11:14 SA
Thứ Sáu
19
Tháng Tư
2024

Gởi Em Mùa Thu Hà Nội

25 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 20319)


Gởi Em Mùa Thu Hà Nội.



Ngày còn nhỏ, tôi vẫn nghe bà nội nói “Mẹ nó này, hôm nay mưa dzầm cả ngày, giời đất cứ như ngoài Bắc…. Để phần mẹ nó bát bún thang, có cả cà cuống, không thơm bằng cà cuống Bưởi” hay “Trong này hoa mai vàng, mạn ngược nhà mình lại sính hoa đào...” Thế nên, đất Bắc không chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ mà còn là nỗi ràng buộc rất sâu..
Ngày vào Nam, tôi còn quá bé, nhớ chẳng được nhiều. Nhớ nhất làng Bưởi. Lối vào làng lát gạch đỏ au. Màu đỏ cam tươi nõn ưa nhìn. Có lần dọn nhà, phải bỏ đi bao nhiêu thứ, nhưng tôi vẫn cố giữ một bình đất nung, không tráng men không hoa văn, vẻ đẹp mộc mạc, gọi nhớ những viên gạch Bát Tràng làng Bưởi.

Từ đầu làng đến nhà cậu tôi phải đi qua một cái ao. Cái ao này lớn hơn ao ở Hưng Yên quê ngoại. Quanh ao trồng môt hàng dừa vốn khá hiếm ở đất Bắc. Lá dừa xòe ra như nan quạt. Những quả dừa bé tí rụng đầy mặt ao. Bờ ao viền gạch Bát Tràng. Những bậc thang cũng lát gạch, ý chừng muốn chiều chuộng bàn chân các cô gái đi gánh nước. Các cô cẩn thận bấm chân trên cầu. Tay kéo váy đen chùng xuống bắp chân, bờ mông nhịp nhàng theo hai thùng “sắt tây”, yếm nâu buộc hờ có khi tung tăng hai quả vú vừa bằng cái bánh giò. Tôi thích nhìn theo các cô đong đưa đòn gánh trên vai. Thương không để đâu cho hết, hình như chẳng bao giờ có được cái thùng nào lành lặn. Mỗi bước đi những tia nứớc nhỏ xoè xuống nền gạch đỏ ngoằn ngoèo trông như một đàn giun. Chiều nào đi tắm ao, tôi cũng vòi được chạy loăng quăng theo dấu nước ấy.


Hai bên đuờng vào làng có những bụi dâu rực những chùm quả mầu hồng hồng đo đỏ, núm phơn phớt vàng, ăn vào chua chua ngọt ngọt. Quanh làng có những bụi thầu dầu, lá đỏ tía xoè ra như ngôi sao. Tôi xin chị hái cho mươi quả, tách ra lấy cái nhuỵ bé tí mầu trắng, trên đầu có đội một cái mũ đỏ chói. Chị kính cẩn gọi là cô tiên của Tây Vương Mẫu bị giáng xuống trần. Xếp hàng cho mươi cô tiên nằm ngay ngắn trên lá dâu xanh, tha thẩn cứ thế mà chơi cho hết một buổi sáng. Đang chơi, nghe tiếng rao của bà bán kẹo mach nha là bỏ hết cả. Tiếng bà thanh và cao như tiếng chị tôi. Nhưng thật ra bà đã già rồi. Bà gánh hai nồi đất nung, đầy kẹo mạch nha trong mầu hổ phách. Bà mặc quần chân què, yếm nâu đã bạc, chân đi đất. Tóc vấn vội vàng trong mảnh khăn đen. Mắt hấp háy kèm nhèm vì nắng. Khuôn mặt nhăn nheo chịu đựng. Lúc đó tôi cứ không hiểu tại sao có những người Hà Nội cực khổ đi khắp hang cùng ngõ hẻm đổi tóc rối và vỏ quít phơi khô. Nhưng tôi rất siêng năng nhặt tóc rối đưa cho bà nội cất vào một bình sứ nhỏ, dành đổi lấy những que keo mạch nha ngọt rất thanh. Bà cười rất xinh đôi môi ăn trầu hàng răng đen đã bạc. Những người đàn bà quê hương muôn thưở đều như thế. Sắc không lộng lẫy mà lòng thuần thục. Chịu bao oan khổ tình đời mà lòng không tê tái


Một hôm, bà nội tôi chào bà kẹo mạch nha “Bà ơi, hôm nay bà cho bà cháu tôi đãi bà năm hào. Chào bà ở lại nhớ, mấy hôm nữa tôi cho các cháu vào Nam”. Tiếng bà kẹo mạch nha kêu toáng lên “Lạy thánh mớ bái, sao cụ lại đi vấy?” Giọng bà nội tôi rầu rầu “Nào tôi có muốn đi, nhưng bố mẹ cháu đổi vào trong ấy, đâm ra phải đi theo trông cháu. Bà tính, cứ là đứt cả ruột gan chứ lại gì. Đấy, mấy ngày hôm nay đi ra đi vào chẳng còn hồn vía sất cả. Có ai muốn đi đâu bà nhể…?” Bà nội và bà kẹo mạch nha sụt sùi một lúc, tôi nghe mãi mới hiểu là nhà tôi sắp đi xa, xa lắm. Chẳng thế mà đang ở đường Hồ Trúc Bạch, mẹ tôi mang cả nhà đến Bưởi ở với ông ngoại đợi ngày đi.


Từ lúc ấy, linh tính như báo cho tôi một cuộc chia ly. Tôi thơ thẩn trong sân, cố chơi với tất cả những gì có trong mảnh sân vuông ấy. Bể nước mưa xi măng chứa đầy nước dành uống quanh năm. Hai cây cau trồng hai bên lúc đó đang tuổi trổ hoa. Hoa cau từ từ nhú lên trong bẹ, đến lúc vỡ tung ra, từng tia trắng ngà vươn ra như cổ tay một cô công chúa mười sáu tuổi. Chị tôi nói cứ như đã được gặp một cô công chúa. Hoa cau trắng rụng lấm tấm xuống nền gạch đỏ trông như một chùm pháo bông. Chạy chơi khát nước chúng tôi xin dì Út một gáo nước mưa. Uống phải ngửa cổ nhìn trời, dốc ngược cả gáo dừa lên mặt. Dì tôi không cho bỏ một giọt nào “Cháu ạ, của trời cho, không được phí”. Trời nắng hoa cau thơm gắt. Nhưng khi mưa xuống, mùi hoa dịu hơn. Tôi thích nhìn giòng nước trong thoăn thoắt từ trên trời cao rơi đan nhau, trôi tuột qua tầu cau, len lỏi như một đàn rắn hối hả trườn qua chùm hoa cau trắng mướt. Dì Út và chị tôi cười khúc khích “Hôm nay trời tắm cho công chúa”. Hạt nước như những chuỗi ngọc, quấn quít lấy những bông hoa cau, liên tiếp rớt xuống. Nước quấn hoa, hoa đỡ nước, âu yếm không rời. Dì ẵm tôi cho hai dì cháu soi bóng trong vại nước mưa. Mặt nước sóng sánh in mây trắng rắc hoa cau lấm tấm. Dì nói nhỏ vào tai tôi “Cháu đi có quên dì không?” Tôi úp mặt vào trong vại, tiếng nói rền vang “Cháu nhớ dì, cháu nhớ dì cho ăn bánh đúc…”. Dì cười, đôi mắt khép lại, gò má xuân thì nhợt nhạt vì thiếu ăn chợt xinh ửng lên “Cháu nói giống nguời bạn của dì quá”. Dì ôm tôi thật chặt nhắc đi nhắc lại mãi, mắt thoáng mơ màng. Nhưng hình như không phải nói với tôi.


Về sau này, khi
đọc hai câu thơ của thi sĩ Quang Dũng,
Vại mưa in dáng mây trời
Em soi bóng có nhớ người xa em
Tôi ngẩn nguời mang máng hiểu chắc lúc ấy dì đang chờ đợi. Một nguời nào đó ở phương xa cũng đang chờ đợi. Cả hai người cùng chờ ngày lại cùng soi bóng bên vại nước mưa. Chỉ những nhà thơ sống nhiều và yêu thật mới có thể làm được một câu thơ như thế. Câu thơ như một máy ảnh thu đuợc hình ảnh của thế hệ 1954. Một thế hệ phủ đầy bóng tối của chia lìa.
Hẹn mai về, hẹn mai về
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ (1)
Dì tôi có gặp lại người ấy hay cả hai cứ bên chờ bên hẹn? Tôi không bao giờ hỏi dì. Bởi vì tôi chưa về Hà Nôi. Nhưng lúc nào tôi chẳng gặp Hà Nội. Nhất là vào ngày giỗ chạp bà tôi nhắc chị tôi nhớ cúng chè hoa cau.

Tôi cũng nhớ mùi hoa móng tay, bụi hoa trồng ngay cửa sổ gần giường hai bà cháu. Hoa có mùi thơm lạ. Mãi về sau tôi không tìm được hoa nào thơm biêng biếc như vậy nữa. Dì Út giã lá hoa buộc vào mười đầu ngón tay tôi, ngày mai móng ửng hồng. Hai dì cháu đang hí hửng bị ông ngoại bắt gặp mắng cho một trận nên thân. Đám con gái bị mắng suốt ngày, đủ thứ tội. Làm đẹp cũng là một tội sao? Hoa móng tay mầu ngà, nở thành chùm như hoa khế. Hoa thơm nức nở buổi sáng sớm khi nắng chưa lên. Còn hoa buởi lại thơm vào buổi tối. Trèo lên cây bưởi hái hoa, nhà cậu không có vườn cà hoá cho nên vắng nụ tầm xuân.


Những ngày hôm sau ấy tôi được đi chơi với mẹ. Thật ra là chào họ hàng truớc khi vào Nam. Bà cô mở ruột tượng, cho mẹ tôi một đôi khuyên “cho cháu làm vốn nuôi con”. Ông chú ân cần dặn dò “Này, cháu phải nhủ con cái nhớ lấy gia phả nhà mình. Người có gốc sông có ngọn. Mẹ con nhà mày đi như thế là chú lo lắm đấy. ..”


Các dì tôi đã soạn sẵn đồ đoàn cho mẹ. Dì Ba gói cho mẹ tôi một chục bát mẫu rất mỏng, mẹ tôi chối mãi mà không được. “Chị mang theo tập cho trẻ con, ăn cơm hẩm cũng được, nhưng bát đĩa phải cho đẹp, chị ạ. Cái nết nhà mình nó như thế.” Dì Năm ép mẹ tôi nhận tấm áo nhung huyết dụ, “Nghe nói trong Nam nóng lắm chị ạ. Biết đâu chị mang cái rét của mình vào Nam. Em mới luôn xong tà tối qua. Thầy bắt thùa khuy tết, thầy không cho dùng khuy bấm đâu. Em vừa may vội, vừa nhớ chị, kim đâm nát cả đầu ngón tay thế này này…”


Mẹ tôi dắt đi phố Hàng Đào ra Hồ Hoàn Kiếm rẽ vào đền Ngọc Sơn. Lúc ấy trời đã vào thu. Nhưng cây liễu bên bờ đã đổi màu. Tôi chạy đuổi theo hàng trăm chiếc lá cuốn tròn trong gió. Hai mẹ con bước lên cầu Thê Húc. Cầu gỗ sơn đỏ uốn cong nối bờ hồ với ngọn đồi nho nhỏ. Mẹ tôi sẽ sàng thắp sáu nén hương. Mẹ đưa cho tôi ba nén, thành kính nhìn xuống mặt hồ sóng gợn. Mẹ xin gì nữa đây? Có còn lại gì đâu sau mấy năm chạy loạn. Có mỗi một tí quê hương lại sắp sửa rời xa. Hay là, mẹ khấn gửi lại cho thần Tháp Rùa chuỗi đời xuôi nguợc, ngôi nhà thấp thoáng hình ảnh gia đình, và cả bực thềm đã cùng mẹ thuộc lòng những truyện truyền kỳ từ trăm năm trước?


Chiều hôm đó hai mẹ con đi xe điện từ Hà Nội về Bưởi. Chẳng hiểu sao xe điện chạy chầm chậm rồi dừng hẳn. Hành khách xôn xao chán rồi cũng phải xuống đi bộ. Hai mẹ con cố đi cho kịp trời đã về chiều. Bên đường, mấy bụi cây có những chùm hoa nhỏ li ti mầu đỏ. Tôi xin mẹ chạy đến hái vội một chùm, chợt thấy một đám dây màu vàng phủ đầy. Mẹ gọi với “Đừng hái dây tơ hồng, bửn cả tay. Về nhanh kẻo bà mong”. Tôi quay nhìn mẹ. Nền trời màu vàng nhạt. Mẹ tôi đứng cạnh con tàu điện bị bỏ quên bên đường tàu song song, quần trắng guốc mộc, áo dài nỉ màu mơ chín, cổ đeo chưỗi ngọc xanh. Tóc rẽ ngôi giữa búi lơi buông sau gáy. Mẹ nhìn tôi âu yếm, nét buồn cổ điển dịu dàng. Nửa như phân vân không biết đoạn đường sắp tới liệu có nuôi nổi đàn con gà vịt. Nửa như đánh liều nhắm mắt. Thôi thì cứ đi. Từ đó trở đi, dù lòng riêng mang tám chín cái biệt ly, nhưng xao xuyến nhất vẫn là bóng một thiếu phụ nghiêng nghiêng bên đường xe điện. Những thiếu phụ chưa được hưởng chút xuân vui trong lòng Hà Nội đầy gió bão.


Hôm cuối cùng, mẹ tôi ghé lại ngôi nhà đường Hồ Trúc Bạch chào lần nữa. Không theo mẹ vào nhà, tôi đứng chơi ngoài cổng gặm nốt cái ngô luộc. Cái cổng gỗ mộc và hàng rào nở rực những chùm tường vi. Có lẽ nhớ hoa qua màn sương mờ ảo của thời gian, nên màu tường vi Hà Nội hình như phơn phớt so với tường vi Đà Lạt. Từ trên giàn cao, hoa rơi xuống từng chùm phớt trắng, phớt hồng, phớt đỏ. Tôi với mãi không sao chạm tới, giống như yêu Hà Nội mà không rõ vì sao. Hôm ấy vắng tiếng chim kêu, không “Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi…” (1) như ông Song Ngọc viết. Bài hát đẫm đìa tình yêu Hà Nội, dù tác giả chưa biết bao giờ.

Song Ngọc trong Nam đã thế, nói gì đến những tài hoa miền Bắc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm nổi tiếng với nghệ thuật đen trắng “Ảnh đen trắng chụp cành tre cũng có màu xanh”. Ảnh đen trắng khêu gợi được chiều sâu thẳm của cảnh và tình, dù người nghệ sĩ đã khuất rồi. Bức ảnh Hồ Gươm bắt gặp vạt nắng soi trên thân cây gân guốc in trên mặt nước dịu dàng. Ngàn năm rồi, cành cây vạt nắng mặt hồ đã chứng kiến bao mùa xuân mùa thu Hà Nội, đã chịu bao ngọn roi phũ phàng của lịch sử? Năm mươi năm nữa liệu có còn Hồ Gươm còn Tháp Bút còn tháp vua Lê? Một đêm xuân não nề chín năm sau 1954, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã biên vào tấm ảnh

blank
Chín giao thừa tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông
Lòng sung như lòng vả, lòng vả tựa lòng sung, nỗi nhớ nhà không phải riêng ai. Hoá nên những tấm tài tử đa tình ngồi giữa lòng quê mà vẫn thổn thức tiếc quê hương.

Với một đứa bé, cầu Gia L
âm dẫn đến sân bay quả là một con ngoáo ộp. Đầu này nuốt chửng hàng chục cáí xe, đầu kia nhả ra hàng trăm đôi mắt mếu máo tràn nước mắt. Tôi ngồi lọt trong lòng mẹ cố nhoài người nhìn những thanh sắt đen sì thoăn thoắt giật lùi. Mẹ tôi khẽ nói “Thế là mình đi thật rồi”. Về sau này, tôi mới hiểu cảm giác “đi thật hay chưa” là một tiếng than dài từ nỗi đau tím bầm gan ruột.

Vào đến trong Nam, bà nội tôi vẫn luôn nhắc về miền Bắc. Phủ Lý, Tháí Nguyên, Nho Quan, Ninh Bình, cốm vòng, cháo sườn, ốc bung, chè nụ… Một hôm bà bảo mẹ tôi “Khéo không năm nay giời rét hơn cái năm mình mới vào Nam ấy nhỉ”. Tôi thật ngạc nhiên, bà tôi, một bà cụ răng đen áo cánh trắng quần thâm không biết chữ, lại có cùng ảo tưởng như thi sĩ Nguyễn Bính :
Mình đi trăm núi nghìn sông
Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam

Chăng riêng gì bà tôi hay thi sĩ Nguyễn Bính, mà còn biết bao cụ ông cụ bà “Bắc Kỳ Ri Cư 1954” không bao giờ ngờ rằng trong tay nải mang theo, có cả nỗi oan khiên khiến thời tiết cũng nghiến răng thay đổi. Không giống như nhân vật tiểu thuyết được nhào nặn, các cụ đã tự mình lựa chọn một chuyến phiêu lưu gian khổ với đầy đủ trách nhiệm trong vô thức. Cuộc di cư ấy tưởng chỉ là chia ly sinh tử của gần chín trăm ngàn người (2). Nhưng tích cực nhìn lại, là một nhịp cầu lịch sử nối liền sông Gianh với sông Bến Hải. Tiếp sức cho đồng bằng sông Hồng 2000 năm bền bỉ chống ngoại xâm. Nối Thăng Long cổ kính điêu tàn với Saigon son trẻ bừng bừng sức sống. Nối 14 triệu người miền Bắc với 12 triệu người miền Nam và làm tiền đề cho bước di tản sau này: thổi một làn hơi sung mãn vào nền văn minh nông nghiệp sau luỹ tre làng. Ngày rời miền Bắc, các cụ không bao giờ nghĩ mình sẽ là gì,? Ấy thế, các cụ đã làm nên lịch sử, đã là chứng nhân cho một khoảng khắc kỳ lạ của cả hai miền Nam-Bắc.

Thế hệ Bắc Kỳ Di Cư 54 đã làm xong bổn phận. Đã liều bước tử sinh, dìu dắt cháu con xuyên cơn bão táp. Những đôi vai lảo đảo bồng bế trẻ thơ và cõng trên lưng cả nỗi đau chạy trốn trên chính đất nước mình, trao những đứa bé ấy vào đôi tay rộng mở của một miền Nam hồn nhiên và nhân hậu. Có bao giờ những người như bà nội tôi, bố mẹ tôi có một phút nào tạm dừng bước, thở một hơi dài trước khi bắt đầu một cuộc sinh tồn? Trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, ở miền Nam mưa nắng hai mùa, dù hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh hay may mắn, những mảnh đời phiêu bạt ấy đã cố gắng hết sức mình chu toàn cho cả gia đình và đất nước.


Năm 1975, một lần nữa, người Việt lập lại sự lựa chọn giữa lưu đầy và quê nhà.


Ở trong nước, một giằng xé nhị nguyên hầu như bất tận, giữa đoàn kết và đấu tranh, giữa can đảm và sợ hãi, giữa hận thù và khoan dung…Thù và bạn, thua và thắng, hoà bình và chiến tranh…Trận chiến này không biên giới rõ ràng như trước 1954.


Ở ngoài nước, kỳ lạ không kém! Năm 54, người miền Nam chia cơm nhường áo cho người miền Bắc. Còn ở thổ ngơi xa lạ này, vấn đề cơm áo không còn đặt nặng, có chăng là thiếu vắng lòng tử tế ân cần.


Thế hệ Di Tản 75 trợn trừng đối mặt với những nhị ngưyên không kém phần toé lửa: sự dùng dằng giữa nhiệt tình và lòng tự phụ, giữa oán hờn và hàn gắn, giữa di sản văn hoá và văn minh tối tân… Bao lần chuyện nhỏ xé toang thành chuyện lớn. Chuyện lớn chôn vùi dưới những ti tiện. Những ti tiện lại được lớn tiếng vinh danh. Chí lớn làm chuyện nhỏ, chí nhỏ làm chuyện lớn. Có khi cất kỹ chí trong két sắt nhà băng kiếm lời. Cứ như thế, khiến toan tính tử tế đôi khi cũng khó thành. Đã vượt biển rồi, làm gì còn chỗ nào nữa mà đi? Cũng không thể nào thều thào trông cậy vào thế hệ mai sau. Không! Mỗi thế hệ chịu trách nhiệm cho thời đại của mình. Cuộc Di Cư 1954 và Di Tản 1975 sẽ vô lý đến vô luân nếu những người di cư-di tản chỉ thu vén được nồi cơm của riêng mình.


Sự chịu đựng của những nguời ở lại gồng gánh non sông cũng sẽ uổng phí đến tàn nhẫn nếu xả thân giữ nước xong lại giưong mắt nhìn mảnh giang sơn vuột khỏi bản đồ đất nước. Đảo đi đằng đảo, núi cũng sắp đi đằng núi. Rặng Tiểu Ngũ Lĩnh ngàn năm làm phên dậu, nay World Bank “tử tế” đang có dự án tài trợ đắp một con đường nhựa đâm thủng trái tim đồng bằng sông Hồng: từ Vân Nam, xuyên Hà Nội đến cảng Hải Phòng. Đó là mơ ước nhòm ngó của tư bản da trắng từ hai thế kỷ nay, khiến họ kiếm đủ thứ lý do wýnh nhà Thanh tan tành xí wách. Mấy đời bánh đúc có xương…Họ có cần gì môi anh nào hở răng anh nào lạnh!


Chinh chiến đã tàn, Việt kiều vượt biển vượt sông. Việt cộng thắng Tây thắng Mỹ. Liệu chữ “Việt” chung nhau ấy có đủ lấp nổi giòng Bến Hải li ti ở trong tâm mỗi người tự nhận là người Việt? Đã 32 năm rồi, dài hơn 21 năm của thế hệ Bắc Kỳ Di Cư, trong/ngoài có cùng một giấc mơ “Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm. Mơ đến em một ngày đầm ấm”? (4)


Có khi một hai trăm năm nữa trôi qua, nếu chưa mất nước, thì giấc mơ ấy là điều duy nhất người Việt mình có được.


Cứ mơ! Miễn là đừng mơ hơn điều chúng ta làm.



Trần Thị Vĩnh Tường - Kỷ niệm 54 năm Hiệp Định Genève
-----------------
(1)
Hà Nội Ngày Tháng Cũ – Song Ngọc – Hoa Kỳ

(2)
Tâm Sự Gửi Về Đâu - Phạm Duy

(3) Về Số Nguời Công Giáo Di Cư Từ Bắc Vào Nam Sau Hiệp Định Genève/Đặng Phương Nghi/Dòng Sử Việt/số Hai-2007/Alameda-Hoa Kỳ: Con số người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 của Uỷ Ban Kiếm Soát quốc tế dựa trên báo cáo của chính phủ hai miền: miền Nam báo cáo: 888.124; miền Bắc báo cáo: 892.876 vào Nam, 4.269 người Nam tập kết ra Bắc


(4)
Ngày Về - Hoàng Giác, Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 2016(Xem: 10960)
Ai cũng phải bước tới cái ngày nhắm mắt lìa đời... Nhưng chú ơi, cháu đau lòng lắm nếu ra đi mà không giúp ích gì được cho quê hương và dân tộc mình...
06 Tháng Tám 2016(Xem: 12847)
Ngôi nhà của nội giản dị, đơn sơ nhưng chứa đựng cả linh hồn của thế kỷ trước mà ít người sinh ra bây giờ có cơ hội được trải nghiệm.
21 Tháng Bảy 2016(Xem: 11288)
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 9705)
Họ sống ở Campuchia nhiều năm, mưu sinh bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ trên ghe. Vì cuộc sống trên con nước ở Biển Hồ quá khắc nghiệt, họ cảm thấy không an toàn nên đã tìm đường quay về Việt Nam
07 Tháng Tư 2016(Xem: 12858)
Nhìn quanh ta nhiều mảnh đời nghiệt ngã Trong cam go còn cố vuợt cơn nguy
05 Tháng Tư 2016(Xem: 13768)
Anh chỉ biết nhìn họ với đôi mắt mở to, với nụ cười dễ thương, và những giọt lệ từ khóe mắt tràn ra, rồi từ từ lăn xuống bộ râu rậm của mình…
02 Tháng Tư 2016(Xem: 11937)
Hy vọng 30-4 năm nay lịch sử sẽ sang trang, 30 thứ tang mà đảng cộng sản gây cho dân nước sẽ trở thành “tang gia bối rối” cho chính chế độ cộng sản đương thời.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 10321)
Tôi thấy mình hổ thẹn với lương tâm Tôi đã khóc, cho mình và đất nước”
10 Tháng Ba 2016(Xem: 9500)
Tâm tư người miền Nam bao giờ cao thượng, không thù dai, không phân biệt, kỳ thị Nam-Bắc, không cỗng cao ngã mạn như những kẻ trên rừng trên rú
09 Tháng Ba 2016(Xem: 11142)
Tôi nghe chừng thân mình bay bổng. Khi tôi mở vòng tay, mẹ quay mặt bước đi. Tôi thấy mình quá bất nhẫn, khẽ gọi: “Mẹ!”
09 Tháng Ba 2016(Xem: 12539)
Người khôn ngoan không bao giờ lại đi đánh đổi hạnh phúc gia đình của mình cho những cuộc tình vớ vẩn
03 Tháng Ba 2016(Xem: 9928)
những con người không âm mưu danh lợi hay quyền thế, không chà đạp nhau mà chỉ muốn cho đi với sự bao dung như một con đò vô danh
03 Tháng Hai 2016(Xem: 10916)
Chú Bảy đàn tranh cho chị Sáu ca, cả hai đều khóc. Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt của chú Bảy
27 Tháng Giêng 2016(Xem: 15160)
Thông cảm với hàng chục ngàn Sỹ Quan, Hạ Sỹ Quan, Đoàn Viên Hải Quân, nhận lệnh “tháo dây”, lái tàu tách bến Saigon, đã thổn thức, âm thầm gạt lệ bỏ lại gia đình
03 Tháng Giêng 2016(Xem: 13374)
Bưởi Biên Hòa không chua, ngon lắm! Con gái Biên Hòa trắng, đẹp và hiền hòa nữa.
04 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 13040)
lạc lõng với thế giới, lạc lõng với thời đại, càng lạc lõng với loài Người! Người lãnh đạo đất nươc lạc lõng thì cả dân tộc lạc lõng!
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 16723)
Riêng tôi khi đóng trang blog của ông lại nỗi cay đắng cứ dìm mình vào buồn bã chừng như không thề thoát ra
25 Tháng Mười Một 2015(Xem: 12194)
Tôi tập làm ca dao ví von những câu thương yêu với mầu xanh hoa lý dìu dịu, nhẹ nhàng, lơ lửng tự ngàn xưa đến tận ngàn sau
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11625)
Nếu vào ngày đầu năm 1966 đó mà Anh Bằng không tìm đến gặp tôi thì sẽ không có nhóm Lê Minh Bằng, sẽ không có ca khúc Đêm nguyện cầu, hay Linh hồn tượng đá
16 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10103)
Sự tiếc thương và tình cảm chân thành của những chú chó hoang dành cho người phụ nữ tốt bụng có ơn với chúng
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 12783)
Lương, anh hồn mày nơi vĩnh hằng xin về với chúng tao, cả khóa 69A họp mặt lần thứ 40 kể từ ngày bọn mình quen nhau, để tưởng nhớ đến mày
30 Tháng Mười 2015(Xem: 10206)
Cuộc chiến tranh này chưa bao giờ chấm dứt, nó chỉ được thay đổi hình thức mà thôi
18 Tháng Mười 2015(Xem: 11282)
Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui bất chợt, khi nghĩ anh sắp được gặp lại anh Lê Huấn và những đồng đội cũ
11 Tháng Mười 2015(Xem: 10781)
khi người ta vẫn lấy làm hân hạnh và tự hào khi bị người khác đè đầu, đè cổ thì mình còn nói hay nghĩ làm chi cho mệt sức.
02 Tháng Mười 2015(Xem: 13162)
Ông Khai Trí người Sài Gòn nên đọc. Không là người Sài Gòn nên đọc cho biết
20 Tháng Chín 2015(Xem: 11892)
Hai mươi năm trôi qua từ ngày nhạc sĩ Trúc Phương giã từ nhân thế, xin thắp nén hương lòng nhân ngày giỗ của ông.
06 Tháng Chín 2015(Xem: 16286)
Tình cờ gặp lại họ trong tiệm sách cũ. Nơi mà quá khứ lẫn với hiện tại, nơi mà thời gian chừng như bất lực
31 Tháng Tám 2015(Xem: 11001)
Mùa Vu Lan đến, kính xin ơn trên tặng cho những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa một bông hồng nhơn đức biết ơn từ dân tộc này.
23 Tháng Tám 2015(Xem: 10228)
Ngày Cựu Chiến Binh Úc Tham Chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans' Day) cũng là ngày kỹ niệm Trận Đánh Long Tân
12 Tháng Tám 2015(Xem: 9342)
chân thành cám ơn quý thính giả, cô Thanh Phương, Hát Bình Phương và chiến hữu Đỗ Văn Nghĩa
07 Tháng Tám 2015(Xem: 10358)
Đừng ai chê ai. Ăn bốc cũng tốt, ăn bằng dao nĩa cũng hay, nhưng tốt và tiện nhất là ăn đũa như chúng ta.”
02 Tháng Tám 2015(Xem: 9545)
Các bạn muốn xem tạp chí này hãy truy cập ở www.Viet Lifestyles.com.
26 Tháng Bảy 2015(Xem: 11565)
Đây là một đoạn nhắn tin tìm người đi lạc đọc được trên một tờ báo trong nước hồi tuần trước.
11 Tháng Bảy 2015(Xem: 8720)
chúng tôi quan ngại ông Trọng với bản chất cs thì có lẽ "Trăm voi không được bát nước sáo
22 Tháng Sáu 2015(Xem: 10777)
tất cả đều phải được lịch sử ghi lại đúng như những gì đã xảy ra trên cái đất nước bất hạnh nhất trong các nước
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 11706)
Gió từ biển thổi lộng vào mát rượi. Hắn mỉm cười nhủ thầm: "Gió nhiều thật dễ thở"
06 Tháng Sáu 2015(Xem: 14123)
được con trai bảo lãnh sang Đức. Nhưng ông đã quẫn trí, thường ngồi thẫn thờ nhìn lên trời cao, lúc khóc lúc cười
30 Tháng Năm 2015(Xem: 16582)
Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đầu bức tượng người lính TQLC trước Quốc hội. Với một chiếc búa, anh ta đập vành nón sắt của người lính để bắt đầu cuộc “bức tử” pho tượng.
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12285)
Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì "cả hai chế độ" cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.
24 Tháng Tư 2015(Xem: 11333)
Thêm một lần nữa tháng Tư lại về, tháng Tư xứ người chợt nhớ tháng Tư xứ mình
03 Tháng Tư 2015(Xem: 10945)
một “nhà tù khổng lồ” song vẫn cứ tưởng là đang sống hạnh phúc tuyệt vời trong một “thiên đường văn minh nhất hành tinh”.
01 Tháng Tư 2015(Xem: 12153)
miệng đắng ngắt như đêm nào bên bờ Bắc sông Thạch Hãn, tiếng sóng biển nghe xa dần, xa dần, có thứ gì mằn mặn trong miệng, tôi thiếp đi lần nữa...
29 Tháng Ba 2015(Xem: 11307)
tôi buồn và xót xa làm sao. Bây giờ chúng ta gọi họ là "người Việt gốc …" gì nhỉ?