8:29 SA
Thứ Ba
17
Tháng Chín
2024

CHỢ LỚN

11 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 18236)



Chợ Lớn
 
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nếu tôi dám liều lĩnh cho rằng mình biết được chút ít về Sàigòn, từ những tên xóm, tên cầu, tên đường,  nhà thờ, nhà chùa, trường học, chuyện nhân vật này, gia đình nọ…, chuyện ngày xưa chút chút, chuyện ngày nay chút chút (ngày nay là khoảng vài năm trước 1970), đó cũng là nhờ báo chí và sau này Internet còn nhắc lại, cộng với những tài liệu hoặc vốn sống hiếm, quí do những tay bút từng trải như Vương Hồng Sển,  Hoàng Hải Thủy … ghi lại.
 
Nhưng kiến thức của tôi về Chợ Lớn thì thật sơ sài, cực kỳ sơ sài.
 
Mặc dù, ông thầy thuốc Bắc đã chữa trị cho mẹ tôi trong vòng gần 10 năm trời là ông Miên Ký, có cửa tiệm thuốc Bắc tại Chợ Lớn, mà tôi đã đến vài lần, mỗi lần đều được “hữu nghị” vài quả táo tầu cực ngon. Mặc dù, tôi có bạn gốc Hoa học chung, nhà trong Chợ Lớn, mời tôi đến đôi lần. Mặc dù, tôi có được đi ăn cưới tại nhà hàng Đồng Khánh vài lần, và đã phải chạy xe Honda băng ngang Chợ Lớn để chở ba tôi đến Xóm Củi lấy xe đò đi Long An, nhiều lần.
 
Bài này là một cố gắng để đền bù vào kiếm khuyết đó, mà cũng là một hoài niệm về một nơi chốn mà nay càng thấy yêu thương, và luyến tiếc.
 
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” … (Bà Huyện Thanh Quan)
 
0o0
 blank
ĐẠI LỘ GẦN CHỢ LỚN

blank
CHỢ LỚN - KÊNH BONNARND
chua_ba_thien_hau_cho_lon-content
CH
ÙA BÀ THIÊN HẬU CHỢ LỚN

Đúng là luôn luôn trong óc tôi thưở ấu thơ, Chợ Lớn là một phố khách. Người Tầu sống trong đó là những người khách, nhiều người Việt thích gọi họ là “khách trú” hơn “các chú”. Gần sát nách đó, nhưng vẫn là khách. Một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những bảng hiệu người Việt đọc không hiểu, cách ăn mặc (áo xẩm, áo xường xám …) khác biệt. Ngôn ngữ khác biệt, nếu họ muốn nói tiếng Tầu với nhau, người Việt không hiểu, nhưng người Việt nói gì, phần đông họ hiểu.
 
Những ngõ ngách trong Sàigòn thân quen với tôi bao nhiêu, thì trong Chợ Lớn lại kỳ bí, đáng ngại bấy nhiêu. Có lần đi xe Honda tìm nhà trong vài xóm tại Chợ Lớn, tôi có cảm giác có hàng chục con mắt theo dõi mình ngay từ đầu xóm, dù rằng phần đông đều là những ánh mắt hiền lành, nhưng cảm giác mình là kẻ xa lạ rất rõ rệt. Cảm giác thực của sư “tha hương trên chính quê hương”.
 
Ngay cả cách thờ phượng cũng khác người Việt. Những bức tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đặt ở đâu là tờ giấy khai nguyên quán của chủ nhà gần như trúng trên 90%. Người Việt ít ai thờ Quan Công lắm, có thể nói là người Việt gốc thì hoàn toàn không .
 
Kiến trúc nhà cửa tại Chợ Lớn giống những Phố Tầu trên khắp thế giới nhiều hơn là giống kiến trúc người Việt. Nhất là từ sau khi người Pháp đặt sự cai trị tại Miền Nam, thì Sài Gòn có nhiều khu nhà kiến trúc theo kiểu thực dân Pháp, dần dần được Việt Nam hóa, phân biệt rạch ròi hai lối ở khác hẳn nhau.
 
0o0
 
“Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Giới anh chị Chợ Lớn cũng có trùm riêng cai trị, tên là Mã Thầu Dậu.
 
0o0
 
Bây giờ nhớ lại, Chợ Lớn lúc đó là một Chinatown (Phố Tầu) khổng lồ, so với những Chinatown trên thế giới mà tôi đã được ghé thăm như Mã Lai, Singapore, Anh, Pháp, Úc, Mỹ…
 
Chợ Lớn đã có những trường Tầu, mà vài người bạn Tầu hồi nhỏ trong xóm tôi, phải về đó “du học”. Trường nổi tiếng nhất là trường Bác Ái.
 
Với nhiều tiệm ăn Trung Hoa, Chợ Lớn đương nhiên là nơi ăn uống rất ngon, và với tài năng buôn bán của cộng đồng Hoa Kiều, cộng với hệ thống mạng lưới kinh doanh chằng chịt trong nước, lẫn Đông Nam Á. Chợ Lớn đương nhiên có những chi phối nhất định trên nền kinh tế cả nước Việt Nam.
 
Trên lãnh vực chính trị, Chợ Lớn hồi đó, nghiễm nhiên được đa số người dân Việt Nam, hiểu ngầm là có những quan hệ sâu xa với Hồng Kông, Đài Loan và Trung Hoa Lục Địa.
 
0o0
 
Tại trung tâm Chợ Lớn có nhà thờ Cha Tam, là nơi mà tổng thống Ngô Đình Diệm và em là cố vấn Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện vào sáng ngày 2/11/1963, trước khi “được” lực lượng quân nhân đảo chánh cho lính “đón” đi, để rồi bị hai sỹ quan tên là Nguyễn Văn Nhung và Dương Hiếu Nghĩa trói quặt tay, và sau đó bị ám sát bằng dao găm và súng trong một chiếc xe thiết giáp, trên đường áp giải hai ông này về Tổng Tham Mưu.
 
Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu đã rời khỏi Dinh Độc Lập vào tối ngày hôm trước, và tạm lánh tại nhà một người Việt gốc Hoa, tên là Mã Tuyên. Mã Tuyên là tổng bang trưởng tại Chợ Lớn. Lý do chọn nhà tổng bang trưởng Mã Tuyên để đến, theo lời chứng của ông Cao Xuân Vỹ: "nhà ông Mã Tuyên ở trong Chợ Lớn, phố xá chằng chịt rất khó tìm. Hơn nữa người Tàu rất kín đáo và trung tín
 
Cho đến nay, không có nguồn tin nào cho biết ai là người đã thông báo chỗ tạm lánh của hai anh em họ Ngô, và có phải là điều ngẫu nhiên, mà quân đội đảo chính đã chờ khi họ đi lễ nhà thờ mới tới “đón” hay không? Riêng về ông Mã Tuyên, lúc đó, khoảng trên 50, người Triều Châu, làm tổng bang trưởng 10 bang, sau đó 5 ngày cũng bị bắt, bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng giam trong 3 năm, tài sản bị tịch thu, đem bán đấu giá, nhưng được người đồng hương Việt gốc Hoa thu mua trả lại.
 
Lý do “phố xá chằng chịt” đã không thỏa để cứu mạng hai ông, nhưng lý do “người Tàu rất kín đáo” lại có vẻ đúng, vì ông Mã Tuyên không khai gì thêm, và không than van gì, mặc dầu sau ngày 30/04/1975, nhà nước CSVN lại bắt ông ngay sau khi họ vừa chiếm được miền Nam VN. Lần đầu là 4 tháng rồi thả và bắt lại sau một thời gian ngắn. Lần bắt sau nầy, ông Mã Tuyên bị giam tới 4 năm tù. Riêng lý do “người Tàu trung tín” thì lại mờ mịt, vì có nguồn tin cho rằng tư gia của ông Mã Tuyên là một hang ổ của CS, là Trung Tâm Liên Lạc xưa nay của ông Nhu với MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam)… Thật khó mà biết phải trung tín với ai, khi ông Mã Tuyên có tới mấy phe nhóm cần trung tín: Tầu Cộng, Việt Cộng, gia đình ông Diệm, cộng đồng 10 bang của người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn, và biết đâu chừng Đài Loan hay Hồng Kông nữa.
 
0o0
 
Không rõ 10 bang người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn vào giai đoạn ông Mã Tuyên làm tổng bang trưởng, là gì, nhưng 5 bang chính gọi là “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, và Phước Kiến.
 
Nhiều người Hoa (Tầu) đến từ những tỉnh miền duyên hải phía Nam Trung Hoa (từ sông Dương Tử trở xuống) định cư tại Chợ Lớn. Họ họp nhau, sống chung với nhiều phân khu từng bang hội, tùy theo gốc tích cố hương, vừa vui sống mà vừa dễ sống. Trong giai đoạn phát triển Chợ Lớn, dưới thời Pháp thuộc, họ được người Pháp cho nhiều dễ dãi, thoải mái, điển hình là việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư, cho phù hợp với lối sống truyền thống của họ, miễn là hòa nhập vào môi trường địa lý, sinh hoạt mới . Do đó, những tên hẻm được đặt với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường đã được thấy, như hẻm Tuệ Huê Lý (làng Tuệ Huê) ở bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, còn sót lại cho đến năm nay (2012), sau nhiều biến cố đổi thay “thương hải biến vi tang điền”.
 
Lý như trong “lý trưởng” có nghĩa tương đương với làng, hoặc thôn. Đó là một quần thể tập hợp khoảng vài chục nóc nhà, họp thành một đơn vị cư trú.
 
Hạng như trong câu thơ “Từ Ô Y Hạng rủ rê sang” của nhà thơ Quách Tấn, có thể dịch là xóm, qui tụ khoảng mươi nóc nhà cận kề nhau. Thường ra, một ông đại gia nào đó, mua một khoảng đất lớn sát một con lộ lớn. Trên miếng đất đó ông ta cho xây ngoài mặt tiền những cửa hàng xoay cửa chính ra ngoài lộ. Giữa những cửa hàng đó, có một con hẻm dẫn vào một khu xóm nhỏ, được lập ở phần sau khu đất, khoảng 7-8 căn nhà, cho họ hàng, con cháu của chủ nhân ở. Đầu con hẻm thường đắp chữ nổi, hay có bảng gỗ nói lên nơi chốn cố hương của chủ nhân, chẳng hạn “Thái Hồ Hạng”, “Xóm Thái Hồ”  vì quê cũ của ông ta ở Hàng Châu.
 
Còn Phường lại là nơi qui tụ những người cùng chung một nghề với nhau. Thường là một hẻm cụt, gồm vài chục căn nhà mà những người làm cùng nghề, hoặc chung một ông chủ, chung tiền ra mua, hoặc được chủ cho ở. Thí dụ như hẻm “Hào Sỹ Phường” là nơi có 34 căn nhà của những công nhân làm nghề chế tạo xà phòng (xà bông) , chà gạo cho một ông tên là Hào Sỹ.
 
0o0
 
Phố Tầu tại Nhật không nằm ngay thủ đô Edo (Tokyo), mà  nằm tại thị trấn cảng Yokohama. Phố Tàu tại Pháp nằm tại quận số 13, bao bởi 3 con đường rue de Tolbiac, avenue de Choisy và boulevard Masséna. Cả hai khu Phố Tầu này không lớn, không được nằm ở khu trung tâm thành phố, nhưng cũng như hầu hết mọi khu Phố Tầu nào khác trên thế giới, đều phải có một cái đền, mà nhiều người gọi là chùa Tầu. Thiếu đền Tầu, chùa Tầu thì không thể gọi là Phố Tầu.
 
Đương nhiên là Phố Tầu lớn hạng nhất trên thế giới như tầm cỡ Chợ Lớn phải có một cái đền, đó là Đình Minh Hương. Chữ “hương” mới đầu viết Hán tự theo nghĩa là “hương hỏa” tức “cúng kiếng”, sau viết theo nghĩa “làng” từ năm 1827.  (1).   
 
Đền này với cái tên không, cũng đủ cho thấy sự khác biệt với các đền Phố Tầu khác. Đình chứ không phải là đền. Đình trong văn hóa Việt Nam là đơn vị quan trọng dính liền với làng. Đình Minh Hương được dựng cho làng Minh Hương, chứ không phải cho một phố buôn bán, như những Phố Tầu mà ta thấy tại khắp nơi trên thế giới.
 
Người Tầu qua Chợ Lớn (Việt Nam) sinh sống không phải vì sinh kế như tại Úc, hoặc Mỹ (phong trào đổ xô kiếm vàng), hay vì lý do thương mại như tại Nhật… Họ qua vì lý do chính trị (như họ đến Canada, Vancouver sau này, khi Hương Cảng phải trả lại cho Trung Hoa Lục Địa). Chợ Lớn dã được xây dựng bởi những con người tỵ nạn chính trị. Minh Hương có nghĩa là những người dân Tầu đi theo những di thần-di tướng, dưới triều Minh (1368-1644), vì không chấp nhận nhà Thanh toàn chiếm nước họ (1662), nên đã phải bỏ qua Việt Nam, sau cái chết của vua Vĩnh Lịch Chu Do Lang.
 
Qua tới Việt Nam, bất kể nguồn gốc cố hương, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, hay Phước Kiến…, nói phương ngữ khác nhau, các di dân nhà Minh cũng quây quần sống chung với nhau, tổ chức thành làng xã, theo kiểu Việt Nam, và cũng xây cái đình như người Việt Nam. Trong đình, thay vì họ thờ Phật, Thánh hay Quan Công như mọi Đền Tầu nơi khác, mà thờ Thành Hoàng, các bậc tiên hiền, hậu chủ, và các danh nhân gốc Minh Hương, như vị võ tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những di tướng nhà Minh, sau thành doanh nhân, khai phá Cù Lao Phố. Hay một ông tướng học trò của Võ Trường Toản, mà ông nội đã có mặt trong nhóm 3000 người tỵ nạn tại Đàng Trong, tên là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), người đã có công lớn phò tá vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức lại là tác giả những bộ sách địa dư chí nói về vùng đất Gia Định (sáng tác bộ Gia Định Thành Thông Chí, đồng sáng tác Gia Định Tam Gia Thi). Nhưng đặc biệt nhất là Đình Minh Hương có thờ một ông tướng Việt Nam, đó là Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh.
 
 0o0
 
Trong tuần đầu năm 2012, nhân một buổi ăn giỗ đầu thân phụ một người bạn, tôi và một anh bạn thân lan man trà đàm, sao mà lại nhắc đến nguồn gốc của sự thành lập Chợ Lớn.
 
Anh bạn tôi, cho là Chợ Lớn do người Pháp thành lập. Riêng tôi, tôi lại cho là Chợ Lớn do các di thần, di dân nhà Minh thành lập, và chính xác nhất là nhóm đi theo ông Trần Thượng Xuyên là những cư dân đầu tiên đã định cư một cách có tổ chức tại đó, và có thể chính là do nhu cầu thương mãi hay di dân từ biển qua ngả sông Sài Gòn, đi vào Đồng Nai  mà ra. Cộng thêm nhu cầu liên lạc giữa hai nhóm Minh Hương: Nhóm ông Trần Thượng Xuyên và nhóm đi cùng ông Dương Ngạn Địch về Mỹ Tho.
 
Tôi có hứa là sẽ tìm hiểu lại, và đưa ra những bằng chứng, theo thiển ý, đủ ủng hộ cho giả thuyết này. Việc này buộc phải lùi lại quá khứ tới trên 320 năm, và xa hơn nữa.
 
0o0
Sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép:
Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (Thuận An) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ.
Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố.
0o0
 
Vào năm đó (1679), nhà Nguyễn có một trại lính đóng tại vùng đất Gia Định, gọi là đồn dinh. Lý do tại sao và trong hoàn cảnh nào có cái đồn dinh đó?
 
Theo một số sử gia người Pháp và được một số tác giả VN trích lại, vùng đất này, vào khoảng thế kỷ thứ 5 đã có người ở, và thuộc lãnh thổ của hai tiểu quốc nằm sát nhau tên là Thù Nai và Ba Lị. Nhưng không lâu sau, hai nước này lại bị vương quốc Phù Nam (Funam) xâm chiếm. Đến khoảng thế kỷ thứ 6, đến phiên Phù Nam lại bị một vương quốc mới tên là Chân Lạp (Tchen-la) tiêu diệt.
 
Theo họ (G. Maspéro, M. Pelliot), những sách biên niên sử thời nhà Đường bên Tầu, có ghi chép vào sau thời Chen-long (705-706), Chân Lạp gồm có hai vùng, một vùng trũng ủng là Thủy Chân Lạp (Tchen-la d’eau=Vyadhapura=Ankor Bórei), và một vùng khô là Lục Chân Lạp (Tchen-la de terre=Cambhupura=Sambór).
 
Miền đất sau này có tên Gia Định thuộc về Thủy Chân Lạp, người Việt gọi là Đàng Thổ. Vào thế kỷ thứ 14, nước Chân Lạp bị nước Mã Lai xâm lăng, chịu thần phục nước nầy. Sau đó lại bị Xiêm La thống trị. Chiến tranh xẩy ra khi Chân Lạp vùng dậy làm lãnh thổ bất an, nhất là vùng biên giới Xiêm-Chân Lạp. Nhiều người dân sinh sống vùng Lục Chân Lạp như Mã, Chàm, Việt, Chân Lạp, cùng lính đào ngũ chạy loạn, một số chạy xuống vùng trũng Thủy Chân Lạp để được an toàn. Vùng này trở nên một vùng đất “đa văn hóa”, dân tương đối mạnh ai nấy sống trong “hòa nhi bất đồng”.
 
Trong lúc đó, thế lực trung ương tại triều đình Chân Lạp không đủ mạnh, lại thêm hoàng gia chia rẽ liên miên giữa các phe thân Xiêm, Lào hay Việt.
 
Năm-sáu năm trước khi vụ Dương Ngạn Địch xin tỵ nạn, tức1673-1674, hai phe quyền lực chính trị đã nổ ra cuộc tranh chấp quyền lực: một bên là hai anh em Nặc Đài và Nặc Thu (Ang Ji và Ang Sur), bên kia là hai bác cháu Nặc Tân và Nặc Nộn (Ang Tan và Ang Nan). Phe Nặc Tân-Nặc Nộn (sử Việt viết là Nặc Ông Chân, Nặc Ông Nộn) cầu cứu chúa Hiền (Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, chữ Hán: 阮福瀕, 1620 - 1687).
 
Triều đình Đàng Trong cho 3000 quân qua giúp Nặc Ông Nộn để bảo vệ vùng Đồng Nai, đánh thắng quân Miên tại Mỗi Xuy (Mô Xoài), bắt Nặc Ông Chân về giam tại Quảng Bình, sau đó tha ra. Đến năm 1674, Nặc Ông Chân chết. Năm 1677, Nặc (Ông) Đài thua chạy, bị đồng bọn giết. Chúa Hiền đề nghị một giải pháp ngoại giao có ảnh hưởng tối quan trọng cho sau này. Ông phong cho Nặc (Ông) Thu làm chính vương, đóng đô tại Udong (Long Úc, Nam Vang), và Nặc Ông Nộn đóng đô tại Prei Nokor (Sài Côn phiên âm tức Sài Gòn sau này).
 
0o0
 
Cho đến đây thì cái nút kết “lý do quân đội nhà Nguyễn có một đồn dinh” tại cái phần đất gọi là Đông Phố (*) đã bắt đầu được nới lỏng. Nhưng vẫn chưa mở được.  Vì cái nút thật sự nằm ẩn trong cái nút chính là “tại sao người Chân Lạp lại nhờ người Việt vào giải quyết chuyện của nước họ ?
 
Muốn mở, một cách khách quan, ta lại phải lần tìm qua tới xứ Chân Lạp (Khmers-Kampouchea-Krom), hiện nay xem người ta nghĩ thế nào.
 
0o0
 
Trang báo mạng “The Specific Expansion of Viet Nam” (http://khmerkrom.org/node/11) cho biết, lý do người Việt có được Miền Nam, chính là do cái bẫy “mỹ nhân kế” tương tự như thời vua Chàm Chế Mân vào năm 1307. Họ cho rằng vào năm 1620, Chúa Nguyen Hi Tong (tức Chúa Sải hay Sải Vương Nguyễn Phúc Nguyên,1613-1635) đã “đưa” cô con gái “quí hiếm, lạ” (họ dùng chữ exotic)  là Công Chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetha II (1618-1628) làm vợ, nhằm đổi lại vài “đặc quyền, đặc lợi, đặc ân” sau:
 
· Vào năm 1623, Chúa Nguyễn xin triều đình Chân Lạp tại Udong (Nam Vang) cho phép người dân Việt buôn bán tại vùng Morea (tức Bà Rịa) và Prei Nokor (tức Sài Gòn), và được mở trạm thâu thuế.
· Sau đó, triều đình Huế, lại khôn khéo dùng mẹo đưa quân lính vào, dưới chiêu bài tình nguyện giúp cơ quan triều đình Chân Lạp giữ an ninh cho khu vực. Một vài tài liệu sử (không đưa rõ) của người Khờ Me (Khmer tức bao gồm Chân Lạp …) cho biết, lúc đầu triều đình Huế chỉ yêu cầu xử dụng một vài khu vực tại Prei Nokor  nhằm tập luyện quân sự cho cuộc chiến chống lại người Trung Hoa, và sẽ trả lại cho triều đình Chân Lạp trong vòng 5 năm. Nhưng vào năm 1628, khi vua Chey Chetha II từ trần, những vùng đất Prei Nokor, Morea, Do Nai, và Toul Ta Mauk đã có nhiều quân dân Việt đến ở. Sau đó dần dần thuộc quyền kiểm soát của Chúa Nguyễn: Kampong Srakartrey (Biên Hòa) vào năm 1651; Prah Suakea hay Morea (Bà Rịa) vào năm 1651; Kampong Kou (Long An) vào năm 1669; Tuol Ta Mauk vào năm 1696; và Kampong Krabey Prei Nokor (Sài Gòn) vào năm 1696.
 
0o0
 
Một lối nhìn khác, theo sử Việt Nam, vấn đề phức tạp hơn, và vua Chey Chetha II muốn cầu thân với Chúa Sải là vì muốn nhờ người Việt Nam ủng hộ để đối đầu với quân Xiêm (tức Thái Lan sau này).
 
· Nhờ sự liên minh với quân đội Việt Nam mà quân Chân Lạp đã đánh thắng quân Xiêm hai trận, vào hai năm 1621 và 1623.
· Sau đó vua Chân Lạp cho dời đô từ Lovet về Oudong (tức Nam Vang ngày nay).
· Năm 1622, quân Xiêm cho 2 đạo quân đánh vào Oudong đều thất bại. Triều đình Xiêm Ayutthaya mang chiến thuyền đánh, nhưng vẫn thất bại. Đó là do công của sự liên minh với Chúa Nguyễn.
· Vì muốn tỏ lòng ghi ơn, và muốn củng cố thêm tình liên minh, vua Chey Chetha II cũng muốn nói lên lòng yêu mến công chúa Ngọc Vạn, và cảm ơn Chúa Nguyễn, nên vua Chân Lạp (hay vua Miên) chấp thuận cho người Việt khẩn hoang vùng Đồng Nai, và Mô Xoài … (2)
 
0o0
 
Tóm lại, vào mùa xuân năm 1679, tức là năm mà các tướng quân thuộc lực lượng “Kháng Thanh Phục Minh” của Trịnh Thành Công (Hán tự Giản thể:郑成功, Phồn thể: 鄭成功, bính âm: Zhèng Chénggōng) trước đây, từ Trung Hoa mang 3000 di thần, di dân nhà Minh di tản trên 50-60 chiến thuyền tới các cửa tại Thuận An, Đà Nẵng xin tị nạn, thì ông phó vương Miên trấn thủ vùng Thủy Chân Lạp là Nặc Ông Nộn,  đang có kinh thành tại Prei Nokor (Sài Gòn), lại là con ruột của công chúa Ngọc Vạn, và là anh em họ với Chúa Hiền (cháu gọi Sải Vương là ông nội).
 
Chúa Hiền liền viết thư cho Nặc Ông Nộn, yêu cầu Nặc Ông Nộn chia cấp đất cho 3000 di dân Minh Hương làm ăn sinh sống quanh vùng Prei Nokor, nhân thể trở thành lực lượng bảo vệ cho triều đình phó vương Chân Lạp lai Việt này. Phó vương Nặc Ông Nộn đồng ý.
 
Có lẽ, Chúa Hiền lúc đó đang ngần ngại về việc phải đưa quân đi xa mang tiếng. “Ngặt cái, nếu không đỡ đần người anh em họ, thì chắc Nặc Ông Nộn sẽ khó mà trụ lâu. Nay nhân gặp chuyện khó xử, chuyển xui thành hên, phân nhóm 3000 người tỵ nạn ra làm hai, cho họ tới khai khẩn đất, tự sống, không tốn tiền ai cả”. Hơn nữa, với võ công đã có, hai nhóm người này dư sức tự bảo vệ, và bảo vệ cho cả triều đình phó vương Nặc Ông Nộn.
 
Nhưng, có lẽ Chúa Hiền cũng ngại, nếu cho họp hết 3000 người vào một nơi, họ có thể tạo thành thế lực lớn, gây nguy hiểm cho phó vương. Do đó, giải pháp tốt đẹp nhất là phân ra làm hai nhóm, cho người hướng dẫn đưa họ tới hai miền đã có người Việt sinh sống, hơi xa khu triều đình tại Prei Nokor, tránh được nguy cơ chính trị, nhưng lại là hai cửa chắn tầm mức chiến lược quân sự quan trọng để bảo vệ Đàng Thổ. Còn những toan tính “xâm thực” dần dần, có thể có hay không, trong lòng Chúa Hiền, và các đại quan người Việt…, lại là một chuyện khác, thật khó có bằng cớ để luận bàn những “toan tính lịch sử”.
 
Như vậy, coi như đã sáng tỏ việc tại sao, viên cựu tổng binh nhà Minh ở thành Long Môn, Quảng Tây, Dương Ngạn Địch (彥迪,-1688), đã được phép triều đình Huế đem thuyền chở người đến vùng đất Peam Mesar (Mỹ Tho) tiến vào cửa Lồi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, qua Xoài Rạp để khai khẩn, sinh sống. và viên cựu tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm, Quảng Đông, Trần Thượng Xuyên ((陳上川, 1655–1720))  đem thuyền chở người vào cửa Cần Giờđến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa) định cư tại Bàn Lân.   
 
Ba ngàn người Minh Hương, coi như những người “Việt vừa nhập tịch”, đã được triều đình Chân Lạp, đại diện là một vị Phó Vương, đầu tiên chính thức cấp đất, làm chủ tại Miền Nam.
 
0o0
 
Khác với đoàn thuyền của cựu tổng binh Zhèng Chénggong (hay Yang Andi hay Dương Ngạn Địch) đi tới một nơi không có đồn lũy của nhà Nguyễn được ghi rõ lại trong sử (dù rằng người Việt đã tới sinh sống tại đây từ trước, do đó triều đình Huế mới chỉ định chỗ đến). Đoàn thuyền của cựu tổng binh Chen Shang Chuan (Trần Thượng Xuyên) đi qua cửa Cần Giờ, vào đến Bến Nghé, không thể nào không tiếp xúc với người Việt đang sinh sống ở đó, nơi có hai cơ sở hành chánh là hai trạm thu thuế đã được Chúa Sải lập từ năm 1623, một ở  Bến Nghé (Quận I vào năm 2012, hồi đó có tên là Kas Krabei, sau là Bến Nghé), và một ở Phiên Trấn (Quận 5 vào năm 2012 hồi đó có tên là Prei Nokor, sau là Sài Gòn rồi Chợ Lớn). Người Việt sống tại đây được một đồn dinh bảo vệ, được lập cùng năm, tên là đồn binh Tân Mỹ, gần chợ Thái Bình ngày nay. (Có thể ví bậy như trại lính Mỹ tại Okinawa chăng?). Khu vực giữa Kas Krobei và Prei Nokor là nơi các thương nhân Việt Nam sinh sống, khi họ đi làm ăn với các nước Xiêm, Chân Lạp…(2.1)
 
Mười chín năm sau đó, tức vào năm 1698, ngay tại vùng Phiên Trấn này, đã thấy hình thành làng Minh Hương đầu tiên tại Việt Nam. (3).
 
0o0
 
Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi: “Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nơi cưc kỳ phồn hoa đô hội, hay vùng Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác, và phát triển nông- công-ngư nghiệp ?”.
 
Câu trả lời có thể,  đây là đầu cầu liên lạc chính thức giữa những người Minh Hương và người Việt. Đó là nơi mà người Minh Hương đã gặp quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định (1698), xác nhận quyền sở hữu chính trị của người Việt, để xin thành lập làng Minh Hương ngay trên vùng lãnh thổ mới khai sinh.
Những nhân vật đại diện người Minh Hương tại đây phải là những người cự phách, được sự tin cẩn của mọi bang hội người Minh Hương, không những từ trong hai nhóm của hai cựu tổng binh, mà còn từ nhóm ông Mạc Cửu (鄚玖,hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖): 1655 - 1735), đã đến Hà Tiên từ năm 1671 nữa.  Những người dân tại đây khá giả, phong lưu, như câu ca dao nói về phong hóa làng Minh Hương:
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.
 
0o0
 
Theo thiển ý, khu vực chung quanh Làng Minh Hương (vùng Sài Gòn, tức Prei Nokor) đó đã là cột mốc, cái nền đầu tiên để tạo dựng ra Chợ Lớn sau này.
 
Lý do chính trị, hành chánh đã được đưa ra. Nhưng lý do kinh tế coi mòi cũng quan trọng không kém.
 
0o0
 
Đó là đất Phiên Trấn (tạm gọi khu đất nằm trong vùng đất tên Prei Nokor, dân Việt gọi là Sài Gòn, rồi đổi tên thành Chợ Lớn) nằm gần ngay một con rạch rất thuận tiện (không rõ tên gọi lúc đó, nhưng vào thời vua Gia Long trị vì, đã có tên là rạch An Thông, sau đó được vét lại rồi mang tên Kinh Tàu Hũ, Pháp gọi là Arroyo Chinois). Diện tích vùng đất, vào lúc phát triển sau này, để trở thành khu phố chợ cho người Hoa vào khoảng hơn 1 cây số vuông.
 
Mới đầu, người ta đặt tên hành chánh vùng đất đó là Phiên Trấn, sau người Tầu gọi là, Tài-Ngọn (Đề Ngạn), Thầy-Ngọn, Xi Coón, Sài-Côn, Tây-Cống (nhưng người Việt luôn gọi là Sài-Gòn), để phân biệt với khu người Việt sinh sống là Bến-Nghé.
 
0o0
 
Có rất nhiều xác suất, chính nhóm của ông Trần Thượng Xuyên đã nhìn ra địa lợi đầu tiên của vùng đất mang tên Chợ Lớn sau này (sau khi tên Sài-Gòn được đem đặt  cho Bến Nghé), tương tự như lý do tại Biên Hòa, nhóm này đã chuyển từ Bàn Lân lên Cù Lao Phố, để lập nghiệp.
 
Lý do chính là Bàn Lân là nơi rừng rú, lúc đó còn nhiều hươu nai ở, người Việt sống tại đây săn bắn với làm nông, rẫy là chính (Lộc Dã chính là chữ Hán để dịch nghĩa cánh đồng có nhiều nai,  Đồng Nai tiếng Việt, người Tầu đọc ngọng thành Nông Nại). Ở chung với người Việt một thời gian, những người Tầu gốc Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề công nghiệp, và nhất là mua bán, phát hiện ra một nơi mà người Việt gọi là phố cù lao, sau này họ gọi là Cù Lao Phố.
 
Đó là một bãi cát do sông Hương Phước (một đoạn sông Đồng Nai) bồi lên. Chiều dài khoảng 3 cây số, chiều ngang khoảng 2 cây số.
 
Tuy Cù Lao Phố khá xa biển, nhưng nhờ đường sông sâu, rộng, nước chẩy hiền hòa có thể đi ra biển qua nẻo Cần Giờ, hoặc bắt đường bộ sang Miên, hay lên miền Bắc khai thác lâm sản. Không mấy lâu sau, đại đa số người Hoa dời ra sống trên Cù Lao Phố, làm ăn buôn bán phát đạt. Khu này mau chóng biến thành một trung tâm kinh tế đầu não cho cả vùng Đông Nam Bộ, lên đến Miên. (5)
 
Nhưng Cù Lao Phố không thể thành một trung tâm hành chánh, hay kinh tế cho cả Miền Nam.Vị trí của nơi này phải là nơi giao điểm của những giao thương quốc nội, và quốc tế. Bến Nghé đã là nơi của Chúa Nguyễn giành cho người Việt, nhưng Phiên Trấn lại nhờ con rạch nhỏ (có thể sau này có tên là An Thông, rồi đào lớn thành Kinh Tàu Hủ, có người  gọi là Kênh Cổ Hủ, và cho là vì hình dạng như cổ cái hũ, to rồi thắt lại), mà có thể là nơi giao lưu đi khắp nơi, tầu từ Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, Hòa Lan … ghé cảng Bến Nghé, xuống hàng hay nhận hàng tại đó. Rồi theo những đường sông rạch mà qua các tỉnh miền đông và miền tây.
 
Lý luận trên chỉ có lý khi lúc đó có một con rạch nối từ sông Sài Gòn (tức khu Bến Nghé) đến Prei Neikor, mà sau này được đào rộng ra thành con Kinh Tàu Hủ. Theo như tác giả Vương Hồng Sển, thì trong địa đồ của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định (trước năm 1815) thì không thấy con rạch đó. Theo thiển ý, tác giả Lê Ngọc Trụ đã không sai khi cho rằng có một con lạch nhỏ, đúng như Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong bộ Gia Định Thông Chí. Nhưng có lẽ đến lúc ông Trần Văn Học vẽ địa đồ, nó đã gần như bị lấp, nên sau  đó vua Gia Long cho lệnh phải đào rộng ra thành con Kênh Tàu Hủ. (5.1)
 
Đừng quên rằng hệ thống kinh rạch đã biến đổi rất nhiều với thời gian. Nhiều con rạch đã bị lấp như con rạch Chợ Lớn, ngày xưa từng là đường giao thông thịnh vượng. (5.2)
 
Những thức ăn, mỹ phẩm, đồ cúng kiếng, vật liệu xây cất … từ bên Tầu có thể dễ dàng theo đường biển vào tới sông Sài Gòn, mượn cảng Bến Nghé xuống con lạch nào đó, chẳng hạn rạch Bến Nghé (5.3), rồi được chuyển tới những kho chứa hàng để sau đó tản đi mọi nơi.(6) (7) (8) (9)
 
0o0
 
Tuy nhiên, để cho khu Phiên Trấn (Sài Gòn) trở thành một khu chợ khổng lồ của người Minh Hương và Hoa Kiều, còn cần phải thêm nhiều máu và nước mắt.
 
Vào năm 1747, tức 68 năm sau khi hai ông cựu tổng binh họ Dương và họ Trần cùng 3000 di thần, di dân nhà Minh, quyết để tóc dài, không chịu thắt bím, thà làm người dân thường đất Nam (An Nam Dzành), chứ không hàng nhà Thanh. Có một nhóm khách thương người Phúc Kiến, đã muốn “tạo riêng một góc triều đình Trung Quốc” tại Cù Lao Phố.  Họ thường đi đi về về qua khu phố sầm uất này buôn bán, bàn luận với nhau, bỗng nổi lòng tham, một phần thấy tài sản đâm mù lý trí, một phần coi thường triều đình Huế ở quá xa. Lý Văn Quang họp trên dưới cả trăm người gốc Hoa, đánh úp dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa sau này), giết chết Cẩn Thành Hầu (Nguyễn Cư Cẩn), là viên quan người Việt cai quản dinh. Sau đó Lý Văn Quang tự xưng vua, lấy tên là Giản Phố Đại Vương. Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát nghe tin báo, ra lệnh cho Cai Cơ Tống Phước Đại (tước Đại Thắng Hầu) đem quân đi dẹp. Từ Mô Xoài, quân nhà Nguyễn kéo vào Trấn Biên, phá tan và bắt giam Lý Văn Quang, cùng đồng bọn 57 người.
 
Cù Lao Phố chịu nhiều thiệt hại, nhưng tai hại nhất là lộ ra tính bất an ninh của vị trí. Dân chúng tại đây, có thể tin vào phong thủy không tốt của vùng đất bồi, thu góp tài sản đi tìm một nơi an ninh, văn minh hơn để sống. Họ thấy, không đâu bằng khu Phiên Trấn gần Bến Nghé, nơi có đồn binh Chúa Nguyễn đóng kề. Hơn nữa, rất có thể, bây giờ đã có tiền, có của, họ chọn nếp sống thị thành, chuyên thương mãi, làm tiểu công nghiệp, dễ sống, đỡ mệt thân hơn.
 
0o0
 
Vào thời Cù Lao Phố bị loạn, chính sự của triều đình Huế cũng đã không còn tốt đẹp như trước. Vũ Vương tham lam, đánh thuế dân với một hệ thống nhiêu khê, phức tạp. Thuế thổ sản đánh trên hàng ngàn thứ, chi li bần tiện. Quan lại cấp dưới, nhân vào đó, mà tham nhũng, ức hiếp dân nhiều hơn. Thượng Bất Chính Hạ Tắc Loạn là câu người Tầu thường dùng để nói về việc “dột từ nóc dột xuống” của một cơ cấu chính trị, hành chánh, rất ứng vào giai đoạn này.
 
Cho đến khi Vũ Vương chết (1765), tức thì xẩy ra vụ Trương Phúc Loan chuyên quyền, giết cha của Nguyễn Ánh, triều chính rối ren, quân Trịnh từ Bắc đánh vào, lại đến chiến tranh giữa Tây Sơn   nhà Nguyễn (bắt đầu vào năm 1771), làm đời sống người dân Miền Nam rối bù.
 
Lúc đầu, đa số người Hoa Kiều hầu như đứng ngoài mọi biến cố chiến tranh và chính trị của người Việt. Cho đến lúc có lực lượng người gốc Hoa như đạo quân của Lý Tài, Tập Đình tham gia lực lượng Tây Sơn. Đặc biệt là đội  Hòa Nghĩa Quân (Harmony Army) do Lý Tài chiêu mộ, trong những người Hoa miền Nam Trung Bộ, được thành lập từ năm 1773, từ đó mới bắt đầu  lộ sự khác biệt giữa những người Việt “thuần”, với người gốc Hoa.
 
Trong khi đó, tướng Đông Sơn Đỗ Thanh Nhân, gốc Minh Hương (Hương Trà, Thừa Thiên), lại phò quân nhà Nguyễn.
 
Tập Đình bỏ cuộc rất mau, chỉ thất bại có một trận dưới tay quân Trịnh, đã tìm đường chạy về Tàu. Lý Tài cũng bị đánh bại liên tiếp, cho đến khi chịu làm phó tướng, nhường chức đại tướng chỉ huy cho Nguyễn Huệ, mới thắng được trận Phú Yên.
 
Tuy nhiên, Lý Tài đâm ra bất mãn, thù hận và nghe theo lời chiêu dụ, về đầu hàng tướng nhà Nguyễn là Tống Phước Hiệp. Vì cùng ham mê quyền hành tối cao, hai ông tướng gốc Hoa là Đỗ Thanh Nhân và Lý Tài tranh chấp, đem quân tàn sát nhau ngay sau khi Tống Phước Hiệp chết. Mới đầu Đỗ Thanh Nhân yếu thế hơn, phải về trấn giữ Bến Nghé, Lý Tài đóng ở núi Châu Thới. Nhưng sau đó, Lý Tài, đánh thua quân Nguyễn Huệ, chạy về ngang Ba Giồng, bị quân của Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết (1777). Tuy vậy, một số tàn quân Nghĩa Hòa của Lý Tài vẫn tiếp tục ủng hộ ngầm Nguyễn Ánh.
 
0o0
 
Năm 1778, sau khi bị Tây Sơn phá hủy Cù Lao Phố (Biên Hòa), người Hoa đành chạy về vùng Phiên Trấn (tức Prei Nokor hay Sài Gòn), tức khu đã có làng Minh Hương, để sống gần đồng hương.
 
Ngờ đâu, vụ Lý Tài phản Tây Sơn và các tướng Minh Hương như Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đều là tướng nhà Nguyễn, lại trở thành tai họa cho người Việt gốc Hoa, thật ra, vào lúc đầu, đa số muốn đứng ngoài cuộc chiến tranh.
 
Trong khoảng những năm 1776-1779, trong mấy lượt quân Tây Sơn vào đánh Miền Nam, Cù Lao Phố nhiều lần bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Một số tác giả sau này, dựa vào sách của Trịnh Hoài Đức, cùng lời kể từ ông cha họ, cho biết nhà cửa dân chúng, tiệm buôn, phố xá, kho chứa hang bị thiêu đốt nhiều không thể kể. Các cơ sở thủ công bị gỡ phá, vật liệu quí báu cũng bị cướp. Dân chúng bị ức hiếp, thậm chí tàn sát.
 
Trịnh Hoài Đức mô tả: “Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước'' (Gia Định thành thông chí). 
 
Những người Minh Hương còn sống sót bồng bế nhau lánh nạn về Bến Nghé, và Phiên Trấn. Họ hợp với nhóm người Hoa Kiều tỵ nạn họa Tây Sơn từ Mỹ Tho, và những vùng khác, thành đợt di cư lớn, vào năm 1788, tới vùng mà sau này gọi là Chợ Lớn (trước 30/04/1975; quận 5, quận 6 sau 1975). Họ lập chợ, biến vùng này thành trung tâm thương mại lớn nhất Miền Nam sau này, khi Cù Lao Phố tàn tạ, còn Mỹ Tho dần bị Việt hóa, dù nền sản xuất nông - ngư sản và kinh doanh hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển ngoạn mục, đặc biệt là ngành buôn bán, giao thông đường thủy.
 
0o0
 
Khi về đến Bến Nghé-Phiên Trấn, những người Hoa Kiều bao gồm Minh Hương còn phải chịu một trận “tai trời ách nước” chia chung số phận với người Việt khắp Đàng Trong. 
 
Cuộc tranh chấp bằng võ lực giữa ba anh em nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh càng kéo dài, số người Minh Hương ngả hẳn theo phe Nguyễn Ánh càng nhiều. Lý do, không những vì họ là con cháu của 3000 người đã được Chúa Hiền thu nạp, và bảo vệ. Mà vì quân Tây Sơn đánh xuống Miền Nam, không với mục đích thâu phục nhân tâm dân xứ này, nói chung, vì biết là không được. (Tháng 2 năm 1776, Nguyễn Lữ kéo vào đánh Gia Định, chỉ giữ được 3 tháng, phải kéo về lại Qui Nhơn với 200 con thuyền chở lúa cướp từ kho Gia Định) . Họ chỉ muốn lùng giết mọi tàn tích của triều đình Nguyễn tộc, và đánh cướp kho tàng, lương thực, vật liệu…, để chở về Qui Nhơn mà thôi.
 
Nhưng oái oăm thay, cũng qua các cuộc tấn công của Tây Sơn, mà thương cảng Bến Nghé trở thành quan trọng, trù phú hẳn lên. Để phòng thủ, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời về đậu ở sông Tân Bình (sông Sài Gòn).
 
Người Việt đánh nhau là một chuyện, việc mua bán với nước ngoài, và bên trong nước vẫn tiếp diễn. Người Hoa Kiều đương nhiên vẫn cần thiết để lo phần vụ không thể thiếu của họ, trong những hoạt động kinh doanh và kinh tế cho xã hội, càng lúc càng trở nên phức tạp.
 
0o0
 
Vào khoảng tháng Ba năm 1781, Nguyễn Nhạc  nghe tin Nguyễn Ánh giả bệnh sai mời Đỗ Thanh Nhân đến, rồi phục võ sỹ, đâm chết. (Vì quần thần đàm tấu cho rằng Đỗ Thanh Nhân quá hống hách, lạm quyền). 
 
Nghe tin này Nguyễn Nhạc họp bàn tướng sỹ nói: “Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa”, rồi cùng Nguyễn Huệ dẫn đại binh đánh thẳng vào cửa Cần Giờ. Nguyễn Ánh đại bại trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, phải bỏ thành Gia Định (Sài Gòn sau này) chạy về Ba Giồng, rồi lánh sang rừng Romdoul, Chân Lạp (tháng 2 qua tháng 3, năm 1782). 
 
Quân Tây Sơn truy đuổi quân Nguyễn Ánh đến 18 thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm bại. Một viên tướng lớn, được Nguyễn Nhạc thương yêu, là hộ giá Phạm Ngạn bị tử trận. Lính của Nguyễn Nhạc thoát về, khai nhận ra nhóm phục kích, gồm nhiều người gốc Hoa, trong đạo quân Hòa Nghĩa của Lý Tài, đã phản Tây Sơn và ẩn trốn Đỗ Thanh Nhân, nay nghe tin Đỗ Thanh Nhân bị giết, họ lại quay về ủng hộ Nguyễn Ánh. Vì đoàn quân này hiểu rõ cách hành quân của Tây Sơn, nên đã có thể phục kích hữu hiệu như vậy.
 
Nguyễn Nhạc, nổi giận đã ra một lệnh tàn ác, thất đức: “phàm người Tầu, không kể mới, cũ đều cho phép giết cả, trả thù cho hộ giá Ngạn”. Quân Tây Sơn được lệnh thi nhau chém. giết những người Hoa, dù thắt bím hay không, miễn mặc quần áo Tầu, nói tiếng Tầu là phập. Theo như nhiều nguồn (trong đó có Trịnh Hoài Đức) kể lại, có khoảng 10,000 người Hoa bị giết từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn. Tử thi quăng xuống rạch làm nước không chảy nổi. Nước bị ô nhiễm đến độ, cách 2-3 tháng sau, người dân không dám ăn cá tôm bắt từ sông Tân Bình lên. Sự “bài Hoa Kiều” của quân Tây Sơn ghê đến mức, các dụng phẩm như vải sô, lụa Hàng-Tô Châu, trà Tầu, thuốc Bắc, nhang-đèn-hàng mã, giấy bổn, giấy viết, nhất thiết mọi thứ hàng Tầu … đều được người dân, vì sợ hãi, quăng xuống sông, liệng ra đường. Người đi đường thấy nhều món còn tốt cũng không dám lụm mót đem về. (10)
 
0o0
 
Sau này, có sử gia cho rằng, có thể một trong những lý do mà Nguyễn Nhạc ra lệnh tàn sát đó, là để tàn phá bộ máy kinh tế của Miền Nam, đa số nằm trong tay người Minh Hương, luôn phục vụ cho Nguyễn Ánh.
 
Sự thật là, những vụ cướp bóc, giết người, ít nhiều mang tính “kỳ thị chủng tộc” của quân Tây Sơn đó, đã khiến một số nhỏ người Minh Hương bực tức và có những thái độ trả đũa. Ở một vài nơi, nghe nói đã có những vụ người Hoa tỵ nạn trong rừng gặp người Việt là đánh giết trả thù (nguồn tin này do các cha đạo người Tây Phương, thuở đó ghi chép lại, người viết đọc được ở đâu đó, nhưng nay đã mất bản gốc, chỉ xin đăng lại đây để dành kiểm chứng lại). Tuy nhiên chắc chắn đã không có vụ chém.giết vì lý do chủng tộc, giữa người Việt và người Hoa nào được ghi lại. Ngược lại sử kiện này cho thấy người dân Việt không chấp nhận “sự kỳ thị chủng tộc”, dù mang mặt nạ gì chăng nữa).
 
Trường hợp Võ Trường Toản cho thấy sự hội nhập hoàn toàn của người Minh Hương vào xã hội người Việt. Ông chọn nơi cư trú tại khu người Việt sinh sống là khu Hòa Hưng. Học trò ông gồm cả Việt lẫn người gốc Minh Hương. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn … Ngay cả sau vụ quân Tây Sơn tàn sát người gốc Hoa, Võ Trường Toản đã không vì thế tham gia chính sự, mặc dầu Nguyễn Ánh rất mến mộ ông, mỗi khi ghé Gia Định thường triệu ông đến để đàm đạo, nhờ giảng sách. Nhiều người trong đám học trò ông trở thành đại công thần cho triều Nguyễn. Riêng ông, ông khéo từ chối mọi lời mời của Nguyễn Ánh, chỉ tiến chúa Nguyễn 10 điều về phương lực cứu quốc và kiến quốc.
 
Trong lúc Nguyễn Nhạc tàn ác với người Hoa vì một vài viên tướng phản mình, Nguyễn Ánh vẫn tin tưởng lưu dụng những viên tướng của cánh quân Đông Sơn, ngay cả sau khi đã giết Đỗ Thanh Nhơn, và nhiều tướng thuộc hạ cũ của Đỗ Thanh Nhơn trở thành kẻ thù của Nguyễn Ánh. Điển hình là Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật là Huỳnh Tường Đức), đã từng là thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhân. Ngay cả sau khi Nguyễn Huỳnh Đức đã bị Nguyễn Huệ bắt vào năm 1783, thu dùng mang ra Bắc đánh, rồi trốn về. Nguyễn Huỳnh Đức, sau làm đến chức Tổng Trấn Bắc Thành (1810), rồi Tổng Trấn Gia Định (1816), cùng với Trịnh Hoài Đức, cai quản cả Miền Nam.
 
0o0 
 
Trở lại đề tài chính của bài viết là sự hình thành của Chợ Lớn. Từ sau biến cố 1782, không thấy sử ghi chép nhiều về khu Phiên Trấn. Ngoại trừ Trịnh Hoài Đức có kể lại rằng: “Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”. Điều này cho thấy, vào năm 1783, tại khu Bến Nghé và Phiên Trấn, người dân đã bắt đầu tìm cách sinh sống lại bình thường, dù đời sống cơ cực.
 
Cho đến thời kỳ mà Trịnh Hoài Đức gọi là trung hưng, tức vào năm 1788, sau khi người duy nhất còn lại trong “Gia Định Tam Hùng” là Võ Tánh (cả ba tướng Châu Văn Tiếp, Đỗ Thanh Nhân, và Võ Tánh đều gốc Minh Hương), đem 1 vạn quân, từ Gò Công, về hợp tác với Nguyễn Ánh, được chúa phong cho chức Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ, và được chúa gả cho em gái là Ngọc Du, thì thế lực của Chúa Nguyễn mạnh hẳn lên. Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định. Cùng năm 1788, Nguyễn Ánh cho lập kho Bốn Trấn làm kho chung cho các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, và Định Tường để thu thuế và làm ngân quỹ cấp lương bổng cho quan lại. Ít nhất đã có Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu là hai người gốc Minh Hương đã được Nguyễn Ánh sung vào vị trí quan trọng, cùng với 10 người nữa, để thành 12 ông quan điền toán, đi khắp 4 trấn lo việc đôn đốc việc sản xuất nông nghiệp.
 
Đương nhiên là khu Phiên Trấn (làng Minh Hương) lại có dịp phát triển trở lại, nhờ ba yếu tố chính là vị trí thuận lợi,  các kho hàng chứa gạo đã có sẵn, và các thương gia gốc Minh Hương đã nắm vững mối riềng kinh doanh, gom thu sản phẩm nông-ngư, từ thời Dương Ngạn Địch còn sống.
 
0o0
 
Có rất nhiều xác suất, hay nói một cách khác, người ta có thể đặt giả thuyết là, có một con kinh hay con rạch lúc đó, đột nhiên trở nên một sinh mạch quan trọng, và cần chỉnh trang lại hai bên bờ đê của nó. Cùng với việc hai sỹ quan Pháp Theodore Lebrun, và de Puymanel thiết kế thành Gia Định theo kiểu Vauban, với tổng số nhân công là 30,000 người, với vật liệu xây cất là đá granite. Có thể vào khoảng thời gian này  người ta đã cho đắp đê cao lên hai bờ con kênh, và cẩn  đá hai bờ rạch một vài đoạn chính, vì ảnh hưởng bởi công trình xây thành Gia Định. Vì người Việt quen gọi vùng này là Sài Gòn, họ nhân đó đặt luôn tên theo âm Hán Việt là “Đề Ngạn” (堤岸), đọc theo giọng Quảng Đông là “Thầy Ngồn” (Tài Ngọn) để phiên âm hai chữ Sài Gòn, tức ngược với thuyết của Aubaret và Francis Garnier mà đã được hai ông Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Chúng ta đã biết cách người Hoa Kiều đặt tên, họ thường lấy những tên đã có tại cố hương bên Tầu mà đặt. Tên “Đề Ngạn” mới quá, thông tục quá, mà nghĩa thì không nói lên được gì, vì “đề” là “Bờ đê, đắp đê phòng nước tràn vào. Tục viết là ”, “ngạn” là “Bờ. Như Đê Ngạn   Bờ Đê”; quá chung chung, khác hẳn những tên thường thấy bên Trung Hoa, như “Tiểu Hà”, “Đại Hà”…, ví con kênh như sông lớn, sông bé.
 
Còn lý do tại sao lại có tên Sài Gòn thì giả thuyết đưa ra bởi Trương Vĩnh Ký được nhiều người cho là hợp lý nhất, vì theo ngôn ngữ học, Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "Thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn". (có nghĩa là người Miên bình dân đọc tắt Prei Nokor là Rai kor , người Việt nghe thành nghe Sài Gòn) (13)
 
0o0
 
Riêng với con kênh Tàu Hũ, thì sau khi được đào xong vào năm 1819, nó mau chóng trở thành con đường huyết mạch giúp cho Chợ Lớn (lúc đó còn mang tên Sài Gòn) sau này giầu thêm nhiều. Con kênh này nối sông Sài Gòn với sông Tiền qua Kênh Ruột Ngựa, sông Rạch Cát hay sông Chợ Đệm, sông Vàm Cỏ, kênh Bà Bèo (kênh Tháp Mười sau này). Sông Tiền hay Tiền Giang là một trong hai nhánh sông Cửu Long trước khi đổ ra Thái Bình Dương.
 
Trong “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885)”, Trương Vĩnh Ký viết: "Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn". Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hoá, sau đọc trại ra thành Tàu Hũ. (14).
 
0o0
 
Đến đây, có lẽ chúng ta đã phân biệt được hai chữ gốc Minh Hương và gốc Hoa Kiều. Tuy đều từ Tầu qua, nhưng người Minh Hương qua vì tỵ nạn chính trị, đa số nhận nước Việt làm quê hương, mau chóng hội nhập và thành người Việt 100%.  Đợt di dân qua Việt Nam lớn nhất do hai tổng binh Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vào năm 1679. Theo như đã chứng minh, họ chính là những người đã đặt nền móng xây nên Chợ Lớn mà ngày đó mang tên Sài Gòn. Đó là lý do  giải thích việc Đình Minh Hương tại Chợ Lớn ngày nay lại thờ thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, và hai ông quan thượng thư gốc Minh Hương Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh.
 
Hoa Kiều là những người Trung Hoa qua Việt Nam sinh sống, họ có thể qua vì nhiều lý do như thương nghiệp, hàng hải, nghề nghiệp, gia đình… Nhưng họ không qua vì lý do “kháng Thanh, phục Minh”.  Họ lưu dân ở khắp nơi trên thế giới và thường lập lên những Phố Tầu với các đền thờ Phật, Quan Công…
 
Để bảo vệ quyền lợi cho người Việt, triều đình Huế năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) ra lệ: người Tầu (Hoa Kiều) nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy dân An Nam làm vợ, nhưng không được phép đem vợ An Nam, hay con lai Việt về Tầu. Lại không được cạo đầu cho con mà để bím. Nếu không sẽ phải tội.
 
Nghe thì điều lệ khó khăn, nhưng phải hiểu, người Tầu hầu như cấm ngặt con gái họ lấy người nước khác, nhưng đàn ông thì tha hồ lấy bất cứ ai, và có thể có nhiều vợ. Biện pháp trên của triều đình Huế, kể cũng hợp lý, trong một hoàn cảnh dân số ít của Việt Nam thời ấy.
 
0o0
 
Khi người Pháp chiếm được Miền Nam, họ đã biết dùng người Hoa Kiều trong Chợ Lớn để quản trị nền kinh tế Miền Nam. Và người Hoa Kiều cũng chẳng chần chờ gì để làm giầu, “tát nước theo mưa”.
 
Trước hết, người Pháp nghĩ ngay cách giảm quyền lực người Việt trên khu đất sống của Hoa Kiều. Họ lấy tên Chợ Lớn gọi cho vùng Hoa Kiều, và lấy tên Sài Gòn đặt cho vùng người Việt đang sinh sống, tức vùng Bến Nghé trước đây, mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tả trong bài “Chạy Giặc” :
 
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
 
Chỉ vì:
 
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay”.
 
Tháng Giêng năm 1859 (Kỷ Mùi), Pháp đem quân đánh thành Gia Định. Cho đến hơn 3 năm sau, ngày 25/5/1862 Pháp chiếm tỉnh Hà Tiên, là họ nuốt hết Miền Nam. Tuy vậy, Pháp phải chờ đến tháng 12/1867, mới hoàn toàn “bình định” được Nam Kỳ.
 
Lúc đó cả Sài Gòn, Chợ Lớn có độ 50 ngàn dân Việt và Hoa Kiều. Người Pháp có khoảng 500 người. (15).
 
Mười hai năm sau, ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra nghị định thành lập thành phố Chợ Lớn (Municipalité de Chợ Lớn). Thành phố Chợ Lớn được chính quyền thực dân xếp loại thành phố cấp 2 (Municipalité de 2e classe) ngang cấp tỉnh, cùng với các thành phố Đà Nẵng và Phnom Penh được thành lập sau này của xứ Đông Dương thuộc Pháp.
 
0o0
 
Sau đó, người Pháp mở chính sách “độc địa” là đưa di dân người Hoa vào để làm loãng “tính chủ nhân” của người Việt. Họ biết rằng người Hoa Kiều dễ kiểm soát, và chẳng muốn gì hơn là quyền lợi tài chánh. Thời kỳ này, người Hoa sang Việt Nam theo các đợt tuyển mộ phu đồn điền cao su, cà phê…
 
Chỉ trong vòng 11 năm (1912-1922), người Pháp đưa vào Nam Kỳ 157,144 người Hoa, tức trung bình mỗi năm trung bình trên 14 ngàn người. Có nghĩa là 11 năm đó, người Pháp đưa gấp 3 lần dân số người dân Việt và người Hoa đã sống tại Sài Gòn, Chợ Lớn vào năm họ qua đô hộ.
 
Hố chia rẽ giữa người Việt tại Miền Nam và Hoa Kiều càng ngày càng lớn, khi người Hoa càng ngày càng được quyền lợi buôn bán như độc quyền mua bán gạo. Đa số người Hoa sống sung túc và thoải mái dưới thời thực dân. Trong lúc người Việt chịu cảnh nghèo túng và khổ sở, cũng như chịu cảnh đàn áp chính trị, khi họ biểu lộ lòng ái quốc.
 
Đó là lý do Chợ Lớn càng ngày càng xa cách Sài Gòn, không còn thời kỳ người Việt và người Minh Hương, tay trong tay, cùng xây cuộc đời và tương lai trên vùng đất mới nữa.
 
0o0
 
Vào năm 1923, nhà báo Đào Chinh Nhất ước tính có khoảng 200 ngàn người Hoa sống tại Nam Kỳ. Họ chia làm 5 bang Quảng Đông, Phúc Kiến (Phước Kiến), Tiều Châu (Triều Châu), Hẹ (Hà Cá), và Hải Nam xếp theo số đông. Bang Quảng Đông có khoảng 80 ngàn người đàn ông, chưa tính đàn bà, con trẻ.
 
Họ không cần học tiếng Việt và sống hòa nhập với người Việt như xưa nữa. Họ nói tiếng Tầu với nhau vì vậy người Việt mới có chữ “hoảng tiều” hay “hoảng tìu” có nghĩa là “tùm lum, không hiểu gì cả, lộn xộn”: “Mày nói cái gì hoảng tìu vậy ?”. Hoảng là “Quảng”, tìu là “Tiều”, tức nói tiếng Quảng Đông, Tiều Châu gì đó không hiểu được.
 
Người Quảng giỏi buôn bán và công nghệ. Người Phúc Kiến giỏi buôn bán, chuyên về lúa gạo. Người Tiều Châu chuyên làm khuân vác, nấu nướng giỏi, nông nghiệp. Người Hẹ (Khách, Hà Cá) chuyên làm thợ: rèn, đá, máy, đóng giầy, làm bánh; bán rau, trái. Người Hải Nam chuyên nghề đánh cá, làm thuê tại những trại trồng hồ tiêu ở mạn Hà Tiên, Phú Quốc; hoặc làm bồi cho các nhà hàng Tây, hay nấu bếp cho các nhà hàng cơm.
 
Người Pháp lại thả lỏng cho Hoa Kiều muốn lấy ai thì lấy, đẻ con muốn đem đi đâu thì đi, coi như tốt thì hưởng, mà chẳng thích thì cứ trút lại cho người Việt lãnh.
 
Những cự phú, đại phú Hoa Kiều tại Việt Nam thời ấy còn để danh như Quách Đàm (1863-1927), người đã xây Chợ Lớn Mới, một khu chợ xi măng cốt sắt đồ sộ, trên một vùng đất ruộng, chuyển thành đất thổ trạch, người dân gọi là chợ Quách Đàm. Quách Đàm cũng cho xây dựng khu phố nhà lầu cạnh đó, và vận động các quan chức thực dân Pháp, kể cả Thống Đốc Cognacq, để dời khu trung tâm sinh hoạt Chợ Lớn về đấy, vì Chợ Cũ đã cháy. Quách Đàm còn cho đặt tượng đồng của mình nơi cửa chính của chợ.
 
Trước Quách Đàm vài chục năm, có nhân vật được gọi là Chú Hỏa (1845-1901) hay Hứa Bổn HòaHui Bon HoaJean Baptiste Hui Bon Hoa là một thương nhân người Việt gốc Hoa. Nổi tiếng vì là một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn lúc đó là: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa).
 
Chú Hỏa khởi nghiệp từ việc buôn bán ve chai, chẳng hiểu vì sao, phát giầu có, đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Chú Hỏa thành lập công ty Hui Bon Hoa, có thời là công ty bất động sản lớn sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn. Công ty Hui Bon Hoa còn xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn-Gia Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay như: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn …, cùng nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán ở Quận 5, cũng như các công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác tại thành phố Sài Gòn.
 
Dưới thời Pháp đô hộ, dĩ nhiên số Hoa Kiều có lòng và đóng góp cho Việt Nam, như chú Hỏa, vẫn có, nhưng so với giai đoạn trước, như thời Minh Hương thì không bằng. (16)
 
0o0
 
Ngay sau khi người Việt Nam lấy lại độc lập tại Miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm đã ý thức rằng phần lớn thương nghiệp đều nằm trong quyền kiểm soát của Hoa Kiều, nhất là vùng Chợ Lớn, coi như đã hình thành một thế lực tự trị. Do đó, chính phủ nền Đệ Nhất Cộng Hòa cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách ban hành đạo luật 53 vào tháng Năm năm 1956, cấm ngoại kiều (thực ra nhắm vào Hoa Kiều là chính) tham gia 11 nghề, liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, dầu lửa, thu mua sắt vụn …, thậm chí cả nghề hớt tóc. Dĩ nhiên, đạo luật này làm người Hoa Kiều mất lòng, và đã gây nhiều xáo trộn kinh tế vào những ngày đầu.
 
Ngoài ra chính phủ Ngô Đình Diệm chủ trương dùng tiếng Việt trong tất cả các bảng hiệu ngoài đường phố và nhất là trong trường học, bất kể công hay tư lập, thay vì trước kia những trường của cộng đồng người Hoa hoàn toàn không dạy tiếng Việt. Những sinh ngữ khác bị liệt là ngoại ngữ theo giáo trình.
 
Hơn nữa, ngoài phong trào đòi ngoại kiều, nhất là Hoa kiều, nhập Việt tịch, Tháng Tư năm 1957, chính phủ xét rằng tất cả thẻ lý lịch ngoại quốc trở thành vô hiệu. Do đó, tính vào năm 1961, chỉ có 2 ngàn người Hoa Kiều giữ Hoa tịch, trên tổng số 1 triệu người gốc Hoa ở miền Nam. Tháng 5 năm 1957, Bắc Kinh phản đối rằng đây là "sự xâm phạm tàn nhẫn các quyền hợp pháp của người Hoa"
 
0o0
 
Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ, Chợ Lớn dần dần lại lấy lại vị thế số một về sức mạnh kinh tế của mình.
 
Vào những năm 1965-1966, tình hình Miền Nam cực kỳ rối loạn, nhiều cuộc đảo chánh liên tục xẩy ra, ngoài ra còn có nhiều vụ sư sải, sinh viên học sinh biểu tình. Khủng bố thuộc MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) nổ bom giữa Sài Gòn. Gian thương, một số gốc Hoa Kiều, lợi dụng tình hình khó khăn đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường. Chính quyền miền Nam thuộc nền Đệ Nhị Cộng Hòa lúc ấy đã lập ra các tòa án quân sự đặc biệt để xét xử nhiều vụ án nổi bật với những bản án nghiêm khắc về những tội tham nhũng, khủng bố, gian thương. Vụ nổi tiếng nhất là tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là thủ tướng đã cho mở một tòa án lưu động xử thương gia Tạ Vinh (34) tuổi. Tạ Vinh bị kết tội là gian thương và đem ra xử bắn tại pháp trường cát ngày 14/03/1966.
 
Vụ xử này đã được báo chí thế giới đăng tải, và mang lại nhiều bất lợi về ngoại giao, cũng như uy tín về nhân quyền.   Một giáo sư tên là Tạ Văn Tài đã tuyên bố vào ngày 30/07/2011, sau khi ông Kỳ chết, trên đài VOA: Vụ ông Kỳ xử bắn Tạ Vinh để trừng trị người Việt gốc Hoa về tội thao túng kinh tế, hơi có vẻ độc tài quân phiệt. Đó là một hành động quá đáng, không khôn khéo của người lãnh đạo chế độ quân nhân. Hồi đó tôi làm một luận án tiến sĩ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, một người trong ủy ban cố vấn của hội đồng quân lực có đưa cho Tướng Phạm xuân Chiểu để cho người dịch, để có thể rút ra bài học từ các nước Đông Nam Á, nhưng mà rốt cuộc chẳng có ai dịch cả! Vụ bắn Tạ Vinh đã làm mích lòng người Việt gốc Hoa, làm cho kinh tế không thể nào có sự cộng tác của người Việt gốc Hoa lúc đó.” (18)
 
Vụ xử Tạ Vinh không vì vậy “răn đe” được ai, theo như trang mạng: Người Hoa trên wikipedia: “Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường
 
Dầu vậy, nhiều người Việt vẫn thích buôn bán với các thương gia Hoa Kiều, cho rằng người Hoa sòng phẳng, giữ chứ tín, và biết cách làm ăn. Có một số “đại gia” luôn giữ truyền thống đáng yêu là gửi những quà Tết, như hoa thủy tiên quí, hoặc ngỗng quay còn nóng hổi từ Hồng Kông, sang biếu những đôi tác trung quí người Việt của họ.
 
0o0
 
Ngày 30/04/1975, CSVN chiến thắng cuộc chiến xâm lăng Miền Nam. Việt Nam thống nhất dưới sự cai trị của đảng CSVN. Tuy nhiên cộng đồng Hoa Kiều tại Chợ Lớn, thay vì treo cờ MTGPMN hay cờ đỏ sao vàng, họ chọn thái độ treo cờ Trung Cộng, và trưng ảnh Mao Trạch Đông trong Chợ Lớn. Những Hoa Kiều tại đây muốn xác nhận là họ vẫn là công dân của Trung Cộng, và nhắc nhở cho đảng CSVN hay là nhờ có Trung Cộng giúp mà CSVN mới có được thắng lợi.
 
Tháng Giêng năm 1976, nhà nước CSVN ra lệnh cho người Hoa Kiều ở Miền Nam đăng ký quốc tịch. Đa số đăng ký quốc tịch Trung Quốc. Tháng 2 năm đó, người Hoa được lệnh đăng ký lại theo quốc tịch đã nhận vào thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa. Những người còn đăng ký quốc tịch Trung Quốc, bị mất việc và giảm tiêu chuẩn lương thực. Sau đó là các tờ báo tiếng Hoa và trường dạy tiếng Hoa bị đóng cửa.
 
Năm 1977, lạm phát 80% cùng nhiều khó khăn về lương thực và nạn đầu cơ. Cộng thêm tình hình xung đột tại biên giới với Khmer đỏ. Một số người Hoa tại Chợ Lớn biểu tình đòi được giữ quốc tịch Trung Cộng, mà không bị mất quyền lợi.
Chính quyền CSVN mạnh tay thêm, và trong hai tháng 3 và 4 năm 1978, quốc hữu hóa khoảng 30 ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ nằm trong tay Hoa Kiều. Rồi có nguồn tin là nhà nước nhận tiền để tổ chức vượt biên “bán chính thức”. Kết quả là làn sóng người tỵ nạn Hoa Kiều càng lúc càng tăng. Chợ Lớn trở nên thưa hẳn người Hoa và được người Việt thay thế.
0o0
 
Giai đoạn Chợ Lớn thời Minh Hương đã hoàn toàn hết. Ngày nay, nhiều bảng hiệu Việt Nam như “Phố Văn Hóa” đã được trưng lên, che đi những chữ Hán đắp nổi trên vòm cổng dẫn vào những ngõ xóm ngày xưa. Đến độ, có người nói: Chợ Lớn ngày nay là một Phố Tầu không còn Tầu. Đúng ra, phải nói là còn, nhưng chẳng còn được như xưa.
 
Phạm Thế Định
(tháng Giêng năm 2012)
 
 
Chú thích:
 
(*) Theo gs Nghiêm Toản, (trích từ Vương Hồng Sển) Đông Phố thật ra là Giản Phố, các sử gia, hay tác giả dịch lại những tài liệu từ chữ Hán lầm vì chữ “Giản” và chữ “Đông” vết gần giống nhau, chỉ khác hai chấm thay vì một gạch ngang.
 
 giản
 đông
Truy thêm ra, đó là phiên âm Hán tự của chữ Kampuchia (viết Giản Phố Trại, 柬 鋪砦
 âm tiếng Quảng Đông là Kan Pu Tchai)
 
(1) Minh Hương (chữ Hán: ) là tên gọi Người Hoa (Việt Nam) ở vùng Nam Bộ. Tên Minh Hương có nguồn gốc từ tên triều đại mà những người này đã sinh sống: nhà Minh. Đến khi nhà Thanh thay thế nhà Minh ở Trung Quốc và bắt đầu có những thay đổi về quản lý đất nước, những người này đã chạy sang Việt Nam.
Ban đầu chữ "hương" dùng chữ  có nghĩa là "offspring"(香火), đến năm 1827 đổi sang chữ  nghĩa là "làng". Như vậy Minh Hương có thể hiểu là "làng của người Minh" và cũng có thể hiểu là "làng sáng sủa", sau được dùng để gọi cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.
Năm 1698, ở vùng Phiên Trấn - Bến Nghé - Sài Gòn đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, Chợ Lớn cũ.
(2) BS. Phan Giang Sang (2009).
“Tại sao Vua Miên lại ưu đãi Việt Nam ta?
Nhìn lại cuộc Nam Tiến của Chúa Nguyễn, chúng ta mới thấy công chúa Ngọc Vạn đã góp công lao không nhỏ. Công chúa Ngọc Vạn là con của Chúa Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Vua Chân-Lạp (Căm-bốt) là Chey Chetta II muốn cầu thân với chúa Nguyễn, nhờ giúp đỡ để đối đầu với nước Xiêm. Nhân cơ hội nầy, năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân-Lạp Chey-Chetta II để liên minh, thắt chặt tình lân bang Việt-Chân Lạp.
Công chúa Ngọc Vạn không những là người tài sắc mà còn khôn khéo, dịu hiền, hết lòng làm tròn bổn phận người vợ hiền theo đúng nền văn hoá Khổng Mạnh. Công chúa ăn mặc, trang sức, theo phong tục và tập quán Miên, cùng nói ngôn ngữ và đọc, viết được chữ Miên nên được dân Miên thương mến , kính phục và được nhà vua yêu quí và sủng ái, phong làm Hoàng hậu , tức hoàng hậu Samdach (mặc dù vua Chetta II đã có hai bà Hoàng người Lào và Cam-bốt). Nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn nên hai lần quân Chân-Lạp chiến thắng quân Xiêm (Thái-Lan) vào năm 1621 và 1623. Sau đó, Vua Miên dời đô từ Lovet đến Oudong tức Nam Vang ngày nay, rồi xây đồn đấp lũy chống quân Xiêm. Năm 1622, triều đình Xiêm cho hai đội quân đánh Oudong đều thất bại. Triều đình Ayutthaya Xiêm cho chiến thuyền tấn công vẫn bị thảm bại, nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn. Từ đó tình thông gia lân bang càng khắng khít, vua Miên cũng dễ dãi cho dân ta qua lại làm ăn sinh sống.
Đất Miên bao lần bị Xiêm La tấn công quấy nhiểu chiếm đất, đều được Chúa Nguyễn đem quân tiếp viện. Để tỏ tình thông giao và lòng ái mộ công chúa và cám ơn chúa Nguyễn, vua Miên chấp thuận cho người Việt khẩn hoang vùng Đồng Nai và Mô Xoài. Hoàng hậu Samdach hạ sanh được hai hoàng tử, còn hai bà hoàng người Chân Lập và Lào cũng có con trai. Nhưng vì vua Chetta II qua đời đột ngột sau cơn bạo bịnh năm 1625, nên mọi quyền hành thuộc về phụ chính phó vương Prea Outney. Prea Outney lập hai người em họ lần lượt làm vua: Pona To (1625-1630) rồi Pona Nu (1630-1640). Hoàng-hậu Ngọc Vạn làm Hoàng Thái Hậu, được xếp cao hơn hai bà Hoàng người Lào và Cam-bốt.
Năm 1640, vua Pona Nu băng hà. Phó vuơng Prea Outney lập con mình lên ngôi, nhưng sau đó hai cha con phó vương Prey Outney bị nhóm thân Lào sát hại. Nhóm thân Lào đưa Rama Chan (Nặc Ông-Chân) là con trai của vua Chey Chetta II với bà hoàng người Lào lên ngôi vua năm 1642.
Nặc Ông-Chân chấp thuận lời yêu cầu của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn, xin cho mẹ con bà cùng đoàn tùy tùng đến lập ấp ở vùng Mô Xoài, Đồng Nai (Bà Rịa, Biên Hòa) lập chùa tịnh tu. Về sau, vùng đất nầy trù phú, dân cư các nơi, kể cả người Việt, Lào, Cam-bôt kéo đến định cư lập nghiệp. Người Pháp, Bồ Đào Nha, Hòa Lan.. cũng đến buôn bán và truyền đạo. Nặc Ông-Chân cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi. Vua lại muốn lấy Hồi giáo làm quốc giáo. Thế là có việc thanh trừng Phật giáo, nên xẩy ra thánh chiến.
Một số người trong hoàng tộc chống lại Nặc Ông-Chân, nhưng thất bại, nên chạy sang nhờ Hoàng Thái Hậu che chở. Thế là Nặc Ông-Chân tức giận, xua quân tấn công Biên Hòa và Bà Rịa. Bà kêu gọi cháu là chúa Hiền Vương đem quân cứu viện, dẹp loạn và bắt được Nặc Ông-Chân. Nặc Ông-Chan hiến đất, xin tha tội và hứa giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không xâm phạm dân sự ở ngoài biên cương.
Năm 1660 Nặc Ông-Chân (Rama Chan) qua đời, chúa Hiền phong cho Batom Reachea Potouna Raja (là con trai của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn) làm vua nước Chân-Lạp. Người con thứ hai của Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn là Ang Non (Nặc Ông Nộn) được cho nhiều quyền hành vùng Đồng-Nai, Mô- Xoài (19). Quốc vương Batom Reachea Potouna Raja được chúa Nguyễn đưa lên làm vua, nên ký hoà ước nhận triều cống chúa Nguyễn, người Việt định cư trong lãnh thổ Chân Lạp được hưởng quyền lợi như người Chân Lạp, và được làm chủ phần đất khai hoang (20). Đến năm 1672, Vua Batom Reachea bị con rể soán ngôi giết chết. Hoàng tử Ang Chey, trưởng nam của Batom Reachea giết được phản đồ. Triều đình đưa Ang Chey lên kế vị, lấy hiệu là Nạc Ông Đài. Lúc nầy Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn đã qua đời.
Dưới thời Chetta II, chủ quyền khai thác vùng nầy không rõ ràng, nay Ponhea Chan và Batom Reachea minh thị xác nhận. Sử Cao Miên cũng ghi lại sự kiện nầy: Nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn, quốc vương Batom Reachea ký hòa ước nhận triều cống chúa Nguyễn hằng năm, cho người Việt Nam làm chủ phần đất vừa khai hoang và người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lập, được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.
Như vậy, nhờ Công Chúa Ngọc Vạn mà Cao Miên mới khỏi nạn diệt vong, nước ta mới có phần đất mới khẩn nầy. Người Miên chạy về đây lánh nạn thánh chiến, ở luôn cùng người Việt phát triển làm ăn buôn bán. Từ đó vùng nầy trở nên sầm uất. Thấy vậy, Chúa Hiền phong cho người con thứ hai của Công chúa Ngọc Vạn là Ang Non làm Nhị Vương đóng đô ở Prey Nokor tức Sài gòn. Từ đây nước ta có chủ quyền ở Miền Nam nầy. Đây không phải là xâm chiếm hay cướp đất, mà là một thỏa thuận tương giao, nương tựa để khai khẩn rừng rú hoang dã, chống bịnh tật và thú dữ, để sống còn trong thanh bình của hai nước lân bang. Đến năm 1698 Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kim) mới chính thức lập chủ quyền và đặt nền tảng hành chánh tại phủ Gia Định. Năm 1674, Nặc Ông-Đài nghe theo xúi giục của nhóm thân Xiêm và Lào, đem quân đến vùng Đồng-Nai, Mô-Xoài đánh đuổi chú ruột là Nặc Ông-Nộn (Ang Non). Nặc Ông-Nộn cầu viện chúa Nguyễn. Chúa Hiền-Vương cho quân sang đánh Nặc Ông Đài. Nặc Ông Đài thua chạy và bị đồng bọn giết chết. Em là Nặc Ông-Thu (Ang Saur) được đưa lên làm đệ nhứt quốc vương, hiệu là Chetta IV, nắm quyền ở Lục-Chân-Lạp,và Nặc Ông Nộn (Ang Non) làm đệ nhị quốc vương nắm quyền hành ở Thủy-Chân-Lạp, đóng đô ở Prey Nokor (vùng Gia-định Bến-Nghé hay Sài-Gòn). Năm 1688, Nặc Ông-Thu chống lại không thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đem quân tiến đánh, bắt vua Chân Lạp phải thần phục và triều cống. Năm 1732, vua Chân Lạp nhường vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long cho chúa Nguyễn. Năm 1739, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên đánh chiếm Hà Tiên, bị chúa Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh đánh dẹp, Nặc Nguyên cầu hòa và dâng đất Gò Công, Tân An. Nghe lời xàm tấu của kẻ xấu, Nặc Nguyên liên kết với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh phá Miền Nam năm 1756. Thống Suất Nguyễn Cửu Vân vâng lịnh chúa ta đem quân dẹp êm quân Miên. Năm sau 1757, Ông ta qua đời, người chú là Nặc-Nhuận muốn lên ngôi nên tự ý dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac, tức Trà Vinh-Ba Thác- Sóc Trăng, để xin cầu phong. Nặc Nhuận lại bị con rể Nặc Hinh giết chết và soán ngôi. Con Nặc Nguyên là Nặc Tôn bèn chạy sang Hà Tiên cầu cứu Mạc Thiên Tứ. Chúa Võ Vương chấp nhận cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp, đoạn cho Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ hộ tống Nặc Tôn dẹp Nặc Hinh. Để tri ân, Nặc Tôn xin hiến dâng vùng Tầm Long Phong, giữa sông Tiền và sông Hậu. Vùng đất nầy không gì khác hơn là Châu Đốc, Tân Châu, Kiến Phong, Sa-Đéc và Vĩnh Long. Vì nhờ Mạc Thiên Tứ giúp đỡ, nên vua Chân Lập cũng cắt nhượng dâng cho họ Mạc 5 phủ: Kompong Som Hương Úc, Kompt Cần Bột, Chưng rum Trực Sâm, Cheal Meas Sài Mạc và Linh Quynh. Họ Mạc lại dâng cho chúa Nguyễn. Đến năm 1847, vua Thiệu Trị giao trả phần nầy lại cho Cam Bốt. Chúa cũng giao vùng đất Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ cai quản. Vùng nầy được chia thành 2 đạo: Kiên Giang đạo và Long Xuyên đạo (Long Xuyên ở đây không phải là tỉnh Long Xuyên ngày nay, mà là vùng Cà Mau) “ …
 
(2.1) vietsds.com/abs/gia-dịnh/
“Kas Krôbey chỉ khu vực có nhiều trâu nước và Pranokor tức rừng già”
 
(3) Năm 1698, một số con cháu người Hoa đã ngụ cư từ lâu ở dinh Phiên Trấn xin thành lập làng Minh Hương, tức ngay khi Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định.
Tuy nhiên, theo Hương ước của làng, thì năm 1789, mới là năm chính thức lập "Minh Hương xã". Và liền sau đó, một ngôi đình do nhiều người Hoa đóng góp được dựng lên, để có nơi thờ cúng và chức sắc xã có nơi làm việc. Năm 1808 , vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường". Năm 1867, chính quyền Pháp thay đổi cơ cấu hành chính, đình không còn là nhà việc của xã, vì thế đình trở thành hội quán của Hội Minh Hương Gia Thạnh.
Đối với lịch sử vùng, Trần Thượng Xuyên và nhóm người Minh Hương của ông tuy không phải tiền hiền khai khẩn, nhưng họ xứng đáng là hậu hiền khai cơ.
Theo sử liệu, trước khi nhóm Trần Thượng Xuyên đến dựng đại đồn trú ở Lộc Dã (Trấn Biên dinh) và Bàn Lân (thôn Tân Lân) ''Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy (hay Mô Xoài) và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với người Cao Miên. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình, đem nhượng hết cả đất ấy, rồi tránh ở chỗ khác, không trăn trở chuyện gì”.
Như vậy, khi nhóm Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, rồi được đưa đến đồn trú ở Lộc Dã, Bàn Lân, thì lưu dân người Việt đã có mặt từ trước và những vùng xung quanh ''thổ dân lấy băi Tân Chánh làm tổn”. Chính những lưu dân người Việt và thổ dân có mặt từ trước đã hình thành nên hệ thống làng xóm với những tên gọi được nhắc đến trong sử cũ và trong đời sống dân gian như Lộc Dã, Bàn Lân, Đồng Môn...
Đây là nguồn nhân lực quan trọng giúp nhóm người Trần Thượng Xuyên dựa vào để đẩy nhanh tốc độ khai phá, biến Bàn Lân thành Nông Nại Đại Phố sau này. Nhờ,vào điều kiện tự nhiên và xã hội khá thuận lợi, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã giành đất Đông Phố, lập nên xã Thanh Hà (trải dài từ bàn Lân tới Bến Gỗ), lo mở mang nông nghiệp, đem phong tục lễ nghi ra truyền bá cho dân địa phương. Sau vài chục năm khai phá, vùng đất Bàn Lân ngày càng trù phú, đông đúc, nhiều nghề thủ công được mở mang ở đây như nghề làm đường, nuôi tằm, dệt vải, nghề làm gốm, nghề đúc đồng...
Công lao của Trần Thượng Xuyên là đã phát hiện ra tiềm năng lớn trong hoạt động kinh tế của vùng, khéo léo kích hoạt những tiềm năng đó và tổ chức khai thác hiệu quả tiềm năng. Họ mở đường sá, lập chợ, xây dựng phố phường phồn thịnh. Nông Nại loại Phố / Cù lao Phố đã thành hình và sớm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất xứ Đồng Nai từ cuối thế kỷ XVll đến năm 1788 là nhờ đó.
Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về Đại Phố như sau ''nhà ngói, vách vôi, lầu quả đôi tầng, rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạt làm ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố, lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến neo đậu, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy thật là một chỗ đại đô hội, nhà buôn bán to lớn duy ở đây là nhiều hơn. Do địa thế thuận lợi “Trên bến dưới thuyền'', Cù lao Phố đã thu hút người châu Âu, người Nhật, người Mã Lai, người Tàu... tới lui buôn bán nhộn nhịp.
Sách Gia Đinh thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: ''Từ xưa, các thuyền ngoại quốc tới nơi này (châu Đại Phô) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất líền biết. Các hiệu buôn định giá hàng, tốt lẫn xấu rỗi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về gọi là ''hồi đường', chủ thuyền cần mua món hàng gì cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước mua giùm. Như thế, khách chủ được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đờn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn».
Những mô tả trên đây đã cho thấy dưới sự sắp xếp, tổ chức của Trần Thượng Xuyên, đất Bàn Lân đã trở thành một Nông Nại Đại Phố, một trung tâm thương mại lớn nhất đất Đồng Nai khi ấy. Việc phát triển thương mại vừa giúp lưu dân sớm ổn định cuộc sống, vừa kích thích họ sản xuất có dư để bán ra bên ngoài.Tẩm ảnh hưởng của Cù lao Phố trong hoạt động thương mại không bó hẹp trong phạm vi Biên Hòa mà lan rộng khắp vùng Gia Định khi ấy và với cả các vùng ngoại vi. Mối quan hệ giữa thương mại với công cuộc khai khẩn vùng Biên Hòa - Đồng Nai là một mối quan hệ độc đáo mà họ Trần đã tạo nên ở nơi đây. Không chỉ xây phố, lập chợ, họ Trần còn cho lập đình, chùa, mở mang phong tục, lễ nghi... ''phong hóa Trung Quốc từ đấy bồng bột lan khắp vùng Giãn Phố vậy. Điều này giúp sớm tạo nên sự giao lưu, tiếp biến văn hóa độc đáo trong vùng giữa các nền văn hóa Việt, Hoa, văn hóa của những cộng đồng cư dân có mặt từ trước ở đây như Khơmer, Châu Mạ...
Như vậy là, đối với công cuộc ''Nam tiến'' của các chúa Nguyên, Trần Thượng Xuyên và nhóm người của ông đã góp phần tổ chức công cuộc định cư, khai khẩn, mở rộng vùng đất Trấn Biên. Từ trung tâm Cù lao Phổ, ngoài xã Thanh Hà của người Hoa được lập, lưu dân tập trung đến ngày càng đông, nhiều thôn xã mới được khẩn hoang như xóm Chùa, xóm Chiếu, xóm Rạch lò Gốm... lập nên trên dưới 10 xã thôn. Từ đây, công cuộc khai phá không ngừng được mở rộng ra khắp vùng Phước Long - Biên Trấn, nối liền với vùng Sài Gòn - Gia Định và với vùng Định Tường - Long Hồ (3).
Trong mối quan hệ với Chân Lạp, khi đưa nhóm người Trần Thượng Xuyên vào đây chúa Nguyễn đã có chủ ý muốn lợi dụng họ vừa để kiến tạo đất mới vừa có thêm vây cánh nhằm gây sức ép với Chân Lạp, thực hiện ''Nam tiến''. Về phần mình, Trần Thượng Xuyên đã tỏ rõ sự trung thành với các chúa Nguyễn, sát cánh cùng nhân dân và đội quân Long Môn chống lại những mưu toan của Chân Lạp vàn hừng kẻ phản nghịch, bảo đảm cho cuộc sống bình yên của các lưu dân trên vùng đất mới.
Năm 1688, phó tướng của Dương Ngạn Địch ở Định Tường là Hoàng Tiến làm phản, giết chết chủ tướng. Chúa Nguyễn Phước Trăn phải cử Mai Vạn Long trấn dẹp. Sau khi khôi phục tình hình, chúa gíao cho Trần Thượng Xuyên chiêu tập dư đảng Long Môn, chịu trách nhiệm quản lãnh đội quân này. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ, Trần Thượng Xuyên và đội quân Long Môn đã có vai trò quan trọng không chỉ trong việc trấn áp các phe nhóm phản nghịch, mà còn góp phần vào công cuộc đại định biên cương của chúa Nguyễn.
Tháng 7 - Kỷ Mão (1699), vua Chân Lạp là Nặc Thu đắp lũy ở Bích Đôi, Nam Vang, Cầu Nam, cướp bóc dân buôn, Trần Thượng Xuyên với cương vị chủ tướng đạo quân Long Môn đã báo về triều đình để. Triều đình cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp.
Tháng 3-1700, Trần Thượng Xuyên đích thân chỉ huy đội quân Long Môn phối hợp với quân triều đình giao chiến với quân Chân Lạp. Nặc Thu buộc phải lui quân khỏi Bích Đôi, Nam Vang, binh lực tan vỡ. Để ổn định tình hình Chân Lạp và vùng biên giới giữa hai nước, Trần Thượng Xuyên tâu xin với chúa Nguyễn cho lập cháu rể của Nặc Thu là Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp. Chúa chuẩn tấu.
Từ năm 1700 đến 1720, Trần Thượng Xuyên có nhiều đóng góp vào việc ổn định trật tự trên vùng đất Biên Hòa, Định Tường, Long Hồ của chúa Nguyễn. Cũng trong thời gian này, mối quan hệ giữa Trần Thượng Xuyên với họ Mạc ở đất Hà Tiên được củng cố trên nhiều phương diện. Điều này vừa củng cố lợi ích cho cộng đồng người Hoa, vừa tạo thêm thế và lực cho các chúa Nguyễn trong quan hệ với Chân Lạp.
Năm 1720, Trần Thượng Xuyên qua đời. Con trai ông là Trần Đại Định nối nghiệp cha tiếp tục phục vụ dưới trlều chúa Nguyễn Phước Trú, được phong: tước Tổng binh Định Viễn háu, chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn. Công lao này của dòng họ Trần đã được chúa Nguyễn ghi nhận: ''Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dút.
Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội...
Cảnh mua bán rộn rịp cũng được Trịnh Hoài Đức ghi lại:
Các thuyền ngoại quốc tới nơi này (cù lao Phố) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ động. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi...
Nhà văn Sơn Nam viết:
Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuốngSài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở Cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm măm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên
(5.1) Vương Hồng Sển, 1992, Sài Gòn năm xưa, Nxb Trẻ.
 
“ Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hủ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 = 5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ.
 
Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hủ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết). Theo bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có con rạch nhỏ ấy.” (VHS)
 
Rạch Chợ Lớn, ngày xưa là đường giao thông thạnh vượng. Tại chỗ bến xe, ngày trước ghe chài đậu tấp nập để vô ụ ghe sửa chữa. Ụ ghe ngày nay trở nên Chợ Bình Tây do ông Thông Hiệp hiến đất để xây cất. Dọc hai bên Rạch Lò Gốm, xưa có lò gạch: lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng ; thêm có lò siêu và lò làm lu. (VHS)
 
Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:
  • Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1882) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
  • Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm" vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng "bến + tên thú" như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé)...Cho nên Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu như trong bài "Gia Định thất thủ vịnh": Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu".
Tên Bến Nghé, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Và có một thời, mỗi khi người ta nói Đồng Nai-Bến Nghé tức là nói đến cả vùng đất Nam Bộ
Tuy nhiên, hiện nay trên bản đồ vẫn ghi khúc sông này là sông Sài Gòn. Còn cái tên Bến Nghé hiện chỉ còn dùng để chỉ một con rạch:rạch Bến nghé chảy từ sông Sài Gòn (cầu Khánh Hội) đến cầu Chữ Y. Con rạch này nhận nước của sông Sài Gòn và là ranh giới tự nhiên giữa quận 1 và quận 4.
(6)
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực cao nguyên Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai (ở mũi Đèn Đỏ) thuộc huyện Nhà Bè và chạy ra biển ở cửa Cần Giờ. Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy qua nhiều vùng nên mang nhiều tên khác nhau: Từ đầu nguồn đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái. Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc. Đoạn cư xá Thanh Đa cho đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (mũi Đèn Đỏ) có tên là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé.
 
“…Họ buôn bán thạnh-vượng trong xứ và giao thương với các xứ lân-bang như Mã-Lai, Nhựt. Con rạch (An-Thông) vẫn là đường vận-tải thiên-nhiên tiện-lợi. Vì vậy họ cẩn đá dọc bờ Rạch và gọi là Đê-Ngạn mà họ phát-âm là « Thầy-Ngồn ». Có lẽ người bổn xứ đã nói trại hai tiếng « Thầy-Ngồn » ra « Sàigòn » chăng? Có điều chắc là con rạch An-Thông khi xưa cũng không gọi là Rạch Sàigòn (xin nhớ Sài-gòn đây là Chợ-Lớn ngày nay còn Sài-gòn ngày nay xưa gọi là Bến Nghé hoặc Bến Thành) và trên bản đồ Trần-văn-Học vẽ hồi 1815 ghi vùng Chợ lớn ngày nay là Sài-gòn.

Ngoài việc làm ăn thương-mãi mấy danh nho Minh-Hương còn mở trường dạy học. Thời Nguyễn-Cư-Trinh trấn thủ Gia-Định (1755 - 1765) ông thường giao-du với nhóm Chiêu-Anh-Các của Mạc-thiên-Tích ở Hà-Tiên. Và về sau, mấy văn thần võ tướng có công giúp Chúa Nguyễn-Ánh phần lớn là nhóm người Minh-Hương nầy.…”
“…Rạch Sài-gòn, thời Gia-Long gọi là Rạch An-Thông. Lòng sông khi đó cong quẹo, hẹp và cạn, có nhiều cồn nên cuộc giao thông khó khăn. Từ năm 1819, đoạn rạch từ cầu Bà Thuông (cầu Đề Thông, tức là lối cầu Chà-Và ngày nay) đến Rạch Cát được đào rộng. Công trình đào con kinh nầy, hoàn thành trong ba tháng, trong Gia-Định thông chí, ông Trịnh-Hoài-Đức có ghi rành ; xin lược dịch theo bản Pháp-văn của Aubaret, như sau :

« Năm kỷ-mão, Gia-Long thứ 18 (1819), ông Khâm-sai Huỳnh-Công-Lý, với ông tổng Thanh-tra Gia-Định, trấn dùng 11.460 dân-công, (tất nhiên có người Minh-Hương) chia làm ba toán - dân công được lãnh tiền và khẩu phần - đào con kinh, theo lòng rạch cũ, từ cầu Đề Thông đến kinh Ruột-ngựa. Kinh dài được 2129 tầm và 1 bộ, bằng 9 dặm rưỡi, (mỗi dặm 576m X 9.5 : 5472m.). Bề ngang rộng 15 tầm (mỗi tầm 8 xích : 0m32 X 8 X 15 : 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích : 0m32 x 6 x 9 : 17m28). Mỗi bên kinh có chứa một bờ kinh rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng 6 tầm. Công-tác khởi ngày 23 tháng giêng và hoàn thành ngày 23 tháng tư năm Kỷ-mão 1819, đúng 3 tháng. Vua Gia-Long cho đặt tên khúc kinh ấy là An-Thông-Hạ ».

Sau nầy, người Pháp có cho vét kinh hai lần, hồi năm 1887 và 1895.

Nay ráp với đoạn Chợ-quán và Cầu Ông Lãnh gọi là kinh Tàu-Hủ.
…”
 
Kinh Tàu Hủ
 
Ông Bùi Đức Tịnh ghi nhận rằng kinh Tàu Hủ vốn mang tên Cổ Hủ hay Củ Hủ vì khúc kinh chỗ này phình ra rồi thắt lại giống như cổ hủ heo, cổ hủ dừa. Ở Long Xuyên cũng có một con kinh mang tên Tàu Hủ, có người gọi là Củ Hủ. Điều ghi nhận của ông Bùi Đức rất hữu lý. Xin lý giải thêm. Trước hết phải viết cổ hũ mới đúngvì từ ghép này vốn chỉ cái cổ của cái hũ (theo Đại Nam quốc âm tự vị). Các vật có hình dáng phình ra rồi thắt lại đều gọi là cổ hũ, như cổ hũ cau, cổ hũ dừa, cổ hũ heo,… Tiếp theo, ta thấy từ ngữ này dùng để chỉ hình dáng của lòng sông, rạch và đã trở thành địa danh, giống như cổ cò (cổ con cò), cổ lịch (cổ con lịch) đã trở thành địa danh (rạch Cổ Cò ở Nhà Bè và Duyên Hải, sông Cổ Lịch ở Cửu Long). Mặt khác, trong hai từ ngữ cổ hũ và tàu hủ, đối với người Nam Bộ có một yếu tố đồng âm: hũ và hủ phát âm như nhau. Trong trường hợp này, từ ngữ nào quen thuộc hơn (ở đây tàu hủ quen thuộc hơn cổ hũ), sẽ thay thế từ ngữ kia: (trái) sầu riêng thay thế đu-riêng, (cái) lục bình thay thế độc bình, (cái) bồ cào thay thế bừa cào… Hơn nữa, kinh Tàu Hủ, trong Gia Định thành thông chí được gọi là sông An Thông, tục danh sông Sài Gòn và được mô tả là “quanh xa mà hẹp nhỏ, khuất khúc, nước cạn” (Tập thượng , quyển I, tờ 22b – 23a).
 
Ngoài ra, từ ngữ Củ hủ chỉ là biến âm của cổ hủ (viết đúng chính tả là củ hũ, cổ hũ), theo hiện tượng đồng hóa vần trong tiếng Việt: (cây) so đũa thành sua đũa, y nguyên thành y nguy, bách kích pháo thành bích kích pháo… Vùng Bến Nghé xưa kia có nhiều rạch từ trên gò đất cao của nền thành Ô Ma (Camp de Mares) cũ đổ xuống. Để thoát nước vào mùa mưa, nhiều con kinh đã được đào thêm, về sau được lấp lại thành những con đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), Bonard (nay là Lê Lợi), De La Somme (nay là Hàm Nghi), Pelleri (nay là Nguyễn Thị Minh Khai).
 
Trong vùng chợ Lớn, vào năm 1819, phía ngọn rạch Bến Nghé trở nên cạn hẹp nên đã được đào vét lại từ cầu Đề Thuông đến ngã tư sông Rạch Cát. Khúc kinh này dài 5.472 mét được đặt tên là An Thông Hà. Khởi công từ ngày 23 – 1, gần 12.000 dân công đã hoàn thành việc đào kênh trên vào ngày 23 – 4 – 1819, dưới sự điều khiển của Phó Tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý (cha vợ Minh Mạng). Sau đó, năm 1887 và 1889, kinh Tàu Hủ được đào vét thêm 2 lần nữa dưới thời thực dân Pháp.
 
Cùng với rạch Lò Gốm và kinh Ruột Ngựa nối tiếp với sông Cần Giuộc phía nam, Kinh Tàu Hũ chiếm một vị trí quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế, nối liền đường thủy từ đồng bằng sông Cửu Long đến Chợ Lớn, Sài Gòn. Tàu ghe chở nông phẩm từ Lục tỉnh tới lui tấp nập trên kinh, hai bên bờ nhiều nhà máy xay, chà lúa được dựng lên từ Bình Tây đến Bình Đông.
 
… “
(9)
“…
Con đường thủy thứ nhì là Kinh Chợ Lớn cũng gọi là Kinh Tàu Hũ (Arroyo Chinois). 

Vùng Chợ Lớn thưở nay buôn bán thạnh vượng một phần lớn là nhờ Kinh Tàu Hũ nầy. Đây là đường thủy vận nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miệt Hậu Giang. Con đường thủy nầy tiện lợi vô cùng vì đã thâu ngắn đường ghe thuyền tránh được nguy hiểm khỏi trổ ra đường biển để vào Cửa Cần Giờ. Tàu nhỏ, ghe thương hồ, các ghe chài "ăn lúa" từ Bạc Liêu, Bãi Xàu, Sốc Trăng, kéo lên, hoặc thuyền "cá đen" Biển Hồ (Nam Vang) đổ xuống, đều noi theo Kinh Tàu Hũ nầy mà "ăn hàng", "ăn gạo", hoặc đợi "cất lúa" lên cho các nhà "tầu khậu" (60) và nhà máy xay Chợ Lớn, cũng như nhờ con Kinh Tàu Hũ nầy để giao dịch với thương cảng và các tàu hàng buôn xuất ngoại. 

Con kinh nầy, ngoài việc lợi ích giao thông về kinh tế còn là con đường chiến lược, thưở xưa tàu binh Pháp đã mượn nó mà đến vây Đồn Cây Mai và thuận đường đánh úp chợ Mỹ Tho. Con Kinh Tàu Hũ đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử đau thương của ta và lịch sử nó đã được ghi rành trong cận sử Việt. 

Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819) , Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hũ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý, (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 = 5.472 m ). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ. 

Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hũ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết). 

Theo bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có con rạch nhỏ ấy.…”
 
 
Tháng hai năm Nhâm dần (1782), Tây-Sơn lại tấn công Gia-Định lần thứ ba, đánh tan quân Chúa Nguyễn tại Ngã-Bảy, Cần-Giờ, và theo sông Lôi-Lạp tiến vào Bến-Nghé. Chúa Nguyễn phải bỏ Gia-Định lánh nạn. Quân Tây-Sơn thuận tay tàn sát người Tàu.

Theo tài liệu của Francis Garnier dẫn ra trong bài Chợ-lớn (đăng trong Niên-giám Nam Kỳ năm 1866, Annuaire de la Cochinchine française pour l'année 1866, trang 83), nói rằng vịn theo tác giả Gia định Thông chí, thì :

«... (1782) người Tàu bị giết hơn một vạn. Thây nằm chật đất từ Bến-Nghé đến Sàigòn (tức là Chợ-Lớn) ; thây liệng xuống rạch An-Thông chật ních đến đỗi lấp cả dòng nước ; không ai dám ăn cá trong khoảng thời gian ba tháng. ».

« Háng-hóa của tiệm buôn Tàu đủ loại như : trà, hàng vải, thuốc men, hương liệu, giấy má, bỏ vãi đầy đường sá, một thời gian khá lâu, không ai dám lượm. Năm sau (1783), giá trà Tàu vọt lên cao đến tám quan tiền một cân và một cây kim may giá một lượng ; tất cả hàng hóa đều cao vọt lên. ».”
 
 
(12) Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ. (Nguyễn Đức Hiệp). http://namkyluctinh.org/a-lichsu/ndhiep-nguoiminhhuong.htm
 
 
Đề Ngạn
 
Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine, và Garnier, Cholen, thì năm 1778 người Hoa ở Cù lao Phố (Biên Hòa) vì giúp đỡ nhà Nguyễn nên bị quân nhà Tây Sơntàn sát phải rút lui theo con sông Tân Bình (Bến Nghé), chọn vùng đất ở giữa đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, ngày sau thành phố Chợ Lớn. Năm 1782 họ lại bị quân nhà Tây Sơn tàn sát một lần nữa. Ít lâu sau họ xây dựng lại, đắp đê cao nên đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon", hoặc "Tin-Gan", phát âm theo giọng Quảng Đông là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn", đọc theo âm Hán-Việt là "Đề Ngạn" (堤岸). Họ dùng danh từ "Tây Cống" hoặc "Xây-cóon", "Xi-cóon" để ám chỉ vùng người Việt ở tức chợ Bến Thành ngày nay.
Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì "Thầy Ngòn", "Xi Coón" rất giống "Sài Gòn". Tuy nhiên, giả thuyết này về sau bị chứng minh tính bất hợp lý khi phát hiện tài liệu ghi lại tên gọi Sài Gòn đã được sử dụng từ trước 1778.…
Prei Nokor
 
Dựa theo lịch sử và phát âm có thuyết cho là "Sài Gòn" là được phiên âm từ "Prei Nokor" hay từ "Thầy Ngồn" mà ra. Prei Nokor nguyên là dinh của phó vương Chân Lạp thuộc vùng Chợ Lớn tới chùa Cây Mai, là dấu vết của một "thành phố" có từ thời Tiền Angkor (theo nhà sử học Pháp Louis Malleret). Tuy nhiên không có tài liệu nào khẳng định rằng nơi đây từng tồn tại khu dân cư trước thế kỷ 16.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này. Trong tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ, ông đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor.
Hai ông Nguyễn Đình Đầu và Lê Trung Hoa đều đồng ý với thuyết này, dựa theo lịch sử và ngữ âm.
Theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế. Tới năm 1674, Cao Miên có biến, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đánh và phá luỹ Sài Gòn. Vậy, từ 1623 tới 1674, vùng Prei Nokor, hay Sài Gòn, đã phát triển lắm.
Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn".
Câu trả lời hay nhất - Do người đọc bình chọn
Kênh Tàu Hũ nguyên trước là một con rạch nhỏ bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét năm 1819 đào thành kênh và đặt tên là An Thông Hà cũng gọi là Kinh Mới và vì chảy ngang Chợ Lớn nên còn gọi là rạch Chợ Lớn. (Ghi chú Phạm Thế Định: đ ã có con rạch khác mang tên này, kinh hay kênh không phải là rạch ).

Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885), Trương Vĩnh Ký viết: "Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn". Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hoá, sau đọc trại ra thành Tàu Hũ.

Nhiều tài liệu cho rằng kinh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kinh, phía đông nam là thôn Bình Đông, phía tây bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời vua Minh Mạng) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ đông kinh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay.
 
Lúc Napoléon III quyết định mở cuộc xâm chiếm Việt Nam từ 1858 thì bộ trưởng hải quân Chasseloup-Laubat, một hội viên tam điểm, tán thành nhiệt liệt.
Nam kỳ vừa được hoàn toàn “bình định” tháng 12 năm 1867, ngay khi Saigon còn là một thành phố chưa mở mang với dân số khoảng 50.000 người (gồm cả Hoa kiều trong Chợ Lớn) và 500 người Pháp, ngày 10-11-1868, mười tám người Pháp đã thành lập loge tam điểm đầu tiên, lấy tên là “Le Réveil de l”Orient”. Tính đến năm 1870 loge này có 37 hội viên và năm 1876 đã có 69 người gia nhập.(Phạm Hữu Trác 29-7-2007)
Đào Trinh Nhất. 1924. THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO NAM KỲ
 
 
(17) Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
Người Hoa (Việt Nam)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
(18)
 
 
 
Một số links để đọc thêm:
 
 
 
 
 
 
0o0
 
 
0o0
 
 

http://www.dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan04/subpages/nc_anhthunuocviet.html

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2012(Xem: 15381)
Cụ Lê Văn Lễ và cô bóng Phạm Thị Hiên đều bị thiệt mạng trong hai trường hợp hết sức oan uổng. Hồn thiêng của vị Đại Thần và cô Cốt Đồng bạc số, vì oan tình, nên về sau được hiển Thánh. Dân địa phương đều kính nể và sợ oai linh của hai vị và lập miếu tôn thờ
10 Tháng Giêng 2012(Xem: 14771)
Ai ơi có đến Nhà Bè _ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng. Nhà bè nước chảy chia hai _ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
28 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 14110)
Trong không khí êm ả buổi sáng, tiếng chuông chùa cổ chầm chậm ngân dài trên sóng nước dòng Sông Phố, như để thức tỉnh lòng người. Đến buổi tối, tiếng động vang rền của đoàn xe lửa cuối cùng trong ngày, chuyến tốc hành xuyên Việt, khởi hành từ Sài Gòn khi vượt qua hai cầu sắt Cù Lao Phố vào lúc 9 giờ đêm là một báo hiệu để nhà nhà tắt đèn đi nghỉ.
04 Tháng Mười 2011(Xem: 17126)
Không một người Việt Nam nào sợ thay đổi. Cái đáng sợ là Cù Lao Phố hay những địa danh lịch sử nổi tiếng của đất nước này bị thay đổi theo kiểu áp đặt quan điểm lịch sử từ những thế lực vong ơn.
25 Tháng Chín 2011(Xem: 18182)
“Minh Tân” tên một ngôi trường không còn nữa theo giòng thời gian, nhưng với cựu học sinh, phụ huynh nhất là đồng hương Biên Hoà ,luôn nhớ những sự đóng góp trong thời hưng thịnh của tỉnh nhà. Cây lúa được tốt,được tươi là do công lao người chăm bón, muốn ăn trái ngọt phải có cây lành, chắc hẵn chúng ta sẽ không thể quên cây lành cũng như công lao ngườì chăm bón