7:53 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Đụng độ ngôn ngữ - Dân Việt

04 Tháng Mười 20189:53 CH(Xem: 52275)
image1.jpeg
                                                                    Đụng độ ngôn ngữ 
Ngôn ngữ là phương tiện để liên lạc, kết nối giữa người với người.

Nhưng cũng có khi, ngôn ngữ làm cho con người trở nên ngăn cách, xa nhau hơn. Câu chuyện về ngôn ngữ Việt Nam ngày nay tại hải ngoại là một ví dụ.

Từ hơn 4 thập kỷ rồi, kể từ sau cái ngày định mệnh cuối tháng Tư 1975 đã hình thành nhiều cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại. Và cũng từ đó, đã có không biết bao nhiêu cuộc tranh luận xung quanh vấn đề ngôn ngữ sử dụng trong và ngoài nước. Một số đông người Việt ở hải ngoại không chấp nhận một số từ ngữ người trong nước hiện nay đang dùng. Thí dụ như “Hãy vô tư đi!”. Hay là “bữa tiệc hôm nay hoành tráng thật!”. Những người ở trong nước qua Mỹ sử dụng những từ đại loại như thế bị chỉnh, chế diễu vì xài “từ Việt Cộng”. Những người Việt mới sang định cư ở Mỹ bị người đã ở lâu hơn bắt bẻ về cách sử dụng từ ngữ. Bị bắt lỗi hoài, đâm cáu! Đã có người xẵng giọng: “Tại sao lại cấm tui ‘vô tư’ nói rằng ‘bữa tiệc này hoành tráng’? Xứ sở này tự do ngôn luận mà!”

Ngay cái cách gọi “từ Việt Cộng” cũng đã dễ gây chia cách và bất đồng rồi. Bởi vì nó có mang hàm nghĩa chính trị. Một vạch chia cắt đã có từ năm 1954. Cho đến tận ngày nay, dù đã hơn 60 năm, nó vẫn in hằn vết sẹo trong tâm trí người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Tương tự như vậy là cách phân loại “từ ngữ trước 1975” và “từ ngữ sau 1975”. Trong bài viết này, tôi xin được tạm dùng nhóm từ trung tính hơn: “tiếng Việt trong nước” và “tiếng Việt hải ngoại”. Bởi vì tôi muốn được chia sẻ suy nghĩ của mình với cả những người bài bác lẫn bênh vực việc dùng từ ngữ trong nước.

Tôi nghĩ rằng mình có thể chia sẻ với cả hai phía, vì lý do đã từng đứng trên cả hai vị trí “bị phê bình” và “phê bình” việc  sử dụng ngôn ngữ trong nước tại hải ngoại. Tôi là một người đã học trung học đệ nhất cấp trước 1975, ở lại trong nước hơn 30 năm, và ở Mỹ được hơn 10 năm. Xét ra, thời gian “ở với cộng sản” còn lâu hơn thời gian trước 1975 và ở Mỹ cộng lại. Hồi mới qua Mỹ, tôi cũng đã bị chỉnh một số từ ngữ. Cũng đã từng nổi “cơn tự ái”, nghĩ rằng người bên này “quá khích” khi bắt bẻ thói quen sử dụng ngôn ngữ của người khác. Nhưng rồi sau một thời gian, tôi lại đi khuyên những người thân mới qua sau như mình nên thay đổi cách sử dụng một số từ ngữ trong nước.

Thực ra, chuyện phê bình “tiếng Việt trong nước” đã xảy ra ngay trong nước từ lâu rồi. Tôi nhớ ngay sau 1975,  phải học “5 điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, trong đó có “học tập tốt, lao động tốt”. Tôi tự nghĩ, thầy cô mình ở tiểu học vẫn dạy “tốt” là tĩnh từ, dùng để bổ nghĩa cho danh từ. Ở đây “học tập” và “lao động” là động từ, mà dùng chữ “tốt” thì nghe thấy không ổn! Nhưng mà cả xã hội vẫn dùng, cho nên từ từ cũng thành quen, không còn thắc mắc nữa.

Người đầu tiên nói với tôi về cách sử dụng từ ngữ sau 1975 ở Việt Nam là nhà báo Trần Đại Lộc, hồi anh mới đi tù cải tạo về năm 1978. Anh Lộc là một giáo sư dạy triết bậc trung học trước 1975. Là một người Nam hiền hòa, nhưng khi anh kể chuyện mấy anh cán bộ trong trại cải tạo dùng từ “đao to búa lớn” một cách bừa bãi, thì giọng anh khá châm biếm, chua chát. Một công ty tính toán lãi lỗ thì cán bộ nói là “hạch toán kinh tế độc lập”. Một người bị nhức đầu thì cán bộ y tế ghi toa là “chấn thương hệ thần kinh sọ não”, và rồi cho uống… xuyên tâm liên! Anh Lộc nói cách dùng từ kiểu này là “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”.

Trở lại với chuyện sử dụng từ ngữ trong nước ở bên xứ Mỹ . Ngôn ngữ còn được gọi là “sinh ngữ”, bởi vì nó giống như một thực thể sống. Nó cũng có quá trình sinh-trụ-hoại- diệt giống như muôn loài. Nó thay đổi liên tục, có khi tốt hơn, có khi xấu hơn. Một giáo sư có bằng cao học về ngôn ngữ cho biết người Pháp sử dụng cả Viện Hàn Lâm Pháp để tìm cách chống lại ảnh hưởng của tiếng Anh. Họ tìm cách thuyết phục cả nhà văn Pháp nên sử dụng tiếng Pháp thuần túy. Nhưng họ đã thất bại. Tiếng Pháp, cũng như bao ngôn ngữ khác, vẫn pha trộn với những ngôn ngữ khác, vì sự tương tác giữa các nền văn hóa là không thể cưỡng lại trong thế giới phẳng ngày nay. Người Mỹ “Hợp Chủng Quốc” lại có quan niệm phóng khoáng hơn nhiều về ngôn ngữ. Hình như người Mỹ không có khái niệm về một “tiếng Mỹ tiêu chuẩn”. Khi có số đông chấp nhận, thì từ ngữ đó trở thành tiếng Mỹ chính thức.

Nếu đứng theo góc nhìn này, có vẻ như ngôn ngữ Việt Nam dùng trong nước sẽ là ngôn ngữ chính thức. Bởi vì nó có tới hơn 90 triệu người sử dụng, so với chỉ khoảng vài triệu người Việt đang sinh sống tại hải ngoại. Vậy thì lấy lý do gì mà người ở hải ngoại bắt bẻ những từ ngữ sử dụng trong nước?

Trở lại trường hợp cá nhân tôi. Sau khi sang Mỹ chừng gần 2 năm, tôi được mời vào làm cộng tác viên của một tờ báo tiếng Việt ở vùng Bolsa. Ngày đầu tiên vào gặp ban biên tập để phỏng vấn, vị chủ bút hỏi tôi ở Mỹ được bao lâu rồi? Anh ta cho rằng phải ở Mỹ đủ lâu để suy nghĩ, sử dụng ngôn ngữ giống với người bên này. Bởi vì nếu suy nghĩ và dùng từ theo kiểu trong nước, nhà báo sẽ dễ bị cộng đồng “ném đá”! Sau này nghiệm lại, tôi thấy lời khuyên này rất đúng, và đúng không chỉ riêng cho nghề báo. Văn hóa, xã hội ở Việt Nam khác với ở Mỹ một trời một vực. Nếu suy nghĩ, ăn nói hành xử theo thói quen ở Việt Nam, thì việc giao tiếp ở Mỹ sẽ gặp khó khăn. Thất bại sẽ dễ đến không chỉ với phóng viên, mà cả với các nhà kinh doanh, chính trị, giáo dục…

Trong vấn đề ngôn ngữ, cũng sau vài năm sinh hoạt với cộng đồng người Việt ở Mỹ, tôi nhận ra rằng ngôn ngữ của nhiều người ở đây rất đẹp, rất văn hóa. Không chỉ có MC nổi tiếng và chuyên nghiệp như Nguyễn Ngọc Ngạn, Nam Lộc mới ăn nói lưu loát, duyên dáng. Khi tham dự những buổi hội họp của các đoàn thể cộng đồng như hướng đạo, hội đồng hương, hội cựu học sinh… tôi nhận ra rất nhiều người điều hợp cũng sử dụng một thứ ngôn ngữ Việt chuẩn mực, nghe thích vô cùng. Thứ ngôn ngữ mà tôi đã từng quen thuộc thời còn học tiểu học trước 1975, từ ông bà, cha mẹ. Nhưng rồi sau đó, nó dần dần bị bỏ quên trong nước. Ra hải ngoại, tôi bắt đầu nhận ra nó trở lại. Và cũng từ đó, tôi mới thấy mình không đúng khi trước đây “nổi cơn tự ái” vì bị bắt bẻ về một số từ ngữ. Tôi chú tâm đi tìm hiểu nhiều hơn nguyên do dẫn đến sự khác biệt giữa “tiếng Việt trong nước” và “tiếng Việt hải ngoại”.

Phân tích về ngôn ngữ là một đề tài mênh mông và đòi hỏi chuyên môn. Ở đây, tôi chỉ muốn đưa ra một vài nhận xét như một người yêu quí tiếng Việt, và đã từng sử dụng ngôn ngữ trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.

Điều đầu tiên, ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống. Có những thứ trước 1975 không có, hoặc chỉ có ở Mỹ mà chưa có ở Việt Nam. Từ đó  mà đẻ ra từ ngữ mới. Một thí dụ rất hay cho trường hợp này là nhóm từ “cà thẻ”. Đây chắc chắn là một từ do người Việt sinh sống ở hải ngoại đẻ ra. Trước 1975 không có “thẻ” (tín dụng) để mà “cà”. Còn người Việt trong nước thì phải vài chục năm sau 1975 mới quen với khái niệm này. Cả người trong nước lẫn hải ngoại đều dùng từ mới “cà thẻ” một cách hết sức tự nhiên, không ai tranh cãi.

Một thí dụ khác cũng trong trường hợp này, là những từ ngữ kỹ thuật sử dụng trong ngành công nghệ thông tin, máy tính. Trước 1975 ngành công nghệ này còn phôi thai trên toàn thế giới, chỉ bùng nổ ở những thập niên cuối thế kỷ 20. Rất nhiều từ mới trong nước đã xuất hiện, dịch theo các từ ngữ chuyên môn từ Tiếng Anh. Thí dụ như “software”, người trong nước dùng từ “phần mềm”, còn ở hải ngoại dùng từ “nhu liệu”. Một tiếng Việt, còn một là từ Hán-Việt. Sự khác nhau không đáng kể, có thể xem như do qui ước ban đầu khi sử dụng. Có lẽ không nhất thiết phải bắt bẻ, thay đổi những từ ngữ loại này.

Trường hợp thứ hai, ngôn ngữ khác nhau do thói quen sử dụng.  Đây có lẽ là nguồn gốc lớn nhất của sự khác biệt giữa từ ngữ trong nước và hải ngoại. Sau 1975, Việt Nam đóng lại bức màn sắt. Những người thoát ra ngoài nhờ di tản, vượt biên, đoàn tụ… có rất ít thông tin những gì xảy ra trong nước. Đến thập niên 90 thời mở cửa, sự liên lạc giữa người trong và ngoài nước mới trở nên dễ dàng hơn. Và sự khác biệt về nhiều mặt giữa người sống trong và ngoài nước bắt đầu được nhận diện, trong đó có vấn đề ngôn ngữ.

Một thí dụ cho trường hợp này là từ “hộ chiếu” của người trong nước, và từ “giấy thông hành” có từ trước 1975 và được hải ngoại tiếp tục sử dụng. Theo tự điển Hán- Việt, Hộ chiếu là giấy tờ tùy thân, nhằm mục đích bảo vệ cho người mang khi đi ra nước ngoài. Theo trang Vienam Global network, chỉ có hai nước là Việt Nam và Trung Cộng dùng từ “hộ chiếu”. Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Cộng nặng nề, cho nên sử dụng từ theo họ là điều dễ hiểu. Còn “giấy thông hành” có nguồn gốc từ tiếng Pháp “passeport”, hay tiếng Anh “passport”, có nghĩa là giấy tờ cho phép người mang đi qua biên giới hoặc cảng. Xét về nghĩa phổ thông hiện đại, thì “giấy thông hành” có vẻ phù hợp hơn. Nhưng nếu do thói quen, người trong nước vẫn sử dụng từ “hộ chiếu” thì  cũng chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu thói quen sử dụng do dùng sai nghĩa một từ, rồi cứ dùng lập đi lập lại và mặc nhiên cho là đúng, thì điều này cần xem xét lại. “Liên hệ” và “liên lạc” là thí dụ rõ nhất cho trường hợp này, và đã gây tranh cãi rất nhiều. Trước 1975 và ở hải ngoại, hai từ này phân biệt rõ ràng, và đúng theo nghĩa của cả từ Hán-Việt lẫn tiếng Anh. “Hệ” trong tự điển Hán Việt có nghĩa ràng buộc, có dính dáng, liên quan với nhau. “Liên hệ” được  dùng tương đương với từ “relation” bên tiếng Anh. Còn “liên lạc” có nghĩa là tiếp xúc, giao thiệp, tương đương với từ “contact” của tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu tra tự điển trong nước ngày nay, thí dụ như www.tratu.soha.vn  thì thấy “liên hệ” đồng nghĩa với “liên lạc”. “Liên hệ” bây giờ là sự lắp ghép hai từ “liên lạc” và “quan hệ” lại, rồi gán cho nó ý nghĩa là:  “tiếp xúc, trao đổi để đặt và giữ quan hệ với nhau”.  Đây là một cách dùng từ mà giới lãnh đạo trong nước rất hay làm, do đó đã đẻ ra những từ đặc trưng của chế độ, như  “quan ngại” (quan tâm + lo ngại), nay đã trở thành câu nói đầu môi chót lưỡi của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Việc cố tình đánh đồng nghĩa “liên hệ” và “liên lạc” như vậy đã tạo ra thói quen của người trong nước sử dụng chúng lẫn lộn với nhau . Nhưng nếu xét về nghĩa gốc, thì không thể nào “relation” và “contact” lại đồng nghĩa với nhau được.

Và có cần thiết phải làm như vậy không? Tại sao phải đơn giản hóa, xóa đi sự khác biệt rõ ràng về nghĩa của hai từ này. Tại sao phải thay đổi từ và nghĩa của từ đã có từ lâu trong lịch sử tiếng Việt? Có nhiều lý do. Có thể là do một người, một nhóm người nào đó trong giới lãnh đạo do ngu dốt hiểu không đúng nghĩa khi bắt đầu, rồi bắt cả xã hội dùng theo. Nhưng cũng có thể là do giới lãnh đạo CSVN cố tình muốn làm khác với ngôn ngữ truyền thống. Giả thiết này rất đáng tin cậy. Những người đã từng sống ở Miền Nam sau 1975 đều nhận thấy sự bài xích, cố tình xóa bỏ đi nền văn hóa, giáo dục của chế độ Miền Nam là một chủ trương rõ rệt của chính quyền cộng sản. Làm “cách mạng triệt để” phải xóa đi tận gốc “tàn dư của nền văn hóa chế độ cũ”! Và điều này cũng xảy ra ở những quốc gia cộng sản khác như Liên Xô, Trung Cộng.  Không ai diễn tả ý đồ của các chế độ độc tài cộng sản khi đơn giản hóa ngôn ngữ chính xác hơn George Orwell, tác giả của Animal Farm, 1984. Khi nói về khái niệm Newspeak (ngôn ngữ mới), ông cho rằng các chế độ độc tài đơn giản hóa ngôn ngữ để triệt tiêu tư tưởng đối kháng. Ngôn ngữ được đơn giản hóa đến mức trần trụi, thô thiển, không cần văn hoa, cảm xúc, không có trí tưởng tượng. Con người không có tư tưởng, từ đó dễ trở thành một công cụ trong một guồng máy, dễ điều khiển, dễ sai khiến.

Để đơn giản hóa ngôn ngữ, chính quyền cách mạng sau 1975 đã đổi từ máy bay “trực thăng” thành máy bay “lên thẳng”. Áo ngực  đổi thành “nịt vú”. Những bảng hiệu như “cửa hàng thịt thanh niên tươi sống” bắt đầu xuất hiện.  Và tệ hại hơn nữa, vào năm 1978, họ đổi bảo sanh viện Từ Dũ ở Sài Gòn thành “xưởng đẻ Từ Dũ”!

Nói đến đây,vấn đề đã mở rộng hơn, không còn đơn thuần chỉ là “vấn đề ngôn ngữ”.  Dù là người trong nước hay ở hải ngoại, đại đa số người Việt Nam đã nhận ra rằng đất nước mình từ hơn 60 năm qua đã được dẫn dắt bởi nhiều người lãnh đạo dốt nát, tàn ác và không trung thực. Không bàn sâu về vấn đề chính trị, ở đây chỉ bàn đến khía cạnh họ đã hủy hoại con người, từ đó hủy hoại văn hóa, hủy hoại ngôn ngữ truyền thống trong cả xã hội Việt Nam như thế nào.

Thói quen cũng có thói quen tốt, thói quen xấu. Thói quen có khi được hình thành từ sự bắt chước theo một đám đông trong xã hội. Ngôn ngữ là con người, bộc lộ rất nhiều điều từ bản chất bên trong của một con người, một xã hội.

Đã tự bao giờ, người Việt trở thành quen thuộc, nhàm chán với sự dốt nát trong cách sử dụng ngôn ngữ của giới lãnh đạo? Đã tự bao giờ, vì đã “nghe quen”, người Việt bắt đầu dùng thường xuyên những từ ngữ thể hiện sự dốt nát của giới lãnh đạo lúc nào mà không hay? Dùng một từ sai văn phạm, lẫn lộn với nhiều nghĩa khác nhau là một biểu hiện của sự ngu dốt, lười suy nghĩ. Phải chăng có một cán bộ cao cấp nào đó bắt đầu dùng từ “xử lý” một cách tùy tiện, bừa bãi, để rồi dần dần động từ này được cả xã hội trong nước dùng cho mọi trường hợp: “xử lý” công việc, “xử lý” văn bản, “xử lý” nước thải, “xử lý” bài hát… Có mấy ai nhớ lại trong từng trường hợp, tiếng Việt ngày xưa đã từng có những động từ khác nhau để diễn đạt những ý tưởng khác nhau: chế biến nước thải, diễn cảm bài hát, giải quyết công việc…?

Hai từ “vô tư” và “hoành tráng” cũng nằm trong trường hợp này. Có rất nhiều người trong nước, ban đầu cố tình sử dụng hai từ này sai chỗ để hàm ý diễu cợt. Nhưng rồi nói mãi, trở thành thói quen lúc nào không biết! Và dùng từ sai trong câu chuyện phiếm thì vẫn còn chấp nhận được. Nhưng viết từ với nghĩa sai trên bài luận văn, báo chí, nói ở những nơi chốn cần sử dụng ngôn ngữ Việt tiêu chuẩn như trong hội nghị ngoại giao  thì đó là biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa, ngôn ngữ của cả một xã hội.

Ngôn ngữ thể hiện sự dốt nát là vậy. Còn ngôn ngữ thể hiện cái ác của lãnh đạo? Có lẽ không gì rõ hơn bài thơ của Tố Hữu trong chiến dịch cải cách ruộng đất:

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”

Ngày nay, ở trong nước từ “máu” được sử dụng tùy tiện như di chứng của một thời đại “say máu quân thù” của Tố Hữu: “thằng này rất máu!”, “sao mà máu thế!”… Chẳng lẽ cách dùng từ “sắt máu” kiểu này trở thành ngôn ngữ Việt chính thống chỉ vì có nhiều người sử dụng?

Và ngôn ngữ cũng biểu hiện sự gian dối, xảo trá, lươn lẹo của giới lãnh đạo. Những người ở lại Việt Nam cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 vẫn còn nhớ hai tên gọi trái ngược nhau dành cho những người vượt biên: nếu vượt biên bị bắt, thì đó là “kẻ phản quốc”; nhưng nếu vượt biên trót lọt, thì đó là… “Việt kiều yêu nước”! Càng về sau, ở trong nước càng có nhiều từ thể hiện sự lươn lẹo của chính quyền. “Tàu lạ” là một từ chỉ có ở Việt Nam, và được sử dụng chính thức bởi quan chức, giới truyền thông báo chí, để né tránh gọi đích danh tàu Trung Quốc khi chúng tấn công ngư dân Việt. Và mới đây nhất, quan chức Bộ Giao Thông đã “sáng tạo” ra từ “trạm thu giá” để thay cho “trạm thu phí”, chỉ vì muốn hợp pháp hóa những trạm thu tiền của dân một cách vô tội vạ! Chẳng lẽ người Việt hải ngoại cũng phải chấp nhận dùng những từ ngữ đầy lươn lẹo như vậy, chỉ vì đa số người trong nước phải chấp nhận chúng?

Khi biết tôi định viết về đề tài này, một người bạn thân ở trong nước đã khuyên tôi rằng “ Ấy chớ! Đề tài này rộng lắm, và gây tranh cãi dài dài…”. Tôi cũng biết vậy, và cũng biết mình không phải là một nhà ngôn ngữ học. Tôi cũng không muốn gây thêm bất hòa trong một thời đại mà dân Việt đã có quá nhiều điều để gây chia rẽ: chính trị, tôn giáo, Nam-Bắc…

Trong phạm vi chỉ vài trang giấy, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đôi điều với những người Việt đang sinh sống tại hải ngoại. Những người đã bỏ đất nước Việt Nam ra đi qua nhiều thời kỳ như là những người tị nạn chính trị, kinh tế, giáo dục…

Chúng ta bỏ nước Việt Nam ra đi khác nhau về hình thức, mục đích, thời gian. Nhưng đa số chúng ta có cùng một nguyên nhân là do không muốn sống trong một xã hội đang xuống cấp về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị cho đến giáo dục, văn hóa, đạo đức… Sống trong một xã hội như vậy, chúng ta bị nhiễm những thói quen xấu mà không hề hay biết, trong đó có thói quen về ngôn ngữ.

Khi sang đến một xứ sở văn minh như Mỹ, hầu hết chúng ta sẵn sàng từ bỏ những thói quen xấu trong một xã hội xuống cấp để hòa nhập vào xã hội mới, thí dụ như đi xe vượt đèn đỏ, không xếp hàng trật tự… Thói quen sử dụng ngôn ngữ cũng như vậy. Hãy bình tâm nhận ra những từ ngữ xuất phát từ một xã hội mà sự gian dối, tàn ác, ngu dốt đang thắng thế. Hãy bỏ qua tự ái mà dần dần từ bỏ thói quen sử dụng chúng, giống như từ bỏ những thói quen xấu khác.

Để có thể dẹp bỏ tự ái, xin hãy quan niệm như thế này: thứ ngôn ngữ Việt Nam đẹp, chuẩn mực không phải là của riêng cộng đồng người Việt hải ngoại, hay của những người Việt sống ở Miền Nam trước 1975. Nó là di sản chung của dân tộc Việt Nam, đã có từ thuở xa xưa, qua những câu hò, tục ngữ, ca dao, qua Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, truyện Kiều của Nguyễn Du, rồi tiếp nối bởi thế hệ hiện đại như Tự Lực Văn Đoàn, Nhân Văn Giai Phẩm, Sáng Tạo… Mỗi người Việt dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều có sẵn di sản văn hóa ngôn ngữ đó trong tâm hồn. Chỉ từ khi đất nước gặp kiếp nạn cộng sản, những di sản ngôn ngữ văn hóa đó mới bị xóa bỏ, lu mờ. Những người ra đi sớm hơn có may mắn không bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa do những người dốt nát làm hỏng. Họ chỉ là những người gìn giữ lại cái đẹp của văn hóa, ngôn ngữ do tổ tiên dân tộc Việt Nam để lại.

Vậy thì những người ra hải ngoại sau này cũng nên tự điều chỉnh, để rồi cùng tham gia vào một sứ mạng cao quí: gìn giữ tính Chân-Thiện- Mỹ của ngôn ngữ Việt Nam.

Hãy tưởng tượng hình ảnh một dòng sông đang trôi chảy. Bỗng dưng có kẻ ngăn sông, biến một khúc quành của dòng sông tạo thành một vũng ao tù. Không muốn dòng sông không chịu cảnh tù đọng, một nhóm người khác đã tự khơi một nhánh mới, để nối dòng sông tiếp tục trôi chảy, không qua khúc quành đã bị chận lại thành ao tù. Sau một thời gian, một số dòng nước từ ao bắt đầu tìm đường chảy về con sông xưa. Từ chốn ao tù ra sông, những dòng nước cảm thấy khác lạ khi hòa nhập. Nhưng vì dòng sông xưa nay vẫn cuồn cuộn chảy, cho nên những nước ao tù nhanh chóng hòa mình vào dòng nước tự do. Và cũng có thể một này nào đó, khi những con đập ngăn sông bị phá, cả khúc quành đã biến thành ao tù sẽ có dịp lại hòa mình vào dòng sông lịch sử.

Một ví dụ tượng hình cho câu chuyện của ngôn ngữ Việt Nam trong nước và hải ngoại…

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng cách mời mọi người hồi tưởng lại giọng hát của Thái Thanh qua một ca khúc bất hủ của Phạm Duy, nói về tình yêu đối với ngôn ngữ, con người, đất nước Việt Nam. Một tác phẩm văn hóa tuyệt đẹp, đã từng bị cấm đoán trong nước trong suốt ba thập kỷ:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời , À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…

Dân Việt / 

Nguồn: Viết Về Nước Mỹ (Việt Báo)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Sáu 2016(Xem: 17432)
Con sông Đồng Nai đã đưa ta đến tỉnh Biên Hòa (hòa bình ở biên cương), một trấn đã được sáp nhập vào nước ta năm 1653. Khoảng đất này xưa được gọi là Đông Phố
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9856)
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một, như đường mía lau.
09 Tháng Năm 2016(Xem: 11995)
Bao lần khó ngủ trong đêm.Lời ru của mẹ biết tìm nơi đâu?
05 Tháng Năm 2016(Xem: 10340)
Ngày nào còn con người với những buồn vui mất mát, đau khổ lẫn ước mơ, ngày đó tiếng thơ Trần Kiêu Bạc còn mãi ngân vang.
02 Tháng Năm 2016(Xem: 8681)
Băng Tâm xin thắp nén nhang tưởng nhớ đến các SV Đại Hoc Kinh Thương Minh Đức đã phải giã từ giảng đường
30 Tháng Tư 2016(Xem: 8025)
Sẽ mãi mãi theo chân của tất cả cô chú bác, sẽ sống cho thật xứng đáng là đứa con Việt Nam
30 Tháng Tư 2016(Xem: 9942)
Cầu Gành ơi, Biên Hoà ơi. Bối rối… khi tôi về thăm lại quê nhà.
25 Tháng Tư 2016(Xem: 9543)
Xin chân thành gởi nén hương lòng “Tưởng Niệm” đến những Anh Hùng QLVNCH. Những người nằm xuống trong cuộc chiến, những người tuẫn tiết vì Quốc nạn 30/04/1975
23 Tháng Tư 2016(Xem: 7907)
Du lịch là một thú vui mà nhiều người thực hiện để thỏa mãn mơ ước đi khắp thế giới trước khi không thể nào còn sức để đi xa.
09 Tháng Tư 2016(Xem: 8935)
anh không có tiền tài không mang danh vọng. Nhưng anh đã để lại cho đời một tấm lòng nhân hậu, với bạn bè và cho cả tha nhân. Anh đã có một cuộc đời đáng sống.
06 Tháng Tư 2016(Xem: 12520)
Cảm xúc tình cảm giao động của mọi người có mặt hôm đó vượt chỉ số! Một số đã không cầm được nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo!
03 Tháng Tư 2016(Xem: 8581)
Anh Viện đã sống một cuộc đời như thế. Một đời sống có nghĩa có nhân, sẽ mỉm cười mãn nguyện khi lúc ta về…
26 Tháng Ba 2016(Xem: 9416)
Xin cho Tôi chia xẻ nỗi đau, nỗi buồn với Đồng Hương Biên Hòa, trong đó có mấy người em của gia đình, và đông đảo bạn đồng môn Ngô Quyền trong nước hay may mắn sống lưu lạc trên toàn thế giới tự do!
23 Tháng Ba 2016(Xem: 9352)
tương lai đất nước đang chờ các em. Hãy ngẩng cao đầu hướng về hồn thiêng sống núi, như chúng tôi trong đêm “ Tưởng Niệm Đồng Đội”
22 Tháng Ba 2016(Xem: 8659)
Như vậy cầu Gành đã có tuổi thọ 113 năm. Chúng ta đã gìn giữ như báu vật, vì đó là biểu tượng của vùng đất Biên Hòa, xứ Đồng Nai
12 Tháng Ba 2016(Xem: 7761)
Tôi sẽ thật vui và cùng bạn bè chia sẻ niềm vui đó. Hạnh phúc không ở đâu xa, ở ngay hiện tại khi mình biết chấp nhận và hưởng thụ nó.
28 Tháng Hai 2016(Xem: 10641)
“Khiết Tâm gọi ta về” ôm lấy những kỷ niệm đẹp, chan hòa tình cảm bạn bè trong đêm Khiết Tâm Không Nước Mắt.
28 Tháng Hai 2016(Xem: 8918)
Năm anh em tôi xúng xính trong những bộ đồ mới đón Tết. Trên bàn thờ hương đèn rực rỡ. Mùi hăng hăng của hoa vạn thọ lan tỏa mênh mông.
08 Tháng Hai 2016(Xem: 7581)
Có điều trong số những người khách đến bệnh viện và đến nhà thăm nườm nợp, chỉ có một người bị cấm cửa: đó chính là ông chủ của... "thần tài kiêu binh" !
08 Tháng Hai 2016(Xem: 7600)
Có điều quái lạ là theo thời gian, con khỉ càng tốt tươi kiêu binh bao nhiêu thì ông ta lại càng... "may mắn" bấy nhiêu.
07 Tháng Hai 2016(Xem: 7543)
Kính gửi đến quý Thầy Cô, quý anh chị đồng môn, quý đồng hương và thân hữu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 8270)
Mùa Xuân Bính Thân sẽ đem niềm tin đến mọi nơi, mọi người trong ly rượu mừng và tiếng hát đón mùa Xuân mới.
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 9272)
Mái chòi nhà ta nửa thiếc, nửa tôn. Vách xọc xệch, nửa ván nửa cà tăng. Nhưng dẫu vậy vẫn là nhà của ta.
17 Tháng Giêng 2016(Xem: 9341)
Gì thì gì, được che lọng cho chồng cũng là một niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một người vợ lính . Một con chuột nhắt nhỏ nhắn dễ thương.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 12688)
Cố Giáo Sư Dương Hồng Duyệt một nhạcsỉ cựu giáo sư trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 9052)
Xóm Gò còn đâu nữa, nó chỉ còn lại trong tâm khảm của những ai còn sống cho tới bây giờ sau bao đổi thay của thời cuộc.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7685)
Đúng là chị Liên và Dung đã có một mùa Xuân trên đất mới vào dịp Tết đầu tiên trên nước Mỹ bốn mươi năm về trước.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 8670)
Cây Cầy giờ đây không còn nữa, xóm Bửu An cũng không còn, tất cả đã đi vào quên lãng, chỉ còn lại trong tôi một thời trẻ dại
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7788)
gia đình con dân Biên Hòa. Vận nước nổi trôi đã phân tán các thành viên của gia đình chúng tôi, kẻ nơi góc biển - người ngoài chân mây...
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 7532)
nhưng tôi tin rằng nếu bỏ quên chiếc xe đạp giống như vậy nửa ngày nơi chốn đông người thì không thể nào tìm lại được
27 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8321)
Xin cám ơn máu xương, cám ơn công lao những tấm lòng dũng cảm, những người đã chết trong quên lãng
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7414)
Và khi mình có được hạnh phúc, cũng còn bao người đang chịu đựng và cố vượt qua bao nỗi đớn đau…
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7898)
Tôi cũng vậy, cũng cảm thấy lòng vui hơn, ấm áp hơn khi mỗi chiều tan, có bóng trăng tròn treo lững lơ, trôi cùng tôi trên đường về.
24 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7617)
Chúc mọi người, mọi nhà, các bạn gần xa đều có những ngày lễ Giáng Sinh thật tốt đẹp. Một năm mới vạn sự như ý.
12 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9218)
Như đang nghiêng cả cõi lòng theo con gió dạt trôi. Nhớ gì mà mắt nghe ầng ậng. Chảy dần…
12 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9889)
và cũng để soi sáng cho những người yêu thương tìm đến để cùng nhau sống muôn đời bên nhau.
05 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9865)
cây “đại thụ” duy nhất hiện còn tồn tại, trong ban giảng huấn đầu tiên trung học Ngô Quyền Biên Hòa: Thầy giáo Trần Văn Lộc…
05 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8899)
Con nói láo để má dùng khi đau yếu. Của một thuở nhà mình túng thiếu.
27 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8051)
Cám ơn, cám ơn nhiều lắm những tình cảm yêu thương mà đất nước, gia đình, bạn bè và mọi người đã dành cho bà Chín.
26 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8543)
chúng ta cùng giữ vững màu cờ như người cựu chiến binh Hoa Kỳ ấp ủ và khôi phục lại vinh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8281)
Ước gì không có ai chém giết ai, không có ai gây đau khổ cho người khác, thế giới con người cũng giản dị hiền hòa như những câu chuyện cổ tích
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7996)
Chúc sức khỏe và bình an. Chúc những bất hạnh, tai ương đi xa và biến mất khỏi những người tôi yêu thương, quý mến.
13 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8747)
Vĩnh biệt Ba Má dấu yêu của chúng con, cầu mong Ba Má sớm lên Thiên Đàng và phù trợ cho tất cả các ace và các cháu chắt được bình an, mạnh khỏe.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8271)
vòng tay ôm lẻ loi cho mình còn mãi thương nhau.
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8691)
Mẹ sẽ mỉm cươi nhìn xuống các con, cháu của Mẹ nơi đây đang tưởng nhớ về Mẹ với tất cả lòng thành kính thương yêu, gửi đến Mẹ hiền từ của chúng con.
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8651)
Một người làm việc nơi bệnh viện, chứng kiến nhiều trường hợp chết chóc đáng sợ và những cuộc phân ly tử biệt đau lòng.
24 Tháng Mười 2015(Xem: 13369)
em ước mơ mỗi ngày được gặp anh, nói với anh những lời nồng nàn yêu thương nhất.
24 Tháng Mười 2015(Xem: 8966)
chiến tranh bùng nổ tâm thâm độc.lịch sử ngàn năm lưu dấu thơ
18 Tháng Mười 2015(Xem: 8241)
Vĩnh biệt em trai của chị Hãy yên nghỉ vĩnh hằng.
09 Tháng Mười 2015(Xem: 8568)
Mong các bạn để một chút thời gian suy nghĩ về ý kiến của tôi.