1:59 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

NGƯỢC DÒNG ĐỒNG NAI

09 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 14429)

Được làm một chuyến du khảo dọc sông Đồng Nai quả là điều thú vị đối với những ai muốn về với thiên nhiên.

Nhiều thắng cảnh, làng nghề truyền thống, công trình tín ngưỡng tôn giáo dọc con sông huyết mạch này cho du khách viếng thăm: Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế, chùa Thủ Huồng... trên Cù lao Phố; các làng nghề mây tre lá, hoa kiểng, bonsai, điêu khắc gỗ, làng đá Bửu Long, làng bưởi Tân Triều, các khu du lịch sinh thái như danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong, hồ Long Ẩn…


blank
Chùa Ông, một trong những di tích tín ngưỡng độc đáo trên vùng Cù lao Phố 
Có nhiều điểm xuất phát để ngược dòng sông Đồng Nai. Nếu đi từ TP, bạn sẽ phải xuất phát ở cầu cảng Bến Nghé, đi qua Khu công nghiệp Nhà Bè, vượt qua ngã ba Đèn Đỏ và rẽ về hướng Đồng Nai. Từ đây, bạn thực sự hòa mình với sông nước mây trời, những cù lao xanh biếc. Một điểm xuất phát khác gần hơn nhưng cũng thi vị không kém đó là những bến sông cạnh chợ Biên Hòa.
 
Từ đây, thuyền đưa bạn qua tham quan Cù lao Phố, nơi xưa kia Tổng binh Trần Thượng Xuyên và các thuộc hạ đã chọn để thành lập và phát triển thành Nông Nại Đại Phố, một thương cảng sầm uất, tấp nập thương thuyền buôn bán với thương nhân các nước Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia.
 
Trên đất Cù lao Phố hiện còn bảo tồn gần như đầy đủ các đình, miễu, chùa có cách đây hai ba thế kỷ. Nổi bật trong số đó là đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Vào thăm đền, du khách không khỏi ngạc nhiên trước kiến trúc nội thất được bảo tồn cẩn thận với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự. Các bàn hương án, nghệ thuật chạm khắc với bao đề tài dân gian sinh động.
 
Tại dinh còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của đức ông thuở sinh thời. Ngày 16-5 và ngày 11-1 âm lịch hằng năm, chính quyền và người dân xã Hiệp Hòa đều có tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đến công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương Nam.
 
blank
 Tắm sông, thú vui của trẻ em ở ven sông Đồng Nai
 
Cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vài chục mét đường sông là chùa Ông, còn gọi là chùa Quan Đế, một công trình được xây dựng theo kiến trúc chữ khẩu. Đây là di tích đền miếu xưa nhất Nam bộ do bảy phủ người Hoa gồm Quảng Châu, Triều Châu, Phước Châu, Chương Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba đóng góp công của xây dựng vào năm 1684.
 
Khởi thủy mang tên miếu Quan Đế với tục thờ Quan Công, Quan Thánh đế quân, bà Thiên Hậu, mẹ Sanh mẹ Độ, Phúc thần, Tài thần… sau đó người Minh Hương đổi tên thành Thất Phủ cổ miếu.
 
Những mảng văn tự chữ Hán được chạm khắc tinh xảo, thủ pháp nghệ thuật tinh tế, các tượng gốm men xanh của thợ gốm Cây Mai (Chợ Lớn) về các đề tài như hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật bà Nguyệt làm cho chùa Ông trở thành một di tích tín ngưỡng độc đáo trên vùng Cù lao Phố. Vào các dịp lễ hội hàng năm, người Hoa từ nhiều nơi trong khu vực miền Đông Nam bộ, đã tìm đến chùa Ông chiêm bái, cầu lộc, dập dìu cả một mạn nam bờ sông.
 
Rời Cù lao Phố, thuyền xuôi dòng đến làng Tân Vạn, vùng đất nổi tiếng có bề dày non 200 năm gắn bó với nghề làm gốm sứ. Lò gốm đầu tiên ở Tân Vạn ra đời vào năm 1878, từ đó hình thành làng nghề chuyên làm lu, hũ, gạch ngói cung cấp cho dân cư các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và những nơi làm nghề nước mắm truyền thống như Phú Quốc, Phan Thiết… Nhằm lúc đông khách, trên bến dưới thuyền, người chuyển hàng nhộn nhịp cả một khúc sông.
 
Thuyền đi qua Hội Sơn cổ tự, ngôi chùa tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai trên ngọn đồi thuộc phường Long Bình, quận 9, TP do Thiền sư Long Khánh khai sơn từ cuối thế kỷ XVIII. Hội Sơn cổ tự có bức tường thành xung quanh, giống hệt như Vạn Lý trường thành thu nhỏ.
 
Sân chùa khá rộng, tôn trí một số tượng Phật, Bồ tát. Trước ngôi chánh điện là tượng đức Phật Thích Ca, hai bên ngôi chính điện đặt tượng Bồ tát Di Lặc giáng trần và Bồ tát Quán Thế Âm xuất sơn. Ngoài ra còn có nhiều công trình như chánh điện, tiền đường, nhà khách...Tất cả vẫn còn giữ nguyên được nét cổ kính.
Dù xuất phát từ cầu cảng Bến Nghé hay bến sông gần chợ Biên Hòa, chuyến du lịch bằng thuyền trên sông Đồng Nai đều gắn liền với cảnh sông nước, môi trường thiên nhiên. Chính vì vậy mà tour du lịch này đáp ứng được nhu cầu về nguồn, thư giãn cuối tuần của số đông học sinh, sinh viên và người lao động hiện nay. 
Theo Hưng Nhơn (Bà Rịa-Vũng Tàu Online)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 5399)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 6935)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 4983)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3844)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
12 Tháng Chín 2021(Xem: 4741)
để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.