11:34 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Hồi ký cuộc vượt biển cuối tháng 3 năm 75 - Hồng Vũ

01 Tháng Tư 201911:29 CH(Xem: 8970)

  Hồi ký cuộc vượt biển cuối tháng 3 năm 75

                                                                            

                                                                                     

Đầu tháng 7, 2016 vừa qua, tôi đi thăm Hải một người bạn ở Melbourne  thuộc tiểu bang Florida, tôi rất mừng khi gặp lại anh, bạn tôi từ bên Đức sang thăm mẹ và các em cư ngụ tại đây. Tôi đến ở chơi với Hải trong condo của Huệ em Hải ngay sát mặt biển. Buổi chiều hôm ấy, hai người ngồi ngoài bancony nhâm nhi ly rượu mạnh ôn lại chuyện xưa, khi đưa mắt nhìn ra đại dương xanh lơ bát ngát, tôi mơ màng nhớ lại cuộc vượt biển của tôi từ Đà Nẵng về Sàigon cách đây hơn 41 năm, tôi đem câu chuyện kể lại cho Hải nghe, đang kể thì anh bảo tôi ngừng lại, rồi khuyên tôi nên viết hồi ký về cuộc vượt biển ly kỳ này. Sau khi trở về nhà tôi đã suy nghĩ trong nhiều ngày, cố moi lại trong trí nhớ những gì đã xẩy ra hơn 41 năm về trước, tôi quyết định viết hồi ký này.

Cuối tháng 3 năm 1975, sau khi Ban Mê Thuật thất thủ, tình hình chiến sự tại vùng 1 bắt đầu sôi động. Các Sư Đoàn 1,2,3; Lữ Đoàn Nhẩy Dù; Lữ Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến ; các Liên Đoàn Biệt Động Quân; các Liên Đoàn Địa Phương Quân; các Tiểu Khu; Chi Khu; đều được báo động để chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với quân đội chính quy Bắc Việt. Lúc ấy đơn vị tôi, Đại Đội 1/ Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 57/ Sư Đoàn3 BB đang đóng quân hoạt động bên kia cầu Giao Thuỷ thuộc quận Đức Dục, tỉnh Quảng Nam, mặt trận tại đây tương đối nhẹ vì lực lượng Việt Cộng tại đây đa số là du kích địa phương.

Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy là ngày 28 tháng 3 năm 1975, tôi đang đóng quân cùng Trung Đội 1 tại mấy căn nhà bỏ hoang, cạnh con đườngi độc nhất dẫn đến quận,thì vào khoảng 5 giờ sáng người lính mang máy truyền tin đánh thức tôi dậy, đưa ống lien hợp cho tôi rồi nói:

-Thiếu Úy Đại Đội trưởng muốn nói chuyện với ông

-Thanh Tâm, đây Thanh Tâm 1 tôi nghe.

(Thanh Tâm chỉ danh truyền tin của Đại Đội trưởng)

(Thanh Tâm 1 chỉ danh truyền tin của Đại Đội phó)

-Thanh Tâm 1, anh cho con cái gọn ghẽ, rồi Zulu về gặp gia đình ở Gama-Tango.

(Zulu: Rút quân, Gama-Tango: Giao Thủy, đây là những ám ngữ dùng trong truyền tin)

-Nhận được 5/5 Thanh Tâm.

Tôi cũng xin nói rõ về chỉ danh truyền tin trong nội bộ Tiểu Đoàn: Thanh Thúy là chỉ danh truyền tin của Tiểu Đoàn Trưởng; Thanh Hằng Tiểu Đoàn Phó; Thanh Tâm Đại Đội Trưởng Đại Đội 1; Thanh Nga Đại Đội Trưởng Đại Đội 2; Thanh Tuyền Đại Đội Trưởng Đại Đội 3; Thanh Vũ Đại Đội Trưởng Đại Đội 4; các Đại Đội Phó thêm số 1 vào chỉ danh của Đại Đội Trưởng, các Trung Đội Trưởng cũng có chỉ danh truyền tin riêng tùy theo từng Đại Đội.

Tôi ra lệnh cho Trung Đội di chuyển từng người một, với khoảng cách an toàn tối đa, vì tôi biết trước địch sẽ bắn sẻ và pháo kích vào chúng tôi. Trời vừa hừng đông, du kích từ những bụi cây sát bìa làng bên phải con lộ bắt đầu bắn sẻ chúng tôi. Đoành… đoành… tắc…tắc…tắc  tiếng súng CKC, súng trường báng đỏ, súng tiểu liên AK nổ khô khan từng hồi, thỉnh thoảng lại ầm… ầm  địch pháo kích thêm bằng súng cối 61 ly, nhưng không chính xác, nếu những ai đã từng kinh nghiệm bị bắn sẻ, sẽ thấu đáo được nỗi sợ ghê gớm này. Tuy nhiên ở một xạ trường khá xa, mục tiêu lại di động, và du kích không phải là những tay súng chuyên nghiệp nên chúng tôi vô sự, chỉ có một điều là Trung Đội nhận được lệnh Zulu gấp, nên chúng tôi không có dịp tác xạ phản công. Trên lộ trình tôi tình cờ nhặt được một cái áo giáp của đơn vị pháo binh đi trước vứt bỏ lại trên mặt đường, tôi vội mặc vào rồi tự nghĩ rằng: “mình sẽ được an toàn hơn”, nhưng thật nực cười, sau khi đi được một quãng, tôi lại cởi ra vứt bỏ nó, vì vừa nặng vừa nóng làm tôi khó chịu và đi chậm hẳn lại, lính trong Trung Đội đã vượt tôi khá xa, thôi thì đành phó thác số mạng cho ông trời, Xin Thượng Đế phù hộ chúng tôi.

Cầu Giao Thủy bắc ngang sông Thu Bồn là mục tiêu chính của cộng quân tại vùng này, các ông Địa (Địa Phương Quân) gác cầu cho chúng tôi biết địch pháo kích vào đây hàng ngày, với ý định phá hủy chiếc cầu này dể chặn đường chuyển quân và tiếp liệu của ta cho quận Đức Dục. Nhưng mãi cho đến ngày hôm nay, chúng vẫn chưa thực hiện được, đúng như lời cổ nhân nói: (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên).

Tại địa điểm tập họp bên kia cầu, Đại Đội được Tiểu Đoàn điều động lên bốn chiếc GMC nhà binh ở giữa một đoàn xe quân vận, gồm mấy chục chiếc có lẽ dùng để di chuyển cả Trung Đoàn và Tiểu Đoàn pháo binh cơ hữu mà tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ còn nhớ xe trước xe tôi là của pháo binh, có kéo theo một khẩu đại bác 105 ly. Đoàn xe vừa lăn bánh, du kích cũng bắt đầu bắn xối xả từ hai bên đường. Tiếng súng đủ loại nổ vang rền như pháo Tết nhắm vào đoàn xe, nghe tiếng đạn xoáy đi trong không khí khiến tôi thấy rợn tóc gáy. Tài xế đạp lút chân ga, chiếc xe gầm lên như con thú dữ bị thương, và phóng như bay, như muốn tránh khỏi cơn mưa đạn của địch trên con đường đầy ổ gà và bụi đất, các binh sĩ ở hai bên hông trong xe cố gắng tác xạ phản công. Bỗng một viên đạn lọt qua thành xe kết liễu mạng sống của Văn, hiệu thính viên của Đại Đội, tội nghiệp cho Văn, đáng lẽ anh phải đi theo Đại Đội Truởng, không biết tại sao lại đi cùng chúng tôi nên bị tử thương, đúng là số mạng, trời kêu ai nấy dạ.

Đột nhiên một tiếng nổ lớn ở phía trước, du kích xử dụng B40 bắn vào đoàn xe, chiếc xe trước tôi hai xe thình lình xoay ngang chắn một phần con đường, không biết vì xe trúng đạn, hay vì tài xế sợ quá nên lạc tay lái. Đoàn xe phải dừng lại, binh lính nhẩy xuống như ong vỡ tổ, họ nằm dọc theo bờ ruộng để tránh đạn và bắn trả về phía địch. Tôi nhìn về phía bên trái con đường, thấy Thiếu Úy Thạch Đại Đội Trưởng đang dẫn toán xung kích xông vào bìa làng, tiếng súng M16, M79 xen lẫn với Ak nổ ròn rã. Phía bên tôi địch bắn tiếp hai quả B40 nhưng không trúng mục tiêu, đạn bay qua đầu nổ tung trên đám ruộng khô bên kia con đường, đang trong tình trạng tiến thối lưỡng nan, một Trung Úy pháo binh và hai pháo thủ trên xe phía trước đã xử dụng khẩu đại bác 105 ly tác xạ thẳng vào làng, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến pháo binh trực xạ, vì trực xạ nên tầm đạn ngắn tiếng nổ thật kinh hoàng và chính xác, địch đã im tiếng súng, chắc chắn chúng đã về chầu bác.

Trung Đội phải đi bộ một đoạn đường ngắn, khi đi qua nơi pháo binh vừa trực xạ, tôi nghe có tiếng kêu: Ai đó cứu tôi với.

Binh lính không ai dám vào, vì một phần trời đã tối, một phần không biết là bạn hay địch, và cũng thể đó bẫy của du kích để dụ quân ta vào. Nếu anh thuộc đơn vị bạn, xin anh thông cảm và tha lỗi cho chúng tôi, chiến tranh đã tạo cho con người trở thành đầy đa nghi và bất nhân. Đơn vị chúng tôi về đến quận Đại Lộc và đóng quân nghỉ chân tại đây, tương đối chúng tôi được một đêm yên tĩnh.

5 giờ sáng ngày 29 đoàn quân rời bỏ quận Đại Lộc di tản về Đà Nẵng, Trên đường đi thật ồn ào và vô trật tự, dân chúng già trẻ, lớn bé thất thểu gồng gánh đủ mọi thứ đi theo những đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa quân. Trong đám quân dân hỗn loạn này, tôi chợt thấy Đại Tá Vinh Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 57 cùng một số sĩ quan tham mưu tháp tùng ông, sắc mặt ông trông thật ưu tư, chỉ có một điều lạ là hôm nay địch không bắn quấy phá và pháo kích chúng tôi nhiều như ngày hôm qua.

Tôi không nhớ rõ thời gian đi là bao lâu, nhưng khi ra tới Quốc Lộ 1 thì trời đã xế trưa, Đại Đội hoàn toàn bị tản lạc, bây giờ chỉ còn lại tôi, Trung Sĩ Sơn và binh nhì Thảo, chúng tôi chưa biết phải đi đâu và trong lúc bối rối, thì tình cờ gặp Trung Úy Phước Đại Đội trưởng Đại Đội chỉ huy, Thiếu Úy Sáu ban hai Tiểu Đoàn, Chuẩn Úy Bê Đại Đội 4. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, bất ngờ trong lúc ấy Trung Úy Phước trông thấy chiếc GMC của Tiểu Đoàn chạy ngang, ông vẫy tay  ra dấu, may quá tài xế nhận ra ông nên cho xe dừng lại, mọi người cùng leo lên. Trong lòng xe tôi đã cởi bỏ chiếc áo đang mặc, bây giờ trên người tôi chỉ còn chiếc áo thun, quần lính và đôi giầy đi trận, tôi lại may mắn tìm được một hộp trái đào trong phần ration C của Mỹ, mùi thơm trái đào và vị ngọt của đường làm tôi tỉnh táo hơn. Tài Xế đưa chúng tôi đến nhà Đại Úy Nguyễn Thanh Nhạc, Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Nhạc cho biết ông sẽ ở lại Đà Nẵng, Trung Úy Phước quyết định ở lại với ông, còn lại 5 người chúng tôi, ông cho tài xế đưa ra bãi biển Sơn Chà. Khi xe chạy ngang Tổng Y Viện Duy Tân, lòng tôi bỗng trùng xuống, khi thấy những thương binh nhẹ, đang cố gắng chen lấn nhau để tìm đường ra bãi biển trông thật thảm hại và đáng thương. Tôi hy vọng trong số thương binh này không có người bạn cùng khóa, Thiếu Úy Nguyễn Hữu Thịnh đã điều trị tại đây mấy tháng trước, những người bị thương nặng còn nằm lại, thật tội nghiệp cho họ, họ đã bị bỏ rơi, chắc chắn giờ này không còn ai ở lại chăm sóc cho họ nữa, xe ngừng lại ở bãi biển Sơn Chà, Chuẩn Úy Bê đổi ý theo xe trở về Đà Nẵng.

Vừa bước xuống xe, trước mắt tôi một cảnh tượng hỗn loạn, kinh hoàng khiến tôi vô cùng thất vọng nản chí, sờn lòng, bờ biển tràn ngập người đông như một đám kiến đói bu quanh cục đường. Cách bờ một khoảng khá xa một chiếc xà lan đầy nghẹt lính và dân dưới ánh nắng gay gắt, nóng bỏng của mặt trời mùa hè, họ đã chịu đựng mọi gian khổ, quên cả tính mạng đang bị nguy hiểm bởi đạn pháo kích của Việt Cộng, họ chỉ hy vọng được tàu Hải Quân vào kéo ra, để thoát khỏi một thành phố bị bỏ rơi với đầy cướp bóc, đe dọa và hận thù. Tuy vậy từ trong bờ vẫn có nhiều người cố liều bơi ra xà lan, đa số là lính.

Tôi đứng lớ ngớ nhìn một xác chết cháy đen vì đạn pháo kích, thì mấy người kia bỏ đi đâu mất, tôi vội vàng đi tìm họ, trong lúc lang thang trong đám đông, tình cờ tôi gặp một bác gái người Huế cùng ba người con, hai trai, một gái, người anh cả là một Thiếu Úy Địa Phương Quân (không nhớ tên), tôi ngồi xuống làm quen và được bác cho một bát cơm nguội cùng ít ruốc khô, một bát cơm mà tôi không bao giờ quên. Bác cho biết gia đình bác từ Huế vào để tìm đường về Nha Trang, vì bác có người em là Trung Tá ở đó, tôi có hứa với bác sẽ cùng các con bác tìm cách đưa gia đình về Nha Trang.

Ở sát cạnh bờ biển có một bến cảng, có lẽ để những tàu buôn nhỏ đến xuống hàng hoá, tại đây tương đối ít người hơn, nên tôi và anh Thiếu Úy mới quen đã gặp lại Thảo và Thiếu Úy Sáu. Chúng tôi đang mừng rỡ nói chuyện với nhau, thì thình lình một chiếc tàu nhỏ chạy ngang, Thảo bắn vội vài phát súng chỉ thiên ra lệnh cho tàu vào sát bờ, rồi cùng Thiếu Úy Sáu và một quân nhân nữa nhẩy xuống. Tôi chưa có quyết định gì thì tàu quay trở lại, tôi nghe tiếng Thảo hối thúc:

-Nhẩy xuống mau Thiếu Úy.

Không còn lựa chọn nào hơn, tôi cùng anh bạn mới quen liều mạng nhẩy xuống, cũng may là từ bờ thành trên bến cảng xuống tàu khá cao, nên nhiều người đứng đó không dám nhẩy theo, thử tưởng tượng mọi người cùng nhẩy xuống chiếc tàu chắc chắn sẽ chìm, thật hú vía. Tàu vội vàng chở chúng tôi ra xa bờ, tuy tàu nhỏ, nhưng phòng lái trong phòng tàu có thể chứa khoảng được hơn mười người, ông chủ tàu (không nhớ tên, xin gọi là bác Hai) cho biết, tàu này không vượt biển được, rồi đưa chúng tôi tới chiếc xà lan neo gần đó. Thảo và Thiếu Úy Sáu vội vàng leo lên, nhìn tình trạng vô hy vọng và cảnh chen chúc hỗn độn trên xà lan, tôi thấy ớn xương sống nên quyết định ở lại tàu, không biết sau này số phận của chiếc xà lan ra sao, cầu xin Thượng Đế cứu vớt họ.

Gia đình bác Hai ngoài hai vợ chồng còn hai cô con gái, cô chị đang mang thai, bác Hai cho tôi biết gia đình bác ở Đà Nẵng, bác chở gia đình ra xa bờ để tránh pháo kích, tối nay bác sẽ trở vào bờ để về nhà. Tôi nói với bác hai: Tôi là quân nhân không thể vào bờ được, từ giờ phút này bác phải theo lệnh tôi, nếu không tôi sẽ dùng võ lực. Bác Hai thấy tôi còn khẩu M16 nên không chống đối, anh Thiếu Úy mới quen cũng đồng ý và anh cũng không quên nhắc lại lời hứa của tôi, thật là há miệng mắc quai, chỉ vì một lúc hứng chí, một lời hứa xuông mà bây giờ tôi không biết xử sự ra sao? Tôi bỗng nghĩ ra một ý kiến, tôi hỏi anh:

-Anh có biết bơi không?

Anh trả lời:

-Tôi biết, nhưng không bơi xa được.

Tôi chỉ cho anh một bờ đá nhô ra ở tận cuối bến rồi nói:

-Tôi sẽ cho tàu vào gần bờ, anh bơi vào đưa gia đình đến đó, chúng tôi sẽ đến đón.

Anh còn đang đắn đo do dự thì trời giúp anh, một chiếc ghe nhỏ trên có hai mẹ con đương chèo hướng vào bờ, chúng tôi cho tàu chạy theo rồi nhờ chị đưa anh vào, khi anh đưa gia đình đến đó, chúng tôi đã đưa tàu vào đón gia đình anh cùng Trung Sĩ Sơn mà không gặp trở ngại nào. Trời bắt đầu về chiều, Việt Cộng cũng bớt pháo kích, chắc chúng đã hết đạn, hay vì trời sắp tối, nên chúng muốn để dành tới ngày mai. Chúng tôi chưa có quyết định gì, thì bỗng lúc ấy trên mặt biển có một đoàn chiến hạm đang xuôi về Nam, đèn chiếu sáng một góc trời. Tôi ra lệnh bác Hai cho tàu chạy theo tới đâu hay tới đó, đang chạy được một khoảng ngắn, thì một chiếc ghe máy xả hết tốc lực đuổi theo, trên ghe có một người đàn ông đang kêu chúng tôi, chúng tôi dừng lại cho anh lên, thì ra anh là một Quân Cảnh con rể của bác Hai. Tôi thầm nghĩ: “anh này thật may mắn”, cũng xin nói thêm là bác Hai có mang theo gạo và nước uống dự trữ, nên cũng tạm thời cho mọi người tạm thời qua ngày.

Đêm hôm đó, tất cả thay phiên nhau giữ tay lái đi theo đoàn chiến hạm, vì như thế chắc chắn sẽ không bị lạc hướng, chúng tôi đi theo cho đến khi không còn thấy ánh đèn nữa. Chung quanh bây giờ tối đen như mực, bác Hai tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu, con tàu trôi bồng bềnh không định hướng, trong màn đêm giữa đại dương bao la, tiếng sóng đập nhẹ vào thân tàu, gió biển hiu hiu mát, cùng với sự mệt mỏi rã rời của thể xác sau hơn hai ngày căng thăng và thiếu ngủ, tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Đang say sưa mơ màng trong giấc điệp, thì bác Hai đánh thức tôi dậy, trời vừa tờ mờ sáng. Bác nhìn tôi trong nỗi tuyệt vọng và giọng bác run run:

-Chúng ta bị lạc giữa biển rồi Thiếu Úy ơi.

Tôi nhìn ra ngoài, chỉ thấy đại dương bát ngát một mầu xanh, một màu xanh biển thật đẹp nhưng trong đó lảng vảng bóng tử thần, vì nếu đã bị lạc trên biển con tàu sẽ trôi mãi, cho đến khi hết thức ăn và nước uống, lúc đó chắc chắn tất cả không ai thoát được cái chết. Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói với bác Hai:

-Bác hãy bình tĩnh đừng quá lo, chờ lúc mặt trời lên tôi sẽ định lại phương hướng.

Đang ngồi trầm lặng cố nhớ lại phương hướng trên bản đồ, thì bất chợt tôi bỗng nhớ lại quy luật quốc tế về bản đồ, khi nhìn bất cứ bản đồ nào, trước mặt sẽ là hướng Bắc; sau lưng hướng Nam; tay phải hướng Đông; tay trái hướng Tây, nếu áp dụng quy luật này vào bản đồ nước Việt Nam, chắc chắn hướng Tây sẽ là bờ. Đợi khi mặt trời vừa ló dạng, tôi nói với bác Hai cho tàu chạy ngược hướng mặt trời, đúng như tôi dự đoán, chỉ một lúc sau chúng tôi đã thấy bờ, bây giờ lấy hướng Đông làm chuẩn, chúng tôi cho tàu chạy song song với bờ biển về hướng Nam. Trên đường tàu gặp một ghe đánh cá, người đàn ông trên ghe cho biết nơi đây thuộc hải phận tỉnh Quảng Tín và khuyên chúng tôi đừng vào bờ, vì tỉnh Quảng Tín đã bị Việt cộng chiếm, như vậy cả đêm hôm qua tàu chỉ vượt được một khoảng đường ngắn, vì Quảng Tín – Đà Nẵng cách nhau không xa.

Hôm nay là ngày 29 tháng 3, con tàu tiếp tục đi mặc dù không biết còn đi được đến đâu, vì dầu cặn chạy máy tàu sắp hết, ngày sắp tàn, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, giữa biển cả bao la bát ngát, bây giờ chỉ còn con tàu nhỏ lênh đênh trong cô đơn và tuyệt vọng. Nhưng cám ơn trời, bỗng ở đâu một chiếc tàu đánh cá chạy ngang qua, tôi vội nổ mấy phát súng chỉ thiên và ra lệnh cho tàu ngừng lại, trên có hai em nhỏ chừng mười lăm mười sáu tuổi nhà ở Qui Nhơn, hai em cho biết Qui Nhơn cũng đã thất thủ, hai em định mang tàu vào Đà Nẵng chở dân tỵ nạn kiếm tiền. Chúng tôi liền khuyên các em không nên đi, vì khi vào Đà Nẵng các em sẽ bị cướp tàu, khi thấy trên tàu có phuy dầu cặn, bác Hai đề nghị mua lại và hỏi đường về Nha Trang, các em giúp bác Hai chuyển dầu sang tàu và một em tình nguyện đưa chúng tôi về Nha Trang vì em có địa bàn đi biển ban đêm, với điều kiện khi tới cho em tiền để mua vé xe đò trở lại Qui Nhơn. Em hướng dẫn chúng tôi đến cù lao Hòn, tình hình trên cù lao (một đảo nhỏ giữa biển) vẫn yên tĩnh, nên chúng tôi được ngủ một đêm bình yên tại đây. Buổi sáng ngày 30 trước khi tiếp tục cuộc hành trình về Nha Trang, chúng tôi thong thả lên bờ vào một quán nhỏ, uống ly cà phê ăn bát mì gói, thật là thần tiên.

Tối ngày 31 tháng 3, sau gần hai ngày khởi đi từ cù lao Hòn, tầu đã đến hải cảng Nha Trang, vừa lên bờ, chúng tôi đã không cầm được nước mắt, đã đau lòng và xót xa khi nhìn thấy cảnh hàng trăm xác chết nằm chồng chất bừa bãi lên nhau, đa số là trẻ em bị chết khát, hay chết vì bị thương trên các xà lan từ Huế, Đà Nẵng vào được vứt xuống tại đây, có những xác đã rữa nát, ruồi bu ròi đục, mùi hôi thối làm ngộp thở và buồn nôn, chiến tranh thật tàn ác, tội nghiệp cho những nạn nhân vô tội này cùng gia đình của họ. Sau khi chia tay, anh Thiếu Úy Địa Phương Quân rất điệu nghệ, dúi vào tay tôi 1000 đồng  rồi hứa sẽ nhờ ông cậu kiếm dầu giúp cho chúng tôi, dĩ nhiên tôi chẳng hy vọng gì vào lời hứa này, nhưng tôi  không quên nói lời cám ơn. Tất cả mọi người lên bờ, gia đình bác Hai đã đãi chúng tôi một bữa cơm tại một quán ăn gần đó, sau hơn ba ngày chỉ có cơm trắng và nước lạnh cầm hơi, tôi đã được ăn một bữa cơm ngon nhất trong đời, sau đó lại còn được tắm gội sạch sẽ, thật là không còn gì hạnh phúc hơn. Lúc trở lại tàu Trung Sĩ Sơn lấy cắp được một chiếc ghe nhỏ, âm thầm một mình chèo ra một chiến hạm đậu gần đó, cho đến ngày hôm nay khi ngồi viết hồi ký này, tôi cũng không hiểu tại sao bác Hai không dùng tàu chạy ra chiến hạm như Trung Sĩ Sơn đã làm.

Buổi sáng ngày 1 tháng 4, chúng tôi ra quán uống cà phê, đồng thời nghe ngóng tình hình, khi trở về thì thấy có rất đông người đổ xô đến đây, đa số trong tình trạng hoang mang lẫn sợ hãi, khi nghe tin thành phố Nha Trang bị bỏ rơi, họ chen lấn la hét ồn ào, ai ai cũng muốn được vào trong bến. Chúng tôi phải cố gắng len lỏi mãi mới vào đến cổng, Quân Cảnh canh gác tại cổng được lệnh cấm không cho bất cứ ai vào, nhưng họ biết chúng tôi từ vùng 1 đến đây đêm hôm qua, nên họ không làm khó dễ, thật là may mắn.

Bây giờ toán người khởi thủy lên tàu ngày 29 tháng 3 chỉ còn lại tôi, một quân nhân (không nhớ tên) và gia đình bác Hai. Bác Hai còn đang suy nghĩ và chưa có quyết định gì, bất chợt xuất hiện một chiếc tàu buôn kéo hai xà lan đầy người vào bến, một người đàn ông đi lên hỏi thăm tin tức trong bến, chúng tôi cho ông biết hải cảng đã bị phong tỏa. Khi thấy bác Hai có chiếc tàu nhỏ, ông nói, ông là chủ chiếc tàu buôn và đề nghị sẽ kéo chúng tôi về Vũng tàu với một điều kiện, sẽ xử dụng tàu của bác làm phương tiện chuyển nước cho hai xà lan. Chúng tôi mừng quá, giống như người sắp chết đuối gặp được chiếc phao, đây đúng là Thượng Đế đã an bài. Đoàn tàu rời Nha Trang trực chỉ hướng về Vũng Tàu, trên đường đi mặc dù đã rất nhiều lần chúng tôi giúp chuyển nước, nhưng không đủ vì hai xà lan quá đông người, vì thế chúng tôi đã được chứng kiến cảnh lấy nước can đảm chưa từng thấy, những thanh niên gày gò trên mỗi vai mang một bọc nylon khá lớn, dùng cả hai tay hai chân bám chặt vào sợi giây cáp nối liền xà lan với tàu rồi từ từ đu xuống, khi mang nước về thì thật là một cố gắng vượt ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ họ phải dùng hết sức để leo ngược lên trông thật đáng thương và nguy hiểm vì những bao nylon nước nặng trĩu trên vai, nhất là những người ở xà lan thứ nhì, họ phải xuống và trở về gấp đôi đoạn đường, nếu ai sơ ý tuột tay hoặc đuối sức bị rơi xuống biển, chắc chắn sẽ không có cách gì cứu được, và sẽ bị vùi xác dưới đại dương sâu thẳm, đến xế chiều biển bắt đầu động mạnh, đoàn tàu phải tạt vào vịnh Cam Ranh để tránh bão và nghỉ đêm tại đây.

Ngày 2 tháng 4, đoàn tàu rời vịnh Cam Ranh, nhưng bây giờ chỉ còn lại một chiếc xà lan, chiếc thứ nhì đêm hôm qua đã trôi đâu mất, vì biển động làm sóng lớn nên giây cáp bị đứt, chúng tôi thấy xót xa cho số phận không may của những người trên chiếc xà lan xấu số này, cầu xin bề trên phù hộ cho họ được bình an. Trên đường về Vũng Tàu trời nổi cơn bão lớn, biển động mạnh hơn, từng cơn cuồng phong mang những đợt sóng lớn, đập vào tàu như muốn nhận chìm con tàu nhỏ bé, đáng thương vào lòng đại dương, đang trong tình trạng tuyệt vọng chờ chết, thì phép lạ đã đến, một thương thuyền khổng lồ (không nhớ tên) từ hải ngoại về ngang qua đã cứu đoàn tàu và chúng tôi.

Buổi sáng ngày 3 tháng 4, 1975 chúng tôi đến bãi sau Vũng Tàu, tất cả các tàu bè, chiến hạm đều được lệnh chính phủ tạm neo ngoài khơi chờ lệnh. Hôm nay trời quang đãng, biển trong xanh trông thật đẹp, tôi đến từ giã gia đình Bác Hai, rồi men theo cầu thang bên thành tàu xuống gần mặt biển, tại đây có những ghe nhỏ đưa vào bờ với giá hai trăm đồng một người. Lên bờ tôi đón xe lam về thị xã, trước khi vào phải qua trạm kiểm soát của Tiểu Khu, khi biết tôi di tản từ vùng 1 về họ để tôi đi tự do, nhưng không cho mang vũ khí vào tỉnh, nên tôi phải để lại khẩu M16. Tôi vào chợ Vũng Tàu ăn một bữa cơm canh chua cá biển thật ngon, rồi ra bến xe đò mua vé về Sàigon.

Tại xa cảng xa lộ Biên Hòa, tất cả các quân nhân di tản đều được đưa lên những chiếc GMC đương đợi sẵn, xe vừa đầy là tài xế lăn bánh trực chỉ về Quân Vụ Thị Trấn ở đường Lê Văn Duyệt. khi đến ngã tư Hiền Vương, Hai Bà Trưng xe phải dừng lại chờ đèn xanh, nhân cơ hội bằng vàng này, tôi vội nhẩy xuống xe và chạy nhanh qua bên kia đường. Sau bẩy ngày lênh đênh trên đại dương, từ bãi biển Sơn Chà ngoài Đa Nẵng về tới Vũng Tàu với bao niềm lo âu cùng những nguy hiểm của bão tố, tôi đã gặp thật nhiều may mắn và bao nhiêu phép lạ, cuối cùng tôi đã trở về nhà bình an vào buổi chiều ngày 3 tháng 4 năm 75, xin cám ơn Thượng Đế.

Viết xong ngày 16 tháng 9 năm 2016

                          Hồng Vũ K5/72

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                           

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 2012(Xem: 20782)
bất hạnh thay cho những kẻ ác, những kẻ lúc nào cũng muốn làm cho người khác đau khổ, buồn bực. Họ không bao giờ nhận được Tình Yêu đáp trả mà bên tai chỉ có một tiếng gọi âm vang: Vô Thường! Vô Thường!
07 Tháng Tám 2012(Xem: 18466)
Không khí bỗng lắng xuống. Mọi người đều xúc động. Kiều ngước lên, đúng vào lúc tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt của chính mình.
06 Tháng Tám 2012(Xem: 18189)
Anh cố gắng nghe em nói. Em chỉ nói một câu thôi. Em không nói được cho anh nghe thì em đau khổ suốt đời, ân hận suốt đời. Anh có thương em không? Thương em thì nghe em nói. Nghe anh! Tội nghiệp em mà anh...
01 Tháng Tám 2012(Xem: 21963)
Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt... Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến 1 thiên đường khác, và chờ ông ở đó...
31 Tháng Bảy 2012(Xem: 24282)
Người Nghệ Sĩ hiện sống giữa bầu trời, trên mặt đất quê hương, để từ đấy viết nên lời ngợi ca hồn hậu rất hiện thực mà cũng tràn đầy nhân tính..
26 Tháng Bảy 2012(Xem: 18625)
Khi đến phiên tôi vuốt mắt cho ba, nhìn khuôn mặt ba thanh thản, tôi tin là ba đã vui lòng, vì ba biết chắc rằng vợ con đã yêu thương ba, kể cả tôi, đứa con gái gần gũi với ba qua đoạn đường ấu thơ nghèo khó nhất.
26 Tháng Bảy 2012(Xem: 22390)
Tình Mẹ! Một thứ tình cảm luôn chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng;... luôn hy sinh, cam chịu trong mọi hoàn cảnh!
26 Tháng Bảy 2012(Xem: 30116)
Chúc cho những người bạn của nhau luôn cảm thấy mình hạnh phúc . Chúc những người bạn của nhau luôn tràn ngập niềm vui và luôn nở những nụ cười tươi trên môi nhé !
23 Tháng Bảy 2012(Xem: 20592)
Hôm nay, ông là một cựu chiến binh cộng sản, cựu kẻ thù của Mỹ, kẻ đã một thời từng mong tiêu diệt những lính Mỹ trên quê hương Việt Nam, theo đúng câu tuyên truyền “Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” đang chễm chệ ngồi ngay trong lòng nước Mỹ, vậy mà không hề bị họ để ý, nghi ngờ hay làm khó khăn gì cả, quả là chuyện lạ lùng.
17 Tháng Bảy 2012(Xem: 20601)
Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc kỳ
16 Tháng Bảy 2012(Xem: 21257)
Chủ Nhật, 12 tháng Tám 2012, vào lúc 12:00PM, Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH Kỳ 6 sẽ khai diễn tại sân vận động trường Bolsa Grande, Garden Grove. Xin mời đọc bài viết về những nỗ lực “tiền đại hội” của Philato
15 Tháng Bảy 2012(Xem: 22328)
Chính mỗi người phải tự quyết định phần còn lại của vấn đề mà mình gây nên. Phiên tòa khép lại với tiếng khóc nức nở của cô vợ, sự hối hận của “người anh trai” trong khi người chồng rời phiên tòa như trốn chạy
10 Tháng Bảy 2012(Xem: 24869)
Đến những giây phút cuối cùng, anh em Dù vẫn giữ vững từng tấc đất được giao phó, hoàn thành nhiệm vụ thiêu thân nút chặn để đồng bào ra đi, để được ngã gục trên thân thể của Quê Mẹ nghìn đời.
10 Tháng Bảy 2012(Xem: 20278)
Sau khi đứng lên, tôi trở thành một sĩ quan Biệt Động Quân. Qua bao nhiêu năm xông pha nơi chiến trường, rồi trầm luân trong tù ngục, tôi vẫn ghi tạc trong lòng một lời khuyên, “Thà làm một viên ngọc nát, chứ không làm một viên ngói lành!"
05 Tháng Bảy 2012(Xem: 22860)
Không biết chừng nào người dân xứ tôi làm một chuyện … động Trời - gọi là " Chuyện Bất Bình Thường " – nghĩa là cùng đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền phải làm thế nầy, phải làm thế nọ …
29 Tháng Sáu 2012(Xem: 28316)
thú vị biết bao khi trải chiếc đệm trước sân nhà, cùng bạn bè quây quần thưởng thức chén chè hạt ô môi đậu xanh nóng hổi, thơm ngát. Xa xa đâu đó vọng lại bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu nghe buồn da diết
28 Tháng Sáu 2012(Xem: 22591)
bây giờ chính những cảnh nhem nhuốc của quê hương đã kích thích chàng, xúi giục chàng quay về với quê hương và mong mỏi cho quê hương trở nên đẹp đẽ. Đời của đám dân quê đã bao lâu bị chàng thờ ơ, lạnh nhạt, bỏ quên như xác những con vờ bên sông kia, từ lâu chàng sẽ săn sóc tới.
26 Tháng Sáu 2012(Xem: 24126)
Đúng ra tôi phải tìm đến trước để nói chuyện với Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn thì mới phải lẽ ! Mong hương hồn Đại Tá xem đây là một lời tạ lỗi cuả tôi, dù có hơi muộn màng.
25 Tháng Sáu 2012(Xem: 21781)
“không có người cha hoàn hảo mà chỉ có người cha luôn dành yêu thương hoàn hảo nhất cho những đứa con của mình”, đó còn là lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ biết gạt qua chút ích kỷ cá nhân để quan tâm hơn tới cha mẹ
22 Tháng Sáu 2012(Xem: 18521)
Họ không là những người thật đặc biệt, thật nổi tiếng. Nhưng họ đại diện cho số đông, số đông những người con của các sĩ quan VNCH, từng một thời phải chịu những kỳ thị, bất công, khi còn ở quê nhà.Nhưng giờ đây, họ có quyền hãnh diện về mình lắm chứ. Và chúng ta cũng có quyền hãnh diện về họ.
19 Tháng Sáu 2012(Xem: 20480)
Tôi viết bài này nhân Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19-6 để nói lên lời tri ân các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa những người “… vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính …”
13 Tháng Sáu 2012(Xem: 19681)
Tôi thương cảm và kính phục họ, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, bằng cách nào đó, họ vẫn đứng vững (không cần chân) và duy trì được tinh thần đồng đội, thái độ bất khuất của những người lính.
10 Tháng Sáu 2012(Xem: 19716)
chắc chắn sẽ không có một ngày trở lại! Họ đã nghĩ đúng, cổng Phi Vân với mây xám lưng trời, sau gần 15 năm xa cách, những người con yêu giờ đây vẫn còn hoài công ngóng đợi…
09 Tháng Sáu 2012(Xem: 21646)
Anh nghĩ đến những thằng bạn đồng ngũ còn lận đận ở tận những phương trời xa xôi và tiếp tục lẩm nhẩm:"Tụi nó đều còn nguyên vẹn hết mà đã mười năm rồi, sao không thấy đứa nào quay trở lại. Trận chiến này chưa chấm dứt đâu mà …"•
09 Tháng Sáu 2012(Xem: 20732)
Hạnh phúc đã trở về trong vòng tay tôi. Tôi sẽ ôm thật chặt lấy nguồn hạnh phúc này, không bao giờ để cho đi đâu xa mất nữa…
08 Tháng Sáu 2012(Xem: 25199)
Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe hết tất cả mọi người, nhưng cũng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý
08 Tháng Sáu 2012(Xem: 20694)
“Đây là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, tàn bạo, nhưng tôi tin chắc mọi người sẽ hiểu mục đích của cuộc chiến này, dù rằng nhiều người trong chúng ta có thể không đồng ý”.
07 Tháng Sáu 2012(Xem: 18749)
Đứng trên sân ga Hàng-Cỏ, lòng tôi man mác bâng khuâng. Vừng dương đang lên. Sao Mai mờ dần. Chân trời hừng đông mầu tím nhạt. Có đôi vì sao đang rơi trong không trung mờ ảo mênh mông…
06 Tháng Sáu 2012(Xem: 21044)
Tôi buồn, nhưng thôi, như đã chia-xẻ trong bài "Thế-hệ bánh mì kẹp", chỉ vài mươi năm nữa, vấn-đề này sẽ không còn là vấn-đề nữa, một khi chúng tôi sẽ lũ-lượt rủ nhau đi hết. Lúc đó, chúng tôi sẽ lại được nói lại "tiếng Việt cũ" với bố mẹ, ông bà chúng tôi.
05 Tháng Sáu 2012(Xem: 27862)
Hai mươi năm chinh chiến ... Người Lính VNCH không bao giờ đòi hỏi Tổ Quốc bất cứ một điều gì. Người Lính chỉ mong đem cuộc đời của mình đổi lấy hai chữ Tự Do cho quê hương dân tộc cho dù phải trả cái giá đắt nhất là mạng sống.
29 Tháng Năm 2012(Xem: 22905)
Hôm sau, tôi đến quán hơi sớm, định vừa gặp anh là nói ngay rằng tôi khoái lá sớ của ảnh lắm, móc họng chế độ rất đau mà vẫn giữ được nét trào phúng nhẹ nhàng.Và cũng để nói cho ảnh yên tâm rằng tôi đã đốt lá sớ như ảnh đã dặn. Nhưng rồi, anh ta không đến, mặc dù tôi đã cố tình ngồi đợi tới trưa….
28 Tháng Năm 2012(Xem: 19478)
Bây giờ chị tôi, một người con gái Việt nam về làm dâu muộn màng trên đất Mỹ, đang thay cha mẹ chồng cai quản một nông trại trồng bắp ở Ohio với đứa con duy nhất của một cuộc tình nở vội trong cuộc chiến Việt Nam .
28 Tháng Năm 2012(Xem: 20380)
Còn sống trong một đất nước Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà phải đi biểu tình (ké) ở một quốc gia láng giềng thì lại là chuyện khác. Chuyện này (chắc) phải nói cho tới Tết, hoặc – không chừng – tới chết luôn.
26 Tháng Năm 2012(Xem: 20695)
Tôi đã lấy chồng Lính Cộng Hòa rồi, mà tôi lúc nào cũng có cái giọng Bắc Kỳ Hai Nút (75, Bắc kỳ chín nút tức là Bắc kỳ 54) thì ai mà chịu nổi. Bây giờ, tôi không còn... “Xử Lý” nữa, mà tôi phân tích, tôi tìm hiểu từng trường hợp mà giải quyết cho thỏa đáng. Mỗi khi đi ra ngoài đường, nghe tôi nói chuyện, không còn ai quay lại nhìn tôi rồi bỏ đi chỗ khác nữa.
19 Tháng Năm 2012(Xem: 30440)
khi về đến nhà tôi sẽ phải báo tin cho các con tôi là công an Việt Nam đã giữ bố. Chắc Khoa, Trí sẽ buồn nhưng các cháu sẽ hiểu. Và nếu các cháu chia sẻ được những khó khăn với bố mẹ trong lúc này, các cháu cũng biết được những giá trị về trách nhiệm của bố mẹ đối với quê hương, đối với cội nguồn của mình.
18 Tháng Năm 2012(Xem: 19974)
Bởi cái đặc tính của xứ Nam Kỳ là rất cởi mở, rộng rãi, dễ thương, nên dễ dung nạp, dễ cảm hóa người mới đến để họ hội nhập vào đại gia đình Đồng Nai Cửu Long mà nhà văn hóa học có thể xem như một cái tô xà lách (”salad bowl”) của mọi người.
14 Tháng Năm 2012(Xem: 20426)
đem Ba đi chơi cả ba ngàn cây số đường, ăn ở những nơi sang trọng, và cho xem những thắng cảnh danh tiếng nước Mỹ. Nhưng chúng lầm, làm sao mua chuộc được lòng trung kiên của Ba với cách mạng. Ba hẹn khi về sẽ nói cho con nghe nhiều hơn
14 Tháng Năm 2012(Xem: 20133)
Mẹ tôi không cần chiếc sập gụ ấy nữa. Bà xa rời nó như xa rời cuộc đời nhọc nhằn. Bà Cẩm Lợi đã trả xong cái nghiệp mà chúng tôi kính cẩn ghi ơn. Bây giờ nằm vĩnh viễn bên chồng mẹ tôi mãi mãi là bà Tam của chúng tôi.
13 Tháng Năm 2012(Xem: 19737)
Cái cảm giác của sự chia ly sinh tử đó hôm nay lại trở về với tôi. Nặng nề hơn nhiều. Ngày đó tôi mất ba nhưng vẫn còn mạ. Bây giờ thì mất cả mạ, đâu còn ai. Mỗi một cái áo bỏ vào trong thùng như một lời vĩnh biệt, bởi vì tôi sẽ không bao giờ còn nhìn thâý nó nữa.
10 Tháng Năm 2012(Xem: 26798)
Từ ngày lấy vợ, ông mất dần gần hết bạn bè. Bà cho rằng đàn ông gặp nhau nói toàn chuyện trên trời, dưới đất, không bổ ích gì, không lợi lộc gì. Bà ngăn cản ông gặp bạn bè, và bạn bè đến nhà ông, thì chỉ vài lần thôi, thấy thái độ của bà, họ không đến nữa.
02 Tháng Năm 2012(Xem: 20723)
Ông thấy sung sướng hạnh phúc. Ông tội nghiệp cho những người suốt đời than van, nắng không ưa, mưa không chịu, và tự bôi đen ngày tháng đẹp đẽ của họ, và dìm đời vào bất mãn, khổ đau./.
02 Tháng Năm 2012(Xem: 21337)
Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ…
02 Tháng Năm 2012(Xem: 19406)
Tôi ôm lấy Trung : "lâu quá tưởng không bao giờ thày trò mình gặp nhau" . Học trò đang giờ chơi thấy tôi ôm Trung ngơ ngác nhìn, tôi buông Trung cả hai tôi nước mắt chảy từ bao giờ.
02 Tháng Năm 2012(Xem: 19618)
Chỉ có thế thôi mà giông bảo nổi lên trong phòng hội chỉ vì sự khủng hoảng về hiện tượng bám víu thê thảm vào cái tính đồng nhất riêng biệt của hành trang ý thức và tình cảm quê cha đất tổ .
01 Tháng Năm 2012(Xem: 20696)
Anh không là người cầm bút, mà là người cầm quân tôi cảm phục. Có biết bao đồng đội hy sinh ở chiến trường. Nhưng cái chết của Đại tá Hồ ngọc Cẩn lại khác. Một cái chết đi vào lịch sử , biểu tượng bất khuất cô độc.
30 Tháng Tư 2012(Xem: 18339)
Đêm đó, ông Hai ngủ thật ngon, quên luôn rằng mình đang nằm giữa hai lớp drap chớ không có chui vào hai lớp mền như thường lệ !
30 Tháng Tư 2012(Xem: 18986)
Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về trong lòng cô Hoa, dù hai người đã già.
29 Tháng Tư 2012(Xem: 19852)
Chiến trận đã cuốn Tân đi biền biệt! Những địa danh mịt mùng xa xôi: Bình Định, Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Huỳnh, Phá Tam Giang... tiếp nối trên đầu mỗi cánh thư đầy ắp yêu thương của Tân gởi về; một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi mà nhiều lần Quỳnh đã mang vào giấc ngủ.
27 Tháng Tư 2012(Xem: 20606)
Và sau cùng, giọt nước làm đầy ly là khi chính quyền bỏ rơi chủ thuyết, chạy theo “định hướng thị trường” và chỉ còn muốn làm giàu. Thật là đau đớn vì sau cùng họ mới thấy là những gì họ hy sinh cả cuộc đời đã chỉ là những cái bánh vẽ.
27 Tháng Tư 2012(Xem: 19569)
Để lên được nơi này nghe anh kể những câu chuyện thần kỳ ấy, tôi phải vượt gần hai trăm cây số đường rừng. Và khi trở về, nhiều lần tôi đưa tay lên đôi mắt sáng của mình và thấy ngượng, mắt sáng như thế mà tôi sống thêm đời nữa e cũng không làm được nhiều tiền như anh Lại. …