1:53 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

LƯƠNG VĂN LỰU NHÀ VĂN, NHÀ SỬ HỌC VÀ BIÊN KHẢO LỚN BIÊN HÒA - DƯƠNG TỬ

21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 8917)
luongvaluu-large-content

LỜI BẠT : Tỉnh BIÊN HÒA ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

Với tư cách khiêm cung của một nhà giáo, chúng tôi không dám lạm dụng cụm từ “ĐỊA LINH NHÂN KIỆT”, nhưng quả thật Tỉnh BIÊN HÒA của chúng tôi hội tụ đủ 4 yếu tố TỨ LINH và cung ứng nhiều nhân tài phục vụ cho đất nước trong mọi lãnh vực Chính trị, Quân sự, Tư pháp, Khoa học, Kinh tế, Tài chánh, Xã hội, Giáo dục. và một vị HOÀNG HẬU cho Triều NGUYỄN.

A.- TỨ LINH

Nói về bốn Linh Vật biểu tượng tốt đẹp, vượng phát của một thế đất là LONG, LÂN, QUI, PHỤNG, thì Tỉnh BIÊN HÒA của chúng tôi đều có cả.

1/ LONG ( DRAGON ).- Rồng là một loại rắn thần thoại, có 4 chân, đầu có hai sừng, mình có vãy, lưng có kỳ, sống dưới nước hoặc bay lượn trên mây, môt linh vật tượng trưng cho sức mạnh và sự cao quí nên được vua chúa chọn làm biểu tương. Sông PHƯỚC LONG GIANG ( DRAGON RIVER ) về sau đổi lại là SÔNG ĐỒNG NAI, quả thật là một CON RỒNG ẩn thủy khổng lồ, dũng mãnh, uốn khúc, cuồn cuộn ghềnh thác, chạy dài từ Bắc xuống Nam đến Tỉnh tôi với những khúc thân lồi lởm khi ẩn khi hiện qua các xã TÂN BA (quê tôi), AN THÀNH, TÂN HIỆP, BÌNH TRỊ, HÓA AN… và kết thúc tại Tỉnh lỵ, đầu ngoảnh về phương Bắc, hai chân trước vờn quả núi CHÂU THỚI (còn gọi là MONT BLANCHY hay CỐ PHI SAN) tương trưng cho QUẢ LONG CHÂU. Chính nhờ mả HUI BON HOA (Chú Hỏa) được chôn ở vùng đất Long mạch nầy, bằng ba ngôi mộ khổng lồ liền nhau ở đầu dốc CHÂU THỚI (còn gọi là dốc CHÚ HỎA), mà con cháu gia đình Họ HUI vượng phát và trở nên đại kỷ nghệ gia giàu có bên Pháp. Nhưng tại sao phải có tới ba ngôi mộ khổng lồ chỉ để chôn một người?- vì gia đình sợ có kẻ trộm đang đêm lén đào mả để lấy của cải chôn theo người chết, muốn đào cũng không biết quan tài nằm trong ngôi mộ nào, và chỉ đào một ngôi mộ thôi thì cũng phải mất vài ba đêm vì to như lăng, ba cái liền nhau, có dịp đi ngang núi CHÂU THỚI, từ hướng BIÊN HÒA về SAIGON, đến đầu dốc, ba ngôi mộ nằm bên mặt, có thể ghé vào đó ngồi nghỉ chân.

2/ LÂN ( UNICORN ).- cũng là một Linh vật tượng trưng cho sức mạnh, nhưng lại rất hiền từ, với hình dạng sư từ, nhưng lại có sừng, đuôi như đuôi trâu, chân có một móng như chân ngựa. Về thế đất, thì hình dạng Lân xuất hiện ở Ấp Tân Thành, xã Bình Trước, thuộc Tỉnh lỵ Biên Hoà, mình Lân nằm trọn trong phạm vi ấp, đầu quay về hướng Bắc, đuôi vảnh lên về hướng Nam, thân Lân nằm giữa ấp, với ĐÌNH TÂN LÂN thờ Đức TRẦN THƯỢNG XUYÊN, người Hoa có công “di dân lập ấp” thời Chúa NGUYỄN. Cũng do sự phát hiện hình dạng Lân, mà ấp Tân Thành về sau được đổi lại là ẤP LÂN THÀNH ( UNICORN CITADEL HAMLET) và tục lệ Múa Lân ( UNICORN DANCE ) xuất hiện tại đây để cầu cho AN BÌNH, THỊNH VƯỢNG, mỗi khi có lễ lộc.”Kỳ Lân xuất hiện, thiên hạ thái bình”

3/ QUI ( TORTOISE ).- cũng là một Linh vật, thuộc loài bò sát, có mai cứng có hình bát quái, đầu và bốn chân có thể co rút vào trong mai, sống lâu năm, tương truyền là một Bồ tát hóa thân, hình ảnh thường xuất hiện tại các Đền thờ, Đình chùa, Miếu mạo, cùng với Chim Hạc, đội đèn, đội kinh, đội mõ, đội bia,, nghe kinh kệ…Hình ảnh RÙA xuất hiện rất rõ nét tại ĐẢO QUI DỰ tức CÙ LAO RÙA ( TORTOISE ISLAND ), còn gọi là CÙ LAO BA LÀNG (THREE VILLAGES ISLAND), thuộc Xã THẠNH HỘI.

Sông Đồng Nai, sau khi nhận được nước Sông Bé, vượt Thác TRỊ AN, trở thành một con sông lớn, chia làm 2 nhánh: Nhánh Lớn được gọi là SÔNG CÁI, chảy qua Bến Cá, Cây Đào, Bửu Long, Tân Lại, Nhánh Nhỏ chảy qua Tân Uyên, Tân Lương, Phước Thành (quê Ngoại tôi),Tân Ba (quê Nội tôi), Tân Hạnh và giáp lại nhau tại Bến Đò TÂN LẠI, còn gọi là BẾN ĐÒ TRẠM, bao bọc một Cù lao rộng lớn gồm Ba Xã Thạnh Hội (ngang với Tân Ba và Tân Triều), Nhựt Thạnh (ngang với Phước Thành và Bến Cá) và một Xã nữa mà tôi quên tên. Tại Xã Thạnh Hội, có 2 gò đất, hình vung úp, với các cây cổ thụ, gồm một GÒ LỚN tượng trưng cho Mai Rùa hay Thân Rùa, một GÒ NHỎ hơn, cách xa Gò Lớn một chút , tượng trưng cho Đầu Rùa, quay về hướng Tây Bắc. Thời Pháp thuộc, vì lý do an ninh, quân đội Pháp ra lệnh đốn hết cây cối ở 2 gò nầy, nhưng sau đó thì cây cối dần dần mọc tươi tốt trở lại, đúng như lời nói khẳng khái của danh tướng chống Pháp TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH khi Ông được người Pháp dụ hàng:”Chừng nào Tây nhổ hết cỏ, thì mới hết người Nam chống Tây.”

4/PHỤNG hay PHƯỢ NG( PHOENIX ) là một Linh Điểu, là Chúa các loài chim, chim trống gọi là PHỤNG hay PHƯỢNG, chim mái gọi là HOÀNG hay LOAN. Hình dạng tương tự như chim CÔNG, nhưng to và đẹp hơn nhiều, lông đuôi dài, khi xòe ra (chim trống) ửng hoa sao ngũ sắc. Miền Đông- Bắc Tân Uyên, quê của Nhà văn lớn BÌNH NGUYÊN LỘC, là một vùng sình lầy, “địa nê”, không phải/không thể dùng trâu bò cày bừa, mà chỉ dùng cuốc xuổng “làm đất” để trồng trỉa, đặc biệt là lúa, nên mới có tục danh là “ĐẤT CUỐC” thuộc các Xã Tân Hòa, Tân Nhuận, Chánh Hưng.Tương truyền, khi xưa đây là một Vũng nước rộng lớn, hoa lá xanh tươi, cảnh trí u nhàn, thần tiên, loài CHIM PHƯỢNG thường đến đây tắm nước, rỉa lông, uống nước,“Phượng Hoàng ẩm thủy”, nên còn lưu lại các địa danh như PHƯỢNG TRÌ ( AO CHIM PHƯỢNG- PHOENIX POND) thuộc Xã Chánh Hưng và BÀU PHỤNG (AO CHIM PHỤNG- PHOENIX POND), chớ không phải BÀ PHỤNG (Mrs PHỤNG) như có người gọi nhầm địa danh nầy.

B.- NHÂN KIỆT

Theo tài liệu “BIÊN HÙNG LIỆT SỬ” của Nhà văn THÁI THỤY VY (ĐỖ KHOA LUẬT), thì đất BIÊN HÒA đã sản sinh và cung cấp rất nhiều nhân tài phục vụ ĐẤT NƯỚC trong nhiều lãnh vực:

1/ Về Quân sự ĐỖ THÀNH NHÂN, rể của HẬU QUÂN VÕ TÁNH, ĐOÀN VĂN CỰ Thủ lãnh Nghĩa binh chống Pháp vùng VĨNH CỮU, ĐỖ HỮU VỊ, người phi công đầu tiên của Việt Nam, Tướng ĐỖ CAO TRÍ, người Chiến sĩ “Da Ngựa Bọc Thây” đã từng làm cho Bọn giặc Cộng khiếp đảm, và tử nạn phi cơ Trực thăng trên vòm trời TRẢNG LỚN (TÂY NINH) và nếu kể về phía BÊN KIA thì có Tướng HUỲNH VĂN NGHỆ, thật ra, đầu tiên là theo KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP như bao nhiêu người khác, lập được nhiều chiến công, từng thay Tướng NGUYỄN BÌNH trong chức vụ Tư Lệnh Quân Khu VII (Miền Nam) khi tên Tướng nầy vì chống lại mệnh lệnh của Trung Ương Đảng Cộng Sản nên bị triệu hồi về Bắc để xử lý, rồi bị điềm chỉ cho Mật Thám Pháp phục kích bắn chết. Riêng Tướng NGHỆ về sau thấy rõ bộ mặt phản dân hại nước của CS, tỏ ra chống đối nên bị thanh toán trong một Bệnh viện lớn ở SAI- GON. Ba cái chết của Tướng BÌNH, Tướng TRÍ và Tướng NGHỆ đều có nhiều nghi vấn. Ngoài ra, còn có Các Trung Tá KQ PHẠM KIM NGÔN, PHẠM KIM LÂN, hai anh em, con Thầy PHẠM VĂN TIẾNG, Trung Tá Lực Lượng Đặc Biệt ĐỖ CAO LUẬN, em Tướng ĐỖ CAO TRÍ, Quân Trấn Trưởng NHA TRANG, tử trận trong một sứ mạng giải vây một đồn bị địch quân tràn ngập, Các Thiếu Tá ĐỖ CAO THANH, ĐỖ CAO PHƯỚC, đều là em Tướng TRÍ và đặc biệt là Thiếu Tá NGUYỄN MINH MẪN, người BIÊN HÒA, cựu học sinh PETRUS KÝ, tốt nghiệp Trường VÕ BỊ QUỐC GIA ĐÀ LẠT, Tỉnh Trưởng Tỉnh PHƯỚC THÀNH, tử trận khi Tỉnh lỵ bị các lực lượng Cộng quân, với quân số đông gấp bội, xung phong ồ ạt, thí quân, đánh chiếm.

2/ Về Chánh trị có Đaị sứ TRẦN VĂN CHƯƠNG, Thân phụ của Bà NGÔ ĐÌNH NHU, Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC HUY, Đảng TÂN ĐẠI VIỆT, Phó Thủ Tướng, tức thi sĩ ĐẰNG PHƯƠNG, tác giả Bài thơ nổi tiếng ANH HÙNG VÔ DANH phản ánh cuộc đời hy sinh đấu tranh vì Dân tộc và Đất nước của tác giả;

“Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tinh giúp nước…”

Các Dân Biểu BIÊN HÒA như ĐỔ CAO LỤA, ĐỖ HỮU QUỜN, HUỲNH NGỌC NỮ, TRẦN MINH NHỰT, NGUYỄN THỊ LÝ…

3/ Về Luật pháp có Thẩm phán TRẦN VĂN LINH, người Tân Uyên, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, Luật sư TRÂN VĂN TRAI, Luật sư Tòa Thượng thẩm, v.v…

4/ Về Y tế Xã hội có Đại Tá Y sĩ Trưởng Hải Quân TRẦN NGUƠN PHIÊU, Cục Phó Cục Quân Y, Tổng Trưởng Bộ XÃ HỘI, Các Bác sĩ TÔ DƯƠNG HIỆP, Trưởng nam Nhà văn BÌNH NGUYÊN LỘC, Giám đốc DƯỠNG TRÍ VIỆN BIÊN HÒA,…Các Dược sĩ LÂM. DS HẰNG, Nha sĩ ĐỖ CAO MINH, DS ĐỖ LAN CHI, anh và em Tướng ĐỖ CAO TRÍ, v.v…

5/ Về Kinh tế Tài chánh có Giáo Sư CHÂU KIM NHÂN, Tốt nghiệp Cao Học Hành chánh, ngạch Đốc sư, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành Tài Chánh, như Đổng Lý Văn Phòng Bộ Tài Chánh, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí Bộ Quốc Phòng, Tổng Giám Đốc Cơ Quan Tiếp Vận Trung Ương Phủ Thủ Tướng, PhụTá Tổng Trưởng Quốc Phòng, PhụTá Thủ Tướng và cuối cùng là TỔNG TRƯỞNG TÀI CHÁNH. Sau 75, tị nạn sang Mỹ, phục vụ tại Đại Học MARYLAND, hiện đã về hưu, thỉnh thoảng có về Nam California dự Họp Mặt Đồng hương BIÊNHÒA.

Từng tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Cao Học Hành Chánh còn có rất nhiều người khác khác như NMT, PCT, TNC, LNL, TNC, DVC, DVV, ĐHP, TND, NVB, PĐT, ĐVN, LMT, NNP, NMC, HDB, TVC… phục vụ tại nhiều cơ quan Địa phương Quận, Tỉnh và Trung Ương không thể kể hết.

6/ Về Khoa học Kỹ thuật có Kỹ sư HỒ VĂN BỮU, về nước tương đối trể và sau đó phải tị nạn sang Pháp, Kiến Trúc sư ĐỖ HỮU NAM.

7/ Về Giáo Dục có GSTS NGUYỄN NGỌC HUY, Giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Thanh Tra TRẦN BÁ CHỨC, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, Thanh Tra HỒ VĂN TAM, ứng cử viên Thượng viện Liên danh BS HỒ VĂN CHÂM,GS TÔ VĂN TRÊN, GS TÔ VĂN QUẾ, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Giáo dục , Thành viên Ủy Hội UNESCO VIETNAM tại PARIS trước năm 1975, GS DƯƠNG NGỌC SUM, Giáo sư tại các Trường PETRUS KÝ và SƯ PHẠM SAIGON, Thanh Tra, PHỤ TÁ cho PHỤ TÁ ĐẶC BIỆT TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC (ngang hàng THỨ TRƯỞNG), ĐẶC TRÁCH KHỐI NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, GSTS LIÊNG KHẮC VĂN (ÚC Châu) và còn rất nhiều vị Giáo chức khác.

8/ Về Văn nghệ có một trong ba Nhà văn lớn NAM BỘ là BÌNH NGUYÊN LỘC (hai vị kia là LÊ VĂN TRƯƠNG HỒ BIỂU CHÁNH), với một sự nghiệp văn chương đồ sộ: những năm 1974-1975, người ta thống kê, BÌNH NGUYÊN LỘC đã viết trên 1000 truyện ngắn và hơn 50 tiểu thuyết đăng báo. Nhưng từ sau 1975 Ông ngưng viết và ngưng mọi sinh hoạt văn nghệ, viện lẽ đau dạ dày, chỉ từ sau khi được sang Hoa Kỳ chữa bênh cho Bà Bình Nguyên Lộc và cho chính Ông, năm 1985, Ông mới cầm bút trở lại, nhưng không được mấy năm thì mất (1987) ở Bắc California, thọ 73 tuổi. LƯƠNG VĂN LỰU, Nhà văn và Nhà Biên khảo lớn, tác giả Bộ sách BIÊN HÒA SỬ LƯỢC TOÀN BIÊN (gồm 5 quyển, nhưng mới xuất bản có 2 quyển đầu năm 1971, 1972), là chủ đề của Bài viết nầy. Ngoài ra còn có Kiến Trúc sư HUỲNH TẤN PHÁT, Chủ bút Báo THANH NIÊN, nhưng sau lại tham gia MẶT TRÂN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, để rồi sau ngày 30/4 bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước, Nhà văn LÝ VĂN SÂM cũng có nhiều bài viết về Biên Hòa, nhưng rất tiếc là một cán bộ nằm vùng và Nhà thơ trẻ NGUYỄN TẤT NHIÊN, tên thật là NGUYỄN HOÀNG HẢI, cựu học sinh Trường Trung học NGÔ QUYỀN BIÊNHÒA, nổi tiếng rất sớm nhờ những bài thơ được các Nhạc sĩ PHẠM DUY và NGUYỄN ĐỨC QUANG phổ nhạc như “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá”,“Trúc đào”, “Vì tôi là linh mục”, “Em hiền như ma sơ”, “Kìa cô em Bắc kỳ nho nhỏ”, “Hai năm trời lận đận”… nhưng cũng rất tiếc là mất rất sớm, theo qui luật “bạo phát, bạo tàn”.

9/Một Quí Nhân: Một nhân vật rất đặc biệt của Tỉnh BIÊN HÒA và là một niềm hãnh diện rất lớn cho Tỉnh là Bà TÁ THIÊN NHÂN HOÀNG HẬU HỒ THỊ HOA, VỢ VUA MINH MẠNG, MẸ VUA THIỆU TRỊ , sinh năm TÂN HỢI (1791) là áí nữ của Phúc Quốc Công HỒ VĂN BÔI, quê ở làng BÌNH AN, Tỉnh BIÊN HÒA, được tiến cung năm BÍNH DẦN (1806). Vì Bà tên HOA nên người Miền Nam gọi HOA trại ra là BÔNG (Bông Sen, Bông Cúc…).

NHÀ VĂN HÓA, NHÀ SỬ HỌC, NHÀ BIÊN KHẢO LỚN CỦA XỨ BƯỞI BIÊN HÒA: LƯƠNG VĂN LỰU

I.- SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ

Nhà Văn hóa, Nhà Biên khảo, Nhà Sử học LƯƠNG VĂN LỰU (1916-1993), bút danh NHỨT LƯU và TRỌNG KHANH, sinh ngày 22-12-1916 (Bính Thìn) tại làng TÂN THÀNH, xã BÌNHTRƯỚC, quận ĐỨC TU, tỉnh BIÊN HÒA, mất tháng Tư năm 1993 (Quý Dậu) thọ 77 tuổi trong sự nhớ thương, tiếc nuối và quí trọng của toàn thể người dân BIÊN HÒA. Ông là con Út trong một gia đình Nho giáo, rất trọng giáo dụ , đạo đức, nho phong. Năm 1935 (là năm người viết mới sinh ra) Ông đỗ Bằng Trung học Pháp-Việt (tương đương với Bằng Diplôme d’Études Primaires Supérieures indochinoises gọi tắt DEPSI). Với trình độ khá cao như thế thời bấy giờ, Ông bước vào đời với 2 công việc tuy khác hẳn nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau: đó là làm công chức tại Tòa Hành chánh Tỉnh với chức vụ Trưởng Phòng Kinh tế do nhu cầu sinh sống gia đình và Viết văn, Làm báo, Sưu tầm, Biên khảo do lòng say mê văn chương, chữ nghĩa, lịch sử và lòng yêu thương đất nước Biên Hòa, nơi chôn nhau cắt rốn của Ông.

Về Viết văn, Làm báo: Ông bắt đầu viết và dịch các tác phẩm tiếng Pháp, trước và sau năm 1945, với các Bút danh NHỨT LƯU và TRỌNG KHANH, đăng trên các Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Sống Mới và có lúc làm CHỦ Bút Tờ BIÊN HÙNG tại BIÊN HÒA.

Với tư cách một Nhà Ngôn ngữ học Ông chú tâm biên soạn các từ ngữ truyền thống văn hóa quê hương và với tư cách một Nhà sử học, suốt hơn30 năm, Ông âm thầm miệt mài sưu tầm trong cổ sử, đặc biệt là những điều mắt thấy tai nghe, các sử liệu, liên quan đến VÙNG ĐẤT BIÊN HÒA. Vùng đất mà Ông“MUỐN MỘT LẦN BÁO HIẾU”. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân: kết quả là Ông đã hoàn tất Bộ BIÊN HÒA SỬ LƯỢC TOÀN BIÊN gồm 5 Tập:

1-TRẤN BIÊN CỔ KÍNH 2- BIÊN HÙNG OAI DŨNG 3- ĐỒNG NAI THƠ MỘNG 4- BIÊN HÒA TÂN TIẾN và 5-BA TRĂM NĂM NGƯỜI VIỆT GỐC HOA. nhưng chỉ mới xuất bản được 2 quyển đầu là TRẤN BIÊN CỔ KÍNH và BIÊN HÒA OAI DŨNG, năm 1972, 1973, khiến cho nhiều độc giả ái mộ thắc mắc, mong đợi. Riêng người viết cũng có để ý tìm hiểu và cũng rất lấy làm tiếc rẽ không được đọc 3 quyển sách quí còn lại.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Ông trở về đời sống của một thường dân, không còn làm công chức và cũng như bao nhiêu quân cán Chính và dân chúng Miền Nam, trước cuộc diện đổi thay tận gốc rễ, tang thương biến đổi, bao nhiêu người đi tù, bao nhiêu gia đình vượt biên, vượt biển, chết chóc, ly tan. Ông và gia đình phải luôn vất vả, xoay xở lo cho cuộc sống hằng ngày và đối phó với nghịch cảnh. Dù vậy, Ông vẫn không bỏ cuộc. Ông vẫn còn muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước Ông và cho vùng đất BIÊN HÒA của Ông. Ông tiếp tục viết một cách âm thầm. Nhưng “lực bất tòng tâm”, sức khỏe Ông mỗi ngày một kém, bệnh hoạn hành hạ, thêm vào đó là những khó khăn, trở ngại, hoàn cảnh không thuận tiện để viết, kẻ dòm người ngó, kiểm soát chặt chẽ, “lề Trái, lề Phải”, cho đến một ngày của Tháng Tư năm 1993 , Ông rã rời “buông viết,rời mực” để trở về với lòng Đất BIÊN HÒA, nơi “chôn nhau, cắt rốn của Ông”, thọ 77 tuổi, trong sự tiếc thương, kính quí của người dân Địa phưong. Thiết tưởng đây cũng là niềm an ủi lớn lao cho Ông và Gia đình Ông nếu đem so với những đồng bào ly hương tị nạn phải bỏ thây trong rừng sâu hay trên biển cả hoặc nơi xứ lạ quê người!

II.-TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN

Nối tiếp Chương trình”TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN CÁC DANH NHÂN BIÊN HÒA”, năm nay ĐẶC SAN CỦA HỘI ĐỒNG HƯƠNG CHÚNG TA chọn Đề tài “VINH DANH NHÀ VĂN HÓA, NHÀ SỬ HỌC VÀ NHÀ BIÊN KHẢO LƯƠNG VĂN LỰU”

1/ MỘT NHÀ YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH.

Trong các trang đầu của Bộ sách BIÊN HÒA SỬ LƯỢC TOÀN BIÊN, Ông đã trịnh trọng kính dâng Hương hồn Thân Phụ Ông là Ông LƯƠNG VĂN LÊ “Đã un đúc cho Ông chan chứa tình yêu cố quán TÂN THÀNH, Quê hương BIÊN HÒA và Tổ quốc VIỆT NAM”. Chỉ có tình yêu sâu đậm nơi chôn nhau cắt rốn, quê Cha đất Tổ:

a -Ông mới đủ ý chí, kiên trì hơn 30 năm thực hiện và hoàn tất hoài bảo của một đời Ông: đó là Bộ sách BIÊN HOÀ LƯỢC SỬ TOÀN BIÊN

b -Sau ngày 30/4/75 Ông mới đủ sức chịu đựng nghịch cảnh gia đình, xã hội, chính trị mà một Công chức, một Nhà văn như Ông phải gánh chịu: thất nghiệp, đói rách, kỳ thị, nghi ngờ, theo dõi (“BIỆT KÍCH CẦM BÚT”),v. v…,mặc dù có thể Ông cũng muốn và có cơ hội tị nạn ra nước ngoài như bao nhiêu quân, cán, chính khác. Ông thừa biết rằng, nếu ở lại Ông sẽ gánh chịu hậu quả tất nhiên, nặng nề của một CÔNG CHỨC lâu năm phục vụ tại Tòa Tỉnh và của một NHÀ VĂN. Ngay như chúng tôi, gần như suốt đời phục vụ trong NGÀNH DẠY HỌC, đem chữ nghĩa, đạo lý ra truyền lại con cháu, chứ có chém giết ai đâu, có cướp giựt của ai đâu, nên cũng thấy không cần phải ra đi, rốt cuộc tôi đã lầm và cũng bị tù đày, thất nghiệp, đói rách, gia đình phân ly, con thất học vì “LÝ LỊCH KHÔNG TRONG SÁNG, với ba “ phán quyết“ trí mạng :

-Dạy học là tiếp tay với Ngụy quyền ĐẦU ĐỘC THANH THIẾU NIÊN, hết thế hệ nầy đến thế hệ khác, chỉ biết căm thù Cách mạng và cầm súng bắn Cách mạng, thế là “họ” bỏ tù chúng tôi. Sự thật, chúng tôi có dạy Học sinh Sinh viên “căm thù Cách mạng” đâu? Họ đã lạm dụng danh từ Cách mạng đó chứ, chúng tôi chỉ dạy Học Sinh Sinh Viên căm thù 3 CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI: CỘNG SẢN LIÊN XÔ, PHÁT XÍT Ý và QUỐC XÃ ĐỨC!

-Rồi khi chúng tôi ở tù ra, họ lại đuổi chúng tôi đi, không cho ở:” Các anh không thuộc diện được ở đây, yêu cầu cấp tốc rời khỏi địa chỉ nầy, nếu không sẽ có biện pháp cá nhân”. Biện pháp ở đây là: “trả lại Trại tù tập trung” hoặc “xúc đi các Vùng Kinh tế mới” như xúc Hành khất hay những người Vô gia cư Homeless vậy! Họ đã DỒN CHÚNG TÔI VÀO CHÂN TƯỜNG!

-Không cho ở thì đi…VƯỢT BIÊN, nhưng không may lại bị bắt, lại bị nhốt vào TRẠI TÙ CẢI TẠO VƯỢT BIÊN, Cai tù điểm mặt:” Người thường vượt biên còn ăn tiền rồi thả, còn các anh đã cải tạo rồi mà vẫn chưa tốt, còn muốn chạy theo Đế quốc để ăn bơ thừa sữa cặn, cho Ở TÙ RỤT XƯƠNG LUÔN. Nghe họ hăm he mà phát sợ, nhưng nếu đã ở tù lâu năm, hoặc vượt biên nhiều lần và thuộc lòng câu nói của Ông THIỆU thì hết sợ ngay: chỉ cần LO CHO XONG “THỦ TỤC ĐẦU TIÊN” là nó thả. Còn việc “chạy theo Đế quốc để ăn bơ thừa sữa cặn thì hình như tên đầu sỏ nào của họ hiện cũng đang làm như thế! “QUI MÃ “ hay “Mã QUI” (“QUA MỸ hay MỸ QUA) cũng vậy thôi. Còn về việc từ bỏ quê hương, đất tổ để ra đi, chúng tôi nhớ lại, đã có những Chính khách khi RỜI QUÊ HƯƠNG, cố mang theo cho được một mãnh “Đất Quê Hương” để trân quí, còn Nhà văn LƯƠNG VĂN LỰU của chúng ta thì quyềt ở lại để “ôm cả quê hương”. Nhưng RIÊNG Nhà văn LƯƠNG VĂN LỰU, Ông quyết tâm ở lại để ÔM QUÊ HƯƠNG VÀO LÒNG và cũng bắt đầu từ đó Ông mất tất cả: Chỉ cái việc từ năm 1975 , lúc ấy Ông mới chỉ có 59 tuổi chớ bao nhiêu, cho đến khi ông mất năm 1993, Ông không viết lách gì được cả, thì cũng đủ biết Ông đã mất hết quyền “tự do” trong đó có “QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN”, cũng như Nhà văn BÌNH NGUYÊN LỘC vậy thôi.

2/ MỘT NHÀ BIÊN KHẢO CÓ NHIỀU HIỂU BIẾT CHUYÊN MÔN VÀ ĐẦY ĐỦ ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT

Xem qua một lược bản liệt kê các Tài liệu Tham khảo, từ Phần Chánh sử của Quốc sử Quán (Huế), đến Các sách của các Sử gia PHÁP, các Sử gia VIỆT, những Tài liệu riêng về ĐỒNG NAI, về NGƯỜI THƯỢNG, về CAO MIÊN QUỐC (KAMPUCHEA), CHIÊM THÀNH, đến các Lễ tục, Phong tục, Chánh trị, Hành chánh, Văn hóa, Các Báo chí, Tập san tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Việt,… đủ cả, thì đủ biết:

-Tác giả chú trọng đặc biệt đến các Tài liệu tham khảo:”nói có sách, mách có chứng”. Các tài liệu nầy hoặc bằng tiếng Việt, hoặc khá nhiều bằng tiếng Pháp chứng tỏ tình trạng sách báo lúc bấy giờ bằng tiếng Việt khá hiếm và phải sử dụng tài liệu bằng Pháp ngừ, do người Pháp viết tương đối dồi dào hơn.

-Tác giả thông thạo tiếng Việt thì đã hẳn rồi, nhưng ngoài ra Ông còn khá thông thạo tiếng Hán, tiếng Pháp (với văn bằng Trung Học Pháp Việt thới bấy giờ đã giỏi tiếng Pháp rồi) và có thể cả tiếng Khmer, là điều rất cần thiêt trong khi sử dụng các tư liệu và khảo sát tại chỗ, rất rất cần cho việc nghiên cứu, sưu tầm của Ông

-Ngoài ra, những đức tính như CẦN CÙ, NHẪN NẠI, CHỊU KHÓ hẵn là Ông có thừa suốt hơn ba mươi năm sưu tầm, biên khảo dựa theo sự chỉ dẫn của các tài liệu, của các nguồn tin, Ông không nề hà khó nhọc, tốn kém, mất thì giờ, đến tận nơi quan sát, nghiên cứu cho tận tường, chứ không hoàn toàn chỉ dựa theo sách vở. Xin đơn cử vài thí dụ:

a/ Khi phải xác định việc hình thành và vị trí của Tỉnh BIÊN HÒA, Nhà biên khảo đã “chịu khó” truy nguyên tận nguồn gốc từ Thế kỷ thứ Nhất Sau Công nguyên, với dân tộc PHÙ NAM mà di tích lịch sử được tìm thấy sau nầy ở ÓC EO gần núi BA THÊ, giữa LONG XUYÊN và RẠCH GIÁ, trải qua các Thế kỷ VI, VII, cho đến Thời đại của các CHÚA NGUYỄN, với “CÔNG LAO” của Công Chúa NGỌC VẠN trong việc mở mang bờ cỏi nước ta về phương Nam và việc hình thành Tỉnh ĐỒNG NAI BIÊN HÒA.

b/ Trong khi mô tả địa danh các danh lam thắng cảnh, như THÁC TRỊ AN hoặc NÚI CHÂU THỚI, tác giả ngoài việc mô tả hiện cảnh hùng vĩ, đẹp đẻ của cảnh trí, còn “chịu khó” tìm tòi nguồn gốc danh xưng qua các thời đại và các truyền thuyết hấp dẫn liên quan đến thắng cảnh..

Thí dụ như, chúng tôi là người BIÊN HÒA, từ lúc còn là học sinh viếng núi CHÂU THỚI, khi còn đạp xe lộc cộc đi học hàng ngày Biên Hòa Sài Gòn bằng đường trong vì chưa có xa lộ, cho đến khi trở thành Giáo sư dẫn học sinh PETRUS KÝ viếng núi CHÂU THỚI, chưa bao giờ được nghe nói đến 3 danh xưng khác nhau của thắng cảnh nầy, cho đến khi đọc sách Sử “TRẤN BIÊN CỔ KÍNH” của Nhà Biên khảo LƯƠNG VĂN LỰU, đó là CHÂU THỚI, MONT BLANCHYCỐ PHI SAN. CHÂU THỚI SƠN hay CHIÊU THÁI SƠN là một tên Việt được chánh thức liệt kê vào bản “Xuyên sơn” tại Quốc sử quán váo năm 1850. MONT BLANCHY là một tên Pháp, MONT là núi, BLANCHY là tên 1 người Pháp PAUL

BLANCHY (như tên đường HAI BÀ TRƯNG trước đây), là một trong những nhà thầu khai thác đá núi Châu Thới (từ năm 1873 đến năm 1886). Còn CỐ PHI SAN là một tên Tàu, SAN là núi, “CỐ PHI” là âm của chữ “COFFEE”, CÀ PHÊ, lấy tích Ông Hội trưởng Hội “Công Nông Kỹ Miền Nam và Trung Việt” là Hội được Ông Paul Blanchy nhượng quyền khai thác núi CHÂU THỚI năm 1886, định khởi công trồng cà phê lần đầu tiên tại Viêt Nam ở đây. Ông đặt mua hạt giống bên BA TÂY (BRÉSIL), nhưng khi đem trồng thì phát giác ra là hạt cà phê giống đã bị luộc chín! (có lẽ là do chính sách cấm xuất cảng hạt giống) Nên Hội bị chế giểu: “CỐ PHI SƠN” = COFFEE MONT = NÚI CÀ PHÊ!. Đấy, tác giả đã cố công tìm hiểu và giải thích cặn kẻ cho chúng ta hiểu như vậy.

Với THÁC TRỊ AN còn có nhiều chi tiết lâm ly hơn. Lúc còn học ở Trường Sư Phạm đến khi ra Trường trở thành Giáo sư hướng dẫn Giáo sinh SƯ PHẠM du ngoạn THÁC, chúng tôi đâu có nghe ai thuật lại Truyền thuyết “TÌNH SỬ DŨNG SĨ CHIÊM THÀNH VÀ NÀNG CÔNG NƯƠNG PHÙ NAM” và việc hình thành THÁC, là do lệnh Nhà Vua sai lăn đá lấp sông ngăn đường không cho dũng sĩ Chiêm tìm cách trở về quê quán, phải đợi cho đến khi được Nhà biên khảo LƯƠNG VĂN LỰU kể cho nghe trong sách của Ông! Chuyện kể như thế nầy:

Số là vào thời bấy giờ, nước CHIÊM THÀNH đã bị PHÙ NAM xâm chiếm, người Chiêm tan tác khắp nơi. Một ngày kia có một dũng sĩ Chiêm là SA TRI ĐA (Kchatriyas) nặng lòng hoài hương, vượt tuyến PHÙ NAM, ngược sông PHƯỚC LONG lên hướng Bắc, nhưng không may bị bắt tại vùng đất Trị An vì bị tình nghi làm gián điệp, nhưng xét không có bằng cớ, nên Vua CÔNG ĐỊNH GIẢ (Kaundinya) vì mến tài nên chẳng những tha tội mà còn cho theo bảo vệ Công nương LIỄU DU (body guard). Oan nghiệt là đây: lửa gần rơm bắt bén, 2 người yêu nhau, nhưng chàng dũng sĩ vẫn nặng lòng yêu quê hương, không quên ước muốn quay về cố quán. Biết thế, nhà Vua ra lệnh lăn đá lắp sông ngăn làm ba bậc thành thác, chàng dũng sĩ bỏ sông lén trốn qua cầu LINH KIỀU (tương truyền nếu có người vượt qua LINH KIỀU thì PHÙ NAM sẽ bị diệt vong) theo đường bộ, nhưng trời không dung tha kẻ phản bội, mặc dù là do lòng yêu nước, nên Chàng lại bị quân mai phục bắt trở lại. Lần nầy dưới áp lực nặng nề cũa triều thần, nhà vua phải ra lệnh xử tử bằng cách buộc trói Chàng trên một phiến đá lớn giữa thác nước rồi dùng cung tên bắn chết, xác chìm dưới vực sâu và bị nước cuốn đi. Công nương buồn rầu, khóc lóc, bỏ ăn, bỏ ngủ, thỉnh thoảng lén ra “ngồi tại bực pháp trường , nhìn xuống vực sâu theo dòng nước chảy mà trút nỗi oán hận trong lòng, do đó cũng bị kết TỘI PHẢN QUỐC.. Và do Triều thần gây sức ép, nhà Vua phải gạt lệ mà xử tử con gái thân yêu của mình để làm vừa lòng quốc dân.” Vậy là Chàng trước Nàng sau đều thọ tử cùng một chỗ và cũng do một tội phạm và một hình phạt như nhau”. Và tuy đã dọn sạch hết hai mầm gieo họa diệt vong, nhân dân PHÙ NAM cũng không tồn tại mãi được theo định luật lịch sử tiến hóa!

3/ MỘT NHÀ VĂN CÓ THỰC TÀI VÀ KHIÊM CUNG

Thú thực, khi bắt đầu đọc Bộ sách, tôi cứ ngỡ là lời văn biên khảo sẽ khô khan lắm, chỉ cốt phân tích, ghi chép, tường thuật cho rõ ràng, chính xác và người đọc cũng không đòi hỏi gì hơn. Nhưng chúng tôi đã lầm, trong sách không hiếm những đoạn văn hay, lại có cả thơ và câu đối nữa, chứng tỏ tác giả là một nhà văn có chân tài, khiến cho những đoạn văn mô tả những di tích lịch sử không những không “khô khan” mà còn “ướt át “khiến độc giả không khỏi tiếc rẻ khi đoạn văn chấm dứt.

Thí dụ như khi mô tả NÚI BỮU LONG, ông làm thơ vịnh luôn thắng cảnh nầy:

VỊNH NÚI BỮU LONG

Đồng nai dòng nước uốn quanh

Ôm VÙNG THẠNH HỘI, ngăn BÌNH HÒA THÔN

BỮU LONG trấn thủ một đồn

Có con lộ bóng bên cồn cây xanh.

HỮU PHONG cổ tự chùa linh

Đá chồng trên đá t hình HỔ LONG.

Ở đây non nước một vùng

Danh lam thắng cảnh BIÊN HÙNG là đây.

Và đây là đoạn văn tả đường lên THÁC TRỊ AN THÁC TRỊ AN

“Thác Trị An người địa phương gọi là “HÀNG ÔNG SÂM”, nằm trên sông Đồng Nai, cách xa tĩnh lỵ BIÊN HÒA 36 ngàn thước, do Lộ Liên tỉnh 21, ngược lên nguồn, ngang qua các Chợ nhỏ BỮU LONG, BẾN CÁ, TÂN PHÚ, BẾN VỊNH. Từ Biên Hòa đường tráng nhựa được gần phân nửa. Qua khỏi Bến Vịnh đường đá đỏ dẫn lên miền rừng ngoằn ngoèo, lên xuống nguy hiểm, hai bên là cây cao bóng cả. Đến một dốc cao, du khách lưu ý hảm bớt tốc độ để rẻ vào bên trái xuống bờ sông, đường mở rộng ra làm chỗ cho xe đậu. Một vài hàng quán được dựng lên để khách giải lao hoặc lót dạ. Gặp mùa mưa, nước lên cao, đổ mạnh. Đứng từ trên bực, khách nhìn bao quát cảnh thác hùng vĩ, với sông sâu, lởm chởm đây đó từng đợt đá gồ ghề nằm vắt ngang, chắn cả lòng sông, tạo thành nhiều bậc khác nhau, để cho nước từ trên nguồn trút qua, tuôn tràn xuống thấp, nhào lộn, múa may, sùi bọt, xoáy dòng…” ( một đoạn văn mô tả đầy hình ảnh sống động!)

Và đây là câu đối “Địa Khí Sơn Linh”, tả cảnh Núi CHÂU THỚI “trơ gan”“sông ĐồNG NAI phơi ruột”:

“ Non CHÂU THỚI tháng ngày cằn cổi, đứng sững chống trời, trơ gan cùng tuế nguyêt

Sông ĐỒNG NAI bao độ vơi đầy, uốn mình xoi đất, phơi ruột với thời gian!”

Tuy vậy, Tác giả vẫn một mực “khiêm cumg”, khi cho mình là “tài hèn sức mọn” và những “kết quả” mà Ông thu lượm được chỉ là những “bước khởi đầu” cho việc kiện toàn Bộ sách về sau của các bậc cao minh.

Tác giả đã kết thúc “LỜI TỰA” như sau:

“Chỉ vì tha thiết với đất mến yêu mà một CÔNG DÂN biên soạn Bộ Sử của Tỉnh Nhà. Với thiện chí ấy, tôi tin rằng, dầu sao cũng hưởng được sư khoan hồng, dễ dãi của quý vị độc giả, sẽ chỉ giáo cho những chỗ sai lầm, hay bổ sung những điều thiếu sót. Cũng với thiện chí ấy, kẻ sĩ hèn mọn nầy, trên đường học sử, góp tài liệu giữ nơi đây, tin rằng sau nầy các bậc cao minh sẽ kiện toàn thành một Bộ Sử đầy đủ hơn của Tỉnh nhà. Được như thế tôi cũng mãn nguyện lắm rồi.”

( GHI CHÚ: Những dòng chữ viết xiêng là những dòng chữ trích từ nguyên văn của Tác giả)

4/ MỘT NHÀ VĂN CÓ KHÍ PHÁCH, ĐÁNG NỂ PHỤC

Tuy không được quen biết và gần gủi với nhà văn, nhưng theo tin tức nhận được, thì được biết là từ sau ngày 30/4/75 cho đến khi mất, nhà văn không có hoạt động gì về văn nghệ và không có cho ra đời tác phẩm nào nữa cả,.mặc dù lúc bấy giờ nhà văn mới có 59 tuổi là tuổi sung sức viết. Việc nầy có thể so sánh với việc Nhà văn BÌNH NGUYÊN LỘC từng ngưng sáng tác và ngưng hoạt động văn nghệ từ sau ngày 30/4 /75 cho tới ngày được sang Mỹ tị nạn năm 1995. Cả hai đều là những nhà văn lớn của Tỉnh BIÊN HÒA, có khí phách và biết tự trọng: một khi thấy mình “không còn được tự do viết, tự do sáng tác thì ngưng, không viết, không sáng tác”, chứ không như một số VĂN NÔ khác “cuốn theo chiều gió” (Gone with the wind), cuối đầu, khom lưng, nịnh bợ, chạy theo trào lưu, để được ban cho chút cơm thừa canh cặn!

Chúng tôi cho đây là một hành động có khí phách, đáng nể phục.

LỜI KẾT: Sau khi đọc xong 2 Quyển TRẤN BIÊN CỔ KÍNHBIÊN HÒA OAI DŨNG của Nhà văn và nhà Biên khảo LƯƠNG VĂN LỰU, xếp sách lại, khi màn chiều dần dần buông xuống, chúng tôi thấy trong tâm tư ray rức với vài điều tiếc rẻ sâu xa như sau:

1/ Mong được đọc và thưởng thức văn tài và công lao sưu tầm, biên khảo của Tác giả qua 3 quyển sử còn lại chưa xuất bản. Đó là:

ĐỒNG NAI THƠ MỘNG, BIÊN HÒA TÂN TIẾN và BA TRĂM NĂM NGƯỜI VIỆT GỐC HOA.

2/ Tiếc cho NHIỀU TÀI NĂNG, trong mọi lãnh vực, chứ không riêng gì văn nghệ, trong đó có Tác giả, SỚM CHẤM DỨT VÀ BỊ VÙI DẬP chỉ vì không đồng chính kiến với Cộng Sản, khiến cho đất nước bổng dưng bị tụt hậu ngang hàng với các nước chậm tiến và nghèo đói nhất trên thế giới về mọi phương diện, kể cả về ĐẠO ĐỨC. Biết đến bao giờ mới cất đầu lên nỗi!

3/ Riêng tiếc cho Nhà văn và Nhà Biên khảo LƯƠNG VĂN LỰU, có biệt tài, ý chí, kiên nhẫn, có tinh thần yêu đất nước, yêu nơi chôn nhau cắt rốn, có thể so sánh về những phương diện nào đó với một VƯƠNG HỒNG SỂN, một PHẠM VĂN SƠN, phải BỊ MAI MỘTRA ĐI MỘT CÁCH ÂM THẦM.

Đó cũng là lý do vinh danh trang trọng của Hội ái hữu Biên Hòa California dành cho CỐ NHÂN SĨ LƯƠNG VĂN LỰU NGÀY HÔM NAY

CALIFORNIA, ngày 25 tháng Tám 2013

D Ư Ơ N G T Ử

duongngocsum-large-content

Giáo Sư DƯƠNG NGỌC SUM – TÂN BA

Tài liệu tham khảo:

-Tài liệu Internet do Nhà văn TRẦN VIỆT HẢI thuộc CLB/TNS cung cấp

-Bộ sách BIÊN HÙNG LIÊT SỬ của Nhà văn LƯƠNG VĂN LỰU

-BIÊN HÙNG LIỆT SỬ của THÁI THỤY VY

-Bản tin XỨ BƯỞI của Hội Đồng Hương Biên Hòa CALIFORNIA

Lý lịch tác giả:

Sinh năm 1935

Quê quán TÂN BA – TÂN UYÊN – BIÊN HÒA

Cựu Học sinh các trường

- Sơ học TRƯỜNG LỘC GIA ĐỊNH,

- Tiểu học TÂN BA

- Tiểu học NGUYỄN DU BIÊN HÒA

- Trường Trung học PETRUS KÝ

- Trường QUỐC GIA SƯ PHẠM SAIGON

- Các Đại Học LUẬT KHOA và VĂN KHOA SAIGON

Cựu Giáo sư các Trường và Trung Tâm

-Trường SƯ PHẠM SAIGON

-Trường PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ SAIGON

-Trường Trung Học Cấp 3 HÙNG VƯƠNG SAIGON

-Trường VĂN HÓA QUÂN ĐỘI

- Các Trường Tư thục cấp 3 TÂN VĂN, ĐỒNG NAI, HOÀNG NGUYÊN, ĐẮC LỘ,

- Các Khóa Tu Nghiệp CẢI NGẠCH GIÁO SƯ TRUNG HỌC ĐỆ NHÁT CẤP

- Các Trung tâm Giáo dục Tráng Niên, Bổ túc Văn Hóa

- Các Lớp Thanh Thiếu Niên Thất Học, Bụi Đời

THANH TRA tại Bộ GIÁO DỤC

PHỤ TÁ cho PHỤ TÁ ĐẶC BIỆT TỔNG TRƯỞNG GIÁO DỤC (ngang hàng THỨ TRƯỞNG)

ĐẶC TRÁCH KHỐI NHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 2023(Xem: 838)
Sự chân chính của người làm chính trị là luôn thông cảm và đồng cảm với những người đang đồng hành trên con đường chính trị có chung một mục đích
31 Tháng Bảy 2023(Xem: 928)
Thời gian thắm thoát gần 50 năm, mọi thứ đều thay đổi, ai cũng bận rộn với cuộc sống nên ít ai còn nhớ đến Thầy Tỵ dạy nhạc.
07 Tháng Ba 2021(Xem: 5457)
NHỮNG AI ĐÃ CHẾT VÌ SÔNG NÚI SẼ SỐNG MUÔN ĐỜI VỚI NÚI SÔNG
12 Tháng Năm 2020(Xem: 7714)
Tôi là một người thích nhạc”. “Nếu anh quá thích cây đàn, tôi có thể bán cho anh, vì anh rất thú vị”
28 Tháng Tư 2019(Xem: 19140)
tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
26 Tháng Ba 2019(Xem: 7859)
Trong số những bài thơ Nguyễn Tất Nhiên để lại, người con gái tên Duyên có một vị trí đặc biệt. Trong “Khúc tình buồn”,
10 Tháng Ba 2019(Xem: 17040)
Tôi xin chân thành cám ơn Bà Hội Trưởng đã còn nhớ đến Anh Nhân
09 Tháng Chín 2018(Xem: 5594)
Cầu mong Ông được siêu thoát nơi suối vàng và hộ trì cho Tuổi Trẻ Việt Nam sớm giải trừ được nạn ách do Cộng sản Bắc Việt đang dày xéo quê hương.
23 Tháng Bảy 2018(Xem: 6237)
Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc
12 Tháng Bảy 2018(Xem: 6128)
hình ảnh trong sạch của ông vẫn còn được không ít người nhắc đến như một điểm son còn lại của chế độ và tương phản với các vụ tham nhũng, thối nát trong 43 năm qua.
12 Tháng Tám 2017(Xem: 10657)
tấm lòng vì quê hương xứ sở, đó là điều quý giá nhất. Ông để lại cho đời một sự cảm phục khi nhắc đến tên tuổi Lương Văn Lựu – nhân sĩ đất Đồng Nai
23 Tháng Hai 2017(Xem: 10792)
Nếu những tác phẩm của ông đã lấy nhiều nước mắt của khán thính giã hăm mộ cãi lương, thì cuộc đời đổi thay đã khiến ông cạn giòng nước mắt
26 Tháng Bảy 2016(Xem: 13563)
Như vậy tính đến nay đã 26 năm rồi Một thời gian quá dài để thử thách mức độ thực lòng thương nhớ của quần chúng đến một nhà lãnh đạo đã nằm xuống
26 Tháng Mười 2014(Xem: 21969)
Ước ao sao ở Búng, quê của Phan Văn Hùm và ở Tân Uyên (Biên Hòa), nơi của những năm biệt xứ, sẽ là hai địa danh có bia kỷ niệm người con người danh tiếng một thời của đất Đồng Nai.”
02 Tháng Mười 2014(Xem: 89955)
Lịch sử đã sang trang, nhưng đối với kẻ chiến thắng “Nghĩa tử không là nghĩa tận” nên người chết vẫn không yên.
22 Tháng Tư 2014(Xem: 17050)
thế hệ trẻ sẽ biết ít nhiều về cố nhân sĩ Lương văn Lựu và công lao đóng góp của ông trên địa hạt văn hóa của tỉnh Biên Hòa
05 Tháng Ba 2014(Xem: 10073)
Từ ngữ và hình ảnh, âm nhạc (trong thơ) phải suông sẻ, tự nhiên, thuận tai.
25 Tháng Hai 2014(Xem: 11220)
Hôm nay gió mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải. Trời không nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rắc. Biển động mạnh.”
08 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10453)
Bắc Sơn là tác giả 500 ca khúc trong đó bản dân ca Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè đã được cả nước yêu thích… Ông còn là kịch giả của 80 kịch bản, và đã đích thân tham gia 60 vai diễn trong điện ảnh.
16 Tháng Mười Một 2013(Xem: 9315)
Những người trẻ thất tình đọc thơ ông thấy như là mình trong đó, và trào dâng những bi thương trong ruột gan mình.
07 Tháng Mười 2013(Xem: 13228)
Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!
06 Tháng Hai 2013(Xem: 10041)
Có lẽ đây là bài thơ "duy nhứt" của Nguyễn Tất Nhiên đã "lột trần" mặc cảm tâm lý: rất muốn "yêu" con gái Bắc dù trong lòng biết rõ chỉ "đơn phương" mà thôi và chỉ được họ "ngó nửa con mắt"
04 Tháng Hai 2013(Xem: 10801)
Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn qua các bài thơ của những thi sỹ đàn em. Đôi khi có những cảm xúc bất chợt đến vào nửa đêm anh đã thức dậy và ghi lại từng nốt nhạc trên trang giấy trắng
30 Tháng Mười 2012(Xem: 14123)
Tướng Đỗ cao Trí, nói về tài chỉ huy quân sự của ông thì khó ai có thể phủ nhận, xin được có đôi chút về ông mà người viết bài có lần được chứng kiến trong một trận đánh
01 Tháng Mười 2012(Xem: 18756)
Điện Thần Việt tôn thờ chư tướng thần Sinh ra là Tướng chết đi thành thần Thế, Ân, Thanh, Trí, Phú, Vỹ, Hai, Hưng, Nam Ngàn năm sau ghi nhớ gương anh hào.
06 Tháng Tám 2012(Xem: 10430)
20 năm rồi, chàng đã về cùng bụi cát trùng khơi, mà sao những lời thơ còn vương vấn mãi cõi dương-trần, để người đời như tôi mỗi lần nhớ tới thơ anh phải bàng-hoàng, phải thống-khổ, cảm-nhận đến tận cùng nỗi cam-chịu của một kiếp người:
27 Tháng Năm 2012(Xem: 33559)
Bình Nguyên Lộc viết: “Tôi đau cho cái nghĩa đời con người liền sau khi chết. Phút trước đây, mạng anh quý biết là bao nhiêu, mà phút sau này, xác anh là đồ bỏ. Ra cái quý chính là sự sống chứ không phải là thân thể nữa. Có đau hay không cho thân thể của con người?”
27 Tháng Mười Một 2011(Xem: 15409)
Trưa ngày thứ bảy 11/26/ 2011, Ban chấp hành hội ái hữu Biên Hòa California cùng đồng hương đã đến thăm viếng và tham dự lễ phủ cờ linh cửu ông Nguyễn Linh Chiêu, nguyên cựu Tỉnh Trưởng Biên Hòa tại nhà quàn Peek family funeral home thành phố Westminster Orange county
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 11738)
Từ trong tận đáy lòng chúng tôi kính dâng lên hương linh ông lời vĩnh biệt. Tri ân những tài đức của ông đã để lại tiếng thơm cho quê hương Biên Hòa