2:42 SA
Thứ Ba
19
Tháng Ba
2024

ANH BẰNG VÀ TÔI - Lê Dinh

20 Tháng Mười Một 201511:17 CH(Xem: 11537)
ANH BẰNG và TÔI  
                                                      Lê Dinh

Đầu năm 1966, một ngày vào khoảng giữa trưa, lúc tôi đang làm việc trong phòng Sản Xuất, đài Phát thanh Sài Gòn, có một anh quân nhân, mặc sắc phục, lên lầu tìm gặp tôi. Nhìn người khách lạ không quen biết, nhưng qua phù hiệu của Biệt đoàn Văn nghệ, tôi cũng đoán được đây là một người thuộc giới văn nghệ. Anh tự giới thiệu anh là nhạc sĩ Anh Bằng. Qua cái bắt tay thân thiện chào hỏi, anh mở tờ giấy cuộn tròn đang cầm trên tay - đó là một bản nhạc - đưa tôi xem để nhờ tôi "lancer" giùm. Chữ "lancer" trong giới nhạc sĩ sáng tác, được coi như là phổ biến. 

Tuy không quen với Anh Bằng trước đây, nhưng tôi rất có cảm tình với cái tên Anh Bằng, và ca khúc "Nếu vắng anh" của anh, viết theo ý thơ của Nguyên Sa, đã được giọng ca tha thiết của Lệ Thanh gửi vào lòng nhiều thính giả, trong đó có tôi. 

"Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió 
Nếu vắng anh, ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố 
Nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về 
Kề bóng em ven sông chiếu chiều, gọi tên người yêu..." 


Với cảm tình sẵn có, tôi vui vẻ mời Anh Bằng ngồi để nói chuyện về bài nhạc mới mà anh đưa tôi xem để nhờ phổ biến. Nơi tôi làm việc được coi như là nơi gặp mặt của tất cả các anh chị em văn nghệ sĩ, từ các trưởng ban cho đến các ca sĩ, nhạc sĩ tân cũng như cổ nhạc, các nhạc sĩ sáng tác, nhạc công, kịch sĩ, thi sĩ... cộng tác với đài phát thanh. Theo một lịch trình đã định sẵn, các vị trưởng ban tân nhạc, cổ nhạc Trung Nam Bắc, thoại kịch, ca kịch, các ban thi văn... cùng các nghệ sĩ trong ban của họ lần luợt đến đài để thu thanh trước những chương trình sắp phát thanh. Các nghệ sĩ bạn bè đến sớm, trước giờ thu thanh vài mươi phút, cũng thường đến phòng tôi nói chuyện, hoặc thỉnh thoảng, lúc rỗi rảnh, tôi cũng bước qua phòng vi âm để trò chuyện đôi câu với anh chị em ca nhạc sĩ. Vì vậy nên tôi có cơ hội được quen biết tất cả anh chị em nghệ sĩ cộng tác với đài Phát thanh và việc đưa một sáng tác mới để nhờ ca sĩ hay trưởng ban "lancer" giùm cũng không khó khăn gì. Vã lại, các ban nhạc cũng cần những sáng tác mới hay, để thay đổi món ăn, không làm nhàn chán tai thính giả. 

Trở lại bài hát vừa viết xong của Anh Bằng, đó là bài "Hẹn anh đêm nay", một bài hát rất buồn, viết với âm điệu Si thứ, và là lời nhắn nhủ của một cô gái gửi cho người yêu là một quân nhân sắp trở ra chiến trường ngày hôm sau, sau khi hết hạn phép... Tình bạn giữa Anh Bằng và tôi bắt đầu từ lần gặp gỡ đầu tiên này. Và rồi ngay chiều hôm đó, chúng tôi hẹn nhau đến nhà Minh Kỳ để tôi giới thiệu Anh Bằng với Minh Kỳ, người tôi quen biết từ nhiều năm rồi. 

Lúc mới bắt đầu biết nhau, chúng tôi đều có những sáng tác riêng rẻ và cũng được nhiều người biết đến. Minh Kỳ, người lớn tuổi nhất, đã có những bài như Nha Trang, Nhớ Nha Trang, Nha Trang chiều mưa, Chị Hằng, Xuân đã về... Anh Bằng đã có Nếu vắng anh, Lẻ bóng... còn tôi, giới ngưỡng mộ cũng biết tôi qua những ca khúc Tấm ảnh ngày xưa, Ga chiều, Cánh thiệp hồng, Ngang trái, Tình yêu trả lại trăng sao... Tuổi tác của chúng tôi xấp xỉ nhau, khuynh hướng sáng tác cũng gần giống nhau, cho nên chúng tôi dễ kết thân với nhau, và từ đó đi đến việc thành lập Nhóm Lê Minh Bằng (tức 3 tên Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng ghép lại), mở lớp nhạc và làm cố vấn cho hãng đĩa Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh ít lâu sau. 

Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1927 (Đinh Mão) tại Ninh Bình. "An Bường" nếu đọc lên cũng nghe trài trại như "Anh Bằng" và vì vậy anh lấy biệt hiệu là Anh Bằng, và đó cũng là một sự khôn khéo, ai gọi Anh Bằng, dù lớn tuổi hơn, cũng phải kêu anh bằng "anh": Anh Bằng. Tính anh rất hiền lành, bãi buôi, vui vẻ nhưng, so với chúng tôi, anh rất ít nói. Mà những người ít nói thường hay được lòng của phái nữ. Anh lại có duyên dáng trong lời nói, cái duyên dáng đáng yêu đó đã bộc lộ trong một số lời ca của anh. Chúng ta còn nhớ: 

"... Từ lâu, tôi biết câu thời gian là thuốc tiên 
Đời việc gì đến sẽ đến 
Những ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên". 
(Sầu lẻ bóng

Hoặc như: 

"Đời như cánh chim bay ngàn phương 
Chia tay rồi đây, mỗi người đi một đường 
Chuyện tâm tình thôi đành dở dang, 
Siết tay nhau một lần, kết chặt tình bạn thân. 
Chúc nhau, nâng ly lần cuối 
Cầu mong cho bọn mình tuy xa mà tình chẳng rời 
Quên buồn, quên sầu tìm vui mà sống 
Nhớ nhau, mỗi năm thu sang về đây ba đứa nghe mưa chiều thu" 
(Ly cà phê cuối cùng

Trong việc giao thiệp hàng ngày, anh cũng thường ít xuất hiện và nếu có xuất hiện cũng thường hay làm thinh và nếu nói thì những lời nói nào anh đưa ra cũng duyên dáng và vì lẻ đó mà anh rất... đào hoa. Bạn bè thường bảo rằng anh có duyên ngầm. Vì cái duyên đó mà có rất nhiều cô mến anh, thích anh và rồi yêu anh, và anh cũng yêu lại người ta, nhưng anh không bỏ bê gia đình, vẫn chăm lo, săn sóc người vợ anh cưới từ khi chưa di cư, ở thị trấn Điền Hộ, tỉnh Ninh Bình. Bỏ quê hương, anh cùng gia đình vào Nam tìm tự do sau hiệp định đình chiến, chia đôi đất nước năm 1954. Năm 1975, thêm một lần nữa chạy trốn Cộng sản, anh di tản trước cùng cô con gái nhỏ và những cậu con trai, và vừa khi đủ điều kiện để bảo lãnh gia đình, anh đã bảo lãnh vợ và con gái qua Mỹ để sống hạnh phúc cho đến ngày nay. Ở địa hạt tình cảm, Anh Bằng là người trái ngược với Minh Kỳ, cho nên chúng tôi thường hay nói Anh Bằng là người ướt át nhất và tuy là người tình cảm mà không mất cảm tình khi vì hoàn cảnh, chia tay với ai đó bởi vì anh đã "nhắn nhủ" qua bài "Sầu lẻ bóng": 

"Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm...". 

Hờn giận người ta thế nào được khi người đó vẫn còn nhớ đến mình. 
                            blank
Trong vấn đề sáng tác, bộc lộ sự thương yêu qua lời ca tiếng nhạc là chuyện thông thường của người nhạc sĩ sáng tác, nhưng anh cũng thường hay bộc lộ sự hờn giận qua nét nhạc và lời ca. Ca khúc "Người thợ săn và đàn chim nhỏ" của nhóm Lê Minh Bằng, mà chúng tôi ký dưới tên Vương Đức Long, lời ca do Anh Bằng viết, để nói lên việc đối xử không mấy tốt đẹp - đôi khi hơi tàn bạo - của một vài cảnh sát viên, tuy nói là bạn dân, nhưng thường hay có thái độ hằn học, không đẹp với dân chúng, đặc biệt là người xử dụng công lộ và nhất là những phụ nữ mua gánh bán bưng... Trong óc tưởng tượng của anh - người cảnh sát không phải là bạn dân - khi có cây súng trên tay, như người thợ săn và hà hiếp dân chúng mà anh so sánh như đàn chim, để rối anh viết lời ca: 

"Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng 
Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi 
Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây 
Chim chết chim lạc bầy..." 


Trong một phút hờn dỗi ông Giám đốc hãng đĩa Sóng Nhạc - hãng đĩa mà anh em chúng tôi cộng tác - anh có ý nghĩ để lời ca sau đây vào bài "Trở về cát bụi" của nhóm Lê Minh Bằng, coi như lời nhắc nhở ông Nguyễn Tất Oanh trong tư cách đối xử với anh em - qua lời ca - như sau: 

"... Sống trên đời này, có đây rồi lại mất 
Cuộc sống mong manh, nhắc ai đừng đổi trắng thay đen 
Làm người sang giàu, đừng vì bạc tiền bỏ nghĩa anh em..." 


Trong công cuộc làm ăn, đôi khi cũng có những sự hiểu lầm, những vướng mắc nho nhỏ, cho nên chuyện lủng củng giữa anh em chúng tôi với ông Giám đốc hãng đĩa Sóng Nhạc cũng không tránh khỏi. Một người hờn giận, không nói ra mà chỉ bày tỏ bằng lời ca, nhưng ông Sóng Nhạc nào có biết, tưởng đâu rằng nhóm Lê Minh Bằng viết bài "Trở về cát bụi" không phải để "nhắn nhủ" mình, mà là một bài ca nghiêng về giáo lý của nhà Phật, cuộc đời là hư không, khi nhắm mắt không đem theo được gì. Và ca khúc "Trở về cát bụi", được coi như một "lá thư ngỏ" gửi ông Nguyễn Tất Oanh lại là một bài hát đem lại cho ông khá nhiều về tài chánh qua số đĩa hát tiêu thụ, với giọng ca thu đĩa lần đầu tiên của Elvis Phương và sau đó, tiếng hát của Thế Sơn làm sống lại ca khúc này ở hải ngoại. 

Cũng nằm trong ý nghĩï lồng vào bài hát những lời cảnh tỉnh con người, như một bài ngụ ngôn, Anh Bằng có soạn riêng ca khúc "Huynh đệ chi binh" để - theo lời anh nói - gián tiếp khuyên mấy ông "chóp bu nhà mình" đừng có xào xáo nhau nữa, mà phải họp sức chung lo chống kẻ thù chung là CS. Mà thật vậy, sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Điệm năm 1963, liên tiếp trong nhiều năm sau, tình hình chính trị miền Nam thật vô cùng rối ren. Nay đảo chính, mai chỉnh lý và nhất là vào giai đoạn cuối của đất nước, hai vị Tổng thống và Thủ tướng, đều là người của quân đội, đã không đoàn kết với nhau mà lại còn hục hặc nhau luôn, cho nên Anh Bằng mới viết ca khúc "Huynh đệ chi binh", mong rằng sẽ đến tai các ông quan lớn nhà binh này: 

"Huynh đệ chi binh là gì hở anh Hai 
Huynh đệ chi binh là..., là... huynh đệ chi binh. 
Từ người đơ dèm cùi bắp 
Và rồi đi lên thượng cấp đều là huynh đệ chi binh. 
Tiến thối có nhau là huynh đệ chi binh 
Sướng khó có nhau là huynh đệ chi binh..."
 
                                         blank 
                                          Nhạc sĩ Anh Bằng

Năm 1979, khi gia đình chúng tôi định cư tại thành phố Montreal được gần 1 năm, Anh Bằng cứ tha thiết bảo tôi bỏ tất cả ở Canada để qua bên Mỹ, tái lập lại tên Lê Minh Bằng (mặc dù chỉ còn 2 người) với lý do anh muốn hoạt động lại trong ngành âm nhạc, xuất bản, ra băng đĩa và tổ chức nhũng chương trình nhạc hội. Anh nói anh ít ăn ít nói, không có tài xã giao, ít giao thiệp mà chỉ biết có sáng tác thôi cho nên anh muốn tôi qua để làm cái đầu tàu hoạt động trở lại như ngày trước. Nhưng đi thế nào được khi mà ở bên này, gia đình chúng tôi cũng đã ổn định được đời sống một phần nào rồi, vợ chồng tôi đều đã có việc làm, 3 đứa con cũng đã vào trường... cho nên tôi không làm theo lời yêu cầu của Anh Bằng. Lúc đó là Anh Bằng đang dùng nhà để xe của anh để làm phòng thu thanh và đã thực hiện những băng cassette với tên Lê Minh Bằng, để cho Trung tâm Thanh Lan (Thanh Lan lớn, có cửa hàng băng nhạc ở Bolsa) độc quyền phát hành, rồi sau đó anh đổi tên nhà sản xuất thành những tên như Sóng Nhạc, Dạ Lan rồi Asia và những băng cassette này rất được thính giả ái mộ cho nên thương hiệu của Anh Bằng càng ngày càng phát đạt cho đến khi chị Anh Bằng và cô con gái Thy Vân qua, anh mới đi đến thực hiện chương trình sản xuất Video Asia trước kia và DVD Asia bây giờ. 
Bước sang lãnh vực thực hiện Video, với sự góp sức của chị Anh Bằng và Thy Vân, thương hiệu Asia tiến lên thấy rõ, một phần nhờ lúc đó chưa có nhiều công ty khác ra cạnh tranh, một phần, Anh Bằng là nhạc sĩ sáng tác cho nên bài bản chủ lực vẫn trội hơn hết và ngoài ra anh còn có một số vốn rất phong phú là những sáng tác của Lê Minh Bằng. Công việc của Trung tâm Asia tiến triển rất khả quan, nhưng từ khi chồng của Thy Vân là Bạch Đông, người phụ trách kỹ thuật cho Trung tâm Asia ly dị với vợ và càng ngày tuổi già càng chồng chất, Anh Bằng đã không còn giữ vững tay lái con thuyền Asia nữa, hay nói một cách khác là Anh Bằng đã dần dần không còn chủ quyền trong mọi sự xếp đặt của Asia. Cũng từ đó, Anh Bằng thường hay thố lộ với tôi rằng, tuy anh là người sáng lập ra Trung tâm Asia nhưng thật ra anh không còn quyền quyết định trong công việc Asia. Quyền này giờ đây là do cô con gái Thy Vân của anh và những người cộng tác với Asia. Sáng tác mới anh làm có cả trăm bài, vẫn nằm trong hộc tủ đó, Asia muốn lấy bài gì cho vào chương trình thì lấy, anh cũng không chú ý tới.
 
                             blank
 
Viết đến đây, tôi rất thông cảm những sự khó khăn của những nhạc sĩ mới bước vào con đường sáng tác, trong việc phổ biến những ca khúc của mình. Trước năm 1975, muốn phổ biến một sáng tác mới, không quá khó khăn như bây giờ. Một nhạc phẩm vừa hoàn tất, được một ca sĩ quen biết trình bày một vài lần trong phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội hay trên Đài Phát thanh Saigon, hoặc đài Quân đội hay tốt hơn hết là đài Truyền hình và, nếu là bài hay, thì có tiếng vang ngay. Các ông chủ nhà xuất bản nhạc chạy đua, tìm đến tác giả để hỏi mua bản quyền xuất bản, vì nếu không mua nhanh thì sẽ có nhà xuất bản khác tranh giành mua trước. Nếu bài không được hay thì cũng sẽ xuất bản được nhưng chậm hơn vì phải để cho thính giả có thì giờ thẩm định và cũng phải có thì giờ để cho bài nhạc ngấm dần vào lòng của thính giả. Phương tiện phổ biến một ca khúc mới trước 1975 rất đa dạng, từ đài phát thanh đến đài truyền hình, từ phòng trà đến vũ trường, đến đại nhạc hội. Còn ngày nay, ở hải ngoại, phương tiện phổ biến những sáng tác mới chỉ nằm võn vẹn trong tay vài ba trung tâm mà trung tâm nào cũng đôi ba tháng mới sản xuất được một chương trình. Hơn nữa, những trung tâm này còn dành chỗ cho một số nhạc sĩ sáng tác của bè bạn, thân hữu của họ. Thật vậy, việc phổ biến những sáng tác mới ở hải ngoại vô cùng khó khăn. Có nhiều anh em nhạc sĩ sáng tác mà tôi quen biết, có nhiều bài rất hay, chỉ thu CD, in ra vài chục đĩa, để tặng bạn bè và nghe chơi hoặc để làm kỷ niệm thôi, chứ khó mà phổ biến đến quảng đại quần chúng như trước 1975. Vì vậy, một nhạc sĩ mới nào tìm được một chỗ đứng dưới mặt trời hải ngoại này thật là đáng khen. Câu "vạn sự khởi đầu nan" không lúc nào đúng bằng khi đem áp dụng vào trường hợp này. Thảo nào, trong hơn 30 năm nay, ở hải ngoại, chúng ta chỉ thấy được có vài ba nhạc sĩ mới, được giới thưởng ngoạn biết tới, nổi tiếng với chỉ một vài bài. Phương tiện phổ biến hạn chế đến mức tối thiểu như vậy cho nên khó mà tìm ra được một Lam Phương, một Y Vân, một Trúc Phương... của giữa thập niên 50 bước qua 60, hay một Trần Thiện Thanh, một Song Ngọc, một Thanh Sơn... của những thập niên 60, 70. Đáng buồn cho các nhạc sĩ mới "sinh bất phùng thời", nếu mà Cộng sản miền Bắc không chiếm miền Nam thì giờ đây, những sáng tác của họ đã vang vang khắp nơi, từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. 

Sức sáng tác của Anh Bằng rất sung mãn. Sau khi ra khỏi nước, anh viết riêng một mình những ca khúc mới mà chúng ta đã nghe và không thể nào quên được như Khúc thụy du (thơ Du Tử Lê), Cõi buồnMất nhau mùa Đông,Tango dĩ vãng, rồi ít lâu sau, một loạt bài phổ thơ như Chuyện giàn thiên lý, Hồi chuông xóm đạo, Bướm trắng, Chuyện hoa sim... Nói về việc phổ thơ - như chúng ta đã biết - trong lãnh vực này, Anh Bằng là người nhạc sĩ phổ thơ nhiều - nhiều nhưng hay - trong số những nhạc sĩ thành công trong khuynh hướng này như Phạm Duy (Tiễn em, Áo anh sứt chỉ đường tà), Văn Phụng (Các anh đi, Một lần cuối), Song Ngọc (Chân quê). Anh Bằng là người đem nhạc vào thơ rất bền bĩ, trước 1975 cũng như sau này. Những bài thơ nổi tiếng thời tiền chiến của Nguyễn Bính (Bướm trắng), Hữu Loan (Chuyện hoa sim), Thái Can (Anh biết em đi chẳng trở về), Yên Thao (Chuyện giàn thiên lý), Hồ Dzếnh (Anh còn nợ em)... được Anh Bằng khéo léo diễn tả bằng âm thanh là một chứng minh khả năng phổ thơ của Anh Bằng. 

Nói về sức sáng tác của Anh Bằng, tôi còn nhớ trước 1975, mỗi lần có một chiến dịch nào do chính phủ đề ra, như "Người cày có ruộng", "Kêu gọi nhập ngũ", "Tố Cộng" (nói lên sự dã man tàn ác của CS, như pháo kích vào trường học, liệng lựu đạn vào rạp hát...), "Chiêu hồi" v.v..., tôi cho Anh Bằng biết hôm trước, hôm sau là anh có ngay một bài hát thuộc loại chiến dịch, tuyên truyền nhưng không phải là những bài không được thính giả chú ý. Chẳng hạn những bài viết cho chiến dịch chiêu hồi như Bóng đêm (Em chắp hai tay quỳ gối nguyện cầu, Cầu cho hai đứa mình sống bên nhau...), Đôi bóng (Tình thương gửi theo gió chiều, nhờ trao đến cho người yêu - Rừng sâu suốt đêm thâu, người đi đã bao lâu mà không biết tương lai về đâu..."), Nếu hai đứa mình (Nếu hai đứa mình không về cùng chung lối đường, Thì dù trăng sáng cũng là màu trắng khăn tang...), Nhật ký của hai đứa mình (Thức trắng đêm nay viết lại nhật ký của hai đứa mình...), Nếu ai có hỏi (Nếu ai có hỏi bao giờ chúng mình gần nhau), Giấc ngủ cô đơn (Nửa đêm nhớ anh, nằm nghe mưa khóc bên mành)... toàn là những bài viết cho chiến dịch chiêu hồi, lời nhắn gửi tha thiết của người vợ hiền, của người yêu nhỏ gửi những người trai lầm đường, lạc lối hãy quay về với yêu thương, về với người vợ hiền, với đàn con dại, với người yêu bé bỏng - mà phần nhiều lời ca những bài loại này do Anh Bằng viết - đã mau chóng trở thành những bài chan chứa tình cảm lứa đôi cho nên sức tiêu thụ rất mạnh. 

                                    blank 
                    Nhạc sĩ Anh Bằng - hí họa của Họa sĩ Etcetera
 
Một khía cạnh khác của vấn đề sáng tác mà chúng ta tìm thấy ở Anh Bằng là óc hài hước của anh. Tôi còn nhớ, khi còn làm băng cassette, Anh Bằng có thuê một nhân viên người Mỹ để dán nhãn, làm hộp băng. Ít lâu sau, trong một dịp qua Cali thăm Anh Bằng, tôi không thấy anh Mỹ này nữa, tôi mới hỏi anh thì được anh cho biết là anh đã sa thải người đó vì, theo lời anh nói, ngày xưa Mỹ nó cho tôi nghỉ việc, bây giờ tôi cho Mỹ nó nghỉ việc lại. Nhưng tôi biết đó là anh chỉ nói đùa thôi. Trong số nhiều bài nhạc của ban AVT với Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng trình bày trên sân khấu đại nhạc hội trước 1975, có một số bài do Anh Bằng sáng tác. Không có óc hài hước, khó mà viết được những bài như Tập lái Vespa, Đánh cờ người v.v... 

Những ngày đầu mới tỵ nạn ở Mỹ, Anh Bằng chưa bắt tay trở lại vào nghề cũ cho nên anh phải bươn chải để lo cho đời sống của gia đình gồm có 2 cậu con trai và cô con gái nhỏ, tất cả đều còn ít tuổi, phải trở lại ghế nhà trường. Anh xin được một chỗ làm trong một hiệu bán dụng cụ sắt thép, được buổi sáng thì buổi chiều, chủ cho anh nghỉ vì anh bắt đầu bị bệnh lãng tai, chủ nói một đàng, anh làm một nẻo. Thí nghiệm với vài ba chỗ mới nữa, kết quả, anh cũng chẳng làm được bao lâu. Càng ngày, bệnh lãng tai của anh trở nên thật trầm trọng hơn, dù có đi bao nhiêu bác sĩ chuyên khoa về tai mũi họng, dù có máy thật đắt tiền gắn liền vào tai - được điều chỉnh cho thích hợp với âm sắc và cường độ của từng giọng nói của mỗi người - nhưng anh chỉ còn nghe được chừng 10%. Có những sự việc rất buồn cười xảy ra vì việc mất dần khả năng thính giác của anh. Năm 1990, anh sang Montréal tham dự lễ thành hôn con gái của tôi, anh đi từ phi trường Los Angeles, dừng ở New York rồi sang Montréal. Theo như dự định, phi cơ sẽ đến phi trường Dorval (Montréal) lúc 17:00, tôi lên phi trường lúc 16:30 để đón anh. Chờ đến 17:00 hơn, chẳng thấy bóng anh đâu, dù trên màn hình ghi chuyến bay của anh đã đến. Đợi thêm 15 phút, rồi nửa tiếng, rồi một tiếng rưỡi nữa, vẫn không thấy bong dáng anh. Điện thoại về nhà, tôi được bà xã tôi cho biết là cô con gái của Anh Bằng có gọi qua nói "ba con đi lạc rồi thím ơi". Thật ra, thay vì ngồi luôn trên phi cơ ở phi trường New York để chờ đợi tiếp tục đi Montréal, Anh Bằng hỏi ông Mỹ ngồi bên cạnh có phải đây là Montréal không, và anh bảo khi nghe ông Mỹ này trả lời "Yes" cùng lúc thấy thiên hạ lần lượt ra khỏi phi cơ, Anh Bằng cũng lụt tụt xuống theo. Đến khi biết được chuyện nghe lầm thì phi cơ đi Montréal đã bay lâu rồi. Thành ra đêm đó, Anh Bằng phải ngủ lại New York để chờ chuyến bay sáng hôm sau, còn tôi lủi thủi trở về nhà, đón khách mà không có khách. Về đến nhà, tôi được điện thoại của Thy Vân gọi qua cho biết là ba của cô sẽ đi chuyến bay New York - Montréal vào lúc 9:15 sáng hôm sau. Cũng may mà đến hôm sau mới là ngày tổ chức lễ thành hôn của con gái tôi. 

Cũng liên quan đến việc mắc bệnh lãng tai này là một chuyện kể của anh, nghe như một chuyện cười: Thời kỳ anh bị mất khả năng thính giác là lúc anh vẫn còn lái xe. Một hôm, trên đường đi công chuyện về, cũng vì mắt anh hơi kém, anh vượt đèn đỏ và xe cảnh sát có đèn chớp đuổi theo phía sau. Anh vẫn phom phom, từ từ và ung dung chạy hoài, theo đường lên núi để về nhà. Một lát, lại có thêm một chiếc xe cảnh sát thứ hai cũng chạy phía sau xe trước. Anh vẫn không hay biết gì. Khi anh lái xe về đến nhà, mở cửa bước ra khỏi xe, anh mới biết phía sau anh có 2 chiếc xe cảnh sát đuổi theo. Có lẽ cảnh sát nghĩ rằng họ sẽ phải đối phó với một tay khủng bố dữ dằn lắm thì phải. Cuối cùng, anh bị mất bằng lái và từ đó, đi đâu anh nhờ đưa cháu ngoại chở đi. 

Có người hỏi bị khiếm khuyết thính giác có ảnh hưởng gì đến việc sáng tác của anh không? Theo chỗ tôi biết, cũng có trở ngại đôi chút nhưng không ảnh hưởng gì đến việc sáng tác. Tư tưởng, ý nhạc, hồn nhạc từ óc mà ra, và theo đó, anh ghi lên giấy. Tay anh ghi một câu nhạc lên giấy là anh đã có âm điệu câu nhạc này trong đầu, hay nói ngược lại, âm điệu của câu nhạc mà anh có trong đầu được anh chép lại trên giấy. Một nốt nhạc để trên giấy, anh đã biết nó cao thấp, trầm bổng, ngắn dài thế nào rồi và một dòng âm thanh liên tiếp ghi lại trên giấy, anh đã biết nó uyển chuyễn, du dương, êm đềm, hay hoặc dở thế nào rồi. Còn việc viết lời ca thì dù lãng tai cũng không bị chi phối gì cả. Bằng cớ là những sáng tác gần đây như "Khóc mẹ đêm mưa" vẫn trau chuốt, vẫn rất là Anh Bằng, không có gì để cho chúng ta bảo rằng khiếm khuyết thính giác gây trở ngại cho việc sáng tác của anh. Chỉ có một điểm trở ngại duy nhất là nếu nhạc của người khác mà khi cho anh nghe qua CD hay nhìn lên màn ảnh qua DVD thì anh tiếp nhận chỉ được 10%, nhưng nếu kèm theo cho anh một bài nhạc in trên giấy, để anh vừa nhìn và vừa nghe bản nhạc - bằng phương pháp thính thị - nghĩa là vừa phối hợp thị giác với thính giác - thì kết quả không gì thay đổi, hiệu quả gần như hoàn toàn. 

Có nhiều người cho việc tin tử vi là tin dị đoan, nhưng tử vi không phải là dị đoan - mà là một khoa học, chúng ta phải công nhận, như nhiều nhà tử vi đã nói - nếu thầy tử vi học có căn bản, tới nơi tới chốn thì tử vi rất đáng cho ta lưu ý. Nhiều sự việc nhiệm mầu đã xảy ra thật khó giải thích, liên quan đến tuổi Thìn, một tuổi mà các thầy tử vi nói là rất tốt trong việc lấy vợ gả chồng. Người tuổi Thìn đem đến may mắn cho người phối ngẫu, khiến cho gia đình ăn nên làm ra. Trong phạm vi gia đình (cũng như trong phạm vi bạn bè), chúng ta chắc cũng đã có chứng kiến sự thành công trong gia đình mà một trong hai người, vợ hoặc chồng, là người tuổi Thìn. Gia đình Anh Bằng cũng nằm trong trường hợp này. Từ ngày sang Mỹ, lúc ban đầu, Anh Bằng cũng lận đận lao đao như đa số người tỵ nạn khác. Nhưng từ ngày chị Anh Bằng (tuổi Mậu Thìn - 1928) qua Mỹ cùng với cô con gái lớn, với số vốn nho nhỏ vay mượn của bạn bè, với khả năng sáng tác của Anh Bằng, cùng với sự phụ sức của tất cả con cái, Anh Bằng đã tiến lên một bước, lập nên Trung tâm Băng nhạc Asia, một trong vài trung tâm băng nhạc lớn hiện nay ở hải ngoại. Và cũng ngạc nhiên thay, nếu chúng ta không tin vào mạng số tuổi Thìn thì cũng phải tin. Chỉ ít lâu sau khi chị Anh Bằng sang Mỹ đoàn tụ với gia đình thì cô con gái lớn của Anh Bằng, người coi sóc các chương trình thực hiện băng cassette Dạ Lan chẳng may qua đời. Nếu không có cô gái út Thy Vân tiếp tục quán xuyến việc làm ăn của Anh Bằng, khi công việc thực hiện thêm video và DVD Asia bắt đầu. Và cho đến ngày nay, Thy Vân vẫn là người điều khiển tổng quát - cùng với Trúc Hồ trong phần vụ giám đốc âm nhạc - Trung tâm băng nhạc Asia và đã giữ vững uy tín trong nhiều chục năm nay. Trung tâm băng nhạc Asia được thành hình và bắt đầu đi vào hưng thịnh từ khi Anh Bằng có người phối ngẫu là chị Anh Bằng nhúng tay vào. 

Tôi bắt đầu cho ra nguyệt san Nghệ Thuật từ tháng 4-1994. Trong 3 năm đầu, thường bị lỗ lã, mỗi tháng phải lấy thêm tiền nhà để châm vô mới có đủ trả tiền nhà in, mặc dù những người cộng tác không có chút thù lao nào. Đã biết lỗ nhưng không hiểu sao tôi vẫn tiếp tục làm, âu đó cũng là cái nghiệp, nghiệp văn nghệ. Đến tháng 3 năm 1999, trong một chuyến qua thăm Anh Bằng, anh có nhã ý đề nghị ủng hộ Nghệ Thuật tấm hình bìa và nhờ vậy mà Nghệ Thuật kéo dài sự sống được cho đến tháng 4-2007, thời điểm mà tôi thấy đã quá mệt mỏi sau 13 năm làm báo cho nên tôi quyết định đình bản tờ Nghệ Thuật. Trong 8 năm sau của tờ Nghệ Thuật, nhờ có sự yểm trợ của Asia cho nên khỏi phải bù đắp tiền nhà, nếu không thì Nghệ Thuật chắc cũng phải chết dở sống dở. Nghệ Thuật nhớ mãi sự ủng hộ của một người bạn cũ, trước sau vẫn nhớ đến anh em, mặc dù xa mặt nhưng không cách lòng. 


Anh Bằng là một con chiên rất ngoan đạo. Ngày trước, khi anh còn khỏe, khi thính giác anh chưa có vấn đề, anh thường hay sang Montréal thăm gia đình chúng tôi. Mỗi bận ghé qua Montréal là anh yêu cầu tôi chở anh đi viếng một thánh đường rất nổi tiếng nằm trên sườn phía Bắc của một ngọn núi nhỏ có tên là Mont Royal của thành phố Montréal, đó là thánh đường St-Joseph. Du khách nào đến thành phố Montréal mà chưa viếng thăm thánh đường St-Joseph, có thể coi như chưa đến Montréal. Lên đến tận đỉnh cao của thánh đường, Anh Bằng xem rất sung sức, anh dừng lại ở tầng có mộ ông thánh St André, đốt đèn cầu nguyện ở bàn thờ các thánh rồi mới ra về. Nếu tôi không đưa anh đi viếng thánh đường Saint Joseph thì cũng phải đưa anh đến một nhà thờ nào đó gần nhà, để anh cầu nguyện.
 
                                blank
                                    Nhạc Sĩ Anh Bằng-Lê Dinh
 
 Một người sinh trưởng nơi một thị trấn nhỏ ở tận miền Bắc, có tên là Điền Hộ, thuộc tỉnh Ninh Bình, một người sinh trưởng ở cuối miền Nam nước Việt, một làng bé nhỏ có tên là Vĩnh Hựu, thuộc tỉnh Cò Công, những tên thị trấn, tên làng xã mà chúng ta chưa chắc tìm được trên bản đồ, hai người cách biệt nhau 7 tuổi, ở hai đầu non nước, thế mà gặp nhau và trở thành những người bạn văn nghệ. Đó là gì, nếu không phải là duyên và cái căn duyên này đưa đến việc hình thành một tình bạn tương thức. Nếu vào ngày đầu năm 1966 đó mà Anh Bằng không tìm đến gặp tôi thì sẽ không có nhóm Lê Minh Bằng, sẽ không có ca khúc Đêm nguyện cầu, hay Linh hồn tượng đá, hay Truyện tình Lan và Điệp để lại hậu thế. Nếu không có chuyện "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" đó, chúng tôi, Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng vẫn là những đồng nghiệp thông thường, coi nhau như bao nhiều thân hữu thông thường khác, không có sự gắn bó của một nhóm khăng khít, không có tình bạn đồng tâm thắm thiết, tri âm, tri kỷ. 

Lê Dinh 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 2019(Xem: 8263)
Tình yêu và lòng bao dung của Thượng Đế hiện diện trong lòng người là chân lý vĩnh hằng…
06 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 6755)
Đầu Tháng Mười Hai, 2018, nước Mỹ có một tin buồn. Đó là tin vị tổng thống thứ 41 của Mỹ là ông George H.W. Bush vừa mới qua đời, hưởng thọ 94 tuổi
01 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7100)
Khi tôi có dịp nói chuyện với một số bạn bè người Mỹ và nói về câu chuyện của Jack và Amy qua truyện ngắn “Vùng Trời Quê Bạn”
16 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9164)
một lời cầu nguyện cho những linh hồn xấu số, không một lời từ giã vợ con trước lúc ra đi, được sớm siêu thoát
14 Tháng Mười 2018(Xem: 39062)
Một phần tài sản nên tổ chức phóng sinh.Tóm lại vợ con ông muốn cứu ông thì phải làm thật nhiều việc thiện để hồi hướng công đức cho ông.
08 Tháng Chín 2018(Xem: 40706)
Nhưng lời kể chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài
08 Tháng Chín 2018(Xem: 48963)
Vì bị trượt đại học oan uổng, nên nó đâm ra bất mãn, chán đời, lêu lổng chơi bời, để rồi giờ... nó trở thành thằng ăn cướp!”.
09 Tháng Tám 2018(Xem: 8638)
Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, Sài Gòn trong tim tô
29 Tháng Bảy 2018(Xem: 8896)
Tôi không còn khóc được nữa, nước mắt tôi đã cạn lâu rồi. Miệng tôi méo xệch như mếu, mắt chớp chớp
19 Tháng Năm 2018(Xem: 9193)
Thế hệ con cháu lớn lên vỗ cánh bay xa chỉ còn lại những người hưu trí và những người mệt mỏi muốn yên phận.
17 Tháng Tư 2018(Xem: 43303)
Truyện ngắn Tiểu Tử là những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nụ cười trong những ngày bình an và ngay cả trong cơn đớn đau cùng cực.
04 Tháng Tư 2018(Xem: 40753)
rằng hận thù cho sức mạnh, làm ta tỉnh táo, đề phòng.
13 Tháng Ba 2018(Xem: 41380)
Đạo Phật không thể tồn tại được nếu chúng ta cứ theo một khuôn mòn lối cũ; đó là ê a tụng niệm kinh kệ bằng tiếng Hán
25 Tháng Hai 2018(Xem: 9916)
Sài Gòn cũng không còn được như xưa nữa, vì sao? Ai đã làm nó trở nên hoang tàn như thế? Ai đã làm cho nó mất tình người như thế?
17 Tháng Giêng 2018(Xem: 9890)
Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được. Thật là anh hùng. Tôi xin ngã mũ.
15 Tháng Giêng 2018(Xem: 8789)
Nhưng điểm chính là phải sống làm người lương thiện, sống không vì cơm áo, sống để giữ giống da vàng, sống biết thương
01 Tháng Giêng 2018(Xem: 7967)
thân tàn danh liệt, thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.
17 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9040)
Noel nào tôi cũng nhớ tới buổi chiều đi gánh gạo, nhớ cái vẫy tay của anh Thu, nhớ chai dầu lửa, nhớ cục kẹo đường đen ở Cẩm-Nhân
10 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9437)
Chủ nghĩa cộng sản đã là một thảm họa của nhân loại. Kể từ khi thứ chủ nghĩa này xuất hiện trên thế giới, nó đã giết chết không biết là bao nhiêu nạn nhân vô tội
07 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 7852)
“Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ… ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.”
12 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8255)
họ muốn biểu lộ lòng biết ơn đó bằng cách để lại toàn bộ gia tài chắt chiu cả đời cho chính phủ Mỹ .
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 9074)
Ngồi trên máy bay rồi, tôi cũng chưa chắc sẽ được đi Mỹ. Cho đến lúc máy bay rời khỏi mặt đất, tôi mới dám nói lời: Vĩnh biệt kinh tế mới.
19 Tháng Chín 2017(Xem: 8045)
Khi biết những người mà tôi cứu vớt có một cuộc sống tốt đẹp, có được hạnh phúc và tương lai rộng mở, tôi cảm thấy mình vui lây và hạnh phúc lây
19 Tháng Chín 2017(Xem: 7990)
không có cả những bài "điếu văn tưởng niệm" lâm ly bi đát, nhưng đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại
14 Tháng Chín 2017(Xem: 10578)
quyết mang đạn bom và xương máu ra để đổi lấy Tự Do. Bởi bên cạnh họ còn có một rừng người cùng chung một chính nghĩa, cùng chung một lý tưởng.
24 Tháng Tám 2017(Xem: 11067)
Đúng là ‘hữu thù bất báo…phi quân tử’ diễn Nôm là có thù mà không trả thì “sẽ không lớn nổi thành người”!
21 Tháng Tám 2017(Xem: 10072)
Lên án người thì dễ, nhưng mở lòng cưu mang giúp đỡ họ mới là khó.
16 Tháng Bảy 2017(Xem: 11287)
Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết – quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!
31 Tháng Ba 2017(Xem: 9198)
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng
10 Tháng Ba 2017(Xem: 20133)
Những làn sương mù tan dần trên những ngọn cây trơ trụi lá, lộ hé cảnh tượng tàn phá kinh khiếp của bom đạn suốt đêm qua
26 Tháng Hai 2017(Xem: 11753)
Thân thương biết mấy! Chuyện trò với người Sài Gòn-Nam Bộ, câu chuyện của họ giản dị, rõ ràng, không úp úp mở mở
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 9934)
Tui cũng mừng rỡ vì nghe nói ông Tổng Thống mới sẽ oánh Trung Quốc là tụi tôi mừng rồi.
20 Tháng Giêng 2017(Xem: 10084)
Hôm nay chúng ta cũng đang đối diện với thảm họa mất nước. Tại sao chúng ta không có niềm tin về chính nghĩa, về chân lý
21 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 9881)
dẫu biết cô ta sẽ không hiểu sao bỗng nhiên ông nói thế, ông thì thầm: “I love Little Saigon”.
20 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 16003)
Thời gian thấm thoắt, ba mươi sáu năm đi qua. Mỗi người có riêng một hành trang, mang nó suốt đời trên vai…
17 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 8705)
bởi chỉ cần con có sức khỏe, có thể tự chăm sóc cho bản thân thì bất luận tương lai như thế nào, cho dù con ở đâu cũng đều có thể sống tốt."
18 Tháng Mười Một 2016(Xem: 10225)
Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó
10 Tháng Mười 2016(Xem: 9277)
Truyện ngắn của Phạm Chinh Đông. Tám Hà và Kim Oanh diễn đọc. Video HD 720. Mời xem thêm tại: http://phamchinhdong.com hoặc http://phamchinhdong.blogspot.com.
24 Tháng Chín 2016(Xem: 10236)
Chúng ta, những người Việt ở hải ngoại có tiếng nói, thì hãy lên tiếng để tranh đấu, để vận động và để nói thay cho những người không được nói
24 Tháng Chín 2016(Xem: 10604)
Chỉ tội cho người dân, với bộ mặt ” không giống ai ” vì bị tô son trét phấn, có nhăn nhó vì đau quặn ruột
18 Tháng Chín 2016(Xem: 10920)
Đời quân ngũ đã đi vào tâm tư tình cảm tuổi trẻ khi vào đời nên gần như cả đời họ cứ vẳng nghe được tiếng nói “Thủ Đức Gọi Ta Về”
13 Tháng Chín 2016(Xem: 17392)
Nếu sự việc để đi vào lãng quên là một thiếu sót vì tôi có đề cập đến nhiều sĩ quan TQLC hồi sơ khai mà đa số anh em chưa bao giờ biết
13 Tháng Chín 2016(Xem: 10967)
anh Nguyễn Ngọc Khang là người hiền lành, tốt bụng, tận tâm và “truyền cảm hứng một cách kỳ lạ đến mỗi cuộc sống anh gặp trong đời
09 Tháng Chín 2016(Xem: 10575)
nghe hát bài " Dòng sông tuổi thơ ", tao bỗng nhớ tới con rạch nhỏ quê mình. Rồi tao nhớ mầy Cương ơi ! Bây giờ mầy ở đâu ?
04 Tháng Chín 2016(Xem: 9724)
trút lên họ những cáo buộc thiếu công bằng để chính mình không phải trả lời câu hỏi trước giờ lương tâm phán xét.
15 Tháng Tám 2016(Xem: 14032)
Là bạn, là thù, là người yêu câm lặng hoặc là “hóa thân” của lý tưởng Tự Do ? Sao ngươi mãi bám theo người chiến sĩ
15 Tháng Tám 2016(Xem: 12021)
Ôi! quả báo! Quả báo! Chắc kiếp trước ta có bắt giam người, nên kiếp nầy người mới bắt giam ta. Ôi! quả báo, quả báo!
11 Tháng Tám 2016(Xem: 10745)
Về nhà sau trước không ai,Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 10840)
Ai cũng phải bước tới cái ngày nhắm mắt lìa đời... Nhưng chú ơi, cháu đau lòng lắm nếu ra đi mà không giúp ích gì được cho quê hương và dân tộc mình...