Theo Biên Hòa sử lược, quyển 2, của tác giả Lương Văn Lựu, xuất bản năm 1972, tại Biên Hòa. Đây là một tích xưa của đất Nông Nại < Đồng Nai >, châu Đại Phố < Cù Lao Phố > mà lớp người cố cựu đều nghe và biết cốt chuyện.
Sự việc xảy ra vào khoảng năm 1755, sau thời Nguyễn Hữu Cảnh < Kính > do quốc chúa Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế Nguyễn Phước Châu phong cử vào Nam kinh lược đất Lộc Dã < Đồng Nai > thuộc dinh Trấn Biên.
Tại Cù Lao Phố < châu Đại Phố >, huyện Phước Chính, phủ Phước Long có viên thơ lại họ Võ tên Hữu Hoằng, vừa làm việc, vừa cho vay đặt nợ. Nghề nầy giúp ông mau phát đạt, làm giàu, vì ông thâu lời quá nặng. Đó là điều tội lỗi đối với luật pháp của người dương thế, nhưng cũng vi phạm đến qui pháp mà hình phạt có định sẳn ở âm cảnh < theo thuyết nhà Phật >.
Vợ ông bị bịnh nặng, lại còn tha thiết nghề hơn ông, cho đến đổi trước khi tắt hơi, bà còn nhớ tính lời và nhắc chồng đòi nợ tên Cương .
Vợ chết, ông Hữu Hoằng từ chức thơ lại để theo nghề cho vay. Ông tóm thâu gần hết tài sản của các người thiếu nợ trả không nổi, vì vốn, lời chồng chất quá nhiều. Ông trở thành một Đại Phú gia.
Tên Được là một thương hồ cũng là người thiếu nợ ông Hữu Hoằng. Được theo đường biển, dùng ghe bầu ra buôn tận ngoài Trung, đến Pandurang < Phan Rang > gặp trận bảo to làm đắm thuyền. Được trôi dạt vào bờ, hồn lạc đến chợ Mãnh Ma là nơi buôn bán giữa người sống và hồn người chết. Tình cờ, Được gặp lại bà vợ ông Hữu Hoằng đã chết, hiện làm vú nuôi con cho Chuyển Luân Vương ở địa phủ. Bà dẫn Được về trình diện với chủ đang cai quản cửa ngục thứ 10. Theo lời Được thỉnh cầu, Thập Điện Diêm Vương cho phép hướng dẫn đi xem các ngục hình. Được nhận thấy có một cái gông to lớn cháy đỏ còn để trống nên hỏi, quan thủ ngục cho biết < gông nầy để chờ Hữu Hoằng chết xuống sẽ mang, vì trên cõi trần, Hữu Hoằng đang làm nhiều tội ác, nhứt là việc cho vay đặt nợ, Được sợ hải thì cai ngục giải thích: muốn tiêu trừ chiếc gông, kẻ phạm tội phải ăn năn, hối lỗi, chừa bỏ nghề cũ, tu nhơn, tích đức, biết thương kẻ nghèo khổ, kính Thần, Thánh, thờ Trời, Phật.
Được xem xong, Chuyển Luân Vương giúp cho hồn anh trở lên dương trần. Được về quê, thuật lại cho Hữu Hoằng nghe biết mọi chuyện.........
Sau đó, Hữu Hoằng rất lo sợ và làm lại cuộc đời, ngược hẳn với lề lối ngày xưa. Để tiến thiện, Hữu Hoằng từ bỏ nghề cho vay, đem của cải, bạc tiền ra bố thí, giúp đở người nghèo, làm việc âm đức để mong cầu chuộc lại tội lổi.
Một thời gian sau, hồn vợ hiện về báo mộng cho Hữu Hoằng biết < chiếc gông đã tiêu dần >. Nhà Phú Hộ rất mừng, tiếp tục tích cực các công tác từ thiện, giúp người đồng hương xây chùa, cất chợ, bắt cầu, vét rạch, sửa đường, đưa đò, lập bến, cấp thức ăn, uống cho khách thủy hành ..........
Xin kể một vài công đức điển hình nhứt, đã được sử sách ghi chép và hiện còn lưu dấu tại Biên Hòa.
BẾN SÔNG < NHÀ BÈ > :Từ trước việc di chuyển, xê dịch từ Biên Trấn < Biên Hòa > đến Phiên Trấn <Gia Định> chỉ do đường thủy mà thôi, vì đường bộ chưa khai thông. Khách thường dùng đò < Trường Hành >, theo con sông Phước Long < Đồng Nai > đến Phước Bình _ Tam Giang khẩu < Nhơn Trạch _ Quảng Xuyên >.
Bến đò phía Bắc đặt tại Sa Hà < Rạch Cát >, đầu phía Nam tại tổng Tân Long < Phú Xuân >. Nơi đây, con sông chia ra hai ngã : xuôi ra Cần Giờ và ngược sang rạch Ngưu Chữ < Bến Nghé >.
Nước nơi cửa Tam giang nầy mặn, hành khách thường tựu tập, kẻ lên, người xuống tấp nập mà không có nơi nghỉ ngơi, ăn, uống.
Vì thế, nhà hào phú Võ Hữu Hoằng, trong công tác phước thiện, mới cho kết bè tre, dựng chòi lá, hằng ngày chở nước uống, thức ăn đến đãi khách đi đò. Cử chỉ nầy của nhà từ thiện được đồng bào ca tụng rất nhiều, ảnh hưởng cho tên tuổi ông, ông được gọi tặng là < Thiện Hộ >. Các thương nhân thấy nơi phồn thịnh, cũng kết bè nổi, đem thực vật đến bán, càng ngày càng thêm đông, nhóm thành chợ trên sông < tham khảo : Đại Nam Nhất Thống Chí >. Do đó , người trong vùng gọi là < Bến Nhà Bè > < Phù gia tam giang khẩu > được thông dụng cho đến ngày nay thành địa phương danh < Nhà Bè >, là một quận thuộc tỉnh Gia Định.
CHÙA CHÚC ĐẢO < THỌ > : Tại châu Đại Phố < Cù Lao Phố >, nơi thôn Bình Hoành, huyện Phước Lộc, ông Hữu Hoằng có cho xây cất một ngôi chùa lấy tên là < Chúc Đảo Tự >.
Vào khoảng năm 1820, ông Hữu Hoằng chết.
Bên Trung Quốc nhằm triều đại Mãn Thanh. Vua Tuyên Tông < Đạo Quang > ra đời. Lúc mới sanh, nơi lòng bàn tay của Vương hài nhi có ửng 6 chử son < Gia Định thành, Võ Hữu Hoằng >, vua Thanh tư điệp sang hỏi. Nguyễn triều chuyển về Tổng Trấn < Gia Định thành > xác nhận tông tích của ông Võ Hữu Hoằng ở trấn Biên Hòa.
Cả vùng Đồng Nai đều bàn đến sự chuyển luân hóa kiếp sau hiện tượng lạ nầy.
Được tin, Thanh triều gởi sang phụng biếu lể phẩm là ba cốt Phật Tam Thế: Di Đà, Quan Âm và Thế Chí, làm bằng gổ trầm hương, đặt trên một mâm đá mài mặt láng, bề ngang 0,th 60 , dài 1, th 90. Quan tổng trấn cho đưa đến Biên Hòa để thờ trong chùa < Chúc Đảo >.
Về sau, Tây Sơn đến chiếm châu Phố, chùa gặp cơn binh biến, bị bỏ hoang phế trong cảnh tiêu sơ.
Đến năm 1848 , dưới thời vua Minh Mạng , mới được trùng tu , xây cất lại , vẫn giử tự hiệu là < Chúc Đảo >, nhưng vì chữ < Đảo > tự dạng giống chữ < Thọ > mà lại được có ý nghĩa hơn, nên từ đó được gọi là < Chúc Thọ Tự > đến ngày nay. Ngôi cổ tự nầy hiện ở sau chùa < Đại Giác > trong gò, giửa nhiều bãi mộ, thuộc ấp Bình Kính, xã Hiệp Hòa.
Tộc danh nhà Phú Hộ biết hối cải nguyên là Võ Hữu Hoằng < theo: Đại Nam Nhất Thống Chí >, nhưng giới bình dân, lao động có thể vi chử Hoằng khó đọc, hoặc vì nghe không rõ, phát âm lại không đúng, qua nhiều truyền khẩu, qua nhiều thời gian, nên Hữu trở thành < Thủ >, còn Hoằng biến ra < Huồng >, chỉ còn thu gọn hai chử < Thủ Huồng >. Cũng do đó, ngôi chùa ngày xưa do ông Hữu Hoằng đứng lập, về sau được gọi là chùa < Thủ Huồng > là danh hiệu quen thuộc trong giới bình dân Phật tử.
Ngoài những di tích trên, hiện ở Bửu Hòa < Chợ Đồn > _ đối diện với Cù Lao phố _ cũng còn hai lưu niệm khác về ông Thủ Huồng.
1/_ Một con rạch băng ngang đường Tân Vạn vòng lên Quốc Lộ I < đi Sài Gòn >, do nhà phú hộ khai vét ngày xưa, được ghi danh là rạch < Thủ Huồng >.
2/_ Một chiếc cầu đá trên đường cận sông Đồng Nai đi xuống Tân Vạn do ông bắt xưa kia, nay cũng được mang tên cầu < Thủ Huồng >.
_ Ai ơi có đến Nhà Bè _ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng. < Nguyễn Tài Năng >.
_ Nhà bè nước chảy chia hai _ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. < Ca dao Nam bộ >.
vohawaii
Sưu tầm
Gửi ý kiến của bạn