12:40 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

GIỌNG NÓI NGƯỜI SÀI GÒN

09 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 10095)

Giọng nói người Sài Gòn
 
Hôm nọ, nghe bạn Nguyễn Đình Bổn nói mấy cái truyện mình viết gửi qua Nhà xuất bản Thanh Hoá, mấy cô biên tập (người miền Bắc) đọc mấy chữ như "không cần nói ong-đơ gì nữa hết", đã không hiểu ý nghĩa câu ấy là gì (?). Họ không hiểu âu là cũng…phải rồi! Vì họ có phải NGƯỜI SÀI GÒN đâu! Vì chỉ có NGƯỜI SÀI GÒN người ta mới nói như thế!

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ 'thở đều' trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he đi... xuống dưới ấy! Nhưng nếu gọi là yêu Sài Gòn thì xem ra cũng có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, bởi thực chất nó chưa thể đạt đến mức ấy. Đây chỉ là cái tình của một người mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều chuyện để nhớ, để nói mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh hôm nay!

saigon1-large-content


Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

*


Laliberte (st từ VNNTU)

Lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn hồi đó nhỏ quá cũng không có ấn tượng lắm về giọng người Sài Gòn chỉ nhớ là hơi khó nghe. Sau này khi lớn lên có dịp vào Sài Gòn nhiều, quen nhiều người bạn ở trong này nhất là khi sống và làm việc trong Sài Gòn, tôi mới dần hiểu về con người cả về giọng nói và lối sống của họ.

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và khéo.

Cái khéo ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nhận xét về cách nói của người Việt Nam thì đúng ra tôi chỉ thấy có người Hà Nội là hay nhất cả về ngữ điệu và âm sắc mà thôi còn giọng Huế của người con gái Huế thì lại mềm mại, êm ái như đang hát vậy…

Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào … mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ (những cô gái ở miền Tây Nam Bộ nổi tiếng ra giọng ngọt và rất xinh đẹp), không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ vốn có cái nóng cháy da thịt (chắc vậy nên họ kiệm lời hơn), giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn, con gái Sài Gòn nói chuyện rất dễ thương, họ nói rất nhanh và cũng rất tự nhiên và vui vẻ . Đó là chất giọng 'thành thị' đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ, họ nói không nặng như người miền Trung và giọng cũng không thanh như dân Hà Nội, họ nói với cái kiểu sảng khoái của dân Nam bộ. Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ 'nghen, hen, hén' cuối câu hay dùng. Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ 'nghen, hen' này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu "Thôi, tôi dìa nghen!" - Chủ nhà cũng cười "Ừ, dzậy anh dìa hen!".

Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói "Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!"; 'thôi' ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên "Hay hén mậy?" bằng giọng điệu thoải mái…

saigon2-large-content


Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó "Dzui dzữ hen!". Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ "Dzui dzữ hen!"… Người Sài Gòn có thói quen hay 'đãi' giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như "Hay dzữuuu!", "Giỏi dzữưưu…!" Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp "Thôi à nghen", "Thôi à!" khá nhiều, như một thói quen và cái 'duyên' trong giọng Sài Gòn.

Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm 'd,v,gi' cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu 'r' vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền.

Nghe người Sài Gòn nói chuyện, nhất là các giọng của thiếu nữ… cô nào giọng đã mượt, đã êm rồi thì cứ như ru người ta. Con gái Sài Gòn nói chuyện không luyến láy, không bay bổng như con gái Hà Nội, không nhu hiền như con gái Huế, nhưng nghe đi, sẽ thấy nó ngọt ngào lắm.

Cái chất thanh ngọt đặc trưng của miền Nam. Con gái Sài Gòn khi nói điệu hoặc khi làm nũng họ thường kéo dài giọng ra nghe ngọt và dễ thương đến mức tôi tự đặt là cái giọng nhẽo. Nhất là gọi điện thoại mà nghe con gái Sài Gòn thỏ thẻ tâm tình thì có mà muốn chết đi được với cái ngọt ngào ấy! Tôi nhớ có những đêm nhấc điện thoại lên chỉ để nghe giọng cô bạn nói. Tôi dám chắc rất con trai mà nghe giọng làm nũng đó thì rất ít người có thể không thấy ngây ngất.

Trong hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh… cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều 'hình ảnh' và 'màu sắc' hơn. Những từ như 'lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…' là mượn của người Hoa, những từ như 'xà quầng, mình ên'… là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ… Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

saigon3-large-content


Nhưng người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là 'tiếng địa phương'. Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như 'o, mô, ni, chừ, răng…' trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó… vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ và… bình dân làm sao.

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói 'Từ bữa đó đến bữa nay', còn người Sài Gòn thì nói 'Hổm nay', 'dạo này' người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ 'ghê' phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng 'ghê' đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là 'nhiều', là 'lắm'. Nói "Nhỏ đó xinh ghê!" nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)

Lại so sánh từ 'hổm nay' với 'hổm rày' hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ 'hổm rày, miết…' là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.

Người Sài Gòn cũng có cách gọi các cô gái rất dễ thương, bạn bè thì nói là nhỏ Thuỷ, nhỏ Lan (Như Hà Nội gọi là cái Thuỷ, cái Lan)... Gọi các em gái là nhóc còn với các cô thiếu nữ là bé (bé nè xinh quá ta, bé này dễ thương àh nha nhưng mà thương hông có dễ) ...

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu "Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!" Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi "Ê, nhóc lại nói nghe!" hay gọi người bán hàng rong "Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!"… 'Ê' là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn.

Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường 'quên' mất từ 'bán', chỉ nói là "cho chén chè, cho tô phở"… 'cho' ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này "Lấy cái tay ra coi!", "Ngon làm thử coi!", "Cho miếng coi!", "Nói nghe coi!"… 'Làm thử' thì còn 'coi' được, chứ 'nói' thì làm sao mà 'coi' cho được nè?

Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ 'coi' cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi "mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta?" – Mà 'dzậy ta' cũng là một thứ 'tiếng địa phương' của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói "Sao kỳ dzậy ta?", "Sao rồi ta?", "Được hông ta?"… Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà… hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà. Tiếng Sài Gòn là dzậy đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… "bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!"

Mà Nói về chuyện người Sài Gòn dùng từ 'lóng' (slang words) kiểu mới… Thật ra, đa số những từ lóng này đều do…bọn trẻ chúng nó chế ra.

Có một dạo, dân Hà Nội mình hay nói 'hâm' rồi 'ẩm IC'… có nghĩa là 'man man, tửng tửng, khùng khùng' đây. Lúc đó tôi nói với mấy người bạn Sài Gòn thì họ cười và bảo "Trong Sài Gòn thì không có nói dzậy, mấy người đó người ta gọi là… khìn á!". Như ngồi uống nước với tên bạn, hắn nói điên nói khùng một hồi, tức quá hét "Mi khìn hả ku?"… Lật hết mấy quyển từ điển tiếng Việt cũng chẳng kiếm đâu ra nghĩa của chữ 'khìn' này, mà cũng chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu luôn. Trời, nói thì nói vậy mà, biết để làm gì chứ… Ai là người dùng nó đầu tiên thì quan trọng gì? Nói nghe vui miệng là được.

Mấy người ăn ở không, ngồi lê đôi mách, cái mỏ lép chép nhiều chuyện suốt ngày = ông tám, bà tám. Chẳng hiểu từ đâu ra cái định nghĩa kỳ quặc này nữa. Mà cứ hễ mình đang nói huyên thuyên bất tuyệt mà thấy người ta dòm mình với ánh mắt kỳ lạ rồi nói "Đồ ông/bà tám!" là biết rồi đó… 100% là bị 'chửi': nhiều 'chiện' rồi đây. Ông tám, bà tám… nói riết rồi thì còn vỏn vẹn một chữ 'tám'. Hỏi "Đang làm gì đó?" – Trả lời "Tám dí nhỏ bạn!"…'Tám' giờ thành… động từ luôn trong cách nói của người Sài Gòn.

Tiếng lóng của dân Sài Gòn phổ biến nhất là trong đám học trò còn ôm cặp ngồi ghế nhà trường với 'cúp cua, dù , quay, gạo bài, cưa, ghệ, bồ, mèo, khứa, khoẻn…', nhiều, nhiều lắm… Rồi từ một số bộ phim Hongkong, show hài, gần đây là một số Gameshow trên truyền hình. Thấy vui miệng khi nói một từ nào đó, hoặc dùng nó để ví von so sánh với một điều gì cảm thấy cười được là dùng, là hiển nhiên trở thành 'slang word'…

Ngẫu nhiên rồi hiển nhiên, chuyện bình thường của người Sài Gòn thôi, bình thường như 'từ nhà ra chợ', 'chuyện thường ngày ở huyện' vậy mà. Nói về tiếng lóng tôi thấy ấn tượng như từ 'cùi bắp' ý nói những thứ rẻ mạt vứt đi, 'bo xì' là không chơi nữa hay một câu chửi mà tôi thấy đặc biệt buồn cười nhưng chỉ có cách nói dài giọng của người Sài Gòn mới nói được "bà mẹeeee ziệc nam anh hùng".

Nhưng gì tôi viết ở trên một phần là do tôi tự nhận thấy và cũng có những phần tôi tham khảo từ một số tài liệu. Nhận xét chủ quan của tôi về Sài Gòn là người Sài Gòn rất thẳng tính và không khách sáo như người Hà Nội. Họ chơi rất thoải mái nhưng ít khi thấy hỏi về gia đình bạn như thế nào, bạn kiếm được bao nhiêu tiền...

Họ cũng không hay đánh giá bạn qua cái xe của bạn đi, điện thoại bạn đang dùng hay bộ quần áo bạn mặc mà họ đánh giá qua cách bạn thể hiện thế nào, bạn sống với mọi người ra sao! Vào đây tôi cũng học được một thói quen là share tiền, đi ăn, đi uống (Nhắc nhỏ các bạn nếu vào Sài Gòn lần đầu thì ở trong này quan niệm là ai mời thì người đó trả tiền còn cả hội đi với nhau thì chia đều).

Điều tôi thích khi làm ở Sài Gòn là họ làm hết sức nhưng chơi cũng hết mình và đây là một nơi có rất nhiều cơ hội để làm giàu.

Mỗi vùng đất đều có những điều thú vị ...

*


Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ 'dạ' khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ 'vâng'. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ 'vâng'. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói 'Vâng!' là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ 'dạ' vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng 'dạ' đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó 'thương' lạ... dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng 'dạ' là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang 'màu sắc' riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi 'Mày' xưng 'Tao' rất ngọt. Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Sài Gon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như 'cậu cậu - tớ tớ' hoặc 'bác bác – cháu cháu' của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng 'mày mày tao tao' thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy 'tụi nhỏ' sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng 'con' ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn 'ưa' tiếng 'chú, thím, dì, cô' hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Những tiếng 'mợ, thím, cậu',... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng 'con' chứ không phải 'cháu cháu' như một số vùng khác. Cái tiếng 'con' cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này:
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
Dì đó = dỉ
Cậu đó = cẩu
Cô đó = cổ
...
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh dzậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.

Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm... Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi: chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng 'anh-chị-em' đôi khi được... giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út?"... Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai... em nói nghe nè!".

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi... rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.

Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, nó không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái 'chất Sài Gòn' chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng 'Dạ!' cùng những tiếng 'hen, nghen' lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

(Nguồn: Nguyễn Sinh + xcafe)
credit: saigon75
Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Mười 20146:40 CH
Khách
Bài viết hay dữ ghê hén ,ơ mà còn dân Nam kỳ lục tỉnh miệt Sóc-trăng ,Bạc -liêu thì họ ăn nói làm sao hén ?
Xin cãm ơn ,quê một cục .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2011(Xem: 18437)
Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
27 Tháng Tư 2011(Xem: 19585)
Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc . Vợ tôi chưa biết những gì đã xãy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc :« Ờ…Khóc đi anh ! Khóc đi ! »
23 Tháng Tư 2011(Xem: 18043)
Tôi ngồi đó để tưởng nhớ nước Việt Nam Cộng Hòa thân yêu của tôi. Tôi để hình tôi trên bàn thờ là coi như mình đã chết theo với nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi. Tôi chỉ sống lây lất, lo nhang khói cho đồng đội, cho cha mẹ, vợ con
03 Tháng Tư 2011(Xem: 19702)
Trong niềm bồi hồi xúc động đến rưng rưng lệ khi đọc, chắc chắn quý độc giả không thể không biết ơn những người lính VNCH, Mỹ, Úc... đã đổ máu bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.... *
23 Tháng Ba 2011(Xem: 20138)
tưởng đã được giải quyết, phân tán người Việt Nam tỵ nạn trên nước Mỹ, nhưng không ngờ Xe đò Hoàng đơn thân độc mã mỗi ngày một chuyến kéo hai thành phố đông dân cư Việt Nam lại càng gần với nhau hơn nữa.
21 Tháng Hai 2011(Xem: 19843)
Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy…
10 Tháng Hai 2011(Xem: 18519)
Tôi nhớ ơn anh chị, và cả vợ chồng anh Hy, chịu đựng được chúng tôi, mà không đấm cho vỡ mồm, hộc máu mũi. Càng lâu, tôi càng thấm thía cái câu ' Bầu bí một giàn'
04 Tháng Hai 2011(Xem: 19465)
Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như “chơi” nhưng ai cũng hăm hở, náo nức. Dường như mỗi người đi chợ đang “bán”, đang “mua” cho mình một nỗi nhớ quê nhà vời vợi.
02 Tháng Hai 2011(Xem: 21367)
Hương thơm của gạo, vị ngọt của cơm lẩn với cát sạn tựa như cuộc đời của những quân nhân QLVNCH nói chung, SVSQTĐ nói riêng đã tự hào vào ngày mãn khóa sau mấy tháng quân trường mồ hôi thử thách đó là hương thơm của gạo. Để rồi chuẩn bị dấn thân vào cuộc đời đầy gian khổ hiểm nguy sống chết khó lường
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 20999)
Họ gặp nhau và nhận ra nhau. Mới đầu, Hà Giang ôm chầm lấy Đôn mà khóc nức nở. Cô quên mất anh đang là một vị thầy tu. Xúc động nhất là khi Hà Giang cho anh biết Lam Khê chính là con của anh. Hai cha con họ ôm lấy nhau thật lâu và cả hai đầm đìa nước mắt.
21 Tháng Giêng 2011(Xem: 19741)
Hiện tại chúng tôi đang sống tràn trề hạnh phúc. Mùa xuân của cuộc đời tuy đến muộn nhưng chúng tôi bằng lòng lắm với những gì mình đang có, đang sống. Thiên đường có thật anh Hoàng ạ! Và chúng tôi đang tắm trong suối nguồn tươi mát của Thiên Đường.
16 Tháng Giêng 2011(Xem: 20180)
Thành phố lên đèn, tôi vật vờ vô định thoáng nghe bên tai tiếng dương cầm giai điệu bản "Giao hưởng số chin, cung rê thứ" của L.V. Beethoven mà tôi học ngày nào. Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết - quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!
02 Tháng Giêng 2011(Xem: 21892)
Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...
07 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20695)
Trong cuộc chiến Việt Nam, những chàng pilot nổi tiếng hào hoa ở thành phố. Là thần tượng của các cô con gái đẹp. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, những chàng trai trẻ ấy lại là những chiến sĩ rất hào hùng trên khắp các chiến trường. Bao phen xem cái chết tựa lông hồng.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 21703)
Lâu nay, khá đông người cho rằng thi sĩ Hàn Mạc Tử và nhà giáo kiêm cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc từng có một tình yêu đôi lứa. Lắm sách báo ghi nhận như vậy. Ngay cả lối sống khá đặc biệt của Kim Cúc – suốt đời độc thân, làm thơ tặng Hàn, chẳng chuyện trò điều này với người trong nhà… – càng khiến dư luận nghĩ vậy.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 20155)
Hầu hết bạn bè tôi, nếu còn sống sót sau cuộc chiến tang thương đó, kẻ đã phải ra đi trong loạn lạc, ly tan, người thì được ông bạn đồng minh phản bội năm xưa, can thiệp với kẻ cựu thù cho "ra đi trong vòng trật tự" sau nhiều năm bị đày đọa ngục tù, vợ con nheo nhóc, để giờ này mỗi người trôi dạt một phương, mang theo những vết thương không lành được ở trong lòng. Biết đến khi nào chúng tôi mới đuợc như những con chim trane đang tụ tập ca hót líu lo ngoài kia, trươc giờ bay xuống phương nam?
17 Tháng Mười Một 2010(Xem: 20946)
Một câu chuyện thật dí dỏm. Câu chuyện phần nào đã gợi nhớ đến một quảng đời thơ ấu thật êm đềm, hoa bướm ở vùng quê . Phải chi không có biến cố tháng tư 75, cuộc sống của những người dân miền nam hiền hòa chắc chắn là mãi mãi thanh bình, thịnh vượng, và an lành như tác giả "Lấy vợ miền quê" đã mô tả rất chân thật trong câu chuyện
11 Tháng Mười 2010(Xem: 19288)
Bây giờ, nhìn chú Ba nằm đó, tôi lại nhớ câu nói cuối cùng của chú: “Cứ để lá cờ ở đó, trong đầu óc của chú sẽ nhớ mãi hình ảnh lá cờ VNCH tung bay trong gió. Sau này, lá cờ sẽ ra sao? Để tương lai trả lời.”
08 Tháng Mười 2010(Xem: 20134)
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo Tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm màu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa...
08 Tháng Mười 2010(Xem: 21872)
Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi. Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút... Sống sao cho đáng sống mới là việc khó. Đời là vô thường!
07 Tháng Mười 2010(Xem: 27846)
Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày "đắc lộ thanh vân", đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 22573)
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 18776)
Tháng 8-1999, tôi dọn nhà đến một căn phòng mới mướn. Trên ngăn kệ cao của closet, người mướn trước để sót lại một xấp “hồi ký” dầy 27 trang viết tay. Đêm đầu tiên ở phòng trọ mới, tôi đọc đoạn “hồi ký” bi hùng đó với nỗi niềm thương cảm không tả xiết: Thương cảm cho một danh tướng trong bước đường cùng của vận nước đen tối; thương cảm cho phu nhân và 2 người con của Tướng tuẫn tiết và thương cảm vị sĩ quan trẻ, có lẽ là Chánh Văn Phòng của vị tướng anh hùng, tức tác giả của đoạn “hồi ký” nầy.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 19609)
Lần nầy, bà Hoa quyết định tự tay đem hộp tro xương ông chồng về tận Việt Nam. Bà sợ thất lạc thêm lần nữa, thì tấm lòng hoài.
06 Tháng Mười 2010(Xem: 23158)
Người chết lâu rồi , người còn ở lại Từ cuối chân mây đêm bấc lạnh lùng Ngày hiển thánh cả giống nòi mong mỏi Của những linh hồn hữu thủy hữu chung
06 Tháng Mười 2010(Xem: 19694)
Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ!!
06 Tháng Mười 2010(Xem: 21547)
Cổ nhân cũng đã có câu “ngu si hưởng thái bình”, hay là ta cứ an phận thủ thường, con gái thì mong trời sinh ra đừng quá đẹp, con trai thì đừng có quá tài ba. Còn giàu có bạc muôn không ham, chỉ mong đừng chạy gạo từng ngày. Cứ làng nhàng là xong, không ai thèm muốn, đố kỵ, ganh ghét, nghĩ chuyện đời: “Giàu như người ta cơm ngày ba bữa, đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần.”
05 Tháng Mười 2010(Xem: 19457)
hôm nay ngồi viết lại những hàng chữ này như được thắp nén hương trang trọng cho chị, thưa chị Nở.