7:58 SA
Thứ Ba
17
Tháng Chín
2024

Ký ức về rạp hát Biên Hùng (Biên Hoà) trước 1975 - HIỆP PHAN

18 Tháng Bảy 202111:27 SA(Xem: 6869)
Tiếc quá .,,
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
( Truyện Kiều - Nguyễn Du )
Bài viết của Hiệp nói lên khá đầy đủ những gắn bó thân thiết của người B Hoà với rạp hát Biên Hùng
Hồi học lớp nhất C trường Nữ Tiểu Học với cô Ngọc Anh tôi đã được vào rạp Biên Hùng lãnh thưởng và trình diễn điệu múa bài Trưng Nữ Vương ( năm học 1961-1962) Trường Trung học Ngô Quyền cũng có nhiều năm tổ chức văn nghệ phát thưởng cuối năm ở rạp Biên Hùng
Ba Má tôi cũng dẫn tụi tôi đi coi cải lương Thanh Mình Thanh Nga , coi xong còn ra hậu trường xin hình , xin chữ ký nghệ sĩ Thanh Nga …Có những lần đi coi Đại Nhạc Hội Tùng Lâm về khuya đi bộ về nhà trên đường Quốc lộ 1 , đường khuya vắng tanh hai bên đồng ruộng vừa đi vừa nghịch bắt dế cơm
Những kỷ niệm thân yêu với gia đình với quê hương còn trong ký ức không phai mờ . Cám ơn người viết bài này đã lưu giữ những kỷ niệm đẹp của người B Hoà với rạp hát B Hùng một thời dấu yêu …( N.T.N)
 
Ký ức về rạp hát Biên Hùng (Biên Hoà) trước 1975
Cuối tuần, tôi tình cờ đọc một bản tin đã cũ: Rạp hát Biên Hùng (sau 1975 đổi tên là Nam Hà) của Biên Hòa quê tôi đã chính thức bị tháo dỡ vào tháng 7-2019 để chuyển đổi mục đích sử dụng tại khu vực trung tâm đắc địa nhất của thành phố.
Dẫu biết rằng theo quy luật vô thường : Thành-Trụ-Hoại-Diệt, vạn vật đều phải đổi thay theo thời gian, nhưng tôi vẫn không tránh được cảm xúc bùi ngùi luyến tiếc trước sự biến mất của một rạp hát đã mang lại cho tôi nhiều ký ức đẹp.
Tôi không biết rõ rạp Biên Hùng được hình thành từ lúc nào, nhưng khi tôi sinh ra, rạp đã hiện hữu và đã gắn bó với tôi trong suốt quãng đời niên thiếu.
Vào thời ấy, không Video, không Internet, không Karaoke, nên ngoài việc nghe Radio, xem TV, thì đi xem xi nê là một cách giải trí phổ biến của người Biên Hòa, từ người bình dân lao động cho đến giới trí thức, từ học sinh sinh viên cho đến quân nhân công chức.
Tôi đã có không ít kỷ niệm với rạp Biên Hùng vì nhiều lý do. Trước hết vì đó là rạp xi nê gần nhà và tọa lạc trên con đường tôi đi học đến trường (Ngô Quyền) hàng ngày. Thi thoảng khi nhàn nhã trên đường đi học về , tôi thường dừng lại trước rạp một lúc , chỉ để ngắm các tấm Pa-nô vẽ quảng cáo, các bích chương in màu cho cuốn phim đang chiếu tại rạp hay xin các cô chú quen các tờ chương trình .
Những năm đầu thập niên 70, Biên hòa có thêm một số rạp mới, hiện đại hơn như : rạp Khánh Hưng đường Trịnh hoài Đức, rạp Lido đường Hàm Nghi, rạp Thanh Bình ở Vườn Mít, nhưng có thể nói rạp Biên Hùng là rạp xi nê tôi đã xem nhiều phim nhất trong thời niên thiếu trước 1975 của tôi.
Lúc ấy, rạp Biên Hùng chỉ chiếu phim theo xuất, không phải rạp thường trực. Rạp không có máy lạnh, chỉ có gắn nhiều quạt trên trần cao. Không có ghế nệm, chỉ có ghế gỗ. Hàng tuần, mỗi thứ tư, rạp thường thay đổi Pano để giới thiệu bộ phim mới. Cách quảng cáo phim mới của rạp Biên Hùng cũng rất đặc biệt là dùng xe ngựa , trên xe có người đánh trống "tùng xèng" để tạo sự chú ý của mọi người, hai bên thành xe gắn hai tấm Pano về những cảnh action của phim . Mấy đứa trẻ con chạy theo xe hò hét vang trời cố xin cho được tờ chương trình xanh đỏ trắng vàng .Về sau, rạp không dùng xe ngựa mà thay vào đó là xe Lambretta có loa phóng thanh để quảng cáo.
Ngoài việc chiếu phim, rạp còn là nơi tổ chức các sự kiện khác như các buổi lễ phát thưởng cho học sinh giỏi, tổ chức đại nhạc hội, và nhất là nơi hội tụ của các đoàn cải lương nổi tiếng như Dạ lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga, Hương mùa thu, Kim Chung...Người dân Biên Hòa lúc ấy rất yêu chuộng cải lương, họ đi xem rất đông nhất là trong dịp lễ , tết. Có lần tôi nài nỉ xin Mẹ cho đi xem cải lương ở sân khấu thật ngoài đời một lần cho biết, xem có khác gì với cải lương trên TV không? Rồi cơ hội cũng đến, có người tặng Ba tôi một cặp vé mời của đoàn Hương Mùa Thu với dàn nghệ sĩ nổi tiếng: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan , Văn Hường ...trình diễn vở tuồng xã hội "Tuyệt tình ca". Rạp đông nghịt người, mọi người vừa phe phẩy quạt trên tay, vừa say mê theo dõi vỡ diễn. Lúc nghệ sĩ Út Trà Ôn trên sân khấu vô vọng cổ, là lập tức khán giả im phăng phắt để lắng nghe từng câu, từng lời, từng cách nhả chữ, luyến láy, đến khi ông xuống vọng cổ thì lập tức cả khán phòng vỗ tay tán thưởng vang dội...không khí thật vui và vô cùng phấn khích.
Nếu bên trong rạp, những bộ phim hay, những tiết mục văn nghệ hấp dẫn đang làm khán giả say mê, thì bên ngoài rạp, các chủ hàng quán cũng đang tất tả chuẩn bị mọi thứ để phục vụ khách. Phía ngoài rạp , trên đường Hưng Đạo Vương có quán hủ tíu nổi tiếng " Cây trứng cá " và quán cháo Tiều " Liên Viên Viên" , là nơi các nghệ sĩ thường đến ăn khuya sau giờ trình diễn . Ngay trước quán hủ tíu "Cây trứng cá”, có hai xe bánh mì, trong đó nổi bật có bánh mì bà chín nổi tiếng rất là ngon. Bánh mì nóng giòn với phần nhân thịt xá xíu, chả lụa, pate, bơ Bretel, dưa leo, hành ngò, ớt xắt. Điểm nhấn của bánh mì bà chín là nước sốt pha chế bằng tương xay đặc biệt gia truyền, rất hài hòa ăn ý với phần nhân bên trong. Mỗi lần xem phim, gia đình tôi đều ghé qua để mua bánh mì của bà. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên được hương vị bánh mì sốt tương đặc biệt của bà chín Biên Hùng.
Ngày nay, nếu muốn xem bất cứ phim nào từ cổ chí kim, tôi chỉ cần vào Youtube hoặc Netflix là tha hồ thưởng thức “Movie on line" tại nhà, không cần đến rạp. Nhưng làm sao tôi có thể tìm lại được cái cảm giác thú vị được hưởng không khí đi xem xi nê sôi động của ngày xưa , cái cảm giác ngồi bên cạnh những người xa lạ nhưng lại có cùng chung các cung bậc cảm xúc về bộ phim, được lắng nghe những tiếng nấc khe khẽ sụt sùi cảm thương cho thân phận của nhân vật, cùng với những trận cười thoải mái muốn vỡ rạp trước những tình tiết gây cười, hoặc những cảm giác run rẩy hồi hộp nghẹt thở trong những pha hành động gây cấn, hay những cảm giác phấn khích trước những pha Kungfu tuyệt đẹp...Cuối cùng là cảm giác bồi hồi tiếc nuối lúc hết phim , khi mọi người đứng dậy ra về, nghe tiếng ghế gỗ xếp đồng loạt bật lên nghe "rào rào lách cách" như tiếng pháo nổ , nhất là khi đã về đến nhà, mà các nhân vật và tình tiết trong phim vẫn theo mình vào trong giấc ngủ thậm chí còn vương vấn đến mấy ngày sau.
Gần như người dân Biên Hòa xưa, không ai chưa một lần đến rạp hát Biên Hùng - một điểm giải trí rất bình dân, rất văn nghệ - tuy lúc nào cũng đông đúc náo nhiệt nhưng khán giả đến đây luôn có phong thái hiền hòa lịch sự, ăn mặc đẹp và tươm tất , luôn ý thức giữ vệ sinh chung và không gây mất trật tự nơi công cộng . Nếp ứng xử này tượng trưng cho sự lịch lãm trong phong cách của người Biên Hòa lúc bấy giờ.
Thật buồn thay, kể từ tháng 7/2019, sau một thời gian dài tồn tại, rạp Biên Hùng- một biểu tượng văn hóa lâu đời của Biên Hòa - đã chính thức bị xóa sổ. Tuy không còn tồn tại, nhưng tôi tin chắc rằng hình ảnh thân quen, bình dị , gần gũi , dễ thương của rạp Biên Hùng gắn liền với bao kỷ niệm đẹp vẫn còn lưu lại mãi mãi trong tâm tưởng , trong nỗi nhớ , trong hoài niệm của những người dân Biên Hòa quê tôi qua nhiều thế hệ, vì đó là cái hồn văn hóa của người dân bản địa, không dễ gì xóa đi được.
HIỆP PHAN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tám 2013(Xem: 14892)
Vài con chim sẻ ríu rít trên cây gõ lâu đời. Chiếc ảnh lớn bằng sứ của người mà đời sống đã dính liền với đời của Dưỡng trí viện như sáng lên,
07 Tháng Năm 2013(Xem: 16634)
Buổi sáng tinh sương ở Biên Hòa vào khoảng tháng Tám bao giờ cũng lạnh so với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi chẳng những ở về phương Bắc lại còn là chốn khởi đầu của núi rừng miền Nam.
08 Tháng Tám 2012(Xem: 20499)
Di tích lịch sử Thành Kèn được xây dựng từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là công trình kiến trúc quân sự đặc sắc có niên đại sớm ở Đồng Nai và vùng phụ cận.
23 Tháng Năm 2012(Xem: 17478)
Tôi cảm thấy ấm lòng vì trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi tìm lại được sự nồng ấm của tình thầy trò. Trong một xã hội băng hoại về mọi mặt hiện nay, những người học trò cũ của tôi vẫn còn giữ được tinh thần tôn sư trọng đạo. Điều này khiến tôi nghĩ rằng mình đã không sai lầm khi chọn nghề dạy học.
14 Tháng Tư 2012(Xem: 16371)
Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định Đồng Nai thì về A li hò lờ !A li hò lờ ! Đường về xứ bạn không xa Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hoà