ĐỒNG MÔN NGUYỄN VĂN VIỆN
Một buổi sáng tinh sương trời Cali không có nắng, những con đường vẫn còn thấm ướt sau một đêm mưa. Một chút nắng yếu ớt hiện lên ở cuối chân trời, như muôn ôm ấp một cánh chim lìa đàn. Những con đường chạy qua khu phố Bolsa hôm nay buồn hơn bao giờ hết, như mang tâm trạng những người đi trong ngày tiển biệt
Đường qua những freeway 22 vượt qua 57 đi ngang về 10. Bolsa Pomona tuy xa mà gần. Càng gần hơn khi tình cảm đồng hương đồng môn, chỉ còn đến với nhau một lần cuối. Chúng tôi cùng đến thành phố Claremont để tiễn đưa và tham dự lễ hỏa táng đồng hương Nguyễn văn Viện vào ngày thứ năm 7 tháng 4 năm 2016.
Chúng tôi đến nhà quàn trước giờ lễ phát tang, cùng gặp gở chào nhau những người bạn học chung trường Ngô Quyền cũng như đồng hương Biên Hòa, anh Điệp đến từ tiểu bang Arizona, anh chị Nguyễn Đức Hiền, anh Nguyễn Văn Tân, anh chị Trần Văn Việt, anh chị Ma Thành Tâm, anh Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Xuân Hòa, Lê Văn Thành, Lữ Công Tâm và Nguyễn Thị Dung, Ma Thị Ngọc Huệ, Huỳnh Hữu Thọ, Huỳnh Thị Mai, Nguyễn Hữu Hạnh. Còn có Nguyễn văn Chớ, Lê văn Chính, anh Trạch Gầm và Lưu Tuyết Hương. Mọi người cùng đốt những nén nhang đưa tiển một người em, người bạn, người anh của Ngô Quyền, một đồng hương Biên Hòa đáng thương, đáng mến và quý trọng.
Trong phần phát biểu cảm tưởng, tôi được phép đại diện cho hội ái hữu cựu học sinh Ngô Quyền và hội ái hữu Biên Hòa nói lên lời vĩnh biệt anh và chia buồn cùng gia đình.Nhắc nhớ đến anh Viện lớn lên bên dòng nước ngọt Đồng Nai, mảnh đất Biên Hòa hiền hòa, con đường Phan Chu Trinh với Thành Kèn xưa cổ. Trường trung học Ngô Quyền của một thời áo trắng, rạp hát Biên Hùng, đường về Bửu Long với những tháng ngày bạt mạng với bạn bè. Con người anh luôn hiền hòa như mảnh đất đã sản sinh ra anh. Ai cũng phải có lần chết, anh Viện đã chuẩn bị cho sự ra đi của anh bằng một cuộc đời đáng sống. Tôi đã đốt thêm cho anh những nén nhang thay như nén nhang lòng cho những người bạn không đến được để tiển biệt anh. Anh Viện ra đi thảnh thơi không muốn vướng bận cho đời hai chữ nghĩa ơn "không muốn nợ ai và không ai nợ mình".
Nhưng riêng cá nhân tôi, anh Viện tôi vẫn thường gọi tên gọi thân quen “ anh Cao”, tôi luôn nhớ món nợ của tôi đối với anh và chắc chắn tôi không bao giờ đáp trả được. Vì chính anh đã cứu mạng sống tôi, nhờ vào viên thuốc trụ sinh anh thủ kỷ phòng khi nguy cấp trong tù Việt Cộng sau 1975, anh đã chuyển giao viên thuốc này cho tôi,( dù chỉ là người em mới biết không nối khố, cận thân), qua những hàng rào kẻm gai ngăn cách hai trại. Chính viên thuốc này đã cứu tôi vượt qua cơn kiết lỵ hành hạ nhiều ngày và xem chừng như vô phương cứu chửa.
Anh Trạch Gầm, người anh cao niên cũng không nén được sự xúc động khi nhắc nhớ về những kỷ niệm với anh Viện. Một chút tự hào êm đềm trong tình chiến hữu, một chút ngậm ngùi đớn đau trước cơn lốc xoay chiều của lịch sử.Thương tiếc tiển đưa người em, cũng không quên vinh danh người bạn đời của anh Viện, chị Phương Trang đã tân tụy một đời với người chồng bệnh nặng. Hoài mong ngày về thăm lại Biên Hòa qua bài thơ do anh sáng tác và tự diễn ngâm đã đưa anh Viện về thăm lại Biên Hòa
Anh Trần văn Việt đã nói lên những lời tâm tình trong bồi hồi cố ngăn đôi dòng nước mắt, vì là người bạn sát cánh gần gủi với anh Nguyễn Văn Viện của những ngày chung học, một thời áo lính, áo tù. Cũng là người bạn duy nhất chứng kiến phút giây anh Nguyễn Văn Viện trút hơi thở cuối cùng. Anh đứng đây như muốn cùng với những người bạn ở xa như Võ Hải Vương, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Phú Quý, Đỗ Cao Thông, Đỗ Xuân Thượng v.v cùng ôn lại từng kỷ niệm vơí người bạn đã ngủ yên. Nếu như có kiếp sau, Việt, Vương, Định, Quý, Thông, Thượng v.v vẫn mãi là những người bạn muôn đời của Nguyễn Văn Viện. Vĩnh biệt bạn bè, tiển biệt đồng môn
Mang thân tứ đại, thân xác con người trở về với bụi tro. anh Nguyễn Văn Viện mất đi, gia đình mất đi một người em, người chồng, người cha, một người ông đáng thương. Đồng Hương Biên Hòa, Đồng Môn Ngô Quyền mất đi một đồng hương, đồng môn đáng kính. Khi anh còn sống cũng như lúc ra đi, anh không có tiền tài không mang danh vọng. Nhưng anh đã để lại cho đời một tấm lòng nhân hậu, với bạn bè và cho cả tha nhân. Anh đã có một cuộc đời đáng sống.
Nguyễn Hữu Hạnh