8:05 CH
Thứ Hai
18
Tháng Ba
2024

NHỮNG NGƯỜI LÍNH TỬ THỦ AN LỘC - Phạm Phong Dinh

14 Tháng Chín 20179:54 CH(Xem: 10575)
Những người lính tử thủ An Lộc
Phạm Phong Dinh
 
 blank

Ngày 7 Tháng Bảy 1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống An Lộc tuyên dương công trạng và đặc cách thăng cấp tất cả chiến sĩ tử thủ An Lộc sau gần ba tháng ác chiến với bốn sư đoàn Cộng quân 5, 7, 9 và Bình Long. Trong lúc tình hình mặt trận vẫn còn rất ngột ngạt, tuy rằng các sư đoàn địch đã lùi ra xa, nhưng không có gì bảo đảm rằng sự hiện diện của vị tổng tư lệnh là không nguy hiểm cho chính bản thân ông. Tổng Thống Thiệu được đích thân Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lái xe Jeep chở đi một vòng thành phố để quan sát những đổ vỡ của chiến tranh. Tổng Thống Thiệu đã cảm khái đứng lặng thinh bên những nấm mộ chôn vội của tử sĩ và người dân An Lộc. Chiếc xe Jeep phải chạy ngang khu bến xe An Lộc để ông có thể ngậm ngùi trông thấy được một cái nghĩa trang nhỏ, đơn sơ nhưng rất tươm tất, nơi an táng hình hài của 68 anh hùng 81 Biệt Cách Dù, mà đã được đồng đội còn sống lập nên thành.

 

Chiến thắng An Lộc mang một kích thước quá lớn, không còn của riêng dân tộc Việt Nam đánh bại đạo quân tiền phong của khối Cộng Sản quốc tế là binh đội Bắc Việt, mà nó còn là một biểu tượng của thế giới tự do đánh thắng chủ nghĩa Cộng Sản, là khúc dạo đầu báo hiệu sự hủy diệt cái chủ nghĩa quái thai đó 17 năm sau: Cuộc sụp đổ năm 1989 của Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu. Tổng Thống Thiệu đã trân trọng trao tặng quân dân tử thủ ở cái thành phố nhỏ bé mà cang cường này một mỹ danh mà sẽ vĩnh viễn đi vào những trang sử dân tộc và cả quân sử thế giới: Bình Long Anh Dũng – An Lộc Anh Dũng. Vị tổng thống đã vui vẻ gọi về cho phu nhân của mình, giọng hân hoan của ông có thể được nghe rộng rắp đất nước từ hàng triệu chiếc máy thu thanh:

– Bà đừng chờ cơm tôi. Tôi ở đây ăn cơm với anh em chiến sĩ An Lộc.

Người cựu tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã tươi cười đứng giữa những chiến hữu của ông chụp nhiều bức hình, mà ngày hôm sau đã nằm ở trang đầu của những tờ báo thủ đô Sài Gòn và cả trên các báo khắp thế giới. Đó há chẳng phải là một vinh dự cực lớn mà quân dân Bình Long Anh Dũng đã xứng đáng nhận được từ chính máu xương của mình. Há chẳng phải đó là một thách thức ngạo nghễ đối với lũ âm binh què quặt của bốn sư đoàn Cộng quân đang lẩn trốn đâu đó trong những cánh rừng già Miền Đông và bên kia biên giới. Há chẳng phải là một cú đấm ngàn cân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giữa mặt cái khối gọi là “các nước xã hội chủ nghĩa anh em.” Há chẳng phải đó mà một xác nhận cuộc chiến bại nhục nhã mà tướng tá Hà Nội dù có lật lọng đến đâu cũng phải cúi đầu câm nín hay sao.

blank

Chiếc trực thăng phành phạch đập cánh quạt đưa Tổng Thống Thiệu và phái đoàn hùng hậu quan khách Sài Gòn ra thăm viếng đã xa dần. Nhưng đối với quân dân An Lộc, cuộc chiến đấu vẫn còn rất gian nan ở phía trước. Cộng quân đâu đã cam chịu chiến bại, các đơn vị của chúng vẫn còn lẩn quẩn bên ngoài An Lộc giội pháo quấy phá ngày đêm.

Ngày 22 tháng 6, 1972, các đơn vị tiền phong của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã nhảy xuống thay thế nhiệm vụ trấn thủ An Lộc cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Các đơn vị Sư Đoàn 5 Bộ Binh lục tục được không vận về căn cứ Lai Khê, trong khi các đơn vị của Sư Đoàn 18 tiếp tục đổ vào thành phố. Vẫn còn một khối lượng công tác chiến đấu ngổn ngang đang chờ đón đoàn tinh binh tràn đầy nhuệ khí này. Đồi Gió, Đồi 169, phi trường Quản Lợi vẫn còn đang nằm trong tay quân giặc. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo và chiến sĩ Nỏ Thần Miền Đông của ông sẽ rất bận rộn trong những ngày hành quân trước mặt. Nhưng dù thế nào mặc lòng, buổi chào cờ sáng và thượng Quốc kỳ mỗi Thứ Hai luôn được Chuẩn Tướng Đảo cho cử hành trang trọng, bất chấp địch đang pháo hay không pháo.

Trong những ngày ngột ngạt đó, phóng viên chiến trường Lưu Văn Giỏi nhận lệnh của Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhảy xuống An Lộc để ghi nhận những đổ nát của chiến tranh, những hoạt động âm thầm của những người lính bay Không Quân và người lính Bộ Binh, cùng quân dân An Lộc đã chiến đấu anh dũng như thế nào, đang và sẽ chiến đấu ra sao, cùng những mất mát não lòng.

Anh Lưu Văn Giỏi từng là chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Toronto, Canada, nhiều nhiệm kỳ. Anh đã về hưu từ lâu và vui thú điền viên. Nhưng những thiên bút ký chiến trường ngày xưa của anh và những đóng góp của anh trong công cuộc đấu tranh chống cộng và tôn vinh Lá Cờ Vàng Đại Nghĩa cùng Những Người Lính QLVNCH vẫn luôn ghi khắc sâu trong lòng mỗi chúng ta. Bài viết Trên Vùng Trời Đất Nước của anh đã nhận được Giải Ba Cuộc Thi Phóng Sự Chiến Trường Năm 1973 của Cục Chính Huấn:

***

Tại Sư Đoàn 2 Không Quân, tôi nhận một công điện từ Bộ Tư Lệnh Không Quân gọi về trình diện gấp, vì nhu cầu công vụ, thời gian công tác và ngày về sẽ cho đơn vị biết sau. Một chiếc phản lực A37 đi công tác đưa tôi từ Nha Trang vào Sài Gòn. Tại Parking vãng lai, tôi thót lên “Honda ôm” trực chỉ Bộ Tư Lệnh Không Quân. Và nửa giờ sau tại đây tôi nhận một sự vụ lệnh khác, thời gian và nơi đến là 8 ngày tại An Lộc. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi có mặt trên bãi đậu trực thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân để đi Lai Khê. Lần đi này ngoài hợp đoàn 18 chiếc trực thăng võ trang UH, còn có 6 chiếc CH-47 (loại trực thăng khổng lồ tải hàng)

*30 phút ở Lai Khê:

Phi trường Lai Khê là một phi trường nhỏ được dùng làm Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, tất cả trực thăng yểm trợ cho An Lộc đều đặt ở đây để tiện đường cho quân bạn tải quân, tải hàng đến, và nhất là để thu ngắn đường chim bay đến An Lộc. Tại đây, dưới những gốc cao su già có những hàng cơm, hàng nước kiểu dã chiến, vài hoa tiêu mắc võng nằm nhai bánh mì chờ… thời tiết.

Tôi gặp Đại Úy Đào Vũ Anh Hùng, nhà văn kiêm hoa tiêu trực thăng. Thấy tôi, Hùng hỏi:

– Đi làm hay đi chơi?

Câu hỏi ngắn và tôi cũng trả lời gọn:

– Đi làm.

Hùng moi trong túi áo bay ra một gói xôi bắp đã bẹp:

– Ăn không?

Tôi lắc đầu vỗ nhẹ tay lên bụng, trong khi anh nhìn tôi từ đầu đến chân:

– Vào Điện Biên Phủ thứ hai mà cứ y như là đi du lịch vậy? Không có áo giáp, nón sắt thì phòng không và pháo kích nó không chê bạn đâu.

Hùng chỉ chiếc máy ảnh tôi đang mang trước ngực:

– Phải có thêm một nón sắt nhỏ cho ống kính mới an toàn, nếu không thì bạn có nhiều triển vọng thất nghiệp đấy!

Kỳ trước, có một ông bạn báo chí lên An Lộc, khi ông ta vừa đưa máy lên ngắm thì một viên AK đã ưu ái chui vào nằm gọn trong ống kính. Cũng may là tầm đạn đã yếu nên không bị chột.

Có nhìn thấy cái cảnh phi công Việt Nam treo võng nằm tòn ten dưới những gốc cao su gậm bánh mì, cạp xôi bắp chờ phi vụ ta mới thấy thương họ. Nghỉ ngơi và ăn uống như thế mà bay như điên, bay bất kể giờ giấc và thời tiết. Có khi vừa đáp, chưa kịp nghỉ ngơi mà thấy có tên trong Phi Vụ Lệnh là lại xách nón.

Chiến đấu cơ oanh tạc yểm trợ bộ binh. đi bay. Cứ sáng vác tàu đi, tối vác về…

Có người đi rồi không bao giờ trở lại. Cũng có người về mà trên thân tàu lỗ chỗ đầy dấu đạn phòng không. Cũng có người khi đã đáp an toàn trên bãi đậu rồi mới biết người xạ thủ phi hành của mình đã gục đầu trên cây đại liên mà chết tự lúc nào. Cũng có khi người hoa tiêu chánh bị phòng không ngồi chết ngay ngắn trong ghế lái trong “tư thế còn sống,” cái chết thật đẹp như cái chết của một Từ Hải mà người hoa tiêu phụ vẫn cố cắn răng để nước mắt mình lăn dài xuống má, tiếp tục bay thi hành cho xong sứ mạng đã, rồi mới về. Cũng có người phải bỏ tàu giữa rừng để về bằng một tàu khác, hoặc băng rừng lội suối, rồi năm bảy ngày sau mới về với một thể xác đói khát và đầy thương tích. Ta có thể so sánh những tiện nghi cùng số giờ bay và thành tích chiến đấu một trời một vực giữa phi công Hoa Kỳ và phi công Giao Chỉ như sau:

Pilot Hoa Kỳ không biết mắc võng ở gốc cây nằm gặm bánh mì chờ phi vụ như pilot An Nam ta. Hồi tháng 4, 1972, ở mặt trận Tây Nguyên, tại Bộ Chỉ Huy của tiền đồn Tân Cảnh, tôi đã thấy một đại úy phi công Hoa Kỳ trong bữa cơm. Ông ta đã ăn gần nửa ký thịt với bơ, sữa, hột gà, táo, nho, rồi mới bước lên chiếc trực thăng võ trang Cobra mà cất cánh, trong khi hoa tiêu Giao Chỉ cũng trước một phi vụ nhưng chỉ… “thổi hết một cái kèn bằng bột,” rồi ngửa cổ ừng ực nước lã trong bi đông, xong… cuốn võng leo lên ghế lái, bay vù vù, bay như điên.

Về số giờ bay và thành tích, ta có thể so sánh thật thà như sau: “Chiến trận Hạ Lào chính thức khai diễn ngày 8 tháng 2, 1971, trong 29 ngày đầu tại đây, người Mỹ có số giờ bay cao nhất là một thiếu tá, 80 giờ. Trong khi đó, phi công có số giờ bay cao nhất là Trung Úy Dương Đức Ngọc, thuộc Không Đoàn 62 Chiến thuật, Sư Đoàn 2 Không Quân, 168 giờ. Người Mỹ đánh nhiều chiến xa nhất, một trung úy phi công phản lực, 3 chiếc. Trong khi đó Trung Úy Dương Đức Ngọc đánh 17 chiếc T54. Số giờ bay và thành tích đó đã làm vẻ vang về tinh thần chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh quân đội đồng minh tại Hạ Lào. Trong trận này, Ngọc cũng là người lãnh đạn phòng không nhiều nhất. Một lần phi cơ anh đứng một chong chóng, phài đáp ở Đà Nẵng lúc 23 giờ 30, 3 lần khác bị gãy cánh trái và cánh đuôi, nhưng lúc bấy giờ thời tiết ở Việt Nam không cho phép, nên anh phải dẫn tàu qua Thái Lan đáp trên phi trường Nakhom-Phakhom. Sự so sánh thật thà trên đã là một chứng minh cụ thể cho ta thấy tinh thần chiến đấu cao độ của người lính Việt Nam trên đất nước nghèo nàn này.

Đồng hồ tay chỉ 7 giờ 45, trời vẫn còn xấu. Các hoa tiêu có vẻ sốt ruột, họ tụm năm tụm ba ngồi đấu láo với nhau, nói chuyện thời tiết, nói chuyện phi vụ hôm qua, chuyện hào hoa, lả lướt đêm rồi và bàn với nhau cho phi vụ sắp tới. Một nhân viên của toán Điều Không đến nói với Hùng:

– Cứ cất cánh, vì An Lộc đang chờ.

blank

Tôi đứng dậy nhưng không đi với Hùng, vì anh bay tàu C and C (Hướng dẫn C and C = Command and Control và chỉ huy, không đáp). Tôi theo chân một hoa tiêu ra chiếc võ trang đậu ngoài bãi. Tại đây, lương thực, vũ khí, đạn dược và chiến sĩ đổ bộ đã chờ sẵn. Tôi đi chiếc tàu tải đạn. Mười phút sau tất cả những chiếc trực thăng tại đây đã bốc khỏi mặt đất và… trực chỉ An Lộc. Trên đường từ Lai Khê đến An Lộc trần mây thật thấp, sương mù còn thật mù, họ phải để đèn báo hiệu cho khỏi đụng nhau trên trời. Ngồi trên trực thăng nhìn chung quanh những chiếc võ trang đang lù lù bay theo, tôi có cảm tưởng như đây là một đàn ong khổng lồ bị vỡ tổ và đang di dân. Sau vài phút bay, đến một nơi quang đãng hơn, dưới mắt tôi ruộng đồng xơ xác, những hàng tre cháy sém, những hố đạn, hố bom cày nát trên ruộng đất bỏ hoang…

*Nhảy xuống An Lộc:

Người xạ thủ phi hành ghé váo tai tôi:

– Anh có xuống không?

Tôi gật đầu. Anh ta lại nhìn tôi với vẻ ái ngại như thầm hỏi tôi sao không có áo giáp và nón sắt, nhưng… tôi lờ đi. Bỗng anh khom lưng chĩa mũi minigun xuống đất bấm cò. Những hồi đạn rú dài như… bò rống. Tôi thấy… rức tim khi những vệt lửa từ dưới xẹt lên quanh phi cơ. Xung quanh tôi, năm chiến sĩ bộ binh thuộc Sư Đoàn 18 cũng… lên đạn. Tôi cũng nhét vội băng đạn vào khẩu Colt của mình cho vững bụng. Đang bay, tàu bỗng sà xuống đột ngột rồi bất ngờ đáp vội trên Quốc Lộ 13, “càng” chưa chạm đất, mấy quả đạn pháo kích đã ào ào bay tới rớt quanh đó làm gãy mấy cây cao su.

Tôi nhảy vội theo năm chiến sĩ rời thân tàu và lăn tròn qua mặt lộ nằm gọn dưới một hố bom. Chúng tôi chưa kịp xô hàng xuống, thì tàu đã bốc vội lên cao bay mất hút, một trái dạn khác rớt ngay chỗ phi cơ vừa đáp làm banh xác cái ba lô vô tội của một chiến sĩ vừa quăng xuống. Mấy bịch gạo sấy tung tóe trắng mặt đường. Tôi nằm dưới hố bom mà thầm nghĩ: “Người Mỹ đã dạy cho người Việt biết đánh giặc bằng trực thăng, nhưng còn lâu sự khôn lanh của họ mới bằng sự nhanh nhẹn của người Việt Nam và… có lẽ chừng nào người Mỹ biết ăn trầu, thì họ mới có đủ được kinh nghiệm của chiến trường Việt Nam. Vì nếu lơ mơ không bốc lên kịp, thì chiếc trực thăng kia với một núi đạn 81 ly trong đó sẽ lãnh đủ trái đạn pháo vừa rồi.”

Tôi nhìn theo chiếc trực thăng đã mất hút ở cuối bìa rừng cao su, như hiểu ý, một người nằm gần nói với tôi:

– Cứ nằm đây chờ, chút nữa hết pháo họ sẽ đến.

Tôi hỏi lại:

– Nhỡ đến mà nó pháo nữa thì sao?

Anh ta thản nhiên:

– Trúng thì rớt, không trúng thì bay đi.

Sau câu nói này, tôi nhớ lại cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Nhàn thuộc Phi Đoàn CH-47 của Sư Đoàn 3 Không Quân trước đây một tuần tại mặt trận An Lộc. Trong một phi vụ tiếp tế, tàu của Nhàn bị trúng phòng không, bạn bè bay theo bảo anh rời vòng chiến ngay và đáp ép buộc chờ trực thăng võ trang cứu. Nhưng anh đã trả lời:

– Biết rồi, để thả hết hàng cho họ đã. Họ bị thiếu tiếp tế từ mấy ngày nay, không lẽ mình vượt bao nhiêu màn lưới phòng không mới vào được đây, mà bây giờ lại ra sao?

Anh chỉ trả lời như thế rồi tiếp tục vào vòng yểm trợ. Khi số hàng còn lại trên tàu vừa thả được xong, thì cũng là lúc chiếc CH-47 anh đã nằm gọn trong màng lưới phòng không. Thiếu Tá Mai là bạn của anh bay gần đó đã nghe được những lời cuối cùng của anh qua hệ thống vô tuyến: “Hàng thả hết rồi, nhưng tất cả hệ thống điều khiển trong phòng lái đã ngưng hoạt động. Bây giờ tao đáp ép buộc đây, tụi mày hãy theo tao cover thật kỹ và pick-up thật nhanh…” Nhưng không còn kịp nữa, anh vừa nói xong thì chiếc trực thăng đã như một bó đuốc khổng lồ từ trời cao rơi xuống nổ tung trên mặt đất, và anh đã chết theo tàu…

blank

Tôi và các chiến sĩ vẫn nằm trốn đạn và chờ trực thăng đến. Quanh đó, vài chiến xa T.54 nằm chỏng trơ, vài chiếc khác nằm chúi đầu xuống những hố bom, phía sau tôi là rừng cao su trùng điệp. Trong phút chốc tàu bốc vội lên mây, mất hút ở cuối một khúc quanh của con lộ 13. Vài tràng đạn AK đuổi theo, mấy quả đạn pháo kích khác rớt quanh đó như xé gió phá rừng, những thân cây lại thi nhau gãy rôm rốp. Mấy thùng đạn vừa được đem xuống vẫn còn nằm trên quốc lộ. Một anh kéo tôi đi nơi khác:

– Hãy tránh xa đống đạn này, đạn pháo kích mà nó rớt vào đây thì… bỏ bu.

Từ hướng Xa Cam, một đoàn người gồng gánh, bồng bế nhau chạy loạn về hướng chúng tôi. Tức thì mấy quả đạn pháo kích được câu đến từ Đồi Gió rớt vào giữa đám dân chạy loạn này, gây vô số người chết, vô số người bị thương. Có những người bị thương cách đây vài giờ lại bị thương nữa. Có những người sắp chết, muốn được chết cho rảnh tay người thân chạy nạn, thì bây giờ được chết. Trong số những người chết này, một cảnh tượng thật thương tâm đã xảy ra ngay trên bìa rừng cao su An Lộc. Một người mẹ bồng đứa con khoảng sáu tháng bị mảnh pháo phá vỡ khuôn ngực và bà ngã ra chết liền tại chỗ. Đứa nhỏ không chết, cũng không bị thương, nó bò trên bụng mẹ khóc thét lên trong sự hãi hùng. Khóc mệt, nó lại gục đầu vào ngực mẹ nó mà bú. Một người khác cũng dân chạy loạn đến bế nó ra, thì mặt mũi của đứa bé bê bết máu của mẹ nó và trong mồm nó cũng có máu, mà có lẽ nó tưởng đó là chất sữa nên đã hút vào. Một lúc sau đứa bé cũng chết luôn trên tay người bế nó.

Một cảnh tượng khác mà tôi cũng không làm sao quên được. Một đứa bé gái khoảng 13 tuổi mù hai mắt, gầy yếu xanh xao, cõng thằng anh nó khoảng 15 tuổi trên lưng, bị cụt một chân. Đứa nhỏ mù mắt cõng đứa lớn cụt chân. Đứa cụt chân ngồi trên lưng đứa mù mắt để chỉ đường mà chạy trốn Việt Cộng. Trong xách tay tôi còn hai ổ bánh mì mua hồi sáng ở Lai Khê, tôi lấy đưa cả cho anh em nó. Trước đây tôi đã được đọc những câu in trên bích chương dán ở thành phố: “…Pháo kích bừa bãi, giết hại dân lành, nhà cháy người chết, thù hận này biết đến bao giờ mới nguôi ngoai trong lòng người dân Việt…”

Dạo đó tôi đã nghĩ rằng những câu này chỉ là về phương diện chính trị thôi. Nghĩa là Việt Cộng xuyên tạc mình thì mình xuyên tạc lại. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu đó là sự thật, một sự thật mà không thể đội trời chung với bọn người dã man đó được, và tự nhiên trong lòng tôi thấy dâng lên những thù hận ngút ngàn.

Thật tình mà nói, trước khi bước vào An Lộc, tôi đã thầm nghĩ: Mình chỉ chết khi bị trúng đạn, chứ nếu đối diện gần thì trên ngực áo tôi có hai chữ báo chí “nó” không giết đâu mà sợ, cao lắm thì chỉ bắt sống là cùng. Nhưng bây giờ thì tôi không còn nghĩ như thế nữa. Trước mặt tôi, chung quanh tôi, những người dân vô tội đang thương vong la liệt. Tôi sờ tay vào hông, khẩu Colt vẫn cồm cộm. Tôi quyết định: “Nếu đêm nay còn phải ở đây mà rủi gặp bọn chúng, thì dù thế nào tôi cũng đẩy về hướng chúng 6 viên và còn lại là cho tôi, chứ nhất định không để bị bắt sống.” Nghĩ đến đây, hình ảnh vợ con tôi tại trại gia binh lại hiện ra, tôi thấy nhói trong lòng.

*Chuẩn bị lên đường. Nhảy vào trận địa An Lộc

Từ xa có tiếng đập phần phật của trực thăng, rồi trong phút chốc 8 chiếc lượn sát những ngọn cao su và cũng bất thần đáp dài trên quốc lộ, trong khi đạn pháo kích của Việt Cộng tiếp tục rải dài theo hai bên bìa đường. Các chiến sĩ đổ bộ thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh lẽ ra khi nhảy xuống thì họ di tản, nhưng họ đã đến phụ khiêng xác chết và người bị thương lên phi cơ xong mới đi. Tôi ngồi tựa lưng vào xích của một chiếc T.54 bỏ hoang nhìn theo mấy chiếc trực thăng đang bốc vút về hướng Lai Khê mà trong đó có gần 100 người dân vô tội vừa chết, vừa bị thương, vừa kinh hoàng… Cộng sản Bắc Việt vừa sát hại xong dân lành vô tội bằng công cụ giết người của chúng, thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến mang những người dân đó về nơi an toàn…

Từ hướng Chi Khu An Lộc, một chiếc Jeep mui trần chở gần 20 đồng bào tiến về hướng bãi đáp trực thăng. Tôi quá giang chiếc Jeep này vào chi khu và tại đây tôi được gặp Đại Úy Lê Văn Vẫn, chi khu phó Chi Khu An Lộc. Đại Úy Vẫn cho biết ông là người ở đây lâu nhất (bốn đời quận trưởng đã thay phiên nhau) từ năm 1964. Và bây giờ ông nhất định ở đây chiến đấu đến hơi thở cuối cùng chứ không đi đâu hết. Ông kể tiếp:

– Ngày mặt trận An Lộc mở màn có 6 chiếc trực thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân đến đáp vào chi khu để đưa gia đình của quân nhân tại đây rời An Lộc.
Tôi chạy vào hầm trú ẩn nói với vợ tôi: “Có trực thăng đến, em mau đưa các con về Sài Gòn, ở đây nguy hiểm lắm. Khi nào êm, anh sẽ về đưa mẹ con em lên.” Nhưng vợ tôi nhứt định không chịu và trả lời: “Mẹ con em về nơi an toàn, ở đây rủi anh chết thì mẹ con em sống với ai? Em xin được ở lại đây cùng sống chết với anh.” Trong lúc đó vợ con của anh em quân nhân tại đây đều đã nhất loạt trả lời như thế, nên cuối cùng sáu chiếc trực thăng phải rời chi khu mà không có đàn bà trẻ con nào theo…

Sau câu nói của Đại Úy Vẫn, tôi chợt nhớ lại gương liệt nữ Phạm Thị Thàng cách đây đã lâu. Chị Thàng là vợ của một chiến sĩ Nghĩa Quân. Chị và các con đều sống chung trong công sự chiến đấu của chồng trong làng. Một đêm nọ Việt Cộng công đồn, chồng chị bị trúng đạn, chị thay chồng tung mấy chục trái lựu đạn vào đám Việt Cộng khi chúng tấn công bằng biển người. Nhưng đến quả cuối cùng, bọn chúng quá gần nên chị đã chết chung với thêm mấy tên Việt Cộng nữa bằng quả lựu đạn đó. Bây giờ vợ lính ở An Lộc cũng đã noi gương chị Thàng không chịu đi Sài Gòn ở lại tử thủ: sống chết với chồng con tại An Lộc. Đại Úy Vẫn tiếp:

– Sáu chiếc trực thăng vừa bốc lên thì một chiếc bị trúng đạn và rớt ngay bên ngoài vòng đai chi khu rồi bốc cháy. Chúng tôi nhìn theo mà đã khóc lúc nào không hay. Anh em Không Quân đã vì sinh mạng gia đình chúng tôi mà phải chết, tôi kính trọng và nhớ ơn nghĩa cử của quí anh em đó lắm. Cuối cùng tôi quyết định cho một trung đội mở đường máu ra cứu phi hành đoàn, nhưng cũng không kịp. Khi trung đội trở vào thì… chỉ còn phân nửa quân số, bởi lúc bấy giờ chiến xa Việt Cộng quá nhiều. Rồi hai hôm sau, trại gia binh của chúng tôi tại đây cũng bị pháo kích nặng, hơn tám chục phần trăm gia đình của quân nhân chết và bị thương…

*Gà trống nuôi con:

Trong khi ngồi tiếp chuyện với tôi tại một căn hầm dã chiến được đào sâu dưới mặt đất, trước mặt tôi là Đại Úy Vẫn, quanh đó khoảng năm, bảy chiến sĩ mà mỗi người đang có vài em bé quấn quít bên cạnh. Đại Úy Vẫn xoa đầu một bé gái khoảng 4 tuổi:

– Tôi có năm đứa, bây giờ chỉ còn mình nó, anh chị nó chết hết rồi, má nó cũng chết, ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại nó cũng chết trong trận pháo kích đó…

Ông chỉ những đứa bé đang đứng cạnh mấy chiến sĩ quanh ông:

– Đấy anh xem, bây giờ ở đây cái cảnh gà trống nuôi con rất nhiều. Cha mẹ và vợ con chúng tôi đã vì chúng tôi mà chết tại đây, nên chúng tôi đã thề tử thủ tại đây đến hơi thở cuối cùng, dù có được đổi về Sài Gòn cũng không đi. Nếu một ngày nào đó mà anh gặp lại một trong những khuôn mặt của chúng tôi tại đây trên một địa danh an toàn nào đó không phải là An Lộc mà lúc đó chúng tôi còn tại ngũ thì… anh có quyền giết chúng tôi, nếu không phải là lệnh hay chỉ thị cho chúng tôi rời An Lộc. Hôm nay anh là người báo chí của Không Quân đầu tiên đến đây, tôi xin được đại diện các chiến sĩ tử thủ An Lộc gửi đến anh em Không Quân, nhất là những phi hành đoàn đã lái tàu bay vào chi khu với ý định đưa vợ con chúng tôi đến nơi an toàn, những lời thành thật muôn đời nhớ ơn của chúng tôi, mặc dù vợ con chúng tôi không đi và đã chết.

*Những chiếc vòng tử thủ:

Nói đến đây Đại Úy Vẫn gỡ trong tay của ông ta ra 3 chiếc vòng trao cho tôi:

– Tất cả những chiến sĩ tử thủ tại đây mỗi người đều có mang ba chiếc vòng này và chúng tôi đã đặt tên là… vòng AN LỘC TỬ THỦ. Nay tôi xin tặng anh để làm kỷ niệm… Anh là người thứ hai, sau tổng thống Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi tặng ba vòng này.

Một thiếu úy ngồi gần đó nhìn Đại Úy Vẫn rồi nói với tôi:

– Anh có viết bài thì nhớ nói là thiếu tá, vì ổng lên lon gần hai tháng nay, nhưng từ đó đến nay ở đây không ai bán “lon” mà mua nên… ông Vẫn “vẫn” mang “lon cũ.”

Tôi nhìn Đại Úy Vẫn như thầm hỏi lại: “Có đúng thế không?” Thiếu Tá Vẫn gật đầu:

– Đúng vậy.

*68 Ngày tử thủ An Lộc không lãnh lương:

Cũng tại đây, tôi gặp một chiến sĩ còn rất trẻ, anh ta tâm sự với tôi như sau:

– Em là Binh Nhất Lê Nhâm Thình, quân nhân Không Quân, thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân tại Phù Cát, kỹ thuật phi cơ loại C-7A. Về phép thăm nhà hôm 28 tháng 3, 1972 rồi bị kẹt lại đây đến bây giờ. Trọn gia đình em bị pháo kích chết hết rồi, chỉ còn lại một người anh đang tại ngũ tại An Lộc này thôi. Đã nhiều lần em muốn ra đón tàu để về lại với Không Quân, nhưng còn ngại sẽ bị rắc rối về an ninh nên chưa dám. Tính đến nay là 68 ngày, trong suốt thời gian này tại đây em đã chiến đấu như một chiến sĩ Bộ Binh thật sự, nhưng chỉ ăn nhờ cơm gạo sấy của anh em ở đây thôi chứ không có lãnh lương. Em có lấy được một AK của tên Việt Cộng mà em đã bắn chết nó. Hôm nào về Sài Gòn, nhờ anh trình lên Bộ Tư Lệnh Không Quân, nếu không bị rắc rối, anh viết thư về đây, KBC.6995, lúc đó em sẽ bằng đủ mọi cách về trình diện đơn vị…

Buổi chiều, tôi có dịp vào thị trấn An Lộc. Phố xá thật tiêu điều, những căn nhà không người trơ vách, những tuyến kẽm gai quanh chi khu cháy cong queo. Đó đây một vài xác trực thăng cháy sụm, những chiến xa đứt xích nằm chỏng chơ như quái vật không đầu, vài chiếc khác chúi mũi xuống những hố bom, một chiếc dù màu trắng đỏ phất phơ theo chiều gió trên ngọn cao su. Những chiếc dù tải hàng còn vương vãi theo hai bên quốc lộ, trên mặt con lộ 13 những hố đạn, hố bom sâu hoắm. Những vỏ đạn đủ cỡ, đủ loại nằm ngổn ngang, những thân cây cao su cháy đen ngã gục. Trong vòng đai chi khu, một bức tường dầy và cao lỗ chỗ đầy vết đạn lớn nhỏ mà phía trên còn đọc được ba chữ “Quận An Lộc.” Gần đó, một vách tường khác có dấu hồng thập tự với ba chữ “Trạm Cứu Thương,” phía sau là một trường tiểu học bị tróc nóc. Xa hơn một chút là trại gia binh An Lộc cũng đã điêu tàn. Bước ra phía ngoài, một xe Honda bốn bánh nằm lật ngang, bên hông có cẩn thận ghi hai chữ thật lớn “Xe Nhà” bằng sơn màu trắng và… một chữ “BINH” viết bằng đất đỏ An Lộc. Tôi thầm cười, trạm cứu thương, trại gia binh, nhà thờ, chùa chiền và đàn bà trẻ thơ vô tội còn phải lãnh đạn pháo kích của “quân giải phóng,” thì… “Xe Nhà Binh” sức mấy mà thoát khỏi, sao không đề là… “xe của quân giải phóng.” Tôi đâm ra phục lối chơi chữ hay hay của người nào đó đã viết thêm chữ “Binh” sau hai chữ “Xe Nhà” này.

*Châu chấu đá voi

Cách cổng vào Chi Khu An Lộc khoảng hai cây số, một chiếc xe cần cẩu của tư nhân màu vàng nằm chắn ngang một nửa mặt con lộ 13, một chiếc khác nằm trơ bánh lên trời dưới mé lộ. Được biết, trong những ngày đầu sôi động của An Lộc, khổ chủ hai chiếc xe trên đã tình nguyện đem ra cho “đâu đít lại với nhau” nằm chắn ngang lộ, với ý định không cho chiến xa của Việt Cộng vào thị trấn An Lộc thân yêu của họ. Vì họ đã nghĩ rằng, một khi mà chiến xa của Việt Cộng vào được trong thị trấn thì dù cho xe cần cẩu của họ có để trong nhà cũng không còn. Nhưng… kết quả T54 của Việt Cộng là voi, mà xe cần cẩu của họ là châu chấu!

*Thoát chết nhờ lối tuyên truyền láo của Việt Cộng:

Gần vòng đai chi khu vài chục thước, mấy chiếc T54 nằm quay đầu ra bất động. Hỏi, thì một chiến sĩ cho biết như sau:

– Dạo đó, khi An Lộc bị thất thủ, hàng chục chiến xa Việt Cộng đã phây phây đi vào và các tay xạ thủ cũng đã phây phây ngồi hẳn phía trên xe. Chúng tôi lúc đó chỉ còn hơn đại đội, nấp dưới những hầm hố, không dám bắn trước. Nhưng chúng tôi lấy làm lạ, không hiểu tại sao những chiến xa này không khai hỏa mà chỉ vào đậu đó, xong chạy vòng vòng, thật chậm như có ý tìm kiếm rồi quay ra và… khi chúng quay đầu xe ra, bọn tôi xách M72 chạy theo hạ hết. Thứ này mà bắn vào đứt xích là nằm liền. Các trưởng xa và xạ thủ thoát khỏi xe cũng bị chúng tôi hạ luôn, có vài tên bị chúng tôi bắt làm tù binh và chúng cho biết: Sở dĩ khi chúng đưa xe vào tận đây mà không khai hỏa, vì trước khi vào đây, cấp chỉ huy đã cho chúng biết, hiện An Lộc hoàn toàn do quân giải phóng kiểm soát và… làm chủ tình hình, nên chúng vào và cứ tự nhiên ngồi trên nóc xe như “người quân nhân trở về đơn vị” và chạy vòng vòng là có ý đi tìm “đồng chí.” Đến khi tìm mà không gặp được đồng chí nào hết nên mới lừng lững quay ra, và khi quay ra thì mỗi chiếc bị lãnh vài viên M72 từ mặt hậu rồi đứt xích luôn không thể quay đầu lại. Bởi thế mà anh thấy những chiến xa quanh vòng đai này phần đông đều quay đầu ra. Còn những chiếc khác xa xa thì lại quay đầu vào, những chiếc này hầu hết là lãnh bom và rocket từ phi cơ.

blank

*Các pháo thủ nhìn skyraider thả bom.

blank

Trẻ em An Lộc vui đùa trên chiếc T54 bị bắn hạ

Nghe xong câu chuyện, tôi thầm nghĩ: “Bọn Cộng Sản Bắc Việt ngoài lối thí quân, nướng quân bằng những cuộc tấn công biển người ồ ạt của chúng, mặc cho hỏa lực khủng khiếp từ phi cơ ta “làm cỏ,” nay chúng có thêm một lối “nướng quân” bằng cách tuyên truyền láo với quân sĩ thuộc quyền. Bởi nếu chúng không nói láo với quân sĩ của chúng thì anh lính này đâu còn sống đến ngay nay để kể lại giai thoại “chiến xa Việt Cộng phây phây vào sào huyệt ta đi tìm “đồng chí,” để rồi khi quay đầu ra vừa khỏi vòng đai, thì… nằm đây luôn đến bây giờ. Trong lúc vui miệng anh lại kể cho tôi nghe thêm một vài chuyện khó tin, nhưng tại đây lại… có thật.

*Trong thời gian tử thủ bệnh táo bón rất quí:

Có những lúc bên ngoài nó pháo rát quá, hầm trú ẩn thì nhỏ, mà anh em lại quá đông, đôi khi muốn đi cầu lại ngại lãnh đạn, nên chúng tôi cứ… “cố nín, cố nín.” Đến khi không thể nín được mà bên ngoài vẫn còn pháo, thì dùng… lớp trong của nón sắt làm cái “bô.” Xong, đứng ở miệng hầm liệng ra ngoài. Có người chỉ mới hai ngày đã liệng luôn cả hai lớp của nón sắt, nên ở đây mà trong thời gian đó ai có được cái bệnh táo bón là quí như vàng, thảnh thơi lắm. Mà tóm lại trong thời gian đó, người nào có táo bón mấy đi nữa thì cũng phải có một lần “liệng nón sắt.”

Một giai thoại khác: “Tắm bằng mồ hôi,” vì tại đây nước rất quí, quí hơn vàng, có khi phải dùng đến nước tiểu để làm “nở cơm sấy” khi ăn. Có nhiều người chịu không nổi phải bịt cả hai lỗ mũi, nhai sơ rồi nuốt vội như cố “tống cơm vào bao tử” cho xong để có sức mà… tử thủ nhưng không dám ăn nhiều, vì nếu ăn nhiều thì trời sẽ không cho được cái bệnh táo bón. Bởi nước quí như vàng, nên trong thời gian đó lúc nào thấy êm, ai muốn tắm thì cứ cử tạ bằng cách bưng một thùng đạn nặng trịch đưa lên, đưa xuống cho đổ mồ hôi. Xong cởi ngay quần áo ra… ung dung ngồi kỳ đất trên da nở ra và rất dễ… “tắm bằng mồ hôi.”

*Những hippy và Fidel Castro ở An Lộc:

Đã hơn 9 giờ tối, trong một công sự chiến đấu, mấy anh em chiến sĩ tử thủ tại đây và tôi ngồi quanh một cái bàn uống trà và… nói chuyện chiến tranh. Bàn và ghế ngồi đều là thùng đạn còn nguyên xi, ly đựng nước trà là chuôi của một loại đạn bằng nhựa. Trông họ như những Trần Văn Trạch hay những Hippy ở Sài Gòn, có người râu ria trông như Fidel Castro. Chỉ khác một điều là Trần Văn Trạch và Hippy Sài Gòn với Castro, râu tóc được chính chủ nó nuôi dưỡng, thỉnh thoảng ghé vào tiệm cho thợ cắt, tỉa, sấy gội, còn những Hippy và Fidel Castro ở đây thì râu tóc của họ được chính… chiến tranh nuôi dưỡng, không cần phải vào tiệm cho thợ cạo sửa mà trông vẫn Hippy và vẫn Fidel Castro như ai. Ở đây, tôi thấy nếu so theo tỉ lệ thì râu của họ hình như… dài hơn tóc, bởi thường thì thức đêm râu rất mau ra. Mà lính ở An Lộc này làm gì có chuyện ngon giấc ban đêm? Tôi có một ý ngh hơi ngộ nghĩnh là… nếu lính ở An Lộc mà cứ để nguyên râu tóc thế này rồi hè nhau… hạ san xuống phố thì nhất định… mấy ông Quân Cảnh không chịu đâu?

21 giờ 30, hơn mười trái pháo rớt quanh chi khu gây những tiếng nổ chát chúa vang dội, hơi điện bị cúp ngang. Tức thì một người lấy giấy bao đạn có chất mỡ để ở giữa một sợi dây, quấn cứng lại làm đèn cầy “dã chiến.” Thêm mấy trái khác tiếp theo gần hơn. Tôi rức tim nhìn lên nóc hầm trú ẩn, một người thảy cho tôi cây M16 và mấy băng đạn:

– Anh cứ cầm cây này đi, cho anh luôn đó, và hãy… yên trí, nóc hầm này phải năm quả rớt liền một lúc mới có thể sập.

Tôi cầm cây M16 trong tay và lấy lại được bình tĩnh sau câu nói “trấn an” này, và cũng nhờ thấy họ vẫn thản nhiên ngồi uống trà mà… “đàm đạo chuyện chiến tranh”… Một anh khác chen vào:

– Thế này mà ăn nhằm gì. Dạo đó ở đây có một ngày không bao giờ nghe dứt tiếng pháo kích và ngày đó bảy ngàn quả.

Tôi nghe ớn tận xương sống với con số này. Bảy ngàn quả trong một ngày mà họ còn sống đến giờ này, thì bây giờ chưa đầy hai chục trái, tôi còn có triển vọng về được tới Sài Gòn lắm, vì Sài Gòn với An Lộc, thì… tôi vẫn thích Sài Gòn hơn… Ở đây nhức tim quá! Tôi chưa ra Quảng Trị, chưa thấy sự đổ nát của thành phố Quảng Trị thế nào, chứ ở đây con số bảy ngàn đó với thị trấn điêu tàn này đã cho phép tôi nghĩ rằng mặt trận An Lộc đã lên đến mức… “đụng phông của chiến tranh.”..

Qua một đêm ngủ chập chờn bởi những tiếng AK nổ lẻ tẻ, những hồi pháo kích đinh tai, sáng hôm sau tôi ra Quốc Lộ 13 đón tàu về Lai Khê. Trước khi chia tay, một chiến sĩ nói với tôi:

– Ở đây bãi đáp duy nhất cho trực thăng là một khoảng dài độ hai chục cây số trên Quốc Lộ 13. Vì hai bên là rừng cao su, trên khoảng hai chục cây số đó, trực thăng tự do đáp bất cứ ở đoạn nào. Nếu vừa đáp mà bị pháo kích thì bốc lên bay đến đáp chỗ khác rồi… chỗ khác nữa… mình sức người không thể nào chạy theo kịp tàu bay. Muốn đón tàu đi cho được thì phải làm sao gần tàu. Mà hễ gần tàu thì lại sợ pháo kích, vì phần đông chúng chỉ pháo khi nghe trực thăng đến nên… chua lắm…

Tại Quốc Lộ 13, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ, bao nhiêu lần trực thăng đáp mà tôi vẫn không làm sao chạy theo kịp để đi được, vì lần nào cũng thế, trực thăng đáp, tôi chưa kịp chạy đến, thì vì…. pháo kích nó đã bốc lên vội bay đến nơi khác. Tôi lại quay đầu chạy theo, thì lại cũng vì pháo kích mà nó cũng bốc lên bay đi nơi khác nữa. Lúc bấy giờ tôi tưởng như mình đã trở thành lực sĩ “Marathon.”

Đến 17 giờ, tôi lại đứng chung với một nhóm thương binh của Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Họ nằm đây, trên trời, dưới đất mà chờ trực thăng đến tải thương, trong số đó có vài người đã chết vì không chịu nổi. Gần đó, một cái mền hoa trải rộng ra trên mặt l làm dấu cho trực thăng đáp, vì nếu ở đây mà dùng khói màu thì được coi như… gián tiếp chỉ điểm bãi đáp cho Việt Cộng. Hai chiếc trực thăng bay đến thật thấp rồi đáp nhanh xuống, tôi cũng thật nhanh và… may mắn bước được lên tàu, nhưng… cuối cùng phải bước xuống nhường chỗ của mình để có thể chở thêm được một thương binh.

Loại trực thăng võ trang này chở tối đa 12 người ngồi, vậy mà chỉ có 3 chiếc đã hốt gọn trên 50 thương bệnh binh vừa nằm, vừa ngồi. Tàu bốc nhanh lên, những trái pháo rơi chận hai bên quốc lộ mà tôi tưởng có thể thấy được cái cảnh “người chết hai lần.” Những người còn lại phải chạy vào rừng cao su trốn pháo kích. Tại đây, tôi gặp một xác trực thăng mang cờ Việt Nam đã cháy hết bảy chục phần trăm. Quanh đó là… bốn bộ xương người còn nguyên vẹn (Mỗi trực thăng võ trang, phi hành đoàn 4 người gồm 2 hoa tiêu và 2 xạ thủ phi hành). Một trong bốn bộ xương nằm sấp trong tư thế của người đang bơi lội.

Tôi rời nơi đây đi vào sâu hơn một chút, nhìn lên trời, từ đàng xa những chiếc trực thăng đang bốc lên, hạ xuống và đảo mình tránh né phòng không. Có lẽ nơi đó đang giao tranh? Tôi thầm cảm phục lòng gan dạ của những phi công Việt Nam hơn bao giờ hết. Nếu trong quân đội Nhật Hoàng có Phi Đội Thần Phong với những hoa tiêu trẻ, đầy gan lì, dám lao phi cơ vào tàu thủy của địch, thì trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng có những phi công mà số giờ bay hành quân cao hơn cấp bậc. Họ cũng không ngần ngại bay vào giông tố trên vùng trời đầy lửa đạn phòng không. Bãi đáp bất an ư? Vẫn đáp, vì một đại bàng gãy cánh, sẽ có mười đại bàng khác cất cánh bay lên bảo vệ vùng trời quê hương yêu quí, quyết mang đạn bom và xương máu ra để đổi lấy Tự Do. Bởi bên cạnh họ còn có một rừng người cùng chung một chính nghĩa, cùng chung một lý tưởng.

blank

Cảnh tượng những người dân vô tội thương vong nằm la liệt trên Quốc Lộ 13 vẫn còn ám ảnh tôi. Một câu mà tôi vẫn còn nhớ: “… Đường lối chiến đấu của chính phủ ta là thà để mười tên giặc chạy thoát, còn hơn là bắn lầm một người dân.” Câu nói chí lý này đã thể hiện trong hàng ngũ quân ta vào dịp Tết Mậu Thân tại Nha Trang. Địch quân đã đặt toàn bộ Bộ Chỉ Huy và hỏa lực nòng cốt dưới chân tượng Đức Phật trên một ngọn núi, cạnh đó là một ngôi chùa lớn nhất ở Nha Trang. Chùa cũng tọa lạc trên núi và cũng bị chúng dùng làm công sự chiến đấu. Đây là một cao điểm có nhiều lợi thế về quân sự cho bọn Việt Cộng trong công tác tấn công chiếm thị xã này. Trong trận này, thay vì quân ta dùng phi cơ xạ kích tiêu diệt chúng rồi sau đó sẽ xây lại tượng Đức Phật và chùa thì dễ như trở bàn tay, nhưng vì tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân, hơn nữa lúc bấy giờ còn vài vị sư sãi bị chúng quản thúc trong chùa, cho nên ta đã phải chiến đấu bằng một chiến thuật cam go hơn, mất nhiều xương máu của quân sĩ ta hơn để không mất chùa, không mất tượng Phật, không mất mấy vị sư sãi của ta, và nhất là không mất lòng dân.

17 giờ, 18 giờ, rồi… 19 giờ, vẫn không nghe tiếng của trực thăng đến. Và… đêm đó tôi ngủ lại trong rừng cao su An Lộc. Sáng hôm sau thật sớm, một hợp đoàn trực thăng tải đạn đến An Lộc và tôi về lại Lai Khê bằng một trong những trực thăng thênh thang đó. Khi về Biên Hòa, tôi vẽ lại một bản đồ chỉ chỗ phi cơ trực thăng lâm nạn trình lên Đại Tá Tường, tư lệnh phó Sư Đoàn 3 Không Quân, và kết quả là nội nhật hôm đó toán tìm cứu của Sư Đoàn 3 Không Quân đã lên An Lộc đem bốn bộ xương người về. Rồi khi về đến Sài Gòn, tôi cũng trình luôn chuyện “Người lính Không Quân tử thủ An Lộc 68 ngày không lương.” Sau đó Ban Quân Pháp của Không Quân (Thiếu Tá Thư) làm mọi thủ tục và… Binh Nhất Lê Nhâm Thình cũng đã trở về lại với gia đình Không Quân.

https://www.nguoi-viet.com/ cuu-chien-binh/chuyen-nhung- nguoi-linh-tu-thu-loc/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Ba 2024(Xem: 180)
Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu
04 Tháng Ba 2024(Xem: 161)
"Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, quan trọng đối xử sao để vợ trở thành một thiên thần hay thành mụ phù thủy"
16 Tháng Hai 2024(Xem: 300)
Nhưng em không hề biết mấy giọt nước mắt của tôi đã rớt trên mái tóc dài của em ... thương lắm
16 Tháng Hai 2024(Xem: 276)
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa
06 Tháng Hai 2024(Xem: 321)
Hãy động viên con cố gắng hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là được.
06 Tháng Hai 2024(Xem: 337)
nên viết lại kỷ niệm của tôi , để chia xẻ một vài cảm xúc của một thời còn khỏe mạnh, còn hăng say
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 346)
Đời người bao nỗi vân vi Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 660)
người Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn là bộ đội, cán ngố, và người Hà Nội vào cướp đất, chiếm nhà của người Saigon …
04 Tháng Mười 2023(Xem: 1216)
Nữ danh ca KIM ANH. Cô Kim Anh đã một thời lừng danh trên sân khấu Thanh Minh đóng cặp chung với anh Út Trà Ôn.
18 Tháng Chín 2023(Xem: 1209)
đã không cho phép ngoại trưởng Blinken và tôi cùng chạy đến quán Liên Hương, để thưởng thức món bún chả nổi tiếng mà ông Barack Obama
28 Tháng Tám 2023(Xem: 1378)
Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.
27 Tháng Tám 2023(Xem: 1045)
Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về. Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
18 Tháng Tám 2023(Xem: 1230)
Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào
05 Tháng Tám 2023(Xem: 1233)
Bão tố từ trong em, trong chị, trong con ngựa đá chỉ có do sự tưởng tượng thi vị của dân làng ven sông.
31 Tháng Ba 2023(Xem: 1564)
Với sứ mệnh chăm sóc đời sống tinh thần Quý khán thính giả gần xa. Nội dung xuyên suốt là những câu chuyện, những bài học từ cổ chí kim, Lúa Vàng mong muốn chia sẻ với Quý vị
21 Tháng Ba 2023(Xem: 1858)
Ngày mất nước, Miền Nam có 17 triệu rưỡi người. Tất cả mọi người đều chịu thảm cảnh, thảm hình. Truyện về kiếp của từng ấy người, gom cả lại, chẳng đã thành một truyện dài ư?
12 Tháng Ba 2023(Xem: 2106)
Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường. Nhớ nụ hôn ngọt mềm: "Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng..."
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2754)
Cái kỳ cục của người Sài-Gòn, sao mà nghe nó rất dễ thương cũng như đặc trưng cái giọng điệu quá mộc mạc
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2411)
Không có ai trong số họ được thần thánh hóa, kể cả lãnh đạo. Nãy giờ tao nói vậy mày đã hiểu ra chưa?
31 Tháng Mười 2022(Xem: 2264)
Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu.
17 Tháng Năm 2022(Xem: 3946)
Vì vậy, khi đã biết sử, ta không thể sống tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công, vì cha ông ta, cách đây mấy trăm năm đã sống có nhân cách, sống tử tế, sống lương thiện.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3882)
câu vọng cổ của đào hoặc kép đã làm nãy sanh ra cái nét riêng của ngôn ngữ cải lương mà người yêu mến phải chấp nhận để thấy cái hay của cải lương.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3742)
Bấy nhiêu đó cũng khẳng định được rằng bài Tình Anh Bán Chiếu xứng đáng là "bài vọng cổ vua" của làng cổ nhạc miền Nam Việt Nam thời ấy và tận đến bây giờ.
12 Tháng Tư 2022(Xem: 4012)
Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
08 Tháng Tư 2022(Xem: 3599)
Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?
02 Tháng Tư 2022(Xem: 3785)
Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
15 Tháng Hai 2022(Xem: 3908)
Không lẽ những con người bình thường như con trai lại không có đất tồn tại hay sao.
11 Tháng Hai 2022(Xem: 4487)
Chuyện ma tại trường trunghọc Gia-Hội hiện nay vẫn còn ăn sâu trong óc tôi, không bao giờ quên được!
06 Tháng Hai 2022(Xem: 3710)
nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.
20 Tháng Giêng 2022(Xem: 3758)
Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất.
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4918)
Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4620)
Chỉ biết rằng họ là những Anh Hùng Mũ Xanh QLVNCH cùng những cái chết thầm lặng nhưng vô cùng can đảm và oai hùng. Những ai đã chết vì Sông Núi
22 Tháng Tám 2021(Xem: 5075)
Ký ức của chúng ta rồi có quên đi những ngày tháng này? Lịch sử dịch bệnh có ghi lại nỗi sợ, nỗi lo của chúng ta hay chỉ để lại những con số thống kê?
24 Tháng Bảy 2021(Xem: 5668)
Bên tách cà phê vớ ở cà phê lá me, gã thất tình bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia sẻ nỗi buồn riêng
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6146)
cũng vì chủ rạp bán vé quá tải. Ở Mỹ bây giờ mua vé online không phải sắp hàng, tới nơi chỉ đưa smartphone ra là xong.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 4675)
Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 5140)
tưởng nhớ Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến với lời tri ân “ Các anh hùng đã chết để chúng ta được sống “
09 Tháng Sáu 2021(Xem: 5505)
. Lâu lâu nhớ đến ông, nước mắm thắm duyên nhau mà ông Sáu, tôi vẫn hình dung ra được ông bận đồ ta trắng, tóc búi tó, như một ông tiên mà không cần thi ca đánh bóng.
27 Tháng Tư 2021(Xem: 7248)
Hơn nữa Tướng Trà phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của Tổng Tham Mưu
27 Tháng Tư 2021(Xem: 6349)
nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tướng Đảo, tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp đánh bại được những cuộc tấn công của quân CSBV trong những ngày đầu tiên.
22 Tháng Ba 2021(Xem: 6293)
nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa
23 Tháng Hai 2021(Xem: 5677)
Những mảnh đời méo mó qua những mẩu đối thoại thô tục (thượng dẫn) của những kẻ may mắn sống sót đến được bến bờ, cùng với oan hồn của hàng triệu sinh linh
03 Tháng Hai 2021(Xem: 5365)
Và tôi lại nghĩ: bọn… ’đỉnh cao trí tuệ’ này không tình không nghĩa, hữu thủy vô chung, tiền hậu bất nhứt. . . thì làm gì biết được Tiết Nhơn Quí là ai?“.
16 Tháng Giêng 2021(Xem: 5492)
Sợ không còn đủ tỉnh táo để viết nên điều gì ra hồn, chỉ mong đây là những cảm nghĩ rất thật về một giọng hát mà người đời sẽ tiếc nhớ khôn nguôi
11 Tháng Giêng 2021(Xem: 5260)
thì tôi cũng đã có một nhìn nhận rõ ràng hơn về cái giới mà nhiều người cho là, hoặc tự họ cho là tinh hoa, ở Việt nam.
17 Tháng Chín 2020(Xem: 7657)
binh nghiệp của mình đi lên từ cấp bậc “binh ba”, ông bảo: “Các anh nên hãnh diện đang có một người chỉ huy như thế!”
23 Tháng Tám 2020(Xem: 7329)
Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó