Hồi hôm qua có bạn vô cmt trong bài " Một khúc-lịch sử Nam-kỳ", ý bạn này cho rằng dân Nam-kỳ bị quả báo vì tàn sát, cướp đất của người Chăm và người Khmer.
Nói vậy là trật lắm, đất Nam-kỳ trãi dài từ đầu Bà-Rịa bây giờ, vòng qua Biên-Hòa( Đồng-Nai ngày nay), lên Bình-Phước, Bình-Dương, Tây-Ninh kéo xuống Saigon bao trọn miền Tây hôm nay. Vậy là không dính đến cục đất nào của Chămpa.
Giờ nói về phần Campuchea, tức là Thủy-Chơn-Lạp theo cách gọi hồi xưa.
Tui chọn cái mốc là năm 1620, năm đó đánh dấu sự kiện Quốc-vương Chơn-Lạp là Chey Chetta II (1618-1628) xin cưới công nữ Ngọc-Vạn, con của chúa Sải, tức chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên. Cuộc hôn-nhơn này mang đậm màu sắc chánh-trị, vua Chơn-Lạp muốn dựa vô thế lực của chúa Nguyễn chống lợi Xiêm-La hay quấy nhiễu, thao túng trào đình bên đó.
Đến năm 1623, chúa Nguyễn cử một phái-đoàn triều-kiến Quốc-vương Chey Chetta II, xin đặt hai trạm thâu thuế ở Prey Kor và Kas Krosbey, cử quan trấn đóng và đưa thêm người Việt tới định cư.
Đến năm 1658, bên Chơn-Lạp có loạn, Hoàng-thân So và Ang Tan con của Prah Outey có nhờ Công-nữ Ngọc-Vạn xin chúa Hiền Nguyễn-Phúc-Tần cử binh sang giúp để đánh dẹp Quốc-vương Ponhea Chan tức là Nặc-Ông-Chơn.
3.000 quân của chúa Nguyễn được đưa vô hỗ trợ, đánh ở Mỗi-Xuy (Mô-Xoài) bắt được Ponhea Chan đem về giam ở Quảng-Bình một thời gian, rồi tha cho về nước.
Hoàng thân So được lên ngôi tức là Quốc-vương Patom Réachéa, thần phục chúa Nguyễn và chịu lệ trào-cống. Đồng thời cho người Việt cư ngụ ở đất Chơn-Lạp, được làm chủ đất đai mà người Việt đã bỏ công ra khai-khẩn, cùng có quyền-lợi ngang hàng với dân Chơn-Lạp.
Bên Tàu thì người Mãn-Châu từ miền Bắc tràn xuống chiếm nước Tàu, thay nhà Minh, lập nên nhà Mãn-Thanh.
Những người Hán không chịu sự cai-trị của người Mãn đã di-cư xuống các nước ở Đông-Nam-Á, trước là bảo-toàn lực-lượng, sau là " phản Thanh phục Minh".
Năm 1679, Tổng-binh đất Long-Môn (Quảng-Tây) là Dương-Ngạn-Địch và Phó tướng Hoàng-Tiến cùng Tổng-binh Châu-Cao, Châu-Lôi, Châu-Liêm (Quảng-Đông) là Trần-Thượng-Xuyên và Phó-tướng Trần-An-Bình đem 3.000 quân cùng 50 chiến-thuyền vô đất Quảng-Nam, xin quy-phục Chúa Hiền, tức chúa Nguyễn-Phúc-Tần.
Ta thấy cái hay, cái tài nhìn xa trông rộng, xử-dụng nhơn-sự của chúa Hiền trong vấn đề " người Tàu" khi đó.
Lúc đó chúa đang đối phó với quân Lê/ Trịnh ở phía bắc, với số quân khá đông của hai ông Dương-Ngạn-Địch và Trần-Thượng-Xuyên đem theo, nếu đem ra đối đầu với quân Đàng-Ngoài có thể sẽ tăng sức mạnh của quân chúa lên đáng kể.
Nhưng chúa cẩn trọng không một sớm một chiều mà tin dùng tới họ trong việc binh đao đựợc. Thay vô đó chúa đã mượn lực-lượng ấy đưa vô Nam đế khai phá đất Chơn-Lạp.
Đoàn người này đã mở-mang, xây-dựng lên Biên-Hòa và Mỹ-Tho một thời phồn-thạnh bậc nhứt xứ Đàng-Trong cho đến khi Tây-Sơn tàn phá.
Năm 1698, thời của chúa Nguyễn-Phúc-Chu cử ông Nguyễn-Hữu-Cảnh làm Kinh-lược đất Chơn-Lạp, chia đất Đông-Phố ra làm dinh, huyện. Lấy Đồng-Nai làm huyện Phúc-Long và Sài-Gòn làm huyện Tân-Bình, đặt dinh Trấn-Biên (Biên-Hòa) và dinh Phiên-Trấn(Gia-Định), đưa quan vô cai-trị và đặt bộ máy quản-lý.
Đến năm 1671, thêm một nhóm người bên Tàu qua, trong đó có ông Mạc-Cửu người đất Lôi-Châu (Quảng-Đông) di-cư xuống nước Chơn-Lạp. Mạc-Cửu tư chất thông-minh, khéo léo được vua Nặc-Ông-Non tin dùng.
Mạc-Cửu xin khai-khẩn đất Mang-Khảm, vua Chơn-Lạp chấp thuận và phong cho Mạc-Cửu chức Ốc-nha ( giống như Tổng-trấn). Đây coi như Chơn Lạp có thêm nguồn thâu từ thuế, vừa có người giữ đất.
Mạc-Cửu và gia-nhơn định cư ở đây rồi chiêu dụ dân đến khẩn-hoang lập ấp ngày càng đông đúc, lập ra 7 xã, thế lực ngày càng vững mạnh.
Thiệt ra họ Mạc ở giữa thế lực kềm kẹp của Xiêm-La và Chơn-Lạp, thường xuyên bị Xiêm quấy phá, xâm lấn, thậm chí bị bắt đem về Xiêm, sau trốn thoát được.
Nhận thấy không thể trông cậy vô Chơn-Lạp để được che chở khi Xiêm xâm lấn nên năm 1714, Mạc-Cửu xin thần phục chúa Nguyễn, sáp nhập Hà-Tiên vô đất Đàng-Trong, góp phần cho cuộc Nam tiến nhanh chóng hơn.
Chúa Nguyễn phong cho Mạc-Cửu làm Tổng-binh, trấn-thủ đất Hà-Tiên, tước Cửu-Lộc hầu . Sau này con của Mạc-Cửu là Mạc-Thiên-Tích( Tứ) thay cha, được phong-chức trấn-thủ Hà-Tiên, Tổng-binh đại-đô-đốc, tước Tông-đức hầu.
Mạc-Thiên-Tích thỉnh thầy về dạy Nho học, khai trí dân Hà-Tiên, ông còn cho đắp thành xây lũy, mở chợ làm đường khai hóa cho xứ sở này.
Nói về bên Chơn-Lạp, khi Nặc-Nguyên làm vua thường hay hà hiếp người Côn-Man và lại thông sứ với chúa Trịnh ở Đàng-Ngoài toa rập đánh chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn cũng biết âm-mưu này nên năm 1753 sai Nguyễn-Cư-Trinh sang đánh Chơn-Lạp, Nặc-Nguyên thảm bại phải bỏ thành Nam-Vang, chạy sang Hà-Tiên ở nhờ vào Mạc-Thiên-Tích.
Mạc-Thiên-Tích dâng sớ xin cho Nặc-Nguyên được trở về làm vua nước Chơn-Lạp, ngược lợi Nặc-Nguyên xin dâng đất Tầm-Bôn và Lôi-Lạp để chuộc tội. Chúa Nguyễn không muốn cho, nhưng Nguyễn-Cư-Trinh can gián và hiến kế " tằm ăn dâu". Chúa Nguyễn thuận tình.
Năm 1757, Nặc-Nguyên chết, chú họ là Nặc-Nhuận làm giám-quốc, Nặc-Nhuận xin hiến đất Trà-Vang (Trà-Vinh, Bến-Tre) và Ba-Thắc (Sốc-Trăng, Bạc-Liêu) để cầu được Võ-Vương phong cho làm vua. Sau Nặc-Nhuận bị con rể là Nặc-Hinh giết để cướp ngôi.
Chúa sai Trương-Phúc-Du đem quân sang đánh dẹp. Nặc-Hinh thua chạy bị thuộc hạ giết, con Nặc-Nhuận là Nặc-Tôn chạy sang Hà-Tiên nhờ Mạc-Thiên-Tích, họ Mạc dâng sớ xin lập Nặc-Tôn làm vua, chúa chấp thuận, sai Mạc-Thiên-Tích đưa Nặc-Tôn về nước.
Để tạ ơn, Nặc-Tôn dâng đất Tầm-Phong-Long cho chúa Nguyễn. Chúa sai Trương-Phúc-Du và Nguyễn-Cư-Trinh đem dinh Long-Hồ về xứ Tầm-Bào (tỉnh lỵ Vĩnh-Long bây giờ), đặt ra 3 đạo là Đông-Khẩu đạo (Sa-Đéc), Tân-Châu đạo (Tân-Châu – tỉnh An-Giang bây giờ) và Châu-Đốc đạo (Châu-Đốc).
Chưa hết, để tạ ơn họ Mạc giúp đỡ, Nặc-Tôn cắt đất Hương-Úc (Kompong-Som), Cần-Bột Kampot), Sài-Mạc (Cheal Meas), Chưng-Rừm, Linh-Huỳnh (vùng duyên-hải từ Sré-Ambel đến Réam) tặng.
Mạc-Thiên-Tích dâng hết những chỗ đất nầy cho chúa Nguyễn. Chúa cho sáp nhập vô trấn Hà-Tiên (sang thời Tự-Đức năm 1848 các đất trên lại sáp nhập vào đất Chơn-Lạp như xưa).
Ta thấy rõ vai trò của dòng họ Mạc như " trung gian", cầu nối, có vai trò hết sức lớn lao trong việc mở mang vùng đất Nam-kỳ ngày nay.
Trên một trăm năm (1623-1759) các chúa Nguyễn đã mở rộng thêm bờ cõi cho đất nước Việt-Nam, toàn bộ xứ Nam-kỳ hoàn toàn là công lao của các chúa Nguyễn và các vị khai quốc công thần:Nguyễn-Hữu-Cảnh, Trần-Thượng-Xuyên, Mạc-Cửu, Nguyễn-Cư -Trinh, Mạc-Thiên-Tích....
Tính từ hồi chúa Nguyễn-Hoàng vô Nam năm 1558, cho đến năm 1759 thời chúa Võ-Vương coi như cuộc Nam tiến kết thúc, là 201 năm, các chúa đã có được những thành tựu lớn lao mà các trào-đại trước đó ở bắc-kỳ trải qua hàng ngàn năm không thể làm nổi.
Đó là chưa kể về thời Minh-Mạng đại-đế, nước Đại-Nam đô hộ xứ Ai-Lao và Cao-Miên, lãnh thổ vươn tới tận biên giới Xiêm-La, là thế-lực hùng-mạnh nhứt khu vực lúc bấy giờ.
Trở lợi phần đầu bài, rõ ràng các chúa có thảm sát dân Chơn Lạp đâu mà bạn biểu " quả báo"? Còn đất Nam-kỳ không dính đến Chăm, không thể liên tưởng hai sự việc không ăn nhập với nhau vô được.
Nguồn: Đất và Người Nam Kỳ