*Một ngôi biệt thự nhỏ khiêm tốn cuối đường Hoàng Diệu, Đà Lạt. Phía sau là vườn hồng và có thể nhìn thấy trường Couvent thấp thoáng áo
xanh lam của các nữ sinh nội trú. Đó là “ngôi nhà hạnh phúc” của
chúng tôi cũng là tên do các bạn yêu thương đặt cho nó.
Chúng tôi sống êm đềm hạnh phúc với ba đứa con
thật dễ thương và một em bé còn đang trong bụng mẹ. Căn nhà lúc nào
cũng rộn rã vui tươi nhất là Tết đến còn thêm “những con bà phước” (tức
là những sỹ quan Võ bị không được về Sài Gòn ăn Tết vì cấm trại) tất cả
đều quay quần vui chơi như chính nhà của họ, bởi vì các anh thích cái
không khí thoải mái và thân thương nhất mà chúng tôi đã thật thân tình
đón tiếp. Nếu cuộc sống ấy được kéo dài thì thật đúng là chúng
tôi đã có một thiên đàng hạnh phúc thật sự rồi. Nhưng đâu có ai
ngờ rằng Buôn Mê Thuột mất, mọi nơi di tản về Sài Gòn. Gia đình
tôi cũng trong làn sóng kinh hoàng đó. Tôi và các con được ông bà
nội các cháu yêu thương đùm bọc, và tôi đã sinh cháu bé ngay tháng tư
năm đó . Cũng vì thế mà chồng tôi không thể ra đi một mình. Anh đã lên được tàu nhưng anh lại nhảy xuống bơi về . Nếu anh biết trở
về rồi lại phải xa mẹ con tôi vĩnh viễn chắc anh đã chẳng quay về Đó cũng chính là nỗi đau ray rứt, niềm ân hận khôn nguôi của chúng tôi
.
Tháng sáu anh đã đi trình diện học tập cải tạo, với hy vọng sau mười
ngày sẽ trở về ….. Không có chồng tôi ở nhà, tôi rất sợ hãi và buồn
lo. Anh đã cho tôi một đời sống ổn định vững vàng. Nay
không có anh tôi không thể làm gì hết, tôi đã mất hết, mất cả những ước
mơ toan tính của chúng tôi cho con cái sau này. Tôi không còn gì
hết ngay cả mạng sống của tôi cũng rất mong manh vì mới sanh cháu còn
quá nhỏ. Rất may nhờ sự lo xa của bà nội các cháu nên mẹ con tôi
còn được ăn cơm thêm vài tháng. Toàn dân ở thành phố đã phải ăn
khoai lang, khoai mì và bo bo. Lương thực bán theo sổ gia đình,
hoàn toàn không có gạo. Khi nào được mua bột mì thì sung sướng
lắm. Vì có thể đổi bột lấy bánh mì (món ăn ngon nhất lúc bấy giờ)
Nhờ có bánh mì tôi có thêm việc làm để kiếm được vài đồng đi chợ. Tôi phải lo làm nước sốt (muối + cà chua) thái cà rốt củ cải dưa leo
làm đồ chua mang ra trước cửa bán từ 4 giờ sáng.
Ngày tháng cứ qua đi với buồn lo nặng trĩu vì 4 đứa con cần ăn để sống
. Tôi như con chong chóng hết bán bánh tôm bánh cuốn tại đường Duy Tân
lại quay ra bún ốc bún riêu ở đường Gia Long. Nhưng cũng không
được bao lâu vì “chiến dịch dẹp lòng lề đường”. Tôi lại phải chạy
thuốc tây, ai cần bán cần mua là có tôi làm chân chạy. Tôi còn nhớ một
lần có người cần mua 5 chai nước biển, mà tôi chỉ có đủ vốn cho 2 chai,
thế là tôi phải chạy làm 3 lần từ chợ Vườn Chuối qua chợ Bà Chiểu mới
giao đủ hàng được . Đạp xe đạp muốn kiệt sức vì mồ hôi và nước
mắt nhoè nhoẹt đến không thấy đường đi. Nhiều lúc đầu óc tôi muốn
vỡ tung ra vì những tính toán cho cuộc mưu sinh, vì những thay đổi khôn
lường của xã hội chủ nghĩa và nhất là vì những hoang mang lo sợ cho
chồng tôi đã bao lâu biệt vô âm tín. Ban đêm, nhìn những khuôn
mặt ngây thơ của các con tôi trong giấc ngủ say sưa; tôi yên tâm vì tôi
vẫn còn có chúng ở bên tôi. Nhưng chồng tôi nay ở đâu? Đói
no ấm lạnh ra sao? Anh là người nặng tình chồng vợ, yêu qúy các
con, liệu anh có yên giấc được không? Hay cũng như tôi thao thức suốt
đêm thâu với bao nỗi lo âu tắc nghẽn không phương giải thoát. Chỉ
có lúc này tôi mới được tự do khóc nức nở để vơi bớt nỗi buồn lo nặng
trĩu bên mình. Tôi không dám khóc trước mặt các con vì chúng sẽ
òa khóc theo ngay khi thấy tôi chảy nước mắt.
Mãi gần một năm sau tôi mới được tin chồng tôi dù chẳng phải là tin
vui. Anh đang bị một cơn sốt rét ác tính và thiếu thức ăn trầm trọng có
thể chết bất cứ lúc nào. Mong ước của anh là muốn biết tin tức của mẹ
con tôi trước khi anh nhắm mắt. Trời đất như sụp đổ dưới chân tôi. Tôi
lạy van người đưa tin xin chỉ đường cho tôi đi gặp anh. Sau cuộc hành
trình khá vất vả, lội suối băng rừng, những con vắt cắn tôi chảy máu
tùm lum mà tôi không hề biết sợ biết đau. Quần áo ướt hết, gió lạnh làm
tôi rét run, xanh mét. Tới nơi chưa kịp mừng thì đã bị cán bộ trưởng
trại tra hỏi lâu ơi là lâu. Cuối cùng vì “cảm phục lòng yêu chồng của
phụ nữ miền Nam ”. Họ cho tôi gặp mặt. Vì chồng tôi đau nặng nên
anh em cùng “láng” cho mắc võng ở giữa còn các anh mắc võng chung quanh
để che gió lạnh. Thật sự thì có che được bao nhiêu đâu vì mỗi khi gió
tạt vào thì tất cả đều lãnh gió cát đầy cả mặt mũi. Tôi chết đứng khi
thấy chồng tôi chỉ còn là bộ xương sơn đen, hàm răng trắng nhô ra vì
đôi má đã hóp lại, cặp mắt lõm sâu không còn thần sắc. Tôi khóc lặng lẽ
nước mắt như mưa nhào tới bên anh, ôm lấy tay anh, còn anh thì không
còn đủ sức để nắm tay tôi nữa. Thời gian như ngừng lại, các anh xung
quanh cũng yên lặng ngậm ngùi.
Tôi không thể nào quên được đêm hôm ấy, trước đống lửa bập bùng, mấy
chục khuôn mặt mà tôi chắc trước kia đẹp đẽ oai phong lắm trong bộ quân
phục VNCH, bây giờ thì chao ơi là tội nghiệp, họ chỉ còn là những bộ
xương người biết cử động . Thương người, thương mình tôi khóc đến đau
nhức cả hai mắt. Chồng tôi thì nằm thoi thóp, miệng vẫn cố
cười, chắc anh đã mãn nguyện? Đứa con gái út của anh mới tám tháng nên
hãy còn bú mẹ. Hai bầu sữa căng nhức, tôi chợt tỉnh táo để xin lỗi mọi
người ra xa để vắt sữa. Tôi bưng chén sữa bỏ thêm hai muỗng đường rồi đổ
cho chồng tôi từng muỗng một. Chồng tôi có lẽ nhờ vào mấy chén sữa của
tôi mà tới sáng anh đã tỉnh hẳn. Mấy anh bạn cứ chọc anh là uống sữa
tiên nên mới được như vậy .
Sau chuyến đi ấy tôi ngã bệnh cả tuần lễ . Vừa khỏi là tôi lại sửa soạn
đi một chuyến nưã vì tôi biết chồng tôi rất cần thuốc men và tẩm bổ.
Hai chân anh ấy không mang nổi tấm thân gầy chỉ còn 40 ký lô. Nỗi buồn
lo này chưa hết, lại đến nỗi buồn vì con bé không thèm sữa mẹ nữa. Thế
là tôi mất thêm niềm hạnh phúc vô biên là được ôm con, ngắm cái miệng
xinh xinh của con như gắn liền với bầu vú mẹ để được mẹ chuyền cho
giòng sữa chan chứa yêu thương. Các cụ đã nói là khi đang cho con
bú thì không được cho ai sữa của mình kẻo trẻ sẽ chê sữa mẹ. Tôi cũng
tin như thế nhưng biết làm sao hơn khi thấy chồng tôi cũng đang cần sức
sống.
Muốn có thuốc men và đồ ăn cho chồng thì phải lo tiền nhiều hơn. Bán ngoài đường bị đuổi , tôi xoay ra làm bánh croissant ở nhà . Tối
nào tôi cũng nhờ mấy cậu hàng xóm sang nhào bột hộ, xong bắt bánh rồi
chờ bột nở cho vào lò. Lúc đầu tôi tự làm, tự bán nhưng sau tôi
để bà con lối xóm lấy bánh đi bán các nơi, bán nhiều thì lời
nhiều. Nếu không bán hết thì tôi lấy lại để nướng khô bán cho các
chị đi thăm nuôi. Vậy mà cũng chẳng được bao lâu thì hết vốn vì
bánh thì vẫn phải làm mà tiền thì không thu về được vì ai cũng nghèo
nên dù bánh bán hết cũng không đủ tiền mua gạo nên lại khất tôi lần
sau, rồi lần sau nữa … .Dù sao tôi vẫn phải cố xoay sở cho có đủ tiền
đi thăm nuôi chồng.
Tới năm 1977, chồng tôi bị “biên chế” chuyển từ Kà Tum qua Trại An
Dưỡng Biên Hòa . Lúc đó chúng tôi mới được đi thăm chính thức. Cán bộ trong trại đã gửi giấy về nhà, cho phép thân nhân đi thăm sau
gần hai năm biệt tăm tin tức. Có được đặc ân này là do những xôn
xao, bất mãn của gia đình tù nhân cải tạo. Sau lần thăm đó, anh
bị đưa ra Bắc lúc nào tôi không hay .
Thời gian này là khủng khiếp nhất vì họ đổi anh đi lung tung, nào Lào
Cai, nào Yên Bái, nào Lạng Sơn ! Vừa được tin ở nơi này thì
đã bị chuyển đi nơi khác, không có cách nào thăm nuôi được
. Tôi phải mua chui những tấm phiếu để được phép gửi quà, mỗi gói
chỉ có 3 kg thôi, địa chỉ phải viết theo ám số. Tôi phải làm thịt
kho với cả chai nước mắm, hy vọng mặn thì để được lâu vì không biết bao
giờ gói quà mới tới tay người nhận. Trông thấy tôi kho thịt, các
con tôi nói: “Bố sướng quá, có nhiều đồ ăn ngon hơn tụi mình!” Còn gì đau khổ và xót xa hơn cho tôi khi nghe thấy câu so sánh thơ ngây
này !!
Cuối cùng tôi cũng tìm ra được họ chuyển anh về Vinh-Nghệ Tĩnh. Tôi và chị anh vội ra thăm. Vì không có giấy phép nên chúng tôi
phải đi tàu với giá chợ đen, nghĩa là đi từng chặng một và giá vé gấp
đôi . Tới nơi tôi sẽ vào báo công an là tôi bị mất cắp nên mất
luôn cả giấy phép thăm nuôi và xin họ chứng nhận cho. Phải có
giấy đó tôi mới được phép vào trại thăm chồng tôi. Tôi đã phải
nói dối mới thoát qua ải lính gác.
Vừa xuống tàu là tôi đã hoảng sợ vì dân địa phương đứng chỉ chỏ bọn
tôi: “Vợ ngụy kìa!” Cũng may họ không ném đá chúng tôi như đã ném
đá các anh khi phải chuyển ra Bắc. Chúng tôi tới nơi là chiều thứ
Bảy, họ không kiếm được chồng tôi. Qua ngày Chủ Nhật tôi vẫn còn
hy vọng gặp mặt vì họ nói anh đi xa làm việc, đã cho gọi rồi, thứ hai
sẽ gặp. Đêm Chủ Nhật, tôi nằm mê thấy anh về báo cho tôi biết là
anh đã chết!? Anh linh thiêng như vậy chăng? Tôi tỉnh dậy
khóc quá trời làm thức giấc mọi người. Các chị đi thăm nuôi an ủi
tôi “ Sinh dữ tử lành, yên chí đi, mai được gặp”. Tôi không thể
nào tả được hết nỗi buồn lo, bối rối của tôi đêm đó và thức luôn đến
sáng, không thể nào ngủ lại được. Mờ mờ sáng tôi đã dậy . Mọi người lo nấu cơm vì nghe nói ở đó không bao giờ tù nhân có cơm
ăn. Trời sáng hẳn. Dưới lớp sương mù của núi, từ trên nhìn
xuống, tôi thấy từng toán người đi ra lao động. Tôi như người
mộng du, như có ai đẩy tới, tôi từ từ đi xuống chân núi, nơi cấm các
thân nhân tù cải tạo tới gần. Toán 1 đi qua, rồi toán 2, rồi toán
3, tôi nghe thấy tiếng gọi “Chị chung, chị Minh” và tiếp theo tiếng ai
la to: “anh Chung chết rồi!” Tôi ngã xuống và không còn biết gì
nữa .
Khi tỉnh lại, tôi thấy tay chân bị trói vao trõng tre, y sĩ đang chích
thêm hai mũi thuốc khoẻ. Tôi nghe kể là tôi đã ngất đi và họ
khiêng tôi lên núi cả tiếng đồng hồ qua rồi. Họ phải trói tôi lại vì sợ
tôi vật vã làm gẫy kim chích. Tôi nói tôi không sao, cởi trói ra
cho tôi . Sau cơn choáng quá đau tôi lại trở thành bình tĩnh quá
làm họ cũng phát hoảng luôn. Tôi yêu cầu gì thì họ cũng cho phép
hết.
Tôi xin được gặp bạn bè thân của chồng tôi, trao lại cho các anh hơn
120 kí lô quà tôi mang đến. Ai cần gì thì lấy rồi viết thư về nhà
nhắn vợ con đem tiền trả tôi. Cuối cùng cán bộ mang đến cho tôi
một cái túi xách tay, trong chả có gì ngoài bộ bà ba cũ mèm của chồng
tôi. Họ cho tôi một chén cơm hẩm, hôi mùi gạo mốc, trên có quả
trứng luộc dể mang ra mộ. Trẻ em theo sau để nhìn bát cơm, trầm trồ: “
cơm kìa! cơm kìa!” tôi di như một thây ma sống, mắt mở to
mà nào có nhìn thấy gì, tai cũng chẳng nghe thấy gì, bước thấp bước cao
theo hai người dìu tôi đi, tim như đau buốt, nước mắt chảy không
ngừng. Khi ra tới mộ tôi lại ngất đi một lần nữa. Giá mà khi ấy
tôi dược đi luôn theo chồng tôi thì hay biết mấy!
Tôi trở về nhà với một thân xác rã rời, một đầu óc rỗng không, biếng
ăn, mất ngủ, chả nói năng gì, mắt mở to mà chả nhìn thấy gì. Tôi đã
phải ra, vào nhà thương Chợ Quán mấy lần . Rất may cho tôi và các
con tôi là lúc đó tôi có một cô em và một người bạn lo lắng và chăm sóc
mẹ con tôi tận tình.
Vài tháng sau, tôi nhận được 2 thùng quà trả lại với hang chữ “Người
nhận đã chết. Trại yêu cầu hoàn.” Ra bưu điện lĩnh 2 gói
quà xong, vừa ra đến cửa tôi lại ngất đi . Rất may có anh bạn hàng xóm
đạp xe xích lô đang chờ để chở tôi về nhà. Tới bữa ăn, nhìn bốn
đứa con ngồi ăn ngon lành với tóp mỡ ngào đường và nước mắm, quà của bố
trả lại, nước mắt tôi lại chảy như mưa . Rồi tới gần cả năm sau,
phường trưởng mới cử đại diện đến chia buồn và đưa cho tôi biên bản
“phạm nhân chết”. Nhờ mảnh giấy này mà mẹ con tôi mới được đi Mỹ
theo diện HO. (Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy này, xin gửi kèm theo đây để
mọi người biết “tội ác” của chồng tôi!) Can tội: Giảng viên tâm
lý chiến xã hội học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà lạt. Án phạt tù: 3
năm; nhưng khi chết đã 3 năm 7 tháng. Nếu họ đúng lời chắc chồng
tôi không thể chết.
Thế là xong là tuyệt vọng cả đời. Lúc đó tôi sống cũng như chết
rồi, nhưng vì bốn đứa con nhỏ, chúng đâu có tội tình gì. Bên nội bên
ngoại ai cũng muốn nuôi dùm 1, 2 đứa nhưng tôi không thể nào chịu được
nếu để 1 đứa con xa tôi . Tình thương con đã thắng cái “điên” của
tôi để lo lắng cho chúng nhưng với phường khóm thì tôi thật là một “mụ
điên dữ dằn”. Tôi không chịu đi họp tổ họp phường gì cả . Công an
khu vực tới tận nhà bắt đi họp.
Tôi nói: “Người mà các anh thấy có tội là chồng tôi thi anh đã chết
rồi, tôi và 4 con nhỏ không còn gì phải họp với hành nữa”.
Lúc trước mình ngu nên cứ tin là phải họp hành cho tốt thì họ xét cho
chồng về sớm. Nay tôi không còn gì để sợ nữa thì họ lại để tôi
được yên thân.
Tôi bắt đâu tính chuyện vượt biên, mấy mẹ con dắt díu nhau đi tìm đất
hứa không biết bao nhiêu lần. Hết đi từ Nhà Bè, Vũng Tàu, Mỹ Tho
đến Rạch Giá, Sóc Trăng nhưng đều không thoát, ở tù cũng mấy lần. Xuống ghe ra biển lại thấy hối hận vì thương con, chưa thấy thoát mà
chỉ thấy chết tới nơi.
Bị bắt tù đày thì lại càng hối hận hơn vì các con không có thức ăn,
nước uống chỉ có một ca nhỏ. Trong trại chỉ có 1 cái ao tù, ăn
cũng đó mà tắm giặt cùng nơi. Bẩn thỉu không thể tả cho nên trẻ
con không bị đau bụng ỉa chảy thì cũng ghẻ lỡ ghê hồn. Tôi sợ quá
đến không dám nghĩ đến đi nữa .
Phải cậy nhờ xin đi dạy lại dù biết là nhà giáo chỉ húp cháo
thôi. Nhưng dù sao đi nữa cũng còn có chỗ để mua “nhu yếu phẩm”
và được “thầu” để bán quà cho học trò trong trường.
Thời gian này tạm ổn định, lo cho các con tới trường cũng phải chạy
chọt vì “nhất thân, nhì thế” của xã hội lúc bấy giờ. Phận mình
thì xong rồi, bạn bè tôi còn rất nhiều có chồng dang tù tội. Thỉnh
thoảng chúng tôi họp nhau để “lá rách nát đùm lá tả tơi” đứa nào có thứ
gì cho tù ăn được thì mang tới gom lại để chia cho những bạn sắp đi
thăm. Trong cái tình đó tôi lại thấy được nhiều sự đau khổ mà
người vợ tù phải chịu đựng nhục nhằn mà không ai có thể chia xẻ với
họ. Chẳng hạn như một chuyện rất thật của một người bạn thân của
tôi, chúng tôi đã chia sẻ từng bó rau muống từng chén nước mắm “muối +
nước màu” cho các con ăn. Từng viên đường thẻ để mang vào
tù cho chồng. Chỗ chồng bạn tôi ở lại có “nhà hạnh phúc” và các
anh tù phải làm việc thật tốt thì cán bộ mới cho phép gặp vợ tại
đó. Lẽ dĩ nhiên chồng bạn tôi làm khổ sai cật lực để được ân huệ
đó . Chị cũng là một cô giáo, sống rất đạo dức và thành tín,
thương chồng vô cùng, nhưng khi vào thăm đã thấy “nhà hạnh phúc” có mấy
cái trõng tre và mấy anh cán bộ ngồi canh. Chị đã không thể “cho
anh” và điều này đã khiến anh nổi giận nghĩ là chị đã có “ai khác”
ngoài đời. Chị đã bị anh chửi bới tơi bời còn gì thê thảm hơn nữa
không? Thời gian đã qua tôi hy vọng anh đã thông cảm với chị về
cái “không thể cho anh” đó. Mặc dù giờ thì anh chị cũng đã xa
nhau, thật là một điều rất đáng tiếc.
Lại thêm một cô bạn láng giềng, may mắn có ông chồng được thả về sau
bảy năm tù tội. Những tháng ngày trong lao tù khiến con người
cũng thay đổi nhiều lắm. Dễ nóng giận và mặc cảm đầy mình. Một hôm cô bạn tôi được nhà nước cho mua một khúc vải may quần với giá
rẻ dành cho các công nhân viên nhà nước. Cô mang về khoe nói là
bán đi sẽ lời được sáu ngàn đồng. Ông chồng lại muốn may để mặc
vì ông ta thấy cũng cần phải có một cái quần mới . Bạn tôi ngần
ngại nửa muốn cho chồng may, nửa muốn bán đi để thêm tý tiền lo cho gia
đình nên nói với chồng: “Khúc vải này sáu ngàn lận đó anh.” Chưa
nói dứt lời là bạn tôi bị một cái tát tai choáng váng mặt mày, sự việc
xảy ra quá sức tưởng tượng của mọi người. Anh chồng rất hối hận
về hành động vũ phu của mình; tuy nhiên anh vẫn đổ lỗi cho bạn tôi cái
tội “coi cái quần hơn chồng”. Đó lại là một trong muôn ngàn cảnh
ngộ trớ trêu cuả vợ tù cải tạo.
Thắm thoát dã qua 7 năm lúc này cuộc sống mấy mẹ con tôi đã dễ thở vì
chị em bạn bè ở ngoại quốc đã bắt đầu gửi tiền về cứu trợ. Tôi
được mẹ chồng cho theo đi để bốc mộ Anh. Tâm trạng tôi thật rối
bời và lo sợ liệu bốc lên có phải là Anh không hay lại là mồ của ai khác?!! Trên đường đi cũng không kém gian nan cực khổ như khi đi thăm nuôi tại
Kà Tum. Tôi phải gửi mẹ tôi tại Nghệ Tĩnh để cùng với người cháu
đi vào K3 chỗ họ chôn xác Anh. Đường thì xa, đất sét trơn trượt
tôi nghĩ đành phải bỏ cuộc vì hai bàn chân đã sưng rát. Tôi ngồi
xuống bên đường vừa khóc vừa van vái “anh có linh thiêng xin phù hộ cho
em tới nơi để mang anh về gần em và các con”.
Đang gục đầu khấn nguyện thì nghe tiếng xe lọc cọc do một con trâu kéo,
trên là các cán bộ đi công tác về. Họ tra hỏi và tôi “thành khẩn
khai báo” nên họ cho tôi lên xe quá giang tới tận nơi. Tôi nhờ
người cháu trở lại để đón Mẹ tôi trở vào trại ngày hôm sau để bốc
mộ. Tôi không thể nào quên cái cảm giác hãi hùng khi được anh cán
bộ đưa lên núi, chỗ đó là chồ để các thân nhân tù lên ở tạm qua đêm vì
không có xe về ngay . Khổ cho tôi là khi tôi tới nơi thì chỉ có
một mình, có sợ cũng chẳng làm sao hơn được tôi đành cầu cứu nơi các
đấng thiêng liêng, Chúa Mẹ, Phật Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, cầu
chồng tôi che chở bảo vệ tôi . Cứ mở mắt to mà van xin cầu nguyện
đâu có dám nhắm mắt mặc dù đã quá mệt mỏi . Rất may trời bắt đầu
tờ mờ sáng là mẹ tôi đã đến nơi . Chúng tôi được cán bộ hướng dẫn
đi tìm mộ, may mắn tôi gặp được anh cán bộ người miền Nam rất tốt bụng
đã cho phép chúng tôi được gặp những người đã chôn chồng tôi lúc
trước. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới biết bốc mộ là gì và
nhất là thấu hiểu được câu nói “cát bụi trở về với cát bụi”. Thịt
da đã tan vào với cát, chỉ còn bộ xương trắng mà các bạn anh đã từ từ cầm
lên từng cái đầu, xương vai, xương cổ ống tay ống chân, và ngay cả
những đốt xương nhỏ họ cũng mò tìm cho đủ . Một sợi dây làm bằng
giây thép nhỏ, cái mặt làm bằng kính máy bay có hình dáng 2 người đứng
bên nhau đã được anh bạn lấy lên trao cho tôi và nói chính chồng tôi đã
làm để tặng cho tôi khi nào tôi lên thăm gặp mặt. Anh đã phải cất
giấu bao ngày vì nếu cán bộ thấy là bị tịch thu ngay. Rất may là
có mẹ tôi và người cháu lo lắng lấy rượu rửa xương rồi quấn vào vải bỏ
vão trong một cái bị to để chúng tôi mang về . Còn tôi ngồi chết
cứng với nước mắt rơi sầu tủi. Xót thương anh.
Trên đường về mới gặp toán người thăm nuôi. Gặp cô bạn cũng đi
với mẹ già, đang chuyển quà từng khúc một, tôi chạy lại đỡ một
tay. Khi tôi dắt bà cụ qua một người tù đang cuốc đất dưới ruộng,
ngẩn nhìn và khẻ gọi mẹ. Tôi quay lại giúp cô bạn còn vài giỏ đồ
ăn, chúng tôi vừa đi ngang thì lại nghe anh ta gọi “em Liễu”. Cô
bạn tôi nghe tên ngoảnh mặt lại nhìn và lại bỏ đi
luôn. Đem đồ lên đặt cùng chỗ với bà cụ chúng tôi lại quay lại
trở lại để đem nốt chỗ còn lại, tôi bảo cô bạn, có lẽ anh tù kia quen
Liễu đấy . Ta thấy anh gọi Mẹ lại kêu tên Liễu đó. Chạm mặt
nhau rồi mà Liễu vẫn không nhận ra . Tới khi anh ta quên cả sợ
cán bộ chồm lên đường kêu Liễu. Anh dây, Tuấn đây mà . Lúc
đó bà cụ cũng đã trở lại và nhận ra con, cụ khóc òa ôm lấy anh tù, còn
Liễu cũng khóc nhưng la “không phải anh mà” không phải anh đâu . Người chồng yêu quý vì tháng năm đói khổ phải ăn khoai mì nên mặt anh
ta biến dạng vì quai hàm bạnh ra và nhựa độc của khoai mì làm cho tất
cả tù nhân đều có cái mặt vuông gần giống nhau cả . Tôi cũng
không cầm được nước mắt lại nghĩ rằng chắc chồng tôi còn sống thì mặt
mũi cũng chỉ như vậy mà thôi.
Từ trại về chỉ có độc nhất một chiếc xe đò, mọi người ngồi chật cứng
trong xe, còn có nhiều người phải đứng bám vào cửa xe rất là nguy
hiểm. Mẹ con tôi về đến ga Vinh là trời đã tối, lại ôm cồng kềnh
một cái bị hài cốt của chồng tôi. Ngồi sân ga đợi tàu rất là nguy
hiểm vì mẹ con tôi nhơ ngác với xứ lạ quê người . Mẹ tôi phải lấy
giây buộc cái bị và cuốn quanh người . Chỉ sợ lỡ mất đi thì khổ
lắm. Tôi hồi hộp sợ hãi còn hơn khi đi vượtbiên nữa. Tôi
đánh liều vào nhà nghỉ mát của nhân viên xe lửa. Sau một lúc nói chuyện
gây cảm tình và nhờ có “thủ tục đầu tiên” ( xin trả tiền trước) nên mẹ
con tôi được vào tạm trú qua đêm yên lành. Sáng hôm sau cũng nhờ
có ông quản lý nhà nghỉ đó mà chúng tôi được lên tàu ở trong toa xe của
các nhân viên đi nghỉ mát. Tôi phải tin tưởng là chúng tôi đã có
ơn trên che chở nên đã mang thoát được bộ xương của chồng tôi về đến
nơi đến chốn. Vì nếu không được ở trong xe đó chắc chắn chúng tôi
không thể thoát khỏi sự khám xét trên tàu mà nếu họ phát giác ra là có
xương người là lập tức đuổi
chúng tôi xuống giữa rừng hoặc quăng xuơng đi . Giờ đây lâu lâu
tôi lại có cơn ác mộng gặp lại cái cảnh mà công an đi sục sạo trên tàu,
bắt mở tất cả mọi thứ để khám xét là tôi hét lên bật giậy mồ hôi ướt
đẫm người. Sau đó lại nằm xuống với nước mắt trào ra không thể
ngăn nổi vì nhớ thương anh và tủi phận mình đơn độc. Hiện tại thì chồng
tôi đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo ở Bình
Dương. Nhưng cũng không biết được bao lâu nữa vì họ còn tính
dẹp cả nghĩa trang mặc dù đó là đất tư mà gia đình tôi đã phải mua bằng
những cây vàng lúc họ dẹp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngay trong thành phố
Saigon .
*Bốn mẹ con tôi xuống phi trường Dulles vào một buổi tối mưa tầm tả của
tháng 6 năm 1994. Được gia đình cô em ra đón, tôi mừng quá nhưng
vẫn chưa hết lo sợ, không biết đây là thật hay mơ. Nỗi ám ảnh bị
bốc đi vùng kinh tế mới và sự không nói có, có nói không của nhà nước
công sản đã khiến tôi mất hết niềm tin. Tôi chỉ còn biết cầu Đức
Mẹ ban cho tôi một phép lạ.
Chúng tôi cố gắng học hỏi để hoà nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ. Nay
các con tôi đã lớn, đã thành đạt và rất hiếu thảo. Chúng hết lòng
lo lắng, chăm sóc tôi. Tôi thật mãn nguyện, nhưng tôi biết tôi
không thể ôm giữ chúng mãi được. Chúng phải có cuộc sống riêng,
hạnh phúc riêng. Dù biết vậy, nhưng mỗi khi chúng vắng nhà, còn
lại một mình tôi, tôi lại thấy sợ hãi. Những
năm tháng khổ cực, hãi hùng của thời dĩ vãng lại kéo đến ám ảnh
tôi. Hình ảnh chồng tôi lúc oai hùng, mạnh mẽ trong bộ quân phục,
lúc rách nát, tả tơi, thoi thóp trên trõng tre lại chập chờn quanh
tôi. Tôi đã thì thầm với anh: “ Đợi em đi cùng!” Vâng, tôi
ước mong được sớm ra đi bình yên dể được xum họp với chồng tôi. Chúng tôi chỉ mới được hưởng hạnh phúc gia dình có 4
năm 5 tháng. Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang
chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh
phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run
sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người
chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ!!
Bởi vì chúng ta có mắt, cho nên khi chúng ta nhìn người, chỉ dựa vào cảm giác của mắt, mà quên dùng trái tim. Đúng như người vợ mù đã nói, "Con mắt của trái tim mới sáng nhất, thật nhất!"
nghiệp do chính con người tạo ra, bất định tính nên nghiệp có thể chuyển hóa được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa nghiệp báo của mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại
ôi nhớ mỗi năm khi ngày "Mother's Day" đến, các ông thường kiếm cớ “em là vợ anh chứ có phải là má anh đâu mà anh phải mua quà."(Câu này tôi nghe quen quen quí vị ạ )
Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh
Mỗi ngày, trong nắng ấm, nhìn biển trời, nghe sóng biển rì rào, Lang da diết nhớ về Nha Trang, về những ngày tuổi thơ cùng với gia đình, thầy bạn, và hồi tưởng về một quá khứ với biết bao thăng trầm biến đổi của quê hương, của gia đình và của cả một đời người.
đằng sau sự tỏa sáng của một người đàn ông Việt Nam thường là cái bóng thầm lặng của một người phụ nữ.Mời quí độc giả nghe con gái của nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể lại cuộc đời thầm lặng của mẹ mình nhân ngày Mother Day…
Hôm nay là ngày giỗ mẹ, tôi viết những dòng này là tâm sự của một người con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn.
Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc :« Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! »
Tôi ngồi đó để tưởng nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa thân yêu của tôi. Tôi để hình tôi trên bàn thờ là coi như mình đã chết theo với nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi. Tôi chỉ sống lây lất, lo nhang khói cho đồng đội, cho cha mẹ, vợ con
Trong niềm bồi hồi xúc động đến rưng rưng lệ khi đọc, chắc chắn quý độc giả không thể không biết ơn những người lính VNCH, Mỹ, Úc... đã đổ máu bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.... *
tưởng đã được giải quyết, phân tán người Việt Nam tỵ nạn trên nước Mỹ, nhưng không ngờ Xe đò Hoàng đơn thân độc mã mỗi ngày một chuyến kéo hai thành phố đông dân cư Việt Nam lại càng gần với nhau hơn nữa.
Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy…
Tôi nhớ ơn anh chị, và cả vợ chồng anh Hy, chịu đựng được chúng tôi, mà không đấm cho vỡ mồm, hộc máu mũi. Càng lâu, tôi càng thấm thía cái câu ' Bầu bí một giàn'
Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như “chơi” nhưng ai cũng hăm hở, náo nức. Dường như mỗi người đi chợ đang “bán”, đang “mua” cho mình một nỗi nhớ quê nhà vời vợi.
Hương thơm của gạo, vị ngọt của cơm lẩn với cát sạn tựa như cuộc đời của những quân nhân QLVNCH nói chung, SVSQTĐ nói riêng đã tự hào vào ngày mãn khóa sau mấy tháng quân trường mồ hôi thử thách đó là hương thơm của gạo. Để rồi chuẩn bị dấn thân vào cuộc đời đầy gian khổ hiểm nguy sống chết khó lường
Họ gặp nhau và nhận ra nhau. Mới đầu, Hà Giang ôm chầm lấy Đôn mà khóc nức nở. Cô quên mất anh đang là một vị thầy tu. Xúc động nhất là khi Hà Giang cho anh biết Lam Khê chính là con của anh. Hai cha con họ ôm lấy nhau thật lâu và cả hai đầm đìa nước mắt.
Hiện tại chúng tôi đang sống tràn trề hạnh phúc. Mùa xuân của cuộc đời tuy đến muộn nhưng chúng tôi bằng lòng lắm với những gì mình đang có, đang sống. Thiên đường có thật anh Hoàng ạ! Và chúng tôi đang tắm trong suối nguồn tươi mát của Thiên Đường.
Thành phố lên đèn, tôi vật vờ vô định thoáng nghe bên tai tiếng dương cầm giai điệu bản "Giao hưởng số chin, cung rê thứ" của L.V. Beethoven mà tôi học ngày nào. Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết - quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!
Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...
Trong cuộc chiến Việt Nam, những chàng pilot nổi tiếng hào hoa ở thành phố. Là thần tượng của các cô con gái đẹp. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, những chàng trai trẻ ấy lại là những chiến sĩ rất hào hùng trên khắp các chiến trường. Bao phen xem cái chết tựa lông hồng.
Lâu nay, khá đông người cho rằng thi sĩ Hàn Mạc Tử và nhà giáo kiêm cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc từng có một tình yêu đôi lứa. Lắm sách báo ghi nhận như vậy. Ngay cả lối sống khá đặc biệt của Kim Cúc – suốt đời độc thân, làm thơ tặng Hàn, chẳng chuyện trò điều này với người trong nhà… – càng khiến dư luận nghĩ vậy.
Hầu hết bạn bè tôi, nếu còn sống sót sau cuộc chiến tang thương đó, kẻ đã phải ra đi trong loạn lạc, ly tan, người thì được ông bạn đồng minh phản bội năm xưa, can thiệp với kẻ cựu thù cho "ra đi trong vòng trật tự" sau nhiều năm bị đày đọa ngục tù, vợ con nheo nhóc, để giờ này mỗi người trôi dạt một phương, mang theo những vết thương không lành được ở trong lòng. Biết đến khi nào chúng tôi mới đuợc như những con chim trane đang tụ tập ca hót líu lo ngoài kia, trươc giờ bay xuống phương nam?
Một câu chuyện thật dí dỏm. Câu chuyện phần nào đã gợi nhớ đến một quảng đời thơ ấu thật êm đềm, hoa bướm ở vùng quê . Phải chi không có biến cố tháng tư 75, cuộc sống của những người dân miền nam hiền hòa chắc chắn là mãi mãi thanh bình, thịnh vượng, và an lành như tác giả "Lấy vợ miền quê" đã mô tả rất chân thật trong câu chuyện
Bây giờ, nhìn chú Ba nằm đó, tôi lại nhớ câu nói cuối cùng của chú: “Cứ để lá cờ ở đó, trong đầu óc của chú sẽ nhớ mãi hình ảnh lá cờ VNCH tung bay trong gió. Sau này, lá cờ sẽ ra sao? Để tương lai trả lời.”
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo Tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm màu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa...
Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi. Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút... Sống sao cho đáng sống mới là việc khó. Đời là vô thường!
Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày "đắc lộ thanh vân", đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
Tháng 8-1999, tôi dọn nhà đến một căn phòng mới mướn. Trên ngăn kệ cao của closet, người mướn trước để sót lại một xấp “hồi ký” dầy 27 trang viết tay. Đêm đầu tiên ở phòng trọ mới, tôi đọc đoạn “hồi ký” bi hùng đó với nỗi niềm thương cảm không tả xiết: Thương cảm cho một danh tướng trong bước đường cùng của vận nước đen tối; thương cảm cho phu nhân và 2 người con của Tướng tuẫn tiết và thương cảm vị sĩ quan trẻ, có lẽ là Chánh Văn Phòng của vị tướng anh hùng, tức tác giả của đoạn “hồi ký” nầy.
Cổ nhân cũng đã có câu “ngu si hưởng thái bình”, hay là ta cứ an phận thủ thường, con gái thì mong trời sinh ra đừng quá đẹp, con trai thì đừng có quá tài ba. Còn giàu có bạc muôn không ham, chỉ mong đừng chạy gạo từng ngày. Cứ làng nhàng là xong, không ai thèm muốn, đố kỵ, ganh ghét, nghĩ chuyện đời: “Giàu như người ta cơm ngày ba bữa, đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần.”
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.