1:27 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Nhớ Về Cù Lao Phố - Hát Bình Phương

09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 18886)

 Nếu có người nước ngoài hỏi tôi đến từ đâu, tôi sẽ trả lời là người Việt Nam ở thành phố Sài Gòn. Nhưng nếu người hỏi tôi lại là người Việt Nam thì tôi chẳng ngần ngại mà trả lời rằng: Tôi là người Biên Hòa, ở Cù Lao Phố.

 Biên Hòa là quê nội, nơi ba tôi được sinh ra và lớn lên. Tổ tiên tôi cũng được sinh ra ở đây và sống cả một đời cùng với những thăng trầm của mảnh đất cù lao nầy. Vì thời cuộc, sau khi học hết bậc trung học, ba tôi phải về Sài Gòn đi làm và lập gia đình với má tôi là người sinh trưởng ở Tân Quí Đông, Gia Định.

Tôi được sinh ra ở Sài Gòn nhưng cả một thời niên thiếu, từ lúc thôi nôi đến tốt nghiệp trung học, tôi lại sống ở Cù Lao Phố, quê hương bên nội. Và chính nơi đây, tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi đã gửi nắm xương tàn trong lòng đất để mãi mãi là người con của Cù Lao yêu dấu.

Cũng nơi đây đã in đậm những kỷ niệm của thời thơ ấu và tuổi trẻ, từ lúc bập bẹ những tiếng nói đầu đời, lớn lên một chút được bà Nội dẫn tới trường trong những ngày đi học đầu tiên ở trường tiểu học Hiệp Hòa cho đến khi tự mình đi xe đạp, đón xe lam đến trường Ngô Quyền trong suốt bảy năm trung học.

Con đường làng đất đỏ từ nhà ra đến Cầu Cống, tôi đã đi qua lại không biết bao nhiêu lần đến quen thuộc cả những hàng cây bên vệ đường. Từ đó có hai hướng: rẽ bên trái sẽ qua Cầu Gành đi về hướng Chợ Đồn, Tân Vạn còn rẽ phải sẽ qua Cầu Rạch Cát đi về hướng Quốc lộ số 1, Biên Hòa, con đường quen thuộc hằng ngày tôi đi học.

Cù Lao Phố có nhiều ngôi chùa và đình, trong số đó có những di tích lịch sử được nhiều người biết đến: Chùa Đại Giác, Chùa Ông (Quan Thánh Đế), Chùa Chúc Thọ (Thủ Huồng), Tịnh xá Tịnh Lâm, Thánh Thất Cao Đài (Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ), Đình Bình Kính (Đền Thờ Nguyễn Hữu Cảnh), Đình Hưng Phú, Đình Tân Giám, Đình Tân Mỹ, Đình Bình Tự, Đình Bình Quang, Đình Bình Quới, Đình Bình Xương, Đình Thành Hưng...

Trường học thì có trường Hiệp Hòa A, Hiệp Hòa B, Bình Tự, Tam Hòa, Nam Hà … Hai nơi buôn bán lâu đời ở Cù Lao Phố là Chợ Mới (Hiệp Hòa) còn gọi là chợ Trong để phân biệt với chợ Ngoài là chợ Cầu Cống. Đó là những địa danh quen thuộc mà hầu hết người dân Cù Lao Phố nào cũng nhớ.

Khi thi đậu vào trường Sư Phạm Saigon cũng là lúc tôi xa Biên Hòa, về Saigon ở chung với cha mẹ để đi học. Ra trường, tôi về dạy học ở Thủ Đức, sau đó chuyển về Saigon. Bận bịu công việc và gia đình, thỉnh thoảng tôi mới về thăm lại Biên Hòa trong những ngày Tết hay giỗ chạp, nhưng không có dịp đi vòng Cù Lao Phố như những ngày xưa thân ái.

Những hình ảnh của Cù Lao Phố dần dần thay đổi bởi những cảnh quang mới về sau nầy, nhà cửa, trường học, bệnh viện… được xây dựng thêm và bộ mặt mới nầy tôi ít được biết đến. Tuy vậy những kỷ niệm ngày xưa của tôi với khung trời cũ vẫn là những kỷ niệm tuyệt vời, in đậm trong tiềm thức để mỗi lần được nhắc nhớ là nó chợt hiện về như mới hôm qua…

Cho đến ngày rời xa đất nước để định cư ở Mỹ, không biết đến bao giờ mới có dịp về thăm lại cố hương. Dù bận rộn với cuộc sống mới trên quê hương thứ hai nhưng lúc nào cái tình tự quê nhà cũng âm ỉ trong tôi để thỉnh thoảng lại hiện về trong những giấc mơ. May mắn thay, nhờ trang nhà của Trường Ngô Quyền và Hội Ái Hữu Biên Hòa Cali, những người đồng hương đã một thời sống ở Biên Hòa đã cùng nhau ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm của ngày xưa yêu dấu.

Nhớ về Cù Lao Phố, tôi tìm hiểu thêm mới biết quê mình là một địa danh nổi tiếng có nhiều đình, chùa ở miền Nam. Có những điều về lịch sử và văn hóa mà tôi chưa hề biết dù đã sống ở đó gần hai mươi năm. Tôi xin được trích dẫn sau đây để những đồng hương Biên Hòa biết thêm về quê hương xứ Bưởi của mình.

Theo Bách Khoa Toàn Thư (Wikipedia) đã nói về Cù Lao Phố như sau:

1.Cù Lao Phố:

 

bienhoaculao1-content

 

Từ thác Trị An chảy ra biển đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ trong đó ở địa phận Biên Hòa dòng chảy bỗng chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông nại Đại Phố- nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa với diện tích 6,93km2.

Sử sách chép : năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán.Trong lịch sử phát triển của mình cù Lao Phố phát triển nhiều ngành nghề như : dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường.

Thế nhưng cuộc chiến năm 1776 giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.

Ngày nay người dân Cù Lao Phố đã biến cải vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa. Ở Cù Lao Phố hiện nay còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 ngôi miếu. Có thể nói Cù Lao Phố còn tồn tại nhiều dạng hình thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen hòa trộn lẫn nhau.

2. Chùa Đại Giác:

 

 

bienhoaculao2-content

 

 

Chùa Đại Giác nằm trên địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), là một trong ba ngôi chùa cổ nhất ở Biên Hòa, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Hai ngôi chùa còn lại là chùa Long Thiền (Hóa an) và chùa Bửu Phong (Bửu Long). Chùa có kiến trúc hình chữ đinh, diện tích khoảng 1000m2 gồm 3 phần chính: chánh điện, giảng đường và nhà trù.

Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII bởi nhà sư Thành Đẳng - một trong số những đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế (gốc Quảng Đông -Trung Quốc).

Năm 1779, công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn Thị Ngọc Anh, trên đường chạy loạn quân Tây Sơn đã có thời gian trú ngụ tại chùa. Sau này, khi lên ngôi, Nguyễn Ánh nhớ ơn đã ban chiếu trùng tu và phụng cúng pho tượng A-di-đà lớn bằng gỗ cao 2,56m. Vì vậy nhân dân địa phương còn gọi là chùa Phật Lớn. Đến thời Minh Mạng, chùa tiếp tục được tu sửa. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng một bức hoành phi lớn đề ba chữ "Đại Gíác Tự" treo trước chánh điện.

Năm 1952, do ảnh hưởng lũ lụt, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được trùng tu lại. Tiếc thay, kết cấu cũ bị sửa đổi ít nhiều, vách ván, cột gỗ đã bị thay thế bằng tường gạch, cột bê tông.

3. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Đình Bình Kính):

 

bienhoaculao3-content


Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố).

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Ông đã đặt tên cho đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ ra làm 2 huyện: Phước Long và Gia Định, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, lập bộ đinh bộ điền và chiêu mộ lưu dân từ Ngũ Quảng vào Đồng Nai.

Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tuờng.

Người dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một di tích lịch sử của Cù Lao Phố nói riêng và của miền Nam nói chung.

4. Chùa Ông (Quan Thánh Đế):

 

bienhoaculao4-content


Chùa Ông thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), thành phố Biên Hòa, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ khoảng 100 mét. Trước đây Chùa là Miếu Quan Đế, ngày nay có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam bộ (khoảng năm 1684).

Chùa Ông được xây dựng theo kiến trúc chữ khẩu. Bên ngoài chùa là cả một công trình độc đáo các tượng gốm men xanh của thợ gốm Cây Mai (Chợ Lớn) về các đề tài như hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật bà Nguyệt...Thêm vào đó, các tạo tác bằng đá ở mặt tiền chùa do thợ đá Bửu Long tạo ra đã tạo nên kiểu thức đặc trưng cho kiến trúc Minh Hương trên vùng đất Biên Hòa.

Là một cơ sở tín ngưỡng, với kiến trúc khá độc đáo, chùa Ông là điểm đến của nhiều du khách gần xa tới tham quan, nghiên cứu, chiêm bái và cầu lộc.

5.Chùa Chúc Thọ (Thủ Huồng):

 

bienhoaculao5-content

 

Nhắc đến các đền, chùa ở Cù Lao Phố, không thể không kể đến một ngôi chùa đặc biệt, nằm cách bên phía tay phải chùa Đại Giác khoảng một trăm thước. Chùa có tên là chùa Chúc Đảo, nay được mang tên là chùa Chúc Thọ; nôm na lại có tên gọi chùa Sau nhưng dân gian vẫn thường gọi là chùa Thủ Huồng. Chùa là một ngôi cổ tự có trên một thế kỷ. Người sáng lập chùa là một nhân vật có thật, tên Võ Thủ Hoàng. Có lẽ vì dân chúng Đàng Trong không dám phạm húy đến tên chúa Nguyễn Hoàng nên tên Thủ Hoàng được gọi trại thành Thủ Huồng? Võ Thủ Hoàng là một thư lại ở đất Đồng Nai vào đầu thời Chúa Nguyễn. Nhờ xử dụng các thủ đoạn xảo trá, Thủ Huồng đã lươn lẹo chiếm đoạt được nhiều tài sản của dân chúng, cho vay nặng lãi v.v...nên đã trở thành bá hộ. Có nhiều huyền thoại được truyền tụng trong dân gian nhưng đại để câu chuyện là Thủ Huồng đã có dịp gặp được một người đi thiếp xuống địa ngục (có chuyện lại kể là chính ông đã được dịp đó) và thấy ở dưới đang có sẳn một gông lớn dành cho Thủ Huồng! Thủ Huồng đã ăn năn hối cải, đem của bố thí cho người nghèo, bán ruộng vườn để cúng dường chùa chiền, giúp đở thôn xóm. Ông đã dùng gia sản dựng lên chùa Chúc Đảo ở Cù Lao Phố, thiết lập một chiếc bè lớn có đầy đủ nồi niêu, gạo, mắm cho ghe thuyền lỡ độ đường ngược nước có chỗ nghỉ ngơi ở ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Ngã ba có chiếc bè của Thủ Huồng đến nay vẫn còn được gọi là Ngã ba Nhà Bè, một địa danh đã đi vào lịch sử

với câu hò:

 

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về 
Đường về xứ bạn không xa
Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hòa

(Tiếng Hò Miền Nam - Nhạc Phạm Duy)

 

Dù sống ở đất Mỹ xa xôi, cách quê hương Việt Nam nửa vòng trái đất và dù thời gian cứ dần trôi qua, Cù Lao Phố quê tôi với những kỷ niệm của một thời hoa mộng sẽ ở mãi trong trái tim của người xa xứ để thỉnh thoảng lại hiện về với niềm thương nhớ khôn nguôi:

Cố hương yêu dấu nỗi nhớ mong

Mảnh đất Cù Lao với dòng sông

Chỉ cần nhắm mắt trong khoảnh khắc

Kỷ niệm xa xưa chứa ngập lòng...

(hatbinhphuong)

 

Tôi hãnh diện đã được sống nơi đây cả một thời niên thiếu với nhiều kỷ niệm gắn liền với Cù Lao Phố - một địa danh lịch sử nổi tiếng của miền Nam - và sẽ kể cho các con cháu biết để tự hào về nơi quê cha đất tổ. Mong rằng có dịp nào đó, các thế hệ trẻ nối tiếp của người Biên Hòa tha hương sẽ được về thăm xứ bưởi Biên Hòa, nếm hương vị ngọt ngào thơm tho của bưởi ổi, bưởi thanh, bưởi đường, bưởi da láng…và ngửi mùi hoa bưởi thơm ngan ngát trong nắng sớm mai cũng như ngắm dòng nước của sông Đồng Nai mang những cụm lục bình tím lượn lờ trôi…

 

Hát Bình Phương

 


Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Ba 20118:00 SA
Khách
Cù Lao Phố Ai về thăm lại đất Cù lao Phố cũ sông xưa nước ngọt ngào Rạch cát lững lờ buông mấy nhịp Đồng nai thơ mộng thả dăm câu Chùa ông cổ kính ngàn xưa đó Đại giác uy nghi tự thuở nào Hạ đến trời xanh soi nắng ấm Xuân về trai gái cánh duyên trao. Thân mến Nguyễn khánh Chân Biên hoà
21 Tháng Tám 20117:00 SA
Khách
Những ngày sau 1975 cả Cù Lao tan tác . Người đi cải tạo , kẻ vượt biên , người tì quên trong men rượu...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6125)
vì đó là cái hồn văn hóa của người dân bản địa, không dễ gì xóa đi được.
10 Tháng Hai 2020(Xem: 7876)
Cái cảm giác thực tại hoà lẫn với kỷ niệm xưa làm tôi nhớ quê hương Biên Hoà da diết.
07 Tháng Sáu 2019(Xem: 39848)
hoàn toàn là công lao của các chúa Nguyễn và các vị khai quốc công thần:Nguyễn-Hữu-Cảnh, Trần-Thượng-Xuyên, Mạc-Cửu, Nguyễn-Cư -Trinh, Mạc-Thiên-Tích
30 Tháng Tám 2018(Xem: 30704)
Qua các thời quý Cha quản xứ, các sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn Giáo xứ Biên Hòa dần đi vào ổn định và đời sống đức tin ngày càng lớn mạnh.
12 Tháng Tư 2017(Xem: 34059)
Bao giờ bạn đến thăm nhà Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê