Vài con số về người Việt nam sinh sống tại Úc
Khi bạn đọc bài này, có lẽ dư âm của quốc khánh Úc 26.1 chưa phai. Quốc khánh Úc -- tên chữ Anh là Australia Day -- là một ngày nghỉ cuối cùng của dân cày trước khi học sinh trung và tiểu học tại Úc trở lại trường để bắt đầu năm học mới. Quốc khánh Úc không những là ngày nghỉ cho dân cày mà còn là dịp để chính phủ Úc ban tặng huy chương và tước hiệu cho...dân Úc. Năm nay, trong danh sách dài ngoằn này xuất hiện ít nhất một danh tính Việt nam: Ông Quan Van Tran ở Victoria được tưởng tưởng huy chương OAM, tức là The Order of Australia.
Trong phần tưởng lục công trạng, chính phủ Úc ghi ơn ông Quang Van Tran, OAM vì đã phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Úc. Như thế không phải người Việt sinh sống tại đây đã thành một phần trong dân Úc hay sao? Ở nơi đây, ranh giới giữa người Việt và người Úc rất là nhoè nhạt. Vì thế, hôm nay xin mỡ sách Australia Yearbook 2011 để trình bày sơ lược về người Úc mang giòng máu Việt và (một số) còn tiếng Việt ở nơi đây.
Úc đất nước của dân tứ xứ. Hiện nay cứ bốn người sinh sống nơi đây thì có một sinh ở quốc gia khác. Ngoài ra, gần hết người sinh ra tại đây cũng chỉ là thế hệ thứ nhì thứ ba của cha mẹ di dân và tị nạn. Theo chiếc đồng hồ dân số Úc của viện Thống kê, vào lúc 11 giờ thứ Năm 27.1.2011 đang có 22,544,171 người Úc. Trong số này, có khoảng 2.4 triệu xứng danh là 'Úc rặc' (Aborigines and Torres Strait Islanders) vì tổ tiên của họ sinh sống nơi đây từ thủa hoang sơ mơ mộng. Và theo kết quả kiểm kê dân số năm 2006, có thể nói có ít nhất 173,300 người mang giòng máu Việt Nam sinh sống ở nơi đây. (Nếu nói theo con số vào năm 2008 thì người Việt Nam tại Úc lên đến 193.3000 người). Trong số này, người Việt nam có cha lẫn mẹ sinh tại Việt Nam là 162,600 người ; có cha hoặc mẹ sinh tại Việt Nam là 3,700 người và cả cha lẫn mẹ không sinh ra tại Việt nam là 1,100 người.
Trên nước Úc rộng 7.692 triệu cây số vuông này, người ta nói gần 400 thứ tiếng, trong số này có hơn 270 thứ tiếng của dân bản địa. Đặc biệt có hơn 3 triệu người Úc không nói tiếng Anh ở nhà. Đông nhất là người Úc nói tiếng Ý tại nhà. Rồi kế tiếp là tiếng Hy lạp, Quảng đông, Ả rập, Trung hoa phổ thông. Đứng hàng thứ sáu là 194 ngàn người nói tiếng Việt tại nhà. Nếu đi thêm vào chi tiết, chúng ta còn thấy trong số người nói tiếng Việt tại nhà có khoảng 30% là người sinh ra tại Úc. Con số này cho thấy nỗ lực của gia đình người Việt Nam đang giữ tiếng nói cha ông ở nơi đất khách. Xin cám ơn cha mẹ và thầy cô đang tận tuỵ giúp hậu duệ giữ lại tiếng nói Việt Nam. Tại Úc, đông người Úc sinh ra ở nơi đây không nói tiếng Anh trong gia đình là người Hy lạp (52.8%). Kế tiếp là người Ả rập (42.9%), Thổ nhĩ kỳ (42.3%) và Ý (42.1%).
Một mặt giữ gìn tiếng nói và nếp sống của mình nhưng mặt khác người Việt tại Úc được coi là lớp người nhanh chóng hội nhập vào nhịp sống của đất nước này. Người Việt Nam đứng vào hàng thứ ba có tỷ lệ cao nhất nhập quốc tịch Úc (chỉ sau người gốc Hy lạp và Lebanon). Nhưng tính số đông thì người Việt nam chỉ đứng vào hạng 12. Trong năm 2008-90, chỉ có 1,519 người Việt Nam vào quốc tịch Úc (ít hơn người Anh, Ấn độ, Trung quốc, Nam Phi, New Zealand, Phi luật tân, Sri Lanka, Iraq, Mã lai, Bangladesh và Afghanistan).
Nói về tôn giáo thì hai nhóm đông người nhất tại Úc cho mình thuộc về Thiên Chúa giáo (26% Công giáo, 19% Anh giáo và 19% thuộc các hệ phái Thiên Chúa giáo khác) và không cho biết mình thuộc về tôn giáo nào (31%). Riêng đối với người sinh tại Việt nam, khi đánh dấu phần tôn giáo của mình trong cuộc kiểm kê dân số năm 2006, đã có 22% cho biết theo Phật giáo.
Ổ trên có nói người Việt Nam có tỷ lệ vào hạng cao khi gia nhập quốc tịch Úc. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ ngang bằng với tỷ lệ trung bình của di dân đến đây. Điều này có thể dùng làm dấu hiệu cho thấy vài nét sinh hoạt khác của người Việt hội nhập vào nếp sống ở nơi đây.
Trong khi chờ đợi có nghiên cứu riêng biệt về người Việt Nam tại Úc, ta có thể nói người Việt ở nơi đây có thể lập gia đình trễ hơn ở quê nhà. Tại Úc tuổi trung bình của chú rễ là hơn 31 tuổi tí tẹo và tuổi trung bình của cô dâu là hơi nhích qua 29 tí xíu. Đau buồn thay! Khoảng 2.2% đám cưới tại Úc bị tan vỡ bằng thủ tục ly dị. Nhưng tỷ lệ này bị coi là cao hơn trong nhóm người Việt nam ở nơi đây. Trong số người di dân đến Úc tỷ lệ tan vỡ gia đình trong lớp người Việt nam bị coi thuộc vào hạng cao, nếu không nói là cao nhất.
Điều này làm cho không những cộng đồng người Việt lo ngại mà ngay đến nhân viên xã hội của Úc phải ra sức tìm hiểu nguyên do. Mong ước chúng ta tìm được nguyên do 'vì đâu nên nỗi?' để cùng nhau hàn gắn vết thương tâm này.