4:23 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Năm Mươi Lăm Năm Nhìn Lại - Thầy NGUYỄN VĂN PHỐ

28 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 15528)

 ngoquyenxua-content Trường chúng tôi thành lập năm 1956, trong khi xây dựng trường sở, chúng tôi học nhờ trường Tiểu Học Nguyễn Du, sau đó trường Nữ Công Gia Chánh.

 Mãi đến năm 1960, chúng tôi mới có trường sở, bảng hiệu. Trường nằm trên quốc lộ 1, xưng danh là trường công lập đầu tiên ở miền Đông Nam phần: Trường TRUNG HỌC NGÔ QUYỀN BIÊN HÒA.

 Ban giảng huấn dĩ nhiên là những vị xuất thân từ những trường Sư Phạm làm nồng cốt. Ngoài ra, còn gồm các nguồn khác như đại học Khoa Học, đại học Văn Khoa, đại học Luật Khoa, và các đại học Y Khoa nữa.

 Chúng tôi dù cả Trung, Nam, Bắc, cả Thầy lẫn trò, tụ họp về dạy Biên Hòa để xây dựng một trường Trung Học, sau này lừng lẫy ở miền đông Nam phần về cả lượng lẫn phẩm.

 Năm mươi lăm năm sau, chúng tôi tụ họp về đây, không phải ở trong nước mà ở hải ngoại để tìm lại những kỷ niệm, thật bồi hồi, xúc động, dù ở cương vị Thầy hay trò ở một trường Ngô Quyền ngày nào.

 Ngày xưa, chúng tôi cũng có thể chỉ chào hỏi nhau lấy lệ và cũng có thể chưa một lần gặp nhau, nhưng nay chúng tôi vẫn đến với nhau vì cũng có chung một hoài cảm, một kỷ niệm, một nơi chung để nhớ, đó là: trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa.

 Thưa quí vị,

 Cuộc chiến tranh miền Nam, từ thập niên 60 càng ngày càng trở nên khốc liệt. Thầy trò chúng tôi gặp nhau ở quân trường, cao quí thay, trò tự nguyện giúp Thầy những công việc nặng nhọc trong những tháng thụ huấn ở quân trường. Chúng tôi gặp nhau ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trong cương vị những giáo sư văn hóa và sinh viên sĩ quan.

 Còn nữa, chúng tôi gặp nhau ở chiến trường, trong những trại tù cải tạo nhưng vẫn Thầy Thầy trò trò, tình nghĩa thắm thiết như xưa.

 Năm 1975, sau cuộc đổi đời lớn, chúng tôi gặp nhau ở những vị thế mới mà dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không nghĩ đến như hiện thân vá xe, khâu giày, bán vé số, đạp xích lô v.v… nhưng vẫn ân cần thăm nhau, dù có một chút ngỡ ngàng…

 Chúng tôi cũng được thơm lây với những người đã thành đạt như giáo sư đại học Phú Thọ (Thầy Nguyễn Bát Tuấn), giáo sư Đại Học Khoa Học (Thầy Tôn Thất Long). Ở hải ngoại, giáo sư đại học Pháp, giáo sư đại học Gia Nã Đại, những luật sư từ Pháp đến Mỹ. Tất cả những người này dù ở góc trời nào, vẫn nhớ đồng nghiệp, học trò thủa đầu đời, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần, cao cả thay.

 Chúng tôi còn có những tiếng nói vang vang trên đài phát thanh BBC về tận Việt Nam (Thầy Kiều Vĩnh Phúc), chúng tôi làm nghị viên ở Anh Quốc (Thầy Vũ Khánh Thành), chúng tôi còn vô số những bác sĩ, luật sư, và kỹ sư đang chiếm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội tạm dung khắp năm châu.

 Bên cạnh những người thành đạt, những người bắt đầu đời sống lưu vong muộn màng, không còn thời gian để làm lại từ đầu, chúng tôi làm những nghề tay chân, nhưng vẫn đến với nhau trong nồng ấm, yêu thương, và ở một góc tư tưởng luôn mang theo hoài niệm Ngô Quyền.

 Chúng tôi đã sống, đã làm việc, một lúc nào đó chúng tôi chết. Chết ngoài chiến trường trong những năm chiến tranh khốc liệt. Thê thảm hơn nữa, chúng tôi chết vào ngày 30-4-1975 ở một tiền đồn ven đô. 

 Sau năm 1975, chúng tôi lại chết trong trại tù cải tạo (bác sĩ Nguyễn Hữu Ân, một cựu giáo sư Ngô Quyền), chết trên đường trốn chạy không còn thân xác để cải táng: chúng tôi chết trên biển Đông, gởi thân giữa đại dương mênh mông, bát ngát (có giáo sư Dương Hồng Duyệt), may mắn hơn thân xác được bạn bè nhận về cho gia đình chôn cất (có giáo sư Phạm Văn Dật)

 Sang hải ngoại, chúng tôi lại chết với “Người muôn năm cũ” với sự thành kính tiếc thương của các cựu học sinh Ngô Quyền của rất nhiều niên khóa, nhiều thế hệ. Vâng, “Vĩnh biệt đời sống” của chúng tôi sẽ là lúc an nhiên tự tại về thế giới bên kia với những vòng hoa thương tiếc của các cựu giáo sư và cựu học sinh Ngô Quyền.

 Thưa quí vị, chúng tôi chỉ hiện diện trong trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa, nhưng đã sống và chết như một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Sau này, sẽ còn gì? Hay chỉ còn Tuyển Tập nhỏ bé này. Chính vì thế, chúng tôi phải hội ngộ, phải gặp nhau, và viết đôi dòng lưu niệm, thế thôi.


 Thầy NGUYỄN VĂN PHỐ 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 2011(Xem: 17571)
“Minh Tân” tên một ngôi trường không còn nữa theo giòng thời gian, nhưng với cựu học sinh, phụ huynh nhất là đồng hương Biên Hoà ,luôn nhớ những sự đóng góp trong thời hưng thịnh của tỉnh nhà. Cây lúa được tốt,được tươi là do công lao người chăm bón, muốn ăn trái ngọt phải có cây lành, chắc hẵn chúng ta sẽ không thể quên cây lành cũng như công lao ngườì chăm bón
17 Tháng Bảy 2011(Xem: 20144)
Chùa Châu Thới tọa lạc trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An,quận Dĩ An, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa ( ngày nay thuộc Bình Dương)
13 Tháng Bảy 2011(Xem: 15831)
Thuở hồng hoang tiền nhân Nam tiến . Ba trăm năm dựng nghiệp cơ đồ . Đất hoang vu nối liền sông biển . Thành xóm làng, đồng lúa nên thơ.
09 Tháng Năm 2011(Xem: 14431)
Nhiều thắng cảnh, làng nghề truyền thống, công trình tín ngưỡng tôn giáo dọc con sông huyết mạch này cho du khách viếng thăm: Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế, chùa Thủ Huồng... trên Cù lao Phố; các làng nghề mây tre lá, hoa kiểng, bonsai, điêu khắc gỗ, làng đá Bửu Long, làng bưởi Tân Triều, các khu du lịch sinh thái như danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong, hồ Long Ẩn…
26 Tháng Tư 2011(Xem: 16818)
Địa danh Cầu Gành có từ rất lâu, nhưng nhiều năm gần đây bị viết là Cầu Ghềnh. Thực ra "Gành" hay "Ghềnh" thì cũng cùng một nghĩa, chỉ khác nhau do cách gọi của vùng miền. Dù sao, tôi vẫn thích gọi bằng cái tên cũ, Cầu Gành nghe hay hơn, Biên Hòa hơn!