Câu chuyện vượt biên của Anh Dũng và chị Mẫu Đơn
KL đã có dịp đọc qua trong Báo Hội Ngộ THLT 2918 và nghe lại câu chuyện nầy từ anh Dũng kể lại nhân dịp ghé thăm Anh Chị tại Bỉ vừa qua.
************+++++++++**************++++++++
Hằng năm cứ độ tháng 6 về là lòng tôi bùi ngùi nhớ lại một chuyến đi dù đã 38 mùa trôi qua!
Hồi ký **HÀNH TRÌNH VƯỢT BIỂN ĐÔNG**
Một buổi sáng vào cuối tháng 6 năm 1979, trời Sài gòn buồn thảm, 35 người vùng này khăn gói ra đi đến các vị trí đã được chỉ định.
Bấy giờ khoảng 10 giờ đêm, khung trời Cần thơ đen nghịt với gió thổi, bên dưới một cụm tre dày đặc của bờ sông Hậu là một con thuyền đen đã đón nhận người thứ 82 vào lòng mình.
Lòng thuyền khá chật chội đầy dãy bao bị ngổn ngang, mắt tôi cố mở ra nhưng kô nhìn thấy kỹ, mọi người đều lặng thinh, cái lặng thinh đầy ghê sợ như đang chờ đón một chuyện gì.
Giây phút ngắn ngủi đi qua, sợi neo nhỏ được thâu lại, tiếng động cơ rú lên báo hiệu cho đoàn người mạo hiểm vào trận chiến. Tiếng máy ngoan hiền bon bon lướt sóng, 80 km đường sông đã vượt qua, thuyền hiện giờ đang đối diện với hải đăng Đại Ngãi, rất gần. Đây đúng là một cửa biển, ngay chôn này khá nhiều thuyền ra đi an toàn nhưng cũng kô ít bị rơi vào cạm bẩy. Thuyền tăng tốc độ lướt qua những cơn sóng trắng rồi bắt đầu quay mũi hướng Mã Lai từng mơ ước. Hải bàn đã lệch kim chỉ rõ W = 120.
Bên ngoài toàn một màu đen bao phủ, gió thật mạnh, sóng dữ dội nổi lên, thuyền đang thăng tiến thì bỗng dưng đứng lại. Rồi những tiếng cọ xát ở đáy thuyền nghe phát rùng người, sóng bờ đập mạnh. Thì ra nó là bãi cát trắng ở bên phải cửa biển này, còn bên trái thuyền là trạm kiểm soát đối phương. Bao nhiêu mạng sống đang đè nặng, ai cũng hồi hộp lo âu, một đêm khuya trên cửa cọp phải đối diện với tử thần.
Đến 4 giờ sáng thì thủy triều dâng cao thêm sức cho đoàn thủy thủ, thuyền rời khỏi bờ, sợi neo mỏng manh duy nhứt bị đứt hẳn, chiếc máy bơm nước cũng bị rơi đi, bánh lái bị tổn thương vì gần 1 giờ mà sát với bờ, thuyền nổ máy tiến ra khơi. Ôi! đại dương vô tận.
Hai ngày đêm lướt từng còn sóng nặng nề, mọi người trên thuyền như ngất đi, không còn ai thèm ăn uống môt thứ gì. Chiếc động cơ màu đỏ chói đứng sừng sững đang ra sức đẩy một võ thuyền hình bầu dục khoảng độ 15x3 m tiến qua từng cơn sóng dữ thì bỗng dưng rú lên rồi tắt hẳn. 82 người rời bỏ quê nhà hiệp lời cầu khẩn, những lời kinh quen thuộc vang vội khắp thuyền. Hai giờ định mệnh trôi qua, máy nổ lại tiếp tục vật lộn với tử thần, được 3 ngày sống từng giây phút trong cố gắng giờ đành phải buông xuôi.
Trời đang âm u bỗng dưng sập tối, gió thổi mạnh hun hút từ xa, sóng biển như gào thét, nổi cao như Trường Sơn. Phía chân trời là những cột sét run rẩy kô ngừng lóe sáng, tiếng sấm nổ ầm vang, tiếng kêu hòa lẫn tiếng khóc như bản nhạc gọi hồn. Mũi thuyền bị vỡ ra, nước tràn vào như thác đỗ. Những bao bánh mì được gói kỷ từ Cần Thơ giờ nổi lên giữa lòng thuyền, những bịt đường cũng được hòa tan trong nước muối, tất cả đều bị ngập nước từ từ. Ai nấy đều bất lực, ra sức tát nước để thuyền khỏi chìm sâu vào lòng đại dương trong lúc này thật là một điều khó khăn vô kể, tay chân bủn rủn như người đang bệnh nặng, nước mắt chảy thành dòng để cuốn lấy đau thương cho hiện tại. Một đêm trên đại dương bảo tố đi qua, con thuyền mang niềm hy vọng cho mọi người giờ chỉ còn là chiếc lá úa sắp mục rửa, nó bị nhận chìm xuống thật sâu tưởng chừng như biền biệt, rồi lại vô tình trào lên trên đình sóng cao.
Ánh sáng xuất hiện, chiếc radio tôi mang theo vẫn còn nghe được, nghe rõ hơn hôm qua. Đài phát thanh SG khẩn cấp loan tin đi về bảo. Quả thật, vùng biển tôi đang đi động dữ dội, suốt 3 ngày đêm rồi mà không thấy một con thuyền nào dám bén mảng, thuyền chúng tôi là độc đạo. Như lữ khách giữa sa mạc phù du, hãy tìm nơi giải thoát dù phải chấp nhận thương đau. Đoàn thủy thủ quyết định để cho thuyền trở lại VN vào tù, hay là cho trôi quá Phi, qua Hồng Kông xin ty nạn. Cuối cùng tất cả đều đồng lòng xé quần áo kết thành buồm để xuôi theo hướng gió qua Phi.
Khí trời bắt đầu gay gắt, suốt ngày đêm thuyền lơ lửng như buồn tẻ tiếc thương chuyện gì. Nước ngọt mang theo giờ chỉ còn ít cặn bả, lương thực ẩm ước quá nhiều phải vứt đi, gạo sống làm căn bản và độc quyền. Lửa đã mất hẳn từ lâu, 82 người phải lót dạ bằng gạo sống qua ngày. Ánh nắng càng lúc càng khắc nghiệt hơn, trong lòng thuyền người ta nằm ngổn ngang như cá được ướp muối lâu ngày chờ ra thị trường, họ kêu là ơi ới, họ van xin cầu khẩn nơi chủ thuyền, song không có một giọt nước nào được đáp lại.
Thằng Phương, đứa con trai lớn của chú Khải nhô hẳn một bộ xương bọc da đang thiếp đi e kô sống nổi. Hai đứa em nằm kế bên nó từ phút bước xuống thuyền bất ngờ trong đêm tối lại vĩnh viễn lìa đời. Bây giờ là ngày thứ 21 trên đại dương.
Biển cả còn vô tận, đường đi còn thăm thẳm, cha Hiệp làm phép xác cho người quá cố rồi lặng lẽ đưa vào lòng biển sâu, những người trong chúng tôi đang thoi thóp cho cuộc sống này không tránh khỏi bùi ngùi, xúc cảm. Ngày thứ 23, thằng Phương và chị Loan của nó cũng nhắm mắt buông tay không một lời tạm biệt. Trước cảnh trạng đau lòng đến với những mái đầu xanh, bà nội nó tim ngừng hẳn, cụ ông không giữ được lòng, miệng gào thét kêu tận trời cao rồi lăn ra chết trên mạn thuyền.
Ngày thứ 24 thêm 2 xác người trôi trên biển. Và cũng ngày hôm nay thêm một chuyện đau lòng, chủ thuyền gặp thầy Nên đòi vàng mà gia đình có người chết còn nợ. Chủ thuyền lúc này như một con ó biển đanh nghiến từng lời dọa nạt đủ điều, sẽ dùng súng bắn thả biển hết 9 người còn lại, thả biển luôn MĐ vi tội quen biết và thân thiết với họ.
Cô Thêu em chú Khải ngồi dạy với gương mặt hốc hác đầy những sợi tóc dài phờ phạc trước trán, vành môi rõ nét cạn không nói được một lời, cô ta không suy nghĩ lấy ngay 12 lượng vàng mà chủ thuyền đã hứa khi đến bờ bến tự do sẽ trả hết, nghẹn ngào trao cho chủ thuyền. Suốt ngày hôm ấy, tim của những người còn máu chảy như bị bóp nát. Rồi chiều đến thật bất ngờ, những nạn nhân của thế sự co mình trong giấc ngủ chờ đợi ở ngày mai.
Mặt trời bắt đầu ló dạng như mọi ngày ở góc biển xa, nhưng đàn cá vượt đang thi nhau vươn mình buổi sáng. Biển lặng, gió êm, mặt nước phẳng lặng như tờ, thuyền không di động, thêm chiếc bánh lái nặng trĩu rơi hẳn điểm tựa của nó một cách lạ lùng. Thế là hết! Một quan tài giữa biển khơi ướp người bằng nắng đỏ.
Mặt trời càng lên cao nắng càng thiêu đốt cháy người. Bấy giờ không biết làm gì hơn ngoài cách dìu nhau trầm người xuống biển, thật mát mẻ và khoái lạc vô cùng, có thể như một thiên đàng cho những người sắp chết vì thiếu nước sau 25 ngày.
Chú Khải và ba đứa con đến hồi kiệt sức trầm trọng, vẫy tay xin từng lon nước biển để tưới lên người hầu xoa dịu cơn đói khát cùng tận. 7 giờ chiều, trời bắt đầu vào đêm, tôi vô tình nhìn những gợn sóng trên mặt biển thì nhìn thấy 4 thi hài đang nổi bồng bềnh, thân hình chú Khải co quắp lai nhấp nhô trên mặt nước, hiện rõ một cái đầu có vần trán rộng. Tiếng nói hồi chiều của chú còn vang vội trong tôi: "Tôi sẽ chết nhưng van xin tất cả đừng đưa vợ con tôi trở lại VN".
Hai ngày kế tang tốc và thê lương bội phần, nhiều sinh mạng vĩnh viễn ra đi, họ chết rất dễ dàng mà người thân của họ vẫn nằm như mơ, chung quanh họ kô ai còn nước mắt để khóc tiễn đưa, thật là bị thảm!
Đã đến giờ nhận gạo sống để ăn trưa của ngày thứ 28 thì thấy có một vết đen từ xa hiện lên trên mặt biển khơi mỗi lúc một rõ dần, bao nhiêu người trong chúng tôi cố gắng ngồi dạy để nhìn xem thì đúng nó là một con tàu trực chỉ về hướng chúng tôi rồi từ từ tiến sát lại, chúng tôi sung sướng vô kể như người đắm thuyền đang vồ lấy chiếc phao rơi, nó vẫn giữ tốc độ bình thường nhưng quay mũi đi vòng tròn chúng tôi như muốn tính toán chuyện gì, từ vòng tròn rộng lớn rồi từ từ thu hẹp lại. Tất cả lớn bé trong chúng tôi đều bò lên bong thuyền mang đầy niềm hy vọng, người người kêu cứu, người người van xin, chiếc cờ trắng báo hiệu cứu nguy cũng vui lòng phe phẩy và bây giờ tiếng kêu của chúng tôi kô còn lớn nữa, nó đã thoát lên từ vùng biển Mã Lai đến tận vùng này, gần 50 loại tàu tư bản vĩ đại mang đủ nhãn hiệu đã nhẫn tâm từ khước chúng tôi. Nhưng đoạn tuyệt không có nghĩa là chấm dứt. Chúng tôi kêu cứu, chúng tôi hy vọng. Thật gần đến quá rõ, nơi cột khói trắng của tàu này in hình cờ đỏ búa liềm đập mạnh vào mắt chúng tôi giữa ban trưa nóng bức, chúng tôi mừng mừng tủi tủi là sẽ được cứu sống dù phải thịt nát da mềm. Con tàu sắt đen sậm đã kô hiểu hết ý chúng tôi, vội vàng thả trên mặt biển 7 thùng nước lạnh khoảng 100 lít rồi xa dần đến khuất dạng, chúng tôi cảm thấy thật xót xa trong cõi lòng.
Những người trong thuyền lấy vài chiếc thùng nhỏ thay thế cho phao cột vào những sợi vải xé từ quần áo để lội ra vớt của lạ, bất hạnh cho một người không trở lại được phải vẫy tay giả từ.
Lượng nước ngọt thật ra quá ít ỏi đối với số người còn lại trên thuyền, nhưng nó đã giúp cho chúng tôi sống thêm 6 ngày nữa, mặc dù mỗi người chỉ được 10 cc trong một ngày. Nhu cầu thì nhiều nhưng lượng cung cấp quá ít ỏi nên ngày thứ 28 trở đi chúng tôi như người đã chết. Người nào xấu số thì 10 phút sau đó sẽ được mang ra khỏi thuyền. Lúc này bên bờ vẫn còn là ảo ảnh, nước biển tím đen, nắng vẫn chói chang như lửa. Ngày thứ 34 chúng tôi không cho đời, nó vẫn đến.
Trời bắt đầu mưa phùn, gió rít lên từng cơn, chúng tôi không từ bỏ cơ may hiếm có này, tranh nhau từng giọt mưa từ trời xuống, cho nước mưa thấm vào khăn, vào áo quần rồi đem chúng lên miệng ngấu nghiến một cách ngon lành.
Những ngày kể đến gió thổi mạnh hơn, thuyền đi nhanh, một dạng đảo mờ xa trải dài trên biển khơi từ từ xuất hiện, mưa phủ bao trùm, chúng tôi vẫn tư lự không hề suy nghĩ gì thêm.
Giữa đêm khuya, thuyền lắc lư dữ dội, lạnh buốt thấu xương, bỗng dưng trước mặt tôi hiện ra một cái gì quái lạ trông như một bức tường đen ngòm, con sát lòng thuyền đầy những tản đá nhọn hiện lên trên mặt nước. Thuyền đập mạnh vào đá tung tóe ra từng mảnh cuốn theo sóng vào bờ trong ấy có cả chúng tôi. Hai người đàn bà không đủ sức bò ra khỏi thuyền phó mặc cho sóng đập, đành phải chết cho người thứ 27 trên đại dương kinh hoàng.
Hơn 2 giờ sau thì trời bắt đầu rạng sáng, chung quanh tôi như ác địa chiến trường. Thuyền nhân lúc này như đoàn quân thất trận dưới cơn mưa, kẻ bò người lếch, không một ai đứng vững, họ không còn một cái gì ngoài bộ xương khô đi tìm cỏ dại, lá gì cũng ăn, cỏ gì cũng nuốt, họ sống chen chúc trong các hốc đá, gốc cây dọc theo bờ đá hoang vu khoảng 500m chiều dài, nơi nào chúng tôi cũng có thể xem là nhà được, cứ miễn cho bớt lạnh và tránh được chút ít mưa, vài hốc đá cụm cây chỉ đủ che khuất mặt, phần còn lại suốt ngày đêm phải hứng mưa rơi. Chừng 3 ngày sau thì cơ thể bắt đầu đổi sắc, chúng tôi mang trên người một lớp da bạc trắng đầy lớp nhăn vô cảm lạ thường, còn bên trong thì bụng vẫn cồn đói như sóng vỗ. Vài người trong chúng tôi đã cúng quẫn mưu toan ăn thịt người để mưu cầu sự sống, nhưng rồi không thực hiện được vì lẽ không có lửa, vả lại trước mắt chúng tôi vài xác chết nằm ngổn ngang đã bốc mùi.
Sáng ngày thứ 4 trên bờ đá rêu phong, đoàn người xét thấy phải rời chốn này, người đi kể ở tùy tiện. Anh chị Thành hoa tiêu và hai cháu nhỏ bây giờ mới tập đứng dậy, thím Khải, cô Út, cô Dung và nhiều người khác cũng thế, họ kô đi qua được một tản đá lớn thì phải ngồi lại kêu trời. Nơi ác địa, ai sẽ là người cứu họ? Những người còn chút ít sức lực bây giờ mới bắt đầu cho một cuộc hành trình mới nguy hiểm rất nhiều. Chúng tôi đâm thẳng lên rừng cao bằng con suối lớn, nước chảy mạnh, dốc đá cheo leo, nhiều người mặc dù cố gắng lắm nhưng cũng đành bất lực lăn ra cuốn theo dòng suối, cô Thêu cùng số phận này.
Gần một ngày men theo con suối, chúng tôi đã đến tận đỉnh cao của núi rừng, đêm nay cùng nhau dừng chân rồi quay quần ôm lấy một gốc cây cổ thụ chờ sáng, suối vẫn róc rách chảy mãi như ai oán giữa rừng hoang. Hôm sau đoàn người thức dậy sớm chờ mặt trời lên, nơi nào có mặt trời mọc là chúng tôi thẳng tiến về hướng đó, khổ tâm thay, mặt trời luôn ẩn núp dưới mây đen, dành lại cho mưa gió. Như thông lệ, cứ bò lên chóp đồi là chúng tôi có quyền nghĩ, xem xét tứ bề để tìm hướng đi, lúc ấy chúng tôi kô quên kiếm thêm ít lá rừng lót dạ đỡ sầu, gặp vài con óc ma cũng đem lên miệng nhai ngấu nghiến. Tối lại chúng tôi cùng tụ nhau về bụi rậm chui rúc như đàn thú, không ai nói một lời nào vì quá lạnh với mưa rừng, mọi người đều run rẩy suốt đêm dài với một bộ quần áo tả tơi ướt lạnh, lại thêm những con vắt bám lấy da thịt chúng tôi để hút những giọt máu cuối cùng trên thân xác rã rời .
Trời sáng lên, chúng tôi tiếp tục ra đi với hành trang một khúc gậy rừng, và hôm nay đã là ngày thứ sáu của Trường Sơn hãi hùng.
Chúng tôi kiên nhẫn ra đi dưới mưa, người yếu sức thì rơi rớt dần món, ai trễ thì chờ đợi, con bất lực thì bỏ rơi. Bò có, lếch có, hết đồi đông qua đến đồi tây, hết rừng thưa lại đến rừng già, qua khỏi suối ngang rồi đến suối dọc, chúng tôi sắp đến giờ kiệt sức thật sự mà hình ảnh của cuộc sống vẫn tìm chưa ra. Núi rừng vẫn trùng trùng điệp điệp bên thân xác gầy mòn, trên đôi chân rời rả, đầu kô nón, chân kô dép lại bị sưng phồng to vì té suối hay đạp gai rừng. Sự sống hiện ở đâu cho đời người ty nạn?
Nhớ lại thì có đến 50 km núi rừng Phi Luật Tân được chúng tôi băng qua và vĩnh viễn gởi lại đó 33 thân xác.
Như một phép lạ, chúng tôi đang thở những nhịp cuối cùng giữa cánh rừng già thì đột nhiên 4 ân nhân giang tay cứu sống.
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
Những ngày cuối trên đảo khổ Tara,
10/04/1980
D-MĐ
Viết lại 25/06/2017