MÁ
Chi lấy khăn chậm những giọt nước mắt ứa ra lăn dài xuống má. Chị lau vội vàng để cả nhà không thấy chị đang khóc.
Chi lấy khăn chậm những giọt nước mắt ứa ra lăn dài xuống má. Chị lau vội vàng để cả nhà không thấy chị đang khóc.
Mà chị cũng mau nước mắt thiệt, tuổi gần bảy bó mà cái tội khóc nhè vẫn không bỏ được.
Bài hát "Gánh hàng rong" hình ảnh người đàn bà với đôi quang gánh xuôi ngược để mưu sinh sao giống má chị quá. Chị nhắm mắt lại, nhớ về Mẹ mà xao xuyến.
Má là một cô gái miệt vườn miền Nam chơn chất. Má thứ Sáu nên người ta gọi là "Cô Sáu". Má đẹp nhất nhà và cũng rất giỏi giang. Con gái miệt vườn rất khéo và có tay buôn bán. Chị cũng không biết má gặp ba chị lúc nào. Nhưng có lẽ gia đình ông ngoại không đồng ý một chàng rễ người nẫu sống tha phương cầu thực, nên chị không nghe má nói về đám cưới của mình. Chỉ biết khi chị bắt đầu hiểu biết thì má đã là một bà già. Một bà già trong đôi mắt chị dù má khoảng ngoài 50.
Kể từ khi con biết nhớ,
Má đã già, một bà cụ gầy nhom
Tóc búi cao mặc áo vá vai sờn
Quần đen đã bạc màu theo năm tháng
Má cười, nụ cười hiền thương lắm
Hàm răng kia xệu xạo cái thấp, cao
Tuổi chưa già mà đã ngoáy trầu
Môi cắn chỉ, đỏ tươi màu hạt lựu
Chiếc áo túi, cái túi may thiệt bự
Giả bộ lấy đồ, mò vú má thiệt vui
Má nhột la lên, rồi má lại cười
"Nhớ hồi nhỏ, bỏ bú con thiệt khó"
Cuốn phim đời hiện về là khi chị bắt đầu đi học và thằng em Út khoảng 3, 4 tuổi. Chiều chiều hai chị em ra hông nhà, cạnh cây dừa cao lêu nghêu, đứng đó ngóng hoài con đường ngõ xóm. Hai chị em chờ má về . Thằng Út chỉ nhìn và khóc. Nó không nói được gì vì dường như sự nhớ má đã làm nó chui vào góc tối tự kỷ. Nó buồn bã, câm nín. Cả ngày lẫn đêm nó lặng lẽ như cái bóng. Còn chị cố tìm mọi cách cho em nói, cho em vui mà bất lực.
Đó là lần má về quê chồng rước bà nội chị vào chữa bệnh và nuôi dưỡng. Người ta hay nói con gái miền Nam chỉ biết ăn và diện. Nhưng nếu lấy má làm tiêu biểu thì chị tin rằng ít ai có thể vượt qua. Má làm dâu từ lúc hơn 30 tuổi đến lúc nội mất là má tuổi gần 70. Một bà già 70 tuổi, ốm nhom, răng rụng móm xọm. Chăm sóc mẹ chồng 94 tuổi răng đầy đủ và mập mạp. Cứ nghĩ tới hình ảnh đó, mắt chị cay xè.
Bà nội chị không phải là người hung dữ. Bà thật hiền và ít nói. Nhưng phong tục ngoài quê và nếp sống phong kiến vẫn giữ mãi trong lòng. Bà có cái uy của một bà mẹ chồng và má chị là một con dâu có bổn phận phải phục vụ. Hai mắt bà nội chị đã mờ sau lần giải phẩu nên việc đi lại trong nhà rất khó khăn. Chồng đi làm, các con đi học, trong nhà chỉ có nội và má chị. Má buôn bán, lo cho bầy heo trong chuồng, gà vịt ngoài vườn, chợ búa, cơm nước cho chồng cho con và phục vụ mẹ chồng.
Nội kêu "Hai quơi!" một tiếng mà má chị phải chạy đến liền. Sợ nội bước đi lỡ té làm sao.
Mỗi khi dọn cơm, má chị phải nắm tay nội lần chỉ các món ăn. Nội không muốn ai đút. Tay nội lần theo các tô má để theo thói quen để nội tự ăn. Chén cơm để trước mặt, canh là bên tay trái, cá hay thịt kho bên tay phải, món xào ở kế bên. Món tráng miệng để ngoài mâm. Ăn xong nội kêu: "Hai Quơi! Dọn con!" là má chị đem nước và khay trầu tới cho nội. Thường thường dọn cơm cho nội xong má chị không đi liền, bà đứng nhìn nội một hồi lâu, xem nội có cần giúp không? Thấy ổn bà mới đi làm chuyện khác.
Bà nội và má chị đều ăn trầu. Bà mẹ chồng ăn trầu có xỉa thuốc. Cau khô, cau tươi gì bà cũng nhai rôm rốp vì răng bà đã nhuộm đen, đều rưng rức, không hư một cái nào. Còn má chị, người con dâu thì phải ăn trầu ngoáy. Ống nhổ mỗi người một cái, khay trầu cũng vậy. Khay trầu mẹ chồng có thêm bịt thuốc rê. Khay trầu con dâu có bộ ống ngoáy và cau khô thì phải ngâm cho thật mềm.
Cả ngày mẹ chồng nàng dâu ít khi nói chuyện. Không phải là ghét nhau mà vì bà nội chị tai đã lãng. Nói gì bà cũng hỏi lại và nói đó rồi lại quên. Má chị bận rộn cả ngày nên bà nội cũng thèm có người tâm sự. Chị là nhân vật được bà nội chọn để gửi gấm tâm tình. Cứ nghe tiếng chị về là nội lên tiếng liền: "Chín ! Con về rồi hử? " Thế rồi nội than đau răng, nhức mắt... cuối cùng là " Mi cho nội thuốc đi con. Thuốc mi cho răng mà nóa hay chi lạ!" Chị lấy một viên xuyên tâm liên và rót nước cho nội. Nội uống với ánh mắt vui mừng. Bao nhiêu chuyện trong ngày được nội kể lại hay hỏi thăm, " Nẫu thế này... Hén thế kia..." Nội nắm tay chị rồi mân mê, sờ soạng. Nội chị là vậy đó. Thật dễ thương.
Bà nội chị, một bà già xứ nẫu Bình Định cả đời không ra khỏi góc làng quê. Bà lại là con gái nhà giàu nên có biết làm lụng chi đâu. Lấy chồng, đẻ con, chồng thương yêu, cưng chiều hết mực. Ông nội rước thầy đồ về dạy học cho con. Thế rồi ông nội bị bệnh qua đời. Chồng mất sớm khi tuổi đời còn trẻ, lại không biết làm ăn. Bà nội yếu đuối không đường xoay sở. Ông thầy đồ xót thương hoàn cảnh mẹ góa con côi, ông gánh vác lo cho cả gia đình và theo ngày tháng ông trở thành người chồng thứ hai của bà nội.
Rồi ông nội hai cũng mất, nhà lâm vào hoàn cảnh vô cùng bi đát. Ba chị tuổi còn nhỏ phải đi làm phụ mẹ nuôi em. Để thoát cảnh đói nghèo ba chị theo người dì vào Nam lập nghiệp. Làm được bao nhiêu, ba chị dành dụm gửi về cho mẹ sửa nhà, nuôi em ăn học.
Khi hai người thành vợ chồng, trách nhiệm lo cho mẹ và em chồng là gánh nặng đè lên vai của mẹ chị. Ba chị là người con rất mực có hiếu. Nghe tin mẹ đau mắt, ông kêu vợ về quê đem mẹ vô nam. Đây là lần đầu tiên mẹ chị một thân tìm đường về quê chồng. Hơn một tháng đường xa, mẹ chị bỏ con dại ở nhà để làm tròn đạo dâu con. Sau đó đưa nội lên nhà thương lớn ở SaiGon mỗ mắt và phụng dưỡng đến cuối đời.
Để gia đình em trai có cuộc sống tốt đẹp hơn, ba chị đã giúp đỡ người em kế mình vào Nam lập nghiệp. Khi chú chị có công ăn việc làm, gia đình ổn định, thì những người bà con cùng làng quê cũng tìm cách vào theo. Họ đến nương nhờ nhà chị. Má chị là người gánh vác nặng nề nhất.
Má giỏi lắm, một tay buôn bán lo đời sống gia đình và gánh gồng một đoàn người từ Bình Định vào Nam lập nghiệp. Nhà chị lúc nào cũng đông. Mỗi bữa ăn ba bốn mâm cơm mà người ăn đa số là thanh niên lực lưỡng.
Má xay bột làm bánh cam, bánh ít, nấu chè rồi gánh đi bán. Tiếng rao của má nghe tội nghiệp giữa nắng trưa. Má vừa đi bán dạo vừa hỏi để gom tỉn nước mắm (Ngày xưa người ta đựng nước mắm trong cái tỉn bằng đất nung rồi hàn kín miệng). Má mua những tỉn không chở lên Sài Gòn bán cho vựa rồi mua tỉnh đầy về bán. Nhà đông nhân khẩu, má đấu thầu mua hột cao su để mọi người có công ăn việc làm. Má nấu rượu, nuôi heo nái và đi cất hàng từ Sài gòn về bán lại cho xóm giềng. Ở nhà là một tiệm tạp hóa, thế mà má nhớ giá cả không sai một đồng. Ngày còn bé chị cũng biết phụ má buôn bán, cũng đội một trẹt bánh cam đi vòng xóm mời mọc. Cũng biết ngồi để mua hột cao su, và cũng đã từng theo má xuống suối nhổ rong lá hẹ về nấu cho heo ăn.
Một gánh hàng rong mẹ tảo tần
Gót chân nứt nẻ đã bao lần
Bàn tay nhăn nhúm không trao chuốt
Để lệ con rơi, nhớ mẫu thân.
Chị hình dung má chị như một con rối trong cái xã hội lỗi thời. Phải gánh vác nhà chồng như một quy luật bất biến, tự nhiên. Mà phải đâu ba chị chung tình cho cam. Ba chị là một người đàn ông đẹp trai và phong độ. Biết bao mối tình đi qua đời ông. Còn Má chị, chỉ cúc cung phục vụ cho một người chồng, gia đình chồng. Yêu thương chăm sóc những đứa con riêng của chồng với những người đàn bà khác. Chị hỏi:
- Má ơi! tại sao như vậy? Má chỉ cười và trả lời
- "Vì mình là đàn bà"
- "Đàn bà. Tại sao đàn bà phải chịu thiệt thòi nhiều vậy". Má chị khẻ nói
- "Rồi con cũng sẽ như vậy. Một người phụ nữ đoan chính chỉ có một chồng, còn đàn ông họ có quyền năm thê, bảy thiếp"
Trong đầu óc non nớt của chị lúc ấy , chị nhủ thầm "Chị sẽ không lấy chồng vì như vậy là bất công."
Thế nhưng má không hề biết đến hai chữ bất công. Cuộc đời má gắn liền với bổn phận. Trong thân thể gầy gò khô héo đó vươn lên một cái gì thật đẹp. Như một viên kim cương nhỏ bé mà giá trị biết bao.
Má như giọt sương mai buổi sáng.
Lấp lánh chói lòa dưới mặt trời
Là viên kim cương không ai mua được
Thương đế chỉ dành cho chúng con thôi.
Má không bao giờ nghĩ mình cao cả. Má chỉ làm hết sức mình để cho chồng, con và mọi người vui. Má coi những gì mình cho ra là bình thường ai cũng làm được.
Má không là núi, chẳng là mây
Má chỉ là mẹ của xưa nay
Khói bếp làm bù đầu tóc rối
Bay mãi lên cao quyện mỗi ngày
Má không phải chỉ có năm đứa con má sinh ra mà má còn có thêm 6 đứa con riêng của chồng thương yêu má. Trái tim của má mở ra cho hầu hết mọi người. Những đứa con chồng lại càng yêu thương, kính phục má hơn ai hết.
Má mất, ba dòng con để tang.
Các em nước mắt chảy hai hàng.
Thương má lớn, người mẹ hiền nhân hậu.
Mở rộng trái tim để cưu mang.
Bây giờ là tháng 5, ngày chủ nhật này 13/5/2018 là ngày Mother's Day. Quà các con ở xa đã gửi về kịp lúc cho chị. Chắc chắn là các con ở gần sẽ mời chị đi ăn.
- "Nấu ăn cả năm rồi. Hôm nay là ngày lễ Mother's Day để người khác phục vụ cho má".
Con chị nói thế mỗi khi chị đề nghị ăn ở nhà. Chị không thích phải xếp hàng rồng rắn để chờ ăn. Chị chỉ muốn cả nhà vui vẻ ăn những món chị nấu. Nhưng ngày lễ này thì đành chịu thua các con. Chị cũng nhận được nhiều lời chúc trên Face Book, trên mail của em, của bạn bè và những đứa con kết nghĩa.
Trong niềm vui đó, chị lại nhớ má mình vô cùng, nhớ má hơn bao giờ hết. Chị thương má muốn khóc.
Cả cuộc đời của má không hề có "Một ngày của Mẹ". Người mẹ như một ân huệ từ trên trời ban xuống cho những đứa con. Cứ nhận một cách thoải mái và không nghi ngờ. Những hy sinh, những vất vả của mẹ bỏ ra cho con như một sự tự nhiên. Chưa bao giờ các con của má ôm má hôn một cái hay nói một lời cám ơn má dù đó là ngày Tết.
Có chăng là giận hờn má cái này, trách má cái kia. Cảm thấy má bỏ ra chưa đủ, chưa công bằng. Chỉ khi má bệnh thật nặng, phải đem vào bệnh viện, đối diện với sự sống chết, các con mới giật mình thảng thốt nhận ra má mình đã già, má không còn bao nhiêu ngày tháng.
Tại sao như vậy? Chị cũng được đi học mà. Cũng được giáo dục "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra?" Chị cũng là đứa con gái duy nhất má thương yêu và gần gũi. Thế nhưng, chỉ những ngày má nằm bệnh viện chị mới cảm thấy má quan trọng nhất và chị sợ hãi sẽ bị mất má. Chị nhìn má chị thật kỹ, chị ôm lấy má và hôn trên đôi má gầy gò xanh xao. Da mặt của má thật mịn, thật đẹp, tay má gầy gò trơ xương, những đường gân nổi lên thật tội. Nhất là những ngày nằm ở nhà thương, những đường kim tìm mạch để vô nước biển bị sai, bầm tím cả hai bàn tay, cổ tay của má.
Má không bao giờ than đau mỗi lần chích như vậy. Má nhắm mắt lại chịu đau để y tá làm việc. Má cám ơn mỗi khi làm xong. Mỗi khi y tá chích không đúng mạch máu, má vẫn bình tỉnh chịu đựng. Khi y tá ngoáy mũi kim chị có cảm giác như ai bóp mạnh vào trái tim mình, đôi lần chị chạy ra ngoài để khóc. Thương má quá đi.
Má là cây chuối bên nhà ngọt mật
Vú sữa đầu mùa vị ngọt thanh tao
Là cây khế cây dừa trồng ở vườn sau
Là hoa Mai, hoa Sứ, hoa Ngọc Lan sân trước.
Má là... cả cái gì thân thiết nhất
Không thể hình dung, không thể trình bày
Má nằm trong tim, nhịp đập mỗi ngày
Trong hơi thở vẫn thơm mùi của má.
Người ta hay kháu nhau. Xã hội Tây Phương chỉ chú ý tới vật chất. Không có tình người. Con cái không biết gì về cha mẹ.
Không đúng, điều ấy hoàn toàn sai. Ngay từ lúc các cháu bé đi học lớp mầm, lớp chồi, lớp mẫu giáo, các cháu đã được dạy về tình gia đình. Những bức tranh, những hình dán dễ thương được viết cho mẹ, cho cha. Ngày sinh nhật cha mẹ, ngày lễ mẹ, lễ cha được nhà trường và xã hội tôn trọng và đề cao.
Chỉ có những kẻ vô thần, những đứa con bất hiếu hư hỏng mới không biết thương yêu, kính trọng cha mẹ. Còn xã hội nào, tôn giáo nào cũng đề cao tình phụ mẫu. Một con người không biết nghĩ đến người sinh dưỡng của mình thì chắc chắn người đó không thể là người tốt. Sẽ không giúp ích gì được cho xã hội. Nếu có thành công thì cũng chỉ là một con người ích kỷ, làm giàu bất chấp tốt xấu.
Năm ngoái, ngày Mother's Day cháu của chị đã dậy thật sớm. Tự tay chuẩn bị một bữa ăn sáng tươm tất cho cả gia đình. Có hoa, có quà cho mẹ, cho ngoại. Thiệp tự tay cháu làm để cám ơn mẹ, cám ơn bà.
Khi cháu ôm hôn chị và tỏ lời cám ơn chị đã khóc. Khóc vì vui mà cũng vì hối hận. Chị chưa từng làm như vậy với mẹ chị bao giờ.
Má ơi! Con xin lỗi má, mặc dù con chưa làm điều gì cho má phải đau buồn về con. Nhưng con cũng chưa làm hết bổn phận cho má được thật vui vẻ hay sung sướng. Cả cuộc đời má vất vả hy sinh cho chúng con. Khi con bắt đầu khôn lớn thì chiến tranh đến hồi ác liệt. Tàn cuộc chiến mẹ con mình phải cách xa. Về gần được bên má, cái đói của thời bao cấp lại đè nặng cuộc đời. Con của má lại tiếp nối theo bước chân của má là làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Con bươn chải quên bản thân mình để lo cho gia đình nhỏ của con.
Má ơi!, con đã không cận kề bên má, lo lắng , săn sóc cho má khi tuổi má về chiều.
Khi cuộc sống ổn định, con muốn trả hiếu cho má thì má đã khuất núi lâu rồi.
Ở trên cao má hãy tha thứ cho con. Đứa con gái mà má rất mực thương yêu.
Hàng đêm con lạy Phật Quan Âm.
Cúi đầu cung kính vái lâm râm.
Nguyện trên chư Phật luôn gia hộ
Má được phước lành kiếp tái sanh.
"Lễ Mẹ "tháng năm đã về rồi
Con buồn nhớ Má lệ thầm rơi
Ví dầu con có bao nhiêu tuổi.
"Mồ côi" con má vẫn ngậm ngùi.
Nguyễn Thị Thêm
Gửi ý kiến của bạn